11 năm “Cửu chuyển công thành”

Vietsciences- Dũ Lan Lê Anh Dũng     11/11/2006
 

Những bài cùng tác giả

 

Ngày 07-11-2006, VN chính thức trở thành nước thành viên thứ 150 của WTO. Nhân sự kiện trọng đại này, tuần san SGGP thứ Bảy xin điểm lại quá trình 11 năm VN dọn đường vào WTO.

I. VN nộp đơn xin gia nhập WTO (4-1-1995).

II. Đại hội đồng (ĐHĐ: the General Council) thành lập một Ban công tác (BCT: Working Party) để xét đơn (31-1-1995). Gồm 43 nền kinh tế thành viên, với vị Chủ tịch là đại sứ Eirik Glenne (Na Uy), BCT sẽ nộp kết quả cuối cùng cho ĐHĐ để chấp thuận VN là thành viên mới.

III. VN nộp BCT một Bản ghi nhớ (Memorandum) trình bày tất cả mọi khía cạnh về chế độ buôn bán và pháp lý của VN (24-9-1996).

IV. Trên cơ sở Bản ghi nhớ, BCT tiến hành các cuộc họp Hỏi & đáp (Questions & Replies) để chất vấn VN về các thông tin trong Bản ghi nhớ. VN họp 3 lần vào 4 và 12-3-1998, rồi 10-8-1998.

V. Sau khi xem xét mọi góc cạnh về chế độ buôn bán và pháp lý của VN, BCT tiến hành các cuộc đám phán đa phương (multilateral negotiations) nhằm quyết định các điều kiện để VN vào WTO. Theo các điều kiện ấy, VN cam kết tuân thủ nguyên tắc và luật lệ của WTO, thi hành những sửa đổi cần thiết về pháp lý hay cơ chế để thực thi các cam kết. Chưa biết VN sẽ sửa đổi tới đâu, nhưng nên biết sau khi vào WTO (2001), trong 3 năm liền Trung Quốc đã tu chính hơn 2.500 luật lệ và hủy bỏ hơn 800 luật lệ khác (Tin tức Tân Hoa, 11-12-2004).

Ngoài ra, VN còn họp nhiều lần đàm phán song phương (bilateral negotiations) với một số nước thành viên nằm trong BCT khi họ quan tâm tới những nhượng bộ và cam kết (concessions & commitments) của VN về việc gia nhập thị trường hàng hóa hay dịch vụ. Kết quả các cuộc đàm phán song phương được hợp lại thành một tài liệu cấu thành Accession Package tức là gói hồ sơ sau cùng về việc chấp nhận VN gia nhập WTO.

Tính ra, từ 30 và 31-7-1998 cho tới 9-10-2006, đã có 13 lần họp, kéo dài 8 năm.

VI. Song hành các lần đàm phán nói trên là quá trình Other Documentation để bằng tài liệu, VN chứng tỏ thiện chí. Quá trình này trải dài từ 20-4-1999 tới 14-7-2006, liên quan 6 nội dung:

A. Bổ sung 16 phiên họp Hỏi & đáp, từ 20-4-1999 tới 3-10-2006.

B. Nông nghiệp: Họp 7 lần, từ 5-11-2002 tới 21-7-2005, VN cung cấp thông tin về chính sách nâng đỡ nông sản trong nước và trợ cấp xuất khẩu nông sản.

C. Dịch vụ: VN cung cấp thông tin về các biện pháp chính sách có ảnh hưởng tới lãnh vực mua bán các dịch vụ (24-8-1998).

D. SPS/TBT: Họp 4 lần, từ 26-6-2000 tới 11-10-2004, để kiểm tra (a) các vấn đề SPS tức là các biện pháp hay quy chế vệ sinh và vệ sinh thực vật (Sanitary & Phytosanitary) mà VN áp dụng nhằm bảo vệ sức khỏe con người, thú vật, đảm bảo an toàn thực phẩm; và (b) các vấn đề TBT (Technical Barriers to Trade) tức là các rào cản mậu dịch mang tính kỹ thuật.

E. TRIPS: Họp 3 lần, từ 26-6-2000 tới 23-4-2004, để giải quyết các khía cạnh mậu dịch của quyền sở hữu trí tuệ (Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights).

F. Kế hoạch hành động về pháp chế (Legislative Action Plan): Họp 13 lần, từ 26-6-2000 tới 4-11-2003.

VII. Các đàm phán gia nhập thị trường (Market Access Negotiations): Gồm 8 lần họp, từ 7-1-2002 tới 10-10-2006, bàn riêng hai lãnh vực hàng hóa và dịch vụ.

VIII. Tóm tắt các sự kiện (Factual Summary): Họp ngày 19-9-2001.

IX. Dự thảo báo cáo của BCT (Draft Working Party Report): Họp 2 ngày 22-11-2004 và 3-10-2006.

Để tìm đường ra biển lớn ngõ hầu hội nhập với toàn cầu, từ lúc nộp đơn (tháng 1-1995) cho tới khi làm thành viên chính thức của WTO (tháng 11-2006), VN trải qua 11 năm. Chín nội dung I-IX nói trên của chặng đường 11 năm qua dường như cho thấy VN vào WTO có liên quan tới số 9 kỳ bí.

Thật vậy, phái luyện nội đan (interior alchemy) của đạo Lão Trung Quốc có thuật ngữ “cửu chuyển công thành” hay “cửu chuyển đan thành” để gọi tên quá trình 9 lần khổ luyện mới đắc đạo trường sinh bất tử (immortality). Số 9 trong kinh Dịch và trong triết học Pythagore (thế kỷ 6 trước công nguyên) còn hàm ngụ ý nghĩa hoàn hảo, viên mãn. Sự ngẫu nhiên trùng hợp này cũng nên là xem là tín hiệu lạc quan cho đất nước.

Dường như Nguyễn Công Trứ (1778-1858) bảo “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Cái gian khó 11 năm đã vượt qua để vào WTO đã chứng minh rằng “chơi” với WTO rõ ràng còn trên cả mức “công phu”. Lại thấy, thành công đó chỉ mới là bước đầu. Điều cả nước sẽ giáp mặt là kể từ năm nay trở đi, cái thành công của thời kỳ hậu WTO mới thật sự là ý nghĩa hơn cả.

Tổng hành dinh WTO (Geneva, Thụy Sĩ)

Dẫu các giới chuyên môn trong và ngoài nước đều tiên lượng VN thời hậu WTO sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi song hành không ít thách thức, nhưng người VN vẫn nên xem sự kiện gia nhập WTO là một tín hiệu tốt cho đất nước chuyển mình phát triển trong thời buổi năm châu chung chợ với xu thế toàn cầu hóa.

Con số 9 quá tốt đẹp ngẫu nhiên ám hợp, phải chăng cho phép chúng ta có một chút lãng mạn, mơ tới ngày VN là con rồng sớm vút bay lên…

Dũ Lan Lê Anh Dũng

Đã đăng tuần san SGGP thứ Bảy số 815, ngày 11-11-2006.

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Dũ Lan Lê Anh Dũng