Hoa Kỳ và Pakistan: Bạn, Thù, Đối tác, Đối nghịch

Vietsciences- Nguyễn Trường             13/08/2011           

 

Những bài cùng tác giả

Trong mắt người Mỹ, Pakistan luôn là một xứ khách hàng và Hoa Kỳ là chủ nhân ông duy nhất. Họ tin tưởng, mặc dù  luôn khẳng định chủ quyền quốc gia tối thượng và thiêng liêng, các cấp lãnh đạo Pakistan cuối cùng rồi cũng phải nhượng bộ trước các đòi hỏi của Hoa Thịnh Đốn, kể cả quyền tự do sử dụng phi cơ không người lái tấn công vào lãnh địa các bộ lạc dọc biên giới Afghanistan. Đây là một thẩm định sai lầm về quan hệ dài lâu và phức tạp giữa hai xứ.

QUAN HỆ HOA KỲ-HỒI QUỐC

Một nét đặc trưng thường thấy trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama là đánh giá lệch lạc sức mạnh cũng như nhược điểm của các xứ đối nghịch dù lớn hay nhỏ, cũng như của các quốc gia bạn dù bền chặt hay luôn thay đổi. Ngày nay chúng ta có thể thêm tên Pakistan vào danh sách các quốc gia loại nầy.

Thực vậy, Pakistan hiện cũng là đối tác tích cực với một siêu cường khác, có đủ tiềm năng trở thành một đối tác vững bền lâm thời thay thế Hoa Kỳ, trong trường hợp "cơm không lành canh chẳng ngọt" với chính quyền Obama. Quan hệ Islamabad-Washington đã biến dạng từ một đồng minh khắng khít trong suốt thập kỷ thánh chiến chống Xô Viết 1980 ở Afghanistan, đến tình trạng tha hóa trong thập kỷ 1990 khi Hoa kỳ ghi tên Pakistan vào danh sách những quốc gia ủng hộ khủng bố quốc tế cần cảnh giác.

Cùng lúc, quan hệ giữa Islamabad và Bắc Kinh luôn thân thiện trong gần ba thập kỷ vừa qua. Như Hoa Kỳ thỉnh thoảng cũng đã ghi nhận, quan hệ đồng minh với TQ là một trong số vũ khí lợi hại nhất của Pakistan trong bất cứ va chạm nào trong tương lai với chính quyền Obama.

Một yếu tố khác, cũng đã được đánh giá sai lầm, liên quan đến cuộc chiến đang tiếp diễn. Nếu trong thập kỷ 1980, Pakistan đã giữ vai trò tuyến đường tiếp liệu cho các chiến binh thánh chiến chống Xô Viết, ngày nay, Islamabad cũng có thể trở thành một chướng ngại cho việc tiếp vận cần thiết cho lực lượng quân sự Hoa Kỳ và NATO ở Afghanistan. Trong thực tế,  Pakistan có tiềm năng tác động quyết định đến tính hiệu quả của các lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh NATO trong cuộc  chiến chống Taliban: Islamabad kiểm soát các tuyến đường tiếp vận đến Afghanistan.

Hai yếu tố vừa kể đã đem lại cho Pakistan một sức mạnh lớn lao và độc lập, hơn những gì các nhà làm chính sách Hoa Kỳ đã thú nhận, dù công khai hay trong chỗ riêng tư.

TUYẾN TIẾP VẬN HUYẾT MẠCH

Căm giận trước thái độ hàng hai của Pakistan khi đã cung cấp chỗ ẩn náu cho Osama bin Laden trong nhiều năm, chính quyền Obama hình như đã quên bẵng sức mạnh các lá bài Islamabad đang nắm giữ.

Để tiếp tế cho 100.000 quân nhân Mỹ, 50.000 quân NATO, và hơn 100.000 nhân viên các loại của các nhà thầu tư hiện diện ở Afghanistan, Ngũ Giác Đài cần được tự do tiếp cận Afghanistan xuyên qua các nước láng giềng. Trong sáu xứ có chung biên giới với Afghanistan, chỉ ba quốc gia có hải cảng. Trong thực tế, ngoài các hải cảng không mấy hữu ích, vì quá xa xôi, của TQ, trong hai xứ còn lại, Iran là kẻ thù số một của Hoa Thịnh Đốn. Rút cuộc, Pakistan đang giữ vị trí độc tôn.

Hiện nay, khoảng 3/4 số tiếp liệu cho trên 400 căn cứ Hoa Kỳ và liên quân ở Afghanistan - từ  căn cứ không quân khổng lồ Bagram Air Base cho đến các tiền đồn bé nhỏ  - đều được chuyển tải xuyên qua lãnh thổ hay không phận Pakistan. Hầu hết các lô hàng là các loại vũ khí và nhiên liệu cần thiết cho các lực lượng Hoa Kỳ và NATO. Khi đến Karachi, hải cảng quan trọng duy nhất của Pakistan, các hàng tiếp liệu được chuyển qua xe vận tải, chạy qua một đường bộ rất dài đến các cửa khẩu dọc biên giới Afghanistan. Torkham và Chaman là hai cửa khẩu then chốt trong số nầy.

Vượt Đèo Khyber Pass, Torkham trực tiếp dẫn đến thủ đô Kabul và Bagram Air Base, căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ ở Afghanistan. Qua Đèo Bolan Pass, Chaman là con đường trực tiếp đi đến Kandahar Air Base, doanh trại quân sự rộng lớn nhất ở miền Nam Afghanistan.

Công tác vận chuyển đồ tiếp liệu nói trên mỗi ngày cần đến 4.000 tài xế Pakistan và các nhân công trợ tá, khoảng 300 xe vận tải và các xe chở dầu qua ngả Torkham, và 200 qua ngả Chaman. Kể từ năm 2007, ngay bên trong Pakistan, các cuộc tấn công ngày một nhiều của Taliban và đồng minh vào các đoàn xe vận tải đã buộc Ngũ Giác Đài phải tìm kiếm những tuyến đường tiếp tế thay thế.

Với sự giúp đỡ của Latvia, thành viên NATO, cũng như của Nga, và Uzbekistan, các nhà hoạch định của Ngũ Giác Đài đã thành công trong việc thiết lập Mạng Lưới Phân Phối Phía Bắc - Northern Distribution Network hay NDN. Đây là tuyến đường sắt, dài 3.220 dặm, nối liền hải cảng Riga ở Latvia với thành phố Termez ở biên giới Uzbek. Tuyến đường sắt nầy lại được kết nối với cây cầu bắc qua sông Oxus đến tỉnh Hairatan của Afghanistan. Tuy nhiên, chính quyền Uzbek chỉ cho phép các hàng hóa ngoài vũ khí quá cảnh. Vả chăng, tuyến đường Termez-Hairatan chỉ có thể chuyển vận không quá 130 tấn hàng mỗi ngày. Phí tổn chuyển vận hàng hóa trên một khoảng đường dài như thế đã là vấn đề đối với ngân sách 120 tỉ USD Ngũ Giác Đài dành cho cuộc chiến Afghanistan mỗi năm, và cũng không thể thay thế các tuyến đường tiếp liệu xuyên qua Pakistan.

Ngoài ra còn có Trung Tâm Quá Cảnh Manas (Manas Transit Center), thuê của chính quyền Kyrgyzstan tháng 12-2001. Tọa lạc gần căn cứ Bagram Air Base, Trung Tâm nầy có chức năng cung cấp các dịch vụ quá cảnh cho các lực lượng đồng minh ra vào Afghanistan, tồn trữ và tiếp tế nhiên liệu trên không cho phi cơ Hoa Kỳ và NATO ở Afghanistan.

Tính thiết yếu của các tuyến đường bộ Pakistan đối với Ngũ Giác Đài đã đem lại cho chính quyền Islamabad lực đòn bẫy quan yếu chống lại sức ép ngoại giao quá đáng và các vi phạm chủ quyền liên tục từ phía Hoa Thịnh Đốn. Chẳng hạn, tháng 9-2010, sau khi trực thăng NATO truy kích phiến quân từ Afghanistan đã vi phạm không phận Pakistan và sát hại ba nhân viên bán quân sự thuộc lực lượng Biên Phòng Pakistan trong lãnh địa bộ lạc Kurram, Islamabad đã nhanh chóng phản ứng.

Pakistan đã đóng cửa Đèo Khyber Pass khiến các đoàn xe vận tải và xe chở dầu NATO bị kẹt lại giữa đường, tạo cơ hội cho các chiến binh Taliban tấn công. Và trong thực tế, các chiến binh đã thành công thiêu hủy đoàn công-voa. Đề đốc Mike Mullen, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, trong văn thư xin lỗi đối tác Pakistan, Tướng Ashhaq Parvez Kayani, đã "gửi lời phân ưu chân thành nhất đối với các binh sĩ thương vong đáng tiếc của ngài hôm 30-9-2010."[1] Anne Patterson, đại sứ Hoa Kỳ ở Pakistan, cũng đã gửi lời xin lỗi đối với "tai nạn kinh khủng đó", và giải thích phi đội trực thăng đã lầm lẫn quân dù Pakistan với các phiến binh. Tuy nhiên, Pakistan cũng đã đợi đến 8 ngày trước khi mở lại cửa khẩu Torkham.

 

NHỮNG CON BÀI KHÁC CỦA PAKISTAN - DẦU LỬA, KHỦNG BỐ, TRUNG QUỐC

Trong vùng đất gồ ghề, các tuyến đường đèo giữ một vai trò địa chính trị huyết mạch. Sau cuộc chiến Trung-Ấn năm 1962, khi TQ và Pakistan bắt đầu thương nghị về đường ranh biên giới giữa hai quốc gia, Bắc Kinh đã giành Đèo Khunjerab Pass trong phần đất Kashmir thuộc Pakistan. Islamabad đã thỏa thuận. Vì vậy, phần lãnh thổ 2.000 dặm vuông đã được nhượng lại cho TQ như một phần của Thỏa Ước Biên Giới và Mậu Dịch Trung-Hồi tháng 3-1963, gồm cả Đèo Khunjerab Pass.

Thỏa Ước nầy đã đưa đến việc thiết kế tuyến đường cao tốc dài 800 dặm - Karkoram Highway, nối liền Kashgar trong Vùng Xinjiang của TQ với thành phố Abbottabad, một thành phố ngày nay rất quen thuộc với mọi gia đình Mỹ. Tuyến đường nầy đã là dấu ấn quyết định đối tác chiến lược giữa Bắc Kinh và Islamabad, với những thành tố kinh tế, quân sự, và địa chính trị vững chắc.

Cả hai xứ  cùng theo đuổi một mục đích chung trước tham vọng của Ấn Độ muốn trở thành siêu cường ở Nam Á. Ngoài ra, chính quyền TQ còn xem Pakistan như một đồng minh cốt lõi trong nỗ lực thủ đắc và bảo đảm an ninh năng lượng trong nhiều thập kỷ sắp đến.

Trước tình trạng đối nghịch của Pakistan với Ấn Độ từ ngày lập quốc 1947, Bắc kinh đã cố gắng hỗ trợ Pakistan về quân sự và kinh tế, tiếp theo sau cuộc chiến Trung-Ấn 1962. Sau khi New Delhi thí nghiệm  bom nguyên tử  thành công năm 1974, TQ đã tích cực hậu thuẫn chương trình vũ khí hạt nhân của Islamabad. Tháng 3-1984, địa điểm thử nghiệm nguyên tử Lop Nor của TQ đã trở thành địa bàn thí nghiệm  bom hạt nhân của Pakistan. Sau đó, Bắc Kinh còn chuyển giao công nghệ tên lửa thiết yếu cho Islamabad.

Trong thời gian đó, TQ đã trở thành nguồn cung cấp các trang thiết bị quân sự chính yếu cho Pakistan. Ngày nay, gần 4/5 các xe bọc thép , 3/5 các chiến đấu cơ, và 3/4 các tàu tuần duyên và tên lửa của Pakistan đều do TQ sản xuất. Với tài nguyên hạn chế,  Islamabad không đủ phương tiện tài chánh để mua vũ khí đắt tiền của Mỹ và các xứ Tây phương, và vì vậy, chỉ có thể tậu mãi các loại vũ khí kém tân tiến nhưng giá cả rẻ hơn của TQ,  với số lượng nhiều hơn. Hơn nữa, Pakistan và TQ còn có dự án hợp tác sản xuất các chiến đấu cơ JF-17 Thunder, tương đương với F-16  tân tiến hơn của Mỹ.

Vì vậy, trong mấy thập kỷ vừa qua,  một nhóm vận động hành lang thân TQ đã hình thành trong hàng ngũ các sĩ quan Pakistan. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên, tiếp theo sau vụ người Mỹ thanh toán Osama bin Laden ở Abbottabad, các quan chức quân sự Pakistan đã tiết lộ: rất có thể họ sẽ cho phép người TQ tìm hiểu các cơ phận cánh quạt hay rôto của máy bay lên thẳng tàng hình Black Hawk bị hỏng máy do Hải Quân Hoa Kỳ SEALS bỏ lại. Lời đe dọa, mặc dù sau đó không được thực thi, là một tín hiệu rõ ràng cho người Mỹ: nếu Hoa Kỳ tiếp tục vi phạm chủ quyền của Pakistan và gây sức ép quá đáng , người Pakistan có thể lựa chọn kết thân chặt chẽ hơn với siêu cường cạnh tranh của Mỹ ở Á châu, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Như để nhấn mạnh điểm nầy, hai tuần lễ sau biến cố Abbottabad, Thủ Tướng Yousuf Raza Gilani đã quyết định công du Bắc Kinh.

Trong chuyến công du ba ngày, Gilani đã ký kết một số thỏa ước song phương về thương mãi, tài chánh, khoa học, và công nghệ. Cao điểm là cuộc hội kiến với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào. Sau cuộc họp thượng đỉnh, một phát ngôn nhân chính thức đã loan báo Bắc Kinh đã quyết định thúc đẩy các doanh nghiệp TQ thắt chặt các quan hệ kinh tế với Pakistan qua chương trình gia tăng đầu tư .

Trong số những dự án Trung-Hồi đã được thỏa hiệp là dự án xây dựng tuyến đường sắt giữa Havelian, Hồi Quốc, và Kashgar Trung Quốc, một kế hoạch đã được cả hai chính phủ chấp thuận trong tháng 7-2010. Dự án được xem như đợt đầu của một công trình đầy tham vọng kết nối Kashgar, TQ, với hải cảng Gwadar, Hồi Quốc.

Từ một làng chài nhỏ bé bên bờ Arabian Sea thuộc  Baluchistan, Gwadar đã được Tập Đoàn China Harbor Engineering Company Group, một công ty con thuộc Công Ty Quốc Doanh khổng lồ - China Communications Construction Company Group, biến đổi thành một hải cảng tân tiến trong năm 2008. Cảng chỉ cách Eo Biển Hormuz khoảng 330 dặm tại cửa Vịnh Ba Tư, trên tuyến đường chuyển vận phần lớn số dầu khí nhập khẩu từ Trung Đông. Sau chuyến công du của Gilani, tin tức cho biết TQ đã đồng ý đảm nhiệm công tác điều hành các hoạt động tương lai của hải cảng.

Cách đây hơn một thập kỷ, các lãnh đạo TQ đã quyết định giảm thiểu tỉ suất dầu nhập khẩu chuyển vận bằng tàu biển, vì lẽ các tuyến đường hàng hải từ Vịnh Ba Tư và Đông Phi đến các hải cảng TQ thiếu an toàn. Các tàu dầu TQ phải đi qua Eo Biển Malacca chật hẹp, do Hải Quân Hoa Kỳ kiểm soát. Vả chăng, phí tổn chuyển vận 60% số dầu nhập khẩu trong một hành trình dài 3.500 dặm lại quá tốn kém. Thay vào đó, nếu chuyển vận phần lớn số dầu nhập khẩu đến Gwadar, và từ đó, bằng đường sắt đến Kashgar, TQ có thể giảm thiểu phí tổn chuyển vận, đồng thời dễ bảo toàn an ninh hơn.

Đối nội, chính quyền TQ luôn cảnh giác trước các hoạt động khủng bố bởi người Hồi giáo Uighurs, đang đòi hỏi một Đông Turkestan độc lập bên trong Xinjiang. Một số trong nhóm nầy có liên hệ với al-Qaeda. Islamabad từ lâu đã ý thức đầy đủ thực tế nầy. Tháng 10-2003, quân đội Pakistan đã hạ sát Hasan Mahsum, lãnh tụ Phong Trào Hồi Giáo Đông Turkestan, và trong tháng 8-2004, quân đội Trung- Hồi đã cùng tổ chức một cuộc thao diễn quân sự chống khủng bố ở Xinjiang.

Gần bảy năm sau, Bắc Kinh không những hài lòng trước cái chết của Osama bin Laden mà còn lên tiếng ca ngợi Islamabad đang theo đuổi một chính sách chống khủng bố mạnh mẽ. Ngược hẳn với làn sóng chỉ trích gần đây từ Hoa Thịnh Đốn về vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, cùng với những lời đe dọa cắt xén viện trợ của Quốc Hội Hoa Kỳ, TQ đã trải thảm đỏ đón chào thủ tướng Gilani viếng thăm.

Đề cập những mất mát kinh tế Pakistan đã phải gánh chịu trong các chiến dịch chống khủng bố, chính quyền TQ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hậu thuẫn cho chế độ Pakistan trong nỗ lực "vãn hồi ổn định quốc gia và phát triển kinh tế."[2]

Phản ứng của TQ trước biến cố Abbottabad và hậu quả tức thì đối với Pakistan nên được xem như một nhắc nhở đối với chính quyền Obama: với các mục tiêu Hoa Kỳ đang theo đuổi ở Afghanistan, trong quan hệ với Pakistan, người Mỹ đang nắm một tay bài yếu ớt hơn người Mỹ tưởng tượng. Một ngày nào đó, Pakistan có thể chận đứng các tuyến đường tiếp vận và sử dụng con bài TQ phương hại cho quyền lợi của  Hoa Kỳ.

Sau cuộc hành quân Abbottabad không báo trước cho chính quyền và quân đội Pakistan, phản ứng của Islamabad càng mang tính e ngại Hoa Kỳ nhiều hơn; và  America-phobia càng có thêm lý do để trở nên phổ biến và sâu rộng.  Như vậy, ngay cả sau khi chết, giấc mơ lớn lao nhất của bin Laden cũng đã được thành đạt vì Hoa Kỳ càng lún sâu hơn vào vũng lầy Trung Đông mở rộng.

Một vũ điệu bi hài đã diễn ra giữa quân đội, các cơ quan tình báo, cũng như chính quyền dân sự Pakistan và chính quyền Obama. Pakistan đã nhanh chóng trục xuất 120 quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ đang huấn luyện lực lượng biên phòng Pakistan ra khỏi nước. Chính quyền Pakistan cũng đã từ chối cấp chiếu khán cho các nhân viên kỹ thuật Mỹ và bắt giam năm nhân viên đã hỗ trợ CIA phát giác tung tích bin Laden. Hoa Thịnh Đốn đã trả đũa với những lời "cảnh cáo nghiêm khắc" thường lệ, lên án Islamabad đã thông báo giúp phiến quân al-Qaeda chế tạo bom trong vùng biên giới thoát khỏi các cuộc ruồng bắt, và ngưng cung cấp trang thiết bị cho lực lượng biên phòng Pakistan. Quốc Hội Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu từ chối gói viện trợ dành cho Islamabad.

Ngược lại, phía Pakistan đã đe dọa chận đứng các chuyến bay của phi cơ không người lái từ ba căn cứ không quân CIA đang được phép sử dụng bên trong Pakistan. Chính quyền Obama đã đáp lễ: ngay cả trong trạng huống nầy, chiến dịch phi cơ không người lái của CIA vẫn sẽ tiếp tục. Hoa Thịnh Đốn còn ngưng tháo khoán khoản 800 triệu viện trợ quân sự. Bộ trưởng quốc phòng Pakistan, Chaudhry Ahmad Mukhtar,  còn đe dọa rút các lực lượng Pakistan khỏi các khu vực biên giới. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, Mukhtar tuyên bố: "Chúng tôi không đủ khả năng duy trì quân đội trong vùng rừng núi trong một thời gian lâu dài như vậy."[3] Và cứ thế,  lời qua tiếng lại tiếp diễn: đe dọa, hối lộ, thỉnh cầu, và những tuyên bố bất nhất vô nghĩa giữa hai đồng minh kình địch.

Người ta những nghĩ: Trong cuộc chiến Afghanistan tai họa, quan hệ Hoa Thịnh Đốn-Islamabad chẳng khác một cuộc hôn nhân bất hạnh trong địa ngục trần gian;  và trong hiện tình phá sản về kinh tế, quân sự, và chính trị của một đế quốc suy tàn, có lẽ đây là tất cả những gì người Mỹ có thể thực hiện.

© Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

02-8-2011


 

[1] ...a written apology..., conveying his "most sincere condolences for the regrettable loss of your soldiers killed and wounded on 30 September."

[2] ...restore national stability and development in its economy.

[3] We cannot afford to keep our military out in the mountains for such a long period of time.

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường