Barack Obama và thế kỷ của Hoa Kỳ

Vietsciences-Nguyễn Trường              11/07/2010

 

Những bài cùng tác giả

Tạm quên đi triết lý chính trị, một số lãnh đạo các nước thường có cùng một nhược điểm. Họ luôn lãng quên những tai hại chính họ đã gây ra cho quốc gia của mình. George W. Bush và Tony Blair là những trường hợp điển hình trong những năm gần đây. Trong địa hạt đối ngoại, chúng ta hiện đang chứng kiến một hiện tượng tương tự trong chính quyền Obama.

Phương thức lãnh đạo của Obama diễn tiến như sau. Với một lãnh tụ nước ngoài cần uốn nắn, Obama thường bắt đầu với đe dọa các hậu quả nghiêm trọng nếu không thần phục Hoa Thịnh Đốn. Khi gặp phải sự cự tuyệt hay phản kháng, Obama nhanh chóng lùi bước và xuống giọng vỗ về.

Trong gần nửa đầu nhiệm kỳ, thành tích của Obama cũng khá đủ để giúp thẩm định phương cách lãnh đạo của chính ông. TổngThống Hoa Kỳ đã nhiều lần không thành công trong việc lượng định một cách khách quan sức mạnh và ý chí của người đối tác.

Dưới mắt người nước ngoài, khuynh hướng lùi bước trước dấu hiệu đề kháng đầu tiên chứng tỏ Obama không đủ bản lĩnh và tự tin, những yếu tố thiết yếu phân biệt một chính khách tài ba với các chính trị gia thông thường. Qua việc theo đuổi một chính sách đối ngoại thiếu phương hướng vững chắc, qua phương cách ứng xử thiếu nhất quán đối với lãnh đạo các nước, Obama vô tình đã cung cấp bằng chứng khẳng định lòng tin của họ về uy quyền ngày một suy sụp của Hoa Kỳ, và về tính bất khả kháng của khuynh hướng tuột dốc của "siêu cường duy nhất".

Các vị lãnh đạo đề kháng và bất khuất trước áp lực của Obama gồm không những các nguyên thủ quốc gia như Trung Quốc, một siêu cường, và Brazil, một đại cường đang lên, mà cả Israel, một cường quốc cấp khu vực lệ thuộc sâu xa vào hậu thuẫn của Hoa Thịnh Đốn, và Afghanistan, một quốc gia khách hàng - chưa kể phe quân nhân ở Honduras, một xứ bé nhỏ, hoàn toàn trông cậy vào chính quyền Obama để tồn tại...

LẬP TRƯỜNG BẤT NHẤT Ở HONDURAS[1]

Qua việc lật đổ chính quyền dân sự của TT Manuel Zelaya trong tháng 6 năm 2009, các tướng lãnh Honduras đã thực hiện một cuộc đảo chánh quân sự đầu tiên ở Tây Bán Cầu trong kỷ nguyên hậu chiến tranh lạnh. Lý do là TT Zelaya đã quyết định  trưng cầu dân ý, không mang tính bắt buộc, để thăm dò khả năng triệu tập  Quốc Hội Lập Hiến, lâm thời sửa đổi hiến pháp vào tháng 11 cùng năm.

Manuel Zelaya

Tố cáo cuộc đảo chánh như một tiền lệ nguy hiểm ở Tây bán cầu và cần phải lật ngược, T T Obama lúc đầu nhấn mạnh: " Chúng tôi không muốn lùi về một quá khứ đen tối. Chúng tôi luôn đứng về phía dân chủ."[2]

Những lời lẽ đó lẽ ra đã phải được kèm theo hành động cứng rắn, như triệu hồi vị đại sứ ở Tegucigalpa (như Bolivia, Brazil, Cuba, Ecuador, Nicaragua, và Venezuela đã làm), và lập tức ngưng viện trợ cho Honduras. Thay vào đó, ngoại trưởng Hillary Clinton lại tuyên bố chính quyền Mỹ "hiện nay" (for now) không chính thức xem việc lật đổ TT Manuel Zelaya như một cuộc đảo chính quân sự, mặc dù Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ (Organization of American States - OAS), và Liên Hiệp Âu Châu, đã hành động như thế.

Bước giật lùi nầy đã thực sự động viên các tướng lãnh Honduras cũng như phe Cộng Hòa ủng hộ họ trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Không để mất thì giờ, các phe nầy tức khắc hành động nhằm củng cố cuộc đảo chính trong khi một công ty vận động hành lang hàng đầu ở Hoa Thịnh Đốn - do Tổng Thống bù nhìn Roberto Micheletti của phe quân sự mướn - đã tích cực làm việc trong hậu trường.

Những động thái nói trên tỏ ra đã đủ sức làm suy yếu "quyết tâm đứng về phía dân chủ" của vị tổng thống đặc trưng qua những bài diễn văn cao thượng và đầy ấn tượng, nhưng lại thiếu ý chí mạnh mẽ trong đường lối ngoại giao. Về phần mình, Ngoại trưởng Hillary Clinton lúc đó đã khởi sự nói đến việc giải hòa vị tổng thống bị truất phế và chính quyền lâm thời Micheletti - xem tổng thống dân cử và phe đảo chính phi pháp đều chính đáng ngang nhau.

Sau khi hiểu rõ "đương đầu với Hoa Thịnh Đốn" đang có lợi, các tướng tá Honduras giữ nguyên lập trường cứng rắn. Và chỉ khi Hillary Clinton nhấn mạnh Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ không công nhận cuộc bầu cử  tổng thống vào tháng 11-2009 vì nghi ngờ tính tự do, công bằng, và minh bạch, một tháng trước ngày bầu cử các tướng lãnh mới chịu thỏa hiệp: Họ sẵn sàng cho phép Zelaya trở lại cương vị tổng thống cho đến hết nhiệm kỳ.

Đó chính là lúc Nghị Sĩ Cộng Hòa hữu khuynh Jim DeMint, một nghị sĩ hậu thuẫn cuồng nhiệt của các tướng lãnh Honduras, nhảy vào cuộc chiến. Ông cho biết sẽ chỉ dành sự ủng hộ của đảng Cộng Hòa cho các ứng viên của Tòa Bạch Ốc vào những vị trí quan trọng ở Châu Mỹ La Tinh nếu Hillary Clinton đồng ý công nhận kết quả cuộc bầu cử, bất kể điều gì sẽ xẩy đến cho Zelaya. Hillary Clinton "nhượng bộ"

Kết quả, Obama đã trở thành một trong hai vị lãnh đạo, bên cạnh tổng thống Panama, trong số 34 thành viên của OAS, ủng hộ cuộc bầu cử tổng thống Honduras tháng 11-2009. Một cuộc đổi chác thường tình trong chính trị nội bộ ở Quốc hội Mỹ, dưới mắt cộng đồng thế giới, hình như đã được nhìn như một bước thối lui mất mặt của Obama trước thái độ thách thức của các tướng lãnh Honduras.

Một sự kiện bi hài hơn nhiều khi Obama đối mặt với Benjamin Netanyahu, thủ tướng Israel.

 

OBAMA VÀ BẪY SẬP NETANYAHU

Ngày mới nhận chức, Obama long trọng loan báo sẽ lập tức giải quyết cuộc tranh chấp dài lâu giữa Israel và Palestine. Khi duyệt lại lộ trình hòa bình 2003 đã được LHQ, Hoa Kỳ, Nga, và Liên Hiệp Âu Châu ủng hộ, Tòa Bạch Ốc khám phá ra lời hứa ngừng mọi hoạt động xây cất các khu định cư của chính Israel.

Trong buổi họp đầu tiên với Netanyahu vào giữa tháng 5-2009, Obama yêu cầu Israel ngưng bành trướng các khu định cư Do Thái trong vùng West Bank (Bờ Tây) và khu Đông Jerusalem bị chiếm đóng, hiện đã có gần 500.000 người Do Thái định cư. Obama đưa ra luận cứ những khu định cư nầy là trở ngại chính cho việc thiết lập một nhà nước Palestine độc lập. Netanyahu từ chối, lấy cớ vì mối đe dọa hiện hữu của chương trình nguyên tử của Iran đối với Israel.

Obama đã tự để lọt vào bẫy. Trong cuộc họp báo chung, Obama liên kết các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine với mối đe dọa nguyên tử của Iran, và sau đó, trước sự hoan hỉ của Netanyahu, dành cho Tehran thời hạn đến cuối năm 2009 để đáp lại sáng kiến hòa bình của Hoa Kỳ. Bằng cách nầy, viên thủ tướng xảo quyệt đã gài tổng thống Hoa Kỳ vào thế chấp thuận liên kết hai vấn đề riêng biệt, không liên hệ với nhau, và để đổi lại, đã chẳng phải nhượng bộ bất cứ gì.

Gần đây, Netanyahu phân biệt việc bành trướng đang tiếp diễn các khu định cư hiện hữu với việc xây cất những khu mới, và không thỏa hiệp gì đối với các khu định cư hiện hữu. Natanyahu cũng phân biệt rõ ràng giữa Bờ Tây và Đông Jerusalem, và xem Đông Jerusalem như một phần bất khả phân và vĩnh viễn của thủ đô Israel, và vì vậy, không bị hạn chế như các khu định cư Do Thái.

Phản ảnh phong cách của chính quyền Obama, Hillary Clinton đưa ra lời phản kháng mạnh mẽ: "Không có ngoại lệ nào đối với sự đóng băng các khu đinh cư Do Thái".[3]Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những lời nói trống rỗng chẳng đem lại thay đổi gì trong thực tế.

Khi Netanyahu công khai bác bỏ đòi hỏi của Obama ngưng mọi dự án định cư mới ở Bờ Tây, Obama đã nâng cao điều kiện để gây thêm sức ép: gợi ý thái độ không nhân nhượng của Israel đã phương hại đến an ninh của Hoa Kỳ.

Ngày 15-10-2009, sau nhiều lần trao đổi ở hậu trường giữa hai chính phủ, Nayantahu tuyên bố ông ta đã chấm dứt mọi thương thảo về vấn đề các khu định cư mới với Hoa Thịnh Đốn. Trong một cuộc gặp mặt với Hillary Clinton sau đó, Natanyahu lại cho biết sẽ cắt giảm công tác xây cất trong vài dự án định cư. Động thái nầy đã được ngoại trưởng Clinton nhiệt liệt tán thưởng như một "cử chỉ thiện chí vô tiền khoáng hậu", và cùng lúc Hillary Clinton kêu gọi nối lại các cuộc hòa đàm vô điều kiện giữa Israel và Palestine.

Các viên chức trong chính quyền Palestine kinh ngạc trước sự thay đổi chính sách của Mỹ. Ghassan Khatib, phát ngôn nhân của chính phủ Palestine, phản ứng: "Tôi tin Hoa Kỳ đang chấp thuận việc tiếp tục bành trướng các khu định cư. Các cuộc thương thảo là nhằm chấm dứt sự chiếm đóng; và bành trướng định cư lại nhằm củng cố sự chiếm đóng."[4]

Tháng 12-2009, Natanyahu đồng ý tạm ngưng các dự án định cư, nhưng cũng chỉ sau khi chính quyền Israel đã cho phép xây thêm 3.000 căn hộ chung cư trong vùng Bờ Tây bị chiếm đóng. Giữ vững lập trường nguyên thủy, người Palestine đã từ chối tái tục hòa đàm chừng nào phía Israel chưa chịu hoàn toàn ngưng các dự án định cư.

Ngày 9-3-2010, khi Phó Tổng Thống Joe Biden vừa đặt chân đến Jerusalem, một chặng đường trong cuộc vận động của Hoa Thịnh Đốn nhằm kích hoạt tiến trình hòa bình, nhà cầm quyền Israel loan báo chấp thuận xây thêm 1.600 căn hộ mới ở Đông Jerusalem. Hành động xấc láo nầy, nhằm nhấn mạnh thái độ thách thức của Israel đối với Hoa Thịnh Đốn, đã khiến Biden và Obama vô cùng căm tức.

Với Hạ Viện vừa thông qua dự luật cải tổ y tế ngày 24-3-2010, Obama đang phấn khởi xúc tiến nghị trình đối nội khi ông gặp Netanyahu trong ngày 25-3. Obama đưa ra ba điều kiện để giải quyết khủng hoảng: gia hạn ngưng bành trướng định cư người Do Thái quá tháng 9-2010; chấm dứt việc tiếp tục các dự án định cư người Do Thái ở Đông Jerusalem; và rút các lực lượng Do Thái trở về các vị trí trước Second Intifada (Lần Thứ Hai Nổi Dậy) tháng 9-2000. Sau đó, Obama bỏ đi, để Netanyahu một mình ở lại Bạch Ốc tham vấn các cố vấn, và hứa chỉ gặp lại Natanyahu nếu "có tiến triển gì mới". Tuy nhiên, một lần nữa, cũng như với các tướng lãnh Honduras, những lời lẽ cứng rắn của Obama cũng vẫn chỉ: Nói để  Có Nói.

Mục tiêu của động thái nầy cũng chỉ để người Palestine nối lại thương thảo với Israel, những cuộc thương thảo họ đã từng cắt ngang khi Israel tấn công Gaza Strip tháng 12-2008. Netanyahu chỉ sẵn sàng nói chuyện chừng nào người Palestine không đặt điều kiện tiên quyết.

Cuối cùng, Netanyahu đã đạt những gì mình muốn. Ông ta không đáp ứng những điều kiện tiên quyết của người Palestine cũng như của chính quyền Obama. Nói một cách ngắn gọn, chính Obama đã phải chiều theo ý muốn của Netanyahu, hay như người Mỹ thường nói: Cái đuôi đã vẫy con chó (the tail wagged the dog).

Các quan chức Palestine hẩm hiu đã hiểu rõ tình thế. Cuối cùng, họ cũng đã phải đồng ý gián tiếp nói chuyện với chính quyền Netanyahu qua trung gian đặc phái viên Trung Đông của Hoa Thịnh Đốn, George Mitchell. Khởi đầu ngày 9-5-2010, trong bốn tháng tiếp theo, Mitchell sẽ cố gắng thu hẹp hố cách biệt lớn lao trong các điều kiện thành lập một nước Palestine - khi cả hai phía, Israel và Palestine, giờ đây đều hiểu rõ Obama không đủ can đảm hoặc không muốn gây sức ép cần thiết đối với Israel.

 

HOA KỲ-TRUNG QUỐC: XUNG ĐỘT HAY HÒA DỊU

Các vấn đề của Obama đối với Trung Quốc (TQ) bắt đầu từ tháng 11-2009, khi, trong chuyến công du đầu tiên, TQ, trái với sự mong đợi, đã không dành cho Obama một sự tiếp đón long trọng và nồng hậu.

Quan hệ Hoa Thịnh Đốn-Bắc Kinh càng lạnh nhạt hơn khi chính quyền Obama bật đèn xanh cho việc bán một số vũ khí tân tiến cho Taiwan, gồm các tên lửa chống tên lửa, trị giá 6,4 tỉ USD, và Obama tiếp Đức Dalai Lama , lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, tại Tòa Bạch Ốc. TQ xem Taiwan như một tỉnh, và Tây Tạng như một phần lãnh thổ không thể tách rời của TQ.

Các quan chức cao cấp Hoa Kỳ mô tả những động thái vừa nói như một phần trong n lực chung của Obama, nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày một gia tăng nhanh chóng của TQ trên toàn thế giới. Bên cạnh những hành động vừa kể, Hoa Kỳ còn không ngừng gây sức ép, công khai cũng như riêng tư, đối với Bắc Kinh - đòi hỏi TQ phải tái định hối suất đồng nhân dân tệ. Chính quyền Obama cũng luôn chú tâm đến điều luật buộc Bộ Ngân Khố phải báo cáo mỗi năm hai lần bất cứ xứ nào nhào nặn hối suất đơn vị tiền tệ của mình đối với đồng USD để cạnh tranh bất chính trong mậu dịch quốc tế. Lần báo cáo ngày 15-4-2010 vừa qua - bước đầu cho việc khả dĩ áp đặt các biện pháp chế tài - đã được các quan chức Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm.

Vào giữa tháng 4-2010, Obama đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh quốc tế về an ninh nguyên tử ở Hoa Thịnh Đốn. Obama mong muốn càng nhiều nguyên thủ quốc gia tham dự càng tốt. Ít ra, Tổng Thống Mỹ muốn có sự hiện diện của lãnh đạo bốn cường quốc nguyên tử với quyền phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An LHQ - Anh, Nga, Pháp, và TQ.

Hội Nghị đã đem lại cho Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào một cơ hội và nước cờ hùng mạnh vào đúng lúc Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị khả năng tố cáo TQ như quốc gia luôn nhào nặn hối suất đồng nhân dân tệ để thủ lợi trong mậu dịch quốc tế. Họ Hồ đe dọa tẩy chay hội nghị. Obama lại phải nhượng bộ - trì hoãn ngày công bố báo cáo của Bộ Ngân Khố. Đổi lại, Hồ Cẩm Đào đã nhận lời tham dự và gặp Obama tại Tòa Bạch Ốc.

Quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn không hề làm cấp lãnh đạo thực tiễn và táo bạo TQ ngạc nhiên. Thái độ của họ đã được phản ảnh trong bài bình luận trên nhật báo chính thức, tờ China Daily, ngay sau ngày Obama tuyên thệ nhận chức: "Các lãnh đạo Hoa Kỳ không bao giờ e ngại nói rõ tham vọng của nước Mỹ. Đối với họ, đó là sứ mệnh thiêng liêng dù các quốc gia khác có nghĩ ra sao cũng mặc. Việc bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ của Obama nhất thiết sẽ va chạm với quyền lợi của các quốc gia khác"[5]. Họ luôn tin tưởng và hành động như vậy.

Chủ nghĩa thực tiễn đó hoàn toàn tương phản với thái độ và lập trường của các quan chức Tòa Bạch Ốc - những người đang tin tưởng một cách ngây thơ: vài bài diễn văn hùng biện và hoa mỹ, được tổng thống mới soạn thảo kỹ lưỡng và đọc ở thủ đô các nước ngoài, sẽ có thể phục hồi uy tín của Hoa Kỳ đã bị tơi tả sau tám năm dưới các chính sách hoang tưởng của George W. Bush.

Obama và các cố vấn thân cận hình như đã không mấy quan tâm đến kết quả một cuộc thăm dò công luận của Pew Research Center. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy, tiếp theo sau chiến dịch ngoại giao rầm rộ của TT Obama, trong khi hình ảnh của Hoa Kỳ quả thật đã được phục hồi khá nhiều ở Âu châu, Mexico, và Brazil, mức cải thiện lại rất nhỏ nhoi ở Ấn Độ và TQ, không đáng kể ở Trung Đông Á Rập, và chẳng mấy được quan tâm ở Nga, Pakistan, và Turkey.

Trong không khí phấn khởi ở Tòa Bạch Ốc, đội ngũ Obama đã không ý thức đầy đủ các lựa chọn khả thi của các cường quốc trên thế giới, để đối đầu với sức ép của người Mỹ. Chẳng hạn, họ đã không thể tiên liệu khả năng và hiệu lực các đe dọa chế tài của Bắc Kinh đối với các đại công ty Hoa Kỳ đang cung cấp vũ khí cho Taiwan, cũng như sức đề kháng của TQ đối với áp lực tái định giá đồng nhân dân tệ.

Vài quan sát viên đã quy kết cách ứng xử của Bắc Kinh là bắt nguồn từ tinh thần quốc gia mạnh mẽ của người dân và tâm lý của cấp lãnh đạo TQ đang e ngại: một sự nhượng bộ trước sức ép của người nước ngoài sẽ không được người dân tán thưởng. Dù sao, lý do thực sự bên sau sức đề kháng của TQ là thực tế kinh tế hơn là tâm lý quần chúng. Tiếp theo sau Đại Suy Thoái 2008-09, qua hình ảnh sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, cấp lãnh đạo TQ đã ghi nhận những đổi thay mang tính địa chấn trong cán cân kinh tế thế giới đã làm suy giảm uy quyền của "siêu cường duy nhất", ít ra cũng "duy nhất cho đến những ngày gần đây".

Trong khi kinh tế Hoa Kỳ và Âu Châu suy sụp, Bắc Kinh đã nhanh chóng đưa ra các chính sách kích cầu nội địa và đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Các chính sách nầy đã đem lại một tỉ suất tăng trưởng ấn tượng: 9% GDP năm 2009 và dự kiến 12% cho năm 2010. Nhịp tăng trưởng choáng ngợp của TQ đã khiến các nhà phân tích Goldman Sachs đưa ra dự báo: Kinh tế TQ sẽ trở thành nền kinh tế số 1 trên toàn cầu vào năm 2027 thay vì 2050.

Lần đầu tiên kể từ sau đệ nhị thế chiến, không phải Hoa Kỳ mà chính TQ đã lôi kéo phần còn lại của thế giới ra khỏi tăng trưởng âm của Đại Suy Thoái. Hoa Kỳ bắt dầu hồi phục èo ọp như một quốc gia con nợ hàng đầu với tổng số nợ tích lũy lên gần 14.000 tỉ USD, và TQ như nước chủ nợ cũng hàng đầu với tổng số ngoại tệ dự trữ 2.400 tỉ.

Các công ty giàu tiền mặt của TQ ngày nay đang tạo mãi các công ty và tài nguyên thiên nhiên tương lai từ Úc đến Peru, từ Canada đến Afghanistan - nơi, trong năm rồi, công ty TQ Congjiang Copper Group đã mua độc quyền khai thác một trong số mỏ có dự trữ quặng đồng lớn nhất hành tinh, với giá 3,4 tỉ USD, một tỉ trên giá cao nhất của một công ty luyện kim Tây phương dự thầu.

 

KARZAI - MỘT ĐE DỌA HAY KARZAI - MỘT LÃNH ĐẠO THIẾT YẾU

Ngay từ ngày nhận chức tổng thống, Obama đã không hề che dấu thái độ coi thường đối tác của ông ở Afghanistan, Hamid Karzai. Để tránh mạng lưới tham nhũng của chính quyền trung ương Afghanistan, các quan chức cao cấp Hoa Kỳ đã luôn làm việc trực tiếp với các thống đốc Afghanistan cấp quận và cấp tỉnh. Trong cuộc bầu cử Tổng Thống 2009, ngay từ đầu, họ đã tỏ rõ lập trường ủng hộ Abdullah Abdullah - đối thủ của Karzai.

Khi Karzai dùng nhiều thủ thuật để gian lận phiếu bầu một cách đại trà hầu nắm chắc khả năng tái cử và làm ngơ trước các khuyến cáo thanh lọc guồng máy hành chánh, Obama quyết định dùng "gậy" thay vì "cà rốt" để răn đe chế độ khách hàng. Trong một cử chỉ bi hùng, vào tuần lễ cuối tháng 3-2009, Obama, sau 26 giờ bay từ Hoa Thịnh Đốn đến Kabul, đã đến đọc một "bài giảng kéo dài 26 phút" về tình trạng thối nát và bất lực của chính quyền Karzai. Người lãnh đạo Afghanistan đã không có sự lựa chọn nào khác hơn là lắng nghe trong lầm lì yên lặng.

Tuy nhiên, sau khi đọc một mẩu tin trên báo, theo đó một sĩ quan cao cấp Mỹ giấu tên cho biết người em cùng cha (khác mẹ) Ahmed Wali Karzai, một tay "mua quan bán chức" ở Kandahar, một tỉnh ở miền Nam, xứng đáng được liệt kê vào danh sách các đầu nậu buôn bán ma túy cần bỏ tù hay giết bỏ, Karzai mất hết kiên nhẫn.

Vị Tổng Thống Afghanistan, đang điên giận, đã trả miếng, tố cáo người Mỹ đã cố tình leo thang và mở rộng cuộc chiến ở Afghanistan, để có lý do ở lại và thống trị vùng Tây Nam Á. Karzai còn nói thêm: Nếu Hoa Thịnh Đốn tiếp tục gây sức ép, ông rất có thể sẽ liên minh với Taliban. Trong thực tế, ông đã từng là một tay gây quỹ quan trọng cho Taliban sau khi phe Taliban chiếm được Kabul vào tháng 9-1996.

Obama đã phản ứng như ông đã từng phản ứng trong quá khứ khi phải đối mặt với một thách thức quan trọng. Obama đã dịu giọng. Từ một tổng thống tay nắm "gậy", ông đã đổi dạng thành người đang dâng "cà rốt" khi Karzai viếng thăm Hoa Thịnh Đốn vào đầu tháng 5-2010, một cuộc viếng thăm vào đầu tháng 3, các quan chức  Hoa Thịnh Đốn đã đe dọa trì hoãn vô thời hạn.

Cao điểm o bế Karzai là bữa tiệc tối do Phó Tổng Thống Joe Biden khoản đãi ở tư dinh. Ít nhất, Karzai cũng đã phải buồn cười. Trong tháng hai, Biden, giữa buổi tiệc tối tại dinh Tổng Thống Afghanistan, đã bỏ ngang ra về sau khi Karzai phủ nhận chính phủ của ông là chính phủ tham nhũng, hay nếu tham nhũng, thì chính ông  mới là người có lỗi.

Mặc dù được tiếp đón ân cần với thảm đỏ, trong cuộc họp báo chung với Obama, Karzai cũng đã tỏ ra vô cùng chân thành và can đảm khi mô tả Iran như một "nước anh em, một nước bạn của chúng tôi".

Cùng một cảm nghĩ, sau đó, cũng đã được một lãnh đạo khác ở Brazil phát biểu.

 

BARACK OBAMA VÀ LUIZ INACIO LULA DA SILVA

Kể từ khi lên làm tổng thống Brazil năm 2003, Luiz Inacio Lula da Silva, khi cần, đã không ngần ngại thách thức các chính sách của Mỹ. T T da Silva đã đối đầu với Hoa Thịnh Đốn trong mậu dịch quốc tế (Doha round), thay đổi khí hậu, và các chế tài liên tục chống lại Cuba.

Tháng 12-2008, da Silva đã chủ tọa cuộc họp 31 quốc gia Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean (không có Hoa Kỳ) ở khu du lịch Sauipe, Brazil. Tháng 1-2009, thay vì đi dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Switzerland, da Silva lại tham dự Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới Thứ Tám  (the Eighth World Social Forum) ở Belem, cửa khẩu của Amazon River.

T T da Silva chỉ trích phương cách Obama đã làm suy yếu nền dân chủ ở Honduras. Và mặc dù chính quyền Obama rất phật lòng và chống đối, da Silva, trong nổ lực ngoại giao cao cấp quốc tế đầu tiên, đã mời tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, đến thăm Brazil vào tháng 11-2009, để thảo luận chương trình nguyên tử. Sáu tháng sau đó, da Silva đã viếng thăm Tehran để đáp lễ - một cuộc công du mang tính  lịch sử và gây không ít phiền lòng cho Hoa Thịnh Đốn.

Hành động chung với Thủ Tướng Recep Tayyip Erdogan của Turkey, da Silva đã giúp vực dậy một thỏa ước nguyên tử có sẵn từ tháng 10-2009, và môi giới một thỏa ước bất ngờ với Ahmadinejad. Iran đồng ý chuyển 1.200 kgs uranium được làm giàu thấp đến Turkey; để đổi lại, Nga và Pháp sẽ cung cấp 120 kgs uranium làm giàu lên mức 20% để sử dụng trong lò phản ứng nghiên cứu y khoa ở Tehran.

Bị bất ngờ và phật lòng vì sự thành công của Brazil và Turkey trước sự phản đối của Hoa Kỳ, chính quyền Obama quay trở lại với lập trường của Tòa Bạch Ốc thời Bush và đòi hỏi Iran phải ngưng chương trình làm giàu nhiên liệu hạt nhân. Sau đó, chính quyền Obama lại vận động thúc đẩy LHQ thông qua một gói chế tài mới đối với Iran, tựa hồ như người Brazil và Turkey trước đó chưa hề đạt được điều gì cụ thể.

Trong mọi trường hợp, thái độ phủ nhận sự thật của Mỹ, chí ít, cũng mang tính thiển cận. Cách nhìn phiến diện và hời hợt của Tòa Bạch Ốc hiện nay đã gạt ra ngoài nhiều sự kiện toàn cầu quan trọng. Ảnh hưởng của các trung cường (cường quốc cở trung) trên sân khấu chính trị thế giới ngày một gia tăng. Lãnh đạo của nhóm nầy đã đúng khi nghĩ: họ có thể làm ngơ hoặc tránh né các yêu sách của chính quyền Obama. Nhìn từ khía cạnh tích cực, họ luôn có thể chung sức góp phần giải quyết nhiều vấn đề quốc tế và đưa ra nhiều sáng kiến ngoại giao với nhiều cơ may thành công.

Ngày nay, từ Afghanistan đến Honduras, từ Brazil đến TQ, các lãnh đạo toàn cầu, lớn và nhỏ, ngày một chia sẻ cảm giác: chính quyền Obama thường lớn tiếng nhưng cắn chẳng đau, và mặc dù Hoa Kỳ vẫn còn là một siêu cường, nhưng không còn là siêu cường duy nhất. Đà suy giảm quyền lực trong "Thế Kỷ Hoa Kỳ đã bị rút ngắn" (truncated American Century) hiện rất khó lòng có thể đảo ngược.

 

THAY LỜI KẾT LUẬN

Khi mới nhận chức vào đầu năm 2009, Obama đã thông báo cho các cố vấn đối ngoại: trong cương vị Tổng Thống, ông sẽ phải đối diện với hai loại vấn đề. Loại thứ nhất gồm những vấn đề thừa kế từ T T Bush, như Iraq, Afghanistan, và hình ảnh của Hoa Kỳ trên thế giới. Loại thứ hai là nghị trình của chính ông cho tương lai.

Đã hẳn, cũng như bất cứ tổng thống nào khác, để thành công, ngoài yếu tố may mắn, Obama cũng cần phải biết vận dụng hữu hiệu mọi khả năng và kinh nghiệm của chính mình và toàn đội ngũ dưới quyền.

Sau hơn 17 tháng làm tổng thống, với chương trình cải tổ y tế đã được định chế hóa, và hội nghị thượng đỉnh nguyên tử 47 nước đã hoàn tất, Obama đang có cơ hội tập trung vào việc thực thi viễn kiến ngoại giao và tự khẳng định mình trên chính trường quốc tế.

Trong thực tế, trước đây, Obama cũng đã có dịp xác quyết nghị trình riêng của chính mình. Chẳng hạn, Obama đã bác bỏ đề nghị của Nga liên quan đến các hạn chế trong chương trình lá chắn tên lửa, cùng lúc đã thành công trong việc thương thảo thỏa ước kiểm soát vũ khí với Nga - mặc dù khiêm tốn, nhưng cũng đã dọn đường cho những quan hệ khả dĩ tốt hơn trong tương lai. Nói một cách khác, Obama đã chứng tỏ phần nào bản lĩnh của một tổng thống, trái với hình ảnh một tổng thống yếu mềm dưới mắt người nước ngoài hiện nay.

Trong mọi trường hợp, thái độ chờ đợi lãnh đạo các nước ngoài sẽ thỏa hiệp dễ dàng với nghị trình của Obama - vì Obama, khác với Bush, là một tổng thống được quần chúng ủng hộ - là ngây thơ, nếu không phải là ảo tưởng. Mỗi quốc gia đều có quyền lợi riêng của mình.  

Đối với phần đông các tổng thống mới, chính sách đối ngoại thường là kết tinh của một chuổi dài học tập và trải nghiệm; quá trình có thể kéo dài nhiều tháng, đôi khi nhiều năm, trước khi quen thuộc với vai trò lãnh đạo thế giới. Đã hẳn, qua thời gian, T T Obama , cũng như các vị tiền nhiệm, sẽ ngày một tự tin hơn trong vai trò lèo lái các quan hệ quốc tế. Trong thời gian qua, Obama cũng đã trải nghiệm nhiều bài học đắt giá về giới hạn của kỹ năng thuyết phục của chính mình.

Nếu có một chủ thuyết Obama đang hình thành, đây có lẽ là một chủ thuyết mang tính thực tiễn nhiều hơn là người tiền nhiệm, tập trung trên các quan hệ với các đại cường, và với các đề tài như nhân quyền và dân chủ được xếp vào hàng thứ yếu. Obama đã tạo được khá nhiều thiện chí trên khắp thế giới sau nhiều năm căng thẳng dưới thời George W. Bush. Tuy nhiên, Obama hình như chưa vun quén được những quan hệ hữu nghị thân tình với nhiều lãnh đạo thế giới.

Các nhà phân tích chính trị thường có thói quen phân biệt giữa lý tưởng và thực tiển. Nếu cần phải xếp loại, Obama có lẽ thuộc loại thực tiển nhiều hơn. Obama hiểu rõ quan hệ cá nhân rất quan trọng, nhưng ông cũng hiểu cần phải luôn tỉnh táo, lạnh lùng khi nói đến quyền lợi quốc gia.

Đối với một tổng thống xuất thân từ cánh tả tự do của đảng Dân Chủ, quả thật là một điều đáng lưu ý khi Obama đã theo đuổi một chiến lược đại cường, rất gần với chiến lược của Kissinger. Obama không mấy tình cảm. Các đề tài nhân quyền không mấy quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông. Hầu như Obama cũng chẳng mấy quan tâm đến các vấn đề phát huy dân chủ trên thế giới.

Thỏa ước với Nga, hội nghị thượng đỉnh về nguyên tử, và nhiều sáng kiến khác, tuy không mang tính chuyển hóa, hy vọng vẫn là những bước tiến đầu tiên trong quá trình khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới của siêu cường số 1 (dù không còn là siêu cường duy nhất) đối với Barack Obama.

GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

03-7-2010

 

CHÚ THÍCH: Bài viết phần lớn đã dựa vào tư liệu của Dilip Hiro, tác giả 32 tác phẩm, và sách cuối cùng nhan đề After Empire: The Birth of A multipolar World.


[1] Xin xem thêm bài "Thập Kỷ 2000s: Vài Vấn Đề Thời Sự", 9-7-2009, vietsciences.free.fr,  của cùng tác giả.

[2] We do not want to go back to a dark past. We always want to stand with democracy.

[3] No exceptions to Israeli settlement freeze.

[4] Ghassan Khatib: " I believe that the U.S. condones continued settlement expansion. Negotiations are about ending the occupation and settlement expansion is about entrenching the occupation".

[5] U.S leaders have never been shy about talking about their country's ambition. For them, it is divinely granted destiny no matter what other nations think. Obama's defense of U.S. interests will inevitably clash with those of other nations.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường