Cập nhật: 01:07 GMT - chủ nhật, 11 tháng 3, 2012
 

Các tình nguyện viên của ACC21 tới Rikuzentakata thuộc Tỉnh Iwate.

Ngày 6/03/2012, một số sinh viên châu Á đã tham gia cuộc thảo luận tại Tokyo do BBC World Service tổ chức với sự hỗ trợ của Asian Community Center 21 (ACC21), một tổ chức phi chính phủ của Nhật nhân kỷ niệm một năm thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng nhà máy điện nguyên tử.

Các sinh viên này từng tham gia vào hoạt động tình nguyện tại một số tỉnh phía Đông Bắc Nhật Bản bị thiệt hại và công việc của tình nguyện viên chủ yếu là dọn dẹp những đống đổ nát, bùn lầy để giúp người dân khôi phục lại sau thảm họa.

 

Bấm ACC21 cho BBC biết số sinh viên tham gia nhiều nhất với tổ chức này đến từ Việt Nam và Trung Quốc.

Vũ Ngọc Huân, Việt Nam
 

Vũ Ngọc Huân từ Đại học Điện tử Thông tin.

Hai ngày tham gia tình nguyện cho tôi những trải nghiệm hết sức quí giá. Chúng tôi đã giúp người dân dọn sạch một con đường tới chùa để họ có thể đến cầu nguyện. Khi được biết nửa số dân tại đây thiệt mạng tôi thực sự sốc.

Chúng tôi giúp cho gia đình ông Kobayashi dọn sạch khu đất. Tôi rất xúc động khi ông mang nước uống tới, có lẽ nước là thứ duy nhất ông có trong căn nhà tạm ông đang ở lúc đó. Ông ta như muốn khóc khi chúng tôi rời và tôi cũng cảm thấy vậy. Ánh mắt của ông còn hiện rõ trong tôi.

Liên quan tới quan ngại về lo ngại nhiễm phóng xạ trong nước, tôi có thể nói rằng sự lo ngại thì vẫn có trong nhiều người nhưng trước khi đánh giá cái gì ta cũng nên phân tích số liệu cho chính xác và các bạn Nhật cung cấp cho tôi những kênh thông tin hữu ích.

Vương Á Đình, Trung Quốc

Vương Á Đình từ Đại học Y và Nha khoa Tokyo

Động đất xảy ra khi tôi đang trong phòng thí nghiệm, tôi khá hốt hoảng nhưng sinh viên Nhật bình tĩnh hơn và tôi đi theo họ rời tòa nhà, sinh viên Nhật đều có một chiếc túi có đồ phòng cho trường hợp khẩn cấp.

Trước khi tới Nhật, tôi e ngại về cách người Nhật sẽ ứng xử với tôi do các yếu tố lịch sử giữa Trung Quốc và Nhật.

Nhưng khi sang đây học tôi thấy các giáo sư, trợ giảng và bạn bè người Nhật rất tốt bụng.

Về câu hỏi có nên theo đuổi điện hạt nhân hay không, tôi nghĩ năng lượng được tạo ra từ thiên nhiên cũng chỉ có hạn.

Điện nguyên tử có thể vẫn là giải pháp và nếu chọn dùng điện nguyên tử thì nên cải thiện hệ thống cảnh báo sớm cũng như tiêu chuẩn an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.

Raymond Tan, Malaysia

Raymond Tan (trái) từ Đại học Sophia.

Tôi nghĩ sự bình tĩnh của người Nhật khi xảy ra thảm họa là điều đáng học hỏi mặc dù sau động đất vài ngày thì có sự lo lắng hơn mức bình thường về khả năng thiếu đồ ăn và nước uống. Nếu thảm họa xảy ra ở qui mô như thế mà ở Malaysia thì tôi không tin rằng mọi người sẽ bình tình được như vậy.

Bàn về điện nguyên tử, tôi cho rằng chúng ta chưa có những thảo luận thật cởi mở và dân chủ và thường hay liên kết chủ đề này với chính trị.

Vậy nay là thời điểm rất tốt để chúng ta bàn xem điện nguyên tử là thứ chúng ta cần hay chỉ vì chúng ta muốn có nên theo đuổi.

Con người ứng phó khá tốt với thiên tai nhưng thường thì không giải quyết tốt khủng hoảng do chính con người tạo ra.

Zayar Lin, Miến Điện

Zayar Lin từ Đại học Y và Nha khoa Tokyo

Tôi tới một khu vực trước đây tôi từng sống và phân nửa nhà cửa tại đây bị tàn phá. Một phụ nữ tại đó đã cảm ơn tôi và nói nếu sau này đất nước tôi bị nạn thì cô sẽ tới để giúp.

Người Nhật rất tử tế và nếu bạn giúp họ thì họ chắc chắn sẽ tìm cách nào đó để giúp lại bạn. Quả thật tham gia chuyến đi tình nguyện khiến tôi gần gũi với người dân hơn nữa.

Cá nhân tôi không phản đối hạt nhân. Hạt nhân rất mạnh trong việc tạo năng lượng như điện.

Vấn đề là có các nước dùng hạt nhân vào mục đích khác như vũ khí chẳng hạn. An toàn là yếu tố quan trọng nhất.

Nhật là nước có công nghệ và kinh nghiệm nhiều về điện hạt nhân và có thể tư vấn cho các nước đang phát triển muốn xây dựng nhà máy điện nguyên tử.

Alvin Christopher, Philippines

Alvin Christopher từ Học viện Công nghệ Tokyo

Tôi nghĩ rằng một trong các bài học rút ra là ngay sau khi có thảm họa thì người dân khá bối rối không biết liên lạc với nhau bằng cách nào.

Điện thoại bị cắt và không phải ai cũng dùng internet và có lẽ cũng không thạo dùng internet để tìm kiếm người thân.

Do đó nên đề ra phương án liên lạc khi có khủng hoảng.

Về chủ đề các nước có nên theo đuổi điện hạt nhân hay không, theo tôi nếu có nguồn hiệu quả và thay thế cho điện nguyên tử thì nên thay thế.

Tuy nhiên nếu không có giải pháp thay thế thì việc có nhà máy điện nguyên tử cũng không phải sự lựa chọn tồi.

Câu hỏi đặt ra là qui trình làm thế nào để đảm bảo an toàn.

Sinh viên châu Á trợ giúp người Nhật vì động đất

Thế giới vụ BBC tổ chức thảo luận với sinh viên từ sáu nước đã tham gia chương trình hỗ trợ cho nạn nhân sóng thần tại Nhật Bản.

Xemmp4

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác