Ngay sau sự cố Fukushima, tất cả các nước
hiện khai thác điện hạt nhân đã có phản ứng nhanh chóng, thông báo
sẽ tiến hành tăng cường kiểm tra, rà soát lại các biện pháp bảo đảm
an toàn, sẵn sàng đóng cửa những cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn,
hoặc đã cũ. Nhiều quốc gia chuẩn bị phát triển điện hạt nhân tuyên
bố đình chỉ, xem xét lại các dự án trong lĩnh vực này.
Còn tại Việt Nam, giới hữu trách
trấn an công luận một cách ngắn gọn : sẽ ưu tiên chú trọng đến vấn
đề an toàn hạt nhân. Điều này có nghĩa là không có gì thay đổi trong
kế hoạch xây dựng 8 lò hạt nhân trong những năm tới.
Sự cố điện hạt nhân Fukushima đã dấy lên cuộc tranh luận là Việt Nam
có nên phát triển loại năng lượng này hay không ? Trong tạp chí hôm
nay, RFI xin giới thiệu ý kiến cá nhân chuyên gia Nguyễn Khắc Nhẫn,
nguyên cố vấn Nha Kinh tế, Dự báo, Chiến lược của tập đoàn điện lực
Pháp EDF.
Trong nhiều năm qua, giáo sư Nguyễn Khắc
Nhẫn đã miệt mài viết hàng chục bài về vấn đề năng lượng tại Việt
Nam. Quan điểm của ông không thay đổi từ trước đến nay : Việt Nam
không nên phát triển điện hạt nhân mà cần chú ý tới các loại năng
lượng tái tạo khác. Sau phần giải thích, phân tích kỹ thuật về hiểm
hoạ điện hạt nhân, phần cuối bài phỏng vấn này, liên quan đến Việt
Nam, có thể coi như là một lời kêu gọi tâm huyết của vị giáo sư luôn
quan tâm đến sự phát triển của đất nước.
***
Đức Tâm :
Kính chào giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn. Cách
nay 5 năm, khi trả lời phỏng vấn RFI nhân 20 năm ngày xẩy ra vụ nổ
lò hạt nhân Tchernobyl, giáo sư đã cảnh báo về những nguy cơ, hậu
quả thảm khốc của điện nguyên tử. Những gì đang xẩy ra tại nhà máy
điện Fukushima, Nhật Bản cho thấy dường như người ta chưa rút ra
những bài học về Tchernobyl. Trước hết, giáo sư đánh giá thế nào về
mức độ nghiêm trọng của các sự cố tại Fukushima?
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn:
Theo tôi biến cố Fukushima không thua gì Tchernobyl. Trong những
ngày đầu, Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản xếp mức nguy hiểm vào
hàng số 4, trên thang do INES (International Nuclear Event Scale).
Sau vài ngày, họ cho lên số 5, bằng mức của Three Mile Island, trong
lúc đó Cơ quan An toàn Pháp xếp vào mức số 6, sau Tchernobyl số 7,
mức đo cao nhất. Việc sắp xếp này có tính cách tương đối vì nó còn
tùy thuộc ở những tiêu chuẩn đưa ra. Vì diện tích eo hẹp của Nhật
Bản gây ra thiệt hại to lớn, rồi đây Fukushima có thể đựợc xếp ngang
hàng với Tchernobyl.
Khác với lò nước sôi BWR (Boiled Water Reactor)
của Fukushima và lò áp suất PWR (Pressurized Water Reactor) của
Three Mile Island, lò số 4 RBMK (1000 MW) ở Tchernobyl không có vỏ
bọc bêtông cốt thép để ngăn chặn bụi phóng xạ thoát ra ngoài. Biến
cố Tchernobyl xẩy ra vì nhân viên không áp dụng qui tắc căn bản, đã
cố ý hay vô tình, tách rời hệ thống làm lạnh cùng với một số hiệu
báo động trong một thí nghiệm điện thông thường.
Sáng ngày 26-4-1986 ở nhà máy điện hạt nhân
Tchernobyl, hai tiếng nổ kinh hồn (một vì hiện tượng hạt nhân, một
vì khí hydro) đã làm tung bay 2000 tấn bêtông của nắp đậy. Tâm lò
với 192 tấn nhiên liệu bị nóng chảy làm phóng xạ thoát ra ngoài một
cách nhanh chóng. Trong suốt 10 ngày, hàng trăm tấn graphite (chất
điều độ - modérateur) bị thiêu hủy, tiếp tục thải phóng xạ lên không
gian.
Ngày 11-3-2011, ở Fukushima, hệ thống làm lạnh bị
tê liệt vì sóng thần - Tsunami, nên những ngày kế tiếp, có nhiều vụ
nổ hydro ở các lò. Ở đây, chất điều độ là nước, không có phản ứng
như graphite. Tiềm năng phóng xạ của Fukushima rất lớn, vì tổng công
suất 6 lò của Fukushima là 4680 MW, gần 5 lần lớn hơn Tchernobyl.
Những chuyên gia và nhân viên khai thác nhà máy điện hạt nhân nào
trên thế giới cũng sợ nhất tình huống tâm lò bị nóng chảy và vỏ bọc
lò bị nứt rạn, làm phóng xạ bay ra ngoài.
Tình hình biến chuyển nhanh chóng ở Fukushima có
thể tạm tóm tắt như sau : 3 tâm lò bị nóng chảy (lò 1 -70%, lò 2 -
33%), 2 hỏa hoạn ở hồ chứa nhiên liệu, 5 vụ nổ hydro. Trong 5 lò,
các thanh nhiên liệu đã sử dụng tiếp xúc trực tiếp với khí quyển. Số
nhiên liệu tích trữ ở trong các hồ nước đang sôi bằng 4 lần số nhiên
liệu trong các thùng lò. Ngày 26-3, tình hình có vẻ trầm trọng hơn
vì ở lò 3, khối macma nhiên liệu và kim lọai nóng chảy (corium
2200°C - 2500°C ) có thể làm thủng lò và kết cấu đáy (radier)
bêtông, dày khoảng 8m ! Lúc ấy, các chất phóng xạ strontium, uranium
và plutonium sẽ xuất hiện và có thể lan ra biển. Số lượng phóng xạ
vô cùng nguy hiểm sẽ thải ra như ở Tchernobyl.
Nên biết rằng trong số 514 bộ phận lắp ráp nhiên
liệu (assemblages) của lò 3 này, có 32 bộ MOX do Aréva của Pháp vừa
mới cung cấp. Dù các lò khác không có nhiên liệu MOX, phản ứng phân
hạch cũng tạo ra một ít plutonium. Mỗi lò PWR (1000 MW) của Pháp có
khả năng sản xuất mỗi năm 200 kg tương đương Plutonium (Pu). Trước
biến cố, chỉ tâm lò số 4 là không có nhiên liệu, vì đã đưa vào hồ
nước.
Đức Tâm:
Thưa giáo sư, những khó khăn trong việc
khắc phục các sự cố ở Fukushima là gì?
Nguyễn Khắc Nhẫn:
Ở Tchernobyl, tuy khó vì phóng xạ quá mạnh, nhưng chỉ tâp trung ở
một lò số 4. Ngay sau khi xẩy ra biến cố, nhiều đội trực thăng liên
tục thả xuống khu lò biết bao nhiêu là tấn cát, chì, đất sét, bore…
với mục đích dập tắt hoả hoạn và ngăn chặn bụi hạt nhân phát tán. Từ
600 000 đến gần 1 triệu dân được chính quyền huy động đến tiếp cứu.
Vì nhiễm phóng xạ quá mạnh, những anh hùng vô danh này
(liquidateurs) phần lớn đã tử nạn hay lâm bệnh tật suốt đời.
Ngược lại ở Fukushima, phóng xạ nhẹ hơn, nhưng
phải tổ chức cấp tốc, tiếp cứu cùng một lúc 6 lò. Hết nổ ở lò này
thì cháy ở lò kia, xem như thi đua. Vì ở cạnh bờ biển nên TEPCO dùng
trực thăng để đổ nước mặn xuống các lò và hồ chứa nhiên liêu đã sử
dụng để làm lạnh tâm lò, mặc dù không thể nào ngăn hơi nước nhiễm
phóng xạ bay lên khí quyển.
Đến nay, hơn 2 tuần lễ, nhưng TEPCO vẫn chưa kiểm
soát được tình hình ở nhà máy, còn hết sức nguy hiểm. Các chuyên gia
vẫn hồi hộp lo sợ vì không thể nào tiên đoán được những tình huống
có thể xẩy ra. Tình trạng bi đát này có thể kéo dài hàng tuần, hàng
tháng. Tuy đem điện vào được, nhưng hệ thống làm lạnh vẫn chưa có
thể phục hồi vì máy móc, dụng cụ đo lường đều hư hỏng nặng.
TEPCO đang sợ tâm lò số 3 bị nóng chảy hoàn toàn.
Nếu thùng lò và vỏ bọc lò bị nứt thì phóng xạ từ nhiên liệu MOX (có
Plutonium) hết sức độc, sẽ lan tràn ra ngoài như ở Tchernobyl. Muốn
ngăn chặn bụi hạt nhân phát tán thì phải xây hàng lọat nhiều quan
tài (Sarcophage) hay sao ? Sarcophage đầu tiên của Tchernobyl bị nứt
nhiều nơi, nên người ta đang xây một Sarcophage thứ hai, trị giá 1
tỷ đôla, có hiệu lực chỉ 100 năm thôi ! Lò 1 của nhà máy Fukushima,
vận hành từ 40 năm nay, đúng lý được nghỉ hưu, nhưng éo le thay, vừa
mới được phép gia hạn 10 năm nữa từ tháng trước. Chính phủ Nhật đã
tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy này. Dù sao với sự tàn phá vừa qua và
một khi hàng chục tấn nước biển đã tưới vào, TEPCO biết là thế nào
cũng phải hy sinh nhà máy Fukushima.
Liều phóng xạ trên con số 500 – 1000 mSv/ h (1) đã
đo đựợc ở đây (trong một năm, nếu hấp thụ quá 100 mSv, có xác suất
bị ung thư). Đặc biệt, phóng xạ Iode ở bờ biển cũng tăng rất cao.
Nhà chức trách đang tiếp tục công tác khử nhiễm, ban bố lệnh cấm sử
dụng và buôn bán thực phẩm được sản xuất ở khu vực này.
Ngày 27/03, TEPCO bắt đầu tưới nước thường vào hai
lò 1 và 3 vì với nước biển, muối có phản ứng, ứ đọng ở các ống, gây
cản trở cho việc làm lạnh nhiên liệu. Tuy nhiên, họ bắt buộc tiếp
tục đổ nước biển vào các hồ. Nhiều vũng nước ở lò 2 có phóng xạ lên
rất cao đến 10 triệu lần lớn hơn mức thường. (TEPCO vừa cho biết là
con số này không được chính xác) ? Cách nhà máy Fukushima 40 km,
người ta đã đo thấy Césium 137 lên đến 3.260.000 Bq/m2 (1)
Đức Tâm:
Sau sự cố ở Fukushima, tại một số nước
phát triển như Pháp, Đức, đã có một cuộc tranh luận quyết liệt về
việc có nên phát triển điện hạt nhân hay không. Thực ra, sau mỗi tai
nạn hạt nhân thì lại có những cuộc tranh luận như vậy, nhưng cuối
cùng phe ủng hộ điện hạt nhân vẫn thắng thế. Giáo sư có nghĩ rằng
lần này, sau Fukushima, mọi việc sẽ khác đi hay không ?
Nguyễn Khắc Nhẫn:
Câu hỏi này rất hợp thời sự. Sau Tchernobyl, dư luận toàn cầu không
sôi động, lo sợ như lần này. Thảm họa Fukushima, như một Tsunami,
đang ồ ạt lay chuyển công nghiệp hạt nhân thế giới. Những đoàn thể
chống điên hạt nhân đang lên tiếng dữ dội, đặc biệt ở Đức. Nhiều
nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp... đã ra lệnh phải
kiểm soát chặt chẽ và củng cố tất cả các nhà máy điện hạt nhân để
đối phó với mọi rủi ro tai nạn. Các nước như Vénézuéla, Thụy Sĩ,
Israel đang do dự hay cho hoãn lại các dự án. Trung Quốc cũng ngưng
cấp giấy phép làm những nhà máy điện hạt nhân mới.
Cộng đồng Âu Châu (có143 lò rải rác trên 14 nước)
đang muốn thống nhất các tiêu chuẩn an toàn và sẽ quyết tâm đóng cửa
những nhà máy thiếu an toàn. Nước Đức, với 17 lò (22% điện hạt
nhân), năm 2003, đã tuyên bố đóng cửa các nhà máy vào năm 2020. Gần
đây, vì sợ thiếu điện, đã cho gia hạn đến 2032. Phản ứng của bà
Angela Merken, một giáo sư vật lý, hết sức nhạy bén. Bà đã quyết
định đóng cửa tạm thời 7 nhà máy điện hạt nhân của Đức xây cất trước
1981, đình chỉ trong vòng 3 tháng việc cho gia hạn thời gian vận
hành nhiều nhà máy khác và dần dần sẽ từ bỏ hẳn điện hạt nhân. Hàng
trăm ngàn người đã tiếp tục biểu tình ở Đức để phản đối điện hạt
nhân.
Pháp với 58 lò rải rác trong 19 nhà máy, có tỷ lệ
điện hạt nhân 78%, cao nhất thế giới. Tổng thống Pháp vừa tuyên bố
sẽ đóng cửa tất cả những lò nào không tôn trọng những trắc nghiệm
(stress test) của Cộng đồng Âu châu. Đảng Xanh đã lên tiếng đề nghị
chính phủ trưng cầu dân ý và đóng cửa ngay các nhà máy cũ hay ở vùng
dễ bị động đất như Fessenheim (2 x 900 MW) và Tricastin (4 x 900 MW
). Chính phủ đặt tin tưởng vào lò thế hệ ba EPR-1600 MW (European
Pressurized Reactor) đang xây cất ở Flamanville. Lò này cũng đang
được xây cất ở Phần Lan nhưng bị trễ 3 năm trời.

Giáo sư Nguyễn
Khắc Nhẫn (ảnh:
vietsciences.free.fr)
Tại sao người ta đi ra,
mình lại đi vào ? Chưa có nhà máy điện
hạt nhân là may mắn lắm. Tại sao tìm đón
rủi ro tai biến?
Cũng như ở Đức và nhiều nuớc khác, Pháp sẽ phải thay
đổi chiến lược dài hạn về năng lượng và dần dần hạ thấp tỷ lệ điện
hạt nhân. Nhiều chuyên gia chống điện hạt nhân đã tuyên bố rằng Pháp
có thể bỏ điện hạt nhân trong vòng 30 năm tới, bằng cách tiết kiệm
và tăng hiệu suất năng lượng (-50%), đồng thời triệt để sử dụng năng
lượng tái tạo (+ 80%) và khí (+ 20% ).
Fukushima sẽ làm tăng rất nhanh giá thành điện hạt
nhân, vì từ nay các công ty phải ồ ạt đầu tư vào khâu an toàn. Thời
gian đợi cấp giấy phép và xây cất nhà máy sẽ kéo dài hàng tháng,
hàng năm. Năng lượng tái tạo sẽ có cơ hội và điều kiện cạnh tranh.
Fukushima cũng sẽ chặn đứng việc gia hạn vô trách nhiệm thời gian
vận hành của nhiều nhà máy đến tuổi hưu trí (sau 30 hay 40 năm khai
thác). Sở dĩ các công ty muốn gia hạn đến 50 hay 60 năm là vì đã
khấu hao và cũng vì tìm cho ra địa điểm mới để xây cất nhà máy điện
hạt nhân là hết sức khó khăn, trừ ở những nước thiếu dân chủ. Có ai
muốn đi xe cũ đã 15-20 năm, mặc dù xe đã được kiểm tra lại và đổi
mới. Nhưng máy xe vẫn cũ, cũng như thùng và vỏ bọc lò thì ai giám
tin cậy ? Ngày xưa, làm bài toán kinh tế về giá thành kWh cho EDF,
tôi lấy giả thuyết thời gian vận hành là 20 năm thôi, chứ đâu phải
30 hay 40 năm.
Tóm lại, có thể tuyên bố rằng Fukushima sẽ đổi mới
hoàn toàn công nghiệp hạt nhân, nếu chưa đủ sức chặn đứng sự bành
trướng hay làm sụp đổ nó.
Đức Tâm:
Sự cố Fukushima buộc một số quốc gia châu
Âu và châu Á xem xét lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Trong
khi đó, chính phủ Việt Nam vẫn chủ trương xây dựng các nhà máy điện
hạt nhân và trấn an rằng các nhà máy được xây dựng tại Việt Nam sẽ
an toàn hơn và chính phủ coi vấn đề an toàn là ưu tiên hàng
đầu…Trong khi đó, một số chuyên gia Việt Nam gợi ý chỉ nên xây một
hoặc hai lò rồi rút kinh nghiệm có nên làm tiếp hay không. Ý kiến
của giáo sư về việc này ?
Nguyễn Khắc Nhẫn:
Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, các nước châu Á, như Trung
Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, kể cả Nhật Bản, đều đang cấp tốc kiểm tra
toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời xét duyệt lại chiến
lược phát triển năng lượng. Thảm họa Fukushima đang diễn biến có thể
xem như một Tsunami rất hùng mạnh, đang ồ ạt lay chuyển công nghiệp
hạt nhân thế giới. Fukushima sẽ làm cho các nhà lãnh đạo và chuyên
gia khoa học khiêm tốn và dè dặt hơn xưa. Việt Nam không thể coi
thường hậu quả tai biến này và tiếp tục xúc tiến chương trình xây
cất một loạt 8 lò từ năm 2014 đến 2031.
Lẽ cố nhiên, những lò thế hệ 3 như EPR, AP1000,
hết sức đắt tiền, an toàn hơn lò thế hệ 2. Tuy nhiên, bất cứ lò thế
hệ 3 nào cũng chỉ là một kiểu lò tiến hóa (évolutionnaire) vừa dựa
trên kinh nghiệm quý báu của lò thế hệ 2, vừa được bổ sung với những
tiến bộ khoa học kỹ thuật, chứ không có gì cách mạng cả. Cũng như
nhiều chuyên gia khác, cá nhân tôi không tin tưởng vào lò thế hệ 4
tương lai, đừng nói đến lò thế hệ 3 mà chúng tôi xem như đã lỗi
thời. Các lobby và các công ty vụ lợi, sẽ tiếp tục ru ngủ nước ta
với hai chữ an toàn. An tòan chỉ tương đối mà thôi. Chuyên gia Nhật
Bản lỗi lạc hàng đầu, giàu kinh nghiệm, có sự hỗ trợ cả một nền công
nhiệp robot đồ sộ, thế mà trong hơn hai tuần nay, đành bó tay, bất
lực, đau lòng chứng kiến thảm cảnh điêu tàn.
Nhà kinh tế Pháp, Jacques Attali, đã đưa ra ý kiến
là nên yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp, giúp mạnh Nhật Bản phục hồi
tình trạng bi đát của Fukushima vì điện hạt nhân liên hệ đến toàn
cầu chứ không riêng gì cho một nước nào. Trong cuốn sách Economie de
l'Apocalypse- Trafic et Prolifération nucléaire, xuất bản năm 1994,
Jacques Attali đã đề nghị Liên Hiệp Quốc không nên để các nước thiếu
điều kiện xây cất lò hạt nhân. Thủ tướng Pháp cũng đã tuyên bố sẽ
không bán cho những nước này lò hạt nhân. Nhưng trước khi xẩy ra
thảm họa Fukushima, tổng thống Pháp đi đâu cũng quáng cáo và muốn
bán lò EPR của Aréva.
Một chuyên gia hàng đầu về lò hạt nhân của Mỹ,
giáo Sư Arnold Gundersen, đã tuyên bố rằng hiện nay không nên xây
cất thêm một nhà máy điện hạt nhân nào khác trên thế giới, cần phải
đợi cho đến lúc các chính phủ lượng định lại mức độ nguy hiểm tối đa
như thế nào. Lẽ cố nhiên, tôi ủng hộ lập trường này.
Fukushima đã thức tỉnh dư luận. Bây giờ người ta
bắt đầu mở mắt, thấy rõ hư thực. Công nghiệp hạt nhân là một công
nghiệp đồ sộ, giàu mạnh, nhưng mỏng manh nhất thế giới. Vì để đồng
đôla cao hơn tính mạng con người và môi trường, nên các công ty, các
lobby phải dối trá với cấp lãnh đạo và dân chúng, thường xuyên che
dấu sự thật.
Đừng quên rằng lửa hạt nhân, lúc sơ khởi là để tàn
phá chứ không phải để kiến thíết xây dựng. Vào con đường hạt nhân
bây giờ, theo ý tôi, là phản tiến bộ, đi lùi, chứ không phải đi tới,
như có người vẫn mơ tưởng hão huyền. Tạo hóa đã cho nhân loại tha hồ
sử dụng năng lượng tái tạo, không tốn một xu nhiên liệu nào, thế mà
tại sao cứ tiếp tục chạy theo con đường đầy chông gai hiểm trở, vô
cùng tốn kém? Nếu cả thế giới triệt để tiết kiệm năng lượng, nguồn
năng lượng vô cùng quý báu này có thể tương đương với 50% nhu cầu
nhân loại hiện nay. Ít ai tưởng tượng rằng lãng phí toàn cầu có thể
lên đến 50%.
Trong số 20 bài tôi viết (2) từ năm 2003, với tất
cả nhiệt tình dành cho quê hương, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng
Việt Nam không nên xây cất nhà máy điện hạt nhân vì nhiều lý do : An
toàn, chuyên gia, nhân lực, kinh tế, tài chính, môi trường, rủi ro
nguy hiểm, lưu trữ chất thải phóng xạ...
Chính sách năng lượng của nước ta, cũng như của
tất cả các nước trên thế giới, phải dựa trên việc triệt để tiết
kiệm, sử dụng có hiệu lực năng lượng, khai thác tất cả các nguồn
năng lượng tái tạo. Tổn thất năng lượng ở Việt Nam hiện nay có thể
lên đến 35-40%. Mỗi chúng ta phải thay đổi cách nhìn và cách sống.
Điều độ chừng nào quý chừng ấy. Theo tôi, không có con đường nào
khác. Tại sao người ta đi ra mình lại đi vào? Chưa có nhà máy điện
hạt nhân là may mắn lắm, tại sao tìm đón rủi ro tai biến. Làm một lò
điện hạt nhân là kẹt cả một thế kỉ (50 năm vận hành và 50 năm để
tháo gỡ). Các nhà máy điện hạt nhân có phải là mục tiêu lý tưởng cho
quân địch khi chiến tranh xẩy ra không ?
Ngày 25-3 vừa qua, trận động đất 6,8° Richter khá
lớn ở Miến Điện (Myanmar) như cố tình nhắc đồng bào Hà Nội là tạo
hóa vẫn vô thường. Như tôi đã có dịp trình bày trong bài phỏng vấn
của RFI về công trình thủy điện Sơn La, các nhà máy điện hạt nhân
tương lai ở Ninh Thuận cũng nằm trong vùng có thể bị động đất lớn.
Những vệ tinh đã phát hiện vết nứt (faille) sông Hồng dài 1000 km từ
Tây Tạng đến khu miền bắc và về phía nam, dọc theo bờ biển nước ta.
Vết nứt tuốt (coulissant) theo đường rãnh, trung bình 1 cm mỗi năm,
có thể làm xê dịch từng cơn : sông, thung lũng, bãi phù sa… mỗi khi
có động đất đáng kể. Đất nước ta eo hẹp, nhất là ở mìền trung, nếu
có biến cố xẩy ra, đồng bào ta sẽ phải làm nhà, hụp lặn, ở dưới biển
hay sao?
Về khâu xử lý chất thải phóng xạ, hết sức nguy
hiểm và đắt tiền, có cơ quan trách nhiệm bên nhà đã tuyên bố rằng sẽ
không có vấn đề gì vì ta sẽ giao trọn cho công ty ngoại quốc bán lò
đem chất thải về nước họ để giải quyết lấy. Đâu phải dễ như thế.
Thảm họa Fukushima diễn ra trong lúc những thanh nhiên liệu còn ở
trong các tâm lò hay trong các hồ chứa nước, xử lý chất thải phóng
xạ là ở giai đọan sau. Ở nước ta, việc xử lý chất thải gia dụng hàng
ngày, chồng chất ngoài đường cũng đã là một vấn đề nan giải. Tội gì
mà phải rước thêm chất thải phóng xạ vô cùng nguy hiểm, lưu trữ ngàn
năm cho con cháu.
Điện hạt nhân không đóng góp vào sự nghiệp công
nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Trái lại, đi vào con đường bế
tắc này, vì kinh tài và nhân lực sẽ bị thu hút mạnh, chúng ta sẽ cứ
tiếp tục chậm tiến.
Đứng về phương diện tài chánh, tôi đã nhiều lần
khẳng định rằng giá thành kWh điện hạt nhân ở Việt Nam sẽ không thể
nào kinh tế được, vì những lý do dễ hiểu : Thiếu chuyên viên, trình
độ nhân viên khai thác, phương pháp quản trị, tinh thần kỷ luật,
thời gian xây cất, vận hành và bảo trì, tháo gỡ, tham nhũng, lệ
thuộc ngoại quốc, không có hậu thuẫn kỹ thuật và công nghệ...
Tai biến Three Mile Island, Tcherrnobyl không vì
rủi ro mà vì thiết kế không hoàn bị và nhất là vì nhân viên thiếu
trình độ hay kinh nghiệm. Chủ yếu vẫn là ở con người. Với nhân lực
và ngân sách eo hẹp của nước ta, tại sao lại cả gan xung phong vào
một lĩnh vực bế tắc này. Kinh phí khổng lồ, 30 tỷ đôla này, để dành
cho năng lượng tái tạo và các lĩnh vực ưu tiên khác như giáo dục,
nghiên cứu, y tế , xã hội có ích lợi hơn cho đồng bào không ?
Tôi xin mạn phép nhắc lại : Làm điện hạt nhân là
khiêu khích tạo hóa. Đến năm 2030, thì năng lượng tái tạo đã trưởng
thành và kinh tế từ lâu. Điện hạt nhân không phải là lời giải cho
bài toán năng lượng và hòa bình của nhân loại và đặc biệt cho các
nước như nước ta. Các giới có thế lực tiếp tục lợi dụng hiện tượng
thay đổi khí hậu để đề cao vai trò điện hạt nhân. Tuy nhiên, đổi CO2
với chất thải hạt nhân, thì chẳng khác nào như đổi SIDA với dịch tả.
Một chuyên gia Mỹ về dự báo, có uy tín trên thế
giới, Ray Kurzweil, đã tiên đoán rằng nhân loại, nếu muốn, chỉ trong
vòng 20 năm tới, có thể sử dụng 100% năng lượng mặt trời. Đó là chưa
nói đến điện gió, đang bành truớng rất nhanh, mà nước Đức dẫn đầu từ
bao nhiêu năm nay. Còn rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác cũng
cần đựợc nghiên cứu và khai thác mạnh.
Cũng như Tchernobyl, Fukushima đang cảnh cáo nhân
lọai. Tiếng nổ long trời lở đất và sóng thần khủng khiếp ở xứ hoa
đào xấu số này, rồi đây sẽ chặn đứng sự bành trướng của công nghiệp
điện hạt nhân trên thế giới. Tôi hy vọng rằng nó sẽ làm lay chuyển
lương tâm của những nhà khoa học hay chính trị gia, thiếu tinh thần
trách nhiệm đối với nhân loại nói chung và đối với dân với nước họ
nói riêng.
Chúng ta nên nghiêng mình tưởng niệm và cám ơn
những nạn nhân Nhật Bản đã hy sinh tính mạnh trong thảm họa này. Họ
đã để lại cho nhân loại một bài học cay đắng nhưng vô cùng quý báu.
Vì sự sống còn của dân tộc, của những thế hệ con
cháu sau này, tôi thiết tha đề nghị chính phủ Việt Nam rút lui có
trật tự, cương quyết hủy bỏ chương trình điện hạt nhân ngay từ bây
giờ, đúng thời, hợp lý, để tránh thảm họa cho đất nước. Các cơ quan
trách nhiệm nên nghĩ đến sự an toàn của hàng chục, hàng trăm thế hệ
con cháu, thay vì chạy theo những thế hệ lò 3, lò 4, không an toàn
chút nào.
(Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên Cố vấn Nha kinh tế,
dự báo, chiến lược EDF Paris, nguyên GS Viện kinh tế, chính sách
năng lượng Grenoble và Trường Đại học Bách khoa Grenoble,
nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia Kỹ
thuật Phú Thọ,
Sài gòn, nay là Đại học Bách khoa tp
HCM)
(1) Becquerel (Bq): tác động phóng xạ đo bằng
Becquerel (số hạt nhân phóng xạ tự phân hủy (désintégration) trong
mỗi giây là 1 Curie)
1 Ci (Curie) = 37.109 Bq
Sievert (Sv): liều tương đương phóng xạ dùng để đo
tác động sinh vật trên cơ thể. Đó là một đơn vị đề phòng phóng xạ
1 Sv (Sievert) = 100 rem (Tchernobyl: 800-1600
rems)
1 Sv =1000mSv) (chiếu phổi: 0.1 rem)
(2)vietsciences,
caodangdienhoc, ugvf, tailieu.tapchithoidai, diendan.org