TTCT - Nhường chuyện đánh giá thành bại của ông Naoto Kan
cho báo chí quốc tế, TTCT mời bạn đọc cùng tìm hiểu con người vị thủ tướng
thứ 29 của nước Nhật thời hậu chiến qua blog của ông
(kansblog.kantei.go.jp), được văn phòng thủ tướng dịch sang tiếng Anh.
 |
Thủ tướng Naoto Kan tuyên bố từ chức tại cuộc họp ở Tokyo ngày
26-8 - Ảnh: Reuters |
Bài cuối cùng trên blog của ông hôm 16-8 có 561 từ, tựa đề
là “Đối thoại với các chuyên gia: “Bây giờ hoặc chẳng bao giờ” (1), các biện
pháp chống lan nhiễm phóng xạ”. Tựa đề đó phản ánh những “thu hoạch” của ông
từ cuộc gặp với các chuyên gia bằng một thái độ cầu thị. Ông kể: “Cùng với
các bộ và thứ trưởng hữu quan, một lần nữa hôm qua tôi lại lắng nghe bảy
chuyên gia trong hơn ba giờ... Tôi cũng nghe bày tỏ những lo âu sâu sắc của
công chúng, đặc biệt của những người có con nhỏ”.
Lắng nghe tri thức đầu ngành
“Thay vì đợi chính phủ tới
kịp nhập cuộc vào vấn đề, tôi sẽ xắn tay vào việc giải quyết vấn đề
ngay trước khi tôi từ chức”
Thủ tướng NAOTO KAN |
Qua câu chuyện ông kể, thoáng thấy cái cơ chế “lắng nghe” của đất nước ông:
“Chuyên gia đầu tiên là GS Tatsuhiko Kodama, giám đốc Trung tâm đồng vị
phóng xạ Đại học Tokyo, người từng ra điều trần trước Quốc hội như là một
nhân chứng...”.
Hiến pháp Nhật ngày 3-11-1946 đã quy định sẵn việc mời các
nhân chứng ra điều trần trong điều 62 mỗi khi cần “tiến hành điều tra liên
quan đến chính phủ”, qua đó giới trí thức được vời đến đóng góp vào chức
trách kiểm tra của Quốc hội Nhật.
Trong thực tế, Hạ viện Nhật đã và còn đang điều tra về
trách nhiệm của Chính phủ và của các cơ quan, đơn vị liên quan đến sự cố hạt
nhân và nhất là những động thái sau sự cố. Hôm 27-7, GS Tatsuhiko Kodama đã
được tiểu ban y tế, lao động, xã hội Hạ viện Nhật mời ra làm chứng về những
tác hại của tai họa hạt nhân Fukushima, góp một tiếng nói chuyên môn khách
quan vào những giải biện của Chính phủ hay của công ty điện lực liên quan.
Có thể tóm tắt điều trần (2) “lên án” của GS Kodama như
sau: “Có bao nhiêu chất đồng vị đã thoát ra từ nhà máy? Chính phủ và TEPCO
đã không báo cáo... Vậy thì chúng tôi phải đánh giá... Và nó tương đương với
29,6 quả bom nguyên tử Hiroshima... Căn cứ trên tri thức hiện thời của chúng
tôi, lượng phóng xạ tồn đọng sẽ chỉ giảm được 1/10 mỗi một năm sau sự cố”.
Và rồi GS Kodama đề ra bốn biện pháp mà Chính phủ Nhật cần
theo đó mà làm ngay, đồng thời vạch ra một “sai lầm tai họa” cho người dân:
“Điều khiến cho tình hình thêm bức xúc là chuyện hỗ trợ đền bù. Tiền này chỉ
chi cho những người bị cưỡng bách di tản. Cựu chủ tịch Công ty điện lực
TEPCO Shimizu và Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Banri Kaieda (ông này
vừa thất bại trong cuộc đua giành ghế thủ tướng với Bộ trưởng Tài chính
Yoshihiko Noda - TTCT) đã chỉ nói có mỗi chuyện đó. Đừng trộn lẫn hai
chuyện. Hãy tách bạch chuyện hỗ trợ đền bù với vấn đề sức khỏe ngay trước
mắt...”.
Dò lại bản điều trần của GS Kodama, càng hiểu tại sao Thủ
tướng Kan, khi viết bài đó trên blog, lại tỏ ra rất nể trọng ý kiến của GS
này cùng sáu chuyên gia kia.
Ông kết luận buổi gặp lắng nghe đó như sau: “Bản thân tôi
đã nêu một số câu hỏi... Thay vì đợi chính phủ tới kịp nhập cuộc vào vấn đề,
tôi sẽ xắn tay vào việc giải quyết vấn đề ngay trước khi tôi từ chức”. Hiến
pháp nước Nhật đã dự liệu và quy định thành điều luật tối thượng vai trò
điều trần trước quốc hội của các chuyên gia là như thế, chính phủ cứ như thế
mà chấp hành.
Truyền lửa cho thế hệ sau
Bài viết đề ngày 15-8 của ông Kan còn ngắn hơn, chỉ 358 từ,
do hôm ấy ông bận đủ thứ, trong đó có dự lễ kỷ niệm 66 năm ngày Thế chiến
thứ hai kết thúc. Ông nhắc lại với dân chúng: “Thế giới đã ngất ngây trước
việc thế hệ trước thế hệ tôi đã có thể tái thiết được nước Nhật từ các cánh
đồng tro tàn sau chiến tranh. Một lần nữa chúng ta hãy ôn lại tinh thần tái
thiết này, suy nghĩ về tinh thần đó, để đưa lại tinh thần đó vào công việc
tái thiết hiện nay... Trong các lĩnh vực mà tôi đang đeo đuổi bằng mọi giá -
tổng hợp một đề án cải cách có thể giải quyết cùng lúc các vấn đề an sinh xã
hội và các vấn đề thuế khóa; hồi phục và tái thiết từ thảm họa động đất; đưa
tai họa hạt nhân đến giai đoạn kết thúc ổn định; cải cách cơ bản công tác
quản lý năng lượng hạt nhân..., chúng ta đã thành công tiến đến điểm “không
thể quay đầu về dĩ vãng” được nữa... Chúng ta không thể chậm rãi từng bước.
Nội các này của Kan sẽ dành hết sức mình để làm tròn trách nhiệm cho đến
giây cuối cùng”.
Thật ra ông Kan đã từng chính thức đòi từ chức từ hôm 2-6,
vài giờ trước khi Quốc hội Nhật sắp bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm ông.
Kết quả - chỉ có 152 phiếu bất tín nhiệm so với 299 phiếu tín nhiệm - càng
tăng uy tín của ông Kan. Đến ngày 10-8, ông lại tuyên bố từ chức và lần này
là ra đi luôn. Thành ra, không lấy làm lạ tại sao văn phong của ông lại nặng
ý chia tay như thế!
Song không phải là một sự chia tay trong yếm thế mà trong
phấn đấu đến phút giây cuối cùng. Ông kể đã làm gì và để lại gì cho người
thủ tướng kế nhiệm: “Thỏa thuận tuần trước giữa lãnh đạo ba đảng Dân chủ
(DPJ), Tự do dân chủ (LDP đối lập) và Komeito Mới đã đoan chắc rằng đạo luật
dự chi ngân sách liên quan đến việc phát hành trái phiếu chính phủ sẽ được
thông qua; đạo luật về việc xúc tiến các nguồn năng lượng tái tạo cũng
thế...”.
Thành ra, bảo rằng đợi thông qua các đạo luật then chốt đó
ông mới ra đi là chính xác. Công việc sắp tới của người kế vị ông, riêng
trong các lĩnh vực này, đã được ông “dọn đường” bằng một thỏa thuận với đảng
đối lập LDP để sau này đừng bị “thọc gậy bánh xe”, nhất là khi cơ cấu quản
lý năng lượng hạt nhân mới sẽ va chạm với những lợi ích cũ.
Có thể thấy cách ông truyền lửa nhân ngày kỷ niệm 15-8:
không chỉ hô hào mà chủ yếu còn qua tấm gương vùng vẫy cho đến giây phút
cuối cùng trước khi giũ áo từ quan!
Kêu gọi dân tiêu xài thêm một chút
Nguy cơ thiểu phát mà tân Thủ tướng Yoshihiko Noda đề cập
đến hôm 29-8 là một thực tế mà qua blog của cựu Thủ tướng Kan, người đọc xa
xôi với hiện tình xã hội Nhật sẽ dễ thấu hiểu hơn. Hôm thứ tư 13-4, tức một
tháng sau thảm họa động đất - hạt nhân, ông Kan viết: “Từ sau tai họa động
đất khổng lồ vùng phía đông nước Nhật, tôi đã thôi không gửi các suy nghĩ
của mình lên trên blog nữa. Đó là để tránh làm rối thêm tình hình... và để
tôi dành trọn vẹn cho tai họa... Tôi sẽ trở lại blog từng chút một. Trong
cuộc họp báo hôm qua, tôi đã kêu gọi dân chúng bớt khắc khổ thái quá. Do lẽ
khắc khổ thái quá sẽ làm giảm tiêu dùng và qua đó làm nản lòng hoạt động
kinh doanh của cả nước Nhật. Ngược lại, mua sắm hàng hóa từ những vùng bị
thảm họa, thụ hưởng từ sự mua sắm đó, chính là sẽ giúp đỡ các vùng bị sự cố
đó”.
Không rõ ông Kan có thuê một “thợ viết” nào để viết blog
giùm ông, song rõ ràng là văn phong của blog ông phản ánh được tính khí ông:
không hoa mỹ, hàn lâm, mệnh lệnh...
DANH ĐỨC