Lãnh hải Việt-nam có nhiều san
hô tụ lại thành đá ngầm hay đảo. Cát vàng dọc bờ biển Việt-nam là những
mẩu xương san hô bị đập vỡ thành những hột sạn. Nhưng sự tồn tại cuả
những tập đoàn san hô đang bị đe dọa vì môi trường đổi thay và bị con
người phá hoại.
Trong bài này chúng tôi sẽ trình
bày những con san hô là sinh vật gì, một dẫy đá ngầm và một đảo san hô
phát hiện ra sao và tại sao chúng ta phải bảo vệ san hô.
San hô và đá ngầm san hô
Nhiều người tưởng san hô là một
khối đá vôi vô sinh gai góc vì đã thấy những miếng đá san hô bị kẻ gian
đập bể mang về bán. Thực ra đó chỉ là những bộ xương gắn vào nhau của
những san hô đã chết rồi.
San hô là một động vật rất nhỏ
thuộc nhánh phylum cnidaria. Theo phép xếp loại của những nhà sinh vật
học thì những động vật thuộc nhánh phylum cnidaria có dạng đối xứng
trục, nghĩa là hình dáng không thay đổi xung quanh một trục. Những sinh
vật này nhìn giống như một cái túi với miệng túi bao quanh bởi những tua
cảm có ngòi. Động vật thuộc nhánh phylum cnidaria mà chúng ta thường
quen biết là con sứa. San hô cũng thuộc nhánh này.
Hình dáng san hô giống như một
con sao biển với một bộ xương bằng calcium hình ống. Ống xương đó bao bọc
và bảo vệ những bộ phận năng sống của san hô. San hô liên tục tăng cường
bộ xương calcium cho tới khi chết. Những tua cảm xúc tủa ra từ miệng ống
xương để hứng những sinh vật nổi dùng làm thức ăn nuôi sống san hô (xem
hình 1). Những sinh vật nổi đó là những rong biển rất nhỏ sống một cách
cộng sinh với san hô : san hô cung cấp cho rong những muối khoáng lọc từ
nước biển, rong nẩy nở nhờ quang hợp và trở thành thực phẩm cho san hô.
Với glucid của rong san hô có thể cô đặc calcium hòa trong nước biển để
làm bộ xương của mình.

Hình 1 – Sơ đồ san hô
Người ta kiểm được rất nhiều
loại san hô xếp thành hai nhóm chính : một nhóm có tám tua cảm
(octocoralliaire) và một nhóm có số tua cảm bội số sáu
(hexacoralliaire). Những xương sống có thể cứng hay mềm. San hô dịch
sang tiếng Anh là coral và tĩnh từ coral dùng để chỉ một
mầu đỏ thẫm, mầu của san hô ở Hồng-hải bên Trung-đông. Nhưng san hô có
đủ loại mầu : đỏ rực, hồng, da cam, trắng, đen,… Ở Biển Đông, xương
những san hô đã chết chuyển sang mầu vàng do tác động của nước biển. Cát
vàng những bãi biển Trung-bộ là những mảnh vụn xương san hô bị sóng biển
làm vỡ và đẩy vào bờ. Quần đảo Hoàng-sa có tên như vậy cũng nhờ mầu vàng
của san hô Biển Đông.
San hô dài từ hai mili mét cho
đến vài centi mét. Những tập đoàn san hô có thể lớn đến hai nghìn kilô
mét như ở Great Coral Reef bên Úc. Chúng có hình dáng rất đa dạng :
những hình tương tự như ô dù, gối nệm, cánh quạt,
sừng trâu, khối óc,
bụi rậm, cành cây, đăng ten, hoa,…
Trong mùa sinh đẻ san hô phun ra
ngoài nước biển cả trứng lẫn tinh dịch. Khi trứng và tinh dịch gặp nhau
thì sinh ra những ấu trùng gọi là planula. Những planula đó trông giống
như những con sứa rất nhỏ. Chúng trôi nổi trên mặt nước cho tới khi nào
gặp được một nơi vững chắc để bám vào. Khi tìm được nơi nương tựa thì
con planula bắt đầu tạo thành một vỏ calcium và trở thành một con san hô.
Khi chết đi thì xương sống ở tại chỗ gắn hàn với những xương san hô
khác.
Những san hô sống tụ với nhau
thành tập đoàn. San hô chỉ sống ở những nơi có nước trong và đáy biển
không xâu quá bốn chục mét vì sống cộng sinh với rong biển mà rong biển
lại cần có ánh sáng để quang hợp. San hô có thể sinh sống ở những vùng
biền lạnh nhưng biển vùng nhiệt đới là nơi thích hợp nhất để chúng tăng
sinh.
Như viết ở trên, ấu trùng san hô
bám vào một nơi thuận tiện, trở thành con san hô, sinh trưởng ở đó rồi
chết để lại xác tại chỗ. Những nơi thuận tiện có thể là một cồn đất
ngầm, một hải đảo, một xác thuyền bị đắm,... Lâu dần những xác san hô tụ
lại tạo thành những đá ngầm. Thường thì xác san hô chồng chất lên nhau
cho tới sát gần mặt nước. Nhưng có khi sóng biển có thể làm vỡ những
mảnh san hô và đẩy chúng lên đỉnh đá. Lâu dần có một khối san hô vượt
khỏi mặt biển chừng vài centi mét đến một hai thước tạo thành đảo. Cũng
có khi mặt nước biển rút xuống hay đáy biển nhô lên tùy biến đổi của địa
chất làm cho đá ngầm nổi trội khỏi mặt nước.
Bờ biển và ngoài khơi Việt-nam
tương đối cạn và nước biển nóng nên có nhiều tập đoàn san hô. Những đá
ngầm san hô mọc như vậy tạo thành ba loại kỳ quan tự nhiên ở Trung-bộ
(xem hình 2).

