Biệt lệ và thế kỷ của Hoa Kỳ: Một huyền thoại

Vietsciences- Nguyễn Trường     12/05/2009
 

Những bài cùng tác giả

Với sự tan rã của Liên Bang  Xô Viết năm 1991, Hoa Kỳ đột nhiên được đẩy lên địa vị siêu cường duy nhất. Kỷ nguyên mới bắt đầu với tác phẩm The End of History and the Last Man (Chung cuộc của Lịch Sử và Người Cuối Cùng) của Francis Fukuyama xuất bản năm 1992, dọn đường cho sự ra đời của nhóm The Project For The New American Century năm 1997.

Mười hai năm sau, vào đầu năm 2009, trong một bài báo trên tờ Washington Post, Richard Cohen viết: Điều Henry Luce gọi là "Thế Kỷ của Hoa Kỳ" đã đi vào dĩ vãng[1]. Cohen nói đúng.

THẾ KỶ CỦA HOA KỲ RA ĐỜI

Khi tạp chí Time-Life sáng tạo ra cụm từ lừng danh đó, ý định của tác giả là kêu gọi người Mỹ phải hành động. Xuất hiện trên tờ Life, số ra ngày 7-2-1941, bài The American Century đã được tung ra vào lúc thế giới đang lâm vào một cuộc khủng hoảng lớn lao. Cuộc chiến ở Âu châu đã bị chệch hướng một cách tai hại. Cuộc chiến thứ hai không kém nguy hiểm đang diễn ra ở Viễn Đông. Phe Trục hiếu chiến đang thắng thế.

Với số phận của các quốc gia dân chủ đang lâm nguy, người Mỹ mãi chần chừ. Luce kêu gọi Hoa Kỳ nên "sốt sắng dấn thân chấp nhận nhiệm vụ và cơ hội của quốc gia hùng mạnh và nòng cốt nhất thế giới...để vận dụng toàn bộ ảnh hưởng của chúng ta trên thế giới nhằm thành đạt những mục tiêu chúng ta thấy thích hợp và bằng  những phương tiện chúng ta thấy thích hợp".[2]

Henry LuceNgày nay nhìn lại, bài xã luận của Henry Luce, một pha trộn kỳ lạ thái độ ái quốc thái quá với tự tôn đến kiêu căng, không có đủ lý do để đứng vững. Tuy vậy, cụm từ "Thế Kỷ của Người Mỹ" đã được vồ vập và phổ biến nhanh chóng. Nó đã thượng tồn và giữ một vị trí trong kỷ nguyên đương đại tương tự như Thời Đại Victorian trong thế kỷ 19. Trong một cụm từ gẩy gọn, ý niệm nầy đã gói ghém được cốt lõi của một sự thật: nước Mỹ luôn sẵn sàng cứu rỗi và hỗ trợ, giữ vị trí tiên phong và hướng đạo trong lịch sử, và là nguồn cảm hứng cho nhân loại.

Trong hình thức cổ điển, châm ngôn của "Thế Kỷ Hoa Kỳ" Thiện thắng Ác, Chính thắng Tà. Hoa Kỳ, nhất là lực lượng quân sự của Hoa Kỳ, bảo đảm sự đắc thắng của Thiện và Chính. Nhưng mãi đến khi được thúc đẩy lần chót ngày 7-12-1941, người Mỹ mới sẵn sàng chấp nhận nhiệm vụ lãnh đạo, nhờ đó, đã giúp thế giới thoát khỏi nhiều chế độ toàn trị tàn bạo kế tiếp. Và người Mỹ không những đã duy trì, mà còn trở thành mô hình, của tự do nhân bản.

 

 

TỪ MẪU MỰC ĐẾN TỰ TÔN THÁI QUÁ

Nguyên thủy của Thế Kỷ Của Hoa Kỳ, theo các tín đồ gốc Mỹ, là thế.

Nhận thức nầy đặt ra hai vấn đề. Trước hết, các tín đồ Mỹ đã tự giành cho mình quá nhiều công trạng. Thứ đến, nhận thức quá chủ quan hay tự tâng bốc quá đáng đã loại ra ngoài, không quan tâm, hay quá coi thường nhiều sự kiện lịch sử.

Hậu quả là người Mỹ đã nuôi dưỡng một loạt ảo tưởng - dù ít nhiều có giá trị trong nhiều thập kỷ trước đây - từ lâu không còn lợi ích thực tế. Nói một cách ngắn gọn, sự duy trì quá lâu dài một huyền thoại tự tôn đã khiến các tín đồ Mỹ đánh mất bản chất của chính mình, gây trở ngại cho chính nỗ lực lèo lái con thuyền quốc gia qua những thời kỳ sóng gió mãi cho đến ngày nay. Nói trắng ra, người Mỹ đã kéo dài cuộc sống trong huyền thoại, ngày một xa thực tế, và ngày nay đã biến thái thành một ung bướu ác tính. Mặc dù Richard Cohen có thể đã đúng khi tuyên bố Thế Kỷ của Người Mỹ đã cáo chung, dân Mỹ, nhất là  giới lãnh đạo chính trị, vẫn còn chìm đắm trong huyền thoại tự tôn.

Muốn rút tỉa những bài học quá khứ hữu ích cho hiện tại, người Mỹ phải biết sẵn sàng trả lại cho lịch sử những sự kiện Thế Kỷ Hoa Kỳ đã gạt bỏ ra ngoài.

Chẳng hạn, trong chừng mức sự sụp đổ của các chế độ toàn trị xứng đáng được xem như một bài học lịch sử đương đại nổi trội, công đầu cho thành tích nầy rõ ràng thuộc về Liên Bang Xô Viết. Để đánh bại Đức Quốc Xã (Third Reich), Liên Xô đã phải gánh chịu đến 65% số thương vong của phe Đồng Minh trong Đệ Nhị Thế Chiến, so với 2% của Hoa Kỳ. Trước sự kiện lịch sử nầy, các cựu quân nhân lão thành Mỹ phục vụ trong thời Thế Chiến tưởng cần phải tỏ lời cám ơn với nguyên lãnh tụ Cộng sản Stalin.

Việc Hoa Kỳ tự cho mình có công đầu trong quá trình triệt hạ Wehrmacht đâu khác gì hãng Toyota tự giành cho mình thành tích phát minh xe hơi. Người Mỹ trong thực tế đã nhập cuộc muộn màng, nhưng rồi nhanh nhẹn giành công đầu trong chiến thắng.

Thế Hệ Vĩ Đại, thực sự,  chính là thế hệ người Nga tự nguyện hy sinh hàng triệu đồng bào Xô Viết của họ để đổi lấy hàng triệu binh sĩ Đức Quốc Xã tử vong.

Trong thời Chiến Tranh Lạnh tiếp theo sau Đệ Nhị Thế Chiến, hàng ngũ phe Đồng Minh trước đây đã biến thái thành những quốc gia đối lập cạnh tranh. Một lần nữa, Hoa Kỳ , sau nhiều thập kỷ tranh giành ảnh hưởng, đã nghiễm nhiên trở thành siêu cường duy nhất.

Thành tích mới nầy đã phản ảnh rất ít vai trò xuất chúng của các chính khách Hoa Kỳ, trong thực tế, đã phản ảnh rất nhiều tình trạng bất lực của các vị cầm đầu Điện Cẩm Linh. Các lãnh đạo Nga, vụng về, khắt khe, độc đoán, đã phạm nhiều lỗi lầm trong vai trò lèo lái khối Xô Viết cho đến khi toàn bộ hệ thống tan vỡ, vĩnh viễn đánh mất uy tín của chũ nghĩa Marx-Lenin như một hệ ý thức thay thế, đối với chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do. Con rồng Xô Viết đã tự hủy hoại. Các xứ Tây phương thật ra phải biết cám ơn các đồng chí Gueorgui Malenkov, Nikita Sergeyevich Khrushchev, Leonid Brezhnev, Yury Vladimirovich Andropov, Konstantin Ustinovich Chernenko và Mikhail Sergeyevich Gorbachev.

Gueorgui Malenkov, Nikita Sergeyevich Khrushchev, Leonid Brezhnev

 

Yury Vladimirovich Andropov, Konstantin Ustinovich Chernenko và Mikhail Sergeyevich Gorbachev

 

LỖI LẦM VÀ TỘI ÁC

 

Những gì các tín đồ của giáo phái "Thế Kỷ của Hoa Kỳ" đã gạt ra ngoài tự truyện huyền thoại, không những là phần đóng góp của phe "Ác-Tà", mà còn nhiều bước chệch đường, những lỗi lầm, những tội phạm của chính Hoa Kỳ - những nguyên nhân đưa đến những bi lụy của người Mỹ hiện nay.

Những sai lầm và tội ác mang nhãn hiệu "made in Washington", nếu không thể xếp loại chung với nạn diệt chủng Armenian, cuộc cách mạng Bolshevik, thái độ cầu hòa với Adolf Hitler, hay Holocaust, cũng vẫn là những sự kiện lịch sử mang tính tai họa. Nếu được tính sổ một cách khách quan, các sự kiện nầy nhất thiết đã phải làm rúng động nhiều người, khiến khúc tự tình của giáo phái "Thế Kỷ của Hoa Kỳ"thêm phần chối tai chát chúa.

Thử đơn cử một vài sự kiện quen thuộc, mặc dù hệ lụy của những sai lầm ngày nay chúng ta đang phải đối diện, luôn được cố tình che giấu.

(1) CUBA:

 Năm 1898, Hoa Kỳ đã tuyên chiến với Tây Ban Nha dưới chiêu bài giải phóng khu vực được gọi là Hòn Ngọc Antilles (the Pearl of the Antilles). Khi cuộc chiến ngắn ngủi chấm dứt, Hoa Thịnh Đốn đã nuốt lời hứa. Nếu thực sự đã có một Thế Kỷ của Hoa Kỳ, thì đây là điểm khởi đầu, với chính phủ Mỹ đã chối bỏ một cam kết long trọng trong khi luôn tuyên bố trái ngược một cách sống sượng. Qua quyết định biến Cuba thành một xứ bảo hộ (protectorate), Hoa Kỳ đã khởi động một chuỗi dài các biến động cuối cùng đã đưa đến sự trỗi dậy của Fidel Castro, sự kiện Vịnh con Heo (Bay of Pigs), Chiến dịch Mongoose, vụ Khủng Hoảng Tên Lửa Cuban, và trại tù Guantanamo Bay hiện nay. Khúc tuyến nối liền các biến động vừa kể có thể không phải là một đường thẳng, với những bước ngoặc quanh co, nhưng luôn liên hệ chặt chẽ với nhau.

 

Fidel Castro

(2) BOM HẠT NHÂN:

Vũ khí hạt nhân thường trực đe dọa sự trường tồn của nhân loại. Được sử dụng bừa bải, loại vũ khí nầy có thể triệt tiêu mọi văn minh trần thế. Viễn tượng vài xứ tương đối nhỏ bé như Bắc Hàn, Iran, đang tìm cách thủ đắc vũ khí nguyên tử, cũng đủ gây căng thẳng cân não trên toàn thế giới.  Tổng Thống mới Barack Obama, cũng như một số tổng thống Mỹ trước ông, đã tuyên bố: hủy bỏ loại vũ khí ghê rợn nầy là việc làm cấp thiết. Điều không một tổng thống nào muốn xác quyết là vai trò của Hoa Kỳ trong quá trình trùm phủ lên nhân loại hiểm họa  nguyên tử tai ương nầy.

Hoa Kỳ đã phát minh ra vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ - nước duy nhất trong câu lạc bộ hạt nhân - đã thực sự sử dụng bom nguyên tử như một vũ khí chiến tranh. Hoa Kỳ cũng là nước dẫn đầu trong việc xác quyết khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử như tiêu chí quyền lực trong thế giới thời hậu chiến, khiến các cường quốc như Xô Viết, Anh, Pháp và Trung Quốc thi đua cố bắt kịp. Ngày nay, Hoa Kỳ vẫn duy trì sẵn sàng một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, và nhất quyết từ chối cam kết chính sách không-sử-dụng-trước (no-first-use policy), mặc dù luôn tỏ ra kinh tởm trước viễn tượng một nước nào đó lăm le noi gương Hoa Kỳ.

 

(3) IRAN:

Chìa tay trước cho Tehran, Tổng Thống Obama muốn mời gọi cấp lãnh đạo Cộng Hòa Hồi giáo buông lỏng nắm tay của mình (unclench their fists). Tuy vậy, nắm tay thù nghịch Iran phần lớn là tác phẩm của chính người Mỹ.

Nhiều người Mỹ chỉ bắt đầu biết đến Iran từ cuộc khủng hoảng con tin năm 1979-81,  khi một số sinh viên Iran chiếm tòa đại sứ Mỹ ở Tehran, giam giữ vài chục nhà ngoại giao và sĩ quan Mỹ, và áp đặt một bài-học-444-ngày-nhục-nhã lên chính quyền Jimmy Carter.

Đối với đa số người Iran, câu chuyện quan hệ Mỹ-Iran đã khởi đầu sớm sủa hơn nhiều, đã thực sự bắt đầu từ năm 1953, khi một số nhân viên tình báo CIA, phối hợp với các đối tác người Anh, lật đổ chính quyền dân cử của Thủ Tướng Mohammed Mossadegh và phục hồi ngôi báu cho Shah of Iran. Âm mưu thành công. Quốc vương Iran, The Shah, giành lại ngôi báu. Người Mỹ được tưởng thưởng dầu khí cùng với một thị trường tiêu thụ vũ khí béo bở. Người dân Iran phải gánh chịu nhiều thua thiệt. Tự do, dân chủ không hề được phát huy. Thái độ thù nghịch năm 1979,  với sự chiếm đóng tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Tehran, không phải không có lý do chính đáng.

Jimmy Carter, Shah-Reza-Pahlavi

   

 

(4) AFGHANISTAN:

Tổng Thống Obama không phải phí nhiều thì giờ để biến cuộc chiến Afghanistan thành cuộc chiến của chính ông. Giống như người tiền nhiệm, Obama quyết chí đánh bại phe Taliban. Cũng như người tiền nhiệm, trước hết,  Obama sẽ phải đối diện với vai trò của nước Mỹ trong việc khai sinh ra phe Taliban nguyên thủy. Hoa Thịnh Đốn, một thời, đã rất hãnh diện với sự thành công trong vai trò tiếp liệu vũ khí và viện trợ cho người Afghanistan cực đoan, trong cuộc thánh chiến chống quân chiếm đóng nước ngoài. Dưới thời Jimmy Carter và Ronald Reagan, thành tích nầy đã được xem như đỉnh cao của nghệ thuật trị quốc. Sự yểm trợ của Hoa Kỳ cho tổ chức Afghan Mujahideen đã gây rất nhiều nhức nhối, khó khăn cho người Xô Viết. Tuy nhiên, cùng lúc, đó cũng là đầu mối khai sinh ra ung nhọt ác tính để rồi lại gây ra nhiều tổn thất cho chính Hoa Kỳ - và quân lực Hoa Kỳ ngày nay đã sa lầy trong một cuộc chiến chưa thấy dứt điểm.

 

Kaboul đổ nát

 

HÀNH VI SẤM HỐI

Nếu Hoa Kỳ trước đây đã hành động trái ngược, liệu Cuba đã có thể phát triển trở thành một nền dân chủ ổn định và thịnh vượng, một hải đăng hy vọng cho châu Mỹ La Tinh? Liệu thế giới đã tránh được hiểm họa vũ khí hạt nhân? Liệu Iran ngày nay đã có thể là một đồng minh của Mỹ, một hải đăng tự do trong thế giới Hồi giáo, thay vì một thành viên của trục ma quỹ? Liệu Afghanistan đã có thể là một xứ an lạc sống hòa bình với các nước láng giềng?

Đã hẳn, không ai có thể đoan chắc điều gì đã có thể xẩy ra. Điều chúng ta biết chắc là các chính sách, do các chính khách kinh nghiệm, lừng danh, ở Hoa Thịnh Đốn, soạn thảo, ngày nay đã tỏ rõ cực kỳ sai quấy.

Vậy người Mỹ nên xử lý như thế nào trước các chính sách rõ ràng thiếu sáng suốt nói trên?

Nhiều người Mỹ có thái độ tiêu cực, thoải mái, và tự trấn an, tránh nhìn thẳng sự thật, nhờ đó, có thể duy trì tự truyện "Thế Kỷ của Hoa Kỳ". Đó là thái độ của phái Tân Bảo Thủ do nhóm Bush, Cheney, Rumsfeld, Condoleezza Rice, Wolfowitz...lãnh đạo.

Bush, Cheney

Rumsfeld, Condoleezza Rice, Wolfowitz

 

Một số người Mỹ khác, tích cực hơn, lại nghĩ,  nên tránh giải pháp dễ dàng đầy cám dỗ đó, và chấp nhận một thái độ hoàn toàn trái ngược: công khai thú nhận lãnh đạo chính trị trước đây đã sai lầm, người Mỹ đã làm hỏng mọi việc. Họ nghĩ chỉ có thái độ thẳng thắn, can đảm đó mới có thể giúp người Mỹ tránh lặp lại cùng những lỗi lầm. Có thể nói, Godfrey Hodgson, thuộc Đại Học Yale, và Andrew Bacevich, thuộc Boston University, là hai đại diện hùng hồn, mạch lạc nhất của nhóm nầy.

Godfrey Hodgson, Andrew Bacevich

Thực vậy, người Mỹ cần phải công khai nhận lỗi. Để tránh lặp lại sai lầm, người Mỹ cần một thái độ chân thành hối lỗi. Người Mỹ phải xin lỗi dân Cuba, vì đã làm vẩn đục quan hệ Mỹ-Cuba trong nhiều thập kỷ. Tổng Thống Obama nên đại diện nhân dân Mỹ xin lỗi người Nhật ở Hiroshima và Nagasaki. Tổng Thống Obama cũng nên tỏ rõ nổi hối tiếc sâu xa của nhân dân Mỹ với người Iran, người Afghanistan, và ngay cả với người Iraq, người Việt Nam..., về những tai họa gây ra do các chính sách can thiệp của Mỹ vào nội tình các xứ liên hệ.

Theo nhóm thứ hai, Hoa kỳ nên làm những việc trên, và không nên chờ đợi một đáp ứng nào từ các xứ nạn nhân. Dù người Mỹ có nói gì, làm gì đi nữa, Fidel Castro cũng sẽ không thú nhận Cuba cũng có phần lỗi của mình. Người Nhật cũng sẽ không xếp Hiroshima chung với Pearl Harbor và xúy xóa. Các lãnh tụ Hồi giáo mullahs Iran, các lãnh tụ thánh chiến jihadists Afghanistan cũng sẽ không "let bygones be bygones"!

6/8/1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima giết 78 ngàn người ngay ngày đầu tiên...

Người Mỹ phải xin lỗi họ, vì chính quyền lợi của nhân dân Mỹ - để tự gột rửa những kiêu căng "Thế Kỷ của Hoa Kỳ", và để xác nhận Hoa Kỳ đã tham gia vào các việc làm man rợ, điên cuồng, và thảm kịch của thời đại. Với những tội phạm đó, người Mỹ phải tự gánh lấy trách nhiệm.

Để giải quyết những vấn đề trên, người Mỹ cần phải nhìn lại chính mình, để thấy rõ thực sự mình là ai. Muốn vậy, người Mỹ phải cùng lúc tự rủ bỏ mọi ảo tưởng trong huyền thoại "Thế Kỷ của Hoa Kỳ".

 

HUYỀN THOẠI "BIỆT LỆ HOA KỲ"

Những ai tin tưởng Hoa Kỳ có sứ mệnh đặc biệt - phát huy tự do, dân chủ, nhân quyền trên thế giới - hiện đang đứng trước một thời vận cực kỳ bất lợi. Hai cuộc chiến chưa thấy dứt điểm và sự sụp đổ của hệ thống tài chánh đang gieo rắc ấn tượng một siêu cường trên đà tuột dốc. Các lý tưởng của Hiệp Chủng Quốc, ngày một hoen ố dưới hai nhiệm kỳ tổng thống của George W. Bush, chỉ có thể được cải thiện bởi sự tái khẳng định tiềm năng của nước Mỹ qua tư cách của người kế nhiệm.

 

Thomas PaineTừ ngày khai sinh Cộng Hòa Hiệp Chủng Quốc, ý tưởng hứng khởi "thành phố trên đỉnh đồi"[3] luôn ẩn náu ở một nơi sâu thẳm trong tâm thức người Mỹ. Như Thomas Paine từng phát biểu, "Chính nghĩa của Hoa Kỳ phần lớn cũng là chính nghĩa của nhân loại"[4]. Nói một cách khác, Hoa Kỳ là biệt lệ, không chỉ hành động vì quyền lợi và tham vọng tranh giành đất đai và châu báu như bất cứ quốc gia nào, mà còn nung nấu bởi sứ mệnh, như lời của Lincoln, bảo đảm đem lại cho hành tinh ý niệm "chính quyền của dân, do dân, vì dân"[5]. Cốt lõi của ý niệm biệt lệ Hoa Kỳ (American exceptionalism) là một sứ mệnh , một niềm tin, của một quốc gia đang vâng theo tiếng gọi hướng thượng toàn cầu.

Đây chính là ý niệm, Godfrey Hodgson - một tác giả người Anh rất thông hiểu Hoa Kỳ, đồng thời cũng là người tình đã vỡ mộng với Hoa Kỳ - đã mổ xẻ trong tác phẩm: "The Myth of American Exceptionalism"(Huyền Thoại về Biệt Lệ Hoa Kỳ). Như nhan đề đã gợi ý, Hodgson không bị thuyết phục bởi huyền thoại sứ mệnh toàn cầu của nước Mỹ. tác giả viết, Hoa Kỳ đã chỉ trở thành một trong những nước lớn nhưng thiếu hoàn hảo[6]. Không chỉ nghi ngờ, Hodgson còn giận dữ, thất vọng trước sự nhào nặn mang tính tôn giáo, tự tôn, và hữu khuynh, một ý tưởng vốn cao quí. Ông đưa ra luận cứ: Một tập hợp những niềm tin, trong cốt lõi mang tính tạo dựng tự do, đã bị thối rữa thui chột trong 30 năm qua bởi sự tự tin thái quá và quyền lợi riêng  tư, nay đã biến thái thành một căn bản nguy hiểm cho chính sách quốc gia và hệ thống quốc tế [7].

 

Không ai có thể chối cãi hiện tượng "thối rửa, thui chột" vừa nói. Chính sách biệt lệ hung bạo đã biểu hiện rõ nét trong quá trình tranh cử trong năm rồi khi các đảng viên Cộng Hòa, một đảng chính trị với sức mạnh tinh thần cằn cổi, đã ra sức thu góp chút năng lượng chính trị còn leo lét từ ý niệm thiên mệnh cuồng nhiệt trong suốt 8 năm cầm quyền của đảng Cộng Hòa. Nhưng cử tri Mỹ không còn tha thiết với chiêu bài biệt lệ; họ chỉ vồ vập chương trình bảo hiểm y tế kiểu Âu châu.

Vào thời điểm quyết định nầy, tác phẩm của Hodgson đã đem lại một sự thẩm duyệt điều mà tác giả gọi là tự truyện chắt lọc và biến dạng về đức tính biệt lệ của Hoa Kỳ[8].

Ngay từ đầu, Hodgson đã nói, Hoa kỳ thực ra ít "biệt lệ" hơn là họ tưởng tượng. Nếu đọc lại lịch sử, chúng ta hẳn biết:  các nhà lập quốc là những hậu duệ tinh thần của Thời Đại Khai Sáng, tư tưởng chính trị cấp tiến của họ đã được un đúc bởi John Locke,  David Hume, Charles Montesquieu và François Voltaire[9].

John Locke, David Hume

 Charles Montesquieu và François Voltaire

 

Theo Hodgson, bên cạnh những dị biệt, Hoa Kỳ và Âu châu trong thế kỷ 19, trong cốt lõi, đều là thành tố của cùng một nền văn minh tư bản tự do, cấp tiến[10]. Tuy nhiên,  Hodgson vẫn xác quyết, cuộc cách mạng Hoa Kỳ đã khai sinh một Cộng Hòa rộng lớn đầu tiên trên thế giới, và đã thay ý niệm quyền do thiên mệnh, thừa kế, và tính chính đáng tục thức với quyền hành tối thượng của người dân[11]. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả những nét độc đáo đó đã được thể hiện ngay cả khi giới lãnh đạo đương quyền vẫn chấp nhận cái mà Hodgson gọi là dòng mạch đức tin tôn giáo vào số phận trong khuôn mẫu ái quốc của người Mỹ - thứ sở thích loại ngôn từ chuộc tội và cứu rỗi rất rõ nét từ Lincoln qua Woodrow Wilson cho đến Reagan và Bush[12].

Lincoln, Woodrow Wilson, Reagan

 

Tác phẩm của Hodgson trải dài theo hai lối: con đường của một dân tộc, từ chủ nghĩa biệt lệ vươn tới chỗ quá-tầm-với và ngông cuồng, và con đường chính tác giả dõi theo, từ một phóng viên trẻ tuổi ở Hoa Thịnh Đốn tìm thấy cảm hứng trong "Đại Xã Hội với bình đẳng chủng tộc và sẻ chia thịnh vượng" đến vỡ mộng cay chua[13]. Đôi khi phần tự truyện của phóng viên hầu như lấn át phần tự truyện của cả một dân tộc.

Chẳng hạn, Hodgson nói, biên giới mới dài rộng của Hoa Kỳ đã đem lại cho nước Mỹ một sắc thái khác với Âu châu, và đã giúp định hình những ý niệm riêng về tự do; nhưng tác giả đã không thể cưởng lại ý tưởng riêng nên đã phải viết tiếp: ký ức tập thể của người Mỹ đã đưa đến sự thẩm định thiếu sót về tầm mức ảnh hưởng của các biến cố trong lịch sử Âu châu đối với quá trình bành trướng về phía tây của chính Hoa Kỳ[14]. Đã hẳn, việc tậu mãi Louisiana là một giao dịch bất động sản kỳ diệu phương hại cho người Pháp, nhưng thử hỏi cử chỉ đó đã làm giảm thiểu tinh thần đặc thù cá nhân chủ nghĩa và doanh thương của người Mỹ như thế nào?

Tác phẩm của Hodgson đăc biệt thuyết phục khi mô phỏng quá trình biến thái trong tư tưởng của người Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Sự kiện Chiến Tranh Lạnh cáo chung đã để lại siêu cường duy nhất Hoa Kỳ với sứ mệnh toàn cầu được tăng cường mang tính định mệnh. Bắt đầu với phản ứng của phái bảo thủ trước cao trào phản văn hóa (counterculture) của thập kỷ 1960s, chính trị Mỹ đã rẽ lối qua phía hữu, vun quén huyền thoại uy lực Hoa Kỳ. Giới lao động lép vế trước các đại công ty chủ nhân và giới tài phiệt Wall Street được hoàn toàn buông lỏng tự tung tự tác trong khi chủ nghĩa tư bản giữ địa vị chủ nhân ông như một cánh của huyền thoại biệt lệ Hoa Kỳ ngang hàng với lý tưởng dân chủ. Chiến tranh văn hóa đã đưa đến sự trỗi dậy của cánh hữu tân cơ đốc quyết tâm bảo vệ hệ giá trị Mỹ, không những chống lại văn hóa tự do luyến ái của các đô thị duyên hải, mà cả văn hóa Canada và Âu châu đang miệt thị văn hóa tôn sùng hình phạt tử hình. Hậu quả, theo Hodgson, là một Hiệp Chủng Quốc biệt lệ không phải nhờ giá trị đạo đức mà vì các bất cập và hoang tưởng.

Số phạm nhân cao giữ kỷ lục biệt lệ. Chất lượng các dịch vụ y tế  tồi tệ đến mức biệt lệ. Cấp độ bất quân bình xã hội cũng sâu rộng biệt lệ. Giáo dục công lập cũng xuống cấp một cách biệt lệ. Xu hướng Mỹ hóa sự kiện Holocaust và ủng hộ Do Thái  một cách mù quáng vô điều kiện đã chứng tỏ khả năng nhắm mắt trước các sự thật phủ phàng, kể cả thái độ thờ ơ của Mỹ trước nạn diệt chủng của Hitler khi đang tiếp diễn.

Mọi chi tiết từ số phận hẩm hiu của sắc dân da dỏ bản địa đến tính keo kiệt trong ngạch số ngoại viện Hoa Kỳ đều được đơn cử như những nguyên do đáng phiền trách. Dù phải bỏ qua những tiểu tiết, cũng phải công nhận Hodgson đã nắm bắt được vấn đề.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá khắt khe để kết luận một Hoa Kỳ, không quá tự tôn, ôn hòa và trách nhiệm, chỉ nên ứng xử như bất cứ một thành viên nào khác trong cộng đồng quốc tế.

Hoa Kỳ đã được khai sinh như một ý tưởng, vẫn có thể và nên theo đuổi lý tưởng của mình. Trên nhiều phương diện, Hoa kỳ vẫn còn có thể là thành trì ý thức hệ cuối cùng của hành tinh. Chúng ta đều biết Ấn Độ và Trung Quốc là những đại cường đang lên, nhưng vẫn chưa thể xác quyết họ đang và sẽ đại diện cho một hệ tư tưởng hay giá trị phổ quát nào. Một Hoa Kỳ hồi sinh và hoàn toàn đánh mất hình ảnh một quốc gia tiên phong theo đuổi lý tưởng tự do, dân chủ, pháp trị, và tự do kinh doanh, là một điều chưa hẳn đáng mong muốn.

Bí quyết là bằng cách nào để thể hiện và phát huy những lý tưởng đó trong một thế giới liên kết hỗ tương với nhiều vấn đề đòi hỏi giải pháp chung. Cường điệu,  kiêu căng, tham lam, bá quyền, kẻ cả ... không phải là con đường dẫn tới tiến bộ. Hòa hợp, tương kính, tương thân, tương trợ, tương nhượng ...có lẽ là lý tưởng với nhiều cơ may đem lại hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc cho thế giới ngày mai.

Tổng Thống Obama cho biết ông tin ở biệt lệ Hoa Kỳ, một biệt lệ cơ sở trên giá trị nhân bản hơn là cường lực. Ông cũng đã bắt đầu điều chỉnh những sai lầm Hodgson liệt kê trên đây. Thách thức lớn nhất đối với Obama là bằng cách nào thể hiện được những cải cách thiết yếu mà không phương hại, tổn thương những lý tưởng cao đẹp nói trên của người Mỹ. Để thành công, có lẽ Obama cần chứng tỏ một thái độ ôn hòa vừa phải, cần chọn lựa những ngôn từ sám hối nhẹ nhàng khả dĩ đoàn kết toàn dân Mỹ trong niềm tin của Lincoln "hy vọng tốt đẹp nhất cuối cùng của hành tinh"[15].

 

Mong lắm thay!

 

 

© GS Nguyễn Trường

Irvine, CA, USA

9-5-2009

 

 

SÁCH THAM KHẢO:

(1) The Limits of Power: The End of American Exceptionalism, Andrew Bacevich, 2009, Amazon.com.

(2)  The Myth of American Exceptinalism, Godfrey Hodgson, Yale University Press, 2009.

 

 

[1] What Henry Luce called 'The American Century ' is over.

[2] ...to accept wholeheartedly our duty and our opportunity as the most powerful and vital nation in the world ...to exert upon the world the full impact of our influence, for such purposes as we see fit and by such means as we see fit.

[3] ...city on the hill.

[4] The cause of America is in a great measure the cause of all mankind.

[5] ...government of the people, by the people, for the people.

[6] The United States has become just one great , but imperfect, country among others.

[7] What has been essentially a liberating set of beliefs has been corrupted over the past 30 years or so by hubris and self-interest into what is now a dangerous basis for national policy and for the international system.

[8] America's distorted and selective narrative of exceptional virtue.

[9] ...the founding fathers were intellectual descendants of the Enlightenment, their progressive politics shaped by the likes of Locke, Hume, Montesquieu and Voltaire.

[10] 19th-century America and 19th-century Europe were essentially two parts of the same progressive, liberal capitalist civilization.

[11]    replaced divine right, and hereditary right, and customary legitimacy, with the supreme authority of the people.

[12] ...the thread of religious destiny in the pattern of American patriotism - that taste for the language of redemption and salvation evident from Lincoln through Wilson to Reagan and Bush.

[13] Hodgson's story follows two paths: the nation's, from exceptionalism to overreach and delusion, and his own, from a young Washington correspondent inspired by a "Great Society of racial equality and shared prosperity" to disillusionment.

[14] The collective American memory has underplayed the extent to which the westward expansion took place as a result of events in European history.

[15] Lincoln's "last best hope of earth".

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường