Nhật: Fukushima và Olympic 2020

Vietsciences-GS Michiko Yoshii     TTCT     18/10/2013 
 

           

24/09/2013 10:26

TTCT - Ngày 15-9, lò phản ứng số 4 tại Nhà máy điện hạt nhân Ohi (phía tây Nhật Bản) đã được tắt. Đây là tổ máy cuối cùng dừng phát điện và Nhật sẽ không sử dụng điện hạt nhân ít nhất đến cuối năm nay, khi các chuyên gia hoàn tất việc kiểm tra tất cả nhà máy điện hạt nhân.
Đến năm 2020, Nhật còn rất nhiều việc phải làm.

 

Chủ tịch TEPCO Naomi Hirose sau cuộc gặp bàn về các biện pháp đối phó với nước nhiễm xạ rò rỉ ở trụ sở TEPCO ngày 13-9-2013

 

Người dân Nhật đã quyết định từ bỏ điện hạt nhân sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hỏng do trận động đất - sóng thần tháng 3-2011. Trước sự cố này, điện hạt nhân cung cấp khoảng 30% nguồn điện cho Nhật. Sau sự cố, toàn bộ 50 nhà máy điện hạt nhân đã bị đóng cửa, hoặc để bảo trì hoặc vì lo ngại cho sự an toàn.
Đến đầu tháng 6 năm ngoái, hai lò phản ứng ở Ohi được vận hành lại, nhưng đến tháng 9 lò số 3 cũng đã đóng cửa. Hiện có bốn công ty vận hành các nhà máy điện hạt nhân đã nộp đơn xin chạy lại 12 lò phản ứng ở sáu nhà máy điện hạt nhân nhưng chưa được chính quyền đồng ý.

 

Nhà báo Lisa Holland của Skynews kể khi bà đến thăm Nhà máy điện Fukushima hôm 23-8 đã thấy "rất ít dấu hiệu cuộc sống quanh khu vực này". Bà cũng nói chuyện với nhiều người dân Nhật ở vùng này đang đi sơ tán và được họ cho biết sẽ không trở về nhà cho đến khi nào được "chính các bộ trưởng (có trách nhiệm) nói thật về mức độ nguy hiểm tại đây".

 

Điện hạt nhân đang là vấn đề làm đau đầu Tokyo. Tuần qua, chính quyền ông Abe vất vả xoay xở với tin tức trái ngược nhau về khả năng kiểm soát vụ rò rỉ nước phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Số là trong một trả lời tại Buenos Aires hôm 7-9, chỉ vài giờ trước khi Nhật được thông báo giành quyền đăng cai Olympic mùa hè 2020, ông Shinzo Abe khẳng định Nhật đã kiểm soát được vụ rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Ông cho biết nước nhiễm phóng xạ "đã bị phong tỏa" trong phạm vi 0,3km2 trong vùng vịnh của Nhà máy điện Fukushima-1 và rằng Nhật "sẽ không bao giờ để nước bẩn đe dọa thủ đô".
Thế nhưng sau đó, trong một cuộc trả lời chất vấn tại thành phố Koriyama (Fukushima) của Đảng Dân chủ đối lập hôm 13-9, ông Kazuhiko Yamashita, một quan chức của Nhà máy điện hạt nhân TEPCO (chủ quản Nhà máy Fukushima), lại nói khác. Khi được hỏi liệu công ty có cho rằng tình hình đã được kiểm soát hay chưa, ông Kazuhiko Yamashita đáp: "Tôi xin lỗi, nhưng chúng tôi cho rằng tình hình chưa được kiểm soát"!
Chỉ vài giờ sau đó, TEPCO phải đưa ra một thông cáo "nói rõ hơn" về phát biểu của ông Kazuhiko Yamashita. Phát biểu của ông Yamashita về "tình hình chưa được kiểm soát" được diễn giải trong thông cáo này có nghĩa là nước bẩn tiếp tục rò rỉ trong khu vực phía trong cảng và rằng nước phóng xạ tiếp tục rò rỉ khỏi các bồn chứa.
"Chúng tôi hiểu rằng thủ tướng định nói trong phát biểu của ông rằng "tình hình đã được kiểm soát" có nghĩa là ảnh hưởng của các chất phóng xạ được giới hạn trong khuôn khổ khu vực cảng của nhà máy điện, và rằng nồng độ của các chất phóng xạ trong vùng nước xung quanh thấp hơn nhiều so với nồng độ cho phép... Nếu hiểu như vậy, chúng tôi chia sẻ cùng quan điểm (với thủ tướng)".
Và trong trường hợp đó, TEPCO "sẽ đưa ra các biện pháp thích hợp để không gây hậu quả tiêu cực cho vùng biển bên ngoài" (1).

 

Trong bức ảnh chụp ngày 13-9-2013, cát được chất quanh các bồn chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy điện ở Okuma, quận Fukushima, đông bắc Nhật

 

Chấn động mới: rò rỉ 300 tấn nước nhiễm xạ

 

Như vậy, một thực tế mà TEPCO không thể phủ nhận, theo thông cáo trên, là nước bẩn vẫn tiếp tục rò rỉ khỏi các bồn chứa làm lạnh các lò phản ứng hạt nhân. Ngày 21-8, TEPCO thừa nhận đã phát hiện 300 tấn nước nhiễm phóng xạ rò rỉ khỏi một trong số cả nghìn bồn chứa quanh khu vực Nhà máy điện Fukushima, đồng thời mức phóng xạ ở đó tăng lên tới "mức độ nguy hiểm".
Cụ thể: nước rò rỉ này nhiễm strontium-90, cesium-137 và các chất phóng xạ khác, mức độ nhiễm xạ đo được là 1.800 millisieverts/giờ - hàm lượng có thể giết chết một người bị phơi nhiễm trong vòng bốn giờ. Người ta lo ngại nước nhiễm xạ này có thể đã rò rỉ và chảy ra vùng biển gần đó, nâng cấp độ báo động lên mức 3, được cho là cao nhất kể từ vụ hư hỏng nhà máy điện này.
Ngày 11-9, Thủ tướng Abe đã ra lệnh cho Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp phải nhanh chóng giải quyết tình hình này và bảo đảm TEPCO thực hiện đúng việc tẩy sạch môi trường, dự kiến diễn ra trong 40 năm và tốn kém 11 tỉ USD. Về phần mình, chính phủ cho biết sẽ chi 47 tỉ yen (khoảng 472 triệu USD) bởi một mình TEPCO hiện không thể đảm đương nổi.
Số tiền này được dùng để ngăn chặn sự rò rỉ và xử lý nước thải có chứa phóng xạ nồng độ cao, cụ thể là để xây những tầng hầm có tường chống thấm nước sâu 30m bên dưới lòng đất với các ống chứa chất làm lạnh đến âm 40 độ được gọi là tường băng. Về lý thuyết, các tường băng này có khả năng ngăn nước phóng xạ rò rỉ, ngăn chặn nước ngầm thấm vào các cấu trúc bên dưới lò hạt nhân và tuôcbin, kiểm soát lượng lớn các vật chất phóng xạ.
Trong khi đó, báo chí Nhật vẫn không lạc quan hơn. Theo báo điện tử Ashahi ngày 10-9 (2), ông Amano Yukiya, tổng thư ký Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA), trong một phát biểu ngày 9-9 liên quan đến vấn đề nước thải nhiễm phóng xạ bị rò rỉ khi được hỏi liệu những đối sách (hiện nay) có hiệu quả hay không, đánh giá "lượng nước thải lớn thế này thì tôi mới gặp lần đầu nên không thể dự đoán tương lai".
Trong khi đó tờ Huffington Post bản tiếng Nhật (3) dẫn lời ông Michael Shneider, nhà tư vấn gốc Đức, nói hiện trạng tại Nhà máy Fukushima "xấu hơn những gì chúng ta biết được trong thực tế" và phương án xử lý như đã nêu "không đáng tin cậy lắm. Chưa nói đến tính lâu dài, việc những bức tường này có hiệu quả hay không cũng chưa biết được". Các chuyên gia lo ngại rằng việc duy trì tường băng là cực khó, chưa kể chỉ cần mất điện lần nữa thì tất cả sẽ hỏng.
Tờ báo này cùng lúc dẫn lời nhà tư vấn Anh John Large, kỹ sư điện nguyên tử, nhận định kỹ thuật này "chỉ dùng để quản lý ô nhiễm ở mức nhỏ. Nếu xem đây là giải pháp cho lần này thì nguy cơ quả thật rất cao".
"Tokyo cần Olympic"
Có lẽ không khó để giải thích hiện tượng mà các phương tiện truyền thông nêu trên gọi là "vừa mâu thuẫn vừa lộn xộn": có một chủ trương giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề vì hai lý do: để thuận lợi cho Nhật được quyền đăng cai Olympic, để khôi phục hoạt động các nhà máy điện hạt nhân.
Trong phát biểu sau khi Tokyo qua mặt Istanbul để giành quyền đăng cai Olympic, vị thủ tướng 58 tuổi nói: bằng Olympic 2020, Tokyo sẽ "trả thế giới món nợ mà nước này đã nhận khi thế giới giúp Nhật khắc phục hậu quả sóng thần năm 2011". Mặt khác, như ông nói, thể thao có thể giúp thay đổi cuộc sống của con người, điều chính ông chứng kiến sau thảm họa năm 2011: "Thể thao có thể động viên con người. Quyền năng đó tôi đã thấy ngay sau thảm họa sóng thần".
Ông kể lại năm 2011, khi tình hình còn rất khó khăn nhưng nhiều vận động viên đã tới Nhật chơi với trẻ em trong nỗ lực giúp những đứa bé hàn gắn sau chấn động khủng khiếp. Ông kể đã thấy một bé trai ôm một quả bóng cậu được một vận động viên tặng mà theo ông, quả bóng đó "không đơn giản là quà tặng, mà nó là tương lai, và đó là quyền lực của thể thao".
Như vậy, với ông Abe, việc đưa các vận động viên thế giới tới Nhật mùa hè 2020 còn như một cột mốc khẳng định nước Nhật sẽ vượt qua được hậu quả của thảm họa 2011. Nhìn từ góc độ kinh tế, việc phục hồi điện hạt nhân sẽ giúp ông Abe vực dậy nền kinh tế Nhật.
Kể từ sau thảm họa Fukushima, Nhật đã phải nhập khẩu số lượng lớn than, khí đốt lỏng và các nhiên liệu khác. Chi phí nhập khẩu này đã gây thâm thủng mậu dịch lớn cho Nhật kể từ năm 2011. Bình quân hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình Nhật tăng 30% hậu Fukushima, ảnh hưởng tới những nỗ lực của chính phủ thúc đẩy người dân gia tăng chi tiêu.
Mặc dù vậy, các chuyên gia quốc tế đã đặt vấn đề về an toàn cao hơn những mong muốn hồi phục kinh tế. Tiến sĩ Helen Caldicott đã phân tích những khả năng nước rò rỉ chảy vào Thái Bình Dương, gây ô nhiễm nguồn nước và hải sản cho các nước lân cận. Bà thậm chí đặt vấn đề xem lại yêu cầu tổ chức Olympic 2020 ở Nhật và gọi đó là "Olympic hạt nhân" (4)!
Vậy là cho tới năm 2020, nước Nhật vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Việc khắc phục hậu quả mà sự hư hỏng Nhà máy điện hạt nhân Fukishima mang tới - kể cả với một cường quốc thế giới như Nhật - còn khó hơn nhiều việc xây dựng nó, nhất là giành lại được lòng tin của người Nhật trong điều kiện họ đang nghi ngờ chính phủ và TEPCO "có thật lòng cung cấp thông tin hay không?".
Sheila Smith, nhà nghiên cứu Nhật trong Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ ở Washington D.C, từng cảnh báo vào kỷ niệm một năm thảm họa Fukushima rằng "lòng tin người Nhật vào chính phủ đang lung lay, không phải chỉ trong chương trình hạt nhân, mà còn trong cách chính phủ điều hành các nhà máy điện hạt nhân này và vấn đề lớn hơn là an toàn trong cộng đồng"(5).

 

MINH NHIÊN - NGÂN LONG

 

 

 

 

        ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org