Kỷ niệm 25 năm Chernobyl

Vietsciences-         26/04/2011

 

Những bài cùng đề tài

Tưởng niệm nạn nhân vụ nổ tại nhà máy hạt nhân Chernobyl

 

Đêm thắp nến tưởng niệm nạn nhân Chernobyl được tổ chức tại Ukraina

Ukraina đang tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày xảy ra vụ tai nạn hạt nhân khủng khiếp nhất thế giới từ trước tới khi đó ở nhà máy điện Chernobyl.

Vụ nổ tại một trong các lò phản ứng của nhà máy này đã khiến phóng xạ lan ra trên khắp châu Âu và làm ít nhất 30 người thiệt mạng ngay khi xảy ra vụ nổ.

Một con số chính xác những người chết sau đó vì các bệnh liên quan đến phóng xạ vẫn còn là đề tài tranh cãi.

Dịp kỷ niệm này diễn ra vào khi đang có các cuộc biểu tình mới trên toàn cầu chống lại năng lượng hạt nhân và Nhật Bản đang phải cố gắng hết sức để kiểm soát tình trạng rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima đã bị tàn phá của nước này.

Vào ngày 26 tháng Tư năm 1986 lò phản ứng số bốn ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, thuộc Liên Xô cũ, đã phát nổ.

Vụ tai nạn đã buộc hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa của họ ở Ukraine, nằm ở phía tây nước Nga và Belarus.

Cho tới nay một khu vực cấm ra vào có bán kính 30 km xung quanh nhà máy vẫn được duy trì.

Các kỹ sư Liên Xô đã bao bọc kín lò phản ứng bị hư hại bằng một lớp vỏ bọc bê tông tạm thời để hạn chế phóng xạ nhưng vẫn cần một lá chắn mới.

Nạn nhân nhiễm phóng xạ sau vụ Chernobyl

Một hội nghị các nhà tài trợ được tổ chức tại Kiev, Ukraina, vào tuần trước đã thu hút được 550 triệu euro (tương đương khoảng 486 triệu bảng Anh, hoặc 798 triệu đô) trong số 740 triệu euro cần thiết để xây dựng một khu kho chứa mới cho các thanh nhiên liệu đã sử dụng.

Các quan chức Liên Xô đã không đưa ra thông báo về tai nạn này trong suốt vài ngày liền.

Các hoạt động kỷ niệm vụ nổ Chernobyl diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản đã bị phá hủy do một trận động đất và sóng thần lớn, và khiến khơi lại những quan ngại về mức an toàn của điện hạt nhân.

Công ty quản lý nhà máy Fukushima, Tokyo Electric Power Co (Tepco), cũng bị chỉ trích vì đã không nhanh chóng công bố các thông tin về các rò rỉ phóng xạ từ nhà máy này.

Tổng thống Nga, ông Dmitry Medvedev, cho biết cần phải có sự minh bạch hơn nữa trong các trường hợp khẩn cấp liên quan tới hạt nhân.

"Tôi cho rằng các quốc gia hiện đại chúng ta phải nhận thấy bài học chính về những gì đã xảy ra ở Chernobyl và gần đây nhất là bi kịch tại Nhật Bản như một sự cần thiết phải cho mọi người biết sự thật," ông nói với những người sống sót tại một cuộc họp ở điện Kremlin về các nỗ lực giải quyết hậu quả.

Ông sẽ đến thăm Chernobyl hôm nay, thứ Ba, và Tổng thống Ukraina, ông Viktor Yanukovych, cũng sẽ tới đây.

Ông Yanukovych và Giáo chủ Chính thống Nga Kirill, đã dự một buổi thắp nến tại Kiev tối hôm thứ Hai trước khi đến Chernobyl.

Tuần hành

Hôm thứ Hai, hàng ngàn người ở Pháp và Đức đã tổ chức biểu tình kêu gọi chấm dứt điện hạt nhân.

Biểu tình trên cầu Pont de l'Europe giữa Pháp và Đức

Những người biểu tình tại Pháp và Đức đòi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân

Cuộc tuần hành được tổ chức trên một số cây cầu bắc ngang sông Rhin giữa Pháp và Đức, trong khi có thêm các cuộc biểu tình tại các nhà máy hạt nhân của Đức.

Một trong những cuộc biểu tình chính ở châu Âu đã diễn ra trên cầu Pont de l'Europe, nối liền Pháp và Đức trên sông Rhin giữa Strasbourg và Kehl.

Người biểu tình vẫy biểu ngữ với các khẩu hiệu chống hạt nhân và hô vang: "Hãy để không bao giờ còn các vụ Chernobyl, Fukushima nữa"

Khi tiếng còi vang lên, những người biểu tình ném hoa xuống dòng sông Rhin và nằm trên vỉa hè của cầu để bày tỏ biểu tượng "chết chóc".

Trong khi đó tại Ấn Độ, an ninh đã được thắt chặt quanh Jaitapur, nơi người biểu tình dự tính sẽ diễu hành tới địa điểm được dự trù sẽ là một nhà máy gồm sáu lò phản ứng hạt nhân.

Các chiến dịch chống lại các nhà máy điện ở bờ tây của Ấn Độ đã có đà kể từ khi xảy ra thảm họa tại Fukushima của Nhật.

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org