Nhật Bản đứng dậy sau thảm họa

Vietsciences-  Nguyễn Trường Uy  Tuổi Trẻ  11/04/2012

 

Những bài cùng đề tài

 Cố lên, nước Nhật!

Thay đổi suy nghĩ sau thảm họa

Xin đừng gọi đó là rác!

TT - Một năm sau sự kiện động đất gây sóng thần ngày 11-3-2011 và sự cố nhà máy điện hạt nhân ở vùng Tohoku (quần đảo Fukushima, Miyagi và Iwate), nước Nhật đã đổi thay, kế hoạch tái thiết mang tên “Chiến lược tái sinh Nhật Bản” hình thành đầy tham vọng.

Sau đây là ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ từ Nhật về những nỗ lực của người dân và chính quyền ở xứ sở vừa ra khỏi thảm họa chưa từng có trong lịch sử.

Kỳ 1: Cố lên, nước Nhật!

Kể từ sau thảm họa ngày 11-3, hệ thống tàu cao tốc shinkansen - chạy 200km/giờ - có một biểu tượng mới. Tất cả các toa kéo đầu tàu đều được vẽ bên hông một hình tròn to màu đỏ, ở giữa là bản đồ Nhật Bản màu trắng và dòng chữ “Cố lên, nước Nhật!”.

 

Hệ thống tàu shinkansen của Nhật có thêm biểu tượng mới ở đầu tàu - Ảnh: N.T.U.

 

Nhưng không chỉ hệ thống tàu shinkansen mới đáp lời hiệu triệu của đất nước, đi đến đâu ở nước Nhật những ngày này người ta đều được nghe thấy những lời động viên người Nhật tiến về phía trước sau thảm họa.

Đứng giữa tan hoang nhìn về phía trước

Bờ biển thành phố Ishinomaki ở quần đảo Miyagi hơn một năm sau thảm họa vẫn còn là một vùng đất rộng tan hoang. Một nửa thành phố Ishinomaki đã bị nước cuốn phăng, hơn 3.200 người chết và một năm sau vẫn còn hơn 500 người mất tích ở phương nào.

Người Ishinomaki đã nỗ lực dọn dẹp mọi thứ, những con đường đã tươm tất, nhưng dọc bờ biển bây giờ vẫn còn đó những căn nhà không còn cửa không người ở đứng chơ vơ giữa đống đổ nát. Có lẽ chủ của những căn nhà tan hoang này đã chết hoặc mất tích, cũng có thể là do họ sơ tán đến một vùng nào đó cho đến giờ vẫn chưa thể trở về.

Dọc theo bờ biển tan hoang, ai đó mới dựng lên một tấm bảng khắc chữ kỷ niệm một năm thảm họa, cạnh đó là một ngọn lửa tượng trưng cho sự vĩnh cửu và một tấm biển lớn ghi dòng chữ “Cố lên, Ishinomaki!”.

 

Giữa trưa nắng, một bạn trẻ Nhật xem tấm bảng kỷ niệm một năm thảm họa. Bên cạnh là ngọn lửa vĩnh cửu và đằng sau là tấm biển lớn “Cố lên, Ishinomaki!” được dựng lên giữa bãi biển hoang tàn ở thành phố Ishinomaki (quần đảo Miyagi) - Ảnh: N.T.U.

 

Giữa trưa nắng, trên bãi đất hoang ngổn ngang đất đá này, ông bà Yamaghushi bày vài bó hoa, thức uống và tượng một đứa trẻ rồi thắp nén hương. Đứa trẻ là con ông bà, ngày 11-3 đi học ở trường tiểu học thì sóng thần ập đến cuốn trôi đi, bây giờ không biết ở nơi nào hay đã vĩnh viễn ra đi. Thắp hương xong, ông bà đến trước tấm biển có dòng chữ “Cố lên, Ishinomaki!”, nước mắt lúc nãy trên mắt ông bà đã thôi lăn.

Ông Yamaghushi nói: “Nỗi đau của riêng tôi đâu thấm vào đâu so với nhiều gia đình khác, so với nỗi đau của thành phố Ishinomaki, của nước Nhật. Nhưng cứ đau mãi thì đâu được gì. Ishinomaki cần nhìn về phía trước. Tương lai của chúng tôi bắt đầu từ cách chúng tôi làm gì hôm nay”.

Cách bờ biển không xa, trên bức tường của Bệnh viện Chữ thập đỏ Ishinomaki, người ta thấy một bức tranh lớn ghi dòng chữ “Nước Nhật: đừng bao giờ bỏ cuộc!” bằng tiếng Anh và vô số lời động viên bằng tiếng Nhật của bệnh nhân vốn là nạn nhân sóng thần đã đến đây điều trị hơn một năm trước.

 

Hành lang của Bệnh viện Chữ thập đỏ Ishinomaki thành một triển lãm tranh và những lời động viên của nạn nhân sóng thần: "Nhật Bản: đừng bao giờ bỏ cuộc" - Ảnh: N.T.U.

 

Vào thời điểm khó khăn đó, bệnh viện 402 giường này đã trở thành địa điểm cứu nạn cho nạn nhân sóng thần cả vùng, làm nơi lánh nạn của 313 người dân và chữa trị 1.200 bệnh nhân mỗi ngày trong cảnh hoàn toàn bị cô lập. Khi được hỏi ai sẽ xung phong đi đến vùng thảm họa, những cánh tay y bác sĩ giơ lên, dù bà con của họ người còn người mất không biết tìm nơi nào. Một nửa bác sĩ ở lại bệnh viện trực chiến, một nửa ra vùng thảm họa để điều trị cho người bị thương.

“Không bao giờ nói không với bệnh nhân” là tinh thần của bệnh viện những ngày đó.

Ông Abe Masaaki, trưởng bộ phận kế hoạch của bệnh viện, nhớ lại câu chuyện và nói: “Nếu chính chúng tôi không dấn thân về phía trước thì thật khó động viên các nạn nhân vượt qua cảnh đau ốm ngặt nghèo. Khi chúng tôi nói với họ rằng hãy cố lên cho khỏe, thì chính chúng tôi cũng phải biết cố lên vì Ishinomaki, vì nước Nhật”.

Nụ cười trở lại

Nước Nhật một năm sau thảm họa vẫn còn xúc động với câu chuyện các cô vũ công của khu nghỉ mát Hawaiians ở thành phố Iwaki, quần đảo Fukushima, đã tổ chức chuyến biểu diễn miễn phí khắp nước để mang nụ cười trở lại khi cả nước Nhật đang nỗ lực hồi phục sau thảm họa.

Bây giờ du khách đã trở lại khu nghỉ mát nổi tiếng này sau bảy tháng đóng cửa vì sóng thần, các cô vũ công múa những điệu Hawaii cũng đã trở lại múa phục vụ khán giả hằng đêm, nhưng cả nước Nhật vẫn chưa quên hình ảnh các cô những ngày gian nan một năm trước.

Có lẽ ông chủ của khu nghỉ mát nổi tiếng khắp vùng Tohoku và cả nước Nhật này sẽ không ngờ có một ngày địa điểm nghỉ dưỡng kiểu Hawaii, có công viên nước lớn nhất nước này đùng một cái không có khách đoái hoài. Sóng thần ập đến, vốn nằm trên vùng cao nên khu nghỉ mát trở thành nơi sơ tán cho hơn 200 người suốt ba tháng trời. Toàn bộ đội ngũ quan chức thị trấn cũng dời về đây làm việc do trụ sở chính quyền thị trấn bị quét sạch. Một khung cảnh tang tóc và u ám bao phủ khắp vùng. Phải làm gì đây bên cạnh hồi phục cơ sở vật chất? Các cô vũ công vốn múa những điệu múa Hawaii nức tiếng nước Nhật này (được người Nhật gọi là hula girl) quyết định tổ chức chuyến biểu diễn khắp nước để khích lệ tinh thần người dân.

Lần đầu tiên sau 45 năm hình thành vũ đoàn, 35 cô gái trong đội múa đi ra khỏi khu nghỉ mát để phục vụ miễn phí khán giả khắp nước. Họ đều là người Fukushima, đi biểu diễn động viên tinh thần đồng bào trong khi người thân của họ có người đã chết, có người còn mất tích, người may mắn thì còn trú ở các trại sơ tán.

Tour diễn được bắt đầu từ trung tâm sơ tán Fukushima, giữa một vùng chỉ có màu đen của đổ nát và màu trắng của tuyết phủ, nhóm múa phát đi thông điệp rằng chuyến biểu diễn này nhằm thể hiện sự đoàn kết của người dân trong vùng Tohoku và trên cả đất nước.

Một năm sau sự kiện đó, Mai Yamagiwa - trưởng nhóm múa, có cha mẹ đang ở trại tạm cư - nhớ lại: “Chúng tôi đã lên đường diễn khắp vùng Tohoku để mang lại nụ cười cho bà con vùng thảm họa, đến cả Tokyo, Osaka... để cổ vũ tinh thần vươn lên của người Nhật. Đặc biệt nhất là những suất diễn ở các trại tạm cư tại Fukushima, chúng tôi đã thấy nụ cười của người dân, trong đó có cha mẹ tôi. Những nụ cười và khuôn mặt vui vẻ đó là những điểm sáng hiếm hoi giữa vùng thảm họa đen tối bao trùm”.

Báo chí khắp nước Nhật đưa tin về tour diễn, những hình ảnh các cô gái biểu diễn đẹp mắt trên sân khấu và sau đó là nước mắt rơi giữa vũ công và khán giả khi giao lưu tràn ngập các trang báo. Báo New York Times của Mỹ cũng đăng bài về tour diễn xúc động này.

 

Các cụ già biểu diễn lễ hội đường phố kêu gọi ái quốc ở Adatara (quần đảo Fukushima) - Ảnh: N.T.U.

 

“Chúng tôi sẽ còn tiếp tục động viên nhau cùng bước tới” - ông Nogoya Kabe, người phụ trách chuyến biểu diễn đường phố (road show) của các cụ ông, cụ bà ở hai quần đảo Iwate và Fukushima, cho biết.

Giữa trưa nắng tháng 3-2012, trước một siêu thị ở thành phố Adatara (quần đảo Fukushima), chúng tôi thấy các cụ hát, múa và đánh trống những bài ca truyền thống kêu gọi người dân ái quốc. Bà con vây lại xem. Xong xuôi, họ lên xe rong ruổi sang nơi khác, chiếc xe chạy đi với bài hát phát ra từ loa cứ lặp đi lặp lại không nghỉ: “I love you, Fukushima!”.

Kỳ 2: Thay đổi suy nghĩ sau thảm họa

TT - Khi chúng tôi vừa đến khách sạn Taikanso ở thị trấn Matsushima (quần đảo Miyagi), một trận động đất xảy ra làm cả khách sạn rung lắc.

Hôm sau, khi đang ở thành phố Sendai cũng tại quần đảo Miyagi này, một trận động đất khác lại xảy ra. Nhưng mọi người tỏ ra khá bình tĩnh, lý do là ở xứ này những trận động đất như vậy không phải lạ lẫm gì.

300 trận động đất mỗi ngày

Có mặt ở Trung tâm Theo dõi dữ liệu động đất thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia phòng chống thảm họa và khoa học trái đất ở thành phố khoa học Tsukuba (quần đảo Ibaraki), chúng tôi thường xuyên thấy màn hình báo hết trận động đất nhỏ này đến trận động đất sâu trong lòng đất khác đang xảy ra ở Nhật. Tiến sĩ Hao - giám đốc trung tâm - thông tin một con số “ấn tượng”: mỗi năm tại nước Nhật xảy ra 100.000 trận động đất lớn nhỏ, trung bình 300 trận động đất/ngày.

Nước Nhật từng xảy ra lắm trận động đất nhưng thảm họa khủng khiếp như ngày 11-3-2011 thì chưa: động đất 9 độ Richter, sóng thần và sự cố hạt nhân. Sau trận động đất làm 6.000 người chết ở Kobe ngày 17-1-1995, nước Nhật đã một phen bàng hoàng. Nay sau thảm họa kép 11-3, dường như suy nghĩ của mỗi người Nhật về thảm họa đã thay đổi. “Từ sau trận động đất ở Kobe, chúng tôi nhận ra hệ thống theo dõi các trận động đất mạnh hoạt động chưa hiệu quả lắm” - tiến sĩ Hao nói. Sau đó, viện đã đặt chi chít 2.000 trạm theo dõi động đất có cường độ cao, 800 trạm theo dõi động đất cường độ mạnh và 700 trạm theo dõi động đất bình thường khắp nước Nhật.

 

Trung tâm Theo dõi dữ liệu động đất ghi nhận trung bình 300 trận động đất mỗi ngày - Ảnh: N.T.U.

 

Giờ đây, trên các màn hình lớn đặt ở trung tâm theo dõi dữ liệu động đất, người ta có thể theo dõi một cách kỹ càng sự xuất hiện và cường độ từng trận động đất đang xảy ra ở Nhật. Tiến sĩ Hao nhận định: “Cũng từ sau trận động đất Kobe, chính phủ đã nâng việc phòng chống động đất lên thành chính sách quốc gia. Và sau sự kiện 11-3, chúng tôi phải thay đổi suy nghĩ của mình. Thứ nhất, thiên tai sẵn sàng ập đến với tất cả chúng ta, không ngoại trừ một ai, bất cứ lúc nào. Thứ hai, động đất là thiên tai bất ngờ chưa thể phòng tránh, nhưng sóng thần - do xảy ra sau động đất - thì có thể cảnh báo và phòng tránh được”.

 

- Từ năm 2004, 60 tỉ yen đã được đầu tư cho hệ thống báo động động đất, thời gian báo động động đất đến việc cắt nguồn điện giảm từ 3 giây xuống còn 2 giây.

- Từ năm 2009, toàn bộ hệ thống tàu shinkansen ở vùng Tohoku đã được kết nối với hệ thống báo động động đất.

- Ngày 11-3-2011, khi động đất xảy ra, hệ thống báo động động đất đã tự động báo về hệ thống điều khiển tàu shinkansen, và 1 phút 10 giây sau đó toàn bộ 27 con tàu shinkansen đã ngưng chạy mà không bị trật bánh, thương vong.

 

Động đất xảy ra thường xuyên khiến mỗi người Nhật đều nhận thấy việc phòng tránh thảm họa là việc thiết thân với bản thân mình, bên cạnh việc chính quyền gánh vác sứ mệnh đó cùng người dân.

Sau thảm họa 11-3, ở khắp vùng duyên hải Tohoku, người ta bắt đầu thấy xuất hiện các biển báo chỉ dẫn cho người dân chạy đến vùng đất cao hơn khi có sóng thần xảy ra. Giáo trình khoa học thường thức về động đất trong nhà trường ở vùng này cũng được cập nhật thêm tác hại của sóng thần và cách phòng tránh. Sách vở, tài liệu, tờ rơi về cách phòng tránh sóng thần được in với số lượng lớn.

Bạn có sống sót sau 72 giờ động đất không?

Công viên Phòng chống thảm họa Rinkai ở Tokyo là cơ quan trực thuộc Chính phủ Nhật về phòng chống thiên tai. Trong trường hợp thảm họa xảy ra, các cơ quan chính phủ sẽ làm việc tại đây trong phòng tác chiến rộng cả ngàn mét vuông với công nghệ hiện đại, có sân bay trực thăng, có dự trữ điện nước và lương thực trong vòng một tuần... Ngày thường, cơ quan này là một công viên chủ đề, mở rộng cửa để tuyên truyền cho người dân về các cách phòng chống thảm họa. Khi đến công viên này, chúng tôi được đưa vào tham gia một bài tập thực tế thú vị: bạn có thể sống sót sau 72 giờ động đất trong khi chờ mọi người đến cứu hay không?

Cầm một hộp hướng dẫn trong tay, bạn sẽ được đưa vào thang máy và một kịch bản xảy ra y như thật: động đất làm thang máy rung lên, cúp điện, phải tìm lối đi trong bóng tối. Sau đó, bạn có mặt ở một khu phố được dựng lại cảnh tan hoang do một trận động đất vừa xảy ra. Làm theo hướng dẫn, bạn đứng trước một cửa hàng, một góc phố, một ngôi nhà... và trả lời các câu hỏi: Nhà sụp đổ, bạn chui ra hướng nào? Khi thấy điện giật, bạn làm gì? Bình gas bị xì, bạn có đóng lại không? Nghe có tiếng người kêu cứu trong đống đổ nát, bạn có ra tay cứu không?... Mỗi câu hỏi tình huống có nhiều phương án trả lời, nếu bạn chọn được đúng câu trả lời thì máy sẽ dẫn bạn đi tiếp đến địa điểm mới, cho đến khi ra khỏi được khu phố bị sụp đổ vì động đất.

 

Tái hiện cảnh một khu phố vừa bị động đất để phổ cập kiến thức động đất cho người dân tại Công viên Phòng chống thảm họa Rinkai ở Tokyo - Ảnh: N.T.U.

 

Sau đó, ở một phòng rộng, bộ phim tài liệu về trận động đất ở Kobe năm 1995 được chiếu trên màn hình lớn để bạn thấy được sự khủng khiếp của thiên tai và hiểu được công tác cứu hộ như thế nào. Tiếp theo, bạn sẽ được tiếp tục đưa đến một khu vực rộng được thiết kế như các trại sơ tán, trung tâm cứu hộ... Và bạn sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi. Cứ như vậy, khi bạn đến được điểm thoát cuối cùng, máy sẽ cộng điểm cho bạn, kết quả cho thấy bạn sẽ không sống sót được cho đến khi đội ngũ cứu hộ đến, hoặc sống sót được mà bị thương, hoặc không hề hấn gì...

Cũng như tài liệu, sách vở và phim ảnh tuyên truyền cho người dân cách sống sót trong thảm họa, Công viên Phòng chống thảm họa Rinkai cũng miễn phí cho người dân tham gia trải nghiệm này. Ông Ryutaro Tadao - phó tổng giám đốc công viên - cho biết: “Để phòng tránh thiên tai, trước đây chúng ta thường tập trung đầu tư tiền bạc xây những công trình lớn, áp dụng những biện pháp công nghệ và kỹ thuật mới để chắn bão đỡ dông. Tuy nhiên, thiệt hại về sinh mạng vẫn rất lớn. Người Nhật đã thay đổi suy nghĩ, thời gian qua đã đẩy mạnh việc hướng vào cộng đồng, tập trung vào “giải pháp mềm”, vận động người dân chung tay phòng tránh thiên tai. Nhưng muốn người dân làm được điều đó thì phải đảm bảo người dân hiểu tường tận chính quyền đang làm gì, mức độ thiên tai như thế nào, các biện pháp nào hữu hiệu nhất”.

Ông Sato - trưởng phòng báo chí quốc tế của Bộ Ngoại giao Nhật - nhận định một câu đáng suy nghĩ: “Những gì sự kiện 11-3 dạy chúng ta là thảm họa ngàn năm có một vẫn luôn có thể xảy ra. Những gì xảy ra ở Nhật có thể sẽ xảy ra với bất cứ ở đâu. Đó là chuyện của tất cả chúng ta. Do đó, chúng ta phải suy nghĩ cách để phòng tránh nó”. Ông Sato cho biết một nghiên cứu của Chính phủ Nhật chỉ ra rằng xác suất một trận động đất 7 độ Richter xảy ra ở vùng Tokyo trong vòng 30 năm tới là 70%. Do đó, nước Nhật phải chuẩn bị từ bây giờ.

 

Xin đừng gọi đó là rác!

TT - Những ngày cuối tháng 3-2012, vừa tròn một năm sau ngày đen tối, chúng tôi đặt chân tới thành phố Rikuzentakata (tỉnh Iwate) - nơi động đất, sóng thần khiến 1.155 người chết, gần 1.900 người mất nhà cửa, chứng kiến những câu chuyện “kỳ lạ” thấm đẫm triết lý nhân văn trong công cuộc tái thiết ở mảnh đất này.

 

 

 

Công ty thủy sản Morishita Suisan được ví như ngôi nhà chung của các công nhân với những chính sách nhân văn - Ảnh: Lâm Hoài

 

Những ông chủ giàu tình thương

Ngày 11-3, khi 100 công nhân và 19 thực tập sinh Công ty thủy sản Morishita Suisan (đóng tại thị trấn Ofunato, thành phố Rikuzentakata) đang miệt mài bên những dây chuyền thì sóng thần ập đến. Đích thân giám đốc công ty tay cầm loa dẫn đầu đoàn người chạy lên núi lánh nạn. Từ trên cao, tất cả đau đớn nhìn sóng thần ập vào cuốn trôi toàn bộ nhà xưởng, máy móc cùng hàng chục nghìn tấn hàng ra biển. Sóng rút đi tất cả lại dò dẫm xuống vũng bùn vớt vát chút ít đồ đạc còn sót lại. Hơn một tuần sau đó, ban giám đốc công ty đã hoàn thành mọi thủ tục để chi trả bảo hiểm cho công nhân rồi chính thức cho công nhân nghỉ việc.

Thế nhưng sau đó, thay vì đi lánh nạn lãnh đạo công ty đã cùng toàn bộ công nhân tỏa đi khắp thị trấn Ofunato để cứu nạn và tìm kiếm những người mất tích. Ròng rã hàng tháng trời ngừng sản xuất và đi làm “việc xã hội” này, 100% công nhân vẫn được trả lương đầy đủ. Đến nay, chỉ mới hơn một năm trôi qua, từ trắng tay và nợ nần chồng chất, công ty đã gây dựng lại toàn bộ nhà máy, kho chứa trên chính nền đất cũ, năng suất sản xuất đã khôi phục 70%. Những công nhân của nhà máy mới không ai khác chính là những công nhân đã gắn bó với công ty trước đây.

Tại công trường của Công ty xây dựng Toyoshima Kensetsu nằm bên cửa biển Ofunato, hàng chục công nhân vẫn miệt mài làm việc. Họ đến đây từ nhiều nơi trong thành phố Rikuzentakata nhưng điểm chung đều là những người mất người thân, nhà cửa, mất việc làm sau thảm họa. Công ty đã tìm đến tận từng khu lánh nạn đưa họ đến đây hằng ngày làm công việc phân loại đống đổ nát để xử lý và tái chế. Công việc cho họ thu nhập để duy trì cuộc sống và điều quan trọng hơn là “để quên đi những ký ức buồn” - như anh Kikochi Nobuyuki, một công nhân tại đây, chia sẻ. Ở tỉnh Iwate có hàng loạt công trường như thế này được dựng lên, tạo việc làm cho hàng trăm người mất việc làm trong tỉnh.

Dọc các tuyến đường đi qua thành phố Rikuzentakata chúng tôi cũng mục sở thị hàng loạt ngôi nhà tạm được dựng lên dành cho những nạn nhân sóng thần trú ngụ. Điều đáng nói, dù trong cơn hỗn loạn nhưng chính quyền nơi đây vẫn sắp xếp cho những người dân vốn trước đây là hàng xóm của nhau thì bây giờ vẫn sống gần nhau. “Trong 1.800 ngôi nhà tạm cư, chúng tôi cố gắng tạo cho người dân cảm giác như sống ở nhà mình khi chưa có thảm họa để giảm bớt nỗi đau mất mát cho họ” - ông Owada Tomo, chủ nhiệm Phòng Xây dựng, thị trấn Ofunato, lý giải.

 

Một năm sau thảm họa, hàng đống ôtô hư hỏng vẫn xếp chồng ở thành phố Ishinomaki (tỉnh Miyagi). Không ai gọi đó là rác, vì chủ của nó có người còn, người mất, người không biết ở nơi nào - Ảnh: N.T.U.

 

Xin đừng gọi là rác...

Hai giờ xe buýt phóng nhanh trên tỉnh lộ Rikuzentakata chúng tôi nhói lòng khi nhìn cả một vùng đất mênh mông chỉ còn trơ trọi một vài xác nhà, ôtô. Tất cả những gì còn lại của những khu dân cư sầm uất nhộn nhịp là những đống phế liệu chất cao như núi. Khi ai đó buột miệng hỏi “số lượng bãi phân loại rác ở trong tỉnh là bao nhiêu?”, thay vì trả lời ngay, ông Kimoro, giám đốc công trường xây dựng Toyoshima Kensetsu, đã trầm ngâm một lúc lâu rồi cất lời rất nhỏ: “Xin đừng gọi đó là rác”.

Sóng thần chôn vùi, vùi dập tan tành mọi thứ nhưng hơn một năm trôi qua, người dân Nhật không ai gọi đó là rác, dù nó đã trở thành rác đúng nghĩa. Họ gọi chệch đi là “đống đổ nát”, “đống tàn tích”... Dù không ai đưa ra quy chuẩn riêng nhưng trên các phương tiện truyền thông Nhật cũng hiếm hoi xuất hiện từ “rác” khi thông tin về thảm họa. “Sẽ làm tổn thương nạn nhân sóng thần nếu gọi những gì mà họ tự tay gây dựng, gắn bó, yêu thương cả cuộc đời mình là rác”, ông Kimoro lý giải. Đã có không ít người dân vì quá yêu ngôi nhà của mình trước khi chuyển đi lánh nạn vẫn cố cắm lại tấm biển trước nhà mình “xin đừng dọn chúng đi”.

Sóng thần đã cướp đi sinh mạng của gần 16.000 người nhưng suốt một năm sau cơn thảm họa trên báo chí, truyền hình Nhật không hề có những hình ảnh chết chóc, tang thương. Ông Kosuge Hiroto, phó tổng biên tập phụ trách nội dung nhật báo Mainichi - một trong bốn tờ nhật báo lớn nhất Nhật Bản, nhớ lại: “Lúc đó trong tòa soạn của Mainichi và nhiều tờ báo khác nảy sinh những tranh luận về việc nên đưa những hình ảnh chân thực để cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của sóng thần hay là không đưa. Cuối cùng tất cả những tờ báo lớn của Nhật, không ai bảo ai đều quyết định không đưa”.

Ông lý giải nếu những nạn nhân sóng thần nhìn thấy hình ảnh chết chóc, họ sẽ cảm thấy nỗi đau bị khơi lại và thêm một lần nữa tổn thương.

 

Điều ít biết - hội chứng tâm lý truyền thông

30 phút sau cơn dư chấn khủng khiếp ngày 11-3-2011, Yuhi Ytashi - phóng viên trẻ của đài truyền hình IAT - nhận nhiệm vụ lên đường tới vùng thảm họa để tác nghiệp.

“Khi đặt bước chân đầu tiên lên thị trấn Ofunato - nơi sóng thần quét qua, khung cảnh hoang tàn, tất cả trở thành bình địa, tôi không biết mình phải làm gì sau đó, nói cái gì, đưa hình ảnh nào đây”, anh Yuhi Ytashi run run nhớ lại. Bi kịch rơi vào tất cả những người làm báo lúc đó là đứng trước một sự kiện truyền thông lớn, nhưng thật đau đớn khi đó cũng là sự mất mát, nỗi đau thương to lớn của người dân. Giờ đây, một năm có lẻ trôi qua nhưng những ký ức khủng khiếp về ngày đen tối vẫn như những đợt “dư chấn tinh thần” ám ảnh, đeo đẳng những người trong giới truyền thông Nhật.

Đại diện ban thời sự của đài IAT thừa nhận một tháng sau ngày định mệnh đó, tất cả phóng viên của đài tham gia tác chiến hiện trường đều mắc các triệu chứng tinh thần - mất ngủ triền miên và bị ám ảnh bởi các hình ảnh tang thương. “Ba tháng sau ngày thảm họa, tinh thần của nhiều người trong số đó suy sụp nghiêm trọng” - vị đại diện này nói.

 

LÂM HOÀI

 

 

               http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org