An ninh quốc gia và phân quyền hiến định ở Hoa Kỳ

Vietsciences-  Nguyễn Trường                          1/10/2014

 


Như mọi người đều biết, trên nguyên tắc, định chế dân chủ của Hoa Kỳ cơ sở trên sự phân quyền giữa hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Mục tiêu là để "kiềm chế và quân bình"(check-and-balance) giữa ba ngành của chính quyền. Đó là nền tảng của Hoa Kỳ, bài học công dân cơ bản của học sinh Mỹ, và quốc gia siêu mẩu của nhân loại.
Nhưng có một vấn đề: thực tế không luôn như thế.
Trong suốt kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh và rõ ràng hơn nữa vào đầu thế kỷ XXI, chính quyền Hoa Kỳ đã luôn thay đổi. Một quyền thứ tư đã ra đời và ngày một giữ vai trò nổi trội: Cơ Quan An Ninh Quốc Gia hay Đệ Tứ Quyền.
Đã hẳn, Cơ Quan An Ninh Quốc Gia hay NSA vẫn còn thiếu một số đặc quyền chính thức của nhà nước. Tuy nhiên, vào một giai đoạn lịch sử khi Quốc Hội và Tổng Thống luôn kẹt trong tình trạng "bất động trong vòng xoáy ‘kiềm chế và quân bình’" khó thể tưởng tượng đối với người Mỹ trong những kỷ nguyên trước, Đệ Tứ Quyền đã trở thành trung tâm quyền lực ngày một bành trướng ở Hoa Thịnh Đốn.
Trong trạng thái tranh tối tranh sáng mang tính vô trách nhiệm, cấp lãnh đạo an ninh quốc gia lúc một tự giành quyền quyết định chính sách và hành động, một trạng huống được phản ảnh bởi vụ tranh cãi gần đây liên quan bản phúc trình của Thượng Viện về chương trình giam giữ và tra tấn của CIA.
Tình trạng nghịch lý đã khá rõ ràng hay cần phải làm rõ, nhưng vẫn không được xác nhận một cách đáng ngạc nhiên trong thế giới Hoa Kỳ. Sự trỗi dậy của Đệ Tứ Quyền đã bắt đầu ngay từ thời động viên trong Đệ Nhị Thế Chiến. Ngành an ninh quốc gia đã ngày một trở nên "nặng ký" với quyền lực tồn tại lâu dài trong kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh trong nửa sau của thế kỷ XX, khi siêu cường thứ hai, Liên Bang Xô Viết, đã đem lại lý do cho Đệ Tứ Quyền có thêm cơ hội bành trướng nhanh chóng.
Cấp lãnh đạo Đệ Tứ Quyền đã phải chờ thời sau sự tan rã bất thần của Liên Bang Xô Viết, khi "chủ nghĩa khủng bố" vẫn chưa là một ám ảnh và các chế độ thù nghịch vẫn còn hiếm hoi. Trong kỷ nguyên hậu-11/9, với bầu không khí chiến tranh ngụy tạo, với hàng nghìn tỉ mỹ kim của dân chịu thuế, và với chiêu bài an ninh của Hiệp Chủng Quốc, Đệ Tứ Quyền đã lớn mạnh đến mức vô song.
Thực vậy, bắt đầu với sự bùng phát của các công trình xây cất bên trong cũng như chung quanh Hoa Thịnh Đốn. Trong loạt bài "Top Secret America" (Hoa Kỳ Tối Mật), đăng trên Washington Post, Dana Priest và William Arkin đã tóm tắt sự bùng phát của "Cộng Đồng Tình Báo Hoa Kỳ" (U.S Intelligence Community), như sau: "Bên trong Hoa Thịnh Đốn và vùng phụ cận, 33 khu kiến trúc dành cho hệ thống tình báo tối mật đang được xây cất hay đã khởi sự xây cất từ tháng 9-2001. Nói chung, khu kiến trúc mới lớn gần gấp ba Ngũ Giác Đài hay 22 lần Điện Capitol — một không gian khoảng 17 triệu bộ vuông". Và trong năm 2014, sự bành trướng vẫn còn tiếp tục.[1]
Trong thế kỷ 21, một "Bộ Quốc Phòng thứ hai" — "Bộ AN Ninh Quốc Nội" — (Department of Homeland Security), đã được tạo lập. Chung quanh bộ mới cũng đã xuất hiện một phiên bản bé nhỏ của tập đoàn quân sự-kỹ nghệ, cùng với nhóm chuyên gia tư vấn thường lệ, các nhóm vận động hành lang K Street, các đóng góp gây quỹ chính trị, và các quan hệ quyền lực: cùng một loạt những tập đoàn Tổng Thống Eisenhower đã cảnh cáo người Mỹ trong bài diễn văn từ giả nỗi tiếng năm 1961. Trong giao thời, tập đoàn quân sự-kỹ nghệ ngày một lớn mạnh về uy quyền, tác động và ảnh hưởng.
Trong kỷ nguyên hậu-11/9, dưới tiêu đề tư hữu hoá — "privatization," đúng ra phải gọi là đội ngũ hoá — "corporatization," Ngũ Giác Đài đã lôi kéo một loạt các công ty tay chân vào cuộc chiến. Trong quá trình, Ngũ Giác Đài cũng đã đem lại một ý nghĩa mới cho từ "chiến tranh tư bản", với sự hỗ trợ tài chánh toàn diện, và chuyển giao nhiều trách nhiệm quân sự trước đây cho các "đội ngũ chiến binh" — warrior corporations.
Trong lúc đó, 17 thành viên của Cộng Đồng Tình Báo An Ninh Quốc Gia ngày một lớn mạnh, phần lớn với nhịp độ phi thường. Một số đã trải nghiệm một phiên bản đội ngũ hoá riêng, tái phân phối cho một số nhà thầu tư nhân ngày một đông một số hoạt động, đến độ ngày nay chúng ta cũng đã có ngay cả một đội ngũ "tình báo tư bản." Với tâm thức hoảng sợ từ sau biến cố 11/9 thẩm thấu vào xã hội và nguy cơ khủng bố bồi bổ thêm động lực, Cộng Đồng Tình Báo đã được hoàn toàn tự do khai triển các hệ thống giám sát ngày nay đang bao phủ mọi người, kể cả các Ngành Chính Quyền khác.
Chúng ta hẳn đều nhớ Edward Snowden, nguyên nhân viên CIA, người đã gia nhập đội ngũ khai triển hệ thống an ninh quốc gia, như gương mặt "phản tác dụng" đầu tiên (first blowback), từ và đối với thế giới "tình báo tư bản." Nhờ Snowden, chúng ta đã có được góc nhìn của người trong cuộc về tầm cỡ các tham vọng và hoạt động của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia. Phạm vi các hoạt động giám sát và tầm cỡ các kênh truyền thông quốc nội và toàn cầu, NSA hiện đang vận dụng, thật sự khủng khiếp — qua những thông tin trong tầm với tiếp tục được tiết lộ. Và đây cũng chỉ mới là một cơ quan.
Chúng ta cũng được biết thế giới bí mật đã khai triển một bộ luật bí mật riêng và một ngành tư pháp riêng, phần lớn cơ sở trên nguyên tắc hợp pháp hoá bất cứ điều gì muốn thể hiện. Như Eric Lichblau thuộc báo New York Times đã tường trình, Cơ Quan cũng có ngay cả Tối Cao Pháp Viện tương đương riêng trong Toà Giám Sát Tình Báo Đối Ngoại. Và đối với tất cả những thực tế nầy, các Ngành Chính Quyền khác cũng chỉ biết được rất ít và nhân dân Hoa Kỳ hầu như chắng biết được gì.
Từ Ngũ Giác Đài đến Bộ An Ninh Quốc Nội cho đến toàn bộ thế giới tình báo, sự trỗi dậy của Nhà Nước An Ninh Quốc Gia là một hiện tượng độc đáo của thời đại. Bất cứ lúc nào tin tức các hoạt động bí mật của Cơ Quan khởi sự lọt ra bên ngoài, đe doạ và gây hoảng sợ trong quần chúng, Toà Bạch Ốc và Quốc Hội luôn nhắc đến các cải cách, nhiều lắm cũng chỉ cản trở chút ít các quyền lực bành trướng của "một Nhà Nước An Ninh bên trong Nhà Nước".
Nói chung, quyền lực và các đặc quyền của Cơ Quan vượt quá thẩm quyền của Quyền-Tư-Pháp không-bí-mật. Đệ Tứ Quyền thường được Ngành Hành Pháp chấp thuận, và với một số ngoại lệ hiếm hoi, cũng thường được Quốc Hội hậu thuẩn với rất ít nghi ngờ.
Và cũng cần nhớ, trong bốn quyền của chính quyền, trong hiện tình, hình như chỉ có hai ngành — một Tối Cao Pháp Viện hiếu động và Đệ Tứ Quyền An Ninh Quốc Gia — mới có đủ khả năng hành động với tư cách làm chính sách thuần tuý.


QUỐC HỘI "THIẾU THỰC QUYỀN"
 

Trong ánh sáng đó, chúng ta thử xem xét một số biến cố chằng chịt ở Hoa Thịnh Đốn — một bảo tố trong tách trà theo lối nói của các cơ quan truyền thông — có nghĩa: những cơn giận dữ, bức xúc, những lời cáo buộc lẫn nhau, cũng như tin tức về những hành động bất hợp pháp hiện đang xoay quanh "một phúc trình tra tấn của CIA", dày 6.300 trang, đã được Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện đúc kết nhưng chưa được công bố.
Tuy nhiên, cuộc tranh cãi đang tiếp diễn cũng đã tiết lộ khá nhiều thông tin liên quan đến bản chất của phân quyền hiến định " hành pháp, lập pháp và tư pháp, hay kiềm chế và cân bằng" — "check-and-balance" — đối với Hệ Thống An Ninh Quốc Gia hay Đệ Tứ Quyền của chính quyền trong năm 2014.
Một trong các trách nhiệm của Quốc Hội là canh chừng sự điều hành guồng máy chính quyền, sử dụng quyền lực điều tra và giám sát.
Trong vụ "chương trình bắt giữ (rendition), nhà tù ở hải ngoại (black sites), và tra tấn (enhanced interrogation techniques a.k.a.torture) cuả CIA", Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện đã mở cuộc điều tra trong tháng 3-2009 về những gì đã thực sự xẩy ra khi các nghi can trong cuộc chiến chống khủng bố đã được đưa tới các nhà tù bí mật ở hải ngoại để thẩm vấn một cách dã man. "Hàng triệu" tài liệu CIA trao cho Uỷ Ban đã được các chuyên viên phân tích tại một địa điểm an ninh trong tiểu bang North Virginia.
Một phần trong số tài liệu nầy, được biết như "Tái Thẩm Nội Bộ Panetta" (Internal Panetta Review), rõ ràng là một phúc trình cho giám đốc CIA tiền nhiệm, về những gì Uỷ Ban Thượng Viện đã tìm thấy trong số tài liệu được trao cho các nhân viên điều tra. Tài liệu được biết đã cho biết một số kết luận về bản chất các hành vi thẩm vấn dã man trong những năm đó. Theo Nghị Sĩ Dân Chủ Dianne Feinstein, chủ tịch Uỷ Ban, tài liệu nầy đã được tìm thấy trong số được chuyển giao cho Uỷ Ban — hoặc cố ý, hoặc vô tình, hay nhờ một nhân viên chủ ý muốn báo động, không ai biết chắc. (Cho đến gần đây, CIA cho rằng nhân viên của Uỷ Ban đã "tin tặc" hệ thống vi tính của CIA).
CIA hay các nhà thầu tư nhân được biết đã tìm nhiều cách cản trở cuộc điều tra của Uỷ Ban, kể cả "tin tặc" hệ thống vi tính của Uỷ Ban để thu hồi một số tài liệu đã cung cấp trước đây. Tuy vậy, phúc trình cũng đã được hoàn tất trong tháng 12-2012 và đã được gửi qua Toà Bạch Ốc để "xin cho ý kiến" ("for comment") — đúng lúc các trò xảo thuật lừa dối bắt đầu.
Mặc dù rất ít chi tiết về nội dung đặc biệt đã rò rĩ ra bên ngoài, dư luận cho biết phúc trình đã khám phá nhiều việc làm sai trái tai hoạ. Chẳng hạn, phúc trình cho thấy "các kỹ thuật thẩm vấn cải tiến"( enhanced interrogation techniques) CIA thường dùng, tàn nhẫn hơn mọi mô tả cho các thành viên Uỷ Ban Thượng Viện; đã vượt quá những gì các "luật sư soạn thảo văn thư tra tấn" [khá tàn nhẫn] trong chính quyền Bush đã chấp thuận; không một âm mưu nào bị phá vỡ nhờ tra tấn; và các nhân vật hàng đầu của Cơ Quan, đều đã tuyên thệ [under oath], đã đánh lừa [misled] Quốc Hội, một vi phạm hình sự tiềm năng với tên gọi "perjury" (lừa dối có tuyên thệ).
Các nghị sĩ am tường về nội dung bản phúc trình đã nhiều lần nhấn mạnh: khi được công bố, người Mỹ sẽ bị "sốc" bởi nội dung của phúc trình.[2]
Tưởng cũng cần ghi nhớ Nghị Sĩ Feinstein, trước đây, đã được biết đến như một trong số những nhân vật hậu thuẩn hùng mạnh và trung thành nhất của hệ thống an ninh quốc gia và CIA. Trong thực tế cho đến gần đây, trong bản chất, bà luôn là "nghị sĩ của hệ thống an ninh quốc gia". Bà và các nhân viên cộng sự, tất cả đều bị "sốc" bởi những gì họ đã biết được, vì vậy, luôn muốn phúc trình phải được giải mật và công bố cho cử tri Mỹ càng sớm càng tốt.
Dĩ nhiên, phúc trình phải được tái duyệt để bảo đảm không tiết lộ danh tánh các nhân viên an ninh quốc gia hiện dịch và đồng nghiệp. Nhưng hai năm rưỡi sau, và sau nhiều đợt tái thẩm định và một quá trình tái duyệt bởi CIA và Toà Bạch Ốc, phúc trình vẫn chưa được công bố, mặc dù luôn có báo cáo đều đặn là điều nầy sẽ – hay sẽ không — sớm xẩy ra.
Trong lúc chờ đợi, CIA hình như đã quyết định dồn mọi kỷ năng tình báo hướng đến Uỷ Ban và các nhân viên điều tra. Lấy cớ nhân viên điều tra đã xâm nhập Panetta Internal Review bằng cách "tin tặc" [hacking] hệ thống vi tính của CIA, Cơ Quan [CIA], trong cốt lõi, đã "tin tặc" hệ thống vi tính của Uỷ Ban để lục soát tài liệu.
Trong giao thời, theo lời Nghị Sĩ Feinstein, Robert Eatinger, quyền luật sư trưởng, người trước đây từng là luật sư của đơn vị chống khủng bố — đơn vị trong đó các chương trình thẩm vấn của CIA đã vận hành — và là người đã được bản phúc trình Thượng Viện nhắc tên đến 1.600 lần, đã "tố cáo" (filed a "crime report") với Bộ Tư Pháp các hành động của nhân viên điều tra Thượng Viện — những viên chức đã điều tra và soạn thảo bản phúc trình mô tả bằng cách nào các quan chức CIA, kể cả bản thân viên quyền luật sư trưởng Robert Eatinger, đã cung cấp thông tin không xác thực cho Bộ Tư Pháp về chương trình." (Trước đây, trong năm 2005, Eatinger cũng đã là một trong hai luật gia chịu trách nhiệm đã không chận đứng việc thủ tiêu các băng nhựa CIA về các cuộc thẩm vấn vô nhân đạo các nghi can khủng bố trong các nhà tù bí mật).
Vả chăng, theo Feinstein, Giám đốc CIA John Brennan trong một phiên họp với bà, đã nói dối với bà, và tìm cách đe doạ bà qua việc cho bà biết tin: "CIA đã lục soát ‘hệ thống mật chứa đựng các tài liệu và thông tin về công tác nội bộ mật của Uỷ Ban,’ và ông sẽ ra lệnh tìm kiếm bắng chứng liên quan mạng lưới của Uỷ Ban, để hiểu rõ hơn về các hoạt động của các thành viên giám sát của Uỷ Ban’".
Nói một cách khác, người cần được giám sát đang dò thám và tìm cách gây thương tổn cho nhân viên có nhiệm vụ giám sát. Và hơn thế nữa, căn cứ trên một biến cố bất ngờ duy nhất trong đó một trong số những người hậu thuẩn uy tín lớn nhất trong Quốc Hội đã bước ra khỏi hàng ngũ, Cơ Quan [CIA] đã đặc biệt ra sức gây tổn thương cho chính "Nghị Sĩ của Đệ Tứ Quyền An Ninh Quốc Gia".
Và đây là một thông điệp rõ ràng: giám sát hay không giám sát, chớ nên dẫm lên chân chúng tôi.
Trong mọi trường hợp, vì lẽ CIA là nhân tố gây tổn thương, không phải nạn nhân bị thương tổn, không ai có đủ lý do để tin tưởng những lời lẽ vụ lợi riêng tư của chính các quan chức của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia NSA, quá khứ hay đương nhiệm, về bất cứ khía cạnh nào của nội vụ, hay bất cứ phiên bản nào do các quan chức nầy đưa ra về các biến cố hay tội trạng do họ cáo buộc.
Xét cho cùng, chúng ta đang bàn đến một đơn vị chịu trách nhiệm về những hành vi thẩm vấn tàn nhẫn tiên khởi, về những mô tả ngụy tạo các hành vi nầy, về lừa dối Quốc Hội về nội vụ, về thủ tiêu bằng chứng tệ hại nhất của việc làm của mình, về "tin tặc" tài liệu mật của Uỷ Ban Thượng Viện và hệ thống vi tính của Uỷ Ban, và về một cách nào đó "nắm bắt được điện thư và các thông tin trao đổi giữa các quan chức báo động và các nhà lập pháp được luật pháp bảo vệ trong mùa xuân vừa qua, liên quan đến NSA và phúc trình của Uỷ Ban."
Vả chăng, theo một câu chuyện trên trang nhất báo The New York Times gần đây, nguyên giám đốc CIA thời T T Bush, George Tenet, đã âm mưu tích cực chuẩn bị một cuộc phản công chống lại phúc trình dày cộm của Uỷ Ban Thượng Viện, với giám đốc đương nhiệm và nhiều quan chức của Cơ Quan trước đây. Và tưởng cũng cần ghi nhớ "khoảng 200 người dưới quyền của Tenet vào một thời điểm nào đó trước đây cũng đã tham dự vào chương trình thẩm vấn," hiện đang làm việc tại Cơ Quan.


KỶ NGUYÊN Đặc MIỄN CHẾ TÀI Ở HOA THỊNH ĐỐN
 

Trong tháng 12-2012, bản phúc trình đã bắt đầu cuộc hành trình tái duyệt và giải mật trước khi công bố, một quá trình nay vẫn còn phải đợi ngày kết thúc. Thêm một lần nữa, CIA lại can thiệp hay xen vào quá trình. Thượng Viện đang nóng lòng giải mật các khám phá, các kết luận, và tóm-tắt-hành-pháp 600-trang (600-page executive summary). CIA, trước đây đã làm hết cách để chận đứng cuộc điều tra của Thượng Viện, hiện nay cũng đang nỗ lực kéo dài vĩnh viễn quá trình tái duyệt và hiệu đính.
Để bắt đầu, Toà Bạch Ốc đã trao trách nhiệm cho CIA như cơ quan hàng đầu trong quá trình tái duyệt và sửa đổi, có nghĩa được phép trì hoãn mọi thứ đến hầu như dậm chân tại chỗ, hoàn toàn chận đứng, hay sửa đổi hoặc xoá bỏ những gì cốt lõi và nghiêm trọng khỏi phúc trình qua tái thiết kế hay viết lại từ đầu. Nếu bạn muốn thẩm định uy quyền của các bộ phận khác nhau cấu thành Đệ Tứ Quyền ở Hoa Thịnh Đốn và các giới hạn đối với các bộ phận nầy, bạn chẳng cần phải kiếm đâu xa.
Mười bốn năm đầu của thế kỷ 21 đã trôi qua, chúng ta đã quá quen thuộc với thực tế nầy đến độ chúng ta hoạ hoằng lắm mới nghĩ đến ý nghĩa của những gì có thể xẩy ra, khi CIA — đã từng bị lên án đã phạm nhiều tội phạm — trở thành cơ quan quyết định những gì người Mỹ có thể biết, với một Hoa Thịnh Đốn luôn tôn trọng và kiêng nễ.
Tưởng cũng cần phải ghi nhận đương kim giám đốc của CIA là tay chân và bạn cố tri và là cố vấn chống khủng bố hàng đầu của tổng thống. Để có một ý niệm về ý nghĩa của mối quan hệ nầy, có lẽ bạn chỉ cần tưởng tượng: Trong năm 2014, Uỷ Hội 11/9 đã bị buộc phải trao phúc trình cho Osama bin Laden điều tra và tái thiết kế phúc trình trước khi công bố cho dân Mỹ. Mặc dù đây là một hành vi tưởng tượng cực đoan, CIA trong thực tế là một đối tượng có nhiều quyền lợi liên quan không kém mật thiết. Và quá trình lê thê bất tận nầy phải được chấm dứt, mặc dù Toà Bạch Ốc đang được chờ đợi phải công bố một cái gì đó, có thể đã bị sửa đổi quá đáng, trong tuần tới hay có lẽ trong tháng tám.
Một lần nữa, cần nhớ rõ chúng ta đang nói đến ý niệm quyền lực của chỉ một trong số 17 cơ quan thành viên của Cộng Đồng Tình Báo, một phần của Đệ Tứ Quyền rộng lớn bội phần. Chỉ một trong 17 cơ quan. Ít ra cứ nghĩ đây chỉ là một thử nghiệm quyết định về tình trạng biến thể của quan hệ quyền lực trong nội bộ một Hoa Thịnh Đốn mới.
Hay cứ nghĩ như thế nầy: Trên căn bản một phúc trình Thượng Viện tiêu cực duy nhất về các hoạt động trong quá khứ, CIA đã sẵn sàng chống đối và tìm cách quật ngã hậu thuẩn nhiệt thành nhất trong Quốc Hội trong số ít thành viên của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia. CIA đã tìm cách đe doạ Feinstein, buộc tội các cộng sự viên của bà, và buộc bà, trong tuyệt vọng, đã phải vạn bất đắc dĩ đưa toàn bộ vấn đề ra trước phiên họp khoáng đại Thượng Nghị Viện, đặc biệt tố cáo một cơ quan từ lâu bà luôn hậu thuẫn mạnh mẽ.
Kế đó, vào cuối tháng 7-2014, viên giám đốc CIA đã phải nhượng bộ chút ít, có lẽ cảm thấy ông đã đi quá xa ngay trong một Hoa Thịnh Đốn 2014. Trước các đòi hỏi phải từ chức của Thượng Viện, giám đốc đương nhiệm CIA đã phải đưa ra lời xin lỗi về những hành động cực đoan của các viên chức cấp dưới của Cơ Quan. Nhưng cũng không ai nên chờ đợi các cải tổ thực sự trong nội bộ CIA.
Trong bài nói chuyện trước Thượng Viện, Feinstein đã lên án Cơ Quan rất có thể đã vi phạm cả luật pháp và hiến pháp. Bà nói: "Tôi hết sức âu lo hành vi lục soát [hệ thống vi tính của Uỷ Ban] của CIA có thể đã vi phạm các nguyên tắc phân quyền biểu hiện trong Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc, kể cả điều khoản Phát Biểu và Thảo Luận. Nó có thể đã xói mòn khuôn khổ hiến pháp thiết yếu cho việc giám sát hữu hiệu của Quốc Hội đối với các hoạt động tình báo hay bất cứ chức năng nào khác của chính quyền… Ngoài các hệ lụy hiến pháp, việc lục soát của CIA cũng có thể đã vi phạm Tu Chính Án Thứ Tư, Đạo Luật Lừa Đảo và Lạm Dụng Vi Tính cũng như Văn Bản Hành Pháp 12333, cấm đoán CIA không được quyền điều tra hay giám sát quốc nội." [3]
Trong quá trình, Feinstein cũng đã phân tích một cơ quan đã tìm cách che dấu mọi việc làm, không sẵn sàng nhận bất cứ lỗi lầm nào, hay che dấu các thông tin thiết yếu, đồng thời đã tìm mọi cách cản trở hay ngay cả phá hoại quyền giám sát của Quốc Hội.
Có lẽ các cử tri hay công dân Hoa Kỳ cũng nên đọc bài nói chuyện khá ôn hoà của Thượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein, nhất là khi bài nói chuyện đã đến không phải từ một nhà phê bình, mà từ một quan chức hậu thuẩn kiên trì của Đệ Tứ Quyền.
Ngày nay nhìn lại, biến cố nầy có thể được xem như thời điểm quyết định trong quá trình biến thể vẫn còn nhiều bất ổn định của chính quyền Hoa Kỳ.
Bài nói chuyện của Dianne Feinstein đã được tường trình ngắn ngủi như một bức xúc nhất thời ở Hoa Thịnh Đốn, để rồi nhường chỗ cho nhiều câu chuyện quan trọng khác. Trong lúc chờ đợi, quá trình tái duyệt và giải mật phúc trình Thượng Viện còn tiếp tục trong nhiều tháng nữa ở Toà Bạch Ốc và ở Langley, Virginia, như chẳng có gì quan trọng đã xẩy ra.
Toà Bạch Ốc đã từ chối hành động hay quyết định thái độ về nội vụ; và Bộ Tư Pháp cũng đã từ chối mọi truy tố. Trong lúc một vài Nghị Sĩ đã đe doạ sẽ nêu rõ Quyết Nghị Thượng Viện 400 — một quyền 40 năm tuổi chưa bao giờ được sử dụng để tự mình giải mật thông tin hay phúc trình của chính mình — đa số Thượng Viện cũng còn phải đồng ý biểu quyết chống lại CIA và Toà Bạch Ốc trước khi tự giải mật và công bố.
Bất cứ điều gì sẽ xẩy ra đối với phúc trình điều tra của Thượng Viện, và mặc dù lời xin lỗi của CIA gần đây, ít ai tin Thượng Viện sẽ truy tố các lãnh đạo CIA trước đây về tội lừa dối Quốc Hội có tuyên thệ. Và cũng chẳng ai chờ đợi Bộ Tư Pháp sẽ truy tố các quan chức tên tuổi — một Bộ, ngay trong chính quyền Obama, cũng đã từ chối truy tố những nhân vật CIA chịu trách nhiệm về cái chết của các tù nhân.
Lý lịch của một thương thuyết gia trung gian nòng cốt trong vụ tranh luận về phúc trình Thượng Viện liên quan việc sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn bị tố cáo như tra tấn đã khởi động các quan tâm về thái độ khách quan của chính quyền Obama trong việc xử lý quá trình tái duyệt và giải mật trước khi công bố.
Theo tin giờ chót của báo Washington Post (26-8-2014), Robert Litt, luật sư của Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo CIA, đang giữ vị trí then chốt quyết định những phần nào trong phúc trình 6.300 trang của Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện sẽ được công bố. Cả Toà Bạch Ốc lẫn Văn Phòng của Thượng Nghị Sĩ Feinstein đã không sẵn sàng bình luận về hoạt động nghề nghiệp trước đây của Litt trong thời gian hành nghề tư.

Tuy nhiên, cũng theo Washington Post, Litt trước đây đã từng là luật sư đại diện một nhân viên phân tích CIA, Alfreda Frances Bikowsky, một viên chức đã giữ vai trò nòng cốt trong vụ bắt giữ Khaled el-Masri. El-Masri, sau khi được xác nhận vô tội, đã cho biết anh ta đã bị CIA tra tấn.
Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện đã bắt đầu soạn thảo phúc trình về chương trình câu lưu, giam giữ, và thẩm vấn thời hậu-11/9 của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA ngay từ năm 2009. Phúc trình, mặc dù đã được hoàn tất trong năm 2012, đã bị trì hoản trong quá trình tái duyệt và giải mật vì những tranh luận gay gắt giữa Cơ Quan CIA và Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện.
Các cuộc tranh cãi đã lên cao điểm trong tháng trước khi Cơ Quan tiết lộ đã lục soát hệ thống vi tính của các thành viên của Uỷ Ban, những viên chức soạn thảo phúc trình. Cơ Quan cũng đã tiết lộ, trong quá trình thám thính, các quan chức CIA đã ngụy tạo bằng chứng chống lại các thành viên của Uỷ Ban nhằm cáo buộc họ đã xử lý sai lầm các thông tin mật.
Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện đã biểu quyết giải mật phiên bản tóm tắt phúc trình khoảng 600 trang dành cho Ngành Hành Pháp trong tháng 4-2014, nhưng quá trình giải mật vẫn đang bị ngăn chận vì những bất đồng về những phần bị bạch hoá trong phúc trình. Theo Feinstein và các thành viên Dân Chủ của Uỷ Ban, tài liệu trả lại cho Uỷ Ban sau quá trình tái duyệt và giải mật của Ngành Hành Pháp, đã trở thành vô nghĩa vì những sửa đổi và bạch hoá của Cơ Quan. Ngay trong tháng tư 2012, họ cũng đã yêu cầu Tổng Thống dành quyền lãnh đạo quá trình tái duyệt và giải mật cho chính Toà Bạch Ốc thay vì CIA, đối tượng của Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện trong nội vụ.
Lời khuyến cáo của Uỷ Ban Thượng Viện đã không được lắng nghe, vì Toà Bạch Ốc đã luôn trao cho CIA nhiệm vụ lãnh đạo suốt quá trình giải mật. Các cáo buộc quyền lợi xung đột, thiếu vô tư, xử lý thông tin sai quấy, nguy tạo bằng chứng…luôn là những trở lực từ tháng nầy qua tháng khác đối với phúc trình của Uỷ Ban.
Sự nhập cuộc của luật sư đại diên CIA, Bob Litt, gần đây lại thêm một nhân tố gây tranh cãi mới. Một số lãnh đạo CIA đương nhiệm, kể cả Giám Đốc John Brennan, cũng đã liên hệ mật thiết với chương trình thẩm vấn và tra tấn của CIA — đối tượng điều tra trong phúc trình đang trong quá trình tái duyệt và giải mật trước khi công bố của Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện.
Trong mọi trường hợp, cho đến nay, Đệ Tứ Quyền vẫn luôn hoạt động trong kỷ nguyên đặc miễn trừng phạt — age of impunity. Che chở bởi bức màn bí mật, tăng cường bởi các luât pháp bí mật và các toà án bí mật, vây quanh bởi các đội ngũ và các chính trị gia lựa chọn, quyền hạn của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia — Đệ Tứ Quyền — rõ ràng đang ngày một gia tăng và giữ địa vị áp đảo. Dù phải trải nghiệm một vài trở lực, động lực bành trướng và kiểm soát của Đệ Tứ Quyền hiện nay hình như luôn thoát khỏi vòng "kiềm chế và quân bình" hiến định.
Trong vụ phúc trình về tra tấn của Thượng Viện, vấn đề vẫn luôn là: Ai là người quyết định và ngự trị ở Hoa Thịnh Đốn?


Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
30-8-2014


[1] "In Washington and the surrounding area," they wrote, "33 building complexes for top-secret intelligence work are under construction or have been built since September 2001. Together they occupy the equivalent of almost three Pentagons or 22 U.S. Capitol buildings — about 17 million square feet of space." And in 2014, the expansion is ongoing.
[2] Though relatively few details about its specific contents have leaked out, word has it that it will prove devastating. It will supposedly show, among other things, that those "enhanced interrogation techniques" the CIA used were significantly more brutal than what was described to Congressional overseers; that they went well beyond what the "torture memo" lawyers of the Bush administration had laid out (which, mind you, was brutal enough); that no plots were broken up thanks to torture; and that top figures in the Agency, assumedly under oath, "misled" Congress (a polite word for "lied to," a potential criminal offense that goes by the name of perjury). Senators knowledgeable on the contents of the report have repeatedly insisted that when it goes public, Americans will be shocked by its contents.
[3] In her Senate speech, Feinstein accused the Agency of potentially breaching both the law and the Constitution. "I have grave concerns," she said, "that the CIA’s search [of the committee’s computer system] may well have violated the separation of powers principles embodied in the United States Constitution, including the Speech and Debate clause. It may have undermined the constitutional framework essential to effective congressional oversight of intelligence activities or any other government function… Besides the constitutional implications, the CIA’s search may also have violated the Fourth Amendment, the Computer Fraud and Abuse Act, as well as Executive Order 12333, which prohibits the CIA from conducting domestic searches or surveillance."

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường