Bất-Ổn-Hoá vòng Cung Bất Ổn

Vietsciences-Nguyễn Trường              27/12/2011

 

Những bài cùng tác giả

  

Đây là câu chuyện bất-ổn-hóa vòng cung bất ổn. Chúng ta đang nói đến 97 quốc gia Nam Bán Cầu, đa số tọa lạc bên trong các trung tâm dầu lửa của hành tinh. Phần lớn hiện đang trong tình trạng biến động đáng ngạc nhiên, và bên trong mỗi quốc gia - từ Afghanistan và Algeria đến Yemen và Zambia - Hoa Thịnh Đốn đều có can dự quân sự, lộ liễu hay ngụy trang, chiến tranh hay dưới lớp sơn hòa bình.

Thiết lập căn cứ quân sự khắp hành tinh chỉ là một phần của chiến lược. Ngũ Giác Đài và các cơ quan tình báo của Mỹ cũng đang kín đáo giàn trải các lực lượng đặc biệt và các hoạt động tình báo, phát động các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái, xây dựng căn cứ và nhà tù bí mật, huấn luyện, võ trang, và tài trợ các lực lượng an ninh địa phương, tiến hành nhiều hoạt động quân sự, ngay cả chiến tranh quy mô. Tuy nhiên, khi đứng trước thực trạng, bạn phải luôn nhớ một điều: Hoa Kỳ đang can dự quân sự ở bất cứ quốc gia nào trong vòng cung bất ổn.

HIỆP  ƯỚC CHI PHỐI VÒNG CUNG

Trong bài nói chuyện, T T Obama nói: "Tự do đang bùng nổ trong toàn vùng Trung Đông nới rộng. Hy vọng có được tự do nay lan tràn từ Kabul đến Baghdad đến Beirut và xa hơn nữa. Chậm rãi nhưng chắc chắn, chúng ta đang giúp cải biến vùng Trung Đông nới rộng từ một vòng cung bất ổn thành một vòng cung tự do."[1]

Vòng cung tự do: Bạn có thể được tha thứ nếu nghĩ đây là một trích dẫn từ bài nói chuyện "Mùa Xuân A Rập"(Arab Spring Speech) của TT Barack Obama, khi ông nói "đó sẽ là chính sách của Hoa Kỳ nhằm ...hổ trợ các chuyển tiếp đến dân chủ."[2] Trong thực tế, đây là lời nói của người tiền nhiệm George W. Bush. Cụm từ không được nhắc lại là "vòng cung bất ổn," môt "ý niệm cường điệu nòng cốt"[3] trong viễn kiến toàn cầu của Bush và của phe tân bảo thủ ủng hộ ông.

Giấc mơ của chính quyền Bush là khống chế vòng cung vừa nói về quân sự, phần lớn trải dài từ Bắc Phi đến biên giới TQ, còn được biết dưới tên gọi Trung Đông nới rộng, và đôi khi được xem như khu vực trải dài từ châu Mỹ La Tinh đến Đông Nam Á. Trong khi cụm từ đã không được nhắc lại dưới thời Obama, khi cần phóng chiếu quyền lực quân sự, T T Obama đang trong quá trình vượt qua người tiền nhiệm.

Ngoài việc mở rộng chiến tranh trong các "quốc gia vòng cung" , Obama cũng đã theo dỏi việc gửi các lực lượng hành quân đặc biệt đến trong vùng, đã chuyển giao hay bán nhiều số lượng vũ khí quan trọng trong khi tiếp tục xây dựng và mở rộng các căn cứ quân sự với một nhịp nhanh chóng, cũng như huấn luyện và tiếp liệu  một số lớn các lực lượng bản xứ. Tài liệu của Ngũ Giác Đài và thông tin đại chúng cho thấy không một quốc gia vòng cung nào tránh được sự hiện diện và hoạt động của các cơ quan tình báo và quân sự Hoa Kỳ. Điều nầy nêu ra nhiều câu hỏi về vai trò mang tính quyết  định của Hoa Kỳ trong tình hình luôn thay đổi, và bất ổn định ngày một gia tăng trong vùng.

TRÀN NGẬP VÒNG CUNG

Trước tầm quan trọng thiết yếu của vùng vòng cung bất ổn trong tư duy của chính quyền Bush, không ai lấy làm ngạc nhiên khi Bush phát động hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq, và tấn công có giới hạn vào ba quốc gia khác -- Yemen, Pakistan, và Somalia. Cũng không ai nên bị sốc khi biết chính quyền còn gửi những lực lượng quân sự tinh nhuệ và các nhân viên tình báo đặc biệt đến nhiều nơi khác trong vùng.

Trong cuốn The One Percent Doctrine (Học Thuyết Một Phần Trăm), nhà báo Ron Suskind đã tường thuật các kế hoạch của CIA, được tiết lộ trong tháng 9- 2001 và được biết dưới tên gọi " 'Ma Trận Tấn Công Khắp Thế Giới', với chi tiết các cuộc hành quân chống khủng bố trong 80 quốc gia."[4] Vào cùng lúc, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, Donald Rumsfeld, tuyên bố: Hoa Kỳ đã phát động "một nỗ lực lớn nhằm nhiều mục đích có lẽ trải rộng trong 60 quốc gia."[5] Thực vậy, vào cuối nhiệm kỳ của Bush, Ngũ Giác Đài đã có nhiều lực lượng hành quân đặc biệt trong 60 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, chẳng phải chờ lâu, chính quyền Obama cũng đã vồ vập trọn vẹn ý niệm can dự trong toàn bộ địa bàn rộng rãi hơn. Trong năm 2010, báo Washington Post đã tường trình: Hoa Kỳ đã gửi các lực lượng hành quân đặc biệt đến 75 quốc gia, từ Nam Mỹ đến Trung Á. Tuy nhiên, mới đây phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt Hoa Kỳ , Đại Tá Tim Nye, đã tiết lộ: hàng ngày các đội quân tinh nhuệ của Hoa Kỳ đang làm nhiệm vụ trong 70 quốc gia, và vào cuối năm 2011, con số có thể lên tới 120 quốc gia. Các lực lượng nầy đã tham dự vào nhiều sứ mệnh, từ biệt động quân - Army Rangers, trực tiếp tham dự vào chiến tranh quy ước ở Afghanistan, cho đến các toán biệt kích Navy SEALs đã từng ám sát Osama bin Laden ở Pakistan, đến các sĩ quan huấn luyện của Bộ Binh, Hải Quân, Không Quân, và Thủy Quân Lục Chiến dưới quyền Bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt của Hoa Kỳ hoạt động trên toàn cầu từ Cộng Hòa Dominican đến Yemen.

Hiện nay, Hoa Kỳ đang tham chiến trong sáu "quốc gia vòng cung": Afghanistan, Iraq, Libya, Pakistan, Somalia, và Yemen. Hoa Kỳ cũng đã gửi binh sĩ đến làm việc trong nhiều xứ, bao gồm Algeria, Bahrain, Djibouti, Egypt, Israel, Jordan, Kuwait, Lebanon, Oman, Pakistan, Qatar, Saudi Arabia, Tunisia, và United Arab Emirates. Trong những xứ nầy, Afghanistan, Bahrain, Djibouti, Iraq, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, và United Arab Emirates cũng là nước chủ nhà của các căn cứ quân sự  Mỹ, trong khi CIA đang xây một căn cứ bí mật đâu đó trong khu vực để sử dụng trong các cuộc chiến phi cơ không người lái ở Yemen và Somalia.

Hoa Kỳ cũng đang sử dụng những cơ sở có sẵn ở Djibouti, Ethiopia, và United Arab Emirates trong cùng mục đích, và một căn cứ bí mật ở Somalia sử dụng cán bộ bản xứ với  nhiệm vụ huấn luyện kỷ thuật chống khủng bố cho các đối tác địa phương.

Bên cạnh các nỗ lực quân sự, chính quyền Obama cũng đã sắp xếp bán vũ khí cho các chế độ vùng Trung Đông, như Bahrain, Egypt, Iraq, Jordan, Kuwait, Morocco, Saudi Arabia, Tunisia, United Arab Emirates, và Yemen. Người Mỹ cũng đang giáo dục, huấn luyện, nhồi sọ các đối tác quân sự địa phương qua chương trình "Giáo Dục và Huấn Luyện Quân Sự  Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao và Ngũ Giác Đài."[6] Trong năm 2010, Hoa Kỳ đã huấn luyện hơn 7000 sinh viên từ 130 quốc gia. Kay Judkins, quản lý  chính sách của chương trình gần đây đã nói với Sở Báo Chí Quân Lực Hoa Kỳ, " cần nhấn mạnh vào Trung Đông và Phi châu vì chúng ta biết chủ nghĩa khủng bố sẽ lớn mạnh, và chúng ta biết các quốc gia dễ thương tổn là mục tiêu phải được tập trung nhiều nhất."[7]

Theo tài liệu mới được tiết lộ hồi đầu năm của Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ đã gửi nhân viên -- đôi khi chỉ một số tượng trưng, đôi khi khá đông -- đến 76 quốc gia trong vòng cung bất ổn sau đây: Angola, Botswana, Burundi, Cameroon, Chad, Congo, Côte d'Ivoire, Ethiopia, Gabon, Ghana, Guinea, Kenya, Liberia, Madagascar, Mali, Mauritania, Mozambique, Niger, Nigeria, Rwanda, Senegal, Sierra Leone, South Africa, Sudan, Tanzania, Togo, Uganda, Zambia, Zimbabwe, Sri Lanla, Syria, Antigua, the Bahamas, Barbados, Belize, Bolivia, Colombia, Costa Rica, Cuba,  Dominican Republic, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Guyana, Haiti, Honduras, Jamaica, Mexico, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Suriname, Trinidad and Tobaga, Uruguay, Venezuela, Albania, Bosnia and Herzegovina, Macedonia, Romania, Serbia, Kazakhstan, Kyrgystan, Turkmenistan, Uzbekistan, Bangladesh, Myanmar, Cambodia, Indonesia, Laos, Malaysa, the Philippines, Singapore, Thailand, and Việt Nam.

Trong khi việc bắt giữ 30 thành viên ổ gián điệp CIA ở Iran hồi đầu năm, cũng như các nhóm tình nghi gián điệp Mỹ trước đó, có thể chỉ là vỡ tuồng tuyên truyền quốc nội hay để mặc cả  quốc tế, không ai có thể nghi ngờ người Mỹ hiện đang có nhiều hoạt động bí mật ở Iran. Năm ngoái, tin tức báo chí đã tiết lộ nhiều toán hoạt động bí mật đã được trao nhiều sứ mệnh bên trong Iran, và nhiều gián điệp và các nhóm được ủy nhiệm chắc chắn đang hoạt động bên trong Iran. Mới gần đây, báo Wall Street Journal đã tiết lộ một chuổi "các hoạt động bí mật dọc biên giới Iran-Iraq" của quân đội Mỹ và các chiến dịch hoạt động ngầm của CIA nhằm chận đứng nạn buôn lậu vũ khí  Iran vào Iraq.

Tất cả những điều kể trên cho thấy trong thực tế, không một 'quốc gia vòng cung' nào trong đó Hoa Kỳ không có căn cứ hay nhân viên quân sự hay tình báo, hay không có các ðặc vụ chỉ điểm hoạt động, cung cấp vũ khí, các hoạt động chìm, hay lâm chiến.

VÒNG CUNG LỊCH SỬ

Ngay sau khi T T Obama nhận chức vào năm 2009, Dennis Blair, Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia lúc đó, đã tường trình trước Ủy Ban Chọn Lọc Thượng Viện về hoạt động tình báo. Đặc biệt tập trung vào vòng cung bất ổn, Blair đã tóm tắt tình hình toàn cầu như sau: "Một vùng rộng lớn từ Trung Đông đến Nam Á là địa điểm có nhiều thách thức đối với Hoa Kỳ trong thế kỷ 21."[8] Từ đó, cũng như đối với những cụm từ mang sắc thái Bush như "cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố", chính quyền Obama và giới quân sự Hoa Kỳ phần lớn đã tránh dùng cụm từ "vòng cung bất ổn", thay vào đó, họ ưa lựa chọn những lối diễn tả mập mờ hơn.

Chẳng hạn, trong hội nghị chuyên đề hàng năm về các cuộc hành quân đặc biệt cường độ thấp của Hiệp Hội Kỹ Nghệ Quốc Phòng hồi đầu năm, Đề Đốc hải Quân Eric Olson, lúc đó cầm đầu Bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt Hoa Kỳ, đã chỉ vào một hình ảnh vệ tinh của thế giới về đêm và nói: Trước 11-9-2001, phần được soi sáng của hành tinh - những quốc gia kỹ nghệ hóa phía Bắc - được xem như khu vực then chốt. Từ đó, ông nói với cử tọa, 51 quốc gia, hầu hết trong vòng cung bất ổn, đã được dành ưu tiên. Ông tiếp tục: "tiêu điểm chiến lược của chúng ta phần lớn đã dịch chuyển về phía Nam ...chắc chắn là bên trong cộng đồng các cuộc hành quân đặc biệt, vì chúng ta đang đối phó với những đe dọa đang trổi dậy từ những chỗ không có ánh đèn."[9]

Gần đây hơn, trong những nhận xét tại Trường Cao Học Quốc Tế Paul H. Nitze, ở Washington, D.C., John O. Brennan, trợ tá tổng thống về an ninh quốc nội và chống khủng bố, đã phác họa Chiến Lược Quốc Gia Chống Khủng Bố mới, nhằm thực hiện các sứ mệnh trong "vùng Pakistan-Afghanistan" và với "tiêu điểm là những vùng đặc biệt, kể cả những nơi có thể gọi là ngoại vi -- những xứ như Yemen, Somalia, Iraq, và Maghreb [Bắc Phi]."

Brennan nhấn mạnh: "Điều nầy không đòi hỏi một cuộc chiến toàn cầu", -- và thực vậy, mặc dù thuật ngữ thời Bush, không bao giờ cần. Chẳng hạn, trong lúc việc hoạch định các cuộc tấn công 11/9 đã xẩy ra ở Đức, và nghi phạm cho nổ bom dấu trong giày Richard Reid được hoan nghênh từ Anh Quốc, các quốc gia tiền tiến, đa số là sắc dân da trắng Tây phương, chưa bao giờ là mục tiêu của Hoa Kỳ. Vòng cung đã chẳng bao giờ kéo dài ra khỏi phía Nam địa cầu, và các xứ nằm bên trong vòng cung luôn được hiểu tự bản chất cơ bản đã bất ổn và các vấn đề của các xứ nầy có thể chữa trị bằng biện pháp can thiệp quân sự.

XÂY ĐẮP BẤT ỔN

Bằng chứng của cả một thập kỷ đã chứng tỏ rõ ràng các cuộc hành quân của Hoa Kỳ bên trong vòng cung bất ổn luôn mang tính gây bất ổn định. Để lấy một thí dụ, Hoa Thịnh Đốn đã nắm giữ mọi chương trình viện trợ quân sự, các hành động quân sự, và sức ép ngoại giao đến độ đã làm suy yếu chính quyền Pakistan, khuyến khích tư  tưởng bè phái bên trong các giới quân sự và tình báo, và nhen nhúm các cảm nghĩ chống đối Hoa Kỳ trong dân chúng Pakistan. Theo một cuộc thăm dò gần đây, chỉ 12% dân Pakistan có cách nhìn tích cực đối với Hoa Kỳ.

Cuộc chiến úp mở do các phi cơ không người lái dọc biên giới các bộ lạc Pakistan, với hàng trăm cuộc tấn công bằng tên lửa gây nhiều thương vong cho thường dân, đã chỉ đem lại tác động phân hóa lớn lao nhất. Riêng đối với các hoạt động của CIA , kết quả một cuộc thăm dò dân Pakistan của tổ chức Pew cho thấy 97% người trả lời có cái nhìn tiêu cực, một bách phân khó lòng tìm thấy trong bất cứ hình thức thăm dò nào.

Ở Yemen, sự ủng hộ lâu ngày - dưới hình thức viện trợ, huấn luyện quân sự và vũ khí,  cũng như các cuộc tấn công bởi phi cơ không người lái - dành cho lãnh tụ độc tài Ali Abdullah Saleh đã đưa đến một quan hệ đặc biệt giữa Hoa Kỳ và các lực lượng tinh nhuệ Yemen do các họ hàng thân thuộc của Saleh lãnh đạo. Trong năm nầy, các đơn vị vừa nói đã là công cụ đàn áp cuộc tranh đấu đòi tự do, giết hại người biểu tình và cầm tù các sĩ quan từ chối thi hành lệnh bắn giết các thường dân. Không có gì đáng ngạc nhiên, ngay cả trước khi Yemen rơi vào tình trạng thiếu vắng lãnh đạo (sau khi Saleh bị thương trong một âm mưu ám sát), một cuộc thăm dò người Yemen đem lại kết quả 99% các người trả lời đã xem quan hệ của chính quyền Hoa Kỳ với thế giới Hồi Giáo rất tiêu cực, trong khi chỉ 4% hoặc một phần nào hoặc tích cực chấp thuận sự hợp tác của Saleh với Hoa Thịnh Đốn.

Tuy nhiên, thay vì rút khỏi Yemen, Hoa Kỳ lại tăng gia ủng hộ. Với sự trợ lực của cơ quan tình báo Saudi Arabia, Hoa Kỳ đã tiếp tục hoạt động qua trung gian các đặc vụ địa phương cũng như chiến dịch phi cơ không người lái chống lại các chiến binh Hồi Giáo. Lực lượng quân sự Hoa Kỳ cũng đã tiếp tục các cuộc oanh tạc riêng, cũng như gửi huấn luyện viên đến làm việc với các lực lượng bản địa, trong khi các "đội hoạt động đen" phát động những đợt công tác giết người bên cạnh các đồng minh Yemen.

Các nỗ lực nầy đã đem lại những phản ứng tiêu cực , bất ổn chính trị, và có thể cả phản tác dụng. Mới năm ngoái, một cuộc tấn công của phi cơ không người lái đã vô tình giết chết Jabr al-Shabwani, con trai của Sheikh Ali al-Shabwani. Trong một hành động trả thù, Ali liên tục tấn công một trong những tuyến dẫn dầu lớn nhất của Yemen, gây thiệt hại  hàng tỉ đô la trong số thu nhập của chính quyền Yemen, và đòi hỏi Saleh phải chấm dứt cộng tác với các cuộc tấn công của Hoa Kỳ.

Hồi đầu năm, ở Ai Cập và Tunisia, các nỗ lực lâu dài của Mỹ nhằm cải thiện sự ổn định trong khu vực - qua các quan hệ đồng minh, viện trợ, huấn luyện, và vũ khí - đã sụp đổ trước các phong trào quần chúng chống lại các nhà độc tài cai trị trong các xứ liên hệ do Mỹ ủng hộ. Cũng tương tự như vậy, ở Bahrain, Iraq, Jordan, Kuwait, Morocco, Oman, Saudi Arabia, và United Arab Emirates, các cuộc xuống đường phản đối của quần chúng đã bùng nỗ, chống lại các chế độ độc tài đối tác và được quân đội  Mỹ vũ trang.

Vì vậy,  không có gì đáng ngạc nhiên khi, trong cuộc thăm dò gần đây, được hỏi về thành tích đáp ứng những sự chờ đợi trong bài diễn văn năm 2009 của T T Obama ở Cairo, đặc biệt là đề nghị một bắt đầu mới giữa Hoa Kỳ và người Hồi giáo trên thế giới, chỉ 4% người Ai Cập, 6% người Jordan và 1% người Lebanon đã trả lời tích cực.

Cuộc thăm dò Zogby gần đây trong sáu xứ A Rập - Ai Cập, Jordan, Lebanon, Morocco, Saudi Arabia, và United Arab Emirates - cũng cho thấy: thay thế một tổng thống trước đó đã đưa phong trào chống Mỹ trong thế giới Hồi Giáo lên một mức cao hơn bao giờ hết, Obama đã chỉ có thể làm tình trạng thêm phần trầm trọng: đại đa số quần chúng A Rập ngày nay đều xem Hoa Kỳ như đã không đóng góp gì vào hòa bình và ổn định trong thế giới A Rập.

BẤT ỔN ĐỊNH NGÀY MỘT GIA TĂNG KHẮP ĐỊA CẦU

Sự can thiệp của Hoa Kỳ vào vòng cung bất ổn đã hẳn chẳng có gì mới lạ. Tạm bỏ ra ngoài các cuộc chiến hiện nay, trong thế kỷ 20 Hoa Kỳ cũng đã can thiệp quân sự vào Nam Bán Cầu ở Cambodia, Congo, Cuba, Dominican Republic, El Salvador, Egypt, Grenada, Guatemala, Haiti, Honduras, Iraq, Kuwait, Laos, Lebanon, Libya, Panama, Philippines, Mexico, Nicaragua, Panama, Somalia, Thailand, Việt Nam, và trong nhiều nơi khác. CIA đã tổ chức nhiều chiến dịch ngầm trong nhiều xứ nói trên, cũng như ở Afghanistan, Algeria, Chile, Ecuador, Indonesia, Iran, và Syria, chỉ kể một số ít quốc gia.

Cũng như người tiền nhiệm, Barack Obama rõ ràng đã có cùng quan tâm đến phần "thế giới không được thắp sáng" - "unlit world", và xem đó là nguồn cội của bất ổn toàn cầu và nguy cơ đối với Hoa Kỳ. Câu trả lời củng đã chỉ là giàn trải thế lực quân sự để chận đứng bất ổn, tăng cường đồng minh, và bảo vệ người Mỹ.

Mặc dù bài học quan trọng 11/9  -- can thiệp ở hải ngoại luôn mang lại hậu họa cho quốc nội -- Obama cũng chỉ  biết dùng sức mạnh quân sự để đối phó với hậu quả nhãn tiền, do đó, đã tiếp tục vòng nhân quả luân hồi, để rồi lại phải đối diện với cùng những hậu quả tương tự trong tương lai.

Cuộc thăm dò công luận Rasmussen cho thấy phần lớn dân Mỹ không đồng ý với tổng thống khi đối diện với ý tưởng và phương cách can dự của Hoa Kỳ ở hải ngoại. Chẳng hạn, trong cuộc thăm dò gần đây, 75% cử tri đã đồng ý chọn lựa: "Hoa Kỳ không nên sử dụng lực lượng quân sự vào hành động can thiệp ở hải ngoại trừ phi đó là vấn đề sống còn đối với quyền lợi quốc gia chúng ta."[10] Vả chăng, đa số người Mỹ rõ ràng đều gạt bỏ lý do bảo vệ Afghanistan, Iraq, Pakistan, Saudi Arabia, và nhiều xứ khác trong vòng cung bất ổn, ngay cả khi các nước nầy bị các cường quốc bên ngoài tấn công.

Sau nhiều thập kỷ can thiệp công khai hoặc ngấm ngầm vào các xứ trong vòng cung, kể cả trong 10 năm chiến tranh liên tục mãi cho đến nay, hầu hết các xứ nầy ngày một nghèo nàn, thiếu mở mang, và rõ rệt bất ổn hơn trước. Trong năm nầy, trong danh sách "chỉ số nhà nước thất bại" hàng năm (failed state index) -- bảng xếp hạng các quốc gia bất ổn nhất trên hành tinh -- tạp chí Foreign Policy và Quỹ Hòa Bình đã xếp hai quốc gia trong vòng cung đang chịu sự can thiệp quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ - Iraq và Afghanistan -  trong nhóm 10 nước tệ hại nhất. Pakistan và Yemen đứng thứ 12 và 13, trong khi Somalia - nơi sự can thiệp của Hoa Kỳ dưới thời Clinton trong thập kỷ 1990, dưới thời Bush trong thập kỷ 2000, và một lần nữa dưới thời Obama - chiếm hạng danh dự số I.

Riêng về nỗ lực xây-dựng-quốc-gia (nation-building efforts) trong vòng cung, những gì chúng ta đã từng chứng kiến hàng ngày là một thập kỷ tàn-phá-quốc-gia (nation-unbuilding), chỉ chấm dứt khi người dân trong các xứ A Rập đã vùng dậy giành lại quyền quyết định tương lai với chính bàn tay và thể xác của mình ngoài đường phố. Như một thăm dò công luận gần đây trong các xứ vòng cung, quần chúng trong phần thế giới miền Nam đang chứng kiến Hoa Kỳ luôn suy tôn hay nuôi dưỡng, thay vì ngăn ngừa bất ổn định. Và các biện pháp thẩm định khách quan đã minh chứng nhận thức của họ. Trong thực tế, bằng chứng hùng hồn nhất là các phong trào quần chúng chống lại các nhà cầm quyền độc tài đồng minh của Hoa Kỳ đã diễn ra suốt năm ở khắp nơi trong vùng vòng cung.

Trước sự phủ nhận lý do bảo vệ các quốc gia trong vòng cung bất ổn của nhân dân Hoa Kỳ, trước những bằng chứng không thể chối cãi can thiệp quân sự không hề phát huy ổn định , trước cuộc khủng hoảng ngân sách và tài chánh với tầm cỡ tai họa, người ta đang chờ xem chính quyền Obama đang dựa vào duyên cớ nào để tiếp tục một chính sách thất bại - một chính sách hình như chắc chắn gây thêm bất ổn định trên thế giới và đặt công dân Hoa Kỳ trước những nguy cơ lớn lao hơn.

MỘT BÀI HỌC ĐANG CHỨNG NGHIỆM

"Camp Victory", một cái tên không hợp thời, là một tập hợp quân sự khổng lồ, gồm một số căn cứ, đã được xây cất chung quanh một nhà nghỉ và 9 dinh thự sang trọng giàu có của lãnh tụ Saddam Hussein trước đây, gần phi trường quốc tế Baghdad.

Trong vòng ít tháng sau ngày quân đội Mỹ chiếm đóng Baghdad tháng 4-2003, Camp Victory đã là căn cứ Hoa Kỳ lớn nhất ở hải ngoại kể từ Chiến Tranh Việt Nam. Căn cứ cũng đã trở thành nơi thăm viếng của các chính trị gia Hoa Kỳ, đến đây mà tưởng tượng như  đang đến tiểu bang thứ 51 của mình.

Đó là tổng hành dinh của nỗ lực quân sự và về sau là chiến lược tăng cường tấn công(surge strategy) ở Iraq. Đó cũng là căn cứ gốc của ít ra 46.000 quân Mỹ, các nhà thầu, lính đánh thuê, nhân viên dân sự của Bộ Quốc Phòng, và nhân công lao động của thế giới thứ ba. Trại binh còn có cả Burger King, PX khổng lồ, và một chu vi dài 27 dặm với tường chống bom mìn, dây kẻm gai, cũng như bệnh viện, nhà máy nước riêng. Tóm lại, tự nó đã là một thành phố, một thế giới.

Phóng viên báo chí Hoa Kỳ thường ghé qua, tuy nhiên đa số người Mỹ đều không hay biết sự hiện diện của tiền đồn khổng lồ bên trong trung tâm dầu lửa của hành tinh vừa mô tả.

Với tất cà khối lượng tin tức đến với người Mỹ, Camp Victory tự nó chưa bao giờ được giới báo chí đặc biệt lưu ý đưa tin, cũng như hàng tỉ đô la chi phí xây dựng hơn 500 căn cứ quân sự lớn nhỏ ở Iraq, ngày nay được biết đã được xây cất với tiền thuế của người Mỹ.

Tất cả những điều trên đều đúng cho đến khi Camp Victory, đang tiến dần đến bờ vực "chiến bại sau cùng", và cuối cùng đã tìm thấy, nếu không phải phóng viên chép sử, thì là người viết cáo phó,  Annie Gowan - của tờ Washington Post.

Với người Mỹ cuối cùng đã được đưa lên danh sách rời Camp Victory (mặc dù chưa phải Iraq) vào đầu tháng 12, với các cánh cữa sắp đóng lại, và chìa khóa trao lại cho chính quyền Iraq, Gowan đã trích lời Trung Tá Sean Wilson, sĩ quan Bộ binh phụ trách công tác thông tin, về căn cứ  sắp bỏ rơi như sau: "Tất cả nơi đây đang trở thành một thành phó ma. Bạn có cảm giác như người cuối cùng trên Địa Cầu."[11]

Rõ ràng giới quân sự Hoa Kỳ sẽ cử hành lễ an táng cuối cùng, lúc đó căn cứ sẽ được đổi tên thành "Camp Defeat" (Căn cứ Chiến Bại) trước khi bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, ngay cả khi Hoa Thịnh Đốn đang quyết tâm bám víu những chỗ đứng quân sự còn lại ở Iraq, cáo phó đó có thể là cáo-phó-tóm-tắt-trong-một- dòng cho cuộc phiêu lưu vĩ đại ở Iraq.

Đã hẳn, trong khi đang rút dần xuống còn lại "bộ xương" ở Iraq, người Mỹ trong thực tế vẫn tiếp tục xây dựng lực lượng , các cuộc hành quân, và hạ tầng cơ sở ở Trung Đông Nới Rộng. Tuy vậy, người ta có thể tự hỏi: ở một nơi nào đó trong câu truyện Camp Victory, có thể tìm thấy một bài học khiêm tốn Hoa Thịnh Đốn có thể rút tỉa.

 

©Nguyễn Trường

Irvine, California, USA

29-9-2011


 

[1] Freedom is on the march in the broader Middle East. The hope of liberty now reaches from Kabul to Baghdad to Beirut and beyond. Slowly but surely, we're helping to transform the broader Middle East from an arc of instability into an arc of freedom.

[2] [I]t will be the policy of the United States to...support transitions to democracy.

[3] ...a core rhetorical concept....

[4] Worldwide Attack Matrix for detailed operations against terrorists in 80 countries.

[5] ...a large multi-headed effort that probably spans 60 countries.

[6]  It has been indoctrinating and schooling indigenous military partners through "the State Department's and Pentagon's  Internatioal Military Education and Training program."

[7] The emphasis is on the Middle East and Africa because we know that terrorism will grow, and we know that vulnerable countries are most targeted.

[8] The large region from the Middle East to South Asia is the focus for many of the challenges facing the United States in the twenty-first century.

[9] Our strategic focus has shifted largely to the south...certainly within the special operations community, as we deal with the emerging threats from the places where the lights aren't.

[10] The United States should not commit its forces to military action overseas unless the cause is vital to our national interest.

[11] This whole place is becoming a ghost town. You get the feeling you're the last person on Earth.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường