Nhật Bản Chấm Dứt Chương Trình Khai Thác Điện Năng Nguyên Tử

Vietsciences-Võ Ngọc Phước               24/05/2011

 

Bất ngờ vào ngày 6 tháng 5 năm 2011 Thủ tướng Nhật Bản Kan Naoto công bố kể từ nay Nhật Bản chính thức chấm dứt chương trình khai thác điện năng nguyên tử, vốn là “quốc sách” của nước này để phát triển kinh tế xã hội từ hơn 50 năm nay. Để thay thế nguồn điện năng này, Thủ tướng Kan cho biết việc khai thác các nguồn điện năng từ năng lượng mặt trời, biomass gas, địa nhiệt, gió, sóng biển... sẽ được thúc đẩy.

Trong thời gian này, Thủ tướng Kan cũng đã chính thức yêu cầu nhà Công Ty Điện Lực Trung Bộ chấm dứt hoạt động nhà máy điện nguyên tử Hamaoka ở tỉnh Shizuoka cách Tokyo khoảng 150 Km về phía Nam vì lo sợ tác hại thảm khốc do tai họa từ một trận động đất lớn được dự đoán có thể xảy ra ở vùng này trong một tương lai gần. Nhà máy điện nguyên tử này, vì vậy, đã ngưng hoạt động ngay sau đó.

Như vậy, theo tính cách hệ lụy, tai họa tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 dù nguyên nhân ban đầu là do động đất và sóng thần vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 nhưng sau hơn 2 tháng, mà vẫn không có thể dập tắt được thảm họa ô nhiễm phóng xạ ra môi sinh chung quanh từ nhà máy hư hại này, đang gây khổ sở cho đời sống cư dân phải di tản và đình trệ các hoạt động kinh tế zã hội của nước này, đã làm “hậu cảnh” để chính phủ Nhật Bản phải quyết định ngưng chương trình khai thác điện năng nguyên tử.

Từ trước đến nay, quốc sách khai thác điện năng nguyên tử của Nhật Bản đã được cho tiến hành trên toàn quốc, nay đã xây dựng được 54 nhà máy điện nguyên tử cung cấp khoảng 25 % điện toàn quốc, là dựa trên cơ sở căn bản của một hệ thống bảo vệ an toàn cao độ cho loại nhà máy này để đối phó các tai họa dự trù mà toàn bộ chuyên gia Nhật Bản đã dày công nguyên cứu. Để có sự đồng thuận của cư dân ở vị trí xây dựng, chính phủ đã giải thích và bảo đảm tính cách an toàn của loại nhà máy này.

Thật ra, quốc sách khai thác điện năng nguyên tử của Nhật bản là dựa trên cơ sở của tính cách lợi ích kinh tế ưu việt của loại nguyên liệu này., vì chỉ 1 gram nhiên liệu nguyên tử cũng có thể cung cấp năng lượng tương đương với 2.000 lít xăng dầu đã cho thấy lợi ích kinh tế cao độ của nguyên liệu này. Hơn nữa giá cả cũng như sự cung cấp xăng dầu trên thế giới thường không được ổn định so với nguyên liệu nguyên tử.

Tuy nhiên, qua tình trạng thực tế thê thảm đang diễn ra bởi tai họa từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1, cả hai cơ sở căn bản trên đều bị xem như đã “sụp đổ”. Hệ thống bảo vệ an toàn để đối phó chận đứng tai hịa đã không tác động hiệu quả được qua tất cả cố gắng thực hiện cho đến nay. Bây giờ, không những người dân mà cả chính phủ Nhật Bản cũng đã nhận thức được không thể có sự bảo đảm an toàn cho loại nhà máy này một khi xảy ra tai họa như quốc sách đã lấy làm cơ sở căn bản từ bấy lâu nay.

Một mặt khác, tai họa từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 đang đặt chính phủ Nhật Bản đứng trước tình trạng phải đối xử với các tranh chấp đòi hỏi bồi thường các loại thiệt hại vật chất, điều trị bệnh tật, tổn hại tinh thần và nhân mạng từ những hậu quả tác hại của tai họa có thể trên đến hàng tỷ đô la Mỹ mà TEPCO (Công Ty Điện Lực Tokyo) không đủ sức để thanh toán. Việc này chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng ảnh hưởng suy giảm kinh tế Nhật Bản trong vòng 5-10 năm tới.

Trước hai cơ sở trụ cột để thực thi quốc sách khai thác điện năng nguyên tử mà dự định đưa lượng cung cấp lên mức 50% vào năm 2030, nay bị sụp đổ sau tai họa này, chính phủ Nhật Bản đành phải cho đình chỉ toàn bộ chương trình khai thác loại năng lượng nguy hiểm này. Để thay thế, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ cho khai thác đa dạng các nguồn điện năng từ thiên nhiên như năng lượng mặt trời, biomass gas, địa nhiệt, gió, sóng biển… dù biết rằng hiệu xuất sản xuất các nguồn điện năng này kém hơn nguồn điện năng nguyên tử rất nhiều.

Quyết định chấm dứt khai thác điện năng nguyên tử của Nhật Bản có tính cách tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong đường hướng mới phát triển kinh tế xã hội nước này. Chắc chắn chính phủ Nhật Bản đã phải rất nhiều đắn đo để quyết định chấm dứt một quốc sách đã được thực thi từ trước đến nay như vậy. Nhưng từ hậu quả của thảm họa Fukushima đây là một quyết định chín chắn trên một sự trạng rõ ràng trước mắt.

Trước quyết định này, hiện nay chính phủ Nhật Bản đang phải yêu cầu người dân và các cơ sở tiết kiệm điện vì người ta nhận thấy đã có sự phung phí xa hoa trong tiêu dụng điện trong đời sống người dân và các cơ sở như quá nhiều đèn điện, máy điều hòa không khí, thiết bị tiêu dùng điện ở bất cứ mọi nơi suốt ngày đêm. Tại Nhật Bản chỉ riêng tư gia đã tiêu thụ khoảng 40 % điện lượng sản xuất. Vì vậy, từ đây các thiết bị sản xuất và sử dụng điện năng mặt trời, bóng đèn LED, các thiết bị tiết kiệm điện tại tư gia v.v… cũng cần phải được phổ thông hóa vì trong hiện tại giá thị trường các thiết bị này còn quá cao. Chính phủ chắc chắn sẽ phải thực hiện các chương trình xúc tiến liên hệ mới có thể cụ thể hóa việc tiết kiệm điện trong đời sống xã hội.

Cũng cần nói là trong dịp Lễ Truy Niệm 25 năm cho các người đã hy sinh tính mạng trong tai họa nhà máy điện nguyên tử Chernobyl tại Ukraine năm nay (2011), tổng thống Nga lần đầu tiên đã đến tham dự và phát biểu hai thông điệp trong diễn văn đọc tại buổi lễ. Đó là không có sự an toàn hoàn toàn trong việc khai thác sử dụng điện năng nguyên tử và một khi tai họa của nhà máy điện nguyên tử xảy ra thì phải có sự hợp tác quốc tế mới mong có thể chận đứng được. Hai điều này nói lên tính cách nguy hiểm của việc khai thác sử dụng điện năng nguyên tử,

Nhưng có điều oái ăm là hiện nay Nga và Nhật Bản là hai nước đang tiến hành hợp đồng cung cấp lò nguyên tử cho nhà máy điện nguyên tử dự định xây cất tại Phan Rang mà chắc chắn đã không có sự đồng thuận của dân cư đang sinh sống tại đây.

Trước quyết định sáng suốt của chính phủ Nhật Bản cho ngưng chương trình khai thác điện năng nguyên tử, Việt Nam cũng cần nên nhận thức để noi theo vì Việt Nam cũng có các điều kiện thiên nhiên trù phú và đầy đủ trí tuệ để khai thác đa dạng các nguồn điện năng khác thích hợp với điều kiện sinh hoạt xã hội của người dân và tránh đựơc mối nguy hiểm của việc sử dụng điện năng nguyên tử.
 

Võ Ngọc Phước

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Võ Ngọc Phước