Cách đây trên mười năm, trước biến cố 11/9, Goldman Sachs đã tiên đoán các xứ thành viên trong khối “BRIC” (Brazil, Russia, India, China)  có thể sẽ lọt vào nhóm 10 quốc gia hàng đầu của thế giới — nhưng cũng phải đợi đến năm 2040.

Tuy vậy, chỉ một thập kỷ sau, Trung Quốc đã nhảy lên hàng thứ nhì, Brazil thứ bảy, Ấn Độ thứ mười, và ngay cả Liên Bang Nga cũng đã mon men lên gần Nhóm Mười Nước Hàng Đầu thế giới. Nếu tính theo “mãi lực tương đồng”[1], hay PPP, tình trạng còn đáng ngạc nhiên hơn: TQ vẫn thứ hai, nhưng Ấn Độ lên hạng tư, Liên Bang Nga hạng sáu, và Brazil hạng bảy.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Jim O’Neil, người đặt ra cụm từ “BRIC” và hiện giữ chức vụ Chủ Tịch Quản Lý Tích Sản của Goldman Sachs, đã nhấn mạnh: “Thế giới không còn lệ thuộc sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và Âu Châu.”[2]

Xét cho cùng, kể từ năm 2007, kinh tế TQ đã tăng trưởng 45%, Hoa Kỳ chưa đến 1%. Tốc độ tăng trưởng của TQ thật sự ấn tượng, đủ để các nhà phân tích phải rút lại lời tiên đoán. Trong lúc đó, Hoa Kỳ lại rất lo lắng và bàng hoàng, nhất là khi những dự phóng gần đây nhất của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã cho thấy: Ít ra theo một vài chuẩn mực, kinh tế TQ có thể qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2016. Tưởng cũng cần nhắc lại, cho đến gần đây, theo Goldman Sachs, TQ phải đợi ít ra cho đến năm 2050.

Trong vòng 30 năm tới, năm nước hàng đầu thế giới rất có thể sẽ là TQ, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, và Mexico. Riêng Tây Âu có lẽ phải chào tạm biệt.

TƯ BẢN TOÀN CẦU ĐANG SUY SỤP

Một số chuyên gia ngày một đông đồng ý Á châu hiện nay đang giữ vai trò đầu tàu của kinh tế thế giới, ngay cả khi chưa được “các quốc gia văn minh phương Tây” ghi nhận.

Tuy vậy, bàn luận về sự tuột dốc của phương Tây cũng vẫn là một điều nguy hiểm. Một tài liệu tham khảo lịch sử quan trọng về cùng chủ đề là bài tham luận năm 1918 của Oswald Spengler. Là tác giả nổi tiếng thời đó, Spengler nghĩ:  nhân loại đã vận hành qua những hệ thống văn hóa độc đáo và tư tưởng Tây phương có thể không thích hợp hay không thể chuyển đạt qua các vùng khác trên hành tinh. Giới trẻ Ai Cập ngày nay chắc không nghĩ thế.

Đã hẳn, Spengler đã phản ảnh trung thực môi trường trí thức, đạo đức, và văn hóa chung của một thời đại khống chế bởi Tây phương của một thế kỷ khác, khi hành tinh chỉ được xem như một thuộc địa dành cho các phạm nhân hình sự, một dưỡng đường  của những người mất trí, những bãi rác thải của một nền văn minh tiền tiến, để loại bỏ những thành phần nhân loại bất xứng và không ai ưa  thích. Spengler đã xem mỗi một hệ thống văn hóa đều có sinh có tử, và một linh hồn độc đáo riêng. Đông phương như “ma thuật”[3], Tây phương như một “phù thủy chạy theo tiền tài vật chất – Faustian.”[4] Là một người yếm thế và phản động, Spengler tin các quốc gia Tây phương đã đạt đến đỉnh cao của văn minh dân chủ -  và do đó, trước sau rồi cũng phải đến lúc tàn lụi.

Theo ngôn từ của Sammuel Huntington, điều nầy có nghĩa “va chạm giữa các nền văn minh.”[5]  Nói đến va chạm giữa các nền văn minh,  tưởng cũng nên lưu ý đến bài viết – cùng chủ đề với Spengler – “Sự Suy Tàn và Sụp Đổ của Âu Châu (và Có thể của Tây phương)”[6] trong một số báo TIME gần đây. Trong thời đại hậu-Spengler, Tây Phương chính là Hoa Kỳ. Xét cho cùng, một Âu châu, hiện đang chìm đắm trong khủng hoảng tài chánh, sẽ bị tuột dốc chừng nào còn ở trong tình trạng đan xen và phục tùng Hoa Thịnh Đốn, ngay cả khi cùng lúc đang chứng kiến các tiến bộ kinh tế của thế giới “phía Nam”.[7]

Có thể nghĩ: thời buổi tư bản toàn cầu hiện nay không như  một “va chạm”, mà như cái “chết của các nền văn minh”[8].

Nếu Hoa Thịnh Đốn hiện nay đang kinh ngạc và “vận hành tự động”[9],  một phần là vì trên bình diện lịch sử, “triều đại” của siêu cường duy nhất chỉ thu gọn từ ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ và Liên Bang Xô Viết tan rã đến biến cố 11/9 và chủ thuyết Bush. Thế kỷ mới của Hoa Kỳ đã bị lung lay trong ba giai đoạn đầy biến động: 11/9 (căm hận); xâm lăng Iraq (chiến tranh phòng ngừa);  và khủng hoảng Wall Street 2008 (tư bản sòng bài).

Trong lúc đó, chúng ta cũng có thể lập luận: Âu châu, trong thực tế, vẫn còn có nhiều cơ hội như những xứ độc lập đối với Mỹ, những xứ ngoại vi nuôi “giấc mơ  Âu châu khác Mỹ.”[10] Mùa Xuân Á Rập, chẳng hạn, đã đặc biệt lưu tâm đến thể chế dân chủ đại nghị kiểu Âu châu, không phải thể chế tổng thống kiểu Hoa Kỳ. Ngoài ra, mặc dù đang lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, Âu châu vẫn còn là thị trường lớn nhất của thế giới. Về kỷ thuật, Âu châu đang tranh đua và trong vài địa hạt,  đã vượt qua Hoa Kỳ, trong khi các quốc gia với đế chế tụt hậu trong vùng Vịnh Ba Tư vẫn đang tràn ngập đồng euro như một trong nhiều ngoại tệ dự trữ, và sở hữu nhiều bất động sản hàng đầu ở Paris và Luân Đôn.

Tuy nhiên, với các lãnh đạo thiếu óc tưởng tượng và tầm cỡ như Nicolas Sarkozy, David Cameron, Silvio Berlusconi, và Angela Merkel, Âu châu chắc hẳn chẳng cần thêm thù địch. Tuột dốc hay không, Âu châu vẫn có thể tồn tại bằng cách loại bỏ chủ thuyết Đại Tây Dương và mạnh dạn hướng theo định mệnh Âu-Á. Âu châu có thể chuyển biến thành những xã hội mở đón nhận TQ, Ấn Độ, Liên Bang Nga, về  kinh tế và văn hóa, đồng thời thúc đẩy các quốc gia Nam Âu nối kết chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, phần còn lại của Trung Đông, Mỹ La Tinh, và Phi châu, và từ bỏ sách lược oanh tạc nhân đạo kiểu NATO.

Ngược lại, các sự kiện thực tế diễn tiến hiện nay hình như đang hướng đến không chỉ một Tây Phương tuột dốc nhanh chóng, mà một sự tàn lụi của toàn bộ hệ thống Tây phương đến tận cội rễ trong những năm u ám gần đây. Trong tác phẩm “Bằng Cách Nào Để Thay Đổi Thế Giới,”[11] nhà sử học Eric Hobsbawm đã nắm bắt được tình hình khi viết: “Thế giới đã biến dạng bởi chủ nghĩa tư bản,” như Karl Marx đã mô tả năm 1948 “trong nhiều đoạn hào hùng, đen tối, ngắn gọn, chính là thế giới nhận diện được vào đầu thế kỷ hai mươi mốt.”[12]

Trong bối cảnh chính trị đã được thu gọn còn một tấm gương vỡ vụn phản chiếu nền tài chánh, và guồng máy sản xuất và tiết kiệm đã được thay thế bằng những xã hội đua đòi tiêu thụ, một điều gì đó mang tính hệ thống đang dần lộ diện. Như trong một câu nổi tiếng của thi sĩ Wiliam Butler Yeats, “trung tâm không thể đứng vững”[13] –và sẽ không đứng vững.

Nếu Tây phương không còn là trung tâm, câu hỏi cần đặt ra sẽ là: điều sai trái gì đã thực sự xẩy ra?

THEO TA HAY CHỐNG LẠI TA?

Tưởng cũng nên nhắc lại: chủ nghĩa tư bản đã được thuần hóa và trở nên văn minh hơn là nhờ ở áp lực thường xuyên của các phong trào lao động can đảm và kiên trì, những đe dọa đình công và ngay cả các cuộc cách mạng. Sự hiện diện của khối Xô Viết trước đây, như mô hình phát triển kinh tế thay thế, tuy méo mó, cũng đã có phần đóng góp rất quan trọng. Để chống lại USSR, các tập đoàn lãnh đạo ở Hoa Thịnh Đốn và Âu châu đã phải mua chuộc sự hổ trợ của quần chúng qua các “pháp chế xã hội”[14] để bảo vệ điều được gọi không ngượng miệng là “lối sống Tây phương.”[15] Một khế ước xã hội đã ra đời, với giới tư bản đã phải chấp nhận nhiều nhượng bộ.

Ngày nay, mọi việc lại một lần nữa đã đổi thay. Khế ước xã hội không còn nữa. Sự thật đó đã quá rõ ràng ở Hoa Thịnh Đốn, và ngày một rõ ràng hơn ở Âu châu. Hệ thống nói trên đã bắt đầu rạn vỡ cùng lúc với sự thắng thế của “lý thuyết tân tự do”[16],  một toàn thắng ý thức hệ! Tân Tự Do: trò chơi duy nhất trên toàn cầu! Một đại lộ cao tốc duy nhất đã trực tiếp quét các thành tố mong manh nhất của tầng lớp trung lưu vào giai cấp vô sản mới, hay đơn thuần vào giới không thể kiếm được việc làm trong kỷ nguyên hậu kỹ nghệ.

Nếu chủ nghĩa tân tự do đang thắng thế hiện nay, lý do không phải vì thiếu vắng mô hình phát triển thay thế thực tiển, và sự đắc thắng tự nó cần được đặt thành vấn đề nghiêm chỉnh hơn. Trong lúc đó, ngoại trừ ở Trung Đông, giới cấp tiến trên toàn thế giới đang bị tê liệt, như đang chờ đợi sự rệu rã của trật tự thế giới tuy mới nhưng cũng đã quá cũ. Không may, lịch sử đã dạy chúng ta một bài học: trong quá khứ,  mỗi khi đứng giữa ngã tư đường, nhân loại thường tìm thấy những “chùm táo căm hận,”[17]  kiểu bình dân hữu khuynh, hay tệ hại hơn nữa, chủ nghĩa phát xít đích thực.

“Tây phương chống lại phần còn lại của thế giới” là  phương thức quá đơn giản để mô tả thế giới đương đại. Thay vào đó, thử tưởng tượng một hành tinh trong đó “phần còn lại” trong nhiều phương cách đang tìm cách vượt qua, nhưng đồng thời cũng đã bị Tây phương đồng hóa và thẩm thấu quá sâu xa để có thể trở thành một mô hình thay thế. Lúc đó, sự thật oái oăm sẽ là: Vâng, Tây Phương sẽ “tàn lụi”, kể cả Hoa Thịnh Đốn, và sẽ bị bỏ lại phía sau hay tụt hậu trên khắp thế giới.

ĐI TÌM MỘT MÔ HÌNH KHẢ DĨ THAY THẾ

Giả thiết bạn là một xứ đang phát triển, đi mua sắm trong một “siêu thị phát triển”. Bạn nhìn về phía TQ và nghĩ bạn đang tìm thấy một cái gì mới mẻ: một mô hình đồng thuận đang tỏa sáng khắp nơi. Nhưng xét cho cùng, mô hình TQ  — “thịnh vượng về kinh tế” nhưng thiếu vắng “thành tố tự do chính trị” — có thể chưa đủ để trở thành mô hình cho nhiều quốc gia noi theo – bởi lẽ trên nhiều phương diện, mô hình mới tương tự một “sản phẩm hỗn hợp” giữa ý niệm ” tân tiến Tây phương” kết nối  và mang nhiều sắc thái ” Leninist,” với một đảng duy nhất kiểm soát nhân viên, guồng máy tuyên truyền và nhất là Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân.

Cùng lúc, đây là một hệ thống rõ ràng đang cố gắng chứng minh: mặc dù Tây phương đã thống nhất thế giới — từ tân thực dân đến toàn cầu hóa — thực tế đó không mặc nhiên có nghĩa hệ thống sẽ ngự trị mãi mãi trên phương diện vật chất hay tinh thần.

Về phần mình, Âu châu đang rao bán mô hình hội nhập siêu quốc gia như phương tiện giải quyết tất cả các vấn đề và xung đột từ Trung Đông đến Phi châu. Nhưng bất cứ khách hàng đi mua sắm nào hiện nay cũng có thể thấy rõ bằng chứng một Liên Hiệp Âu châu đang rạn vỡ bởi sự tranh cãi không ngừng giữa các thành viên, kể cả nhiều thành viên đang trỗi dậy chống đối đồng euro, bất bình với vai trò của NATO như một cảnh sát tự động, và một thách thức văn hóa Âu châu luôn kiêu căng đến độ tự đánh mất khả năng nhận diện, chẳng hạn, tại sao mô hình TQ lại thành công như thế ở Phi châu.

Hay thử tưởng tượng khách mua sắm đang nhìn về Hoa Kỳ, một xứ xét cho cùng vẫn còn là nền kinh tế số một của thế giới, đồng đô la vẫn là đơn vị ngoại tệ dự trữ của thế giới, và lực lượng quân sự với sức tàn phá số một và còn giàn trải khắp địa cầu. Đã hẳn, hình ảnh đó có thể rất ấn tượng nếu chúng ta không quan tâm đến sự kiện thực tế Hoa Thịnh Đốn rõ ràng đang trên đà tuột dốc, đang chao đảo giữa một chủ thuyết bình dân khập khiểng và một chủ thuyết chính thống héo úa, và làm “cò mồi” cho “chủ nghĩa tư bản sòng bài” khi rảnh rỗi. Tóm lại, Hoa Kỳ là một đại cường khổng lồ đang phơi bày tình trạng bại liệt về kinh tế và chính trị cho toàn thế giới chiêm nghiệm, không còn ngay cả khả năng tìm kiếm một chiến lược rút lui trong danh dự.

Trong hoàn cảnh đó, như một khách mua hàng, liệu bạn có thể nào quyết định mua một trong số mô hình bày biện? Trong thực tế, có nơi nào để một khách hàng có thể tìm được một mô hình thay thế trong một thế giới ngày một hỗn loạn hơn?

Một trong những nguyên do đưa đến Arab Spring là giá cả thực phẩm các loại, do nạn đầu cơ, đã ngày một gia tăng khỏi vòng kiểm soát. Các phong trào xuống đường phản kháng ở Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Austria, và Thổ Nhĩ Kỳ, đều là hậu quả trực tiếp của Suy Thoái Toàn Cầu.  Ở Tây Ban Nha, gần phân nửa giới trẻ trong lứa tuổi từ 16 đến 29, một thế hệ có học vấn cao đã bị đánh mất và hiện đang thất ngiệp, một kỷ lục ở Âu châu.

Đó là một Âu châu tệ hại, nhưng ở Anh, 20% giới trẻ trong lứa tuổi từ 16 đến 24 đang thất nghiệp – con số trung bình trong Liên Hiệp Âu châu. Ở Luân Đôn, gần 25% những người trong lớp tuổi đi làm đang thất nghiệp. Ở Pháp, 13,5%  dân số hiện được chính thức xếp vào tầng lớp nghèo – có nghĩa sống dưới mức 1.300 USD mỗi tháng.  Như  người dân Tây Âu đang chứng kiến, nhà nước đã phá vỡ khế ước xã hội. Những người phản kháng indignados ở Madrid đã nắm bắt tình hình một cách tuyệt diệu: “Chúng tôi không chống lại hệ thống, chính hệ thống đang chống lại chúng tôi.”[18]

Thực trạng mô tả trên đây đã rõ ràng phơi bày sự thất bại và  tuyệt vọng của chủ nghĩa tư bản tân tự do, như David Harvey đã giải thích trong tác phẩm mới nhất, The Enigma of Capital ( Bí Ẩn của Tư Bản). Tác giả đã miêu tả bằng cách nào một hệ thống kinh tế chính trị “bóc lột quần chúng, với những xảo thuật cướp đoạt không mấy khác cướp giật giữa ban ngày, đặc biệt là người nghèo và người dễ tổn thương, người ít hiểu biết và người không được pháp luật bảo vệ, đã trở thành chuyện thường nhật.”[19]

Á CHÂU VÀ  MÔ HÌNH TƯ BẢN TOÀN CẦU

Trong khi Bắc Kinh đang quá bận rộn — tái hoà đồng định mệnh của một “Trung Quốc Toàn Cầu,”[20] gửi kỷ sư, kiến trúc sư, và công nhân chuyên ngành hạ tầng cơ sở, theo kiểu “không dội bom nhân đạo,” từ Canada đến Brazil, Cuba đến Angola — để  bị  phân tâm bởi những “trăn trở đớn đau Đại Tây Dương” trong vùng Trung Đông và Bắc  Phi, còn được biết đến dưới tên gọi MENA.

Nêú Tây phương đang gặp khó khăn, chủ nghĩa tư bản toàn cầu vẫn còn được an bình – không ai biết sẽ kéo dài được bao lâu – nhờ ở  sự trổi dậy của tầng lớp trung lưu Á châu, không những ở TQ và Ấn Độ, mà còn ở Indonesia (với 240 triệu dân), và Việt Nam (85 triệu).

Riêng ở TQ, 300 triệu người – 23% dân số -  hiện sống trong các thành phố cỡ trung hoặc lớn, thoải mái với số lợi tức khả dụng. Trong thực tế, riêng họ cũng đủ cấu thành một quốc gia với nền kinh tế bằng 2/3 kinh tế Đức Quốc.

Theo Viện McKinsey Global Institute, tầng lớp trung lưu TQ ngày nay chiếm  29% trong tổng số 190 triệu hộ gia đình, và sẽ tăng lên 75% trong tổng số 372 triệu hộ gia đình vào năm 2025 — dĩ nhiên nếu cuộc thực nghiệm tư bản vào thời điểm đó không thất bại và bong bóng tài chánh và bất động sản không xìu xẹp và nhận chìm xã hội TQ.

Ấn Độ , theo McKinsey, với một dân số 1,2 tỉ và 15 triệu hộ gia đình cũng có mức lợi tức tương đương,  sau năm năm dự phóng sẽ tăng lên 40 triệu hộ gia đình, hay 200 triệu dân, trong cùng mức lợi tức. Và đối với Ấn Độ vào năm 2011, cũng như TQ vào năm 2001, con đường duy nhất là đi lên, chừng nào giai đoạn yên bình còn kéo dài.

Người Mỹ có thể khó tin, nhưng mức lợi tức trung bình hàng năm trên dưới 10.000 USD có thể đem lại một đời sống thoải mái ở TQ hay Indonesia, trong khi ở Hoa Kỳ, một hộ gia đình, với mức lợi tức trung điểm[21] hàng năm 50.000 USD, được chính thức xếp vào tầng lớp thực sự nghèo khó.

Cơ quan Nomura Securities tiên đoán chỉ cần ba năm nữa, doanh số bán lẻ ở TQ sẽ vượt qua Hoa Kỳ, và như vậy, tầng lớp trung lưu Á châu có thể thực sự có đủ khả năng cứu vãn chủ nghĩa tư bản toàn cầu,  ít ra trong một thời gian – nhưng với một giá khá đắt dưới hình thức thay đổi khí hậu,  hiện nay đơn thuần được biết như “thời tiết kỳ lạ.”[22]

HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC

Trong lúc đó,  ở Hoa Kỳ, T T Obama tiếp tục nhấn mạnh: thế giới đang sống trên hành tinh Hoa Kỳ. Lời tuyên bố dù vang vọng bùi tai đối với người Mỹ nhưng rất chối tai đối với thế giới bên ngoài — nơi cuộc thực nghiệm phản lực cơ tàng hình đang diễn tiến trong khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ đang viếng thăm TQ; hay khi hảng thông tấn Xinhua, theo giọng điệu Bắc Kinh, đã lên tiếng chỉ trích các chính trị gia Hoa Thịnh Đốn là vô trách nhiệm trong trò xảo thuật trần-công-trái gần đây, và nêu rõ tính mong manh của một hệ thống vừa được ứng cứu khỏi tai nạn rơi tự do, với lời hứa sẽ được ban phát tín dụng không phải chịu lãi trong ít ra hai năm của Cục Dự Trữ Liên Bang.

Ngoài ra, Hoa Thịnh Đốn cũng đã thiếu khôn ngoan khi thách thức giới lãnh đạo nước chủ nợ lớn nhất đang nắm giữ 3,2 nghìn tỉ USD trong số ngoại tệ dự trữ, hay 40%  tổng số toàn cầu, và luôn ngạc nhiên và khó hiểu trước thói quen liên tục xuất khẩu tai họa “dân chủ cho người khù khờ”[23] từ bến bờ Hoa Kỳ đến các vùng chinh chiến Afghanistan-Pakistan, Iraq, Libya, và nhiều điểm nóng trong khu vực Trung Đông Nới Rộng. Bắc Kinh hiểu rất  rõ bất cứ  biến động mới nào do Hoa Kỳ gây ra trong chủ nghĩa tư bản toàn cầu đều có thể làm sút giảm số xuất khẩu, làm xìu xẹp bong bóng bất động sản, và xô đẩy các tầng lớp lao động TQ vào trạng huống cách mạng phiền toái.

Điều nầy có nghĩa  – mặc dù tiếng nói ồn ào chát chúa gần đây của những ứng viên Cộng Hòa như Rich Perry/Michele Bachmann -  TQ không hề có âm mưu đen tối qủy quyệt chống lại Hoa Thịnh Đốn hay Tây phương. Trong thực tế, bên sau bước nhảy vọt qua mặt Đức Quốc như quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới và danh hiệu công xưởng của thế giới, một phần sản xuất đáng kể ở TQ đều do các công ty Âu châu, Mỹ và Nhật kiểm soát. Cũng tưởng cần phải nhắc lại: Vâng, Tây phương đang tuột dốc, nhưng Tây phương cũng đã dính quá sâu vào TQ để có thể dễ dàng ra đi nay mai. Bất cứ ai đang trỗi lên hay tuột xuống vào thời khắc nầy cũng phải cùng chia sẻ một hệ thống mậu dịch quốc tế duy nhất, đang rệu rã trong vùng Đại Tây Dương và đang nở rộ trong vùng Thái Bình Dương.

Nếu những hy vọng thay đổi TQ của Hoa Thịnh Đốn là một ảo giác, khi bàn đến độc quyền toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, không ai biết được thực thể nào sẽ xuất hiện trong tương lai.

RÁC THẢI VÀ TƯƠNG LAI

Những tên tuổi — được dùng để gieo kinh hải trên thế giới như Osama, Saddam, Gaddafi, Ahmadinejad (thật kỳ lạ, đều là Hồi giáo!) — rõ ràng ngụ ý họ đang hành động như những lỗ đen hút trọn những nỗi lo sợ của nhân dân thế giới. Nhưng họ sẽ không cứu rỗi được Tây phương tránh được tuột dốc, hay siêu cường duy nhất trước đây tránh khỏi hình phạt.

Paul Kennedy, thuộc Đại Học Yale, sử gia tiên liệu tuột dốc, có thể nhắc nhở chúng ta:  lịch sử sẽ quét sạch bá quyền của Hoa Kỳ, chắc chắn như mùa thu sẽ thay thế mùa hè, cũng như chủ nghĩa thực dân Âu châu, ngay cả sau các cuộc chiến “nhân đạo” của NATO.

Ngay từ năm 2002, trước cuộc xâm lăng Iraq, chuyên gia hệ-thống-thế-giới[24], Immanuel Wallerstein, cũng đã lập sẵn khuôn rập cho cuộc tranh luận theo cách riêng của mình trong tác phẩm“Sự Tuột Dốc của Uy Lực Hoa Kỳ”[25]: “vấn đề không phải Hoa Kỳ đã tuột dốc hay chưa, mà là Hoa Kỳ có thể nào tìm được một cách té dễ xem, không gây quá nhiều tai hại cho bản thân hay thế giới. Câu trả lời trong những năm kế tiếp sau đó đã khá rõ rệt: không!”[26]

Không ai có thể ngờ, 10 năm sau biến cố 11/9, câu chuyện toàn cầu quan yếu trong năm 2011 lại là câu chuyện Arab Spring, tự nó là một tiểu tiết trong toàn cảnh tuột dốc của Tây phương. Trong khi Tây phương đang ngụp lặn trong vũng lầy âu lo sợ hải — “Hội Chứng Hồi Giáo”[27], khủng hoảng tài chánh và kinh tế, và ngay cả nổi loạn và hôi của ở Anh Quốc — từ Bắc Phi đến Trung Đông, người dân đã phải hy sinh mạng sống để cố gây cho bằng được một rạn nứt trong dân chủ Tây phương.

Đã hẳn, giấc mơ ít ra một phần nào đã bị chệch hướng, nhờ công sức của một “House of Saud trung cổ” và các tiểu vương vùng Vịnh Ba Tư hồ hỡi tham gia chiến lược phản cách mạng tàn nhẫn, trong khi NATO cũng đã giúp một tay qua nổ lực thay đổi câu chuyện qua chiến dịch” bỏ bom nhân đạo” với mục đích tái khẳng định sự vĩ đại của Tây phương. Như tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen, đã phát biểu một cách trắng trợn: “Nếu quý vị không đủ khả năng giàn trải quân đội ra khỏi biên giới của mình, lúc đó quý vị không còn có thể duy trì ảnh hưởng quốc tế, và hố sâu sẽ được lấp đầy bởi các cường quốc đang lên, những quốc gia không nhất thiết chia sẻ các giá trị và tư duy của quý vị.”[28]

Cuối cùng, thử phân tích tình hình khi năm 2011 đang sắp ra khỏi mùa đông. Trong phạm vi khu vực MENA, vai trò của NATO là bảo đảm và duy trì địa vị của  Hoa Kỳ và Âu châu, gạt ra ngoài các thành viên khối BRICS, và buộc dân bản địa phải ngồi yên tại chỗ. Trong lúc đó, trong thế giới Đại Tây Dương, giai cấp trung lưu đang cố sức duy trì sự hiện diện của mình một cách tuyệt vọng; trong vùng Thái Bình dương , TQ đang ngày một trù phú; và trên toàn cầu, thế giới đang nín thở đợi chờ chiếc giày kinh tế Tây phương sắp rơi.

Đáng tiếc là không có một T.S. Eliot để theo dõi quá trình bãi rác tân-trung-cổ lên thay thế trục Đại Tây Dương. Khi chủ nghĩa tư bản phải vào ICU[29] — phòng dành cho bệnh nhân cần được thường xuyên theo dõi bệnh trạng —  người phải thanh toán hóa đơn bệnh viện luôn là người dễ bị thương tổn nhất, và hóa đơn luôn phải được thanh toán bằng máu bằng xương.

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

27-12-2011

Tái bút: Viết tặng gia đình, bạn bè, và những ai quan tâm đến tình hình thế giới, sau khi vừa thoát khỏi bạo bệnh.

 


[1]… purchasing power parity
[2] The world is no longer dependent on the leadership of the U.S. and Europe.
[3] magical
[4] Faustian.
[5] ..clash of civilizations.
[6] The Decline and Fall of Europe (and Maybe the West).
[7] The South.
[8] …not as “a clash” but  a “cash of civilizations.”
[9] on autopilot.
[10] …dreaming with European – not American – subtitles
[11] How to Change the World.
[12] …the world transformed by capitalism, which Karl Marx described in 1948 “in passages of dark, laconic eloquence is recognisably in the world of the early twenty-first century.
[13] The center cannot hold
[14] …social legislation.
[15] …the Western way of life.
[16]… neoliberalism.
[17] grapes of wrath.
[18] We’re not against the system, it’s the system that is against us.
[19] …how a political economy “of mass dispossession, of predatory practices to the point of daylight robbery, particularly of the poor and the vulnerable, the unsophisticated and the legally unprotected, has become the order of the day.”
[20] ..Global Middle Kingdom.
[21] …a median household income.
[22] …weird weather.
[23] …democracy for dummies.
[24] …world-system expert.
[25] The Decline of American Power.
[26] The question wasn’t whether the United States was in decline, but if it could find a way to fall gracefully, without too much damage to itself or the world. The answer in the years since has been clear enough: no.
[27]  Islamophobia.
[28]  NATO’s Secretary-general Anders Fogh Ramussen: “If you’re not able to deploy troops beyond your borders, then you can’t exert influence internationally, and then the gap will be filled by emerging powers that don’t necessarily  share your values and thinking.”
[29] Intensive Care Unit.