Quan hệ giữa đế quốc và chư hầu: trường hợp Hoa Kỳ

Vietsciences-Nguyễn Trường               31/05/2011

 

 

Do một tình cờ lịch sử ít nhiều mang tính nhân quả, hai đợt biến cố kế tiếp đã phơi bày trần trụi cấu trúc quyền lực toàn cầu của Hoa Thịnh Đốn. Tháng 11-2010, WikiLeaks đã tung ra những mẩu vụn thông tin từ  công điện các tòa đại sứ Hoa Kỳ với lời bình thô lổ về giới lãnh đạo từ Argentina đến Zimbabwe, trên trang đầu báo chí thế giới. Vài tuần sau đó, nhiều đợt biểu tình đòi dân chủ và lật đổ các chế độ thân Mỹ, với đầy đủ chi tiết minh chứng từ các công điện liên hệ - được biết dưới nhiều danh hiệu: Mùa Xuân A Rập, Cách Mạng Dân Chủ,  hay Biến Động Bắc Phi và Trung Đông.

Trong chốc lát, thế giới đã có thể nhận chân nền móng trật tự thế giới của Hoa Kỳ đã dựa trên giới lãnh đạo các quốc gia khách hàng trong cương vị những thượng lưu quí tộc tay sai - trong thực tế, là những đại diện chuyên quyền, tư sản, hay độc tài quân sự. Người ta cũng thấy rõ tổng quan logic trong việc lựa chọn chính sách ngoại giao khó thể  giải thích của Hoa Kỳ trong hơn nửa thế kỷ.

Người ta có thể tự hỏi, ngay trong lòng chiến tranh lạnh, năm 1965, tại sao CIA lại có thể chấp nhận bất trắc và thị phi trong quyết định lật đổ một lãnh tụ được chấp nhận như Sukarno ở Indonesia, hay năm 1963, công khai cổ vũ ám sát tổng thống  Ngô Đình Diệm do chính Hoa Kỳ đã tạo dựng và bảo trợ ở Sài Gòn? Câu trả lời - nay đã khá rõ ràng nhờ WikiLeaks và các biến động gần đây trong thế giới  A Rập - là cả hai đều chỉ là những đại diện thuộc quyền được Hoa Thịnh Đốn chọn lựa cho đến khi tỏ ra bất lực, bất phục tùng, và không còn cần thiết hay có thể loại bỏ.

Tại sao, nửa thế kỷ sau, Hoa Thịnh Đốn lại có thể phủ nhận chiêu bài dân chủ qua việc hậu thuẩn Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak chống lại hàng triệu người biểu tình, để rồi khi Mubarak lúng túng giao động, lại gây áp lực tạm thời thay thế, ít ra lúc đầu, với Omar Suleiman, người đứng đầu ngành tình báo của chính Mubarak, người được biết đến với các cơ sở tra tấn (từng cho phép Hoa Thịnh Đốn sử dụng)? Câu trả lời, một lần nữa: vì cả hai đều là tay chân đáng tin cậy đã phục vụ quyền lợi Hoa Kỳ khá dài lâu và đắc lực trong một quốc gia "đồng minh A Rập" then chốt.

Trong toàn vùng Trung Đông mở rộng từ Tunisia và Ai Cập đến Bahrain và Yemen, phong trào dân chủ đang đe dọa quét sạch giới lãnh đạo tay chân thiết yếu của đế quốc Hoa Kỳ. Thực vậy, Hoa Thịnh Đốn hiện đang nương tựa trên các đại diện đáng tin cậy ở địa phương làm trung gian thể hiện quyền lực toàn cầu của Mỹ trong vai trò kiểm soát dân bản xứ. Đối với một đế quốc, một khi các lãnh đạo đại diện bắt đầu nao núng,  không còn triệt để trung thành, hay theo đuổi nghị trình riêng, cũng chính là lúc đế quốc đang trên đường tàn lụi.

Nếu cách mạng nhung  lan tràn ở Đông Âu năm 1989 đã là tiếng chuông báo tử của đế quốc Xô Viết, các cuộc cách mạng hoa nhài hiện nay đang tiếp diễn ở Trung Đông có thể là sự khởi đầu của thời kỳ sụp đổ của uy lực toàn cầu của Mỹ.

