"Hải đường lả ngọn đông lân"

Vietsciences- Vĩnh Sính                  25/12/2009

 

Những bài cùng tác giả                    

Ở miền Bắc và miền Trung có một loài hoa đẹp nở vào đầu Xuân; thân và cành cây cứng cáp, cao vừa phải; hoa năm cánh màu trắng, đỏ thắm hay hồng tươi; nhụy hoa màu vàng đậm nhưng không có hương thơm. Dân gian quen gọi loài hoa này là hoa  "hải đường". Trong Từ điển tiếng Việt (1997) cây  "hải đường" được định nghĩa là  "Cây nhỡ cùng họ với chè, lá dày có răng cưa, hoa màu đỏ trồng làm cảnh". Từ điển Việt-Anh và Việt-Pháp thường dịch  "hải đường" là camellia/camélia.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhắc đến hoa hải đường hai lần nhằm gợi đến nàng Kiều : 

Hải đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.
[1]
(hàng 175-178)

Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng
.
(hàng 1283-1284)

Sự cách biệt giữa một cây mang tên là  "hải đường" có thân và cành cây cứng cáp mà tôi hằng thấy trong những khu vườn cổ ở Huế, với ấn tượng về một cây hải đường mảnh khảnh như đã được miêu tả qua những vần thơ trên đã khiến tôi thắc mắc trong một thời gian khá lâu. Không lẽ Tiên Điền tiên sinh lại miêu tả cây hải đường thiếu chính xác đến thế ? Niềm hoài nghi đó được giải tỏa khi chúng tôi tình cờ được thấy tận mắt cây hải đường đúng như tiên sinh đã miêu hoạ trong Kiều.  

Một sáng mùa Xuân cách đây đã có hơn 30 năm (ngày đó tôi còn là một du học sinh ở Nhật), khi đang đi bách bộ quanh khu cư xá du học sinh ở một vùng khá yên tĩnh ở Đông Kinh, tôi chợt thấy một cây hoa mảnh khảnh, cành trĩu hoa màu hồng tươi. Loài hoa này tôi chưa bao giờ thấy ở Việt Nam. Nhân có người đi qua, tôi hỏi hoa ấy tên gì. Ông ta bảo :  "Kaidô desu yo" (Hải đường đấy mà !). Không hiểu linh tính nào đó đã cho tôi biết kaidô đích thị là loài hoa hải đường  "lả ngọn đông lân" mà Nguyễn Du đã nhắc đến trong Kiều ! Cho đến bây giờ khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn chưa quên được cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng lúc đó khi vừa vỡ lẽ một điều thắc mắc đã ám ảnh tôi khá lâu.

  Đại từ điển tiếng Nhật Nihongo daijiten định nghĩa cây hải đường ở Trung Quốc (haitang) và ở Nhật (kaidô) như sau :

 "Cây nhỡ rụng lá, thuộc họ tường vi (rose) trồng làm cây kiểng trong vườn. Hoa nở vào tháng 4 dương lịch, sắc hồng nhạt. Loại có trái giống như quả táo tây, có thể ăn được. Cao từ 2 đến 4 mét". Cuốn từ điển này còn chua thêm là hoa hải đường dùng để ví với người con gái đẹp, đặc biệt khi muốn nói lên nét gợi cảm hay vẻ xuân tình. Theo  "Dương Quý Phi truyện" trong Đường thư, một hôm Đường Minh Hoàng ghé thăm Dương Quý Phi, nghe nàng còn chưa tỉnh giấc, nhà vua bảo :  "Hải đường thụy vị túc da ?", nghĩa là  "Hải đường ngủ chưa đủ sao ?" Trong văn học cổ Trung Quốc, cảnh hoa hải đường trong cơn mưa thường dùng để ví với dáng vẻ người con gái đẹp mang tâm trạng u sầu. Tên khoa học của cây hải đường là Malus spectabilis; tiếng Anh gọi là flowering cherry-apple (hay Chinese flowering apple, Japanese flowering crab-apple và nhiều tên khác nữa), tiếng Pháp gọi là pommier sauvage.

 

 

Hải đường (Malus spectabilis)

Như vậy tên tiếng Việt của cây camellia/camélia mà từ trước đến nay ta thường gọi lầm là  "hải đường" đúng ra phải gọi là gì ? Có người gọi camellia/camélia là hoa trà, hay trà hoa. Chẳng hạn, tiểu thuyết La Dame aux camélias của Alexandre Dumas (Dumas fils) trước đây có người dịch là  "Trà hoa nữ" hay  "Trà hoa nữ sử", và từ điển Việt Anh của soạn giả Bùi Phụng cũng dịch  "trà hoa" là camellia. Tuy dịch camellia là trà hoa (hay hoa trà) nghe có lý hơn là  "hải đường", nhưng theo thiển ý cũng chưa được ổn cho lắm vì hoa trà chỉ có màu trắng, trong khi đó camellia/camélia không chỉ có màu trắng mà còn có màu hồng và màu đỏ. Ta thử xem người Nhật và người Trung Quốc gọi camellia/camélia là gì. Tiếng Nhật gọi cây này là tsubaki, chữ Hán viết là  "xuân", gồm chữ bộ  "mộc" bên trái và chữ  "xuân" là mùa Xuân bên phải. Chữ  "xuân" dùng trong nghĩa này nghe quá lạ tai đối với người Việt. Người Trung Quốc gọi camellia/caméliashancha (sơn trà), sơn trà nghe cũng thuận tai và khá sát sao vì cây này cùng họ với cây chè (trà) và sơn trà nên hiểu là cây  "trà dại" hay một biến thể của cây trà. 

Đang phân vân chưa biết dùng từ nào trong tiếng Việt để dịch camellia/camélia cho thật sát nghĩa, chúng tôi lướt xem Truyện Kiều một lần nữa. Nào ngờ lời giải cho câu vấn nạn của chúng tôi đã có sẵn ngay trong đó : cụ Nguyễn Du trong tác phẩm bất hủ của mình cũng đã dùng hoa  "trà mi" nhằm ám chỉ nàng Kiều, và trà mi chính là từ tiếng Việt tương ứng với camellia/camélia :

Tiếc thay một đoá trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.

(hàng 845-846)

hoặc :

Chim hôm thoi thót về rừng,
Đoá trà mi đã ngậm gương nửa vành.

(hàng 1091-1092)
 

Nhưng do đâu chúng ta có thể khẳng định như thế ? Việt Nam Từ điển của Hội Khai trí Tiến đức giải thích về hoa  "trà mi" như sau :  "Thứ cây, có hoa đẹp, sắc đỏ, hoặc trắng, mà không thơm". Trà mi cùng họ với cây chè, có sắc đỏ hoặc trắng, và không có có hương thơm – đó chính là những đặc điểm của cây camellia/camélia mà chúng ta đã đề cập ngay ở đầu bài.  

Trà mi (Camellia)

 Một điều thú vị và rất đáng chú ý :  "trà mi" là một tên gọi thuần Nôm, không có trong chữ Hán ! Nói một cách khác, thay vì gọi  "sơn trà" như người Trung Quốc, ta chọn tên  "trà mi" là cách gọi riêng của người Việt. Trong ấn bản chữ Nôm của Truyện Kiều (bản Lâm Nhu Phu, 1870), hai chữ  "trà mi" được viết bằng hai chữ Nôm như sau : chữ  "trà" được viết với bộ  "dậu" với chữ  "trà" bên phải, và chữ  "mi" được viết với bộ  "dậu" với chữ  "mi" là cây kê bên phải (từ điển của Hội Khai trí Tiến đức mượn chữ  "mi" là lông mày trong chữ Hán để viết chữ  "mi" tiếng Nôm này). Trong Từ điển Truyện Kiều, học giả Đào Duy Anh trong phần văn bản viết hai chữ  "trà mi" là  "trà (đồ) mi" nhằm gợi ý  "trà mi" cũng có thể đọc là  "đồ mi", tuy nhiên trong phần  "Từ điển" lại giải thích là  "nước ta có hoa trà mi, nhưng khác với đồ mi của Trung Quốc". Theo thiển ý, hai chữ Nôm nói trên chỉ có cách đọc là  "trà mi" chứ không thể đọc là  "đồ mi", vì trong chữ Hán, loài  "cây nhỏ, cành lá có gai, đầu mùa hè nở hoa sắc trắng, hoa nở sau các thứ hoa cây khác" mà Đào tiên sinh đã giải thích về  "hoa đồ mi" trong cuốn Hán Việt từ điển do tiên sinh biên soạn, chính là hoa mâm xôi (Robus rosacfolius) trong tiếng Việt.  

Qua bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi hy vọng đã chứng minh được rằng cây hải đường mà chúng ta thường ngỡ là tương ứng với cây camellia/camélia trong tiếng Anh và tiếng Pháp kỳ thực là một loài cây có hoa khác, có tên khoa học là Malus spectabilis. Mặt khác, tên gọi tiếng Việt của hoa camellia/camélia đúng ra phải là trà mi.  

Trong Truyện Kiều, cụ Tiên Điền Nguyễn Du -- nhà thơ muôn thuở của dân tộc Việt Nam – đã dùng tên của hai loài hoa này chính xác và tách bạch. Tiên Điền tiên sinh mượn hoa hải đường nhằm nói lên những nét yểu điệu gợi cảm của nàng Kiều qua bóng dáng của một Dương Quý Phi kiều diễm. Khi định mệnh đã đưa đẩy Kiều vào tay của Mã Giám Sinh và Sở Khanh -- những kẻ  "thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương" -- tiên sinh đã mượn hình tượng của đoá hoa trà mi nhằm nói lên kiếp hồng nhan trước những thử thách quá ư nghiệt ngã của số phận.

Nhân thể, chúng tôi cũng xin nói rằng trong Đại Nam nhất thống chí, trong phần nói về các loài hoa ở  "Kinh sư" (Huế) và  "Phủ Thừa Thiên", có đoạn nhắc đến hoa hải đường. Vì có liên quan đến bài viết này, chúng tôi xin trích lại nguyên văn :

 "Kính xét bài thơ ‘Vịnh hải đường’ trong Minh Mệnh thánh chế có lời chú rằng : Theo Quần phương phả thì hải đường có bốn loại, là chiêm cánh, tây phủ, thuỳ lục và mộc qua, ngoài ra lại có hoa vàng loại hoa thơm, nhưng đều là cành mềm, hoa nhỏ, hoặc sắc vàng, hoặc đỏ lợt, hoặc như yên chi, chỉ có mấy sắc ấy thôi. Hải đường phương nam thì cây cao, lá to vừa dài vừa nhọn, hoặc sắc đỏ tươi, ruột có nhị, cánh to mà dày, lúc nở đẹp hơn hoa phù dung, nên tục gọi là  "sen cạn"; so với hoa hải đường ở đất Thục thì đẹp hơn nhiều, tựa hồ phương Bắc không có giống hoa hải đường này, cho nên những lời trước thuật có khác. Còn như nói rằng ‘hoa đẹp lá tươi, mềm mại như xử nữ, hây say như Dương Phi say, yểu điệu như Tây Tử’ thực chưa hình dung hết được vẻ đẹp của hoa ấy. Năm Minh Mệnh thứ 17 khắc hình tượng vào Nghị đỉnh. Lại có một loại là Kim ti hải đường".

Đọc đoạn trích dẫn ở trên, ta có thể thấy là ngay từ thời vua Minh Mệnh đã có sự nhầm lẫn giữa hoa hải đường và hoa trà mi. Những loại hoa có  "cành mềm" trong phần trích dẫn đúng là hoa hải đường, nhưng loại hoa gọi là  "Hải đường phương nam thì cây cao, lá vừa to vừa dài vừa nhọn, hoặc sắc đỏ tươi, ruột có nhị, cánh to mà dày ..." thì đúng ra phải gọi là hoa trà mi chứ không phải là hoa hải đường.

Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước đó (dưới triều vua Gia Long), nhưng tại sao thi hào họ Nguyễn lại có thể phân biệt hai loại hoa này rạch ròi đến thế ? Chúng ta có thể phỏng đoán là ngoài những kiến thức thu thập qua sách vở, chắc hẳn Nguyễn Du đã thấy tận mắt hai loài hoa này trong lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1813.

         Một thức giả cũng vừa cho chúng tôi hay là khi tìm trong Truyện Kiều đối chiếu của Phạm Đan Quế (Nxb Hà Nội, 1991) hai câu có từ "hải đường" trích dẫn ở trên thì "thấy đó là những câu tả cảnh tả tình do Nguyễn Du sáng tác", chứ không có trong nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (bản của Nguyễn Đình Diệm). Điều này càng xác nhận sự hiểu biết chính xác về cây cỏ cũng như tinh thần  "vận dụng sáng tạo" của Tiên Điền tiên sinh khi viết Truyện Kiều.

                                                        Edmonton, cuối Hè 2003


[1]  Theo học giả Hoàng Xuân Hãn và một số nhà nghiên cứu khác, chữ  "gieo" trong câu này phải đọc  "treo" mới đúng, hoặc chữ  "tỏ" trong câu  "Con ong đã tỏ đường đi lối về" phải đọc là  "mở". Vì chưa bắt kịp với những nghiên cứu về Truyện Kiều hiện nay, trong khuôn khổ bài này chúng tôi xin tạm thời dựa theo cách đọc hiện hành.  

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Vĩnh Sính