Chuyển gene cây lương thực (transgenic crop)

Vietsciences- Nguyễn Quốc Vọng            15/10/2008
 

Những bài cùng tác giả

Chúng ta biết rằng bước vào thế kỷ 21, thế giới đã phải đối diện với một vấn đề hết sức nan giải: an ninh lương thực. Theo tính toán, người ta thấy thế giới cần phải sản xuất một lượng lương thực nhiều gấp đôi để nuôi 8 tỷ người vào năm 2025, nhiều gấp ba để nuôi 10 tỷ người vào năm 2050. Kỹ thuật tạo giống cổ điển kiểu Mendel trong cuộc “cách mạng xanh” của thập niên 60s thế kỷ trước đã không còn có khả năng tăng năng xuất cao như trước (75%), mà chỉ còn khoảng 1,5% mỗi năm. Trong khi đấy, kỹ thuật biến đổi gen đã cho thấy có khả năng tạo một bước nhảy vọt, không những trong việc tăng năng xuất và chất lượng cây trồng (giống năng suất cao, chống sâu bệnh hại, chống khí hậu nóng lạnh, chống thuốc cỏ dại, kéo dài thời gian tồn trữ…) mà còn cải thiện được môi trường (giảm lượng sử dụng hoá chất và thuốc BVTV, giảm lượng phân bón…) và bảo vệ sức khoẻ của nông dân (ít tiếp cận với hoá chất và thuốc BVTV) và người tiêu thụ (thức ăn không có tồn lưu hoá chất, kim loại nặng, vi khuẩn… vượt ngưỡng cho phép Codex MRL).

Tuy nhiên, việc sử dụng thức ăn biến đổi gen đã không có sự đồng thuận rộng rãi của giới tiêu thụ trên thế giới. Chống đối thức ăn biến đổi gen mãnh liệt nhất là của giới tiêu thụ ở Âu châu và Nhật bản. Chống đối dè dặt hơn là của giới tiêu thụ ở Úc châu và Phi châu. Trong 10 năm từ 1995 đến 2005, tuy diện tích canh tác các loại cây nông nghiệp biến đổi gen được trồng ở Hoa Kỳ, Brasil, Argentina, Canada, Trung Quốc, Nam Phi… đã tăng vọt: từ 1.680.000 ha lên 88.800.000 ha. Nhưng cũng chính vì có sự hiện diện của giống lúa biến đổi gen mà ngành lúa gạo Hoa Kỳ đã phải trả giá đắt vì đã không xuất khẩu được gạo của mình, mất 1,2 tỷ USD vào năm 2006. Đây chỉ là bổn cũ soạn lại vì trước đấy vào năm 1999, ngô của Hoa Kỳ cũng đã bị thị trường Âu châu tẩy chay vì biến đổi gen. Tuy vậy thức ăn biến đổi gen vẫn thâm nhập thị trường thế giới với hơn 500 loại, phổ biến nhất là khoai tây chiên, xốt cà chua, margarine và dầu ăn.

Việt Nam là một nước nông nghiệp và xuất khẩu nông thuỷ sản. Gạo, cà phê, trà, điều, hạt tiêu, cá basa, tôm…là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng đem hàng tỷ Mỹ kim ngoại tệ về cho đất nước mỗi năm. Những mặt hàng này còn có rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, ví dụ như cải thiện giống cao sản và chất lượng cao, cải thiện kỹ thuật canh tác tiên tiến nhưng bền vững, ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP (Good Agricultural Practices) để bảo đảm an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch … Đây là những đòi hỏi mà bạn hàng của Việt Nam đang cần để nhập khẩu những loại thực phẩm an toàn & chất lượng. Những yêu cầu này Việt Nam có thể làm được, với kỹ thuật và con người sẵn có. Như vậy đứng về mặt chính sách ngoại thương, Việt Nam cần phải bảo vệ thị trường xuất khẩu bằng cách bảo đảm tính GMO-free cho nông thuỷ sản Việt Nam. Việt Nam không nhất thiết phải nhập hoặc sản xuất GMO: Tuyệt đối không đi theo con đường của Hoa Kỳ để phải mất 1,4 tỷ USD xuất khẩu gạo và những mặt hàng khác chỉ vì có lẫn lộn giống biến đổi gen.

Tuy nhiên, đứng về mặt chiến lược, chúng ta cần phải tiếp cận với khoa học thế giới mà cây và thức ăn biến đổi gen là một trong những kết quả mũi nhọn của khoa học hiện đại. Nghiên cứu, đánh giá cây biến đổi gen cho các loại nông sản quan trọng như lúa, ngô, đậu tương, bông vải, cải dầu và rau quả, cũng như chẩn đoán CÓ hay KHÔNG gen biến đổi (genetically modified gene) trong thức ăn nhập khẩu như sữa, bơ, phó mát, khoai tây chiên, xốt cà chua, margarine, và dầu ăn… là những việc rất quan trọng mà Việt Nam cần phải làm ngay, sửa soạn cho đến khi giới tiêu thụ thế giới chấp nhận thức ăn biến đổi gen, thì Việt Nam cũng đã có sẵn cán bộ và các kỹ thuật công nghệ sinh học về giống, tạo giống và nhân nhanh giống biến đổi gen, phục vụ kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam, phát triển xuất khẩu.

Như vậy vào thời điểm này, chúng tôi đề nghị chỉ nên triển khai nghiên cứu GMO tại đại học, không ở Viện nghiên cứu, để tránh cho Nhà Nước và Bộ NN&PTNT khỏi bị chỉ trích vì tham gia vào một lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm về an toàn thực phẩm. Nghiên cứu GMO ở cấp đại học vì đại học có chức năng nghiên cứu cơ bản và kỹ thuật mới, giúp Việt Nam không bị tụt hậu trong bước tiến chung về KHoa KỳT của thế giới. Đấy là lý do tốt giúp Việt Nam giải thích với bạn hàng nhập khẩu Việt Nam vẫn là một quốc gia GMO-free.

Mấy chục năm trước đây, Việt Nam hồ hởi nghiên cứu giống lúa lai theo như những gì Trung Quốc đã làm. Kết quả là cả chục năm nay, nông dân Việt Nam mỗi năm phải nhập 9000 tấn lúa giống - chủ yếu là giống Khang Dân - dĩ nhiên là từ Trung Quốc!

Bây giờ đến lược GMO. Toà đại sứ Hoa kỳ tổ chức 1 buổi hội thảo ở tp HCM chính là mở đường cho "Mosanto and the like" sau này bán các giống ngô, đậu nành, khoai mì, khoai tây... cho nông dân Việt Nam với một lượng rất lớn, bởi vì với trình độ KHoa KỳT của Việt Nam, tạo giống GMO đã khó và tốn tiền (giống cà chua Savf Flavf tốn đến 2.5 triệu USD), mà dù có tạo được giống thì làm sao ta có thể cạnh tranh được với Hoa Kỳ về GMO? Với tổ chức nghiên cứu lỏng lẻo như hiện nay, làm sao ta có thể bảo vệ môi trường Việt Nam không bị lây lan như các nhà nghiên cứu đã chứng minh phấn hoa của cải dầu GMO (Round-up Canola) đã lai tạp với wild mustard? Và quan trọng hơn, làm sao ta trả lời với thị trường Nhật bản cá basa, tôm sú của ta không có GMO khi thức ăn của chúng là ngô, đậu nành GMO mua từ Hoa Kỳ?

Tôi thiển nghĩ Viêt Nam cần phải hết sức thông minh để đi vào con đường GMO. Không nên vội vã mà bị rơi vào cái bẫy của Hoa Kỳ khi họ đã bị mất thị trường Âu châu. Việt Nam là một thị trường béo bở. Trong bảng top 10 nhập khẩu của Việt Nam đã có rượu và thuốc lá rồi. Không lý bây giờ thêm lúa lai Trung Quốc + giống GMO Hoa kỳ?

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Quốc Vọng