PHE QUÂN SỰ LÊN NẮM QUYỀN

Để hiểu rõ vai trò quan trọng của giới lãnh đạo địa phương, tưởng cần phải nhìn lại những ngày đầu của Chiến Tranh Lạnh khi Tòa Bạch Ốc đang cấp thiết tìm mọi cách chận đứng làn sóng thân Cộng và chống Mỹ. Tháng 12 năm 1954, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC), trong nhiều phiên họp tại Tòa Bạch Ốc, đã nổ lực soạn thảo kế hoạch chế ngự các lực lượng quốc gia ngày một hùng mạnh và lan tràn khắp địa cầu.

Ở Á châu và Phi châu, các đế quốc Âu châu, đã bảo đảm trật tự toàn cầu trong hơn một thế kỷ trước đó, đang phải nhường chỗ cho sự ra đời của 100 quốc gia mới, phần lớn, theo Hoa Thịnh Đốn, đang bị cộng sản khuynh loát. Châu Mỹ La Tinh cũng đang sôi động với lực lượng đối lập thiên tả, chống đối tình trạng nghèo khó trong đô thị và thiếu đất đai canh tác ở nông thôn.

Sau khi tái duyệt các đe dọa người Mỹ đang phải đối diện ở Châu Mỹ La Tinh, Bộ Trưởng Ngân Khố đầy quyền lực, George Humphrey, đã thông báo cho các đồng sự  trong NSC là họ cần "tránh nói nhiều về dân chủ", và thay vào đó, "phải hậu thuẩn các chế độ độc tài cánh hữu nếu những chế độ nầy thân Mỹ"[1]. Vào chính lúc đó, Dwight Eisenhower, luôn nhạy bén về chiến lược, lập tức can thiệp để xác định quả thật Humphrey muốn nói: "các nhà lãnh đạo đó cũng chấp nhận được nếu họ là  những tên vô lại của chính chúng ta."[2]

Đó là thời điểm cần ghi nhớ, vì Tổng Thống Hoa Kỳ đã mô tả hệ thống thuộc địa toàn cầu hết sức rõ ràng:  sẵn sàng gạt qua một bên các nguyên tắc dân chủ, Hoa Thịnh Đốn sẽ thực nghiệm trong vòng 50 năm tới chính sách chính trị thực dụng cứng rắn - "a tough realpolitik policy", hậu thuẩn bất cứ lãnh đạo nào đáng tin cậy, nhờ đó, xây dựng một mạng lưới lãnh đạo toàn cầu sẵn sàng đặt quyền lợi của Hoa Thịnh Đốn lên trên quyền lợi của quốc gia khách hàng .

Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ luôn hậu thuẩn phe quân sự ở châu Mỹ La Tinh, phe quí tộc chuyên chế ở Trung Đông, và các nhà dân chủ và độc tài ở Á châu. Năm 1958, nhiều cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan và Iraq đột nhiên đưa giới quân sự trong thế giới thứ ba lên vai trò lãnh đạo. Chính vào lúc ấy, chính quyền Eisenhower đã quyết định đưa các viên chức quân sự cao cấp nước ngoài vào Mỹ thụ huấn nhằm làm dễ dàng "việc quản lý các lực-lượng-muốn-thay-đổi " --"the management of the forces of change" --  xuất hiện trong quá trình trổi dậy của các quốc gia đang lên. Vì vậy, Hoa Thịnh Đốn đã rót viện trợ quân sự vào các chương trình vun quén quân lực các đồng minh và đồng minh tiềm năng trên khắp thế giới, trong khi các phái bộ huấn luyện đã được sử dụng nhằm tạo dựng những quan hệ nòng cốt giữa giới quân sự Hoa Kỳ và các cấp sĩ quan trong quân lực nhiều quốc gia trên thế giới hay trong những xứ giới lãnh đạo thượng lưu quí tộc không mấy trung thành, với mục đích giúp nhận diện các lãnh đạo thay thế trong tương lai.

Mỗi khi giới lãnh đạo dân sự chứng tỏ không phục tùng, Cơ Quan Tình Báo Trung  Ương  (CIA)  liền bắt tay vào việc tổ chức đảo chánh nhằm thiết lập các lãnh đạo quân sự tin cẩn kế tiếp: thay thế Thủ Tướng Iran Mohammad Mossadeq, người đã tìm cách quốc hữu hóa tài nguyên dầu khí, với tướng Fazlollah Zahedi, rồi với quốc vương Ba Tư - Shah of Iran,  năm 1953; Tổng Thống Sukarno với tướng Suharto ở Indonesia trong thập kỷ kế tiếp; và Tổng Thống Ngô đình Diệm với nhóm tướng lãnh Dương văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn cao Kỳ...ở Nam Việt Nam năm 1963; và cố nhiên Tổng Thống Salvador Allende với tướng Augusto Pinochet ở Chí Lợi năm 1973 -  bốn trong số các cuộc đảo chánh như thế vào thời ấy.

Trong những năm đầu thế kỷ 21, sự tin tưởng của Hoa Thịnh Đốn ở giới quân sự trong các xứ khách hàng chỉ có thể gia tăng. Chẳng hạn, Hoa Kỳ đã tung 1,3 tỉ USD viện trợ cho giới quân sự Ai Cập mỗi năm, nhưng chỉ đầu tư 250 triệu trong các chương trình phát triển kinh tế. Vì vậy, khi cách mạng dân chủ làm lung lay chế độ ở Cairo tháng giêng vừa qua, như báo The New York Times đã tường trình, số đầu tư trong 30 năm qua đã đem lại hiệu quả, khi các tướng lãnh và quan chức tình báo Mỹ đã thành công trong việc lặng lẻ kêu gọi và thúc dục các lãnh đạo quân sự đối tác yểm trợ quản lý quá trình chuyển tiếp hòa bình.

Ở các xứ Trung Đông khác, từ thập kỷ 1950, Hoa Thịnh Đốn, theo gương đế quốc Anh trước đây, luôn vun quén đồng minh trong giới quí tộc A Rập như Shah Ba tư (Iran), các Vua Hồi giáo hay Sultans (Abu Dhabi, Oman), các hoàng thân hay Emirs (Bahrain, Kuwait, Qatar, Dubai), và các Quốc Vương (Saudi Arabia, Jordan, Morocco).

Tóm lại, trong vùng Trung Đông luôn bất ổn, từ Morocco đến Iran, Hoa Thịnh Đốn luôn ve vãn các hoàng tộc, các quí tộc, với đồng minh quân sự, với vũ khí Hoa Kỳ, với hổ trợ của CIA đối với an ninh địa phương, một nơi ẩn náu an toàn cho tư bản, những đặc lợi cho giới thượng lưu, kể cả khả năng tiếp cận các định chế giáo dục ở Mỹ hay các trường học thuộc Bộ Quốc Phòng cho con em.

Năm 2005, bộ trưởng ngoại giao Condoleezza Rice đã tóm tắt: "Trong vòng 60 năm qua, Hoa Kỳ đã theo đuổi [mục tiêu] ổn định, phương hại cho dân chủ... ở Trung Đông, và chúng ta đã không thành công trong cả  hai [ổn định và dân chủ]."[3]

LỀ LỐI LÀM VIỆC

Đã hẳn Hoa Kỳ không phải là quốc gia bá chủ đầu tiên xây dựng quyền lực toàn cầu trên quan hệ cá nhân mong manh với các lãnh đạo địa phương. Trong hai thế kỷ 18 và 19, Anh quốc đã là bá quyền trên các đại dương (cũng như về sau, Hoa Kỳ đã là bá quyền trên không gian). Nhưng trên mặt đất, cũng như các đế quốc trước đây, Anh Quốc đã phải cần đến các đồng minh tại chỗ trong vai trò trung gian kiểm soát các xã hội phức tạp và hay thay đổi. Nếu không, làm cách nào, vào năm 1900, một quốc gia ốc đảo nhỏ bé với vỏn vẹn 40 triệu dân và một quân đội chỉ có 99.000 quân nhân, nước Anh đã có thể ngự trị một đế quốc toàn cầu hơn 400 triệu người - gần 1/4 nhân loại?

Từ 1850 đến 1950, Anh quốc đã kiểm soát các thuộc địa chính thức qua mạng lưới đặc biệt các đồng minh tại chỗ - từ cấp lãnh đạo đảo Fiji và quốc vương Mã Lai (Malay sultans) đến các quốc vương Ấn Độ ( Indian Maharajas) và các hoàng thân Phi châu (African emirs). Đồng thời, qua những thành phần thượng lưu tay chân, Anh quốc đã ngự trị một đế quốc không chính thức còn rộng lớn hơn, gồm các hoàng đế (từ Bắc Kinh đến Istanbul), các quốc vương (từ Bangkok đến Cairo), và các tổng thống (từ Buenos Aires đến Caracas). Vào năm đỉnh điểm 1880, đế quốc không chính thức của Anh ở châu Mỹ La Tinh, Trung Đông, và Trung Quốc, đã có một dân số còn lớn hơn các thuộc địa chính thức ở Ấn Độ và Phi châu. Toàn bộ đế quốc  Anh chiếm gần 50% dân số thế giới, được xây dựng trên những quan hệ hợp tác mong manh với giới thượng lưu trung thành tại chỗ.

Tuy nhiên, sau bốn thế kỷ bành trướng không ngừng, năm đế quốc hải ngoại quan trọng của Âu châu đột nhiên cáo chung khỏi địa cầu trong vòng một phần tư thế kỷ giải thể chế độ thực dân - decolonization. Trong khoảng 1947 và 1974, các đế quốc Bỉ, Anh, Hà Lan, Pháp, và Bồ Đào Nha đã tàn lụi nhanh chóng khỏi Á châu và Phi châu, nhường chỗ cho 100 quốc gia mới, hơn một nửa là các quốc gia đầy đủ chủ quyền ngày nay. Tìm cách giải thích sự thay đổi đột biến lớn lao nầy, hầu hết các học giả đều đồng ý với sử gia chuyên về đế quốc Anh, Ronald Robinson, người đã đưa ra luận cứ khi các đế quốc thực dân đã mất hết các cộng tác viên địa phương, quyền lực của họ bắt đầu suy sụp.

Trong suốt chiều dài chiến tranh lạnh, trùng hợp với kỷ nguyên giải thể chủ nghĩa thực dân, hai siêu cường của thế giới đã sử dụng các cơ quan tình báo để chi phối giới lãnh đạo các quốc gia mới độc lập.

KGB của Nga với những cơ quan đại diện, như Stasi ở Đông Đức và Securitate ở Romania, đã áp đặt khuôn rập chính trị trong 14 xứ vệ tinh của Xô Viết ở Đông Âu, và thách thức Hoa Kỳ và đồng minh trong thế giới thứ ba. 

Cùng lúc, CIA đã luôn giám sát lòng trung thành các tổng thống, các nhà cầm quyền chuyên chế, các lãnh đạo độc tài trong các châu lục, qua các cuộc đảo chánh, hối lộ, thầm kín xâm nhập để kiểm soát, và khi cần, lật đổ những lãnh đạo gây rắc rối.

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên cực thịnh của chủ nghĩa quốc gia, lòng trung thành của giới thượng lưu địa phương đã trở thành một vấn đề thực sự phức tạp. Khá nhiều lãnh đạo đã bị chi phối bởi nhiều lực trái ngược, nhất là ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia, vì vậy, cần được giám sát chặt chẽ. Đối diện với những lãnh đạo thượng lưu thiếu trung thành, rắc rối, và khó lòng điều khiển, CIA luôn phải phát động những chiến dịch kín đáo để khép họ vào khuôn khổ, nguyên nhân của nhiều  khủng hoảng nghiêm trọng trong chiến tranh lạnh.

Trước sự lớn mạnh của hệ thống kiểm soát và giám sát toàn cầu trong kỷ nguyên mới sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Thịnh Đốn buộc lòng phải phối hợp không những với các nhà lãnh đạo đại diện hay bù nhìn, mà ngay cả với các quốc gia đồng minh với vị thế yếu kém nhưng vẫn tìm cách tối đa hóa quyền lợi quốc gia cũng như của chính họ. Ngay cả trong thời cực thịnh của quyền lực toàn cầu của Hoa Kỳ trong thập kỷ 1950, khi vị thế áp đảo của Hoa Kỳ tương đối không mấy ai nghi ngờ, Hoa Thịnh Đốn đôi khi cũng đã phải mặc cả gay go, chẳng hạn, với Raymond Magsaysay ở Phi Luật Tân, Lý Thừa Vãn ở Nam Hàn, và Ngô đình Diệm ở Nam Việt Nam.

Chẳng hạn, trong thập kỷ 1960, ở Nam Hàn, Tướng Park Chung Hee, trong cương vị tổng thống, đã mặc cả với Hoa Kỳ về việc gửi quân tham chiến ở Việt Nam để đổi lấy hàng tỉ USD giúp khởi động phép lạ tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình trao đổi, Hoa Thịnh Đốn cũng đã nhận được sự yểm trợ của 50.000 binh sĩ Nam Hàn, như đội quân đánh giặc thuê, trong cuộc chiến Việt Nam không mấy được thế giới ủng hộ.

THẾ GIỚI THỜI HẬU CHIẾN TRANH LẠNH

Sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989,  Mạc Tư Khoa đã nhanh chóng đánh mất các quốc gia vệ tinh từ Estonia đến Azerbaijan - các chư hầu lần lượt xé rào khi thuyền Xô Viết sắp đắm.

Đối với Hoa Thịnh Đốn, quốc gia chiến thắng và sớm trở thành siêu cường duy nhất, tiến trình suy sụp cũng bắt đầu, tuy với một tốc độ chậm hơn rất nhiều.

Suốt hai thập kỷ kế tiếp, toàn cầu hóa đã khai sinh một hệ thống đa cực với nhiều cường quốc dần dà xuất hiện ở Bắc Kinh, New Delhi, Moscow, Ankara, và Brasilia, ngay trong khi hệ thống quyền lực các đại công ty phi quốc gia hay đa quốc gia đã giúp giảm thiểu sự lệ thuộc của các nền kinh tế đang phát triển vào một đại cường duy nhất, dù đó là một đế quốc. Với khả năng kiểm soát giới thượng lưu quí tộc tiệm giảm, Hoa Thịnh Đốn đang đối mặt một sự cạnh tranh ý thức hệ từ Hồi Giáo chính thống, các chế độ được giám sát của Âu châu, tư  bản nhà nước ở TQ, và một đợt sóng đang lên của chủ nghĩa kinh tế quốc gia  ở châu Mỹ La Tinh.

Trong khi quyền lực và ảnh hưởng ngày một sút giảm, nổ lực kiểm soát giới lãnh đạo thượng lưu của Hoa Thịnh Đốn bắt đầu một chuổi thất bại, thường khá ngoạn mục - kể cả mưu toan lật đổ lãnh tụ "đáng ghét"  Hugo Chavez của Venezuela trong cuộc đảo chánh bất thành năm 2002, tách đồng minh Mikheil Saakahsvili của Georgia khỏi quỹ đạo Nga năm 2008, và hất chân kẻ thù Mahmoud Ahmadinejad trong cuộc bầu cử Iran năm 2009. Ở những nơi trước đây chỉ cần một cuộc đảo chánh của CIA, hay một nổ lực mua chuộc bằng tiền mặt kín đáo, cũng đủ để đánh bại một địch thủ, chính quyền Bush đã phải cần đến một cuộc xâm lăng ồ ạt để lật đổ một nhà độc tài rắc rối như Saddam Hussein. Ngay cả trong trường hợp nầy, các kế hoạch thay đổi chế độ sau đó ở Syria và Iran của Hoa Thịnh Đốn cũng bị chận đứng; thay vào đó, cả hai xứ vẫn có thể tiếp tục trợ giúp phong trào nổi dậy và kháng chiến, gây tai họa cho lực lượng quân sự Mỹ ngay bên trong Iraq.

Trong một trạng huống tương tự, mặc dù đã rót hàng tỉ mỹ kim chi viện, Hoa Thịnh Đốn hình như  vẫn không thể kiểm soát  tổng thống Afghanistan, Hamid Karzai, do chính mình dựng lên, khi Karzai đã tóm tắt quan hệ ngang bướng với Hoa Thịnh Đốn qua đặc phái viên Mỹ: "Nếu ngài tìm kiếm một bù nhìn và gọi bù nhìn đó là một đối tác, [xin thưa] không. Nếu ngài tìm kiếm một đối tác, [xin thưa] vâng."[4]

Vào cuối năm 2010, WikiLeaks bắt đầu tiết lộ hàng nghìn công điện phơi bày những thông tin, nhìn từ bên trong và không bị kiểm duyệt, về cơ chế kiểm soát ngày một suy yếu đối với hệ thống quyền lực đại diện xây đắp trong 50 năm qua. Sau khi đọc những tài liệu được phổ biến, phóng viên Do Thái, Aluf Benn báo Haaretz, đã xác quyết "sự sụp đổ của đế quốc Mỹ - sự tuột dốc của một siêu cường đã ngự trị thế giới do bá quyền kinh tế, quân sự của chính mình."[5]Haaretz  còn nói tiếp, " trong thủ đô các nước trên thế giới, các đại sứ Mỹ không còn được tiếp nhận như 'những cao ủy'...[thay vào đó] như những quan chức mệt mỏi suốt ngày phải chán chường lắng nghe  đại diện các nước chủ nhà lặp đi lặp lại những sáo ngữ soạn sẵn, không bao giờ có dịp nhắc họ ai là siêu cường và ai là nhà nước khách hàng."[6]

Thực vậy, các tài liệu WikiLeaks đã tiết lộ: Bộ Ngoại Giao đang vất vả quản lý một hệ thống toàn cầu bất trị - gồm những nhà lãnh đạo trong giới thượng lưu ngày một bướng bỉnh đủ mọi cách - với các mưu đồ nhằm thu thập thông tin và tình báo cần thiết, các hành động thân hữu nhằm khuyến dụ phục tùng, những đe dọa nhằm cưởng ép hợp tác, và hàng tỉ mỹ kim phung phí nhằm gây ảnh hưởng. Chẳng hạn, vào đầu năm 2009, theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao, tất cả các tòa đại sứ trên thế giới đều phải làm công tác "cảnh sát đế quốc": thu góp các dữ kiện liên quan đến các lãnh đạo sở quan - địa chỉ điện thư, số diện thoại, số fax, dấu tay, diện mạo, DNA, mắt mũi... Giống với thời thực dân, Bộ Ngoại Giao đòi hỏi tòa đại sứ ở Bahrain thu thập những thông tin bẩn thỉu và bất lợi trong xã hội Hồi giáo, liên quan các hoàng thân và các quan chức địa phương: Có thông tin gì xấu về các hoàng tử? Có hoàng tử nào ghiền rượu, hoàng tử nào ghiền nha phiến? ...

Với thái độ trịch thượng của các đặc phái viên đế quốc, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ hình như tự dành cho mình quyền thống trị, đã gạt bỏ vai trò người Thổ Nhĩ Kỳ tân-Ottoman ở Trung Đông và vùng Balkan, lợi dụng các nhược điểm của những lãnh đạo tay chân như Muammar Gaddafi với cô ý tá tóc hoe nâu ưa nhục dục, ám ảnh bởi nguy cơ bị đảo chánh quân sự của Tổng Thống Hồi quốc Asif Ali Zardari, hay số tiền biển thũ 52 triệu USD của Phó tổng thống Afghanistan Ahmad Zia Massoud.

Tuy nhiên, khi ảnh hưởng suy giảm, Hoa Thịnh Đốn đã phải đối diện với nhiều đồng minh địa phương bất phục tùng hay không còn thích hợp, nhất là trong vùng Trung Đông chiến lược. Chẳng hạn, giữa năm 2009, đại sứ Mỹ ở Tunisia đã phúc trình: Tổng Thống Ben Ali và chế độ của ông đã mất hết hậu thuẩn trong quần chúng, chỉ hoàn toàn dựa vào lực lượng cảnh sát để kiểm soát, tệ nạn tham nhũng ngày một lan tràn, và nguy cơ bất ổn dài hạn của chế độ ngày một gia tăng. Tuy vậy, viên đại sứ vẫn khuyến cáo Hoa Thịnh Đốn tránh chỉ trích công khai, thay vào đó, chỉ  nên thành thật nêu những tệ nạn trong những phiên họp cao cấp riêng tư - một chính sách không đem lại một cải cách nào trước khi các cuộc biểu tình chống đối lật đổ chế độ 18 tháng sau đó.

Cũng tương tự như thế, vào cuối năm 2008, tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Cairo đã âu lo "tình hình dân chủ và nhân quyền ở Ai Cập đang suy sụp."[7] Tuy nhiên, như tòa đại sứ đã thú nhận, "chúng ta không muốn thấy quyền lợi của Hoa Kỳ trong khu vực bị ảnh hưởng tai hại nếu quan hệ Hoa Kỳ-Ai Cập bị suy yếu."[8] Và khi Mubarak viếng thăm Hoa Thịnh Đốn vài tháng sau đó, Tòa Đại Sứ đã thúc dục Tòa Bạch Ốc nên vãn hồi không khí vốn từ lâu nồng ấm trong quan hệ đối tác Mỹ-Ai Cập. Và vì vậy, tháng 6-2009, tức 18 tháng trước ngày Tổng Thống Ai Cập bị lật đổ, Tổng Thống Obama đã khen ngợi vị tổng thống độc tài nhưng cần thiết  Mubarak như "một đồng minh kiên quyết ...một lực lượng ổn định và hữu ích trong khu vực."[9]

Trong khi cuộc khủng hoảng ở Quảng Trường Tahrir diễn tiến, lãnh tụ đối lập đáng kính Mohamed ElBaradei đã chua chát phàn nàn: Hoa Thịnh Đốn đã đẩy "toàn thể thế giới A Rập vào tình trạng cực đoan với chính sách ủng hộ đàn áp bất thích ứng."[10] ElBaradei nói: sau 40 năm lệ thuộc Mỹ, "Trung Đông là một tập thể các quốc gia thất bại, không đóng góp được gì về nhân văn và khoa học, bởi lẽ người dân được dạy không suy nghĩ hay hành động , và luôn được dành một hệ thống giáo dục thấp kém."[11]

Thiếu vắng một cuộc chiến toàn cầu có khả năng quét sạch một đế quốc, sự tuột dốc của một đại cường thường là một quá trình kéo dài, dứt khoảng, đau đớn. Với hai cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan dần dà khép lại một cách không mấy khác thất bại, vốn liếng quốc gia nay đang quằn quại trong khủng hoảng tài chánh, đơn vị tiền tệ mất hết giá trị tín dụng, và các đồng minh lâu ngày lần hồi vun quén quan hệ kinh tế và ngay cả quân sự với Trung Quốc - một quốc gia cạnh tranh. Ngoài ra, hiện nay tưởng còn phải cộng thêm sự khả dĩ đánh mất các đại diện trung thành trong khắp vùng Trung Đông.

Trong hơn 50 năm, Hoa Thịnh Đốn đã được một hệ thống quyền lực toàn cầu, xây dựng trên giới quí tộc tay chân trung tín, phụng sự tận tình. Hệ thống nầy đã có lần giúp mở rộng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên khắp thế giới với một trình độ hữu hiệu đáng ngạc nhiên và tương đối ít tốn kém. Tuy nhiên, hiện nay, các đồng minh trung thành lúc một giống một đế quốc các xứ thất bại hay thiếu trung thành. Đã hẳn một sự thoái hóa hay chấm dứt của những dây liên hệ trên một nửa thế kỷ luôn để lại đằng sau một Hoa Thịnh Đốn tơi tả.

 

Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
18-5-2011


[1] ...they should "stop talking so much about democracy" and instead "support dictatorships of he right if their policies are pro-American.

[2] ...Dwight Eisenhower interrupted to observe that Humphrey was, in effect, saying, "They 're OK if they're our s.o.b.'s."

[3] Condoleezza Rice: For 60 years, the United States pursued stability at the exoense of democracy...in the Middle East, and we achieved neither.

[4] If you're looking for a stooge and calling a stooge a partner, no. If you're looking for a partner, yes.

[5] ...the fall of the American empire, the decline of a superpower that ruled the world by the dint of its military and economic supremacy.

[6] No longer are American ambassadors...received in world capitals as 'high commissioners...[instead they are] tired bureaucrats [who] spend their days listening wearily to their hosts' talking points, never reminding them who is the superpower and who the client state.

[7] Egyptian democracy and human rights efforts ..are being suffocated.

[8] ...we would not like to contemplate complications for U.S. regional interests should the U.S.-Egyptian bond be seriously weakened.

[9] ...as a stalwart ally...a force for stability and good in the region.

[10] Washington was pushing "the whole Arab world into radicalization with this inept policy of supporting repression.

[11] Mohamed ElBaradei said" After 40 years of U.S. dominion, the Middle East was a collection of failed states that add nothing to humanity or science because people were taught not to think or to act, and were consintentlygiven an inferior education."

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Trường