Jonathan SCHELL và phản ứng của Hoa Kỳ sau biến cố 11/9

Vietsciences-  Nguyễn Trường                          1/10/2014

 

Biến cố 11/9 đã xẩy ra như tiếng pháo lệnh một cuộc đua không ai biết mình sẽ tham gia. Tiếng nổ đã định hướng chiến lược của Hoa Kỳ trong những năm kế tiếp. Mặc dù không một ai tự nhận chủ mưu hay đưa ra một tuyên bố các mục tiêu chính trị, chính quyền Hoa Kỳ tức khắc quy kết cho al-Qaeda, mạng lưới khủng bố Hồi Giáo cực đoan, một tổ chức phi quốc gia có trụ sở ở Afghanistan và được chính quyền Hồi Giáo chính thống che chở. Trong một băng nhựa phổ biến sau đó trên khắp thế giới, lãnh tụ của tổ chức, Osama bin Laden, trong bữa ăn tối với các bạn đồng minh, đã tỏ ra hân hoan trước cảnh tượng chết chóc và đổ nát qua tường thuật của các kênh truyền hình và truyền thông .

Trong lịch sử, các quốc gia thường đối phó với các đe dọa cũng như tấn công khủng bố bằng một hỗn hợp các hành động cảnh sát và thương thảo chính trị, trong khi biện pháp quân sự chỉ giữ vai trò thứ yếu. Dư luận ở Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng kêu gọi một nỗ lực hợp tác toàn cầu chống lại al-Qaeda theo chiều hướng tương tự. Tuy nhiên, T T Bush đã chọn một chính sách với lòng tin chỉ một mình Hoa Kỳ mới có đủ khả năng thể hiện: hành động quân sự trên toàn cầu không những chống lại al-Qaeda mà cả bất cứ chế độ nào trên thế giới đã trợ giúp khủng bố quốc tế.

Bush đã loan báo trước Quốc Hội, tổng thống "sẽ không phân biệt các thành phần khủng bố với những ai che chở". Khi gọi chiến dịch là cuộc chiến, chính quyền Bush đã vận dụng toàn bộ guồng máy quân sự khổng lồ với kỹ thuật tân kỳ cách mạng thời hậu-Chiến Tranh Lạnh của Hoa Kỳ, sau một thập kỷ thiếu vắng kẻ thù cụ thể. Và qua cách nhận diện mục tiêu như "chủ nghĩa khủng bố nói chung,"[1] thay vì al-Qaeda, hay bất cứ một nhóm nào khác, hay một danh sách nhiều nhóm khác nhau, chính quyền Bush đã cho phép mọi chiến dịch hành quân trên khắp thế giới.

Trong những tháng kế tiếp, chính quyền Bush đã liên tục khuyếch đại mục tiêu và phương tiện chiến tranh. Thay đổi chế độ,[2] hay lật đổ các chính quyền, đã được thiết kế như phương tiện tiến hành các chính sách mới. Bush đã phân biệt các chế độ làm hai phe — những chế độ "theo chúng ta" và những chế độ "chống chúng ta."[3] Phó T T Cheney đã ước tính al-Qaeda đang tích cực hoạt động trong 60 quốc gia. Chế độ đầu tiên được chọn làm mục tiêu, dĩ nhiên, là xứ chứa chấp al-Qaeda, chính quyền Afghanistan, sau đó đã bị lật đổ trong một chiến dịch khá chớp nhoáng, hoàn toàn do không quân đảm nhiệm và không một quân nhân Mỹ thương vong.

