Washington, Tehran và kinh tế thế giới

Vietsciences-  Nguyễn Trường                          30/04/2012

 

 
 

Đã hẳn chính sách kẻ cả, bắt nạt, và hù dọa của Hoa Thịnh Đốn đã, đang, và sẽ gây tang tóc đau thương cho người dân Iran, và về lâu về dài có thể cả cho người Mỹ. Cuối cùng, chính sách nầy cũng sẽ vô cùng tai hại cho kinh tế toàn cầu, và theo kinh nghiệm lịch sử, cũng chẳng có cơ may thành công. Cuộc chiến kinh tế do Mỹ lãnh đạo và Do Thái khuyến khích và cổ võ, sẽ khó lòng lật đổ được chính quyền Iran, buộc Iran phải thương nghị, hay từ bỏ chương trình nguyên tử của mình. Tuy nhiên, chính sách đó cũng rất có thể đưa đến xung đột quân sự với hậu quả vô cùng khốc liệt.

Trong thực tế, Hoa Kỳ cũng đã bị lôi cuốn vào một cuộc chiến kinh tế với Iran. Chính quyền Obama đã áp đặt  lên Cộng Hòa Hồi Giáo những chế tài kinh tế khe khắt nhất đối với bất cứ quốc gia nào kể từ khi xô đẩy Iraq vào hàng ngũ “thế giới thứ tư” trong thập kỷ 1990. Và một tình trạng tệ hại hơn rất nhiều đang chờ đợi Iran.

Iran đang bị người Mỹ bao vây tài chánh với mục đích ngăn chận việc xuất khẩu tài nguyên quý hiếm dầu lửa, như phương cách buộc chế độ Tehran từ bỏ chương trình làm giàu uranium.

Lịch sử đã chứng tỏ đây không phải là thế mạnh của Mỹ, và rất ít ai ngày nay nhớ rõ cuộc cấm vận toàn cầu đối với dầu Iran, một chiến thuật không mới mẻ gì trong địa-chính trị Tây phương. Và cũng không có nhiều người nhớ lần cuối cùng biện pháp nầy cũng đã được sử dụng một cách trắng trợn, trong thập kỷ 1950, và đã đưa đến sự lật đổ chính quyền Iran với phản tác dụng dài lâu đối với Hoa Kỳ như thế nào. Chiến thuật nầy ngày nay cũng không kém nguy hiểm.

Lãnh tụ tôn giáo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khameni, đã nhiều lần lên án bom hạt nhân và các vũ khí nguyên tử như những dụng cụ của “ma quỷ”, những thứ vũ khí không thể được sử dụng mà không giết hại hàng loạt dân lành. Trong thực tế, với những từ mạnh mẽ, ông đã từng tuyên bố các thứ vũ khí nầy đều bị giới luật Hồi giáo cấm đoán.

Dựa trên tin tức tình báo mới nhất của Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta cũng đã xác quyết Iran không có quyết định theo đuổi một đầu đạn nguyên tử. Ngược lại, các thành phần diều hâu Do Thái và Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh mục đích cuối cùng của chương trình làm giàu uranium dân sự của Iran là chế tạo một bom hạt nhân, và người Iran đang theo đuổi con đường nầy một cách quyết liệt và phải được chận đứng ngay bây giờ, nếu cần, bằng các biện pháp quân sự.

XIẾT CHẶT CHẾ TÀI ĐỐI VỚI IRAN

Cho đến nay, chính quyền Obama và Quốc Hội Hoa Kỳ hình như đã tìm hết cách chận đứng mọi giao dịch về dầu lửa Iran trên thị trường toàn cầu. Vào cuối năm 2011, Quốc Hội Mỹ đã thông qua một tu chính án Luật Ủy Quyền Quốc Phòng, quy định các chế tài đối với các công ty và quốc gia có quan hệ với Ngân Hàng Trung Ương Iran hay mua dầu Tehran, mặc dù cũng có dự liệu một số ngoại lệ trong các trường hợp đặc biệt thiết yếu. Sự leo thang từ các chế tài đến biện pháp phong tỏa toàn diện hàm chứa những nguy cơ cực đoan rất dễ đưa đến một đối đầu quân sự.

Cộng hòa Hồi giáo đã cố gắng nêu rõ điều đó, cũng như đã chứng tỏ , qua các cuộc diễn tập hải quân trong Vịnh Ba Tư gần đây, họ sẽ không bao giờ chấp nhận chịu bó tay mà không có phản ứng.

Nguy cơ ở đây đã thật sự rõ ràng: khoảng 20% dầu lửa trên thế giới được chuyển vận qua vùng Vịnh, và ngay cả một gián đoạn phân bộ hay tạm bợ cũng có thể trở thành một tai họa đối với  kinh tế thế giới.

Trước hết, qua chính sách chế tài lẫn phong tỏa, T T Obama rõ ràng đang cố gắng và tin tưởng sẽ thành công, trong nổ lực ngăn chặn Netanyahu và chính quyền Do Thái tấn công quân sự vào các cơ sở nguyên tử của Iran. Obama lập luận các biện pháp kinh tế ngặt nghèo sẽ đủ buộc Iran đến bàn hội nghị , ngay cả đơn thuần đầu hàng.

Đồng thời, Obama cũng đang tìm cách làm vừa lòng một đồng minh khác ở Trung Đông – Saudi Arabia – rất muốn thấy chương trình nguyên tử của Iran một cách nào đó bị vô hiệu hóa. 

Trong quá trình đó, chính quyền Hoa Kỳ và đồng minh đã loại các ngân hàng Iran ra khỏi các mạng lưới hối đoái quốc tế, gây khó khăn cho các khách hàng năng lượng quan trọng của Iran, như Nam Hàn và Ấn Độ, thanh toán tiền mua dầu lửa nhập khẩu.

Và cũng không nên quên khí giới quan trọng nhất của chính quyền Obama: hầu hết các quốc gia và tập đoàn các đại công ty đều không muốn gặp khó khăn trong các giao dịch kinh tế  với Mỹ – một nền kinh tế vẫn còn lớn nhất và năng động nhất trên thế giới, với một GDP trên 15.000 tỉ USD.

Chẳng hạn, Liên Hiệp Âu Châu, e ngại trước các chế tài của Quốc hội Mỹ, đã phải đồng ý ngưng ký các hợp đồng mua dầu Iran kể từ 1-7-2012, một quyết định đã gây thêm nhiều gánh nặng đặc biệt trong các quốc gia miền Nam Âu châu, như Hy Lạp và Ý, những nước đang gặp nhiều khó khăn. 

Với sự tẩy chay của các khách hàng Âu châu, Iran ngày một lệ thuộc nhiều hơn vào các khách hàng Á châu, cho đến nay đang chiếm một thị phần 64% dầu lửa xuất khẩu  của  Iran, cũng như vào các khách hàng ở Nam Bán Cầu.

Trong số các xứ nầy, TQ và Ấn Độ đã từ chối tham gia vào chiến lược tẩy chay. Nam Hàn, mỗi năm mua một số dầu Iran trị giá trên dưới 14 tỉ USD hay 10% số dầu nhập khẩu, hiện đang thỉnh cầu Hoa Thịnh Đốn dành cho một ngoại lệ, cũng như Nhật phải mua 8,8% số dầu nhập khẩu từ Iran trong năm rồi, vào khoảng hơn 300.000 thùng mỗi ngày, và nhiều hơn Nam Hàn nếu tính theo con số tuyệt đối. Nhật, có kế hoạch cắt giảm khoảng 12% số dầu nhập khẩu từ Iran, và đã được Hoa Kỳ dành cho ngoại lệ.

Đối diện với các hệ quả một sự gián đoạn bất thần trong số dầu nhập khẩu từ Iran có thể gây ra cho các nền kinh tế Đông Á, chính quyền Obama cũng đã phải tìm một giải pháp thứ yếu ít tai hại hơn: các cam kết cắt giảm từ 10-20% số dầu nhập khẩu trong tương lai, để đổi lấy một ngoại lệ.

Vì lẽ cam kết luôn dễ dàng hơn là tẩy chay, các đồng minh, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, đang tranh đua sắp hàng với lời hứa hẹn. Những lời cam kết như thế, đã hẳn, là những lời hứa tương đối trống rổng.  Xét cho cùng, các xứ nầy có rất ít lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục mua dầu Iran, trừ phi họ có thể tìm được nguồn cung dầu lửa thay thế, một điều hiện nay rất khó xẩy ra; hay cắt giảm một phần lớn số dầu tiêu thụ, do đó, sẽ phải đối đầu với thoái trào kinh tế và lòng căm hận của người dân.

Điều nầy trong thực tế có nghĩa: biện pháp tẩy chay dầu xuất khẩu từ Iran của Hoa Kỳ và Do Thái có lẽ sẽ là một điều viển vông, mặc dù Saudi Arabia đã hứa hẹn tăng thêm số dầu sản xuất mỗi ngày.

Để kế hoạch có hiệu quả, số cầu dầu lửa phải không thay đổi và các xứ xuất khẩu dầu khác phải đủ khả năng thay thế khoảng 2,5 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Iran trên thị trường toàn cầu. Chẳng hạn, Saudi Arabia phải gia tăng số dầu sản xuất, và hứa hẹn còn gia tăng nhiều hơn trong mùa hè sắp tới trong nổ lực tăng số cung dầu trên thị trường và cho phép các xứ nhập khẩu thay thế số dầu mua của Iran trước đây bằng số dầu sản xuất gia tăng của Saudi Arabia.

Nhưng các chuyên gia năng lượng nghi ngờ khả năng của Saudi trong trường kỳ.  Hơn thế nữa, số cầu toàn cầu lại ngày một gia tăng, nhất là TQ và Ấn Độ.

Biện pháp phong tỏa năng lượng của Hoa Thịnh Đốn chỉ có thể mang lại kết quả, nếu Saudi Arabia và các xứ sản xuất khác có thể được tin cậy có đủ khả năng thay thế số dầu do Iran sản xuất và thỏa mãn số cầu gia tăng, cùng với các số dầu sản xuất bị sụt giảm vì khủng hoảng như trường hợp  Syria và South Sudan, và trữ lượng dầu ngày một cạn kiệt trong nhiều nơi khác.

Ngược lại, một sự tẩy chay dầu Iran thành công sẽ chỉ làm gia tăng áp lực tăng giá dầu, như Nhật Bản đã lể độ nhưng kiên quyết chứng minh với chính quyền Obama. Vì vậy, trong thực tế, điều có nhiều khả năng xẩy ra nhất sẽ là: Các đồng minh thân cận nhất của Mỹ và những xứ  lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Hoa Kỳ sẽ giảm bớt số dầu nhập khẩu từ Iran. Trong lúc đó, TQ, Ấn Độ và các xứ ở Á châu, Phi châu, và Mỹ La Tinh sẽ mua dầu thô Iran nhiều hơn, và rất có thể với giá thấp hơn giá người Iran trước đây thường bán.

Phí tổn giao dịch của Iran, vì vậy,  chắc chắn sẽ gia tăng, dân Iran đã bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế, và Iran có thể phải giảm bớt lượng dầu xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng ở Vùng Vịnh cũng đã đẩy giá dầu tương lai lên cao, có lẽ cũng đủ để bù đắp vào những phí tổn mới chế độ Iran đã và đang phải gánh chịu.

Các chuyên gia cũng ước tính khủng hoảng Iran đã đẩy giá dầu giới tiêu thụ Mỹ phải trả tại các trạm xăng đã tăng thêm khoảng 25 cents mỗi gallon.

Theo gót TQ, Ấn Độ cũng đã từ chối tuân theo các biện pháp tẩy chay và cấm vận áp đặt bởi Hoa Thịnh Đốn. Chính quyền của Thủ Tướng Manmohan Singh, lệ thuộc sâu xa vào số phiếu của cử tri Hồi giáo,  không sẵn sàng muốn bị xem như đã ngấm ngầm nhượng bộ trước áp lực mạnh tay của Mỹ. Thêm vào đó, vì thiếu tài nguyên năng lượng hóa thạch, và trước các kế  hoạch đầy tham vọng của Singh nhằm đạt tỉ suất tăng trưởng kinh tế 9% mỗi năm, nhất là bành trướng khu vực vận tải thiếu mở mang của Ấn Độ (70% số dầu lửa sử dụng trên thế giới được dành để thỏa mãn nhu cầu nhiên liệu của xe hơi), Iran luôn là quốc gia thiết yếu đối với tương lai Ấn Độ.  

Tránh né Hoa Thịnh Đốn, Ấn Độ đã ký thỏa ước thanh toán phân nửa số lượng dầu nhập khẩu từ Iran bằng đồng rupees, một ngoại tệ mềm. Dĩ nhiên, Iran có thể sẽ dùng số rupees nhận được để  mua thực phẩm và hàng hóa các loại từ Ấn Độ, một món lợi trời cho đối với giới xuất khẩu Ấn.

Thách thức tổng thống Hoa Kỳ một lần nữa, người Ấn còn dành cho các công ty Ấn giao thương với Iran một đặc ân thuế vụ. Iran cũng đã bằng lòng thanh toán tiền mua hàng Ấn bằng vàng.

Vì Ấn Độ có cân thương mãi hữu hình khuy khiếm đối với Mỹ, Hoa Thịnh Đốn có thể chỉ làm hại chính mình nếu mạnh tay chế tài Ấn Độ.

LÀM NGƠ TRƯỚC BÀI HỌC LỊCH SỬ

Tuy vậy, Iran cũng không có dấu hiệu đã hoặc sẽ nhượng bộ trước áp lực. Đối với cấp lãnh đạo, các nhà máy điện hạt nhân tương lai hứa hẹn sẽ đem lại độc lập  và vinh quang cho Iran, giống như đã đem lại vinh quang cho Pháp, một xứ với 80% điện lực do các nhà máy phản ứng hạt nhân cung cấp. Tehran  âu lo, nếu không có điện nguyên tử,  một Iran đang phát triển có thể phải tiêu thụ hầu hết số dầu lửa sản xuất ngay trong nội địa, như trường hợp Indonesia,  lúc đó chính quyền sẽ không còn lợi tức thặng dư giúp duy trì tự do trước các áp lực quốc tế.

Iran đặc biệt trân quý vị thế độc lập của mình, bởi lẽ trong lịch sử hiện đại, Iran luôn bị khống chế bởi một hay nhiều đại cường.

Năm 1941, khi Đệ Nhị Thế Chiến đang diễn tiến, Nga và Anh Quốc, quốc gia đã kiểm soát dầu lửa của Iran, đã phát động cuộc xâm lăng để bảo đảm Iran vẫn là một tích sản của Phe Đồng Minh chống lại Phe Trục. Nga và Anh Quốc đã đưa Mohammed Reza Pahlevi trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm lên ngôi vua, và gửi phụ hoàng , Reza Shah, ra sống lưu vong ở hải ngoại.

Hành lang Iran – Thủ Tướng Anh Winston Churchill đã mệnh danh là“chiếc cầu của  chiến thắng”[1] – lúc đó đã cho phép phe đồng minh chuyển vận các loại tiếp liệu thiết yếu cho Liên Bang Xô Viết trong cuộc chiến chống lại Đức Quốc Xã. Tuy nhiên, các năm chiếm đóng cũng đã tác động tai hại đến người Iran qua lạm phát gia tăng và nạn đói.

Tình trạng bất mãn bùng nổ tiếp theo sau cuộc chiến và sự chiếm đóng của quân đội  Đồng Minh đã phải chấm dứt. Mọi người lại chú tâm vào thỏa ước 1933 Iran đã ký kết với Công Ty Dầu Anh Quốc-Iran, AIOC.[2]

Vào đầu thập kỷ 1950,  AIOC, về sau đã trở thành British Petroleum hay BP, đã trả thuế cho chính quyền Anh quốc nhiều hơn là trả royalties hay tiền thuê mỏ dầu để khai thác, cho Iran. Năm 1950, khi được biết  tập đoàn ARAMCO của Mỹ đã đồng ý trả cho quốc vương Saudi Arabia trên căn bản 50-50 doanh lợi từ dầu khai thác, người Iran cũng đã đòi hỏi cùng điều kiện.

Lúc đầu AIOC đã tỏ thái độ cương quyết từ chối tái thương lượng thỏa ước. Đến khi AIOC thay đổi lập trường đôi chút và bắt đầu bớt kiêu kỳ, lúc đó Nghị Viện Iran đã giận dữ quyết định cắt đứt mọi quan hệ với AIOC hay chính quyền Anh quốc đang đứng bên sau yểm trợ.

Ngày 15-3-1951, Nghị Viện Iran, được bầu chọn dân chủ, đơn thuần quyết định quốc hữu hóa kỹ nghệ dầu lửa và trục xuất AIOC ra khỏi Iran. Đối diện với làn sóng giận dữ của quần chúng, quốc vương Mohammed Reza Shah đã phải đồng ý.  Mohammed Mosaddegh, một diều hâu trong phe chủ trương quốc hữu hóa dầu khí, đã được bầu chọn vào chức vụ thủ tướng. Là nhân vật quốc gia bảo thủ xuất thân từ một gia đình quý phái, Mosaddegh đã quyết định công du Hoa Kỳ để tìm viện trợ. Nhưng báo chí Mỹ đã miệt thị ông như một nhân vật thân Xô Viết, vì lẽ trong liên minh quốc gia của ông có cả đảng Tudeh Party –  Đảng Cộng Sản Iran.

Chính phủ Anh  — bất bình với biện pháp quốc hữu hóa và âu lo các quốc gia sản xuất dầu có thể noi theo gương  — đã quyết định đóng băng các tích sản của Iran và khởi động phong tỏa toàn cầu dầu Iran. Luân Đôn cũng đã áp đặt  các biện pháp hạn chế khắt khe đối với khả năng mậu dịch của Tehran, và gây khó khăn cho Iran trong việc đoái hoán đồng pound sterling ký thác trong các ngân hàng Anh Quốc.

 Lúc đầu, chính quyền Harry Truman giữ lập trường ủng hộ Iran. Tuy nhiên, sau khi chính quyền của T T Cộng Hòa  Dwight Eisenhower vào  Bạch Ốc, Hoa Kỳ lại hồ hởi tham gia cấm vận dầu lửa và chiến dịch chống đối Iran.

Dĩ nhiên, Iran ngày một cần bán nhiều dầu, và vài xứ như Ý và Nhật bị cám dỗ bởi giá bán thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, như sử gia Nikki Keddie đã ghi nhận, các đại công ty dầu và Bộ Ngoại Giao đã ra tay với chiến thuật gây áp lực ngăn ngừa các quốc gia khác hành động tương tự.

Chẳng hạn, vào tháng 5-1953, Max Thornburg, thuộc công ty Standard Oil of California và cố vấn dầu lửa bên cạnh Bộ Ngoại Giao, đã viết cho Đại Sứ Hoa Kỳ ở Ý, Claire Booth Luce, về yêu cầu của chính phủ Ý được dành ngoại lệ mua dầu Iran: “Việc nước Ý muốn được phép mua dầu lần nầy và các tàu hàng mới khác có thể chứng tỏ rõ ràng chính quyền Ý đã đứng về phía các người chủ trương quốc hữu hóa dầu khí, mặc dù các nguy cơ điều nầy phản ảnh đối với các số đầu tư ở nước ngoài và các nguồn cung cấp dầu sinh tử của Mỹ. Đã hẳn đây là quyền của Ý. Chỉ có sự thận trọng của hành động nầy mới là vấn đề.”[3] Thornburg sau đó đã đe doạ Rome: các công ty dầu của Mỹ sẽ chấm dứt mua đồ tiếp liệu của Ý trị giá nhiều triệu đô la.

Cuối cùng, biện pháp phong tỏa của Anh Quốc và Hoa Kỳ đã gây nhiều tai họa về kinh tế và xã hội ở Iran.

Thủ Tướng Mosaddegh, lúc đầu rất được dân Iran ái mộ, chẳng bao lâu đã phải đối đầu với làn sóng đình công, và các cuộc biểu tình phản kháng của quần chúng lao động ngày một lên cao. Các chủ tiệm và giới tiểu thương, trong những thành phần cử tri hậu thuẩn của chính ông, đã gây áp lực đòi hỏi thủ tướng phải có hành động vãn hồi trật tự. Cuối cùng khi Mosaddegh đã hành động chống lại phong trào biểu tình phản kháng, một số không nhỏ trong phong trào đã do chính CIA khuyến khích và bảo trợ, Đảng cực tả Tudeh Party đã quyết định rút lại hậu thuẩn. Các tướng lãnh hữu phái – mất tinh thần trước sự kiện quốc vương Shah phải qua sống lưu vong ở Ý, trước sự sụp đổ trong quan hệ với các quốc gia Tây phương, và trước tình trạng suy đồi kinh tế –  sẵn sàng nghe theo khuyến dụ của CIA, và với sự trợ lực của tình báo Anh, đã quyết định tổ chức đảo chánh đưa người của họ lên nắm quyền.

NGUY CƠ PHẢN TÁC DỤNG

Câu chuyện đảo chánh 1953 của CIA ở Iran đã được một số người biết đến, nhưng sự thành công, lệ thuộc rất nhiều vào hai năm chế tài tàn nhẫn đối với khu vực dầu khí và người dân Iran, lại rất hiếm khi được nhắc đến.

Tuy vậy, một chiến dịch phong tỏa kinh tế toàn cầu đối với một quốc gia giàu năng lượng cũng vẫn khó lòng duy trì bền lâu. Nếu thất bại, Hoa Kỳ và Anh Quốc có thể đã phải chịu mất hết  uy tín. Các quốc gia trong Thế Giới Thứ Ba có thể đã lên tinh thần và tìm cách giành lại các tài nguyên thiên nhiên của họ.

Biện pháp phong tỏa, vì vậy, đã khiến đảo chánh trở nên cần thiết, ít ra với Hoa Kỳ và Anh Quốc. Nhưng rồi, đảo chánh lại đưa đến cơ hội lãnh tụ Hồi Giáo tối cao Ayatollah Khomeini lên nắm chính quyền một phần tư thế kỷ sau đó, và cuối cùng sự đối mặt hiện nay giữa người Hoa Kỳ/người Do Thái/người Iran.  

Hình như đây mới là bài học lịch sử đáng buồn mọi chính trị gia Hoa Thịnh Đốn cần chiêm nghiệm, nhưng hiễn nhiên là đã không có một ai.

Thời đó, cũng như hiện nay, phong tỏa dầu khí tự nó rất khó giúp Hoa Thịnh Đốn thành đạt các mục tiêu. Ước muốn của người Mỹ buộc Iran phải từ bỏ chương trình làm giàu uranium hình như vẫn khó thành công, như trong bất cứ lúc nào khác.

Trong bối cảnh đó, một bài học lịch sử khác cũng cần được phân tích: sự thất bại của các biện pháp chế tài áp đặt lên Iraq của Saddam Hussein trong thập kỷ 1990 để lật đổ nhà độc tài và chế độ.

Sự thật nầy tương đối đơn giản: các tập đoàn sở hữu một kỹ nghệ đáng giá như dầu lửa có thể tránh cho chính mình những tác động tệ nhất của một cuộc tẩy chay quốc tế, ngay cả chuyển các phí tổn liên hệ đến quần chúng vô can. Trong thực tế, làm tê liệt nền kinh tế có khuynh hướng đẩy giai cấp trung lưu vào vòng xoáy trôn ốc tuột dốc, khiến tầng lớp nầy ngày một mất bớt tài nguyên để đề kháng một chính quyền độc tài. Sự tuột dốc của phong trào phản đối Xanh có lúc rất hùng mạnh ở Iran năm 2009 có lẽ có thể giải thích như thế, cũng như ý thức lúc một rõ ràng Iran hiện đang bị các nước ngoài vây hãm, và người Iran cần đoàn kết để hậu thuẩn và bảo vệ quốc gia dân tộc.

Những cuộc bầu cử Nghị Viện gần đây đã thu hút được đông đảo cử tri tham dự, và các ứng cử viên gần gũi với Lãnh Tụ Tôn Giáo Tối Cao Ali Khameini đã chiếm đa số khống chế một cách đáng ngạc nhiên. Chính trị Iran, chưa bao giờ thật sự tự do, tuy vậy, đôi khi cũng đã đem lại ngạc nhiên, và nhiều phong trào hăng say gần đây đã rõ rệt theo hướng bảo thủ và mang tinh thần quốc gia mạnh mẽ. Chỉ cách đây vài năm, đa số dân Iran không chấp thuận ý tưởng cần có bom nguyên tử. Ngày nay, theo kết quả thăm dò công luận Gallup, đa số dân Iran đang hậu thuẩn quân sự hóa chương trình hạt nhân hơn là chống đối.

Chiến dịch phong tỏa dầu khí lớn lao năm 2012 có thể chỉ chú tâm về tài chánh, nhưng vẫn có thể mang theo những hệ lụy leo thang và can thiệp, cũng như những căm hận và phản tác dụng trong tương lai – tương tự những chiến dịch vào đầu thập kỷ 1950. Những biện pháp chế tài về tài chánh của Mỹ và Âu châu đang bắt đầu gây khó khăn cho việc nhập khẩu thực phẩm như lúa mì, vì Iran không còn có thể sử dụng hệ thống ngân hàng thế giới để thanh toán. Nếu trẻ con phải gánh chịu hậu quả hay trải nghiệm tử suất gia tăng vì các biện pháp chế tài, sự kiện đó có thể gây ra những cuộc tấn công trong tương lai vào Hoa Kỳ hay quân đội Hoa Kỳ trong vùng Trung Đông nới rộng. Cũng không nên quên các chế tài áp đặt lên Iraq trước đây đã phải chịu trách nhiệm về số khoảng 500.000 trẻ em tử vong, và cũng đã được al-Qaeda nêu rõ trong lời tuyên chiến với Hoa Kỳ.

Nổ lực làm tràn ngập thị trường và sử dụng các chế tài tài chánh để thực thi lệnh cấm vận đối với dầu Iran cũng hàm chứa nhiều nguy cơ.

Nếu thất bại, giá dầu gia tăng có thể gây suy thoái trong các nền kinh tế mong manh ở Tây phương đang phục hồi yếu ớt từ các vụ bê bối liên quan nợ bất động sản và ngân hàng trong năm 2008.

Nếu thái quá, nhiều khả năng rối loạn có thể bùng nổ trong các xứ sản xuất dầu do số thu nhập giảm sụt bất thần.

Ngay cả nếu sự cấm vận là một thành công tương đối, giữ lại trữ lượng dầu dưới lòng đất, những thiệt hại trong trường kỳ cho các khu dầu và hệ thống ống dẫn dầu (vì không hoạt động lâu dài)  phương hại đến kinh tế thế giới trong tương lai.

Dưới ánh sáng kinh nghiệm chế tài kinh tế Iraq, Cuba, và nhiều nơi khác trước đây, chúng ta có thể tin: khả năng một cấm vận dầu khí có thể làm thay đổi chính sách của chính quyền Iran hay một thay đổi chế độ sẽ rất thấp. Đã thế, cũng không có lý do gì để nghĩ Cộng Hòa Hồi Giáo sẽ chấp nhận cúi đầu chịu đựng hay đầu hàng.

Khi các chế tài biến dạng thành một chiến dịch phong tỏa thực tế, các biện pháp trừng phạt sẽ tạo ra nổi ám ảnh như tất cả các biện pháp phong tỏa khác, và có thể đưa đến  phản ứng bạo lực.

Cũng nguy hiểm không kém khi các chế tài  kéo dài mà không đem lại kết quả mong muốn, Hoa Kỳ buộc lòng phải có hành động, che đậy hay công khai, chống lại Tehran để giữ thể diện.

Đó mới là nguy cơ với hậu quả khôn lường!

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

22-4-2012


[1] …the bridge of victory…
[2] Anglo-Iranian Oil Company – AIOC.
[3] For Italy to clear this oil and take additional cargoes would definitely indicate that it had taken the side of the oil ‘nationalizers,’ despite the hazard this represents to American foreign investments and vital oil supply sources. This of course is Italy’s right. It is only the prudence of the course that is in question

 

 Xin giới thiệu  trang nhà của tác giả   http://nguyentruong92606.wordpress.com/

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường