Nghịch lý “con dao nhà bếp”

Vietsciences-  Phạm Việt Hưng      22/03/2011

 

 

Tin trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần 21-03-2011[1] cho hay: Ở Đức, hôm thứ bảy tuần trước, 50.000 người đã xuống đường đứng nối tay thành một chuỗi dài 45km từ Nhà máy điện Neckarwestheim đến thành phố Stuttgart để yêu cầu Chính phủ Đức dứt khoát đoạn tuyệt năng lượng hạt nhân …

 

Video biểu tình chống năng lượng hạt nhân tại Hamburg ngày 13 tháng 3 vừa qua

Video biểu tình chống năng lượng hạt nhân tại Bochum ngày 13 tháng 3 vừa qua

Xin có đôi lời bình luận:

Vì trò chơi điện tử gây tác hại lớn trong việc giáo dục trẻ em, một nhà báo phỏng vấn ông chủ một hãng điện tử: “Ngài nghĩ gì về những trò chơi điện tử do hãng ngài sản xuất ra mà xã hội hiện nay đang phàn nàn lên án?”. Ông chủ trả lời: “Trò chơi điện tử cũng chỉ như con dao nhà bếp mà thôi. Nó có thể có lợi, có thể có hại. Vấn đề là ở người sử dụng”.

Năng lượng hạt nhân cũng là một “con dao nhà bếp”, nhưng nó có thể huỷ diệt toàn bộ sự sống ngay cả trong trường hợp người “đầu bếp” dùng nó cho những mục đích vì con người. Đó là nghịch lý của con-dao-nhà-bếp-điện-hạt-nhân!

Trước đây người ta thường chỉ nói tới thảm hoạ hạt nhân khi bàn tới chiến tranh, nhưng thực tế ngày nay đang dần dần cho thấy nó dạng năng lượng này đe doạ tính mạng nhân loại ngay cả trong hoà bình.

Một tai nạn ở Three Mile Island năm 1979 chưa đủ, phải đợi đến thảm hoạ Chernobyl năm 1986 thì nhân loại bắt đầu biết giật mình sợ hãi. Một loạt dự án hạt nhân ở nhiều nước bị bãi bỏ, những tưởng công nghiệp điện hạt nhân sẽ chết. Nhưng …

Nó đã dần dần sống lại mạnh mẽ nhờ niềm tự tin + thói tự phụ + sự thiếu hiểu biết của con người: Công nghệ cao và ý thức trách nhiệm sẽ hạ mức rủi ro xuống gần như bằng không, quý vị có thể ăn ngon ngủ yên! Nhưng than ôi, thảm hoạ động đất ở Nhật Bản dẫn tới khủng hoảng hạt nhân đã nhắc nhở loài người rằng bao nhiêu sự giỏi giang và khôn ngoan cũng không đủ. Giống như chơi loto, một sự kiện có xác suất một phần tỷ vẫn có thể xẩy ra. Bạn tưởng bạn đủ giỏi để lường hết mọi biến cố hạt nhân ư? Bạn nhầm rồi! Mọi Lý thuyết phân tích rủi ro, mọi công nghệ tiên tiến nhất, mọi lò phản ứng đời III, đời IV, .., cũng sẽ trở nên vô nghĩa trước những thảm hoạ kiểu như thảm hoạ vừa xẩy ra.

Tôi khâm phục và ngưỡng mộ người Nhật Bản tới mức cho rằng họ thuộc trong số rất ít những dân tộc siêu thông minh trên trái đất, với tính kỷ luật và đạo đức cộng đồng rất cao; Tôi cầu Chúa giúp đỡ người Nhật Bản nhanh chóng đứng dậy mạnh mẽ từ đống hoang tàn, đúng như lời thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố cách đây mấy hôm; Tôi mừng rỡ khi nghe tin Nhật Bản đang từng bước khắc phục được hậu quả, đời sống đang trở lại bình thường, …

 

Nhưng điều đó không có nghĩa là bình thường.

Sự cố tại Nhật Bản là bước ngoặt của thế giới, bởi Nhật Bản là quốc gia có tiêu chuẩn an toàn thuộc hàng cao nhất”. Đó là lời cảnh báo khẩn thiết nhất trong mấy ngày qua, cất lên từ một nhà vật lý đáng kính: Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel!

 

Vậy phải làm gì để chống đói năng lượng?

Đó là thách thức đối với các nhà khoa học!

Đã đến lúc chúng ta phải tìm kiếm niềm tự hào trong việc khám phá ra những nguồn năng lượng mới và ứng dụng những công nghệ năng lượng an toàn, thay vì cố bám lấy thói tự phụ đảm bảo an toàn năng lượng hạt nhân.

Đừng đợi tới lúc 6 tỷ người trên trái đất bị huỷ diệt bởi năng lượng hạt nhân thì mới suy nghĩ lại. Hãy tỉnh thức và động tâm khi nghe tin[2]:

-Phóng xạ gấp 1.600 lần ở cách nhà máy điện 20km,

-Báo động mới ở hai lò phản ứng,

-Khói bốc lên ở lò phản ứng số 3, sơ tán công nhân,

-Phóng xạ cao gấp 27 lần trong rau,

-Mây phóng xạ xuất hiện ở Đại Tây Dương,

-Phóng xạ uy hiếp nước Nhật,

-Nhật phát hiện thêm thực phẩm bị nhiễm xạ,

-WHO cảnh báo thực phẩm nhiễm xạ ở Nhật là nghiêm trọng,

-Nhật tạm ngưng sửa lò phản ứng tại Fukushima,

-Phát hiện phóng xạ có trong nước ở Tokyo,

Và hãy suy nghĩ nghiêm túc khi đọc “Cảnh báo từ Fukushima” của Hữu Nghị trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần.  

 

Như thế là quá đủ rồi! Đừng giỡn với thần chết nữa!

Nếu những người đang sống chế giễu tôi là kẻ sợ chết thì chắc chắn những nạn nhân của sự cố Chernobyl cách đây 25 năm và sự cố Fukushima hiện nay sẽ thấy tôi đang nói sự thật. Đơn giản vì đã là con người thì phải biết đau nỗi đau của kẻ khác. Nhìn những hình ảnh giống nhau giữa cơn ác mộng 1945 và 2011, tôi đau lòng quặn ruột. Tôi sợ sự miễn nhiễm đối với nỗi đau của tha nhân!

 

Phạm Việt Hưng

Sydney, Australia

 

Sau đây là “Cảnh báo từ Fukushima” của Hữu Nghị trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần 21/03/2011:

 

Cảnh báo từ Fukushima

TTCT - Các sự số liên tục ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật đã khiến không ít chính phủ phải xem xét lại chính sách năng lượng của mình. Dù lựa chọn nào đi nữa, mẫu số chung vẫn là bài toán an toàn.

http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/429650/Canh-bao-tu-Fukushima.html

Một em bé được đo phóng xạ tại Nihonmatsu, tỉnh Fukushima ngày 15-3. Chính phủ Nhật đã yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế hỗ trợ theo dõi tác động của phóng xạ và đã sơ tán dân chúng khỏi bán kính 20km quanh Nhà máy Fukushima Daiichi - Ảnh: Reuters

 

Mỹ: Rùng mình xem lại tính an toàn

 

Sự cố hạt nhân ở Nhật đã chạm mạnh đến chính sách năng lượng sạch mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hôm chủ nhật 13-3, trong chương trình phỏng vấn “Face The Nation” của CBS News, nghị sĩ Joseph Lieberman đã “đâm trí mạng” vào chương trình hạt nhân đang chớm tái khởi động ở Mỹ bằng phát biểu: “Tôi từng ủng hộ năng lượng hạt nhân do lẽ đó là kỹ thuật của chúng ta và là năng lượng sạch. Song giờ đây hơn bao giờ hết, tôi nghĩ chúng ta phải dừng gấp lại”.

 

Tiếng nói của vị chủ tịch tiểu ban an ninh nội địa thượng viện này nhất định có ảnh hưởng, do lẽ an toàn hạt nhân nằm trong khái niệm an ninh quốc gia. Phát biểu này “chạm” nặng do lẽ chính quyền Obama vừa mới cấp cho Bộ Năng lượng Mỹ 18,5 tỉ USD ngân sách gọi là “đảm bảo tín dụng” nhằm thúc đẩy phát triển hạt nhân (1).

Thật ra, con số 18,5 tỉ USD mà AFP hôm 14-3 đưa ra là con số đã có sẵn, chứ con số Tổng thống Obama mới hôm 8-3 vừa đề nghị thông qua là gấp đôi! Ông Obama yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua một ngân sách bổ sung trị giá 36 tỉ USD cho năm nay và năm tới, nhằm giúp xây dựng thêm 10-12 lò phản ứng hạt nhân. Hiện ở Mỹ đang xây lắp bốn lò phản ứng hạt nhân bằng tiền đảm bảo tín dụng từ ngân sách liên bang. Lò đầu tiên sẽ hoạt động vào năm 2017. 

Tờ USA Today ngày 14-3 đăng xã luận nêu thực tế rất đáng ngại ở Mỹ: Năm ngoái khi thủ đô của Haiti bị một vụ động đất hất tung, người Mỹ ít nhất cũng còn có thể tự trấn an rằng nhà cửa của họ vững và an toàn hơn ở Haiti. Vụ động đất ở Nhật nay phát đi thông điệp ngược lại. Ủy ban an toàn địa chấn bang Utah gần đây đưa ra kết luận trên một mẫu khảo sát gồm 128 trường học, có đến 60% không đạt tiêu chuẩn liên bang.

Một nghiên cứu ở bang Oregon năm 2007 cho thấy có đến 1.000 ngôi trường, tức khoảng 46% số trường trong bang, có nguy cơ cao, thậm chí rất cao sẽ sụp đổ khi có động đất.

 

Anh, Đức rút "bài học Nhật Bản", Đài Loan lo ngại

 

Tại London, Bộ trưởng Năng lượng Anh Chris Huhne tuyên bố: “Chúng tôi nghiêm túc xem xét sự cố này, cho dù ở Anh không có lý do gì để lo ngại một địa chấn cỡ đó. Tôi đã gọi cho chánh thanh tra hạt nhân, tiến sĩ Mike Weightman, yêu cầu ông báo cáo toàn diện tình hình ở Nhật cùng các bài học cần phải học”.

Ở Đức, hôm thứ bảy tuần trước, 50.000 người đã xuống đường đứng nối tay thành một chuỗi dài 45km từ Nhà máy điện Neckarwestheim đến thành phố Stuttgart để yêu cầu Chính phủ Đức dứt khoát đoạn tuyệt năng lượng hạt nhân. Thông điệp này được đưa ra lúc Thủ tướng Đức Angela Merkel đang họp khẩn với các bộ trưởng then chốt, do lẽ bà Merkel đã gia hạn hoạt động cho một số nhà máy điện hạt nhân (2).

Đài Loan đang đặc biệt lo ngại tính an toàn của ba nhà máy điện hạt nhân cùng sáu lò phản ứng ở Jinshan, Kuosheng và Maanshan, có tuổi từ 25-33 năm. Câu hỏi đang đặt ra là liệu kết cấu già nua của các nhà máy này có chịu đựng được động đất hay không.

Rút kinh nghiệm sự cố ở Nhà máy Fukushima Daiichi do hệ thống giải nhiệt các lò phản ứng bị ngưng hoạt động, Công ty Điện lực Đài Loan đã cam đoan rằng các nhà máy này đều có hệ thống điện dự phòng cho hệ thống giải nhiệt của các lò phản ứng. Tuy nhiên, các dân biểu quốc hội cũng khuyến cáo dừng xây cất nhà máy điện hạt nhân thứ tư, đồng thời nên hướng đến các nguồn điện năng khác như điện mặt trời (mà Đài Loan đang sản xuất ê hề). Công ty Điện lực Đài Loan trấn an rằng ở nhà máy thứ tư này, nhiên liệu chưa được nạp vào trong lò (3).

Hôm thứ hai 14-3, nhật báo The Manila Times của Philippines đưa tin Nhà máy điện hạt nhân Bataan do Hãng Westinghouse (Mỹ) xây xong năm 1996 tại nước này nhưng chưa hoạt động vì nhiều lý do sẽ bị chuyển “công năng”. Theo báo này, dân biểu Bernadette Herrera-Dy yêu cầu tiểu ban năng lượng hạ viện xếp lại dự án nhà máy điện hạt nhân, do lẽ “cho đến nay những người hậu thuẫn dự án này vẫn lấy các nhà máy điện hạt nhân của Nhật ra làm khuôn mẫu cho tính an toàn và kinh tế của năng lượng hạt nhân”.

Theo nữ dân biểu này, biến cải Nhà máy điện hạt nhân Bataan thành nhà máy điện khí chính là phương cách tái sử dụng một cách an toàn nhất và ít tốn kém nhất.

Điện hạt nhân vẫn khả dụng

Ngày thứ ba 15-3, nhật báo The Korea Herald loan tin Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak hôm thứ hai (14-3) đã dự lễ động thổ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trị giá nhiều tỉ USD tại UAE (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).

Báo này kết luận: “Sau vụ động đất ở Nhật, các phong trào môi trường chống lại việc xây nhà máy điện hạt nhân ở đây và ở các nước sẽ tăng cường độ phản đối. Song loài người vẫn bị buộc phải sử dụng năng lượng hạt nhân khi nhiên liệu hóa thạch (dầu, khí...) cạn đi. Giải pháp duy nhất là tăng tối đa những đề phòng, cộng với giáo dục công chúng biết sống sao cho an toàn với những nguồn năng lượng nguy hiểm ấy”.

Liên quan đến nội dung này, có tin Úc đã đàm phán sơ bộ xong việc bán uranium cho UAE, qua trung gian của Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd. Úc hiện cung cấp 20% lượng uranium cho thế giới, kể cả cho Nhật Bản.

 

Nhật báo The Strait Times của Singapore ngày 15-3 cùng quan điểm với The Korea Herald: “Năng lượng hạt nhân, tuy nhiên, có lẽ cũng sẽ tồn tại qua tai họa này. Do lẽ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ phải chấm dứt. Sẽ có thêm nhiều quốc gia đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân. Suy nghĩ về vấn đề này đã thay đổi từ nhiều năm qua, từ một sự đối kháng “giáo điều” dựa trên cơ sở là bài toán an toàn, chuyển sang một tuyến suy nghĩ khả dụng hơn nhằm giúp việc sản xuất năng lượng hạt nhân trở nên an toàn hơn”.

 

HỮU NGHỊ

(1) US lawmakers urge go slow on nuclear energy, by Magan Crane (AFP)
(2) Nuclear safety worries spread to Europe, The Guardian, Saturday 12 March 2011
(3)
http://www.asianewsnet.net

 


[2] Tin tức trên báo chí Việt Nam như Tuổi Trẻ Online, Sàigòn Tiếp Thị, và các báo khác.

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org