Kế đó, chính quyền Hoa Kỳ đã tuyên bố thêm một mục tiêu — ngăn ngừa nguy cơ phổ biến các vũ khí có khả năng tiêu diệt hàng loạt[4]. Trong bài diễn văn về Tình Trạng Liên Bang tháng 1-2002, T T Bush đã loan báo "Hoa Kỳ sẽ không cho phép các chế độ nguy hiểm nhất đe doạ chúng ta với loại khí giới tiêu diệt hàng loạt."[5] T T cũng nêu tên một "trục ma quỷ" Iraq, Iran, và Bắc Triều Tiên — ba chế độ đang tìm cách xây dựng hay đã chấp hữu các loại vũ khí nầy. Để chận đứng nguy cơ, T T tuyên bố, chính sách ngăn ngừa Chiến tranh Lạnh có thể không đủ — các hành động quân sự ngăn chặn có thể cần thiết, và biện pháp chặn trước, chính quyền Bush sau đó đã nói rõ, có thể gồm cả vũ khí nguyên tử.

Bắt đầu từ mùa hè 2002, chính quyền Bush đã tăng cường chuẩn bị cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq, và trong mùa thu, Bush đã yêu cầu và đã nhận được một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đòi hỏi Iraq phải chấp nhận sự trở lại của các thanh tra tìm kiếm các vũ khí tiêu diệt hàng loạt hay các cơ sở thiết kế loại vũ khí nầy. Danh sách các quốc gia cần được thay đổi chế độ cũng đã bắt đầu xuất hiện trên báo chí.

HỢP TÁC CHỈ GIỮ VAI TRÒ THỨ YẾU

Theo cách nầy, chiến tranh chống khủng bố đã bao gồm đề tài địa-chính trị quan trọng hàng đầu thế giới đang phải đối mặt: xử lý các vũ khí hạt nhân trong kỷ nguyên hạt nhân thứ hai. Trước đó, chính quyền Clinton cũng đã trả lời câu hỏi liên quan đến quyền chấp hữu vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ: ngay cả khi thiếu vắng Liên Bang Xô Viết, Hoa Kỳ cũng đã có kế hoạch bám lấy kho vũ khí hạt nhân vô thời hạn.

Năm 2002, chính quyền Bush đã trả lời câu hỏi liên quan cấm phổ biến, trong suốt kỷ nguyên nguyên tử trước đó luôn được duy nhất xử lý bởi ngoại giao và thương nghị, hay đôi khi bởi chế tài kinh tế. Câu trả lời mới là vũ lực.

Giải giới nguyên tử phải được thành đạt bởi chiến tranh và đe doạ chiến tranh, bắt đầu với Iraq. Một nhân tố bổ túc của chính sách mới, được vồ vập trước biến cố 11/9, là quyết định thiết kế hệ thống tên lửa phòng vệ quốc gia chống lại tấn công nguyên tử bởi "các quốc gia ngoài vòng pháp luật"– rogue nations. Nhưng nhân tố cơ bản là chính sách chiến tranh phòng ngừa, hay ngăn ngừa mang tính tấn công — "offensive deterrence".

Sự dịch chuyển trọng yếu trong chính sách nguyên tử còn đòi hỏi các chương trình xây dựng các vũ khí hạt nhân mới và các phương tiện chuyển tải như tiềm thuỷ đỉnh và bệ phóng mới; xác quyết các vai trò hay sứ mệnh mới của vũ khí hạt nhân — trả đũa các cuộc tấn công hoá học, các pháo đài hay bunkers kiên cố — trong thế giới hậu-Chiến Tranh Lạnh; và liệt kê bảy quốc gia (Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iraq, Iran, Libya, và Syria), những xứ đối tượng của các kế hoạch khả dĩ đối phó khi có tấn công nguyên tử bất ngờ.

Để thành đạt tất cả các mục tiêu hạt nhân hay quy ước đó, tổng thống đã phải yêu cầu Quốc Hội gia tăng chi phí quân sự thêm 48 tỉ USD — một ngân khoản lớn hơn tổng ngân sách quân sự của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Bước ngoặt quan trọng theo hướng bạo lực như cơ bản các chính sách của Hoa Kỳ luôn song hành với những bước lùi trước các thoả ước và các hình thức hợp tác khác. Ngay trước biến cố 11/9, khuynh hướng nầy cũng đã khá rõ ràng; hiện nay, càng tăng tốc hơn nữa.

Chính quyền Bush hoặc đã từ chối phê chuẩn hay rút khỏi hầu hết các thoả ước quốc tế mới, căn bản của kỷ nguyên hậu-Chiến Tranh Lạnh. Chỉ riêng trong địa hạt nguyên tử, chính quyền Hoa Kỳ cũng đã từ chối yêu cầu Thượng Viện phê chuẩn Thoả Ước Bài Trừ Thử Nghiệm Toàn Diện — Comprehensive Test Ban Treaty, lẽ ra đã có thể loại trừ các thử nghiệm dưới lòng đất bên cạnh các thử nghiệm trên không trung; đã rút khỏi Thoả Ước A.B.C., trước đây đã từng hạn chế nghiêm khắc sự bố trí các hệ thống phòng vệ hạt nhân của Nga và Hoa Kỳ; và cũng đã vứt bỏ các cuộc thương nghị START như thoả ước khung nhằm giảm bớt kho nguyên tử với Nga — thay thế bằng Thoả Ước Tài Giảm Tấn Công Chiến Lược (Strategic Offensive Reduction Agreement), một tài liệu ba trang đòi hỏi tách khỏi giàn phóng 2/3 số vũ khí chiến lược của cả hai bên, nhưng chỉ cần tồn trử vào kho thay vì tháo dỡ.

Ngoài ra, chính quyền Bush cũng đã rút khỏi Nghị Định Thư Kyoto, Quy Ước Khung về Biến Đổi Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc, diễn đàn chính của thế giới nhằm thương nghị các biện pháp giảm thiểu mức khí thải nhà kính, nguyên nhân của hiện tượng hâm nóng toàn cầu; đã từ chối phê chuẩn thoả ước Rome thiết lập toà hình sự quốc tế; và cũng đã từ chối nghị định thư quan trọng nhằm thanh tra và thể hiện quy ước bài trừ vũ khí sinh hoá của Liên Hiệp Quốc.

Hệ quả của đổi thay chính sách mang tính cách mạng của Hoa Kỳ đã lan tràn khắp thế giới, nơi có nhiều quốc gia luôn sẵn sàng noi theo. Ngày 12-12, Nghị Viện Ấn đã bị tấn công bởi các thành phần khủng bố rõ ràng có liên hệ với Pakistan. Liền sau đó, một Ấn Độ trang bị nguyên tử, đơn cử chính sách của Hoa Kỳ sẽ tấn công không những chính các tổ chức khủng bố mà ngay cả bất cứ quốc gia nào che chở khủng bố, đã di chuyển nửa triệu dân đến biên giới một Pakistan, cũng được trang bị nguyên tử và cũng đã phản ứng tương tự. Kết quả: một khủng hoảng nguyên tử toàn diện của thế kỷ XXI.

Ở Nam Á, thủ đắc và trang bị hạt nhân đã không đem lại các tác động cẩn trọng các lý thuyết gia ngăn chặn đã mong chờ. Các quan chức cao cấp Ấn Độ đã công khai đe doạ huỷ diệt Pakistan. Rajnath Singh, bộ trưởng ngoại giao Bang Uttar Pradesh, đã tuyên bố: "Nếu không thay đổi chính sách, Pakistan sẽ không còn vết tích đã từng tồn tại"[6]. Và tư lệnh bộ binh Ấn Độ, Tướng S. Padmanabhan, khi được hỏi Ấn Độ sẽ phản ứng như thế nào nếu bị tấn công nguyên tử, đã trả lời "phe gây chiến sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc tới độ sau đó tôi không tin sẽ còn một hình thức xung đột nào có thể tiếp diễn."[7]

Ở Pakistan, nhà độc tài Pervez Musharraf đã tuyên bố, trong tình huống một cuộc xâm lăng quy ước nào của Ấn Độ vào Pakistan,"như một giải pháp cuối cùng, một bom hạt nhân cũng có thể xẩy ra."[8]

Trong tháng 3-2002, Do Thái, đơn cử cùng một tiền lệ của Hoa Kỳ và kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ cho một chính sách trên cùng căn bản, đã phản ứng trước các vụ nổ bom cảm tử của Palestine qua sự phát động cuộc chiến chống khủng bố của chính mình" — một cuộc tấn công toàn diện vào Nhà Cầm Quyền Palestine ở West Bank.

"Cuộc cách mạng trong chính sách của Hoa Kỳ lúc một dồn dập sau biến cố 11/9, và đã vượt qua mọi khuôn khổ của bất cứ cuộc chiến chống khủng bố nào. Chính sách mới đã trở thành nguồn thông tin chính yếu và toàn diện chủ thuyết cơ bản của chính sách, dưới hình thức chính thức mang tên "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ," ban hành trong tháng 9-2002. Theo chiến lược nầy, trên toàn thế giới, chỉ một hệ thống kinh tế và chính trị duy nhất "còn sống sót": Đó là hệ thống dân chủ tự do và tự do kinh doanh của Hoa Kỳ. Từ đó, Hoa Kỳ có thể phát huy và bảo vệ hệ thống nầy qua việc đơn phương sử dụng vũ lực — ngăn chặn phủ đầu , nếu cần. Hoa Kỳ, tổng thống nói, có đủ và có ý định duy trì sức mạnh quân sự vượt trên mọi thách thức, do đó, biến các cuộc chạy đua vũ trang gây bất ổn định của các kỷ nguyên khác thành vô nghĩa, và hạn chế các vụ tranh giành mậu dịch và các phương cách theo đuổi hoà bình khác."[9]

Nói một cách khác, Hoa Kỳ đã tự dành cho riêng mình toàn bộ một địa hạt lực lượng quân sự then chốt, hạn chế các quốc gia khác chỉ được quyền theo đuổi những địa hạt quân sự khiêm tốn hơn.

Theo lời lẽ của Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, "Lực lượng của chúng ta sẽ đủ mạnh để làm nãn lòng các đối thủ tiềm năng theo đuổi những công trình xây dựng quân sự với hy vọng qua mặt, hay bắt kịp lực lượng quân sự của Hoa Kỳ." Nếu Hoa Kỳ không hài lòng với một chế độ, Hoa Kỳ đã tự dành quyền lật đổ chế độ đó — thực thi "thay đổi chế độ". "Trong thế giới của chúng ta, theo lời Tổng Thống Bush, con đường dẫn đến an toàn là con đường hành động. Và quốc gia Hoa Kỳ sẽ hành động."[10]

MỘT NIAGARA FALLS BẠO ĐỘNG HẬU-11/9

Một chính sách áp đảo quân sự bất khả thách thức trên địa cầu, kèm theo một quyền đơn phương lật đổ các chính quyền khác bằng lực lượng quân sự, là đường lối đế quốc, một chính sách của kỷ nguyên Augustus Caesar. Đó là chính sách đánh dấu môt lựa chọn quyết định sử dụng vũ lực và cưỡng chế thay vì hợp tác và đồng thuận như nền móng của đáp án Hoa Kỳ đối với các xáo trộn của thời đại. Nếu các cuộc chiến vì quyền tự quyết và các loại bạo động địa phương hay cấp vùng gia tăng nhanh hay vượt khỏi vòng kiểm soát; nếu giới giàu và hùng mạnh sử dụng toàn cầu hoá để hệ thống hoá tệ nạn bóc lột hay khai thác quá đáng giới nghèo và yếu kém; nếu giới nghèo và yếu kém phản ứng bằng khủng bố và các hình thức bạo lực khác; nếu các cường quốc nguyên tử bám víu lấy và đe doạ sử dụng các vũ khí có khả năng tiêu diệt hàng loạt lựa chọn; nếu ngày một nhiều xứ phát triển các kho vũ khí hạt nhân, hay sinh-hoá để đáp ứng và đe doạ sử dụng; nếu các vũ khí nầy một ngày nào đó rơi vào tay (hình như rất có thể) các thành phần khủng bố; và nếu Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi chính sách đế quốc — lúc đó sân khấu sẽ luôn sẵn sàng chờ đón tai hoạ.

Mỗi đáp án khả dĩ trên đây phản ảnh một lối đi ít sức đề kháng nhất. Xung đột địa phương và cấp vùng đã luôn xẩy ra từ lúc lịch sử bắt đầu. Tình trạng phổ biến kỹ thuật hạt nhân cũng như sinh hoá là một hàm số tự động của tiến bộ kỹ thuật, sự phổ biến các kho vũ khí hạt nhân cũng là một diễn tiến hành động và phản ứng tương dưỡng. Sự chấp hữu các vũ khí hạt nhân bởi những xứ có sẵn là một lối mòn quán tính, một giấc ngủ sâu. Sức cám dỗ đế quốc đối với Hoa Kỳ là lối mòn kiêu căng và ngu dốt.

Giao điểm của các khuynh hướng nói trên ngày một lên cao và bạo động hơn như Henry James đã từng trải nghiệm trong thời 1914. Đã hẵn không ai có thể tiên đoán bằng cách nào và ở nơi đâu lịch sử có thể một lần nữa rơi xuống vực thẳm.

Chiến tranh nguyên tử có thể xẩy ra ở Nam Á, gây thương vong cho hàng chục triệu sinh linh. Cũng có thể vài thành phố ở Hoa Kỳ bị tiêu huỷ vì một cuộc tấn công nguyên tử, hay hàng triệu người sẽ thương vong vì bệnh đậu mùa. Cũng có thể một cuộc chiến vượt khỏi tầm kiểm soát ở Trung Đông sẽ đưa đến việc sử dụng vũ khí có khả năng tiêu diệt hàng loạt trong vùng. Cũng có thể chiến tranh sẽ xẩy ra ở Triều Tiên, hay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan. Cũng có thể (mặc dù rất khó tưởng tượng hiên nay) sẽ có một cuộc chiến, với đầy đủ hay vô ý thức, giữa Hoa Kỳ và Nga, trong một khủng hoảng tương lai, chúng ta không thể tiên đoán nhưng cũng không thể loại bỏ. Hay cũng có thể, thậm chí rất có thể, một chuổi biến cố nào đó hiện nay chúng ta không thể tưởng tượng…

Sau biến cố 11/9, nhiều người đã nói khá đúng là thế giới đã mãi mãi đổi thay. Trước biến cố đó, ai có thể tiên đoán chính trị Hoa Kỳ và thế giới đã thay đổi quá bất ngờ, các cuộc khủng hoảng cấp vùng tăng nhanh, hay viễn tượng chiến tranh triền miên? Dù sao, việc sử dụng chỉ một bom nguyên tử cũng đã có thể vượt quá sức tàn phá của biến cố 11/9 gấp hàng chục nghìn lần.

Có thể nào kinh tế toàn cầu rơi vào đại khủng hoảng? Có thể nào nhân loại sẽ trốn khỏi các thành phố bị đe doạ? Có ai biết được kẻ tấn công là ai? Có thể nào cú sốc kinh hoàng sẽ giúp nhân loại bừng tỉnh? Có thể nào nhân loại vào lúc kinh hoàng, hoảng loạn sẽ phản ứng khôn ngoan hơn và xây dựng hơn trong thời tương đối bình an, hay sẽ trở thành nạn nhân của chu kỳ kinh hải, hỗn loạn, căm thù, đối nghịch, và bạo động, cả giữa các quốc gia khác nhau hay ngay bên trong mỗi xứ, như đã từng xẩy ra sau năm 1914 — nhưng lần nầy, với khả năng nhanh chóng hơn và với hậu quả độc hại vô song?

Đối mặt với các câu hỏi trên đây, khả năng tiên liệu thật quá lu mờ. Nhưng trong mọi trường hợp, nỗ lực tiên đoán chỉ là một đáp án sai lầm. Quyết định mới thật sự cần thiết.

MỘT 1914 MỚI?

Bạo lực leo thang với tốc độ rất nhanh kể từ 11-9-2001 trên khắp thế giới, hôm nay chúng ta đang ở trong tháng 8-2014 của thế kỷ XXI. Hai thời điểm 1914 và 2014 mang nhiều nét tương đồng đáng ghi nhận. Trong năm 2001 cũng như trong năm 1914, một thời kỳ của tự do hoá chính trị và toàn cầu hoá kinh tế, và hoà bình, ít ra trong những vùng đặc quyền đặc ân đặc lợi của hành tinh, đã chấm dứt với sự bùng nổ của bạo lực. Quyết định căn bản hiện nay cũng như trong năm 1914, là giữa bạo lực và các phương tiện hoà bình như con đướng đưa đến an toàn, và thế giới hình như đã quyết định đi theo bạo lực.

Một lần nữa, các quan sát viên đã bị bó buộc, như Henry James trong năm 1914, phải công nhận quá khứ vừa qua đã là thời buổi của ảo ảnh — một thời điểm khi thế giới hướng đến vực thẳm nhưng không hề hay biết, hay chẳng cần biết. Một lần nữa, một chuổi các biến cố đầy bạo lực đã vận hành — vài người đã gọi đó là thế chiến thứ ba.

Tuy nhiên, vì lẽ lịch sử không hề tái diễn, sự tương đồng giữa 1914 và 2001, tương tự như mọi "cân đo đong đếm hiện tại" bằng các "mực thước đo lường trong quá khứ", chỉ hữu ích để tìm hiểu hơn là để tiên đoán các biến cố.

Đã hẳn luôn có những dị biệt không kém quan trọng với ít nhiều thay đổi giữa hai thời điểm. Trong năm 2014, sự chuẩn bị chiến tranh của các đại cường khá đầy đủ. Khí giới, quân số, kế hoạch tác chiến, lịch động viên, thoả ước giữa các đồng minh … đều sẵn sàng. Ngay cả trước khi khởi động, toàn bộ cuộc chiến lâu dài sắp đến đều đã sẵn sàng ở Âu châu, chỉ đợi đúng lúc là bắt đầu nổ súng. Và một khi đã khởi động, không một quyền lực nào trên địa cầu, kể cả các chính quyền tham chiến, có thể chặn đứng cho đến chung cuộc.

Trái lại, kỷ nguyên hiện nay là một kỷ nguyên đặc biệt không thể tiên liệu và dễ thay đổi. Không một lịch trình cứng nhắc hay một mạng lưới đồng minh giữa các đại cường đe doạ cùng nhau cuốn xuống vực thẳm mới. Các yếu tố bất ngờ — những khủng hoảng mới, những biến cố đột xuất — chi phối mọi sự. Sức mạnh của các lực lượng tấn cống ngày 11-9 không rõ ràng, và có vẻ thay đổi tuỳ biến cố. Chính quyền Bush đã loan báo một số cuộc chiến có thể theo đuổi, nhưng tuỳ lúc luôn phải có nhiều quyết định dọc lộ trình.

Những diễn tiến ngoài chiến trận có thể làm thay đổi chính kiến ở quốc nội một cách nhanh chóng. Tình trạng lan tràn các loại vũ khí có khả năng tiêu diệt hàng loạt có thể ngăn cản hay dẫn đến chiến tranh. Bầu cử có thể thay đổi cấp lãnh đạo. Các quốc gia khác đang theo dõi và chờ đợi, không biết chắc cần và có thể phải vận dụng ảnh hưởng của mình ở đâu và bằng cách nào. Tác dộng của các cuộc chiến, nếu xẩy ra, đối với hội nhập kinh tế toàn cầu không thể biết, và nhiều bất trắc lớn lao đe doạ sinh hoạt kinh tế.

Mặc dù biến cố 11/9 đã gây sốc, nhưng không phải một tai hoạ mang tính quyết định, mà chỉ là một cảnh cáo. Trong thực tế, chưa từng có một quyết định bất khả phản hồi nào. Khả năng lựa chọn vẫn rộng mở, và chu kỳ bạo động vẫn có thể thay đổi hay đảo ngược, và các chính sách mới có thể được quyết định. Nhìn một cách hạn hẹp, biến cố 11/9 đã đặt ra vấn đề đặc biệt là Hoa Kỳ và thế giới văn minh cần đối phó như thế nào với mạng lưới khủng bố toàn cầu luôn sẵn sàng hành động trong khả năng quyền lực. Vấn đề đòi hỏi cần được lưu tâm và hành động cấp thiết và đang được đáp ứng.

Cùng lúc, theo Jonathan Schell, thiết tưởng chúng ta cũng cần tự hỏi các quyết định chính sách lớn hơn và cơ bản hơn có thể là gì. Nếu chúng ta chọn cách tiếp cận rộng lớn hơn, những thay đổi sâu xa, những thay đổi có thể đã xẩy ra trong tính cách bạo động, chính trị, và quyền lực trong thế kỷ vừa qua, sẽ chi phối sự chú ý của chúng ta. Trong các năm 1918 và 1945, một quyết định sử dung uy quyền cưỡng chế trong thực tế rõ ràng đã có ý nghĩa lựa chọn hệ thống chiến tranh cũ, và một quyết định nghiêng về hướng uy quyền hợp tác đã có nghĩa lựa chọn tạo lập từ số không một hệ thống an ninh tập thể toàn cầu kiểu Wilson, cơ sở trên luật pháp quốc tế.

Ngày nay, cả hai giải pháp hình như đều không còn khả dụng đối với chúng ta.

Nguyễn Trường

10-8-2014

Irvine, California, USD

Chú Thích: Bài viết hoàn toàn dựa trên tư liệu lấy từ tác phẩm năm 2003 của Jonathan Schell, "The Unconquerable World: Power, Nonviolence, and the Will of the People." Jonathan Schell cũng là tác giả của hai tác phẩm nổi tiếng khác: The Real War và The Fate of the Earth. Tác giả đã từ trần ngày 25-3-2014.

——————————————————————————–

[1] generic terrorism

[2] regime change

[3] The president divided regimes into two categories — those "with us" and those "against us."

[4] preventing the proliferation of weapons of mass destruction.

[5] "the United States of America will not permit the world’s most dangerous regimes to threaten us with the world’s most destructive weapons."

[6] "If Pakistan doesn’t change its ways, there will be no sign of Pakistan left,"

[7] "the perpetrator of that particular outrage shall be punished so severely that their continuation thereafter in any form of fray will be doubtful."

[8] In Pakistan, the dictator General Pervez Musharraf stated that, in the event of an Indian conventional invasion of Pakistan, "as a last resort, the atom bomb is also possible."

[9] "The National Security Strategy of the United States of America," issued in September 2002. In the world, it stated, only one economic and political system remained "viable": the American one of liberal democracy and free enterprise. The United States would henceforth promote and defend this system by the unilateral use of force — preemptively, if necessary. The United States, the president said, "has, and intends to keep, military strengths beyond challenge, thereby making the destabilizing arms races of other eras pointless, and limiting rivalries to trade and other pursuits of peace."

[10] In the words of the "National Security Strategy," "Our forces will be strong enough to dissuade potential adversaries from pursuing a military build-up in hopes of surpassing, or equaling, the power of the United States." If the United States was displeased with a regime, it reserved the right to overthrow it — to carry out "regime change." "In the world we have entered," President Bush has said, "the only path to safety is the path of action. And this nation will act."

 

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường