Obama-Netanyahu và giải pháp hai nhà nước

Vietsciences-Nguyễn Trường              16/06/2011

 

Những bài cùng tác giả

 

 Bàn về bài nói chuyện của Tổng Thống Barack Obama thứ năm tuần trước, David  Bromwich viết: "Obama luôn ưa thích quyền uy tượng trưng của cách phát biểu hơn là quyền uy thực sự của một sách lược được đạo diễn tốt - một chính sách với  đầy đủ chi tiết, cẩn trọng theo đuổi, và mang dấu ấn ý định của chính mình."[1] Thực vậy, sau một tuần lễ theo dõi đấu quyền Anh tưởng tượng giữa T T Obama và Thủ Tướng Netanyahu chẳng đem lại một tiến bộ cụ thể nào trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho xung đột Do Thái-Palestine, thiết tưởng Tổng Thống cần từ bỏ những chiêu bài, những mỹ từ chính trị, thay vào đó, nên chú tâm vào sự thật đơn thuần. Thực vậy, đây là một nhu cầu thiết yếu.

XUNG ĐỘT DOTHÁI-PALESTINE

Tìm chân lý luôn khó khăn và thiếu thoải mái. Lời kêu gọi với những rào đón cẩn thận của T T Obama về giải pháp hai nhà nước cơ sở trên các đường biên 1967 quả thực có thể là một bước tiến mới. Đề xuất cũng rất có thể trở thành một phần trong kế hoạch dài hạn nào đó có cơ may thành tựu. Tuy nhiên, điều quan trọng là cho đến nay Obama vẫn chưa cho thấy khả năng hậu thuẩn lời nói của mình với quyền lực chính quyền Hoa Kỳ có thể đang nắm giữ. Trong lúc chờ đợi, diễn văn của Tổng Thống sẽ khó lòng đem lại bất cứ một thay đổi nào trong tình trạng áp đảo của Do Thái đối với người Palestine.

Và Sever Plocker, một nhà bình luận Do Thái có thẩm quyền, còn nêu ra một vấn đề sâu xa hơn: "Tổng Thống Hoa Kỳ rõ ràng đã chấp nhận cốt lõi của tự truyện Israeli-Zionist."[2] Plocker cũng đã có thể nói như vậy đối với các lãnh đạo chính trị gộc và các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ. Chuyện kể của người Mỹ về vấn đề xung đột Do Thái-Palestine cũng giống hệt tự truyện của chính người Do Thái.

THỰC TẾ HOÀN TOÀN TRÁI NGƯỢC

Chúng ta cần phải trung thực. Truyện kể của người Do Thái không những bóp méo sự thật, mà còn hoàn toàn xuyên tạc chân lý. Điều éo le là những gì người Do Thái nói về người Palestine là một  mô tả trung thực về chính người Do Thái.

Người Do Thái cũng có thể nhìn chính họ trong gương và nói về chính họ khi nói những điều như "chúng là kẻ xâm lăng; chúng tôi là nạn nhân chỉ tự vệ." [3] Đó là một phần trong chuyện kể hoang đường về an ninh do người Do Thái đã tự tạo với tiền đề: Do Thái đang đối diện với mọi nguy cơ trong cuộc xung đột với người Palestine. Obama đã cả tin chuyện kể hoang đường vừa nói trong bài nói chuyện "Mùa Xuân A Rập" khi ông kêu gọi một sự trao đổi cân bằng: người Palestine có thể có được một nhà nước và người Do Thái có thể có được an ninh, tựa hồ như người Do Thái với lực lượng áp đảo là nạn nhân của tình trạng mất an ninh.

Trong những ngày kế tiếp, Obama đã lặp lại cùng lời rao giảng quen thuộc "Cam kết của chúng tôi đối với vấn đề an ninh của Do Thái là không thể lay chuyển," và còn đưa ra lời cảnh cáo mập mờ "kỷ thuật sẽ làm cho Do Thái khó tự bảo vệ hơn."[4] Có lẽ đây là mật mã ám chỉ một ngày nào đó một xứ Trung Đông nào đó có thể có được vũ khí nguyên tử, tựa như bất cứ xứ Trung Đông nào cũng có thể đe dọa Do Thái, một xứ đã sở hữu khoảng 200 vũ khí nguyên tử và luôn có thể sản xuất thêm.

Obama cũng đã nhắc đến điều ông gọi là "giả thiết về an ninh của người Palestine."[5] Đó là cách người Do Thái diễn tả hy vọng lâu nay: cảnh sát Palestine sẽ trở thành điều Netanyahu có lần đã gọi là những "nhà thầu phụ của Do Thái - Israel's sub-contractors," thay thế quân đội Do Thái dẹp mọi kháng chiến chống lại Do Thái và chính sách của Do Thái. Một lần nữa, tiền đề là Do Thái phải gánh chịu mọi nguy cơ.

Tuy nhiên, trong thực tế, người Palestine luôn chịu nguy cơ bất an ninh hơn người Do Thái. Cũng như các nạn nhân của thực dân chiếm đóng quân sự khác, người Palestine luôn chịu thương vong và tàn phá không báo trước, tùy sở thích của giới quân sự và dân định cư Do Thái. Trong hơn một phần tư thế kỷ vừa qua, cứ mỗi người Do Thái thương vong, 11 người Palestine đã bị tử thương trong cuộc xung đột. Và không một ai trong chúng ta đã có thể chờ đợi một câu như sau trong diễn văn của một chính trị gia Hoa Kỳ: "Cam kết của chúng tôi đối với an ninh Palestine là không thể lay chuyển."[6]

Obama đã từng tuyên bố mọi quốc gia đều có quyền tự vệ. Tuy nhiên, liền sau đó, Obama lại nhấn mạnh: nhà nước Palestine mới sẽ không được quyền có quân đội. Liệu có quốc gia nào có thể chấp nhận điều kiện đó, nhất là khi xứ láng giềng kế cận đang có lực lượng quân sự mạnh nhất trong khu vực, và trong nhiều năm đã luôn giữ vai trò áp đảo và tấn công ? Tuy vậy, ý niệm một nhà nước Palestine phi quân sự là một điều đương nhiên đối với Hoa Kỳ và Do Thái, tuồng như mối đe dọa duy nhất trong tương lai chỉ có thể đến từ người bị chiếm đóng, không phải từ người đi xâm chiếm.

Tình trạng bất quân bình quyền lực lớn lao giữa người xâm chiếm và người bị chiếm đóng đưa đến một sự thật méo mó xuyên tạc bởi "tác dụng gương soi" chi phối mọi diễn đàn của người Mỹ về đề tài Do Thái-Palestine: ý niệm phi lý hai bên có thể thương thuyết bình đẳng, khi kẻ yếu trong hai bên từ trước đã phải từ bỏ khoảng 78% lãnh thổ, nay còn phải nhượng bộ nhiều hơn, để rồi phải sinh hoạt như một quốc gia hoàn toàn yếu kém và thất thế.

Trong một cuộc gặp mặt riêng với các lãnh đạo Do Thái, Obama được biết đã nói ông thực sự hiểu rõ tình hình: "Do Thái là phía mạnh hơn hiện nay... Và DoThái cần phải tạo môi trường để thể hiện [hòa bình]."[7] Nhưng chừng nào những lời tuyên bố công khai của ông còn tăng cường câu chuyện hoang đường thiếu an ninh của Do Thái, người Do Thái còn có thể an toàn đề kháng mọi đòi hỏi phải thay đổi.

HÃY NHÌN VÀO GƯƠNG SOI

Người Do Thái biện minh cho lập trường bất di dịch của mình với một hình ảnh gương soi méo mó khác: "Chúng tôi muốn hòa bình hơn bất cứ gì, nhưng họ [người Palestine] không thích hòa bình."[8] Người Do Thái luôn thích lặp lại một sáo ngữ sáng tạo cách đây nhiều thập kỷ bởi nguyên ngoại trưởng Abba Eban của họ khi nói về các lãnh đạo A Rập: "Họ không bao giờ bỏ qua một cơ hội để bỏ qua một cơ hội hòa bình."[9]

Trong thực tế, chính người Palestine là phía phải nói lên lời than phiền đó với người Do Thái. "Cánh hữu Do Thái  cần chiến tranh triền miên" là phương cách tóm tắt tình hình của một trí thức Do Thái lừng danh, Zeev Sternhell. Netanyahu, cũng như tất cả các lãnh đạo cánh hữu Do Thái, trong thực tế, đã xây dựng sự nghiệp của ông trên hình ảnh một chính trị gia diều hâu cực đoan khi nói đến người Palestine. Với các cử tri Do Thái ngày một thiên hữu nhiều hơn trong thế kỷ 21, hình ảnh đó đã rất hữu ích cho Netanyahu hơn bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngay cả khi Netanyahu lên tiếng biện hộ cho sự nghiệp hòa bình, ông ta luôn tỏ rõ không thiết tha chút nào trong việc mưu cầu chấm dứt xung đột thực sự - và chương trình liên tục xây dựng các khu định cư ở Đông Jerusalem và khu chiếm đóng West Bank luôn bảo đảm xung đột sẽ  tiếp diễn.

Tuy nhiên, như sự việc đang diễn tiến, nhu cầu một kẻ thù, và do đó, một xung đột tiếp diễn, không chỉ hạn chế riêng trong phe chính trị cánh hữu hay các người chủ trương bành trướng chương trình định cư. Như Theodore Herzl đã viết trong văn kiện sáng lập chủ nghĩa phục quốc Zionism, "Kẻ thù của chúng tôi đã giúp chúng tôi hợp nhất, và, vì vậy, đoàn kết,  chúng tôi đột nhiên khám phá sức mạnh của chúng tôi, 'Quốc Gia Do Thái'."[10] Và các nhà bình luận DoThái nhạy cảm trong nhiều năm đã đặt câu hỏi điều gì đã có thể giúp kết hợp giữa các người Do Thái nếu họ không có kẻ thù A Rập hay Palestine chung. Theo Awraham Burg, nguyên chủ tịch Quốc Hội Do Thái, đó vẫn là câu hỏi định hình tất cả các người Do Thái: "Có thể nào chúng ta tiếp tục tồn tại nếu không có kẻ đối nghịch truyền kiếp, nếu không là nạn nhân luôn bị ngược đãi?"[11]

Một sự thật đáng buồn! Đối với hầu hết các người Do Thái, câu trả lời hình như là: không. Một nhà bình luận Do Thái nổi tiếng của tờ Jerusalem Post đã có câu trả lời hay nhất: "Người Do Thái sẽ nổi giận khi anh bảo họ chúng ta không cần phải tiếp tục theo đuổi chiến tranh, chúng ta đủ hùng mạnh để làm nản lòng kẻ thù của chúng ta ... Họ không muốn nghe gì về khả năng hòa bình...Tất cả những gì họ muốn nghe là ein breira, chúng tôi không có sự lựa chọn, hoặc chiến đấu hoặc chết."[12]

Theo lời các biên tập viên tờ báo uy tín nhất của Do Thái, Haaretz, đời sống chính trị của Do Thái  luôn mang dấu ấn một ám ảnh thực sự, "một ý thức chúng tôi luôn bị tấn công... một ý nghĩ điên rồ bị ngược đãi."[13]

Đã hẳn, đó là câu chuyện xưa cũ. Một bài bình luận trên tờ Haaretz đã ghi nhận: "Lập trường của Do Thái ngày nay cũng tương tự như lập trường sau các cuộc chiến tranh 1948 và 1967. Tiềm năng thương thuyết có đấy, nhưng cái giá [chính trị] phải trả được xem như quá cao. Ngày nay, cũng vậy, duy trì hiện trạng hình như được xem có lợi hơn là thay đổi người Do Thái luôn cảm nhận như nguy hiểm, ngay cả khi thay đổi không nhất thiết đem lại hiểm nguy thực sự."[14]

Sự giải hòa gần đây giữa Hamas và Fatah đã khiến người Do Thái cảm nhận như một nguy cơ tưởng tượng mới để thêm âu lo. Tin tức về sự nhất trí giữa người Palestine đã phát động một đợt sóng thần trong công luận Do Thái, một làn sóng cảnh cáo một hệ ý thức thần quyền cực hữu có thể dễ dàng kiểm soát nhà nước Palestine. T T Obama đã thêm dầu vào lửa khi nói "Hamas đã và hiện đang là một tổ chức từng sử dụng khủng bố; đã từ chối công nhận quyền hiện hữu của Do Thái. Hamas không phải là một đối tác trong quá trình hòa bình thực tiển và có ý nghĩa."[15]

Netanyahu đáp lời: "Do Thái rõ ràng không thể bị đòi hỏi phải thương thuyết với một chính quyền được hậu thuẩn bởi một hình thái al Qaeda của Palestine."[16]

Đây cũng là một trường hợp khác người Do Thái  đang tự thấy mình trong gương. Trong thực tế, Hamas đã liên tục chuyển đổi qua hình thức: chủ nghĩa quốc gia thế quyền ngày một ôn hòa hơn về chính trị. Nhà cầm quyền Hamas ở giải Gaza luôn bận rộn đối phó với các đe dọa và khinh rẽ từ những phần tử thần quyền Hồi giáo cánh hữu. Những đợt tấn công bằng tên lửa hiếm hoi vào Do Thái hiện nay chỉ là phản ứng trả đũa sau các cuộc tấn công của Do Thái.

Lãnh tụ Hamas Khaled Meshaal trong nhiều năm nay đã luôn nói rõ: ông và đảng Hamas muốn tuyệt đối chấp nhận giải pháp hai nhà nước - mặc nhiên chấp nhận sự hiện hữu thường trực của Do Thái - chừng nào đa số người Palestine chấp thuận. Meshaal nay còn nói đến "hòa bình" thay vì "đình chiến"xem hiến chương Hamas, kêu gọi tiêu diệt Do Thái, không còn thích hợp.

Riêng đối với vấn đề công nhận tối quan trọng, chính Do Thái đang từ chối công nhận Hamas như một chính đảng hay quyền của người Palestine lựa chọn một nhà nước dân chủ và chính quyền riêng của mình. Trong lúc đó, chính quyền Do Thái đã làm chính những điều họ lên án Hamas  -  mở rộng cánh cữa đón nhận các luật lệ ngày một mang tính thần quyền, phản động, phân biệt chủng tộc. "Các cuộc thăm dò công luận cho thấy khuynh hướng ngày một cực đoan, gần như phân biệt chủng tộc, trong thiên kiến của dân Do Thái đối với người A Rập, như tờ Haaretz đã ghi nhận, vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi không có áp lực quần chúng buộc chính quyền phải thúc đẩy quá trình hòa bình."[17]

Hiện thế giới đang chờ đợi, vào tháng 9 sắp tới, Đại Hội Đồng LHQ sẽ bỏ phiếu chấp thuận ban quy chế một quốc gia với đầy đủ chủ quyền cho Palestine. Trong bài nói chuyện trước Quốc hội, Obama đã lặp lại như một âm vang giọng điệu của Israel: "hành động thúc đẩy LHQ công nhận Palestine như một quốc gia thành viên mới sẽ phương hại cơ may mang lại hòa bình." Trong thực tế, cuộc biểu quyết có thể phát huy tiến trình hòa bình qua áp lực dồn đẩy Do Thái luôn giữ lập trường phủ định đến gần điều Do Thái hiện đang âu lo nhất: cuối cùng rồi tiếng nói bất khả đề kháng của thế giới  buộc phải thương nghị hòa bình thay vì trở thành một quốc gia ngoài vòng pháp luật hay bị bỏ rơi.

Một điểm sau cùng Obama và chính quyền Hoa Kỳ tuyệt đối đang đi ngược chiều lịch sử: ý niệm bạn của Do Thái có nghĩa phải tán đồng tự truyện hoang tưởng của người Do Thái. Bạn thân không có quyền giúp bạn mình đi vào con đường tự diệt. Bạn tốt không thể để bạn mình say sưa một câu chuyện hoang đường, một ảo tưởng, đến độ không còn biết ăn năn hối tiếc khi tiếp tục lèo lái tiến trình hòa bình xuống vực thẳm.

Hoa Kỳ có đủ  quyền lực để đẩy Do Thái ra xa vực thẳm và đổi qua một hướng đi mới. Câu nói đùa phổ thông của người Do Thái cũng mang một sự thật: Hoa Kỳ là "con voi tám tấn có thể ngồi xuống nơi nào nó muốn."[18]

Vâng, Obama có thể ngồi xuống bất cứ nơi nào ông ta muốn. Và Do Thái rất có thể phải rời khỏi thế giới gương soi và phải chấp thuận bắt đầu thương nghị hòa bình một cách nghiêm túc.

THAY LỜI KẾT LUẬN

Trong vòng một tuần lễ trong tháng 5-2011, T T Obama và Thủ Tướng Do Thái Netanyahu mỗi người đã có dịp nói về cùng một câu chuyện ít nhất hai lần. Ngày 17-5, T T Obama đã có bài nói chuyện về - Mùa Xuân A Rập - Arab Spring, sau một cuộc điện đàm sôi nổi giữa Netanyahu và ngoại trưởng Hillary Clinton. Trong bài diễn văn, Tổng Thống đã nói: "Chúng tôi tin biên giới của Do Thái và Palestine cần được cơ sở trên những đường phân ranh 1967 với ít nhiều trao đổi tương thuận, ngõ hầu thiết lập biên giới an toàn và được công nhận cho cả hai nhà nước."[19]

Và một bảo tố bình luận bùng nổ. Mặc dù, người ta tin, đây là một lập trường đã được đồng thuận riêng tư từ lâu của tổng thống Hoa Kỳ, nhưng chưa bao giờ được công bố bởi một tổng thống (hay có lẽ bất cứ một quan chức cao cấp Hoa Kỳ nào). Báo chí cho biết Netanyahu đã phản ứng giận dữ, và ngay ngày hôm sau, 18-5-2011, được biết đã lớn tiếng - với một Obama lễ độ nhưng lộ vẻ thiếu thoải mái trước ống kính trong Tòa Bạch Ốc - thuyết giảng về tính bất khả tự vệ của các đường phân ranh 1967. Tuy nhiên, vào ngày chủ nhật, 20-5, Obama đã xuất hiện trước AIPAC - nhóm vận động hành lang ồn ào thân Do Thái - với một bài nói chuyện lặp lại lập trường đối với  các đường biên giới 1967, nhưng  cũng với ít nhiều dè dặt. 

Ngày thứ hai tiếp theo ((21-5), Netanyahu cũng xuất hiện, và được hoan hô nhiệt liệt, trước cùng nhóm vận động hành lang, để lặp lại lập trường của mình về tính-bất-khả-bảo-vệ của đường biên giới. Ngày thứ ba (22-5), do sáng kiến khởi động bởi các lãnh đạo Cộng Hòa Hạ Viện,  Netanyahu lại được mời xuất hiện trước Lưỡng Viện Quốc Hội, rõ ràng là để làm bẻ mặt và gây bối rối cho Tổng Thống Obama. Một lần nữa, Netanyahu, dĩ nhiên, đã được dành 29 đợt tung hô, tán thưởng - standing ovations.

Đây là vụ va chạm giữa hai khổng lồ về một dị biệt, cơ bản đến độ, vào tháng 11-2010, cả hai chính phủ trên lý thuyết đã nhất trí. Chris Nelson, chủ biên bản tin Hoa Thịnh Đốn The Nelson Report, vừa mới tìm thấy một tuyên bố chung - joint statement - được đồng ý và công bố sau khi Netanyahu gặp mặt ngoại trưởng Hillary Clinton tháng 11-2010, trong đó có câu: "Thủ Tướng và Ngoại Trưởng nhất trí về tầm quan trọng tiếp tục thương nghị trực tiếp để thành đạt các mục tiêu của chúng ta. Ngoại Trưởng đã lặp lại Hoa Kỳ tin tưởng qua các cuộc thương nghị với thiện chí, các bên có thể đồng ý trên kết quả chấm dứt xung đột và hòa đồng mục tiêu của Do Thái về một nhà nước độc lập và khả tồn, trên cơ sở các ranh giới 1967, với những trao đổi được đồng thuận, và mục tiêu của Do Thái về một nhà nước Do Thái với biên giới an toàn và được công nhận, phản ảnh những triển khai kế tiếp và thỏa mãn các đòi hỏi an ninh của Do Thái."[20]

Không la ó. Không than phiền. Không lớn tiếng. Không gì hết.

Ồn ào, lớn tiếng, giận dữ rất có thể chẳng có ý nghĩa gì. Không phải chỉ những gì Tổng Thống nói, mà những gì Tổng Thống làm mới đáng kể. Và khi nói đến việc làm, với George Mitchell, đặc phái viên Trung Đông của Obama (bổ nhiệm vào ngày thứ hai sau khi bắt đầu nhiệm kỳ), đột nhiên từ nhiệm - vì bức xúc, vì thất vọng, hay vì ghê tởm, chúng ta không hề biết. Cũng chẳng có dấu hiệu tổng thống sẽ làm bất cứ điều gì liên quan đến các đường biên giới 1967, ít ra trước cuộc bầu cử 2012.

 

© Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

02-6-201

 
[1] Obama has always preferred the symbolic authority of the grand utterance to the actual authority of a directed policy  - a policy fought for in particulars, carefully sustained, and traceable to his own intentions.
[2] The American president has unequivocally adopted the essence  of the Israeli-Zionist narrative.
[3] They are the aggressors; we're the victims just defending ourselves.
[4]"Our commitment to Israel's security is unshakeable" and offered a vague warning that "technology will make it harder for Israel to defend themselves."
[5] The assumption of Palestinian security.
[6] Our commitment to Palestine's security is unshakeable.
[7] Israel is the stronger party here... And Israel needs to create the context for[peace] to happen.
[8] We want peace more than anything, but they have no interest in peace.
[9] Abba Eban: "They never miss a chance to miss a chance for peace."
[10] Our enemies have made us one, and, thus united, we suddenly discover our strength,"The Jews State".
[11] Can we continue to exist without a perennial adversary, without being victims of persecution?
[12] Israelis get mad when you tell them we don't have to keep going to war, that we're strong enough to deter our enemies... People don't want to hear anything about possibilities for peace... All they want to hear is ein breira, we have no choice, it's either fight or die.
[13] ...a sense that we are constantly under attack...an insanity of persecution.
[14] Israel's position taday is similar to its position after the wars of 1948 and of 1967. The potential for negotiations was there, but the [political ] cost was considered too high. Now, too, maintaining the status quo appears to be preferable to making change that Israelis perceive as threatening, even if they do not necessarily pose a genuine danger.
[15]  President Obama: "Hamas has been and is an organization that has resorted to terror; that has refused to acknowledge Israel's right to exist. It is not a partner for a significant , realistic peace process."
[16] Netanyahu: "Israel obviously cannot be asked to negotiate with a government that is backed by the Palestinian version of al Qaeda."
[17] Public opinion polls point to increasing extremism, bordering on racism, in Jews' opinion of Arabs, so it's no wonder there is no public pressure on the government to advance the peace process.
[18] The U.S. is the eight-ton elephant that can sit down anywhere it wishes.
[19] We believe the borders of Israel and Palestine should be based on the 1967 lines with mutually agreed swaps, so that secure and recognized borders are established for both states.
[20] The Prime Minister and the Secretary agreed on the importance of continuing direct  negotiations to achieve our goals. The Secretary reiterated that the United States believes that through good faith negotiations, the parties can mutually agree on an outcome which ends the conflict and reconciles the Palestinian goal of an independent and viable state, based on the 1967 lines, with agreed swaps, and the Israeli goal of a Jewish state with secure and recognized borders that reflect subsequent developments and meet Israeli security requirements.

 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường