“Gác cổng” sức khỏe cho dân ra sao?

Vietsciences- TTCT          10/10/2008

 

Chất độc thực phẩm
Thực phẩm


TTCT - Sự kiện Bộ Y tế “quên” đã có 11, rồi nay là 18 sản phẩm sữa Trung Quốc được công bố tiêu chuẩn chất lượng ở VN, ba loại trong đó đã được xác định có melamine, cùng những lúng túng về xử lý sữa có melamine... đã khiến dư luận thêm bất bình về cung cách quản lý thực phẩm thiết yếu của bộ.

Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, người được phân công phụ trách lĩnh vực này.

* Thưa ông, qua vụ việc melamine mới thấy là cung cách quản lý hồ sơ, quản lý dữ liệu của Bộ Y tế quá kém. Cơ quan quản lý đã “quên” hồ sơ của 18 sản phẩm sữa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có những sản phẩm đã có melamine và nếu không có sự vào cuộc của người dân cùng sự phát hiện của báo giới thì sẽ nguy hại biết bao cho xã hội. Ông nghĩ sao về chuyện này?

- Những sai phạm vừa qua trong vụ melamine, theo tôi, là do sự non kém về kỹ thuật, quản lý nhà nước và cả từ phía doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đưa nguyên liệu vào kiểm tra trước khi sản xuất thì không có những hậu quả vừa rồi. Mà sữa không phải là sắt thép, đó là thức ăn thức uống. Điều khó khăn là danh mục chỉ tiêu cần kiểm nghiệm không có melamine nên làm cách nào cũng không thể phát hiện được.

* Ngoài vụ melamine, còn rất nhiều vụ việc khác liên quan đến cách quản lý yếu kém chất lượng thực phẩm. Có ý kiến cho rằng đây là khâu đáng lo nhất trong xã hội hiện nay, có quan hệ mật thiết đến sinh mạng của người dân. Ông có thấy trách nhiệm rất lớn thuộc về Bộ Y tế?

- Theo tôi, khâu tiền kiểm trước khi cấp phép còn lỏng lẻo. Cơ quan quản lý mới chấp nhận hồ sơ một cách cơ học, trong khi cần thẩm định những trường hợp cần thiết. Sau khi cấp phép, hàng về đến VN, có nhiều chỉ tiêu mình chưa kiểm tra được. Đó chính là lý do tách Trung tâm kiểm nghiệm Viện Dinh dưỡng về Viện Kiểm nghiệm trung ương và thành lập các trung tâm kiểm nghiệm vùng như yêu cầu của Chính phủ. Việc hậu kiểm để lấy mẫu kiểm tra thường xuyên và đột xuất xem có đúng như hồ sơ công bố hay không thì... hầu như là không có. Vì thế mới có chuyện đích thân phó thủ tướng Chính phủ đến Bộ Y tế bàn chuyện thành lập ngành vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước đây chưa có ngành này, mà chỉ có ngành dược, ngành y...

Điều này cũng đã được thể chế qua nghị định 79 của Thủ tướng, thay đổi tận gốc về cơ chế quản lý và tổ chức bộ máy làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: nâng biên chế ở trung ương từ 75 người hiện nay thành 125 người, chuyển chức năng thanh tra chuyên ngành thực phẩm sang Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, ở địa phương thì thành lập chi cục có 25-30 người, ở huyện sẽ có trung tâm vệ sinh an toàn thực phẩm và ở xã có cộng tác viên...

* Nhà nước đã và đang đầu tư rất lớn cho lĩnh vực này do đòi hỏi của xã hội, nhưng việc đáp ứng đòi hỏi đó chưa hiệu quả?

- Cơ chế xuất phát từ con người, nếu con người không làm thì không thể chuyển biến. Theo tôi, bất cập lớn nhất hiện nay là sự thiếu chủ động sáng tạo, sự tắc trách của một số người làm công tác quản lý. Một phần nữa là do xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

* Thưa ông, hiện vẫn có ba bộ (Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y tế và Công thương) cùng “quản” lĩnh vực thực phẩm. Như vậy không thể nói thiếu người, thiếu lực lượng mà chỉ có thể là thiếu người chủ trì và thiếu chủ động mà thôi. Ông nghĩ sao?

- Đã có sự phân công trách nhiệm giữa ba bộ: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyên về nguyên liệu, Bộ Công thương kiểm tra thị trường, Bộ Y tế lo khâu sử dụng, nhưng trách nhiệm của Bộ Y tế bao trùm hơn, lo đến bữa ăn của người tiêu dùng và có quyền cho phép hay không các sản phẩm có mặt trên thị trường.

* Đến thời điểm này, ông có thể đảm bảo an toàn cho thị trường sữa VN?

- Người tiêu dùng rất hoang mang vì chuyện chọn sản phẩm sữa nào. Có nhà trẻ, trường mẫu giáo còn tẩy chay thị trường sữa! Đó là điều rất nghiêm trọng vì sữa rất cần cho sự phát triển của trẻ em. Bộ Y tế đã nhận thức được điều này và đã có văn bản gửi Bộ Thông tin - truyền thông, đề nghị họ tổ chức chiến dịch truyền thông cho sản phẩm sữa. Chúng tôi rất muốn tách bạch hai chuyện: những sản phẩm có melamine đã được công bố rõ ràng, đã và đang được thu hồi (chuyện tiêu hủy hay chuyển mục đích sử dụng thì còn đợi Chính phủ cho ý kiến) và với những sản phẩm không có melamine, người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng.
 

Bài học đau xót vì khâu gác cổng quá kém


Phải nhìn nhận khâu gác cổng của mình còn yếu, bây giờ là sữa, sau là thịt nhập khẩu, là nhiều loại thực phẩm khác; ngoài melamine thì còn chất nào độc hại nữa hay không? Phải tăng cường cả về nhân lực và thiết bị để củng cố khâu gác cổng vệ sinh thực phẩm. Trước khi phát hiện melamine, Bộ Y tế đã cho phép lưu hành các sản phẩm sữa đó rồi, vì vậy phải phê bình chính anh gác cổng đã cho người ta vào nhà!

Vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất được người dân quan tâm. Nhưng không ai có thể biết đâu là thịt sạch, đâu là rau sạch. Các cơ quan chuyên môn đã yêu cầu người dân không được phun thuốc sâu bảy ngày trước khi thu hái, nhưng lại không có cơ chế kiểm soát, không có người kiểm soát thành ra những qui định đã có chỉ để... cho vui. Tôi vẫn cho rằng phải có những cơ quan chịu trách nhiệm trước dân về khâu bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm mỗi khi có sự cố xảy ra như vụ melamine, có như thế mới là vì dân.

Tôi cho là những cơ quan được giao không đủ sức, không đủ người, không đủ phương tiện, những gì đang làm có vẻ rất vất vả, hiệu quả thì chuyển biến chưa nhanh mà vẫn phải báo cáo, thành ra có khi phải báo cáo sai. Chúng ta làm sao biết người ta cho gì vào thịt, cá, kể cả những thứ đã chế biến rồi? Về lâu dài phải xây dựng những cộng đồng có trách nhiệm và gắn với quyền lợi của họ.

Ở nước ngoài, người ta phạt rất nặng các trường hợp gian dối trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm, có khi đóng cửa các cửa hàng không đảm bảo vệ sinh. Ở VN, tâm lý cả nể đã là một thói xấu của xã hội, nếu “cho qua” được thì cho qua, luật thì chưa chặt mà vấn đề là tại sao luật lại có nhiều kẽ hở như vậy để kẻ gian chui qua? Tôi đề nghị xem lại các quy định và người xây dựng quy định. Nếu cần thiết phải phạt những người xây dựng quy định để lại các kẽ hở.

Ông NGUYỄN LÂM HÙNG
(Trung tâm sinh học thực nghiệm thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội)


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=282568&ChannelID=119
LAN ANH thực hiện
 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr