Bóng ma nguyên tử ở Fukushima

Vietsciences-  RFI  Thụy My         16/05/2012

 

Những bài cùng đề tài

Tại một điểm kiểm soát ngăn với khu vực bị nhiễm xạ, làng Kawauchi, cách tỉnh lỵ Fukushima 20 km.

Tại một điểm kiểm soát ngăn với khu vực bị nhiễm xạ, làng Kawauchi, cách tỉnh lỵ Fukushima 20 km.
REUTERS/Kyodo
 

Nhật báo Libération hôm nay 15/05/2012 đề cập đến « Fukushima, những bóng ma nguyên tử ». Trong lúc Nhật Bản vừa cho ngưng chạy lò phản ứng cuối cùng trong số 50 lò tại nước này, người dân ở khu vực xảy ra thảm họa luôn sống trong nỗi lo sợ bị nhiễm xạ. Công tác giải độc với quy mô khổng lồ đang được tiến hành

 
Đặc phái viên của tờ báo tại Fukushima mô tả lại cảnh những xe ben, xe cần cẩu tấp nập làm việc tại thành phố này. Đất nhiễm độc ở khu vực cách nhà máy điện nguyên tử bị tai nạn 60 km không thể bị tiêu hủy hay mang đi nơi khác. Xe ben đào đất lên, đổ vào xe tải, rồi mang chôn tại một hố sâu khổng lồ sẽ được lấp lại ngay trong ngày.

Tất cả ưu tiên cho việc tẩy độc, nhưng không dễ dàng. Một viên chức của làng Kawamata, nằm cách nhà máy 40 km, cho biết : « Diện tích bị nhiễm độc rộng bao la, và tại khu rừng phía chân núi, do nước mưa chảy từ sườn núi xuống nên mười ngày sau khi xử lý mức độ nhiễm xạ trong đất lại y như xưa. Chúng tôi thử dùng sỏi, trồng hướng dương…và cầu nguyện Thượng đế phù hộ mà thôi ! ».

Xung quanh Kawamata, dọc theo con lộ 144 chỉ còn những xóm làng, đồng ruộng bỏ hoang, dân chúng đã tản cư gần hết. Một số rất ít nông dân còn bám trụ vì không nỡ bỏ đàn súc vật bị chết đói. Còn ở thành phố duyên hải Minamisoma chỉ cách nhà máy điện 20 km, các học sinh trung học ở đây mỗi ngày đều phải thay phiên nhau đo mức độ nhiễm xạ. Cả 1.200 trường học tại toàn vùng Fukushima được trang bị máy đo phóng xạ hết sức hiện đại, và Bộ Giáo dục ở Tokyo hàng ngày đều cập nhật kịp thời. Làng Namie nằm gần nơi xảy ra thảm họa nhất thì đã trở thành một vùng đất chết.

Một viên chức phụ trách chương trình di tản cho biết, số 73.000 người sống trong bán kính 20 km xung quanh nhà máy điện Fukushima đã đi sơ tán, biết rằng họ sẽ không có ngày trở lại, và nhiều người đã không chịu nổi cú sốc. Người ta ước tính tại Fukushima, khoảng 600 người còn ở lại, đa số là người già, đã tử vong vì hậu quả gián tiếp của thảm họa : kiệt lực, đau ốm hay tự tử.

Tại Iwaki, thành phố có 300.000 dân nằm cách lò phản ứng 40 km, thì thời gian đã dừng lại vào ngày 11/03/2011 khi sóng thần tràn vào, nhiều ngư dân đã mất tích. Ở cảng nhỏ Hisanohama, những ngư dân còn sống sót giết thời gian bằng cách sửa sang những con tàu mà họ biết rằng sẽ không bao giờ còn được hạ thủy, vì việc đánh cá đã bị cấm tại vùng biển bị nhiễm độc.

Ngày 10/5, chính phủ Nhật đã quốc hữu hóa tập đoàn Tepco sắp phá sản, nhờ đó có thể bồi thường cho các nạn nhân số tiền 5.000 tỉ yen, tương đương 48,3 tỉ euro. Nhưng đối với các ngư dân Hisanohama, cũng như những người đã mất hết mọi thứ sau thảm họa, đây chỉ là một niềm an ủi nhỏ nhoi mà thôi.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120515-bong-ma-nguyen-tu-o-fukushima

 

                 http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org