Hình 2 – Sự thành hệ san hô
San hô bám vào bờ tạo thành
những ria đá ngầm. Có khi những ria đó làm cho đất liền lấn dần ra biển.
Sóng biển đập phá đá ngầm và đẩy những mảnh vụn vào bờ tạo thành những
bãi cát. Nhờ đó mà Trung-bộ nổi tiếng với những bài cát vàng.
Có khi đá ngầm san hô mọc ở
ngoài khơi song song với bờ biển để tạo thành một hàng rào ngăn cách đất
liền với biển khơi. Giữa đất liền và hàng rào đá ngầm có một đầm nước
mặn. Ở Thừa-thiên, đầm Thanh-lam, đầm Hà-trung và đầm Cầu Hai nối liền
với nhau dọc bờ biển giữa một rìa đá san hô gắn liền với lục địa và một
hàng rào đá san hô tiếp cận với ngoài khơi (xem hình 3). Những đầm đó có
khi được bồi đắp bởi phù sa sông ngòi và những xà bần do sóng gió mang
từ ngoài khơi. Nhờ thế những đầm có thể trở thành một đồng bằng với một
con sông chảy dọc theo bờ biển. Ở Quảng-bình, sông Kiến-giang chảy dọc
theo bờ biển về hướng Bắc trước khi đổ ra cửa Nhật-lệ (xem hình 4). Ở
Quảng-nam, thị xã Núi Thành và thị xã Hội-an được nối liền bởi sông
Trường-giang chảy song song với bờ biển. Thay vì chảy thẳng ra biển sông
Tam-kỳ cũng chảy song song với bở biển trước khi đổ vào đầm Trường-giang
(xem hình 5).

Hình 3 – Bờ biển Thừa-thiên

Hình 4 – Bờ biển Quảng-bình

Hình 5 – Bờ biển Quảng-nam
Ở xa bờ, san hô có thể bám vào
dốc đảo núi tạo thành những đá ngầm hay những đảo hình vòng kiềng bao
quanh quả núi. Một ngày nào đó, nước biển dâng cao hay núi chìm dưới mặt
nước vì thềm lục địa lún nhưng san hô tiếp tục bồi đắp đá ngầm tạo thành
những đảo hình vòng kiềng với một hồ nước ở giữa. Những đảo và đá ngầm
của quần đảo Hoàng-sa và quần đảo Trường-sa là xác những tập đoàn san hô
bám xung quanh những núi lửa cũ. Tại quần đảo Hoàng-sa, những đảo
Hoàng-sa, Hữu-nhật, Quang-ảnh, Quang-hòa, Duy-mộng,… xếp thành hình vòng
kiềng. Đá Lồi cũng có hình vòng kiềng (xem hình 6). Tại quần đảo
Trường-sa, những cụm đá và đảo Loveless và Tizard nhìn trên bản đồ thì
không có thứ tự gì nhưng khi nhìn từ trên trời xuống thì thấy những đảo
và đá ngầm đó xếp thành hình vòng kiềng. Đá ngầm Phan-vinh cũng có hình
vòng kiềng (xem hình 7).

Hình 6 – Vài đảo và đá ngầm quần đảo Hoàng-sa

Hình 7 – Vài đảo và đá ngầm quần đảo Trường-sa
Vì là những đảo không cao khỏi
mặt nước quá một hai mét và những đá ngầm dưới mặt nước cũng cách mặt
nước không quá một hai mét nên các quần đảo Hoàng-sa và Trường-sa là
những nơi nguy hiểm cho tầu bè. Khi xưa chỉ có thủy thủ nước Đại-việt là
biết đường giám đến khai thác phân chim, nhặt tổ yến, bắt cá và tạm trú
tại những quần đảo đó. Tầu các nước khác thường lội ở xa để tránh nguy
cơ chạm đá ngầm. Vì không biết hiểm nguy đó hay vì liều lĩnh nhiều tầu
Âu-châu đã vô tình muốn vượt qua những quần đảo đó và đã bị đắm làm cho
Biển Đồng nổi tiếng là một trong số những nơi có nhiều xác tầu galion !
San hô và nhân loại
Trên Thế-giới, những tập đoàn và
đá ngầm san hô phủ 900.000 cây số vuông, hơn ba lần diện tích nước
Việt-nam. Dưới mặt nước, chúng tạo thành những cảnh quan ngoạn mục.
Những loại cá vùng nhiệt đới sống ở đó cũng rất đẹp. Nha trang là nơi có
nhiều du khách đến bơi lặn để chiêm ngưỡng san hô và cá.
Những dẫy đá ngầm dọc bờ biển và
những đảo hình vòng kiềng ở ngoài khơi là những nơi trú ẩn khi biển
động. Ở Trung-bộ, những đá san hô gần bờ và những đảo hình vòng kiềng ở
ngoài khơi tạo thành những hải cảng tự nhiên cho thuyền chài trú ẩn từ
khi người Việt dựng nước cho tới nay.
Nước biển hòa tan khí carbon
dioxide (CO2) của khí quyển.
San hô tạo xương sống theo phản ứng hóa học giữa carbon dioxide and
calcium (Ca) để sinh ra carbonate calcium (CaCO3).
Nhờ phản ứng đó, san hô tham gia vào công cuộc giảm khí carbon dioxide,
một khí có hiệu ứng nhà kính các hoạt động kỹ nghệ con người thải ra.
Những tập đoàn san hô là nơi
cộng sinh của nhiều sinh vật. Chúng được coi như là những rừng cây của
đại dương vì, cũng như những rừng nhiệt đới, chúng là những hệ thống môi
trường phức tạp đa dạng. Nhiều loại thảo vật và sinh vật, trong đó một
phần tư các loại cá đã được kiểm tra, sống ở những đá ngầm san hô. Có
nơi người ta đếm được tới 700 loại san hô, 6.000 loại động vật thân mềm
và 4.000 loại cá. Một tỷ người Á-châu sống nhờ những nghề liên quan trực
tiêp hay gián tiếp đến tài nguyên của đá san hô. Cá câu được ở những đá
ngầm san hô cung cấp chín mươi phần trăm nguồn protein cho hai triệu
rưỡi người sống trên những đảo Thái bình dương.
Vì san hô mang lại sự sung túc,
nhiều dân tộc coi san hô là một vật thiêng liêng. Người xưa tưởng rằng
san hô giúp nhà nông thu gặt được mùa và thủy thủ ra khơi không gặp bão,
san hô màu đỏ thẫm giúp máu chảy điều hòa trong mạch, san hô mầu hồng
ảnh hưởng đến quả tim, nơi cảm xúc tập trung. Thời trung cổ, người
Âu-châu quen đặt một miếng san hô trong túi để làm bùa hộ mệnh. Người
Tây-tạng và người bản xứ Mỹ-châu coi san hô là những đá thần linh. Đối
với người theo đạo Ky-tô san hô mầu đỏ tượng trưng cho máu của chúa
Giê-su. Người Ả-rập dùng san hô làm thuốc chữa bệnh lỵ, thuốc tra mắt và
thuốc đánh răng. Ngành dược phẩm hiện đại dùng san hô để ghép xương và
chữa bệnh SIDA và một số ung thư.
Mặc dù những lợi ích vô giá đó,
nhân loại đang tàn phá những tập đoàn san hô. Các nhà môi trường học
cảnh báo mười phần trăm đá ngầm san hô đã bị phá hủy vĩnh viễn, tám mươi
phần trăm san hô ở Đông-nam Á-châu bị đe dọa trầm trọng. Người ta có thể
nói rằng những tập đoàn san hô là một trong số những sinh cảnh bị đe dọa
nhất toàn cầu.
San hô là nạn nhân của một số
động vật ăn mồi. Thí dụ cá bướm thích ăn san hô sống, cá vẹt thì bám vào
đá san hô, hút những xương san hô, và hòa tan calcium khi tiêu hóa. Giông
bão phá vỡ những đảo và đá ngầm. Nhưng đó là luật của tạo hóa. Con người
mới là mối đe dọa nhất cho sự sống còn của san hô.
Từ thời tiền cổ, người ta lấy
san hô làm mỹ trang, những đồ thờ cúng và thuốc chữa bệnh. Ở một số đảo,
người ta lại còn lấy đá san hô làm vật liệu xây dựng. Nhiều du khách bơi
lặn tham quan vô ý thức vi phạm đến kết cấu những tập đoàn san hô, phá
phách và ăn cắp san hô làm lưu niệm. Lưới những tầu đánh cá nạo vét và
làm hư hỏng những đá ngầm. Có người dùng chất nổ để bắt cá làm vỡ những
tảng đá san hô. Có người dùng cyanur để bắt cá làm san hô chết vì ngộ
độc.
Nhưng con người cũng đe dọa đại
tràng san hô một cách gián tiếp. San hô chỉ có thể sống ở những nơi nước
trong, tinh khiết, có nồng độ muối cố định và ở nhiệt độ từ 18 đến 29°C.
Con người thải ra biển phế liệu sinh vật, khoáng vật và hóa học làm đục
nước và làm thay đổi cấu tạo hóa học của nước. Vì nước đục những rong
biển không thể quang hóa để trở thành thức ăn cho san hô. Những chất hóa
học giết chết mọi sinh vật sống trong biển. Ngoài ra, con người cũng
thải ra khí có hiệu ứng nhà kính làm tăng nhiệt độ của khí quản và nước
biển.
Để cứu nguy san hô, cơ quan UNEP
(United Nations Environment Programme, Chương trình Môi trường Liên hiệp
quốc) đã thiết lập cục Coral Reef Unit (Cục Đá Ngầm San hô). Cục này hợp
tác với những tổ chức quốc tế khác để làm ngưng sự thoái hóa của san hô
và để giúp những tổ chức quốc tế, những quốc gia và những địa phương bảo
vệ san hô và khai thác san hô một cách hợp lý và bền vững. Cục này cũng
đại diện UNEP bên cạnh mạng ICRAN (International Coral Reef Action
Network, Mạng Quốc tế Hành động Cho San hô) và những chương trình liên
quốc gia khác.
ICRAN do tổ chức ICRI
(International Coral Reef Initiative, Chủ động Quốc tế Về Đá Ngầm San
hô), một tổ chức bao gồm Hoa-kỳ, Úc, Pháp, Jamaica, Nhật, Phi-luật-tân,
Thụy-điển và Anh, thành lập năm 2000. Mục đích của ICRI là cải thiện sức
khỏe của san hô bằng cách phổ biến rộng rãi những thông tin về những
việc phải làm và không nên làm để bảo tồn san hô.
Như viết ở trên, Việt-nam có
nhiều san hô ở ven biển cũng như ở ngoài khơi. Những đá san hô mang phúc
lợi cho mọi người. Vì thế mà mỗi người Việt-nam chúng ta phải ý thức tôn
trọng không phá phách những đá ngầm và đảo san hô.
ĐẶNG Đình Cung
Kỹ sư tư vấn
Một vài liên kết Internet
Đọc giả có thể xem những ảnh san
hô rất đẹp ở những trạm Internet
http://www.mysterra.org/picture
library/browse.php?category=246 và
http://www.photolib.noaa.gov/reef/index.html
Tổ chức UNEP :
www.unep.org/
Tổ chức ICRI :
www.icriforum.org
Mạng ICRAN :
www.icran.org
|