Dioxin và những kinh nghiệm từ Seveso (Ý)

Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn       24/08/2006

 

Những bài cùng tác giả

Những bài liên quan về Dioxin

 

Ngày 10/7/1976 một tai nạn kĩ nghệ xảy ra tại nhà máy và cũng là lò phản ứng 2,4,5-trichlorophenol (TCP) gần thị trấn Seveso (cách thành phố Milan khoảng 25 km) làm thải ra môi trường chung quanh khoảng 30 kg dioxin, một hóa chất độc hại vào hàng số một mà con người biết đến.  Cư dân trong vùng và các vùng phụ cận bị phơi nhiễm độc chất. Ngay trong ngày đó, hàng ngàn cư dân bị các triệu chứng như ói mửa, nhức đầu, và đau mắt.  Một số trẻ em phải nhập bệnh viện vì các triệu chứng liên quan đến da. 

Dioxin

Lúc đó, khoa học chưa có khả năng đo lường nồng độ dioxin trong máu hay mô mỡ ; do đó cách định mức phơi nhiễm độc chất duy nhất là đo nồng độ dioxin trong đất.  Sau này giới khoa học biết rằng định mức phơi nhiễm như thế (tức là dựa vào nồng độ dioxin trong đất) thường thấp hơn độ phơi nhiễm thật đến 60 lần (1). Tuy nhiên, dựa vào nồng độ dioxin trong đất và mức độ hủy diệt cây cỏ chung quanh, các nhà nghiên cứu phân chia toàn vùng ảnh hưởng thành 3 khu vực với mã danh là A, B và R. Họ còn chọn ra một khu vực không bị phơi nhiễm dioxin, gọi là khu C (control, hay đối chứng) để tiện việc so sánh và nghiên cứu khoa học sau này (2).

 

Qui mô phơi nhiễm dioxin tại Seveso (Ý)

Khu vực

Diện tích(ha)

Nồng độ dioxin trung bình (mg/m2)

Độ dioxin cao nhất (mg/m2)

Số cư dân trong khu vực

A

80

230,0

5447

736

B

269

3,0

44

4737

R

1430

0,9

10

31800

C (Đối chứng)

7474

0,0

?

182843

Chú thích : Nồng độ dioxin được đo trong lòng đất 10 cm chiều sâu ; mẫu đất lấy năm 1976.

Sau khi tai nạn xảy ra khoảng hai tuần, 212 hộ gia đình (gồm 736 cư dân) phải tản cư khỏi khu vực A, tức là khu có nồng độ dioxin cao nhất. Một số nhà và bin-đinh khu A cũng bị triệt phá bỏ. Sau khi cư dân di tản, nhà chức trách tiến hành đào 300.000 m3 đất (sâu đến 40 cm) và đem lượng đất này chứa trong hai hố đặc biệt xây dựng cho các chất thải hóa học. Một năm sau, việc làm sạch khu vực A mới xong. Cư dân trong khu B và R không phải tản cư, nhưng phải tuân theo những qui luật vệ sinh nghiêm ngặt. 

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, ý thức được tiềm năng độc hại của dioxin, và với sự hỗ trợ của chính phủ Ý, các nhà nghiên cứu khoa học và bác sĩ đã thiết lập ngay một chương trình nghiên cứu qui mô về tác hại của dioxin đến sức khỏe cư dân trong vùng.  Chương trình nghiên cứu này nhắm vào ba hướng chính : (i) kiểm tra vệ sinh và bảo vệ sức khỏe cư dân trong những khu vực được xem là chịu ảnh hưởng nhiều nhất ; (ii) nghiên cứu dịch tễ học để xác định những mối liên hệ giữa dioxin và tỉ lệ phát sinh bệnh tật trong cư dân, kể cả lập ra một cơ quan theo dõi tất cả các bệnh như ung thư, dị tật bẩm sinh, tiểu đường, thần kinh, v.v…; và (iii) nghiên cứu cơ bản về tác hại của dioxin.

Năm 1988, với sự giúp đỡ của Cơ quan phòng chống và kiểm soát bệnh tật (CDC, Mĩ) các nhà nghiên cứu tiến hành đo nồng độ dioxin bằng quang phổ kế trong các mẫu máu của cư dân trong vùng mà họ đã thu thập từ lúc tai nạn xảy ra đến 1977 (các mẫu máu này được bảo quản trong tủ lạnh âm 20 độ C). Kết quả đo nồng độ dioxin lần đầu được công bố vào năm 1991 (3).  Họ (các nhà nghiên cứu) phát hiện nồng độ dioxin rất cao trong một số cư dân, dao động từ 828 đến 56.000 ppt (part per trillion, phần ngàn tỉ).  Đặc biệt là trẻ em dưới 13 tuổi có khuynh hướng bị phơi nhiễm nặng hơn thanh niên và người lớn. Điều này cũng phù hợp với một phân tích mới đây cho thấy một mối quan hệ đảo ngược giữa độ tuổi và độ phơi nhiễm dioxin (nói cách khác, tuổi càng nhỏ nồng độ dioxin càng cao, (4)).

Nồng độ dioxin (ppt) trong cư dân Seveso năm 1976 (ngay khi xảy ra tai nạn)

Khu vực

Phụ nữ dưới 13 tuổi (n = 302) 

Phụ nữ 13 tuổi trở lên (n=698)

Nam dưới 13 tuổi (n = 264) 

Nam 13 tuổi trở lên (n=420)

A

2965

1970

1840

1310

B

289

174

455

455

R

406

51

261

80

C (Đối chứng)

52

36

95

41

Chú thích : n có nghĩa là số lượng cư dân.  Tất cả những con số trên là nồng độ trung bình.

Hai mươi năm sau (tức 1996), các nhà nghiên cứu chọn ngẫu nhiên 62 cư dân từ khu vực A (n = 7 người) và B (n = 55 người), và 59 cư dân từ khu vực C để đo lại nồng độ dioxin, và kết quả đã được công bố (5).  Theo kết quả phân tích này, nồng độ dioxin trung bình trong cư dân khu A là 53,2 ppt, khu B là 11 ppt, và khu C là 4,9 ppt.  Trong tất cả các vùng A, B và C, phụ nữ có nồng độ dioxin cao hơn nam giới.  Như vậy, sau 20 năm, nồng độ dioxin trong máu có phần giảm so với năm đầu xảy ra tai nạn, nhưng cư dân trong các vùng ảnh hưởng vẫn có nồng độ cao hơn một cách đáng kể so với vùng C không bị phơi nhiễm dioxin.

Một vài phát hiện chính

Trong gần 30 năm qua, qua công trình nghiên cứu tác hại của dioxin, các nhà nghiên cứu Ý đã công bố khoảng 100 bài báo khoa học trên các diễn đàn y khoa quốc tế.  Ở đây, tôi chỉ tóm lược một số phát hiện nổi bật qua các bài báo khoa học từ Seveso :

Tử vong.  Tỉ lệ tử vong là một chỉ tiêu lâm sàng cụ thể nhất về tác hại của một yếu tố sinh học như dioxin.  Năm 2001, tức 25 năm sau khi tai nạn xảy ra, các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích và so sánh tỉ lệ tử vong trong dân cư thuộc các khu vực bị ảnh hưởng dioxin (A, B, R) và khu không ảnh hưởng (C) (6).  Họ phát hiện rằng đàn ông sống trong khu A và B (hai nơi có nồng độ dioxin cao nhất) có tỉ lệ tử vong vì ung thư tăng 30 %, đặc biệt là tỉ lệ tử vong vì ung thư ruột tăng gấp 2,4 lần, ung thư phổi tăng 30 %. 

Ngoài ra, so với khu C, tỉ lệ tử vong vì chứng ung thư máu trong các cư dân (nam và nữ) thuộc khu A và B tăng 70 %.  Đặc biệt là tỉ lệ tử vong vì ung thư dạng Hodgkin tăng gần 5 lần, ung thư non-Hodgkin tăng gần 3 lần, ung thư máu (myeloid leukemia) tăng 2,4 lần. 

Tiểu đường. 

Ngoài ra cư dân, đặc biệt là phụ nữ, trong vùng A và B còn có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn khu C đến 2,4 lần.  Một số bệnh liên quan đến hệ thống tuần hoàn máu và hô hấp cũng tăng từ 20 % đến 50 %. 

Ung thư vú

Trong một nghiên cứu vừa công bố vào khoảng 2 năm trước đây (7), các nhà nghiên cứu theo dõi tỉ lệ phát sinh ung thư vú trong 981 phụ nữ mà mẹ của họ vào năm 1976 ở độ tuổi 40 (nói cách khác, vào thời điểm xảy ra tai nạn kĩ nghệ, các phụ nữ này chỉ mới ra đời hay chỉ 5 hoặc 10 tuổi).  Sau thời gian 20 năm theo dõi, có 15 phụ nữ bị ung thư vú.  Tuổi trung bình lúc chẩn đoán ung thư là 45 tuổi, tức trẻ hơn so với dân số quốc gia.  Nồng độ dioxin trong máu của các phụ nữ bị ung thư vú là 72 ppt, cao hơn nồng độ dioxin trong nhóm phụ nữ không bị ung thư vú (trung bình 55 ppt).  Nói cách khác, phụ nữ có nồng độ dioxin trong máu cao có nguy cơ bị ung thư vú cao.  Qua phân tích thống kê, các nhà nghiên cứu ước tính rằng xác suất bị ung thư vú tăng gấp 2 lần khi nồng độ dioxin tăng 10 lần. 

Tỉ lệ giới tính. 

Theo thống kê thế giới cứ 100 trẻ em mới sinh có khoảng 51 em là nam giới.  Nhưng các cư dân sinh sống trong khu vực bị nhiễm dioxin cao có tỉ lệ nam sinh thấp hơn một cách đáng kể.  Năm 1996, các nhà nghiên cứu Seveso đã thu thập số liệu lâm sàng trên 296 bà mẹ và 239 người cha.  Tính từ 1976 đến 1996, có 328 em trai và 346 em gái ra đời từ 535 cha mẹ này.  Tính trung bình, độ tích tụ dioxin trong máu được ghi nhận là 96,5 ppt trong các người cha và 62,5 ppt trong các bà mẹ.  Trong các người cha thuộc khu C (không bị nhiễm dioxin), tỉ lệ sinh con trai là khoảng 56 % ; và khu A, chỉ 44 %.  Trong các bà mẹ thuộc khu C, tỉ lệ sinh con trai là 47 % ; và khu A, 49 %.  Tuy nhiên, nếu cả cha lẫn mẹ đều bị nhiễm, tỉ lệ sinh con trai chỉ 44 %.  Như vậy, ảnh hưởng của dioxin trong các người cha nghiêm trọng hơn trong các bà mẹ.  Phân tích trong các người cha bị nhiễm dioxin cho thấy mức độ tích tụ dioxin trong máu càng cao càng có ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ sinh con trai (8)

Kinh nghiệm từ Seveso

Trong thời gian 10 năm trời (1962-1971) quân đội Mĩ đã phun xuống Việt Nam 76,9 triệu lít hóa chất.  Bởi vì tất cả hóa chất, nhất là chất màu da cam, đều chứa dioxin, tổng số lượng dioxin thải vào môi trường được ước tính là tối thiểu 370 kg, tức hơn 10 lần so với số lượng dioxin bị thải ra ở Seveso.  Gần 5 triệu cư dân trong các vùng phía Nam Việt Nam bị ảnh hưởng dioxin (9).  Có thể nói không ngoa rằng chiến dịch phun hóa chất xuống Việt Nam là một cuộc chiến hóa học lớn nhất thế giới, bởi vì trong lịch sử chiến tranh chưa có một lượng hóa chất nào được dùng ở qui mô như thế. 

Hơn 25 năm sau khi chiến dịch phun hóa chất xuống Việt Nam chấm dứt, nồng độ dioxin trong cư dân Việt Nam vẫn còn cao (10-11).  Xin đưa ra một vài con số tiêu biểu : ở Đà Nẵng, nồng độ dioxin trung bình là 96,3 đến 118,2 ppt ; Quảng Trị : 77 ppt ; Tây Nguyên : 40,3 ppt ; A Lưới : 77 ppt ; Thừa Thiên : 57 ppt ; Đồng Nai : 47 ppt ; Sông Bé : 55 ppt ; Trà Nóc (Cần Thơ) : 105 ppt, v.v…  Tất cả những nồng độ này đều cao hơn so với nồng độ trong cư dân Seveso sau 25 năm tai nạn mà tôi vừa trình bày. 

Mặc dù qui mô lớn như thế nhưng tác hại của độc chất da cam và dioxin trong đồng bào Việt Nam từng bị phơi nhiễm độc chất trong thời chiến cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.  Trong suốt gần 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, trên các diễn đàn khoa học quốc tế số lượng bài báo khoa học liên quan đến độc chất da cam từ Việt Nam còn cực kì khiêm tốn (chưa đến con số 10).  Phần lớn những nghiên cứu này chỉ ở dạng mô tả, chưa đi sâu vào vấn đề lâm sàng và bệnh lí.  Lí do đơn giản là trong thời gian qua chúng ta vẫn chưa có được một chương trình nghiên cứu qui mô và có hệ thống như ở Ý.  Tất nhiên, cũng có những nguyên nhân khách quan vì sao một chương trình nghiên cứu như thế đã không thực hiện được, nhưng hiện nay, tôi nghĩ đã có điều kiện để tiến hành nghiên cứu độc chất da cam ở nước ta.

Hiện nay, một số nạn nhân độc chất da cam đệ đơn kiện các công ti hóa chất từng cung cấp độc chất cho lính Mĩ để họ rải xuống Việt Nam, nhu cầu thu thập, phân tích và công bố dữ kiện về tác hại của độc chất da cam thật là cấp thiết.  Ở đây, tôi thấy cần phải nhấn mạnh hai chữ “công bố”, bởi vì trong thực tế chúng ta đã từng thu thập dữ kiện, nhưng các dữ kiện này hình như ít khi nào, thậm chí chưa bao giờ được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế.  Tôi cho rằng đó là một điều rất đáng tiếc, không chỉ trên phương diện khoa học mà còn trên phương diện đạo đức, chúng ta cần công bố những dữ kiện đó để thế giới biết được tác hại của độc chất.

Kinh nghiệm từ công trình nghiên cứu Seveso cho thấy nghiên cứu tác hại lâu dài của độc chất da cam hay dioxin là một việc làm hoàn toàn khả dĩ.  Trong cuốn sách mới xuất bản (11), tôi đã bàn tương đối chi tiết về ba định hướng nghiên cứu, mà tôi xin tóm lược như sau :

  • Thứ nhất, phát triển cho được một phương pháp để ước định mức độ phơi nhiễm độc chất cho từng cá nhân trong những vùng từng bị ảnh hưởng độc chất ;

  • Thứ hai, thiết lập mối liên hệ giữa mức độ phơi nhiễm độc chất da cam và các bệnh như ung thư, dị tật bẩm sinh, tiểu đường, và tỉ lệ giới tính ;

  • Thứ ba, thẩm định tác hại của dioxin hay độc chất da cam đối với cấu trúc di truyền (gen).

Để đạt được những mục tiêu trên, chúng ta cần phải thiết kế một chương trình nghiên cứu cho có hệ thống khoa học.  Nói có “hệ thống khoa học” có nghĩa là các công trình nghiên cứu trong chương trình này phải được tổ chức và tiến hành theo các nguyên tắc khoa học để sao cho kết quả có thể công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế và sao cho đồng nghiệp trên thế giới công nhận.  (Hiện nay, cũng có một vài công trình nghiên cứu nhỏ trong nước, nhưng kết quả chưa được giới khoa học quốc tế đánh giá đúng mức vì các khiếm khuyết liên quan đến phương pháp khoa học). 

Để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế và các dữ kiện có giá trị khoa học cao, chúng ta có thể tiến hành từng bước một.  Bước thứ nhất là phương pháp chọn mẫu và đối tượng nghiên cứu cần phải được cân nhắc đặc biệt.  Chẳng hạn như chúng ta có thể dựa vào lịch sử phơi nhiễm độc chất da cam để chọn ra 4 vùng làm trọng điểm nghiên cứu, trong đó có một vùng không hề bị ảnh hưởng độc chất trong thời chiến (như ở Hà Nội chẳng hạn).  Trong mỗi vùng, có thể sử dụng phương pháp chọn mẫu theo từng nhóm (cluster sampling), và chọn ra 2500 đối tượng và mời họ tham gia vào chương trình nghiên cứu. 

Bước thứ hai, tất cả các đối tượng được chọn sẽ được phỏng vấn, khám sức khỏe toàn diện, và lấy mẫu máu cũng như nước tiểu.  Trong bước này, tất cả các thông tin liên quan đến nơi sinh, nơi đóng quân (nếu trong quân đội), và thời gian phơi nhiễm sẽ được thu thập thật kĩ.  Ngoài ra, tất cả các thông tin liên quan đến bệnh tật cũng như tất cả các chỉ số nhân trắc của đối tượng và con em, thân nhân gần của đối tượng đều được thu thập cho đầy đủ.  

Sau khi đã thu thập dữ kiện ban đầu, và dựa vào thông tin cá nhân, chúng ta có thể ứng dụng một số phương pháp toán thống kê để phát triển một chỉ số phơi nhiễm cho từng cá nhân một.  Chỉ số phơi nhiễm này sẽ là một trong những yếu tố để phân tích cho các bước kế tiếp.  bước này, ngoài việc ước tính tỉ lệ bệnh tật, chúng ta còn có thể phân tích mối liên hệ giữa bệnh tật và độ phơi nhiễm độc chất.  

Tuy nhiên điểm yếu của nghiên cứu trong bước này là chúng ta phải nghiên cứu đảo ngược (tức là tìm căn bệnh hiện tại, và truy tìm nguyên nhân trong quá khứ), trong khi đó y học thì nghiên cứu “viễn cảnh” (tức là tìm nguyên nhân hiện nay, rồi theo dõi bệnh tật phát sinh trong tương lai).  Để khắc phục yếu điểm này chúng ta phải tiến hành thêm bước thứ ba.

Bước thứ ba là theo dõi các đối tượng trong một thời gian 20 năm theo định kì.  Cứ mỗi 2 năm, họ sẽ được tái khám, lấy mẫu máu và nước tiểu.  Tất cả các bệnh tật phát sinh trong thời gian đó đều phải thu thập và phân tích.  Một trong những yếu tố quan trọng để phân tích mối liên hệ giữa độc chất và bệnh tật là đo nồng độ dioxin trong máu.  Có thể chúng ta chưa có đủ tiền bạc để đo nồng độ dioxin, nhưng tôi thiết tha đề nghị phải lấy cho được mẫu máu của các nạn nhân và bảo quản cho thật tốt để sau này (dù 5, 10 hay 20 năm) khi có điều kiện tài chính chúng ta vẫn có thể xem xét nồng độ dioxin, và mối liên hệ giữa dioxin và bệnh tật mà chúng ta đã thu thập ngay từ đầu.

Bước thứ tư, để giải quyết mục tiêu thứ ba (tức tác hại của dioxin đến cấu trúc gen) tôi đề nghị chúng ta nên chọn ra khoảng 200 người được xem là có độ phơi nhiễm dioxin cao, và từ 200 người này, chúng ta sẽ mời các thành viên trong gia đình (ít nhất là 3 thế hệ : cha mẹ, con, và cháu).  Chúng ta sẽ lấy chút mẫu máu, và phân tích khoảng 400 gen markers để xem mức độ đột biến gen cao mức nào.  Theo tôi, vấn đề di truyền rất quan trọng, bởi vì tôi nghi rằng những nạn nhân dioxin có thể đã qua đời (tức là chúng ta không có cách gì biết họ có phơi nhiễm hay bệnh tật gì hay không), nhưng dấu tích di truyền của họ có thể lưu truyền cho đời con và cháu.  Do đó, nghiên cứu đột biến gen là một cách truy tìm quá khứ để cho phép chúng ta phát biểu về tác hại hiện tại của dioxin.

Về mặt tổ chức, tôi đề nghị chúng ta cần phải có hẳn một cục nghiên cứu, với những ủy ban đặc nhiệm như sau : Ủy ban điều hành nghiên cứu, tức là lo tìm nguồn tài chính, tranh thủ quần chúng (media) và các vấn đề liên quan đến khoa học & an toàn trong nghiên cứu ; Ủy ban phụ trách về thu thập dữ kiện (data collection committee).  Chúng ta cần một hay 2 người trong ủy ban điều hành nằm trong ủy ban này ; Ủy ban phụ trách về kiểm tra sự chính xác và độ tin cậy của dữ kiện thu thập được (data monitoring committee), ủy ban này độc lập với ủy ban phần b ; Ủy ban phụ trách phân tích dữ kiện (data analysis committee) độc lập với hai ủy ban trên ; ủy ban này cũng lo phần công bố các bài báo khoa học trên các tập san y học thế giới.

Ngoài ra, chúng ta phải tranh thủ hợp tác với các chuyên gia và đồng nghiệp nước ngoài để biến chương trình nghiên cứu thành một chương trình mang tính quốc tế và khách quan, để những ai còn nghi ngờ không thể nói chúng ta chỉ làm để mà chứng minh một luận điểm đã có sẵn.  Đây cũng là một vấn đề tế nhị, bởi vì khi nói đến các nghiên cứu chất da cam từ Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài đều lịch sự nói “cần phải xem xét thêm”, một cách nói rằng họ không tin kết quả nghiên cứu từ Việt Nam, bởi vì tất cả nghiên cứu từ Việt Nam đều cho ra một kết quả nhất quán rất khả nghi vì ngay cả trong môi trường thí nghiệm độ nhất quán cũng không cao như thế!

Nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực có thể nói là mạo hiểm và tốn tiền.  Đối với nước ta, vấn đề tài chính có lẽ là vấn đề lớn nhất.  Chi phí đo nồng độ dioxin cho mỗi cá nhân tốn khoảng 1000 đô-la ; nếu chúng ta nghiên cứu trên 10.000 người thì chi phí đo dioxin cũng lên đến con số 10 triệu đô-la.  Đó là một con số lớn.  Đó là chưa kể các khoản chi tiêu khác trong việc bảo quản máu và công tác thu thập thông tin y khoa cá nhân.  Có thể giảm chi phí trên, nhưng nói chung chúng ta cần ít nhất là 2 triệu đô-la để tiến hành một chương trình nghiên cứu có giá trị.

Cũng cần phải nhìn trước những khó khăn mang tính khoa học mà chúng ta có thể gặp phải.  Thứ nhất là vấn đề đối tượng.  Như tôi nói ở trên, có thể có nhiều người nhiễm độc chất (những đối tượng lí tưởng cho nghiên cứu) đã qua đời, cho nên những đối tượng mà chúng ta nghiên cứu hiện nay chỉ là thế hệ thứ hai hay thứ ba, và có thể mức độ liên hệ giữa độc chất và bệnh tật không còn rõ ràng như thế hệ đầu tiên.  Chính vì thế mà tôi nói đến con số 10.000 người để nghiên cứu.  Thứ hai là vấn đề thời gian.  Một nghiên cứu có hệ thống, có ý nghĩa khoa học cao, thì thời gian theo dõi đối tượng phải từ 10 năm đến 20 năm.  Chương trình nghiên cứu của Ý kéo dài hơn 30 năm.  Chương trình nghiên cứu trong cựu chiến binh Mĩ (Chiến dịch Ranch Hand) cũng đã tiến hành hơn 30 năm.  Một nghiên cứu từ Việt Nam, nếu được tiến hành ngay bây giờ, thì cũng phải chờ đến khoảng 20 năm nữa mới có kết quả để làm bằng chứng khoa học cho nhà cầm quyền quyết định.  Và đến đó thì nhiều người cũng sẽ qua đời ! Nạn nhân ít đi dần.  Đối tượng ít đi dần. 

Nhưng những khó khăn đó không thể là hàng rào ngăn cản công trình nghiên cứu, mà là những thách thức chúng ta cần giải quyết một cách sáng tạo.  Tôi tin là chúng ta có thể làm được điều này.  Không thể thụ động để nói khó khăn mà không bắt tay làm.  Chỉ khi nào chúng ta tiến hành nghiên cứu thì mới có số liệu để công bố, để làm cơ sở cho các đàm phán và phản biện với phía các công ti hóa chất Mĩ.  Tôi tin rằng với quyết tâm của lãnh đạo và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, một chương trình nghiên cứu như thế có thể đem lại nhiều kết quả có ích không chỉ cho nạn nhân của độc chất da cam, mà còn cống hiến nhiều tri thức quan trọng cho thế giới y học. 

GSTS Nguyễn Văn Tuấn

 

Tài liệu tham khảo :

[1]  Cerlesi S, Di Domenico A, Ratti S. 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin (TCDD) persistence in the Seveso (Milan, Italy) soil. Ecotoxicol Environ Saf. 1989 Oct ;18(2) :149-64.

[2]  Bisanti L, Bonetti F, Caramaschi F, et al. Experiences from the accident of Seveso. Acta Morphol Acad Sci Hung. 1980 ;28(1-2) :139-57.

[3]  Mocarelli P, Needham LL, Marocchi A, et al. Serum concentrations of 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin and test results from selected residents of Seveso, Italy. J Toxicol Environ Health. 1991 Apr ;32(4) :357-66.

[4]  Eskenazi B, Mocarelli P, Warner M, Needham L, et al. Relationship of serum TCDD concentrations and age at exposure of female residents of Seveso, Italy. Environ Health Perspect. 2004 Jan ;112(1) :22-7.

[5]  Landi MT, Needham LL, Lucier G, et al. Concentrations of dioxin 20 years after Seveso. Lancet 1997 Jun 21 ;349(9068) :1811.

[6]  Bertazzi PA, Consonni D, Bachetti S, Rubagotti M, Baccarelli A, Zocchetti C, Pesatori AC. Health effects of dioxin exposure : a 20-year mortality study. Am J Epidemiol. 2001 Jun 1 ;153(11) :1031-44.

[7]  Warner M, Eskenazi B, Mocarelli P, Gerthoux PM, Samuels S, Needham L, Patterson D, Brambilla P. Serum dioxin concentrations and breast cancer risk in the Seveso Women's Health Study. Environ Health Perspect. 2002 Jul ;110(7) :625-8.

[8]  Mocarelli P, Gerthoux PM, Ferrari E, et al. Paternal concentrations of dioxin and sex ratio of offspring. Lancet. 2000 May 27 ;355(9218) :1858-63.

[9]  Xem “Hóa chất khai quang trong cuộc chiến Việt Nam : qui mô và ảnh hưởng”, Diễn Đàn 2003.

[10]  Schecter A, Dai LC, Thuy LTB, Quynh HT, Minh DQ, Cau HD, Phiet PH, Phuong NTN, Constable JD, Baughman R, Papke O, Ryan JJ, Furst P, Raisanen S.  Agent Orange and the Vietnamese : the persistence of elevated dioxin levels in human tissues.  American Journal of Public Health 1995 Apr ;85(4) :516-522.

[11]  Nguyễn Văn Tuấn.  Chất độc da cam, dioxin và hệ quả.  Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 7/2004.

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Nguyễn Văn Tuấn