Biến Động Bắc Phi-Trung Đông và Hoa Kỳ

Vietsciences-Nguyễn Trường               31/05/2011

 

 

Như động đất, cách mạng rất khó tiên đoán. Nhưng, như mùa xuân, cách mạng luôn đầy hứa hẹn tươi vui. Khởi điểm của cách mạng luôn là một ngạc nhiên, nhưng bản chất không nên để trở thành bất ngờ.

CÁCH MẠNG DÂN CHỦ 2011

Cách mạng là một thời kỳ, một tâm trạng.  Cũng như mùa xuân luôn có nhiều hoa và nhiều mưa rào, cách mạng luôn sôi nổi, hy vọng, và liên đới. Một số đặc trưng chỉ thoáng qua. Phụ nữ ở Cairo không đi lại  tự do giữa công chúng như họ đã đi lại tự do trong ít tuần lễ quí giá khi các quy lệ cũ tạm thời ngưng lại và mọi điều không còn như trước.  Ai Cập xưa cũ đã biến đổi. Ý thức của người Ai Cập về chính họ, và cảm nghĩ của chúng ta về họ, đã vĩnh viễn đổi thay.

Không một cách mạng nào đi qua mà không để lại dấu vết. Mùa Xuân Prague 1968 đã bị nghiền nát, nhưng 21 năm sau khi đợt sóng cách mạng thứ hai giải phóng Czechoslovakia, Alexander Dubcek, bí thư cải cách của đảng Cộng Sản, đã đem niềm vui trở lại với người dân: "Chính quyền bảo chúng ta đường phố không phải là nơi để giải quyết mọi chuyện, nhưng tôi nói đường phố đã và đang là chính nơi ấy. Tiếng nói của đường phố phải được lắng nghe".[1]

Tiếng nói của đường phố đã là tiếng kèn xung trận trong năm 2011. Các bạn đã nghe, mọi người đều nghe, nhưng nhà cầm quyền, vì họ nghĩ quyền lực của họ là quyền lực quan trọng duy nhất, là những người nghe sau cuối và hoảng sợ. Đa số họ hiện đang lo âu, phóng thích tù nhân chính trị, hạ giá thực phẩm, và cùng lúc tìm cách dẹp các cuộc xuống đường.

Ba điều ngạc nhiên ghi nhận được trong ba cuộc cách mạng đang dang dở năm nay ở Tunisia, Ai Cập, và Libya, cùng với biến động ở nhiều nơi khác, đã gây rúng động trong giới lãnh đạo từ  Saudi Arabia đến TQ, Algeria, Bahrain và Yemen.

Các cường quốc Tây phương lấy làm ngạc nhiên khi thế giới A Rập, thường được  mô tả như những xã hội trung cổ, nhiều đẳng cấp tôn ti và thiếu dân chủ, giờ đây lại đầy những trai trẻ nam nữ dùng điện thoại di động, mạng internet, và ngay chính  mạng sống của mình trên các đường phố và quảng trường, để cổ súy đổi thay như một phép lạ của dân chủ trực tiếp và uy lực quần chúng.

Một ngạc nhiên khác là các chế độ tưởng chừng khó lay chuyển của các lãnh đạo độc tài đã bị vỡ tan thành mảnh vụn.

Và cuối cùng, một ngạc nhiên thứ ba: Tại sao bây giờ? Tại sao đám đông lại quyết định tấn công thành Bastille vào ngày 14-7-1789, mà không phải một ngày nào khác? Đã hẳn, nạn đói ở Pháp và giá thực phẩm tăng cao vào năm đó đã là một  nguyên do, cũng như nạn đói và nghèo khó là một trong số các nguyên do của các cuộc trổi dậy ở Trung Đông ngày nay, nhưng một phần của câu trả lời vẫn còn là một bí ẩn. Tại sao ngày hôm nay mà không phải tháng trước hay một thập kỷ sau? Hay không bao giờ, thay vì hiện nay?

Oscar Wilde có lần đã nhận xét, "Chờ đợi điều không chờ đợi chứng tỏ là một trí thức tân thời "[2]. Chính sự thiếu chắc chắn sâu xa là nền tảng của hy vọng.

Người ta thường nói, nhận thức hậu nghiệm luôn sáng suốt 20/20, và bạn có thể kể nhiều chuyện và tất cả đều hợp lý. Một thanh niên có bằng cấp đại học, Mohammed Bouazizi, không kiếm được việc gì khác hơn là đẩy xe trái cây bán rong trên đường phố, uất ức bởi cách xử lý của một nữ cảnh sát, đã tự thiêu ngày 17-12-2010. Hai tuần sau, cái chết của anh đã trở thành que diêm khởi đầu  biến động ở Tunisia.

Nhưng tại sao cái chết của anh? Hay tại sao cái chết của Khaled Said, một thanh niên Ai Cập tố cáo nạn tham nhũng của cảnh sát, và vì vậy, đã bị đánh chết? Tên anh đã trở thành tên một trang mạng Facebook "Tất cả chúng ta đều là Khaled Said"[3], và cái chết của anh cũng đã là một nguyên nhân biến động sau đó.

Nhưng đúng vào lúc nào những sự ngược đãi, nhũng lạm, từ lâu đều được bỏ qua, lại bất thần trở nên không thể tha thứ?  Đến lúc nào nổi sợ hãi mới tan biến và trở thành căm hận đưa đến hành động đem lại tươi vui? Xét cho cùng, Tunisia và Ai Cập từ lâu đã không thiếu những thảm trạng  không thể tha thứ trước khi Bouazizi tự thiêu và Said bị sát hại.

Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu tại một ngã tư đường phố Sài Gòn ngày 11-6-1963, để phản đối các hành động đàn áp Phật giáo của chính quyền Nam Việt Nam do Mỹ bảo trợ. Phong thái điềm tỉnh của ngài trong ngọn lửa, cả thế giới đã chứng kiến,  rất có thể đã giúp đem lại cuộc đảo chánh quân sự, nhưng không nhất thiết là một sự giải phóng, sáu tháng sau đó. Từ biến cố đó đến những biến cố hiện nay, nhiều người trên thế giới đã tuyệt thực, cầu nguyện, phản đối, vào tù, và chịu chết, để lưu ý nhân loại đến những chế độ tàn nhẫn, với rất ít hiệu quả.

SÚNG ĐẠN VÀ CÁNH BƯỚM

Nhiệt độ để nước sôi rất rõ ràng, nhưng điểm sôi sục của xã hội lại bí ẩn. Cái chết của  Bouazizi là một xúc tác, và tại tang lễ của anh, trên 5.000 người đã hát: "Vĩnh biệt Mohammed, chúng tôi sẽ trả thù cho anh. Chúng tôi khóc anh hôm nay, chúng tôi sẽ làm cho những ai đã gây ra cái chết của anh phải khóc."[4]

Tuy nhiên, Mohammed không phải là người Tunisia đầu tiên tố cáo. Một thanh niên trẻ hơn, một nghệ sĩ nhạc Rap tự gọi mình là El General, đã truy cập một bài ca về sự ghê rợn của nghèo khó và bất công trong một xứ, và như tờ The Guardian diễn tả, "trong vòng vài tiếng đồng hồ, bài ca đã thắp sáng một chân trời ảm đạm và ghê hồn như một bom lửa"[5] hay như  một bình minh mới. Người nghệ sĩ bị bắt và bị thẩm vấn trong ba ngày liền, và rồi được phóng thích nhờ ở làn sóng phản đối. Trước anh ta, cũng đã có một trường hợp tương tự. Một thanh niên trẻ đã bị đối xử  vô nhân đạo. Và bên sau sự trổi dậy ở Ai Cập là sự đoàn kết của nhiều nhà hoạt động xã hội và nhiều cá nhân đầy sức lôi cuốn.

Đây là năm quan trọng cho quyền lực của những người thấp cổ bé miệng, và cho lòng can đảm và ý chí của giới trẻ. Một thanh niên hiền lành non trẻ hơn cả Bouazizi đã bị biệt giam trong những điều kiện vô cùng dã man của nhà tù thủy quân lục chiến ở Quantico, Virginia, trong nhiều tháng. Anh đã bị cáo buộc trao hàng trăm nghìn tài liệu mật cho WikiLeaks, tiết lộ một số hoạt động ngoại giao  và quân sự ghê tởm của Hoa Kỳ. Bradley Manning, một binh sĩ 22 tuổi đồn trú ở Iraq đã bị giam giữ trong mùa xuân vừa qua. Hành động của anh đã làm thay đổi bối cảnh chính trị toàn cầu và nhen nhúm sự căm thù ở Trung Đông.

Như một tiêu đề trên tạp chí Foreign Policy, "Trong một hành động đột nhiên, sự trắng trợn của những công điện do WikiLeaks công bố đã ảnh hưởng đến tình hình dân chủ A Rập  hơn cả nhiều thập kỷ hoạt động ngoại giao trong hậu trường"[6]. Một trong số nhiều câu chuyện các công điện tiết lộ là Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục hậu thuẩn đến cùng nhà độc tài Tunisia Ben Ali, và nạn tham nhũng của chế độ Tunisia là điều mọi người đều biết.

Martin Luther King và Câu Chuyện Montgomery, một chuyện vui năm 1958, về cuộc tranh đấu Dân Quyền ở miền Nam nước Mỹ và sức mạnh của bất bạo động, đã được Hội Đồng Hồi Giáo Hoa Kỳ (American Islamic Council - AIC) chuyển dịch và phổ biến trong thế giới A Rập năm 2008 và được công nhận đã ảnh hưởng đến các biến động 2011. Như vậy, AIC cũng đã giữ một vai trò nhưng không được dân biểu chống Hồi Giáo Peter King điều tra trong những cuộc điều trần về sự kiện "cực đoan của người Hồi Giáo ở Mỹ"[7]. Bên sau Martin Luther King là những bài học chính ông đã học được từ Manhandas Gandhi với phong trào giải phóng Ấn Độ khỏi ách thống trị của thực dân 66 năm trước đây, và như vậy, câu chuyện đang trở về với phương Đông.

Lần theo sự rò rĩ gần đây, chúng ta còn thấy một chuổi sự kiện tương tự. WikiLeaks,  Facebook, Twitter và nhiều cơ quan truyền thông mới đều có góp phần vào những biến động 2011. Asmaa Mahfouz, một phụ nữ trẻ Ai Cập đã bị giam giữ  vì sử dụng mạng Internet để tổ chức cuộc nổi dậy ngày 6-4-2008, để hổ trợ các công nhân đình công. Với lòng can đảm đáng ngạc nhiên, cô đã cho lên mạng Facebook ngày 18-01-2011 một phóng sự video về chính cô. Trong video, cô nhìn thẳng vào ống kính và nói, với một giọng đầy tin tưởng:

"Bốn người Ai Cập đã tự thiêu để phản kháng sự nhục nhã và đói khát và mất nhân cách, họ đã phải trải nghiệm, trong 30 năm. Bốn người Ai Cập đã tự thiêu nghĩ rằng chúng ta có thể có một cuộc cách mạng như Tunisia, chúng ta có thể có tự do, công lý, danh dự, và nhân cách. Ngày hôm nay, một trong bốn người đó đã hy sinh, và tôi thấy vài người bình phẩm và nói, 'Mong Thượng Đế tha tội cho anh ta. Anh ta đã phạm tội ác và đã tự giết một cách vô ích'. Hởi các người , nên biết xấu hổ."[8]

Mahfouz mô tả cuộc biểu tình trước đó, với rất ít người tham dự:

"Tôi cho lên mạng: Tôi, một cô bé, sẽ đến Quảng Trường Tahrir, và tôi sẽ một mình đứng lên. Tôi sẽ dương cao biểu ngữ. Có lẽ nhiều người sẽ chứng tỏ ít nhiều danh dự. Nhưng không có ai ngoại trừ ba người - ba người và ba xe bọc thép của cảnh sát chống biểu tình. Và hàng chục tên đâm thuê chém mướn và quan chức đến để khủng bố chúng tôi."[9]

Mahfouz lại kêu gọi tập họp ở Quảng Trường Tahrir ngày 25-01-2011, sau đó đã trở thành Ngày Cách Mạng của Ai Cập. Đây là lần thứ hai và cô đã không đứng một mình. 85.000 người Ai Cập đã cam kết tham dự, và chẳng bao lâu, hàng triệu người cùng đứng lên với cô.

Cuộc cách mạng đã mở đầu bởi một cô gái trẻ với không gì khác hơn là một trang Facebook và một niềm tin mãnh liệt. Thế là đủ. Đôi khi, cách mạng chỉ có những khởi đầu khiêm tốn như thế.  Ngày 05-10-1789, một cô gái mang theo chiếc trống đến các chợ ở trung tâm Paris. Cuộc tấn công ồ ạt vào nhà tù Bastille đã bắt đầu cuộc cách mạng vài tháng trước đó, nhưng còn nhiều khó khăn trước khi hoàn thành. Cô gái đánh trống đã giúp vận động một đám đông vài nghìn người, phần lớn là phụ nữ, đổ về Điện Versailles và bắt giữ trọn hoàng gia. Và đó là ngày cuối của Đế Chế Bourbon.

Phụ nữ thường giữ một vai trò quan trọng trong cách mạng, chỉ vì mọi quy luật đều sụp đổ và mọi người đều có tác động, và  bất cứ ai cũng có thể hành động. Như họ đã minh chứng ở Ai Cập: lãnh đạo quần chúng là một cô gái trẻ hăng say trong chiếc khăn choàng đầu màu đen.

Tóm tắt một lý thuyết về hỗn loạn - một con bướm vỗ cánh ở Brazil có thể định hình thời tiết ở Texas -  ngày nay đã trở thành một cliche' thường được nhắc lại. Nhưng hàng tỉ con bướm trên địa cầu vỗ cánh. Tại sao một cử chỉ nào đó lại quan trọng hơn một cử chỉ khác? Tại sao công bố trên Facebook nầy hay cô gái với cái trống kia?

Để trả lời câu hỏi, chúng ta  nên nhớ bên sau những nguyên nhân là nhiều nguyên nhân khác. Điểm cốt yếu không phải quan hệ nhân quả luôn khó tiên đoán hay thất thường. Điều cốt yếu là những cô gái với khăn choàng đầu và một gã hát nhạc 'Rap' tiếng A Rập và chính bạn, nếu bạn muốn, đôi khi cũng có uy lực đủ lớn để lật đổ một nhà độc tài, để thay đổi thế giới.

NHIỀU CÁ NHÂN VÀ NHIỀU NGƯỜI KHÁC

2011 đã là một năm đáng ghi nhớ với một đức tính đặc trưng xuất hiện và tái xuất hiện trong nhiều nơi khác nhau.

Đức tính đặc trưng vừa nói có lẽ đã được phô bày lần đầu với vụ ám hại dân biểu Gabrielle Giffords ở Tucson, Arizona, ngày 8-01-2011, khi thủ phạm đơn độc gặp phải phản ứng nhanh chóng của vài nhân chứng. Một nhân viên tập sự của chính Giffords, Daniel Martinez mới 20 tuổi,  sau đó, đã phát biểu: "Có lẽ không phải là ý nghĩ tốt nhất khi chạy tới chỗ súng nổ. Nhưng nhiều người cần được giúp."[10]

Martinez đến bên cạnh nữ dân biểu và có lẽ đã kịp thời cấp cứu bà, trong khi Patricia Maisch, 61 tuổi, đã nhanh tay giật  lấy băng đạn không cho hung thủ kịp lắp vào súng; Bill Badger, 74 tuổi, đã giúp quật ngã hung thủ, mặc dù đã bị đạn sướt; một cụ già đã chết khi bảo vệ vợ thay vì chính bản thân.

Mọi việc bất thần thay đổi và tất cả đã phản ứng tức khắc một cách vị tha và anh dũng,  không phải sau nhiều giờ,  nhiều ngày, hay nhiều tuần lễ một cuộc cách mạng thường đem lại, mà chỉ trong khoảnh khắc giây lát. Nhiều hành động can đảm và tương trợ  liên tục đã đem lại cách mạng. Người ta sẵn sàng liều mình và chết vì lý tưởng, vì người khác,  vì nhau. Và khi giết hại họ, nhà cầm quyền hay chế độ có thể đã tự mình diệt trọn tính chính đáng.

Bạo lực hình như luôn là hình thức độc tài tệ hại nhất, tước đoạt mọi dân quyền, kể cả quyền sống. Phần còn lại của năm 2011 vẫn dưới áp lực cuộc chiến chống chuyên chế - giết hại nhiều sinh linh và là nguyên nhân gây nghèo khó và mất nhân phẩm từ Bahrain đến Madison, Wisconsin. 

Vâng, ngay cả Madison. Một số bình luận gia và học giả tự hỏi có thể nào cách mạng dân chủ  cũng bùng nổ ở Hoa Kỳ như đã bùng nổ ở một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông? Quảng trường công cộng và tinh thần Argentina hay Ai Cập thường thiếu vắng ở Mỹ, vì những gì thay đổi trong cách mạng phần lớn là tinh thần, cảm xúc, niềm tin - những thứ vô hình, trừu tượng, tế nhị, mong manh như cánh bướm. Nhưng thế giới của chúng ta là do những thứ ấy tạo thành. Những thứ đó rất quan trọng. Các vị thống đốc các tiểu bang ở Mỹ cầm quyền với sự đồng tình của người dân. Một khi mất đi sự đồng tình, họ thường dùng bạo lực, một khí giới có thể trực tiếp chận đứng một số người, nhưng nhằm chận đứng nhiều người, qua sức mạnh của sợ hãi.

Và rồi đôi khi một thanh niên trẻ tuổi không còn sợ hãi, đủ để đăng lên mạng một bài ca tấn công nhà độc tài đã cai trị suốt thời trai trẻ của anh. Hay dân chúng ký vào Hiến Chương 77, tài liệu của Cộng Hòa Czech, cột mốc đánh dấu các cuộc cách mạng năm 1989, cũng như tố cáo sự quấy nhiễu ban nhạc Rock bí mật mang tên Người Nhựa của Hoàn Vũ (Plastic People of the Universe). Hay một nhóm trong bọn họ đã thiết lập một nghiệp đoàn lao động ở Gdansk, Ba Lan, năm 1980. Và một vết rạn nứt trong Đế Quốc Xô Viết.

Những kẻ không sợ hãi thường bất trị, ít ra bởi sợ hãi, một dụng cụ ưa thích dưới kỷ nguyên George W. Bush. Jonathan Schell, với cái nhìn xuyên suốt thường lệ, đã thấy điều nầy khi viết về cuộc trổi dậy ở Quảng Trường Tahrir:

"Sát hại 300 người, có thể như vậy, là biến cố đã quyết định sự sụp đổ của Mubarak. Khi người dân sợ hãi, tàn sát làm họ trốn chạy. Nhưng khi không còn sợ hãi, tàn sát sẽ có hậu quả trái ngược và đem lại cho người dân lòng can đảm. Thay vì sợ sệt, họ cảm nhận tình liên đới. Lúc đó họ đứng tại chỗ - và tiến tới. Không có sự liên đới nào giống sự liên đới với người chết. Và  đó là chất keo làm nên cách mạng"[11].

Khi một cuộc cách mạng bùng dậy, người dân bất thần tự cảm thấy mình đã thay đổi  - về tinh thần và về dân tộc. Các quy lệ đều ngưng lại, và người dân dốc lòng cùng nhau can dự hay dấn thân trong nhiều phương cách mới, và khai triển một ý thức mới về quyền lực và tiềm năng khả dĩ. Họ ứng xử với bao dung và vị tha; họ cảm thấy họ có thể tự xữ lý; và trong nhiều cách, chính quyền đơn thuần không còn hiện diện. Một vài ngày sau cách mạng Ai Cập, Ben Wedeman, phóng viên kỳ cựu của CNN ở Cairo, được hỏi:" tại sao tình hình lại lắng dịu ở thủ đô Ai Cập?" Wedeman trả lời: "Tình hình lắng dịu vì không còn chính quyền ở đây"[12], nói rõ các lực lượng an ninh đơn thuần đã biến khỏi đường phố. Hình như chính quyền tốt nhất là chính quyền những lúc nầy khi các tổ chức dân sự lo toan mọi việc với tinh thần đầy hy vọng, đoàn kết, và cảm hứng.

Ở Ai Cập, bạo động đã xẩy ra khắp nơi khi dân chúng đẩy lùi các tên khủng bố của chính quyền, và cả tuần lễ tin tức không gì khác hơn hình ảnh những người biểu tình, thân thể đầy máu me. Tuy vậy, không quân đội đàn áp, không vũ khí  quyết định vận mệnh của xứ sở, không ai bị đẩy khỏi chính quyền. Dân chúng tập trung ở những nơi công cộng như những tổ chức dân sự. Họ đã khám phá: đàn áp hay bóc lột, họ đã chịu đựng lâu nay, không còn có thể tha thứ, và họ có thể làm một cái gì đó, ngay cả chỉ tụ họp bên nhau , đòi hỏi quyền của quần chúng, của dân tộc .

Điều đáng ghi nhận, trong những xứ Bắc Phi và Trung Đông, người dân không còn tin tưởng ở chế độ thống trị họ,  như người Mỹ gốc Phi châu ở miền Nam Hoa Kỳ 50 năm trước đây. Ngừng tin có nghĩa không còn xem những người cầm quyền cai trị  là chính đáng, và vì vậy, không còn nể sợ họ, hay kính trọng họ. Và lúc đó, chính quyền bắt đầu sụp đổ như một phép lạ.

Ở Phi Luật Tân, năm 1986, hàng triệu người tập trung theo lời kêu gọi của Radio Veritas của Cơ Đốc Giáo, tiếng nói duy nhất không bị chính quyền kiểm soát hay đóng cữa. Sau đó, quân đội đào ngũ và nhà độc tài Fernando Marcos bị lật đổ sau 21 năm trị vì.

Ở Argentina năm 2001, sau suy thoái kinh tế trầm trọng, một thay đổi đột ngột trong tâm thức đã lật đổ chế độ tân tự do của Fernando de la Rua' và nhường chỗ cho  kỷ nguyên cách mạng phát xuất từ tuyệt vọng kinh tế, nhưng rồi được canh tân sâu rộng và xuất sắc. Một chuyển dịch trong tâm thức đã khiến công dân ùa ra đường phố  Buenos Aires, đột nhiên không còn sợ hãi sau cơn ác mộng dài lâu của một chế độ quân sự và tai họa của nó.

Ở Iceland vào đầu năm 2009, tiếp theo sau suy thoái kinh tế toàn cầu, quần chúng, thường hiền hòa trên quốc gia hải đảo nhỏ  bé, đã truất phế đảng cầm quyền vì đã đưa xứ sở vào tình trạng phá sản.

KHÔNG THỂ XẨY RA Ở MỸ?

Ở Hoa Kỳ, sự cảm thông giữa người dân, cấp thống trị và xã hội dân sự, thường thiếu vắng. Đây là một xứ rộng lớn. Thủ đô không hẳn đã là một trung tâm; và đa số hình như sinh sống trong nhiều nơi chốn phân tán.

Cách mạng quá lắm cũng chỉ là một hiện tượng đô thị. Ngoại ô tự nó đã là phản cách mạng. Để có cách mạng, người ta cần hội tụ, cần sống trong một không gian công cộng, trở thành con người công cộng. Nói một cách khác, cách mạng là một hiện tượng địa lý cũng như chính trị. Lịch sử cách mạng là lịch sử của những không gian công cộng: Place de la Concorde trong cách mạng Pháp; Ramblas ở  Barcelona trong Spanish Civil War (Cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha); Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989 (một cuộc nổi dậy bị nghiền nát); Bức Tường Bá Linh năm 1989; sự trổi dậy chiếm đóng Zocalo ở Mexico City  sau những cuộc bầu cử tổng thống gian lận ; không gian ở Buenos Aires đã đem lại cái tên cho phe đối lập công khai trong cuộc chiến Dirty War: La Madras de la Plaza de Mayo, the Mothers of the Plaza of May.

Hoa Kỳ rất xuất sắc trong chiến thuật "tầm thường hóa và thái độ tảng lờ" đối với các cuộc trổi dậy trong quốc nội.

Nhà cầm quyền đã rúng động trước làn sóng phản kháng ở Seattle, chận đứng Hội Nghị Thượng Đỉnh của Tổ CHức Thương Mãi Thế Giới 30-11-1999. Tuy nhiên, phong trào phản kháng thực sự bất bạo động ở Seattle đã nhanh chóng bị hư cấu hoá thành câu chuyện một đám đông bạo động. 

Năm 1968, tiểu thuyết gia và phóng viên báo New Yorker, Mavis Gallant, đã viết:

"Sự khác biệt giữa sự nổi loạn ở  [Đại Học] Columbia và sự nổi loạn ở Sorbonne chỉ ở chỗ: Đời sống ở Manhattan vẫn tiếp diễn bình thường như trước, trong khi ở Paris mọi thành phần xã hội đều sôi sục trong vòng một vài ngày. Ảo giác tập thể là đời sống có thể thay đổi, khá bất thần và tốt hơn. Điều đó vẫn gây ấn tượng nơi tôi như một ước ao cao thượng..."[13]

Cách mạng cũng là hành động của người dân bị xô đẩy đến bờ vực thẳm. Thay vì chịu rơi xuống vực, họ quây đầu chống lại. Khi Thống Đốc Wisconsin Scott Walker quyết định trấn áp các công nhân viên nhà nước và tước đoạt quyền thương nghị tập thể của họ, ông ta đã khởi đầu  một trò chơi nguy hiểm. Để đáp lại, thành viên các công đoàn, công nhân viên nhà nước, và cả người dân Wisconsin, đã tập hợp và liên kết ngày 11-2-2011. Vào ngày 15-2, họ đã chiếm trụ sở Quốc Hội Tiểu Bang trong khi cách mạng ở Ai Cập vẫn còn sôi sục.  Họ vẫn còn tập hợp. Vào đầu tháng 3-2011, cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Wisconsin đã được tổ chức với đoàn máy cày của nông dân dẫn đầu hộ tống. Các lính chữa lửa của Wisconsin cũng trổi dậy tham gia. Rồi nhân viên các thư viện. Và phản ứng lan tràn đã khuyến khích  dân chúng các tiểu bang khác trổi dậy chống đối các biện pháp cắt xén các dịch vụ xã hội và quyền lợi cơ bản của giới lao động nghèo.

Các đảng viên Cộng Hòa thích lên án mọi người với tội danh đấu tranh giai cấp khi thảo luận vấn đề bất công kinh tế, và đó là một sự bôi nhọ cần được phản kháng. Nhưng những gì đang xẩy ra ở Wisconsin là cuộc chiến giai cấp, trong đó Walker được giới tỉ phú hậu thuẩn đang phụng sự quyền lợi của các đại công ty và giới tỉ phú, và lần nầy không ai còn sợ sệt bởi tỉnh từ hay tên gọi đấu tranh giai cấp.

Các chuyện đùa, và các biếm họa chính trị của báo chí, cũng như những bài tiểu luận ... bàn về thực tế chống đối chính sách kinh tế rò rĩ từ trên xuống (anti-trickle-down economy) của Hoa Kỳ, nơi tài sản được bơm lên những lâu đài cung điện với nhịp nhanh chóng. Và trong thực tế, người Mỹ không  nghèo đói,  họ chỉ khùng điên trong phương cách phân phối tài nguyên: chỉ một phần trăm giàu có nhất -1% dân số - đang chiếm hữu trên dưới 24% lợi tức quốc gia.

Đây là điều đáng sợ, là một thử thách: liệu một chính đảng phục vụ các đại công ty hữu hiệu nhất có thể tước đoạt quyền hạn của người dân và xô đẩy họ vào tình cảnh nghèo khó và mất hết quyền hạn. Nếu quần chúng tập họp ở Madison không thành công, cuộc chiến sẽ tiếp tục và tất cả mọi người sẽ thất bại.

Cho đến một lúc nào đó, biện pháp áp bức thường hữu hiệu. Và sau đó,  nó sẽ đưa tới tác dụng trái ngược. Đôi khi tức thì, đôi khi sau vài thập kỷ. Walker đã được gán tên lóng Mubarak của vùng Trung Tây.

Phần lớn sự trổi dậy và thịnh nộ ở Trung Đông không phải chỉ vì chuyên chế.  Nó còn vì bất công kinh tế, người trẻ không kiếm được việc làm, không thể  lập gia đình hay để cha mẹ không ai săn sóc, không thể bắt đầu đời sống...

Đây cũng là câu chuyện của người Mỹ trẻ tuổi, và đây rõ ràng cũng là câu trả lời cho việc phân phối lợi tức sai lầm, không phải vì khan hiếm tuyệt đối. Nó có thể rất bi đát, hay cũng có thể là cơ hội để giới trẻ hiểu được họ đang bị xúc phạm, và đời sống có thể khác hơn. Ngay cả điều nầy rất có thể bất thần thay đổi, và thay đổi để tốt hơn.

Người Mỹ đang chứng kiến một tình trạng bức xúc gay gắt tiếp theo sau đại suy thoái 2008: Căm hận giới lãnh đạo kinh tế tham lam, căm hận cả hệ thống, căm hận trước cảnh khổ đau vô cớ của các nạn nhân bị tịch biên nhà ở và bị mất việc làm. Ở Hoa Kỳ, tình trạng bất bình đẳng kinh tế đã đạt đến mức chưa từng thấy từ sau Đại Khủng Hoảng 1929.

Thời buổi khó khăn đang chờ đợi hầu hết mọi người khắp trên hành tinh, và đây cũng có thể là thời điểm đòi hỏi sự can đảm bạo dạn.

Vì vậy, nên ghi nhớ chờ đợi những điều không chờ đợi, nhưng không chỉ có chờ. Đôi khi bạn phải trở thành chính điều không chờ đợi, như những nam nữ anh hùng của thời đại 2011. Chính những người trẻ tuổi cũng bất ngờ như bất cứ ai. Như chính Asmaa Mahfouz đã nói: "Chừng nào bạn nói không còn hy vọng, lúc đó sẽ không có hy vọng, nhưng nếu bạn xuống đường và chọn một lập trường, lúc đó sẽ có hy vọng."[14]


 

[1] The government is telling us that the street is not the place for things to be solved, but I say the street was and is the place. The voice of the street must be heard.

[2] To expect the unexpected shows a thorougly modern intellect.

[3] We are all Khaled Said.

[4] Farewell, Mohammed, we will avenge you. We weep for you today, we will make those who caused your death weep.

[5] ...within hours, the song had lit up the bleak and fearful horizon like an incendiary bomb.

[6] In one fell swoop, the candor of the cables released by WikiLeaks did more for Arab democracy than decades of backstage U.S. diplomacy.

[7] ...radicalization of Muslims in America.

[8] Four Egyptians have set themselves on fire to protest humiliation and hunger and poverty and degradation they had  to live for 30 years. Four Egyptians have set themselves on fire thinking maybe we can have a revolution like Tunisia, maybe we can have freedom, justice, honor, and human dignity. Today, one of these four has died, and I saw people commenting and saying, 'May God forgive him. He committed a sin and killed himself for nothing.'People, have some shame.

[9] I posted that I, a girl, am going down to Tahrir Square, and I will stand alone. And I'll hold up a banner. Perhaps people will show some honor. No one came except three guys - three guys and three armored cars of riot police. And tens of hired thugs and officers came to terrorize us.

[10] It was probably not the best idea to run toward the gunshots. But people need help.

[11] The murder of the 300 people, it may be, was the event that sealed Mubarak's doom. When people are afraid, murders make them take flight. But when they throw off fear, murders have the opposite effect and make them bold.  Instead of fear, they feel solidarity. Then they 'stay' - and advance. And there is no solidarity like solidarity with the dead. That is the stuff of which revolution is made.

[12] Things have calmed down because there is no government here.

[13] The difference between rebellion at Columbia [University] and rebellion at the Sorbonne is that life in Manhattan went on as before, while in Paris every section of society was set on fire, in the space of a few days. The collective hallucination was that life can change, quite suddenly and for the better. It still strikes me as a noble desire.

[14] As long as you say there is no hope, then there will be no hope, but if you go down and take a stance, then there will be hope.

 

 

Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
20-4-2011

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Trường