Những Khía Cạnh Khiếm Khuyết Trong Việc Quản Lý Khắc Phục Tai Họa Tại Fukushima 1

Vietsciences-  Võ Ngọc Phước          19/04/2011

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Sau khi nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 xảy ra tai họa từ ngày 11/3/2011 do nguyên nhân ban đầu của trận động đất và sóng thần quá lớn mạnh, người ta mới dần dần nhận thấy được những khiếm khuyết trầm trọng sau đó từ phía Nhật Bản cũng như quốc tế trong việc tổ chức và chuẩn bị đối phó để khắc phục loại tai họa nghiêm trọng này một khi xảy ra. Tai họa Fukushima 1 nay đang trở thành một bài học về thảm họa nguyên tử không riêng cho Nhật Bản mà còn cho toàn thế giới.

Trước hết là so với toàn bộ hệ thống và trang bị rất hoàn tráng cho việc vận hành và hoạt động kinh doanh của nhà máy điện nguyên tử của TEPCO (Công Ty Điện Lực Tokyo), thì hệ thống và trang bị để đối phó và khắc phục một khi tai nạn hư hỏng xảy ra thì lại rất quá hời hợt và đơn sơ. Chẳng hạn TEPCO không có máy phát điện trên xe di động, không có xe chữa cháy có thể phun nước trên cao và có rất ít y phục, trang thiết bị phòng hộ phóng xạ, máy đo phóng xạ cá nhân, thuốc ngừa phóng xạ chuẩn bị đề phòng tai họa để trong nhà máy. Cũng có thể đó là một lý do mà TEPCO cũng như Nhật Bản đã không muốn đồng ý có sự hợp tác quốc tế để khắc phục tai họa ngay ở bước đầu. Sự việc có thể ví như một chiếc xe rất cao cấp nhưng hệ thống thắng lại rất sơ sài yếu ớt.

Chính vì vậy mà tình trạng này đã làm cho tai họa này ngày càng trầm trọng và phức tạp hơn; và cho đến nay dù TEPCO và Bộ Kinh Tế và Kỹ Nghệ Nhật Bản (Bộ cai quản TEPCO với Cơ Quan Bảo Quản An Toàn Nguyên Tử Lực NISA trực thuộc Bộ này) vừa công bố vào ngày 18/4/2011 một lộ trình khắc phục tai họa trong vòng 6-9 tháng để “có thể” đưa số dân tỵ nạn trở về sinh sống ở quê quán trong vùng bán kính 20 km của trung tâm nhà máy. Tuy nhiên, qua những kinh nghiệm thực tế ở Chernobyl và tình trạng khắc phục các thiết bị hư hại và rửa sạch lượng nước thải phóng xạ to lớn tồn đọng trong toàn khu vực nhà máy vẫn còn đang tiếp diễn ì ạch cho đến nay, khó ai có thể tin được điều này, nếu không muốn nói đó chỉ là một “lời hứa mang nặng tính cách chính trị” nhằm để trấn an dân chúng.

Cũng ở tai họa Fukushima 1 này mà người ta thấy ra những khiếm khuyết căn bản ở hai khía cạnh chính yếu, quốc tế và quốc nội, là do ở hai phía này đã không có một sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong việc đối phó và khắc phục hiệu quả loại tai họa trọng đại này. Ở khía cạnh quốc tế thì là Tổ Chức Nguyên Tử Lực Quốc Tế (IAEA) của Liên Hiệp Quốc chỉ hoạt động với tính cách nguyên tắc báo cáo và khuyến cáo.Trong khi đó ở quốc nội, thì TEPCO cùng Bộ Kinh Tế và Kỹ Nghệ với Cơ Quan Bảo Quản An Toàn Nguyên Tử Lực (NISA) cũng như các tổ chức đối phó tai họa này được lập ra sau đó của Nhật Bản làm việc có tính cách bảo thủ và không chú trọng đến những lo lắng của thế giới.

Vì vậy, ở khía cạnh quốc tế, tuy có nhiệm vụ quản trị các hoạt động sử dụng nguyên tử lực trên toàn thế giới nhưng đối với tai họa nguyên tử xảy ra tại một nước nào thì IAEA chỉ có yêu cầu nước đó báo cáo tình hình tai họa để đánh giá và khuyến cáo. IAEA chỉ tiến hành hỗ trợ tại chỗ khi có yêu cầu chính thức từ nước đó. Còn việc đối phó và khắc phục sự cố là tuỳ thuộc chính yếu vào khả năng của nước đó, IAEA, vì vậy, cũng không có can dự cả vào việc kiểm soát và chỉ định các cải thiện để đối phó và khắc phục tai nạn một khi xảy ra. Ở phương diện quốc tế, đây là một khiếm khuyết căn bản trọng đại để bảo đảm an toàn cho việc sử dụng loại năng lượng nguy hiểm này ở tại một nước.

Cũng chính ở khiếm khuyết quốc tế này mà sau khi sự cố xảy ra, TEPCO, với sự hậu thuẫn của chính phủ Nhật Bản, chỉ báo cáo cho IAEA về tình hình tai họa với một nội dung giới hạn theo từng thời điểm và dù sau đó, ngoài việc cho phát tán hơi phóng xạ ra bầu không khí ở bên trên nhà máy, còn, không biết vô tình hay cố ý, cho xả hàng vạn tấn nước thải phóng xạ ra biển Thái Bình Dương.

Khi các nước lân bang, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga, tỏ ý không bằng lòng về việc làm này thì Bộ trưởng Ngoại Giao Nhật Bản đã lên tiếng cho biết Nhật Bản có quyền làm như vậy trong trường hợp này. Nếu việc xả nước thải phóng xạ ra biển cả có mục đích nhằm làm giảm phát tán hơi phóng xạ ra bầu trời sẽ có tác hại rộng lớn đến toàn Nhật Bản, dù Nhật Bản không chính thức tuyên bố như vậy, thì “việc làm vô ý” này là thật sự có tính cách hữu ý.

Nay thì TEPCO cho biết đang cố gắng tìm cách chất chứa nước thải phóng xạ này nói là để xử lý (do phải tiếp tục phun nước làm mát vào 4 lò nguyên tử đang bị hư hại trong một thời gian ít nhất là vài tháng nữa), mà mỗi ngày sẽ có thêm khoảng vạn tấn nước thải như vậy. Nhưng đây là những việc làm quá khó khăn vì phải điều động nhiều thiết bị to lớn để chất chứa xử lý (kể cả hỗ trợ từ Mỹ, Nga và Pháp), nguyên vật liệu xử lý và kinh phí to lớn để thực hiện việc này, thay vì chỉ phải cho pha loãng rồi xả thẳng ra biển cả mà không kể tác hại đến môi sinh của đại dương trong trường hợp không ai hay biết. Trước vấn đề này, IAEA (Tổng thư ký Amano là đại diện của Nhật Bản) hiện không có ý kiến chính xác về những việc làm này nhưng chắc chắn rồi đây sẽ là một vấn đề tranh cãi gay gắt khó có thể tránh được giữa các nước liên hê.

Cũng vậy, ở khía cạnh quốc nội, dù đây là một loại tai họa thật nghiên trọng đền toàn bộ hoạt động quốc gia và ảnh hưởng tác hại rộng lớn đến toàn thế giới nhưng chính phủ Nhật Bản lại để việc đối phó và khắc phục tai họa nghiêm trọng này chính yếu ở Ban Quản Trị TEPCO (mà phần lớn là các viên chức cao cấp của Bộ Kinh Tế và Kỹ Nghệ về hưu đang nắm giữ) với một số chuyên gia và giáo sư đại học ngành này góp ý ở các tổ chức hỗ trợ của chính phủ lập ra sau đó, nhưng không biết chắc chắn phương cách làm như vậy có thể đạt dược hiệu quả mong muốn hay không.

Do đó mà khi, với phương cách như vậy, tình hình tai họa ngày càng tồi tệ hơn thì toàn bộ các thành phần liên hệ việc khắc phục tai họa này phát sinh bối rối, thì lúc đó Nhật Bản mới tỏ ý cần đến sự hỗ trợ quốc tế, nhất là các nước có nền công nghiệp điện nguyên tử cao như Mỹ, Pháp, Nga…, thì tình trạng được xem như là “quá trễ”. Sự tổn thương (melt down) của các thanh nhiên liệu nguyên tử đã lên một mực độ quá cao trong các lò hay bể chứa và, do đó, một số vỏ lò và hệ thống ống dẫn (piping) có thể đã bị nứt hở tạo rò rỉ nước phóng xạ từ bên trong ra bên ngoài. Trước một tỉnh trạng tệ hại như vậy, việc sửa chữa các hư hại này, dù hệ thống dẫn truyền điện (wiring) và các máy bơm có hoàn thiện xong đi nữa, cũng sẽ rất vô cùng khó khăn và mất rất nhiểu thời gian.

Chính các khiếm khuyết diễn tiến ở cả hai khía cạnh quốc tế và quốc nội như nêu trên đã cấu kết lẫn nhau làm cho việc đối phó và khắc phục tai họa Fukushima 1 không những không hiệu quả mà còn làm cho mỗi ngày một thêm trầm trọng và phức tạp.hơn.

Nếu mà ở bước đầu chính phủ Nhật Bản ý thức được tính cách nghiêm trọng của loại tai họa này mà giao việc đối phó và khắc phục tai họa cho một Uỷ Ban Quốc Gia Đối Phó Khắc Phục Sự Cố mà TEPCO chỉ là một thành viên với sự tham gia của các chuyên viên quốc tế kể cả IAEA. Trong đó mọi uỷ viên thành viên phải có trách nhiệm thật sự rõ ràng chứ không phải tham gia theo kiểu “bình luận gia” vô trách nhiệm, thì diễn tiến của các hoạt động khắc phục sự cố đã có thể kịp thời và hữu hiệu hơn. Theo đó, một khi Ủy Ban này nhận thấy thiếu khả năng để đối phó và khắc phục tai họa một cách hiệu quả, thì đã có thể cho phát lệnh cầu cứu đến quốc tế kịp thời trước khi tình trạng quá trễ như hiện nay.

Hơn nữa, qua kinh nghiệm của bài học về những khiếm khuyết này, người ta nhận thấy IAEA không phải chỉ đứng ở vị trí để nghe báo cáo hay thu nhận yêu cầu hỗ trợ khi có tai họa từ phía các nước, như đã làm như vậy cho đến nay (vì những báo cáo này có thể không được đầy đủ và che đậy các khuyết điểm vì nhiều lý do), mà phải vì trách nhiệm của tổ chức này đến môi sinh của toàn thế giới, cần phải đến tận nơi kiểm soát các chuẩn bị cũng như khả năng đối phó tai họa tại nước đó và, trong trường hợp có tai họa xảy ra, phải gửi chuyên viên đaị diện IAEA đến tham gia vào Ủy Ban Quốc Gia Đối Phó Khắc Phục Tai họa đế phối hợp đối phó cho đến khi được dập tắt hoàn toàn.

Dĩ nhiên những tiến trình thực thi như vậy phải được IAEA, ở vị trí của một tổ chức Liên Hiệp Quốc, điều hợp với các nước hội viên sử dụng nguồn năng lượng nguy hiểm đến môi sinh này đồng ý và thoả thuận với nhau để thành lập các thể thức và điều lệ thực thi cho phù hợp cũng như những chuẩn bị về nhân viên, nguyên vật liệu và kinh phí đóng góp thực thi.để có thể đối phó và khắc phục loại tai họa này xảy ra tại một nước nào một cách hữu hiệu Và cũng dựa trên nguyên tắc này, khi một nước không thể đáp ứng được tất cả các đòi hỏi căn bản này thì không được phép sử dụng loại năng lượng này ở một mực độ có thể làm nguy hại đến môi sinh trên một bình diện rộng lớn.

Có làm được như vậy thì thế giới mới có thể tránh được việc một nước đi vào việc khai thác sử dụng năng lượng nguyên tử chỉ vì mục đích thuần kinh tế do giá nguyên liệu này rẻ tiền hơn phí tổn xăng dầu…mà không nghĩ đến những nguy cơ tiềm tàng có tính cách tác hại trọng đại đến toàn bộ môi sinh trong và ngoài nước, cũng như các đầu tư to lớn căn bản cần phải thực thi ở quốc tế và quốc nội để chuẩn bị đối phó trường hợp sự cố xảy ra. Trước khi đi vào con đường sử dụng loại năng lượng nguy hiểm này, việc quyết định đến vận mệnh quốc gia như vậy, vì vậy, phải được toàn thể người dân đồng lòng tán đồng.

Qua kinh nghiệm chua cay của Nhật Bản với thảm họa xảy ra tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 lần này, địa danh Fukushima (một vùng đồng quê yên lành chỉ cách Tokyo khoảng 200 km về phía Bắc) bỗng chốc đi vào lịch sử thảm họa nguyên tử của nhân loại, người ta nhận thấy chỉ vì những khiếm khuyết căn bản ở hệ thống tổ chức và chuẩn bị đối phó loại tai họa này ở quốc nội và quốc tế đã làm cho tai họa này đã trở nên trầm trọng và phức tạp như vậy. Nhưng điều oái ăm là những khiếm khuyết này chỉ có thể bộc lộ ra cho chúng ta thấy được là sau khi thảm họa đã xảy ra rồi.

VNP
 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Võ Ngọc Phước