Khi "khoa học" là tai hoạ ở con người đối với con người

Vietsciences-  Phan Huy Đường        31/03/2011

 

Nhân thảm hoạ (động đất – tsunami – tai nạn nguyên tử) vẫn đang hành hạ nhân dân Nhật và uy hiếp người đời tứ xứ từ, mà dám bàn về chuyện này, thật trơ trẽn, vô nhân tâm ?

Nếu thế, đành vậy.

Nhưng không thể nhắm mắt hay tiếp tục câm lặng được !

Nhật báo Le Monde cho biết :

http://www.lemonde.fr/asie-pacifique/article/2011/03/26/fukushima-silences-coupables_1498886_3216.html#ens_id=1493258

Đại khái thế này :

Một lĩnh vực kinh tế cơ bản của một quốc gia, quyết định đời sống và tương lai của cả dân tộc Nhật, lĩnh vực sản xuất điện bằng năng lượng nguyên tử, lệ thuộc quyền lợi của một nhúm người : vài anh chủ tư bản, dăm anh quan chức của chính quyền dân chủ (tư sản) có quyền lực (dân chủ đích thực) và trách nhiệm (nhà nước đích thực) thay mặt toàn dân Nhật để kiểm soát hoạt động duy lợi nhuận của mấy ông chủ tư bản kia, hòng bảo vệ quyền được hưởng sự an ninh (nhân quyền ấy mà) của nhân dân Nhật (cũng là khách mua điện).

Kết quả ? Một quyền lực không hão tí nào, âm u, kiểu mafia, đã luôn luôn quyết định theo chân lý này : lợi nhuận tối đa ngay trước mắt cho mấy ông chủ tư bản là nguyên lý tuyệt đối của tư duy và hành động ; an ninh cho nhân dân Nhật là phụ, thậm chí là chuyện tào lao, không nghiêm chỉnh, phi khoa học kinh tế, không đáng tính tới... Nếu người đời ngu dốt không hiểu được chân lý khách quan ấy, ta chỉ cần cấm nó có được thông tin trung thực, đúng đắn ; nếu cần thì giấu, thậm chí bịa...1

Những hiện tượng trên xưa nay vẫn có. Nhưng, hôm nay, hậu quả tai hại của chúng có thể tàn phá môi sinh không chỉ của một dân tộc mà của cả loài người, không chỉ đối với một vài thế hệ, còn có thể là "vĩnh viễn".

Khi, nhờ khoa học đích thực, lực lượng sản xuất2 đã phát triển đến thế, "nó" đòi hỏi những quan hệ sản xuất3 tương xứng. Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người, chỉ con người mới thay đổi chúng được. Con người ấy, dù muốn dù không, tư duy trong khung của một ý thức hệ nào đó. Làm sao khác được ? Thế thì làm gì bây giờ ? Tắt đèn làm tiếp ? Hay kiên quyết cất bước ra khỏi "tiền sử của nhân loại" ? Nhưng bằng cách nào ?

Tiếc thay, môn kinh tế – chính trị học cổ lỗ sĩ, với mâu thuẫn giữa cơ sở kinh tế của xã hội và thượng tầng kiến trúc ý thức hệ của nó, không có trong hệ thống đại học Tây U. Chỉ có ba môn : khoa học kinh tế (phi chính trị ?), khoa học chính trị (phi kinh tế ?) và khoa học xã hội (phi cả 2 ?) Chẳng bổ ích gì trong trường hợp này, và trong những vấn đề cùng tầm cỡ…

Có những món, càng "khoa học" bao nhiêu càng tai hại bấy nhiêu !

 

P. H. Đ.

2011-03-27
 

1 Trong khi chờ đợi "bàn tay vô hình" của thị trường tự do chứng minh cho mọi người thấy chân lý ấy. Nhưng với người đang sống, cho đa số khốn nạn chờ đợi ân huệ của nó, nó chẳng chứng minh được gì cả, ngược lại.

2 Theo định nghĩa của Marx. Forces productives.

3 Theo định nghĩa của Marx. Rapports de production.


 

Đã đăng trên Diễn Đàn

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Phan Huy Đường