Một năm sau Fukushima, Nhật Bản phòng bị tương lai bất trắc

Vietsciences-Vũ Đăng Khuê RFI               09/03/2012

 

Những bài cùng đề tài

 
Tú Anh
Nhật Bản là quốc gia liên tục phải đối mặt với các thiên tai, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là trận động đất - sóng thần và tai nạn hạt nhân Fukushima 11/03/2011.
Nhật Bản là quốc gia liên tục phải đối mặt với các thiên tai, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là trận động đất - sóng thần và tai nạn hạt nhân Fukushima 11/03/2011.
Reuters

Làm cách nào để đối phó với một cơn đại địa chấn khi biết là không thể tránh đươc ? Một năm sau tai họa sóng thần và thảm nạn hạt nhân, Nhật Bản gấp rút chuẩn bị một loạt biện pháp từ khoa học đến công nghệ và ngoại thương để « giới hạn thiệt hại » cho nhân mạng và kinh tế quốc gia. Dù vậy người dân Nhật vẫn sống trong mối âu lo thường trực.

Sau vụ động đất và sóng thần tàn phá vùng đông bắc Nhật Bản cách nay đúng một năm, người dân Nhật hồi hộp chờ đợi nguy cơ là giới khoa học gọi là « cơn đại địa chấn » thế kỷ.

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, thủ đô Tokyo nằm trong vùng thiên tai với xác xuất 50% trong vòng 4 năm tới.
Từ sau tai họa 11/03/2011 làm khoảng 19 ngàn người chết ở Sendai, hoạt động địa chấn xảy ra thường xuyên hơn tại quần đảo Phù Tang. Trung bình mỗi ngày vùng Tokyo đều có hơn một lần rung chuyển với cường độ lớn hơn 3 trên thang điểm Richter, năm lần nhiều hơn so với một năm trước.

Xác xuất xảy ra động đất tại Tokyo thay đổi tùy theo cơ quan quan sát, từ 70% trong vòng 30 năm đến 50% trong vòng 4 năm. Vào năm 1923, Đông Kinh đã bị tàn phá với cường độ 7,9 gây tử vong cho 142 ngàn dân. Nếu xảy ra một cuộc động đất tương tự, thì Tokyo ngày nay với 35 triệu dân sẽ chịu những thiệt hại khó tưởng tượng khi hệ thống xe điện chuyên chở công cộng bị đình trệ, từng binh đoàn nhân viên sẽ gặp khó khăn đến mức nào khi tìm phương tiện trở về nhà.

Theo ước tính của Cơ quan phòng chống thiên tai, một trận động đất 7,3 độ Richter, xảy ra ở phía bắc vịnh Tokyo, vào lúc 18 giờ chiều khi gió thổi với vận tốc 15m mỗi giây, sẽ gây thiệt mạng cho 6.400 người và số nạn nhân bị thương sẽ lên đến 160.000. Về vật chất, theo ước lượng, sẽ có 471.000 tòa nhà bị sụp đổ hoặc bị gió mang lửa hỏa thiêu. Toàn bộ thủ đô sẽ bị chất chồng 96 tỷ tấn rác, nhiều hơn gấp 4 lần hậu quả rác ở Sendai cách nay một năm. Hàng chục triệu người kẹt ở ngoài đường sẽ tạm sống ra sao ? Đồ ăn, thức uống, vệ sinh … tất cả hợp lại là một bài toán nát óc.

Để đề phòng cơn « đại địa chấn », các cơ quan khoa học có trách nhiệm đã thiết lập hệ thống theo dõi và khảo sát đáy biển. Một tiền thủy đỉnh bỏ túi do Nhật và Đức hợp tác chế tạo tiến hành hải vụ quan sát đầu tiên ngay vào ngày hôm nay 08/03/2012.

Kết quả quan sát sẽ giúp cho các nhà địa chất tìm hiểu sự vận hành của thảm họa 11/03/2011 và dự báo nguy cơ tương lai để đối phó hiệu quả hơn.

Về mặt công nghiệp, các đại tập đoàn Nhật Bản cũng đã chuẩn bị xong kế hoạch tồn kho linh kiện và mở rộng đường dây gia công để tránh trường hợp bị thiếu hàng phụ tùng làm ngưng trệ sản xuất. Chính phủ Nhật cũng nỗ lực tấn công về ngoại thương, với hy vọng giành thêm thị trường tại Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á với viễn ảnh phải hy sinh thị phần nội địa. Đây là một cuộc cách mạng thương mại đúng nghĩa đối với Nhật.

Nhật Bản đã từng chứng minh khả năng phục hưng tuyệt vời trong quá khứ. Thế chiến thứ hai, bom nguyên tử, khủng hoảng dầu hỏa đều không ngăn cản được đất nước con cháu Thái dương thần nữ lớn mạnh từ một « anh lùn » trở thành đại cường. Liệu lần này Nhật Bản còn đủ ưu thế như xưa hay không ? RFI đặt câu hỏi với giáo sư Vũ Đăng Khuê tại Tokyo. Ông trình bày vấn đề với tư cách một nhân chứng sống.

 
Giáo sư Vũ Đăng Khuê (Tokyo)


 

            http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org