Chuột quý và chuột có hại

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng     19/02/2008

 

Những bài cùng tác giả

Bài liên quan:

      Nói đến chuột ta đều thấy sợ hãi. Chuột thuộc Bộ gặm nhấm (Rodentia) và dẫn đến thiệt hại rất lớn cho mùa màng, phá hủy quần áo, sách vở, làm ô nhiễm thức ăn và nhất là làm truyền lan những mầm bệnh nguy hiểm như bọ chét mang vi khuẩn gây bệnh dịch hạch (Yersinia pestis). 


      Chuột nhà                                      Chuột nhắt                                     Chuột chù

                                   

      Nhưng lại có những loài chuột giúp ích rất lớn cho y học. Đó là các động vật thực nghiệm lý tưởng để tiến hành các thực nghiệm có liên quan đến mạng sống của con người. Chuột thí nghiệm được nuôi cấy trong những điều kiện rất tốt và rất tiêu chuẩn. Các loài chuột thí nghiệm phổ biến là: Loài chuột trắng dùng phổ biến trong các phòng thí nghiệm y học và sinh học được tạo ra từ loài chuột nâu có tên khoa học là Rattus norvegicus (Berkenhout, 1769) thuộc phân họ Murinae, họ Muridae.. Loài chuột này được tạo ra tại Viện Wistar vào năm 1906 bởi nhóm các nhà khoa học Henry Donaldson, Milton J. Greenman và Helen Dean King. Vì thế trong tiếng Anh loài này còn được gọi bằng cái tên Wistar rat. Cơ thể trưởng thành của loài này nặng 250-300g (con cái) và 450-520g (con đực). Trong điều kiện nuôi dưỡngloài này có thể sống 2,5-3,5 năm. Loài chuột thí nghiệm phổ biến thứ hai là Chuột lang (Guinea pig), tên khoa học là Cavia porcellus (Erxleben, 1777) thuộc phân họ Caviinae, họ Caviidae. Loài chuột thí nghiệm thứ ba chính là C nhà - Mus musculus Linnaeus, 1758  

      Thành phần máu chuột gần giống như máu người, trung bình chuột cống trắng có trên 1 triệu hồng cầu và 9.700 bạch cầu, do đặc tính này, một số loài chuột  được dùng làm đối tượng thực nghiệm trong y học. Đó là các loài chuột lang, chuột cống trắng và chuột nhắt trắng, chuột nâu. Năm 1895, tại Đại học Clark (Hoa Kỳ) người ta sử dụng chuột làm mô hình nghiên cứu sinh lý học. Qua nhiều năm sau chuột thực nghiệm đã được chọn lọc và nuôi dưỡng theo những quy trình nghiêm ngặt. Mục tiêu chính là qua chuột thực nghiệm để hiểu rõ hơn về bản chất của di truyền, của bệnh tật  cũng như về hiệu quả hoặc các tác động xấu của dược phẩm đối với cơ thể sinh vật. Chuột thực nghiệm giúp ích rất nhiều cho các nghiên cứu tâm lý học và các quá trình tư duy  Trí nhớ của chuột thật đáng ngạc nhiên. Chúng biết rút kinh nghiệm và hết sức khôn khéo. Tôi đã có dịp đến thăm phòng thí nghiệm sinh lý học của GS. Nguyễn Văn Chuyển ở Tokyo (Nhật Bản). Ông đã cho tôi xem các thí nghiệm thử dùng các thức ăn đặc biệt hoặc dược phẩm để làm tăng trí nhớ của chuột. Những con có kết quả dương tính là những con biết rằng nếu chạy ra mép chuồng khi thấy bật đèn (hay bấm chuông) thì sẽ bị giật vì điện. Chúng đứng yên tại chỗ khi thấy bật đèn (hay chuông reo).

      

      GS.Nguyễn Văn Chuyển và các sinh viên của ông tại Đại học Phụ nữ Tokyo (Tokyo Women's University).

        Loài Chuột nâu (brown rat, common rat, Norway rat, Norwegian, wharf) có tên khoa học là Rattus norvegicus là loài phổ biến rất rộng rãi trên thế giới. Năm 1769 John Berkenhout đăt ra cái tên khoa học này vì tưởng rằng chúng được xâm nhập vào Anh từ Na Uy (thật ra khi đó loài chuột này không có ở Na Uy mà nhập vào Anh từ Đan Mạch). Người ta cho rằng nguồn gốc của chúng từ miền Bắc Trung Quốc . Từ loài này người ta chọn ra các chủng Chuột trắng thích hợp để nuôi làm động vật thực nghiệm mô hình phục vụ nghiên cứu y học và sinh học. Khi nghiên cứu về di truyền thì chuột Rattus (rats) tốt hơn là Mus (mouse, số nhiều là mice).Tính thông minh , thật thà, hung hãn và thích ứng của Rattus thường cao hơn so với Mus. Về tâm lý học nhiều nghiên cứu cho thấy rất gần gũi với người. Những chủng chuột nâu được dùng nhiều trong phòng thí nghiệm là các dòng có tên là Wistar rat, Sprague Dawley, Fischer 344 , Holtzman albino , Long-Evans và chuột đen Lister ….Rất nhiều genome của Rattus norvegicus đã được giải trình tự .


  Chuột nhắt                     Chuột lang (Guinea pig)          Chuột đã được nhân bản

    Chuột cống trắng               Chuột nhắt trắng                   Chuột nâu

Chuột béo phì

      Chuột nhắt (Mice) cũng rất phổ biến trong các phòng thí nghiệm y học và sinh lý học, tâm lý học vì chúng là loài thú có tính đồng đẳng cao với người. Genome của mice cũng đã được giải trình tự đầy đủ và trên nhiều mức độ rất giống với người. Chúng cũng là động vật thực nghiệm mô hình phổ biến như Rats. Chuột nhắt nhỏ bé, nuôi ít tốn kém lại sinh sản nhanh. Nhièu thế hệ chuột nhắt có thể theo dõi trong một thời gian ngắn. Đáng tiếc là nhiều loài chuột nhắt hay bị biến đổi

      Có thể kể ra vô vàn ví dụ về việc thử nghiệm hiệu quả điều trị cho người bằng cách đưa mầm bệnh và dược phẩm vào cơ thể chuột thực nghiệm. Các nhà khoa học Mỹ (2002) đã tiêm loại thực khuẩn thể (bacteriophage) tương ứng vào những con chuột đã cho nhiễm cầu khuẩn ruột kháng Vancomycin, chúng đã hoàn toàn sống sót trong khi các con chuột không được tiêm thực khuẩn thể đã chết sau 48 giờ.

      Các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Pháp đã nhân bản (cloning) thành công phiên bản của một số chuột cống trắng (rat), cả đực và cái. Đây là loài động vật máu nóng được sinh sản vô tính sau cừu, chuột nhắt (mouse), gia súc, dê, lợn, mèo, la và ngựa.Thành công này sẽ giúp ích cho việc nghiên cứu bệnh tật ở người, bằng cách tạo ra các con vật mang bệnh giống người. Chuột được sử dụng để nghiên cứu bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và một số loại rối loạn thần kinh. Thành công này mở đường choi việc thay thế các gen cần thiết để tạo ra các mô hình tương ứng về bệnh tật ở người và sau đó tìm cách điều trị các bệnh này.

      Chuột nhắt thuần chủng Swiss cũng thường được dùng để gây viêm rồi thử tác dụng chống viêm của một số loại enzim. Việc thử nghiệm các dược phẩm khác trên chuột thực nghiệm cùng dựa trên các phương pháp tương tự. Ví dụ việc thử nghiệm thuốc chống sốt rét sản xuất trong nước là Dihydroartemisinin-piperaquin trên chuột được nhiễm ký sinh trùng sốt rét đã cho hiệu quả rất tốt.Thực nghiệm trên chuột cống trắng và chuột nhắt đã chứng minh được Đan Sâm có tác dụng làm giãn động mạch vành, khiến lưu lượng máu của động mạch vành tăng rõ, cải thiện chức năng tim, hạn chế nhồi máu cơ tim, chứng minh được thuốc  có tác dụng tăng hoặc kéo dài tỷ lệ sống trong điều kiện thiếu oxy.Việc thiết lập mẫu nghiên cứu sinh lý tim dưới tác dụng của Estrogen cũng đã được thực hiện thành công trên chuột nhắt (mice). Việc thử nghiệm hiệu lực và tính an toàn các loại vắc xin không thể thiếu được quá trình tiến hành trên chuột thực nghiệm và các động vật thực nghiệm khác…

      Một nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: một lô chuột nhắt trắng bị chiếu xạ với liều 900R. Thông thường, lô chuột này sẽ chết sau 6 ngày; nhưng nếu được tiêm tế bào gốc, chuột có thể sống tới một tháng. Đó là kết quả thí nghiệm mới nhất của nhóm nghiên cứu do GS.TS Nguyễn Mộng Hùng  đứng đầu. "Trước đó chúng tôi đã phân lập, nhân nuôi và duy trì tế bào gốc phôi chuột được 4 tuần. Từ một vài chục tế bào gốc ban đầu, chúng tôi đã nhân lên được hàng vạn tế bào"- GS Hùng cho biết. Trong thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu đã phân lập và nhân nuôi đạt đến mật độ 106 tế bào /ml, sau đó họ tiêm dung dịch có tế bào gốc này vào ven đuôi chuột. Tia R phá hủy các chức năng sinh học, đặc biệt các tế bào máu và mô tạo máu. Nhưng tế bào gốc được tiêm vào chuột đã có tác dụng phục hồi mô máu"- GS Hùng giải thích. "Khi tủy xương bị tổn thương thì lách tham gia vào quá trình tạo máu, thay thế một phần chức năng của tủy xương. Với lô chuột được tiêm tế bào gốc, chúng tôi đã thấy sự thay đổi cấu trúc hiển vi của mô lách - các tế bào gốc phôi đã thực sự biệt hóa thành các tế bào gốc tạo máu. Tế bào gốc là những tế bào cơ sở cho tất cả các cơ quan, mô và tế bào trong cơ thể. Chúng giống như những con chíp vi tính còn trắng, có thể được đặt chương trình để thực hiện một số nhiệm vụ chuyên hóa nào đó. Trong điều kiện thích hợp, tế bào gốc bắt đầu phát triển thành các mô và cơ quan chuyên hóa. Đặc tính này khiến tế bào gốc trở thành lĩnh vực đầy hứa hẹn trong việc cung cấp các tế bào cho điều trị bệnh suy giảm chức năng, như alzheimer, ung thư, parkinson, tiểu đường typ I, các bệnh về tim mạch..."

 

Chuột biến đổi gen

     Chuột được biến đổi gen nhờ kỹ thuật di truyền được gọi là Knockout mouse. Vì chuột thực nghiệm có nhiều đặc điểm sinh lý học gần gũi với cơ thể người cho nên đã được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu phục vụ y học.

      Con chuột knockout đầu tiên đã đươc tạo ra bởi Mario R. Capecchi, Martin Evans và Oliver Smithies trong khoảng thời gian 1987-1989. Công trình này vừa được nhận giải thưởng Nobel  năm 2007. Thành tựu về công nghệ này được đăng ký  trong Lexicon Pharmacenticalds và cũng được nhận bằng phát minh tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác.Rất nhiều chuột knockout đã được sử dụng có hiệu quả để làm mô hình nghiên cứu các bệnh ung thư, tiểu đường, liệt rung (Parkinson), béo phì, viêm khớp, u uất,…. Các con chuột mang gen tái tổ hợp này còn là hết sức cần thiết để đánh giá các dược phẩm và các liệu pháp điều trị . Nhiều chủng chuột knockout rất nổi tiếng, chẳng hạn như chuột p53 dùng để nghiên cứu ức chế ung thư, chuột Methuselah dùng để nghiên cứu việc kéo dài tuổi thọ, chuột Frantic dùng để nghiên cứu một số bệnh tâm thần…

          Chuột đồng (Rattus argentiventer ) còn có giá trị dinh dưỡng cao và là một món ăn ngon của đồng bào ta, nhất là đồng bào hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Theo nhà báo Phạm Văn Rớt (www.vae.org.vn) thì  Hải Thượng Lãn Ông cho biết thịt chuột đồng có thể dùng để chữa trị các vết thương khi bị ngã, bị đánh. Bỏ chuột vào nồi đậy kín, thiêu tồn tính, lấy tro đó uống sẽ trị hết bệnh suyễn. Có người uống cả con, bằng cách nuốt chửng. Chuột con được dùng làm thuốc trị bỏng, bỏ vào nồi đất thiêu tồn tính như trên, lấy tro hoà với vaselin bôi lên vết bỏng. Các cụ thường bắt ổ chuột con mới sinh còn đỏ hỏn, ngâm rượu uống, trị bệnh tức lói.

 

Cách nấu món thịt chuột

      Với cây nhà lá vườn, chuột được chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn như: chuột khìa nước cốt dừa, chuột rô ti, chuột ''om'' nồi đất, chuột xé phay...Thịt chuột mềm, nhiều mỡ. Muốn ăn phải ''thui'' hay trụng nước sôi rồi lột da, cắt bỏ đầu, mổ bụng, bỏ hết bộ lòng chỉ để lại lá gan.  Dân làm chuột chuyên nghiệp cho rằng muốn làm chuột ngon phải ngâm nước lột da lúc còn sống. Thông dụng nhất là chuột rô- ti ăn với cải xà lách. Sau khi lột da chuột, rửa sạch để ráo nước, ướp sa tế, ngũ vị hương, gia vị rồi chiên vàng.Chuột ''om'' nồi đất làm giống như thịt rừng nướng, nhưng không ướp gia vị, con chuột to bè như lòng bàn tay, ứa mỡ vàng ướt sủng, thơm lừng, chấm với nước mắm đồng trong thả mấy trái ớt hiểm đỏ, xanh, ăn kèm rau răm.Thịt chuột xé phay gồm một đĩa đùi chuột béo trắng, bốc khói.  Khi ăn gắp nguyên đùi chuột nhúng vào lẩu cơm mẻ đang sôi kèm rau sống, chuối chát thái mỏng.Món ngon nhất là: ''chuột khìa nước dừa''. Chuột lột da rồi khoét một lỗ nhỏ dưới bụng, móc hết ruột ra. Thịt chuột băm nhuyễn trộn hành tỏi, ngũ vị hương, đường, muối, bột ngọt đem dồn vào bụng chuột, chiên cho vàng rồi vớt ra sắp vào cái xoong có lớp lang. Dùng nước dừa đổ vào ngập chuột, bắc lên bếp để lửa liu riu, đến khi nước sắc lại còn sền sệt thì đổ nước cốt dừa vào; chụm lửa cho sôi lại, rồi nhắc xuống, rắc đậu phộng rang lên. Khi ăn, có hai cách: Sắp cải xà lách, rau thơm, cà chua ra đĩa, gắp chuột để lên trên. Hoặc múc ra tô chấm với muối, chanh, tiêu hay nước chấm tỏi, ớt. Nổi tiếng nhất có lẽ là món chuột bao tử mà Từ Hy Thái Hậu đãi các sứ thần phương Tây vào năm Canh Tý 1874. Chuột đồng bắt về nuôi ăn bằng gạo trộn trứng gà và các vị thuốc bổ, cho uống nước sâm và nước lê ép. Mỗi ngày chuột được tắm rửa bằng nước trầm hương cùng các hương liệu hảo hạng. Duy trì chế độ nuôi như thế đến đời thứ ba, lứa con cháu của các con chuột trên, lúc bấy giờ người ta mới chế biến món chuột bao tử. Đầu bếp khéo léo bọc chuột vào bên trong.  
 

Chuột có hại và cách diệt

 Nói đến chuốt ta đều thấy sợ hãi. Chuột thuộc Bộ gặm nhấm (Rodentia). Bộ này có tới 1500 loài khác nhau, chiếm đến 37,5% tổng số tất cả các loài động vật có vú. Phần lớn chúng thuộc về hai họ Muridae và Cricetidae. Chuột nhà có loài lớn với tên khoa học là Rattus rattus flavipectus, có loài chuột nhắt với tên khoa học là Mus musculus ,có loài chuột chù nhà rất hôi với tên khoa học là Suncus mirinus,chuột đồng lớn là loài Rattus argentiventer .

  Không ít loài chuột dẫn đến những thiệt hại rất lớn cho mùa màng, phá hủy quần áo, sách vở, làm ô nhiễm thức ăn và nhất là làm truyền lan những mầm bệnh nguy hiểm như bọ chét mang vi khuẩn gây bệnh dịch hạch (Yersinia pestis). Những con chuột chù hôi hám mà chui vào tủ sách, tủ áo , thậm chí chui vào chạn bát đĩa thì không sao chịu nổi. Nhiều nhà đành chấp nhận nuôi mèo nhưng chăm sóc, dọn dẹp cho mèo, treo thức ăn để tránh mèo xơi cũng là chuyện đâu có đơn giản.

      Với sân bay chuột là một mối đe dọa rất nguy hiểm . Nếu nhưcác loại dây nhợ, thiết bị điện tử mà bị chuột cắn gây chập cháy không chỉ gây ra thiệt hại về tài sản, về vật chất, mà nguy hiểm hơn còn làm ảnh hưởng tới việc vận hành của ga, thậm chí là sự an nguy của mỗi chuyến bay. Ông Phạm Văn Thịnh - Phó GĐ Trung tâm cảnh báo: "Nếu không cảnh giác, bọn chuột nó còn chui cả vào trong máy bay. Lúc đó thì chẳng khác gì máy bay có không tặc".     

      Chuột sinh sôi nảy nở hết sức nhanh chóng. Chẳng hạn một đôi chuột cống có thể sau một năm sinh ra một đàn con, cháu, chắt đông đến 800 con, sau 3 năm nếu không bị hạn chế sẽ có thể sinh ra 20 triệu con. Một con chuột sau một năm có thể ăn hết 20kg lương thực. Chuột có thể phá hoại hết một phần ba ruộng lúa một cách nhanh chóng. Không nên dùng bả hóa học để diệt chuột vì có thể gây chết chó mèo và cả người nữa. Cũng không nên bẫy bằng điện 220V vì gây chết người dễ như chơi. Chỉ có thể dùng các biện pháp bắt chuột, bẫy chuột hoặc dùng các loại bả sinh học. Đó là chế phẩm Biorat dùng loại vi khuẩn không gây hại cho các sinh vật khác. Nhiều loại bẫy chuột kim loại và tấm dính chuột đã không ngừng được cải tiến Trong trường hợp cần thiết có thể dùng một số bả hóa chất như Warfarin 0,05% hoặc Brodifacoum 0,005 - 0,01%, tốt nhất ở dạng thương phẩm như Klerat, Rat Killer (RAT-K).Thuốc  RAT-K thuộc nhóm chống đông máu, gây xuất huyết nội tạng và chuột bị chết sau khi ăn mồi 2-3 ngày. Chỉ cần 1 gói 10g thuốc đủ trộn với 0,5-1kg bả (thóc mầm, cua, tép…) và đủ diệt 300 chuột trên diện tích 2000-3000m2.Gần đây Trung Quốc làm ra "mèo điện". Đó là một bẫy điện thế chỉ đủ giết chuột chứ không đủ gây tác hại đến các sinh vật khác.

      Đối với chuột hại lúa có thể tham khảo kết quả của Dự án quản lý chuột hại bằng biện pháp sinh thái do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổ chức CSIRO và Viện IRRI thực hiện trên quy mô lớn ở đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung. Dự án được xây dựng trên cơ sở hướng đến quản lý chuột hại bằng hệ thống bẫy cây trồng cộng đồng và tổ chức các phong trào thu gom chuột; giảm việc sử dụng thuốc diệt chuột và không ảnh hưởng đến môi trường. Phải chuẩn bị địa điểm, giống trong bẫy cây trồng sẽ được gieo trước so với trà lúa xung quanh 15 - 20 ngày. Dụ chuột vào bẫy ở giai đoạn mạ mộng và làm đòng . Gieo lúa trong bẫy trước vụ chuột cái chưa sinh sản, bởi thời kỳ này nếu bắt được mỗi con chuột cái bằng diệt được 30 - 40 con chuột ở thời điểm thu hoạch. Thời điểm phòng trừ chuột là từ tháng 11 đến tháng 2, tháng 7 - 8. Còn với bẫy cộng đồng phải phòng trừ cả vụ. Thực hiện thường xuyên và liên tục đặt bẫy đến khi quần thể chuột giảm hẳn . Tại một số vùng, sau mùa lũ kéo dài chỉ có thể thực hiện bẫy liên tục ở hai vụ sau mà thôi. Với vụ lúa sau lũ, muốn tiến hành sớm hơn đại trà 15 - 20 ngày thì bắt buộc phải dùng máy bơm, bơm nước ra, làm bờ đôi chắc chắn. Thực hiện theo nhóm nông dân  có diện tích bẫy 500 đến 2.000 m2, với bẫy 1.000 m2 xung quanh  đặt 8 - 10 bẫy lồng. Trước tiên đào xung quanh diện tích làm bẫy rãnh hoặc mương để chứa nước  dẫn chuột vào ruộng lúa bằng bờ đắp hoặc lội nước. Vải nylon là hàng rào có chiều cao 1 m, may liền mép trên có luồn kẽm để buộc vào các cọc tre, mép dưới chôn sâu vào đất, chiều cao nylon khi dựng xong khoảng 0,8 m. Cọc tre có chiều cao 1,5 m, cắm chặt vào đất 0,5 m, cây cách cây 2,5 m (cọc tre cắm phía bên trong bẫy, tránh chuột leo vào ruộng lúa). Tạo những bờ đi khoảng 0,2 m qua ngang mương để tạo đường đi cho chuột vào bẫy. Bẫy lồng đặt bên trong, chèn kín ở miệng, lót rơm để tránh lồng ướt, mau hư.

      Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thì có 4 biện pháp để phòng chống chuột phá hại lúa:

- Biện pháp canh tác: Gieo sạ đồng loạt; hạn chế lúa chét; không để đất hoang hoá và nhiều lùm bụi; sau thu hoạch nên dọn sạch rơm rạ và đốt đồng để nhằm hạn chế nguồn thức ăn, nơi cư trú và sinh sản của chuột. 

- Biện pháp cơ lý: Chủ động diệt chuột ngay từ đầu vụ bằng hệ thống bẫy cây trồng, bẫy rào cản, săn bắt thủ công (dùng nước hoặc đào hang săn đuổi). Dùng bẫy lồng, bẫy đập bằng các kiểu bẫy sáng tạo của nông dân đặt ở các đường đi của chuột khi phát hiện thấy chuột. 
- Biện pháp sinh vật học: Bảo vệ các loài chim, thú, rắn... là các thiên địch của chuột để giữ cân bằng sinh thái. Cố gắng hạn chế sử dụng các hoá chất độc có hại cho người, súc vật và môi trường. Tăng cường nuôi các động vật như chó, mèo, trăn... ăn chuột.  
- Biện pháp hoá học là biện pháp làm giảm mật số chuột tức thì, cần tiến hành đồng bộ trên diện tích rộng để diệt chuột triệt để hơn. Nhóm thuốc hóa học có thể sử dụng là Fokeba, Zinphos (nên hạn chế sử dụng vì rất độc). Hiện nay, nông dân diệt chuột phần lớn bằng các hợp chất đông máu như Brodifacoum (tên thương mại Klerat, Forwarat), Bromadiolone (Killrat, Musal), Diphacinone (Yasodion), Warafin, Flocoumafen (Storm). Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng khi thật cần thiết và chỉ áp dụng một lần vào lúc lúa có đòng. Dùng thuốc xông hơi nên áp dụng cuối mỗi vụ luá: Tìm hang chuột còn hoạt động, dùng bột lưu huỳnh đốt và xông khói vào để giết chuột. 

      Gần đây lại nổi lên Ông Vua diệt chuột Trần Quang Thiều ở xã Văn Bình ,Thường Tín, Hà Tây.Đặc điểm của chiếc bẫy chuột của ông là có hình bán nguyệt với tính năng vượt trội: lực bật của lò xo mạnh, dây xâu quả đối trọng được uốn thành sợi có hai râu, không những giữ cho quả đối trọng luôn thăng bằng mà còn giúp bẫy rất nhạy (chuột chỉ đụng nhẹ vào thanh đối trọng là bẫy sập ngay lập tức) và khít (từ con chuột nhắt nhỏ như ngón tay út tới những con chuột cống nặng gần 3 kg, đã mắc bẫy là đều nằm chết dí). Cần quan sát đường đi lối lại của loài chuột trên đồng ruộng, trên dây điện, ống nước, trên cây cối, tường nhà…, ông phát hiện thấy chuột chỉ biết đi duy nhất một đường. “Cứ chịu khó nép người nhìn xuôi chiều ánh sáng là phát hiện ngay ra lối mòn do vết chân chúng để lại” - ông cho biết. Không chỉ vậy, nghiên cứu quy luật hoạt động của loài chuột trong suốt những năm qua, ông kết luận: Chúng rất thích ăn các loại ốc, nhái, giun đất và chỉ biết phân biệt mùi tanh của bùn (cứ thấy mùi này là tưởng thức ăn nên mò đến) chứ không phải như các nhà khoa học vẫn cho rằng loài chuột rất thích mùi thơm và hướng dẫn bà con nông dân dùng thịt lợn, khoai tây, cá nướng thơm phức để làm mồi bẫy.Với chiếc bẫy cải tiến không cần mồi trong 10 tháng đầu năm nay ông đã diệt được trên 1 triệu con chuột (!). Ông đã thành lập Công ty diệt chuột Quang Thiều với 30 nhân viên và đã thành lập được 2896 tổ diệt chuột ở các nhà máy,xí nghiệp, hợp tác xã…, cung cấp hàng vạn chiếc bẫy diệt chuột trên tất cả 64 tỉnh ,thành trong cả nước.

  

Ông Thiều và chiếc bẫy không mồi     Bẫy chuột được đặt nhiều nơi tại Cảng hàng không Nội Bài

Chuột hại lúa mỳ ở Australia

   Tại Australia thường cứ 4 năm lại có một đại dịch bùng nổ chuột (thường xảy ra vào cuối thời kỳ hạn hán). Mỗi vụ dịch như vậy có thể gây tổn thất tới 90 triệu USD cho các nông dân trồng lúa mỳ. các nhà khoa học thuộc Trung tâm CRC đang thử nghiệm sử dụng một loại virút biến đổi gen (GM) để gây vô sinh cho chuột cái mà không gây tác hại gì đến các sinh vật khác.

   Không thể chấp nhận sống chung với chuột, tất nhiên không kể các loài chuột thí nghiệm thuần chủng đang được sử dụng rộng rãi trong các phòng thí nghiệm y học, sinh học và tâm lý học.

      Nên dùng phương pháp bẫy chuột của ông Thiều hơn là các bả hóa học, nhất là các bả hay thuốc diệt chuột đưa từ Trung Quốc sang. Những loại này làm chết lây sang mèo và nhiều trường hợp đã làm thiệt mạng cả trẻ em (vì thuốc có màu đẹp , trông như kẹo).

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng