Nhớ ai như nhớ
thuốc lào,
Đã chôn điếu
xuống lại đào điếu lên.
Ca dao
Những năm trước về nước chúng tôi
thường thích đi xem cải lương ở Sài Gòn hay chớp bóng ở Hà Nội và lần nào cũng
thấy khó chịu, ngạt thở vì khói thuốc, mặc dầu có bảng đề cấm hút thuốc trong
phòng. Cũng may, trên máy bay thì triệt để cấm hút thuốc, trong các chuyến nội
địa cũng như quốc tế, khác với mấy năm trước. Ở Âu Mỹ ngày nay theo nguyên tắc
cấm hút nơi công cộng, ngay cả trên ke tàu hầm tương đối thoáng khí hơn trong
tàu. Đã có thấy công nhân bị thải hồi vì hút thuốc trong giờ làm việc, tại chỗ
làm việc. Trong tiệm ăn, quán cà phê, thường có góc dành cho người hút thuốc,
nhưng cũng có tiệm ăn hoàn toàn cấm hút thuốc. Tuy tất cả mọi người không chịu
phục tòng luật lệ, ít nhất là ở Pháp vì bên Hoa Kỳ thì nghiêm túc hơn, nhưng
trong một tương lai rất gần, khi độc tính thuốc lá được chứng minh tường tận và
được các cơ quan chính thức công nhận, các hội đoàn bênh vực quyền lợi công dân
sẽ nhân đấy ra sức tranh thủ để kỷ luật được áp dụng triệt để hơn. Người hút
thuốc thả khói thích thú, quên là mình làm phiền những người không hút xung
quanh. Buồn cười là trên tàu lửa, nhiều người hút thuốc lại mua vé ngồi toa cấm
hút để tránh khói thuốc. Khói thuốc không những chỉ làm ngạt thở mà còn làm mất
vệ sinh khi ta biết chất độc không phải ít trong khói thuốc. Đó là đối với người
khác. Đối với bản thân người hút, cái hại của điếu thuốc còn nhiều hơn : bên
cạnh thói quen nghiện ngập khó bỏ, phiền phức, cuộc tăng gia ung thư phổi đã là
một bằng chứng lên án quan trọng.

Thuốc lá khởi nguyên từ châu Mỹ
Khi Christophe Colomb đặt chân lên
châu Mỹ năm 1492, người bản địa gọi là "da đỏ" đã biết dùng thuốc lá hoặc để
chữa bệnh, tìm thú vị, hoặc để truyền thông qua các tính chất ma thuật. Bắt đầu
từ đây, thuốc lá được đưa về Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tin tuởng thuốc lá có
nhiều hiệu lực y dược, người châu Âu dùng dân nô lệ da đen lập đồn điền trồng
ngay thuốc trên đất Mỹ, ở Cuba, quần đảo Antilles,… sau đem về luyện cho hạp
thủy thổ ở lục địa mình. Năm 1561, nhà ngoại giao Pháp Jean Nicot gởi biếu nữ
hoàng Catherine de Medicis một gói thuốc lá để chữa bệnh đau đầu. Thuốc lá tràn
dần qua Ý Đại Lợi, xuống đảo Maltes trên bờ Địa Trung Hải theo các hiệp sĩ dòng
Đền với tên "cỏ Thánh Giá" trong lúc nữ hoàng Elisabeth bên Anh khuyến khích hút
thuốc. Ở Áo, Hungari, Thụy Điển, thuốc lá được phát không cho binh lính. Người
Nga cũng nhập cảng thuốc lá mặc dầu Giáo Hội chống đối. Ở Pháp, giữa thế kỷ 17,
trước quyền lợi ngày càng tăng, nhà chính trị Jean Baptiste Colbert tranh thủ
dành độc quyền cho nhà vua
Năm 1735, nhà thảo mộc Thụy Điển Carl von Linné đặt tên cây thuốc
lá Nicotinia. Năm 1828 Posselt và Reimann chiết xuất nicotin, sau đó
Pinner xác định cấu tạo nhưng phải đợi 30 năm mới thấy nhà sinh lý học người
Pháp Claude Bernard khảo cứu độc tính của nó năm 1857. Năm 1913, Pictet thực
hiện cuộc nhân tạo tổng hợp nicotin. Vào thời ấy, thuốc lá phần lớn được dùng để
ngửi, nhai, hay sắc uống. Dần dần người ta mới đổi qua hút ống điếu, xì gà,
thuốc quấn. Trong ống điếu, nhiệt độ cháy tương đối thấp, khói ít khó chịu nhưng
cũng ít được hít vào, lại còn phải cạo chùi bảo dưỡng cẩn thận nên thuốc điếu bị
xì gà, thuốc quấn lấn chỗ. Về mặt vệ sinh, xì gà ít bị chỉ trích hơn thuốc quấn
vì không có lớp giấy cuốn ngoài, khi cháy tạo thành những chất độc hại. Với lại
xì gà ít đuợc dùng, chỉ trong những trường hợp đặc biệt, chủ nhật, ngày lễ, khi
có chuyện vui mừng cần khao. Trước kia, có tiếng nhất là xì gà của Churchill bên
Anh, bây giờ là của Castro bên Cuba. Đằng kia, trong thuốc quấn, nhiệt độ cháy
cao, gây ra nhiều hoá chất dễ bốc hơi trong khói, hít vào đem lại hương vị thích
thú, khoái lạc, nhưng nhiệt độ cao cũng xúc tác các phản ứng trùng hợp gây ra
những hydrocarbon nhiều vòng mà tính chất gây ung thư đã được chứng minh.
Ngày nay, những nhà máy hàng năm quấn hơn 5 tỷ điếu, tương đương
với 6 triệu tấn thuốc lá trong số 8 triệu tấn sản xuất trên thế giới. Xuất cảng
nhiều nhất là Hoa Kỳ (khoảng 30 vạn tấn) xa truớc Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Ý
Đại Lợi (10-20 vạn tấn), sau mới đến Hy Lạp, Bulgari, Trung Quốc, Gia Nã Đại,
Nam Dương, Cuba,… Tuy xuất xứ từ các vùng nóng, cây thuốc thích nghi mau lẹ với
nhiều loại khí hậu, từ 60° bắc vĩ tuyến như Bắc Âu, xuống 40° nam vĩ tuyến như
Úc Đại Lợi. Thuộc họ Cà Solanaceae, thuốc lá có nhiều loại Nicotinia,
được trồng nhiều nhất là N. rustica L. (thuốc lào) và N. tabacum L.
(thuốc lá). Loại N. rustica nguồn gốc nước Peru, hợp lai từ hai giống
N. paniculata và N. ondulata, được trồng nhiều ở Đông Âu (Nga, Ba
Lan) và Bắc Phi (Maroc, Tunisi). Loại N. tabacum cũng là một cây thuốc
lai nhiều giống mà sáu Nicotinia nguyên sơ là N. fructicosa, N.
lancifolia, N. brasiliensis, N. virginica, N. havanensis và
N. macrophylla.
Thời kỳ sinh trưởng cây thuốc lá
tương đối ngắn, từ 2 đến 5 tháng, làm nó thành một cây dễ trồng. Nó đòi hỏi đất
nhẹ, thoáng khí, không giữ nhiều nước. Phân bón rất quan trọng : ngoài phân mùn,
thường được dùng là phân đạm, vôi, bồ tạt, phosphoric acid. Thêm vào đó, phải
bảo vệ chống vi trùng, virus. Ngoài những phương cách cơ học như giẫy cỏ, phải
phủ đất mùn, rải thuốc kháng sinh, DDT để phòng ngừa những bệnh khảm, xoăn lá,
mốc sương. Hái lá thuốc là một vấn đề tế nhị vì các lá không phát triển cùng
lúc. Tùy theo cây thuốc, loại thuốc sẽ chế biến, có lá phải hái trước, có lá hái
sau khi nó trưởng thành. Lá hái xong được treo phơi. Thao tác sấy khô diễn biến
thành hai giai đoạn. Trong đợt đầu, lá chết dần, trở nên vàng : đấy là lúc tinh
bột chuyển thành đuờng, protein và chất sắc thái hóa. Những protein nầy đã được
chiết xuất ở mức kỹ nghệ. Đợt hai là đợt sấy khô thực sự : nếu chậm lá thành nâu
sẩm, nếu mau lá nhuộm màu nâu lạt, từ đấy cống hiến những loại thuốc khác nhau.
Có nhiều phương tiện để thực hiện cuộc sấy khô : phơi ngoài trời, dưới mặt trời,
trên lửa cháy, trong khí nóng,… Phơi sấy xong, thuốc lá tương đối đang con lạt
lẽo, vô vị và lại còn ẩm để giữ được lâu. Kế hoạch lên men bắt đầu từ đây, diễn
biến từ từ hay rất chậm. Nhiệt độ có thể đạt tới 60°, một phần nước mất đi.
Trong thời gian nầy, tỷ suất nicotin, nitric acid và đường sụt giảm, đồng thời
xuất hiện acid béo, alcool-ester cống hiến hương vị cho thuốc lá. Những hiện
tượng nầy do những phản ứng như oxi hóa, tác dụng vi khuẩn, diastase xúc tác.
Sau đó chỉ còn cắt gân lá, giũ lá, rải thêm chút nước và đem thái nhỏ. Tùy loại
thuốc, người ta cho thêm chất thơm như glycerol, anethol, cam thảo, rượu rhum
hay nước nho, nước cam, nước đào,… Nên biết là glycerol tạo điều kiện chế tạo
acrolein, còn cam thảo chứa đựng glycyrrhizin là một nguồn phenol và nhất là
những hydrocarbon thơm nhiều vòng, đều là những tác nhân gây ung thư.
Khói thuốc chứa nhiều chất độc hại
Biết bao công phu, kỹ thuật để làm
nên điếu thuốc cống hiến nổi thích thú, niềm khoái lạc cho người hút. Nhưng một
người có lý trí phải biết khi hút thuốc mình dấn thân vào những nguy cơ gì. Ngày
nay, thống kê cho thấy trong số người hút thuốc, 30% chết vì ung thư mà 90% số
đó là ung thư phổi. Tất cả các cuộc khảo cứu về dịch tể học đều nhất trí ở một
điểm là có một liên hệ nhân quả giữa thuốc điếu, xì gà, thuốc quấn và ung thư
buồng phổi, lỗ miệng, thanh quản, thực quản, bóng đái, đồng thời một tương quan
giữa thuốc lá và ung thư tuyến tuy, cổ tử cung. Các cuôc khảo cứu nầy còn xác
định tỷ suất tử vong vì ung thư tỷ lệ với số lượng thuốc hút hàng ngày, thời
gian hút và, trong một phần nào đó, số lượng khói thuốc hít vào.
Nếu những người ngửi và nhai thuốc
chỉ bị ung thư ở lỗ miệng và yết hầu, số người bị ung thư phổi nhiều gấp 9 lần
khi hút thuốc quấn, 2,9 lần khi hút xì gà và chỉ 2,5 lần khi hút thuốc điếu so
với những người không hút thuốc. Còn về ung thư lỗ miệng, yết hầu và thanh quản
thì tất các các lối hút thuốc đều có tác dụng giống nhau. Cũng có thể chứng
minh, tuy có phần khó, khả năng bị ung thư phổi của những người không hút thuốc
nhưng sống giữa khói thuốc vì trong số chừng 4000 hóa chất của lá thuốc, chỉ
khoảng 50 chất đã được xác định trong không gian khói thuốc. Ung thư chỉ là một
mặt. Thuốc lá còn liên quan đến những bệnh tim mạch, tăng cường nguy cơ tử vong
vì biến cố động mạch vành, tăng gia số lần những bệnh hô hấp như suyển, cúm,
tràn khí, viêm phổi, viêm phế quản,… Ngoài ra, thuốc lá có khả năng gây xơ gan
vì hiệu ứng liên hợp với rượu, tăng gia số lần u khối ở thanh quản, bao tử. Đặc
biệt, thuốc lá rất độc hại cho sức khỏe bào thai trong bụng những phụ nữ hút
thuốc nhiều. Vẫn biết tất cả những người hút thuốc đều không bị ung thư phổi hay
mắt những chứng bệnh tim mạch, tràn khí, vì một đằng còn tùy trạng thái sức khỏe
của từng người, đặc tính di truyền qua enzym loại cytochrom P450 mà hiệu ứng
kích thích những chất gây ung thư đã được chứng minh, đằng kia tùy loại thuốc và
cách hút : nhiều, ít, lâu, mau, hít nhiều hay ít khói, đồng thời có uống rượu
hay không,… Ngọn lá thuốc cũng như thuốc dùng để ngửi hay nhai, hút chứa đựng
cốt yếu 50% glucid (gồm có cellulose, tinh bột, đường, khoảng 10% acid hữu cơ),
chừng 10% những chất có đạm (trong ấy 0,4-4% nicotin), polyphenol, khoáng chất,
resin đủ loại như terpenoid, phytosterol, polyen, paraffin, lipid, ester, đặc
biệt một số isopropenoid và alcaloid. Khói thuốc lá gồm có hai phần : phần khí
chiếm 92% trọng lượng khói, chứa nhiều nhất (%) chất đạm (58), dưỡng khí (12),
khí carbonic (13), carbon oxid và một số hóa chất tuy nhỏ nhưng đóng vai trò
quan trọng trong các bệnh lý, đặc biệt ung thư ; phần lỏng mang một số hạt ẩm là
những giọt tí hon 0,1-1,0 micron, nhiều tỷ hạt trong mỗi mililit, trong số nầy
những hạt lớn cở 0,25-1,0 micron được giữ lại trong buồng phổi gây nhiều tổn
thương.
Độc hại bậc nhất là những hóa chất
benzen, amino diphenyl, amino naphtalen, vinyl chlorid, chrom hóa trị 6,
polonium 210 nổi tiếng với tính chất gây ung thư trên thú vật và trên con người.
Một số các phân tử khác, có mặt trong khói thuốc, đến nay chỉ thực nghiệm trên
thú vật nhưng có thể xem như có tác dụng phát xuất u khối trên con người là
những hydrocarbon thơm có nhiều vòng như benzo pyren, benzo anthracen,…có đạm
như dibenzo acridin, dibenzo carbazol,… những nitrosamin như nitroso nornicotin,
nitroso pyrrolidin,… cùng một số chất cấu trúc đủ loại như acrylonitril,
anisidin, hydrazin, urethan,…Những isoprenoid cũng có khả năng gây ung thư đồng
thời lại cống hiến mùi thơm thiên nhiên cho thuốc lá. Trong loại nầy, những chất
được biết nhiều nhất là solanesol, isophoron, solanon, damascenon, ionon.
Hương thơm thuốc lá cũng còn do các
alcaloid mà lại. 80-90% alcaloid nầy là nicotin theo khói thuốc bay ra ngoài.
Còn lại 9 alcaloid có cấu trúc pyridin : cotinin, nicotin oxid, nornicotin,
myosmin, nornocotyrin, nicotrin, anabasin, anatabin và bipyridin. Dùng máy hút
đo số lượng nicotin, một phòng thí nghiệm đã tìm ra các nhãn Royal ultra
légères, Philip Morris Ultralights, Peter Stuyvesant ultramild, Craven ultra
légères chứa đựng (mg/điếu) ít nhất (0,1-0,2), thứ đến Gallia, Gauloises filtre
(0,3-07), Marlboro Gitanes, Gauloises, Players Navy Cut, Pall Mall, Job special
(1,1-1,9) và sau cùng nhiều nhất là Gitana mais, Boyards mais (2,6-2,8). Có
những nhãn thuốc chứa mỗi điếu đến 4 mg nicotin trong khói. Sở dĩ nicotin được
đặc biệt chú ý vì là hoạt chất mãnh liệt nhất của thuốc lá. Nó được hấp thu lanh
chóng vào buồng phổi nếu là thuốc hút, thuốc điếu, xì gà, vào mô liên kết miệng
và mủi trong trường hợp thuốc ngửi hay nhai. Sau đó, những mao mạch phế năng
chiết xuất nó ra đưa vào mạch máu. Sau một chu kỳ toàn vẹn, một phần tư nicotin
thông qua các mao mạch, vượt hàng rào máu não đột nhập vào não, tiếp xúc ngay
với các tế bào nhận cảm đặc thù. Tất cả các tác động nầy thao diễn trong khoảng
7 giây đồng hồ. Cũng nên biết chính là nhờ khảo cứu các tác dụng nicotin mà
những cơ quan nhận cảm đầu tiên được khám phá. Hiện tượng nầy giải thích hiệu
ứng mau lẹ trên hệ thần kinh trung uơng mỗi khi khói thuốc được hít vào.
Trong não, nicotin tác dụng lên các
sợi liên bào, phát tiết acetylcholin, phóng thích những amin phát sinh
catecholamin, kích thích những cơ quan nhận cảm khởi động nôn mửa và sản sinh
một hoạt động điện não dính líu đến các hormon của tuyến yên và vùng dưới đồi.
Nicotin bám dính vào các cơ quan nhận cảm phát tiết acetylcholin của động mạch
não và động mạch cảnh, kích thích phản xạ những cơ quan hô hấp và tim trong thân
não, đồng thời làm duỗi ra những bắp thịt của bộ xương và hiệu ứng tim mạch cũng
như tuyến nội tiết. Nó cũng kích thích những hạch tự do, dây dạ dày-ruột, phóng
thích adrenalin những tủy thượng thận và catecholamin những đầu mút dây thần
kinh, những tế bào ưa chrom. Hậu quả là những hiện tượng mạch co, tim đập lanh,
con ngươi dãn nở, năng lực vận động ruột-dạ dày giảm hạ,… Kết quả thực nghiệm
cho thấy tiêm nicotin vào cơ thể không dẹp được sự thèm muốn hút thuốc. Đằng
khác, nếu cho thêm ammoniac vào thuốc lá để tăng hương vị thì tác dụng nicotin
cũng được tăng cường vì nicotin trở thành một base được chuyển rất lanh lên não.
Nếu cho thêm đường để bù lại hương vị bị mất khi lọc nhựa thì đường lúc cháy cho
phát sinh acetaldehyd gây thêm phụ thuộc cho người hút đồng thời tăng gia tác
dụng của nicotin. Còn nếu cho thêm cacao để làm dịu chất đắng thì chất
theobromin trong cacao mạnh đưa nicotin vào phổi. Năm 1989, hãng RJ Reynolds cho
đăng ký văn bằng thêm levulinic acid vào thuốc để làm dịu mùi nicotin thì acid
nầy lại có tính chất liên kết nicotin với các tế bào thần kinh. Thí nghiệm cho
thấy có thể hút thuốc một tháng là khó lòng bỏ hút ! Ngoài ra, cũng được biết
người hút thuốc quen cần một số lượng nicotin trong một thời gian nhất định. Nếu
hút thuốc loại gọi là "nhẹ" nghĩa là ít nicotin hơn thì cơ thể tự động thúc đẩy
hút nhiều hơn, lâu hơn, hít khói mạnh hơn… để bù lại số lượng ấy. Thành thử các
loại thuốc "ultramild, ultralight, ultra légère" chỉ là một cái mồi để bán
thuốc !
Nicotin trong danh sách ma túy ?
Sau khi làm phận sự
gây khoái lạc và nghiện ngập, nicotin biến chuyển ra sao trong cơ thể ? 9% đi
thẳng vào nước tiểu, 4% được oxi hóa thành nicotin N-oxid trước khi cũng đi vào
nước tiều, 70% biến hóa thành nicotin nhưng trong số nầy chỉ có 49% vào nước
tiểu, 21% kia được đưa vào các chất chuyển hóa khác , còn lại 17% không biết đi
về đâu. Nicotin có thể dẫn tới tử vong nếu dùng nó không thận trọng. Đã thấy có
những vụ đầu độc vì hấp thu ngẫu nhiên hoặc theo thuốc diệt trùng đột nhập vào
da và trẻ con nuốt thuốc hay phần chiết của nó. Ngộ độc cũng đã xảy ra với những
người mới tập hút thuốc hay những người không hút thuốc được tuyển dụng để hái
thuốc lá. Lâu ngày hiện tượng độc tính lan tràn khắp cơ thể, gắn dính vào những
cơ quan nhận cảm, từ đấy phát hiện những chứng tim mạch, tăng huyết áp, gây ung
thư, hỗn độn trong cuộc sinh sản. Tuy nhiên, dùng nicotin một cách có giới hạn
như trong nhãn thuốc Nocoret để giúp bỏ hút được cho là tốt vì những tác dụng
độc hại của chính nó ít quan trọng hơn độc tính của toàn khói thuốc.
Ngày nay, y khoa
cống hiến nhiều phương cách bỏ hút : châm cứu, thôi miên, tâm lý liệu pháp,
trung tâm liệu pháp, hải thủy liệu pháp, thái dương liệu pháp, tâm nhi thất liệu
pháp, uống nước khoáng nóng,… Một biện pháp khác là dùng rau cỏ thay thế thuốc
lá : lá cúc, cỏ khô, rau diếp, rau bi na, cánh hoa hồng hay cellulose, bả gỗ
ép,…thêm đường, thêm mật, thêm quế, như tuồng ít được thưởng thức. Đằng khác,
các cây nầy có khi lại phát xuất những hydrocarbon nhiều vòng cùng carbon dioxid
và các chất độc khác nhiều hơn thuốc lá. Nhiều nhãn thuốc cho bán những điếu có
lọc nhưng thấy ra chẳng ngăn chặn được bao lăm nhựa thuốc độc hại. Một bài báo
đăng trong tờ British Medical Journal vừa rồi cho biết bên London có một tương
quan ngược chiều giữa hút thuốc ngày càng ít lại khi điện thoại di động được
dùng nhiều hơn ở đám thanh niên, thiếu nữ. Có thể giải thích điện thoại di động
đã thay thế thuốc hút đến nay là phương tiện để khẳng định cá tính của mình và
tượng trưng của sự trưởng thành. Các nhà tâm lý học còn đợi gì mà không tìm ra
một phương cách tương đương ? Dù sao, nếu hút thuốc mất ăn ngon, bỏ hút thuốc
lại bị lên cân, đặc biệt rất bất tiện cho giới phụ nữ. Thể dục, chế độ ăn uống
thường được chỉ dẫn, không thì dùng thuốc bỏ thói quen như clonidin là một chất
chống tăng huyết áp có khả năng giảm hạ áp lực tâm thần (ưu tư, dễ cáu) và nhất
là cảm giác một nhu cầu. Dược sĩ Bùi Kim Tùng đã có bàn cãi sâu rộng vấn đề
trong tập Món ăn bài thuốc của ông .
Thấy công cuộc cai
thuốc gặp nhiều khó khăn, các nhà khảo cứu ra công tìm hiểu sâu hơn về sự nghiện
ngập. Họ nhận thấy những người hút thuốc hoặc không thể bỏ hút, hoặc bỏ ít lâu
rồi hút lại. Đây là một hiện tượng phụ thuộc hai mặt, vừa tâm lý vừa duợc lý mà
cường độ thay đổi theo cá thể. Sự phụ thuộc tâm lý có thể dò biết bằng thử
nghiệm tâm thần, phát hiện chứng ưu tư tiềm tàng, xu hướng suy nhược,…cần phải
chữa trị với một phương pháp tâm lý song song với các thuốc giảm đau, giảm lo
âu, chống suy nhược. Sự phụ thuộc dược lý không phải chỉ liên quan với số lượng
thuốc hút vì tùy theo người, tùy cách hút, cách hít khói. Đến nay, xem xét tương
quan số lượng thuốc hút của mỗi người với hiệu ứng lâm sàng qua thống kê trên
một số lớn người hút, người ta suy ra cái khó khăn dừng hút phụ thuộc nhiều vào
cách hút và tính nhạy cảm của người hút là những yếu tố ít được biết đến.
Những năm gần đây ở
Âu Mỹ, cuộc thảo luận về thuốc hút rất sôi nổi. Một bên phe bênh vực sức khỏe,
bên kia phe biện luận cho quyền hút thuốc, quyền bán thuốc. "Chiến tranh thuốc
lá" không nóng hổi như "chiến tranh nha phiến" trước đây nhưng cũng ngấm ngầm
huy động nhiều giới, nhiều hội đoàn. Đến nay, thuốc lá nói chung, nicotin nói
riêng, chưa hề bị pháp luật ghi vào danh sách ma túy như cocain, heroin,
morphin, cannabis. Thật vậy, thuốc lá không có hiệu ứng tác động tâm thần như
cocain hay morphin. Khi hút thuốc, người ta cảm thấy thú vị, xả hơi, mộng mơ,
quên bỏ buồn phiền hay tập trung tư tưởng, và tác dụng lên cơ thể không làm thay
đổi thâm tâm con người, không ngăn cản người hút thực hành những hoạt động
thường xuyên. Vì thuốc lá không gây ra hỗn độn xã hội, thái độ ngoài lề nên được
mọi nước trên hoàn cầu chấp thuận. Vì nó không gây ra ảo giác như LSD (lysergic
acid), không mở những cánh cửa tri giác, thám hiểm vùng giác quan rối loạn nên
nó không mắc nối vào một thế giới khác. Vì vậy không có ai hấp thu nicotin như
LSD và không có hiện tượng buôn bán bất chính nicotin như morphin, heroin. Thuốc
lá khác với ma túy là người nghiện không chạy tìm nicotin ròng sạch, trái lại
cảm thấy thích thú khi nó trộn lẫn trong trong điếu thuốc với các chất thơm hay
không thơm như các alcaloid mà người ta chưa biết được tường tận hoạt động. Tuy
nhiên, vừa rồi ở Viện Đại học Chicago bên Hoa Kỳ, hai nhà khảo cứu bàn lại một
khám phá phát hiện từ nhiều năm nay và đang được ngành tâm lý sinh vật học học
hỏi : thú vị nơi người hút là do dopamin, một chất trung gian thần kinh, được
một bộ phận chuyển tiếp thần kinh phóng thích ra trong một vùng não xác định.
Hiện tượng nầy giúp não ghi nhớ hành vi cần thiết để lặp lại sự kiện vui thú đó.
Như các ma túy, nicotin tăng cường tín hiệu phát xuất dopamin và cơ thể giữ lại
ưu tiên hoạt động hấp thu nó. Thành thử người nghiện hút thuốc phụ thuộc không
phải mối thú vị kia mà là một hoá chất ! Nghe nói Hoa Kỳ muốn ghi nicotin vào
danh sách các ma túy, một sự kiện hoàn toàn mới, đánh dấu một bước tiến trong
công cuộc chống thuốc lá.
Trong một hội nghị
về thuốc lá triệu tập một ngàn bác sĩ chuyên gia do Cơ quan Quốc tế về Sức khỏe
OMS tổ chức ở Perth bên châu Úc cách đây vài năm, một nhóm khảo cứu viên người
Anh, dưới quyền điều khiển của nhà dịch tể học Richard Preto ở Oxford, đã đưa ra
những con số kinh khủng : trong ba mươi năm sắp tới, mỗi năm thuốc lá sẽ gây ra
khoảng hai triệu tử vong trên khắp năm châu ; suy ra, trên tổng số năm tỷ người
trên thế giới, từ đây đến năm 2020 sẽ có bốn chục triệu người chết vì thuốc lá !
Những con số khác cũng đáng sợ không kém bằng : 25% những người hút thuốc thường
xuyên sẽ chết yểu. Chính xác hơn, hút mỗi ngày 20 điếu làm giảm tuổi thọ bảy-tám
năm. Trong một ngàn người hút thuốc điếu đều, xác suất là một người bị ám sát,
sáu người bị tai nạn giao thông tử thương và đến hai trăm năm mươi người chết vì
thuốc lá… Hy vọng những người hút thuốc không dửng dưng trước các con số nầy.
Thông tin Khoa học và Công nghệ 4(30) (2000) 12-20
(có bổ túc)
Tham
khảo
Tài liệu về thuốc lá, nicotin rất phong
phú. Ngoài sách báo có tính cách thời sự, về mặt khảo cứu khoa học, sau đây chỉ
xin giới hạn một số bài tổng luận lược yếu một vài khía cạnh có liên quan đến
nicotin trong những năm vừa qua
1-
Dominique Baruch, Janine Rondesh, Fumer sans rique mais non sans plaisir,
La Recherche, 51 (1974) 1091-3
2- Michel
Bernon, Le tabac, une nouvelle source de proteines, La Recherche,
153 (1984) 411-3
3- M.
Hubert-Habart, B. Kokel, Tabac et cancer. Acquis et perspectives,
L’actualité chimique, (11-12) (1991) 403-17
4- Michel
de Pracontal, La guerre du tabac, nxb Fayard, Paris (1991)
5- Thomas
H. Brandon, Bradley N. Collins, Nicotine et déprime, La Recherche
276 (1995) 574-5
6- Michel
de Pracontal, Philippe Boulet-Gercourt, Arrêter de fumer, Nouvel
Observateur 1-13.05 (1999) 8-12
7- Pierre
Kaldy, L’écran de fumée se dissipe, Sciences et Avenir (1999) 7
8- Olivier
Juilliard, Tabac, Encyclopaedia Universalis 21 1084-90
9- J.J.
Buccafusco, Neuronal nicotinic receptor subtypes : defining therapeutic
targets, Amer. Soc.
Pharmacol. Exp. Ther.
4(5) (2004) 285-95
10- P. Kovacic, A. Cooksy, Iminium metabolite mechanism for
nicotin toxicity and addiction : oxidative stress and electron transfer,
Med. Hypot. 64(1) (2005) 104-11
11- R.C. Hogg, D. Bertrand, Neuroscience : what genes tell us
about nicotine addiction, Sci. 306(5698 (2004) 983-5
12- C.N. Metz, P.K. Gregersen, M.A. Malhotra, Metabolism and
biochemical effects of nicotine for primary care providers, Med.
Clin.North Amer.88(6) (2004) 1399-413
13- S. Wang, Y. Du, H. Chen, P. Xu, Research development of
nicotine catabolism in microorganisms, Zhongguo Shengwu Gongcheng Zazhi
24(7) (2004) 50-4
14- T.M. Powledge, Nicotine as therapy, PloS Biol.2(11)
(2004) 1707-10
15- L.E. Rueter, M.W. Decker, R.S. Bitner, Improving the
therapeutic window in the treatment of pain with nicotinic ligands, Drug
Disc. Today : Ther. Strat. 1(1) (2004) 89-96
16- Y. Yuxia, N. Liu, J. Liao, Progress of ligands for imaging
nicotinic acetylcholine receptor (nAChRs), Heijshu 27(10°
(2004) 763-9
17- L. Misery, Nicotine effects on skin : are they positive or
negative ? Exp. Derm. 13(11) (2004) 665-70
18- M. Munafo, M. Bradburn, L. Bowes, S. David, Are there sex
differences in transdermal nicotine replacement therapy patch efficacy ? A
meta-analysis, Nicotine Tobacco Res.6(5) (2004) 769-76
19- K. Burgdorf, Nicotine, Schw.
Labor.-Zeits.61(10)
(2004) 214-5
20- L. Ulloa, The vagus and the nicotinic anti-inflammatory
pathway, Nat. Rew. Drug Disc. 4(8) (2005) 673-84
21- J.W. Daly, Nicotinic agonists, antagonists, and modulators
from natural sources, Cell. Mol. Neurobiol. 25(3-4) (2005)
513-52
22- A.I. Graul, J.R. Prous, Executive sommary : nicotine
addiction, Drugs of Today 41(6) (2005) 419-25
23- J.I. Seeman, Using basic priciples to understand complex
science : nicotine smoke chemistry and literature analogies, J. Chem.
Edu. 82(10) (2005) 1577-83
24- M. Nakajima, T. Yokoi, Interindividual variability in
nicotine matabolism : C-oxidation and glucuronidation,
Drug. Matab. Pharmacolki.
20(4) (2005) 227-35