Biến động Bắc Phi-Trung Đông và năng lượng thế giới

Vietsciences- Nguyễn Trường                    19/04/2011

 

Những bài cùng tác giả

Giá dầu lửa chao đảo đã từng gây xáo trộn chính trị kinh tế thế giới, và Trung Đông thường là mồi lửa khởi đầu. Cấm vận dầu lửa Á Rập 1973, cách mạng Iran 1978-79, và cuộc chiến xâm lăng Kuwait của Saddam Hussein năm 1990 luôn nhắc nhở những tác động tai hại và đau đớn của một hỗn hợp địa kinh tế chính trị vùng Trung Đông. Với những biến động dồn dập trong vùng Bắc Phi-Trung Đông hiện nay, phải chăng thế giới đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng toàn diện?

Có rất nhiều lý do để lo ngại. Bắc Phi và Trung Đông sản xuất hơn một phần ba số dầu thế giới. Những biến động ở Libya một lần nữa chứng tỏ vai trò thiết yếu của các nguồn cung dầu lửa ổn định. Trong khi Muammar Qaddafi cố bám víu  quyền lực và các cường quốc Tây phương đang chung sức tìm một giải pháp, sản lượng dầu của Libya đã sụt giảm phân nửa, công nhân các nước ngoài  hồi hương, và Libya  phơi bày nguy cơ nội chiến. Các biến động lan rộng trong vùng Bắc Phi và Trung Đông đang đe dọa đem lại những xáo trộn khó lường.

KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

Cho đến nay, phản ứng của thị trường còn từ tốn đáng ngạc nhiên. Giá dầu thô Brent tăng 15% khi biến động mới bắt đầu ở Libya, lên 120 USD một barrel (thùng) ngày 24-2-2011. Tuy vậy,  lời hứa tăng thêm ngạch số sản xuất của Saudi Arabia đã giúp đẩy mức giá xuống thấp chút ít. Ngày 2-3-2011, giá dầu sụt xuống 116 USD - 20% cao hơn hồi đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn đỉnh điểm trong năm 2008. Hầu hết các kinh tế gia vẫn lạc quan: tăng trưởng toàn cầu có thể giảm thiểu khoảng trên dưới 0,5%, chưa đủ làm thui chột khả năng phục hồi kinh tế của thế giới giàu.

Tuy nhiên, nhận định của các kinh tế gia đã bỏ quên hai bất trắc lớn: (1) Tình trạng bất ổn định trong nguồn cung , hay nỗi âu lo một viễn ảnh như thế, có thể đẩy giá dầu lên cao; (2) Với giá dầu tăng vọt, hiểm họa lạm phát  và các biện pháp thắt chặt tiền tệ có thể phương hại đến khả năng hồi phục kinh tế.

Mọi việc vẫn còn tùy thuộc ở sự khôn khéo của các ngân hàng trung ương.

Cho đến nay, cơn sốc trong số cung vẫn chưa mấy quan trọng. Biến động ở Libya chỉ làm sản lượng dầu sụt giảm 1%. Năm 1973, số sụt giảm lên đến 7,5%. Thị trường dầu hiện nay còn có nhiều yếu tố giảm sốc. Thực vậy, khác với năm 1973, ngày nay chính quyền trong nhiều nước còn có nhiều kho dầu dự trữ, vốn đã dồi dào hơn khi giá dầu lên cao năm 2008. Trên phương diện kỹ thuật,  Saudi Arabia - tương tự như ngân hàng trung ương trên thị trường dầu lửa - có đủ khả năng thặng dư để bù đắp vào số sụt giảm từ Libya, Algeria, và nhiều quốc gia sản xuất dầu cỡ nhỏ. Saudi Arabia cũng đã hứa sẵn sàng bơm thêm dầu.

Tuy nhiên,  khả năng xáo trộn còn nhiều và không thể loại bỏ. Kỹ nghệ dầu lửa cực kỳ phức tạp: tìm được đúng loại dầu ở đúng địa điểm và đúng lúc là điều cốt yếu. Và  ngay  chính Saudi Arabia cũng mang nhiều nét đặc trưng từng gây biến động ở nhiều nơi khác, kể cả một tầng lớp trẻ đã mất niềm tin. Mặc dù đã chi tiêu 36 tỉ USD nhằm xoa dịu những thành phần bất mãn, một chế độ toàn trị vẫn đang đối mặt với làn sóng đòi cải cách. Một thoáng bất ổn cũng có khả năng phát động một làn sóng âu lo trên thị trường dầu khí.

Ngay cả khi chưa có xáo trộn trong các nguồn cung, giá năng lượng cũng đã chịu sức ép từ  khả năng thặng dư tiệm giảm. Với kinh tế thế giới tăng trưởng, số cầu dầu khí vượt xa mọi gia tăng trong số cung. Do đó, biến động từ Trung Đông càng làm tăng tốc nhịp gia tăng giá cả.

Câu hỏi cần được đặt ra: hậu quả sẽ ra sao? Cũng may, kinh tế thế giới hiện ít bị đe dọa bởi giá dầu gia tăng so với thập kỷ 1970. Tăng trưởng toàn cầu không quá lệ thuộc vào năng lượng. Tỉ suất lạm phát còn thấp và mức công xá có lẽ sẽ không leo thang theo giá năng lượng gia tăng. Do đó, các ngân hàng trung ương chưa cần phải có nhiều biện pháp mạnh mẽ.

Tuy nhiên, khó bị tổn thương không có nghĩa đã  được miễn nhiễm. Dầu giá đắt vẫn hàm ngụ một chuyển dịch mãi lực từ giới tiêu thụ qua giới sản xuất. Và vì giới sản xuất thường có khuynh hướng tiết kiệm cao, số cầu toàn cầu sẽ sụt giảm. Một nguyên tắc thông thường là 10% gia tăng trong giá dầu sẽ đưa đến khoảng 2,5% sụt giảm trong tỉ suất tăng trưởng. Với kinh tế thế giới hiện tăng trưởng 4,5% , điều nầy có nghĩa giá dầu phải tăng vượt mức đỉnh điểm 150 USD trong năm 2008 trước khi phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng đáng ngại. Tuy vậy, một gia tăng nhỏ hơn cũng có thể triệt tiêu tăng trưởng và nâng cao lạm phát.

DẦU LỬA RẺ TIỀN CHẤM DỨT

Dù hậu quả của làn sóng phản đối và trỗi dậy hiện đang diễn tiến ở Bắc Phi và Trung Đông ra sao, chúng ta cũng đã biết chắc một điều: trật tự năng lượng thế giới cũng sẽ vĩnh viễn biến dạng. Những gì đang xảy ra chỉ là chấn động đầu tiên trong chuổi địa chấn sẽ làm rung chuyển thế giới năng lượng.

Một thế kỷ từ khi dầu lửa được khám phá trong vùng Tây Nam Vịnh Ba Tư trước Đệ Nhất Thế Chiến, các cường quốc Tây phương đã nhiều lần can thiệp vào Trung Đông nhằm yểm trợ các chính quyền độc tài toàn trị luôn sẵn sàng nâng cao mức sản xuất. Thiếu vắng các động thái can thiệp vừa nói, sự bành trướng của các nền kinh tế Tây phương sau Thế Chiến II và sự trù phú của các xã hội kỹ nghệ hóa hiện nay đã không thể diễn tiến như đã thấy.

Tuy nhiên, sau đây là tin tức đáng được đưa lên trang đầu các báo khắp nơi trên thế giới: Trật tự năng lượng cũ đang dẫy chết, và chúng ta đang chứng kiến dứt điểm vĩnh viễn của dầu lửa rẻ tiền.

Muốn hiểu rõ, chúng ta cần lượng định những gì đang lâm nguy trong tình hình thế giới biến động hiện nay. Để bắt đầu, thật khó lòng đánh giá đúng mức vai trò thiết yếu của dầu khí Trung Đông trong phương trình năng lượng thế giới. Mặc dù than đá rẻ tiền đã là nhiên liệu giữ vai trò chính trong cuộc cách mạng kỹ nghệ, vận chuyển hỏa xa, tàu chạy bằng hơi nước, và sự ra đời của các đại công xưởng, dầu lửa rẻ tiền đã giữ vai trò mở đầu kỷ nguyên xe hơi, kỹ nghệ hàng không, đời sống ngoại ô, cơ giới hóa nông nghiệp, và sự bùng nổ của toàn cầu hóa kinh tế.

Trong khi một vài khu vực sản xuất dầu lửa chính yếu đã khởi động Kỷ Nguyên Dầu Khí - Hoa Kỳ, Mexico, Venezuela, Romania, khu vực chung quanh Baku (trước đây thuộc đế quốc Nga Hoàng), và East Indies thuộc Hà Lan - , chỉ vùng Trung Đông mới đủ khả năng thỏa mãn nạn khát dầu của thế giới kể từ Đệ Nhị Thế Chiến.

Năm 2009, năm mới nhất có đủ dữ kiện, BP đã phúc trình: Trung Đông và Bắc Phi đã sản xuất 29 triệu barrels mỗi ngày, hay 36% tổng số cung dầu lửa thế giới. Ngay cả con số nầy cũng chưa đủ để khẳng định tầm quan trọng của toàn vùng trong nền kinh tế dầu lửa. Hơn bất cứ khu vực nào khác, Trung Đông đã dồn hết sản ngạch vào thị trường xuất khẩu để đáp ứng nạn khát dầu của các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc (TQ), Nhật, và Liên Hiệp Âu châu (EU). Chúng ta đang nói đến con số 20 triệu barrels rót vào các thị trường xuất khẩu mỗi ngày. So sánh con số nầy với sản ngạch của Liên Bang Nga, nước sản xuất hàng đầu thế giới, với 7 triệu barrels dầu xuất khẩu, lục địa Phi châu 6 triệu, và Nam Mỹ vỏn vẹn 1 triệu.

Trong thực tế, Trung Đông sẽ còn quan trọng hơn nhiều trong những năm sắp tới với một trữ lượng chưa khai thác lên đến 2/3 trữ lượng toàn thế giới. Theo dự phóng gần đây của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, Trung Đông và Bắc Phi sẽ cung cấp khoảng 43% dầu thô thế giới vào năm 2035 (so với 37% năm 2007), và sẽ sản xuất một bách phân còn lớn hơn trong tổng số dầu xuất khẩu trên thế giới.

Nói một cách thẳng thắn: kinh tế thế giới đòi hỏi một số cung dầu khí ngày một gia tăng với giá có thể chấp nhận được. Riêng Trung Đông cũng đã đủ khả năng cung cấp con số nầy. Chính vì lẽ đó, chính quyền các quốc gia Tây phương từ lâu đã luôn hậu thuẩn các chế độ độc tài toàn trị "ổn định" trong vùng, qua chính sách tiếp vận và huấn luyện các lực lượng an ninh các nước sở quan. Ngày nay, trật tự nầy đã mất hiệu quả, tê liệt, và đang trên đường tan rã. Không ai còn tin vào một trật tự mới đủ sức cung ứng dầu rẻ tiền nhằm duy trì Kỷ Nguyên Dầu Lửa.

Để hiểu rõ, chúng ta cần ôn lại một bài học lịch sử.

DẦU KHÍ IRAN

Sau ngày công ty Anglo-Persian Oil Company (APOC) tìm được dầu ở Iran (lúc đó được biết dưới tên Persia) năm 1908, chính quyền Anh đã tìm cách hành xử quyền kiểm soát của một đế quốc đối với nhà nước Persia. Người chủ trương không ai khác hơn [First Lord of the Admiralty] Winston Churchill. Sau khi ra lệnh cải hoán các tàu chiến chạy bằng than qua dầu lửa trước Đệ Nhất Thế Chiến và quyết định đặt dầu khí  Iran  dưới quyền kiểm soát của Luân Đôn, Churchill đã sắp xếp việc quốc hữu hóa APOC vào năm 1914. Trước ngày Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, Churchill, trong vai trò thủ tướng, đã giàn dựng việc truất phế Shah Reza Pahlavi, lãnh đạo Persia thân Đức, và tấn phong con trai 21 tuổi Mohammed Reza Pahlavi lên thay thế.

Mặc dù luôn ca ngợi dây liên hệ thần bí với đế quốc Persia trước đó, Mohammed Reza Pahlavi luôn sẵn sàng làm tay sai cho người Anh. Tuy nhiên, thần dân của Mohammed đã tỏ ra không mấy ưa thích phục tùng các chủ nhân đế quốc ở Luân Đôn. Năm 1951, Thủ Tướng dân cử Mohammed Mossadeq đã dành được hậu thuẩn của quốc hội để quốc hữu hóa APOC, lúc đó đã được đổi tên thành Anglo-Iranian Oil Company (AIOC). Năm 1953, cấp lãnh đạo Anh quốc, toa rập với chính quyền của TT Dwight Eisenhower ở Hoa Thịnh Đốn và CIA, đã tổ chức đảo chánh lật đổ Mossadeq và phục hồi Shah Pahlavi đang sống lưu vong ở Rome, một câu chuyện đã được Stephen Kinzer kể lại trong cuốn All the Shah's Men.

Cho đến lúc bị lật đổ vào năm 1979, Shah Pahlavi đã ngự trị Iran như một lãnh đạo chuyên chế, một phần nhờ ở viện trợ quân sự và cảnh sát tình báo của Hoa Kỳ. Trước hết, Pahlavi đã nghiền nát các thành phần thế tục tả phái đồng minh của Mossadeq,  kế đến phe đối lập tôn giáo do lãnh tụ lưu vong Ayatollah Khomeini lãnh đạo. Trước sự đàn áp tàn bạo của cảnh sát và chế độ lao tù do Mỹ giật dây, phe đối lập ghét cay ghét đắng hoàng gia Pahlavi và Hoa Thịnh Đốn. Năm 1979, dân Iran đã xuống đường, Shah Pahlavi bị lật đổ, và lãnh tụ tôn giáo Khomeini lên cầm quyền.

Chúng ta có thể rút tỉa nhiều bài học từ những biến cố đưa đến tình trạng bế tắc hiện nay trong quan hệ Hoa Kỳ-Iran. Tuy nhiên, điều then chốt cần tìm hiểu là sản ngạch dầu khí Iran chưa bao giờ hồi phục từ cuộc cách mạng 1979-1980.

Từ 1973 đến 1979, Iran đã đạt mức sản xuất gần 6 triệu barrels mỗi ngày, một trong những mức cao nhất của thế giới. Sau cách mạng, AIOC (sau được đổi tên thành British Petroleum, hay về sau chỉ gọn ghẽ BP) được quốc hữu hóa lần thứ hai, và các vị quản lý người Iran một lần nữa đã giành lại quyền vận hành công ty. Để trừng phạt những nhà lãnh đạo mới, Hoa Thịnh Đốn đã áp đặt các biện pháp chế tài thương mãi khắt khe, gây trở ngại cho các nỗ lực du nhập kỹ thuật  và viện trợ từ các nước ngoài. Mức sản xuất dầu sụt xuống 2 triệu barrels mỗi ngày, và ngay cả sau 3 thập kỷ, cũng chỉ tăng lên trên 4 triệu barrels mỗi ngày, mặc dù Iran sở hữu một trữ lượng lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Saudi Arabia.

DẦU KHÍ IRAQ

Iraq cũng đã đi theo con đường tương tự. Dưới thời Saddam Hussein, công ty quốc doanh Iraq Petroleum Company (IPC) sản xuất khoảng 2,8 triệu barrels mỗi ngày. Năm 1991, Chiến Tranh Vùng Vịnh I và các biện pháp chế tài do Hoa Kỳ áp đặt sau đó đã làm sản lượng sụt xuống còn 500.000 barrels. Mặc dù vào năm 2001, ngạch số sản xuất đã tăng lên gần 2,5 triệu barrels, nhưng chưa bao giờ trở lại mức trước 1991. Tuy nhiên, khi Ngũ Giác Đài ráo riết chuẩn bị cuộc tiến chiếm Iraq vào cuối năm 2002, chính quyền Bush và số người Iraq lưu vong thân cận đã mơ ước kỷ nguyên vàng son sắp tới khi các công ty dầu ngoại quốc được mời trở lại Iraq, IPC sẽ được tư hữu hóa, và ngạch số sản xuất sẽ lên mức chưa bao giờ thấy trước đây.

Không ai có thể quên nỗ lực của chính quyền Bush và các quan chức Mỹ ở Baghdad muốn biến giấc mơ thành sự thật. Xét cho cùng, những binh sĩ Mỹ đầu tiên đến thủ đô Iraq cũng đã bảo vệ chặt chẽ trụ sở Bộ Dầu Khí, và chẳng quan tâm gì đến bọn người hôi của tung hoành khắp nơi trong thành phố. Viên toàn quyền L. Paul Bremer III, do TT Bush lựa chọn sau đó với nhiệm vụ thiết kế một Iraq mới, đã đem theo một đội chuyên gia dầu khí cao cấp Mỹ để giám sát công tác tư hữu hóa kỹ nghệ dầu khí Iraq. Tháng 5- 2003,  Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ đã vững tin số dầu do Iraq sản xuất sẽ tăng lên 3,4 triệu barrels năm 2005, 4,1 triệu năm 2010, và 5,6 triệu năm 2020.

Đã hẳn, những tiên liệu đó đã không xảy ra. Đối với đa số dân Iraq, quyết định của Hoa Kỳ nhanh chóng tiếp cận để bảo vệ Bộ Năng Lượng là điểm ngoặt: tức thời  biến đổi sự ủng hộ khả dĩ của quần chúng trong việc lật đổ một nhà độc tài thành căm hận và thù nghịch. Nỗ lực tư hữu hóa công ty dầu quốc gia của Bremer cũng có hậu quả tương tự, kích động một phản ứng đối nghịch mang tinh thần quốc gia mạnh mẽ trong số kỹ sư dầu khí Iraq, và chính các kỹ sư nầy đã nhận chìm kế hoạch Bremer. Chẳng bao lâu, một sự chống đối của toàn bộ phái Sunni bùng nổ. Sản  ngạch dầu khí sụp đổ nhanh chóng, chỉ trung bình 2 triệu barrels mỗi ngày từ 2003 đến 2009. Năm 2010, số dầu sản xuất có tăng đôi chút, lên khoảng 2,5 triệu barrels  - vẫn còn rất xa mức sản xuất mơ ước: 4,1 triệu.

Chúng ta có thể kết luận: những nỗ lực từ bên ngoài nhằm kiểm soát trật tự năng lượng ở Trung Đông với mục đích tăng gia số dầu sản xuất thường khó tránh gây ra một áp lực ngược chiều, đưa đến một sản lượng giảm sút. Hoa Kỳ và các cường quốc Tây phương,  nay đang chứng kiến những biến động lan tràn khắp Bắc Phi và Trung Đông, cần phải cảnh giác: bất cứ ước muốn chính trị, tôn giáo của mình là gì, quần chúng sở tại luôn tỏ thái độ thù nghịch mãnh liệt đối với sự khống chế của ngoại bang và luôn lựa chọn độc lập và tự do trên cả sản lượng dầu lửa.

DẦU KHÍ SAUDI ARABIA

Kinh nghiệm của Iran và Iraq, thường khó thể so sánh với kinh nghiệm của Algeria, Bahrain, Egypt, Jordan, Libya, Oman, Morocco, Saudi Arabia, Sudan, Tunisia, và Yemen. Tuy nhiên, tất cả các xứ nầy, cũng như nhiều xứ khác chịu ảnh hưởng của các biến động hiện nay, đang phơi bày một vài yếu tố của khuôn mẫu chính trị độc tài và đều kết nối với trật tự dầu khí cũ. Algeria, Egypt, Iraq, Libya, Oman, và Sudan đều là những xứ sản xuất dầu khí; Egypt và Jordan giữ an toàn cho các tuyến dẫn dầu, và trong trường hợp Egypt, một kênh đào then chốt trong việc chuyển vận dầu; Bahrain và Yemen cũng như Oman với vị trí địa lý chiến lược dọc theo các tuyến đường hàng hải quan trọng. Tất cả đều nhận nhiều viện trợ quân sự của Hoa Kỳ và là nước chủ nhà của nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ. Trong tất cả các xứ nầy, người dân đều đã đứng lên đòi hỏi: "phải thay đổi chế độ".

Hai trong số các chế độ nầy đã sụp đổ, ba đang lung lay, và các xứ còn lại đang trong tình trạng lâm nguy. Tác động của giá dầu toàn cầu rất thúc bách và phủ phàng: vào ngày 9-3-2011, giá dầu thô North Brent giao động chung quanh 115 USD một barrel, mức cao nhất kể từ suy thoái kinh tế toàn cầu tháng 10-2008. West Texas Intermediate cũng vượt mức thềm 100 USD.

Cho đến nay, xứ sản xuất dầu quan trọng nhất Trung Đông, Saudi Arabia, chưa có dấu hiệu lâm nguy, nếu không, giá dầu có lẽ đã còn lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, vương quốc  Bahrain láng giềng cũng đã gặp nhiều rắc rối. Hàng chục nghìn người - hơn 20% dân số khoảng nửa triệu - đã nhiều lần xuống đường, mặc dù cảnh sát đe dọa và cũng đã sử dụng đạn thật để giải tán, trong phong trào đòi bải bỏ chính quyền độc tài của Quốc Vương Hamad ibn Isa al-Khalifa, thay thế bằng một chế độ thực sự do dân, vì dân, và của dân.

Những biến động hiện nay ở Bắc Phi và Trung Đông thật sự rất đáng lo ngại đối với cấp lãnh đạo Saudi vì phong trào đòi thay đổi ở Bahrain xuất phát từ sắc dân Shiite từ lâu bị sắc dân Sunni thiểu số cầm quyền áp bức.  Ở Saudi Arabia, sắc dân Shiite cũng chiếm đa số, tuy không bằng Bahrain, cũng bị kỳ thị bởi sắc dân thiểu số Sunni thống trị. Riyadh cũng lo ngại phong trào chống đối ở Bahrain có thể lan qua Tỉnh Miền Đông kế cận của Saudi Arabia - một khu vực của vương quốc nơi dân Sunni chiếm đa số và là một khu vực luôn thách thức chế độ Saudi. Nhằm chận đứng sự nổi dậy của lớp thanh niên trẻ tuổi, Quốc Vương Abdullah vừa mới hứa hẹn dành 10 trong số 36 tỉ USD để tài trợ các biện pháp cải cách nhằm giúp các công dân Saudi trẻ tuổi lập gia đình và tậu mãi nhà cửa.

Ngay cả khi phong trào chống đối không lan qua Saudi Arabia, trật tự dầu khí Trung Đông trước đây cũng không thể tái lập. Kết quả chắc chắn sẽ là một sự suy giảm dài hạn trong số dầu xuất khẩu tương lai.

Ba phần tư trong số 1,7 barrels dầu sản xuất hàng ngày đã biến khỏi thị trường từ khi biến động lan đến Libya. Phần lớn số dầu Libya chưa thể trở lại thị trường xuất khẩu trong một thời gian khó thể tiên liệu. Người ta có thể chờ đợi Egypt và Tunisia phục hồi mức sản xuất, tuy khiêm tốn trong cả hai quốc gia, trở lại thời kỳ tiền biến động. Tuy nhiên, hình thức hợp doanh với các đại xí nghiệp ngoại quốc để đẩy mạnh số dầu sản xuất, đồng thời giảm bớt quyền kiểm soát của các đối tác địa phương, rất khó lòng xảy ra. Iraq, với nhà máy lọc dầu lớn nhất vừa bị lực lượng đối nghịch phá hoại nặng nề trong tuần lễ cuối tháng 2-2011; và Iran không có dấu hiệu có thể tăng cường sản xuất đáng kể trong nhiều năm sắp tới.

Chỉ còn Saudi Arabia, xứ giữ vai trò then chốt, cũng vừa mới nâng mức sản xuất để bù vào số dầu mất mát của Libya trên thị trường toàn cầu. Tuy vậy, không ai có thể chờ đợi tình trạng nầy có thể kéo dài. Giả thiết hoàng gia Saudi có thể vượt qua sóng gió hiện nay, Saudi Arabia cũng phải dành một  phần ngày một lớn trong số dầu sản xuất để thỏa mãn nhu cầu quốc nội ngày một gia tăng, kể cả các kỹ nghệ dầu-khí-hóa-học đem lại việc làm với thù đáp cao cho người dân đang bất bình.

Trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2009, Saudi Arabia đã phải dành 2,3 triệu barrels mỗi ngày cho tiêu thụ quốc nội, và 8,3 triệu barrels để xuất khẩu. Chỉ khi Saudi Arabia tiếp tục cung ứng ít ra con số dầu xuất khẩu nói trên, thế giới mới có thể có đủ số dầu thỏa mãn nhu cầu tối thiểu. Điều nầy rất khó xảy ra. Hoàng gia Saudi đã tỏ ra ái ngại khi tăng số sản xuất lên trên 10 triệu barrels mỗi ngày, âu lo sẽ làm suy giảm lợi tức của các thế hệ mai sau. Cùng lúc, số cầu nội địa ngày một gia tăng. Tháng 4-2010, lãnh đạo công ty quốc doanh Saudi Aramco, Khalid al-Falih, đã tiên đoán: tiêu thụ quốc nội có thể lên đến 8,3 triệu barrels mỗi ngày vào năm 2028, do đó, dầu thặng dư để xuất khẩu chỉ còn vỏn vẹn vài triệu barrels. Vì vậy, nếu thế giới không chuyển hướng qua các nguồn năng lượng thay thế khác, chúng ta sẽ phải đối diện với hiện tượng đói dầu.

Nói một cách khác, nếu dự phóng căn cứ trên tình hình hiện nay ở Trung Đông, viễn ảnh đã rất u ám. Không một khu vực nào trên thế giới có đủ khả năng thay thế Trung Đông như vùng xuất khẩu dầu số 1. Nền kinh tế dựa trên dầu sẽ suy yếu, và kinh tế toàn cầu cũng gặp khó khăn theo.

Dịp tăng giá dầu gần đây mới chỉ là chấn động đầu tiên báo hiệu một khủng hoảng năng lượng lớn lao sắp đến. Dầu lửa sẽ không biến khỏi thị trường thế giới, nhưng trong những thập kỷ tới, sản lượng dầu sẽ không bao giờ đạt mức cần thiết đủ thỏa mãn số cầu dự phóng. Điều nầy có nghĩa không sớm thì muộn, khan hiếm sẽ là sự thật phủ phàng trên thị trường. Chỉ một sự triễn khai nhanh chóng các nguồn năng lượng thay thế và một sự sụt giảm đáng kể trong mức cầu dầu khí mới có thể giúp thế giới tránh khỏi những tác động kinh tế nghiêm trọng.

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM

Ở Hoa Kỳ, sự lựa chọn của Cục Dự Trữ Liên Bang tương đối dễ dàng. Kinh tế Hoa Kỳ khó bị tổn thương nhiều hơn, nhờ ở bệnh ghiền dầu từ trước và thuế đánh vào dầu khí còn thấp. Lạm phát chưa đáng quan ngại,  và kinh tế còn nhiều khả năng thặng dư. Do đó,  ngân hàng trung ương ít bị áp lực của giá dầu tăng bất ngờ.

Ở Âu châu, thuế suất cao, hậu quả của giá dầu đắt tương đối ít. Tuy vậy, các ngân hàng trung ương âu lo nhiều hơn khi giá dầu tăng cao. Và người dân e sợ phản ứng quá đáng của các ngân hàng trung ương có thể đẩy các nền kinh tế còn dễ tổn thương rơi trở vào suy thoái.

Mặt khác, nguy cơ lớn nhất trong thế giới đang phát triển là bất động. Giá dầu tăng đưa đến lạm phát, nhất là qua giá thực phẩm lên cao, vì thực phẩm vẫn còn chiếm một phần khá lớn trong ngân sách gia đình trong những xứ như TQ, Brazil, và Ấn Độ. Thực vậy, các ngân hàng trung ương đã nâng cao lãi suất, nhưng thường quá trể, chính sách tiền tệ còn quá lỏng lẻo, và lạm phát lên cao.

Thật không may, quá nhiều chính quyền  trong các quốc gia đang phát triển đã tìm cách chế ngự lạm phát và sự giận dữ của quần chúng qua các biện pháp trợ giá thực phẩm và nhiên liệu. Các biện pháp nầy không những khiến giới tiêu thụ không còn quan tâm nhiều đến vật giá gia tăng, mà còn rất tốn kém đối với các chính quyền liên hệ. Chẳng hạn, ngân sách mới và lạc quan của Ấn Độ khó tránh khỏi áp lực và rất dễ trở nên mất quân bình và khuy khiếm.

Nhưng nguy cơ lớn nhất vẫn là Trung Đông, nơi các biện pháp trợ giá thực phẩm và nhiên liệu rất phổ thông và các chính trị gia còn tăng thêm trợ cấp để dập tắt các biến động. Các xứ nhập khẩu nhiên liệu, như Ai Cập, đang đối diện với vòng xoáy trôn ốc giá dầu ngày một cao và trợ cấp ngày một lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản. Giải pháp là cần dẹp bỏ trợ cấp và tập trung khả năng vào việc giúp đỡ giới nghèo. Tuy nhiên, hiện nay không một nhà lãnh đạo Á Rập nào sẵn sàng đề nghị những cải cách tương tự.

Nguy cơ  tệ hại nhất là tác động h tương giữa giá dầu ngày một đắt và bất trắc chính trị trong một vòng lẫn quẩn. Ngay cả khi tránh được điều nầy, viễn ảnh ngắn hạn vẫn là bất ổn định lúc một trầm trọng trong kinh tế thế giới . Tuy nhiên, vẫn còn hiện hữu một tia hy vọng: phần thế giới còn lại cuối cùng cũng có thể đối phó với nguy cơ dễ thương tổn đối với giá dầu tăng cao và Trung Đông bất ổn. Danh sách những việc cần làm đã được biết rõ, từ việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở xe hơi chạy bằng điện đến phương cách ổn định giá dầu. Cuộc khủng hoảng dầu hỏa trong thập kỷ 1970 đã biến đổi kinh tế thế giới. Có lẽ cú sốc dầu khí 2011 cũng sẽ có kết quả tương tự.

TƯƠNG QUAN H THUỘC GIỮA GIÁ DẦU VÀ GIÁ THỰC PHẨM

Khi các sử gia tương lai truy nguyên các biến động ở Trung Đông, họ sẽ tìm thấy một trong những cuộc trỗi dậy đầu tiên đã xảy ra ở Algeria là do giá thực phẩm tăng cao. Ngày 5-01-2011, quần chúng xuống đường ở Algiers, Oran, và nhiều thành phố khác đã ngăn chặn giao thông, tấn công các trụ sở cảnh sát, đốt phá các cửa hiệu trong các cuộc biểu tình chống giá-thực-phẩm-ngày-một-đắt-đỏ.

Đã hẳn, tỉ suất thất nghiệp cao, tham nhũng tràn lan, khan hiếm gia cư  cũng là những quan ngại gây bức xúc, nhưng giá thực phẩm tăng cao là nguyên do đầu tiên. Khi tâm điểm phản đối của giới trẻ lan đến Tunisia, Ai Cập..., giá thực phẩm đã nhường chỗ cho các đòi hỏi chính trị, nhưng không bao giờ biến mất. Thực vậy, giá thực phẩm đắt luôn là đề tài quan trọng trong các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Jordan, Sudan, và Yemen. Với giá thực phẩm các loại tiếp tục tăng cao - một phần do hậu quả của giá dầu gia tăng song hành - nhiều cuộc chống đối tương tự chắc chắn sẽ xảy ra trong nhiều nơi khác.

Giá thực phẩm liên tục gia tăng giữ một vai trò quan trọng trong nhiều xứ đang phát triển vì đại đa số dân chúng chưa bao giờ được chia sẻ sự thịnh vượng trù phú với thân thuộc và  tay chân của giới cầm quyền chuyên chế trong nhiều năm, và vì thực phẩm đã chiếm một phần lớn trong ngân sách gia đình của họ. Trong nhiều tháng qua, giá thực phẩm gia tăng nhanh chóng - khoảng 50% đối với vài loại thực phẩm - nhiều gia đình nghèo đã lâm vào cảnh túng thiếu và khủng hoảng. Một người trẻ tham gia phản đối ở Algiers đã nói: "chính quyền đang làm nhục chúng tôi. Họ tăng giá đường. Chúng tôi phải trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền đường, tiền dầu. Tất cả chúng tôi đều nghèo".[1]

Điều  oái oăm là với giá dầu tăng vọt gần đây, phần lớn các xứ Trung Đông đều giàu tài nguyên năng lượng, do đó, đã thụ hưởng một sự gia tăng đáng kể trong lợi tức quốc gia. Tạm thời gác qua một bên vấn đề phân phối lợi tức, nhất là số thu nhập từ dầu lửa - thường đã được giới thống trị gửi vào các trương mục ngân hàng ngoại quốc - trong thực tế, giá dầu gia tăng đã làm số phận các công dân bình thường thêm phần cơ cực vì giá dầu tăng luôn kéo theo một sự gia tăng tương ứng trong giá các thực phẩm căn bản.

Đã hẳn, quan hệ chặt chẽ giữa giá dầu và giá thực phẩm bắt nguồn từ nhiều nguyên do. Trong nỗ lực tăng gia canh tác để nuôi sống dân số thế giới ngày một đông, nông dân đã phải sử dụng dầu khí ngày một nhiều trong nhiều khâu sản xuất.  Khuynh hướng nầy đã bắt đầu với nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, với cuộc Cách Mạng Xanh trong hai thập kỷ 1960 và 1970, và được nối tiếp bởi sự du nhập các hệ sinh vật thay đổi "gen" cũng như  sự phổ biến các nông trại kinh doanh theo hình thức nhà máy bởi các đại công ty.

 Dầu lửa cung cấp nhiên liệu  cần thiết cho nông cơ  cũng như các phương tiện chuyên chở nông sản đến thị trường, đôi khi cách xa hàng nghìn dặm. Dầu lửa cũng được dùng trong kỹ nghệ hóa sinh tiên phong hay "feedstocks" để sản xuất thuốc trừ sâu, diệt cỏ, và phân bón hóa học trong nông nghiệp kỹ thuật cao. Vì vậy, một sự gia tăng trong giá dầu luôn đưa đến gia tăng trong phí tổn sản xuất thực phẩm.

Liên hệ hỗ tương trở nên đặc biệt rõ ràng từ đại suy thoái 2008, khi giá dầu và thực phẩm tăng lên mức kỷ lục. Từ tháng 7-2007 đến tháng 6-2008, giá dầu thô đã gia tăng 87%, từ 75 lên đến 140 USD mỗi thùng. Trong cùng thời gian, giá thực phẩm căn bản cũng tăng vọt từ 160 lên 225 USD, so với giá trung bình 100 USD năm 2002-04, theo Chỉ Số Giá Thực Phẩm (Food Price Index) của Cơ Quan Lương Nông Quốc Tế (UNFAO).

Thực vậy, như Ngân Hàng Thế đã kết luận trong năm 2009, giá năng lượng và thực phẩm tăng cùng chiều là một điều không có gì đáng ngạc nhiên, bởi lẽ "sản xuất nông nghiệp đã lệ thuộc khá nhiều vào năng lượng. Giá dầu gia tăng đã làm tăng giá nhiên liệu sử dụng trong các hệ thống nông cơ và dẫn thủy nhập điền; nó cũng làm tăng giá phân bón và các hóa chất khác cần năng lượng để sản xuất"[2].

Mọi việc càng khó khăn hơn khi, trong nỗ lực đối phó với hiện tượng thay đổi khí hậu, giá dầu gia tăng đã thúc đẩy việc trồng tỉa các loại thảo mộc cần thiết cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học thay vì thực phẩm, vì vậy, càng làm tăng giá thực phẩm. Theo WB, khi giá dầu lên trên 50 USD mỗi thùng, cứ 1% gia tăng sẽ đưa đến 0,9% gia tăng trong giá bắp, "bởi lẽ mỗi USD gia tăng trong giá dầu sẽ tăng lợi nhuận của ethanol và vì vậy, số cầu nhiên liệu sinh học đối với ngô bắp"[3].

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi 2/3 số gia tăng trong số bắp sản xuất trên thế giới kể từ 2004 đã được sử dụng để thỏa mãn số cầu nhiên liệu sinh học của Hoa Kỳ, chỉ còn lại một lượng rất nhỏ để thỏa mãn nhu cầu thực phẩm và thức ăn gia súc, cũng ngày một tăng.

Giá thực phẩm tăng vọt trong năm 2008 đã đưa đến sự nổi loạn trong nhiều xứ , kể cả  Ai Cập, Haiti, và Pakistan. Trong nỗ lực tránh rối loạn, nhóm G-8 của các quốc gia giàu có, trong cuộc họp ở L'Aquila, Ý, đã hứa dành 20 tỉ USD ba năm liên tiếp để phát triển nông nghiệp trong thế giới đang phát triển. Tuy nhiên,  mãi đến 2011, chưa đến 1/20 con số nầy đã thực sự được đóng góp, và rất ít tiến bộ trong chương trình tăng gia sản lượng thực phẩm toàn cầu được ghi nhận. Ngày nay, với giá dầu một lần nữa tăng cao, giá thực phẩm rất có thể vượt quá mức kỷ lục, gây thêm nhiều rối loạn trên thế giới.

Thực vậy, những gì chúng ta đang chứng kiến là một vòng lẫn quẩn giá dầu gia tăng đưa đến giá thực phẩm tăng cao, đưa đến bạo loạn chính trị trong các xứ sản xuất dầu, khiến giá dầu tăng vọt, rồi giá thực phẩm lại gia tăng, và cứ thế tiếp tục.

Chu kỳ nguy hiểm vừa nói còn gia tăng bởi những hậu quả tăng tốc của hiện tượng thay đổi khí hậu. Trong khi khó thể quy trách một biến cố thời tiết đặc biệt nào đó cho hiện tượng thay đổi khí hậu, tần số  và cường độ gia tăng của các sự cố nghiêm trọng như nạn hạn hán ở Nga và Ukraine mùa hè năm ngoái, những trận lụt gần đây ở Úc, và hạn hán ở Bắc TQ, trùng hợp với các mô hình thay đổi khí hậu. Tất cả những thiên tai  vừa nói đều đã xảy ra trong những khu vực sản xuất lúa mì then chốt, đã nhen nhúm nổi e sợ số cung thực phẩm bất cập trước mắt và là nguyên nhân khiến giá thực phẩm gia tăng.

Cơn thịnh nộ do giá thực phẩm tăng cao rất có thể đã nhường bước cho các âu lo chính trị trước các biến động gần đây ở Bắc Phi và Trung Đông, tuy vậy, vẫn còn hiện hữu. Giá thực phẩm toàn cầu ngày nay vẫn ở mức cao hơn bất cứ lúc nào kể từ khi FAO bắt đầu thu thập Chỉ Số Giá Thực Phẩm cách đây hai thập kỷ, và chắc còn tăng cao khi giá dầu lửa gia tăng. Điều nầy xác nhận những cam kết của Nhóm G-8 trong năm 2009 nâng cao mức sản xuất nông nghiệp trong thế giới đang phát triển vẫn cấp thiết hơn bất cứ thời điểm nào, nhằm tăng gia lượng thực phẩm khả dụng với giá phải chăng.

Tóm lại, mọi thứ cuối cùng đều tùy thuộc ở dầu khí. Thế giới cần phải giảm thiểu tối đa mức tiêu thụ năng lượng để hạ thấp giá thực phẩm và nhiên liệu, giảm tốc độ hiện tượng thay đổi khí hậu. Và Hoa Kỳ cũng phải vĩnh viễn chấm dứt chính sách yểm trợ các nhà lãnh đạo độc tài trong các xứ giàu tài nguyên dầu khí.

 

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

13-4-2011


[1] The government is humiliating us. They are raising the price of sugar. We have to pay the rent, the electricity, water, sugar, and oil. We are all poor.

[2] ...'agricultural production is fairly energy intensive'. Rising oil price 'raised the price of fuels to power machinery and irrigation systems; it also raisede the price of fertilizer and other chemicals that are energy intensive to produce'.

[3] ...because every dollar increase in the price of oil increases the profitability of ethanol and hence biofuel demand for maize.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường