Cách mạng xanh và địa kinh tế chính trị

Vietsciences-  Nguyễn Trường        28/02/2011

 

Những bài cùng tác giả

Năm 2009 là một năm tồi tệ đối với Hoa Kỳ: một nước sản xuất và xuất khẩu vũ khí hàng đầu , với khoảng 68,4% thị trường toàn cầu năm 2008, giá trị xuất khẩu đã sụt giảm đến gần 16 tỉ trong năm 2009 vì khủng hoảng kinh tế thế giới. Tưởng cũng nên nhắc lại, vũ khí là một trong số ít sản phẩm của Mỹ có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu hiện nay. Trong  mọi trường hợp, một xứ giàu có ở Trung Đông cũng đã góp phần trợ giúp Hoa Kỳ. Thực vậy, Saudi Arabia hiện đang hỗ trợ Hoa Kỳ trên thị trường vũ khí tương tự như Trung Quốc từ lâu đã làm trên thị trường trái phiếu ngân khố.

Theo Jim Lobe thuộc Inter Press Service, Saudi Arabia đã đồng ý mua 84 phi cơ F-15 và 175 phi cơ trực thăng, như một phần trong thỏa ước mua bán vũ khí lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu của Hoa Kỳ. Ngoài ra, thỏa ước bán vũ khí, sắp được Tòa Bạch Ốc đưa ra Quốc Hội phê chuẩn nay mai, còn kèm theo một thỏa ước phụ, trị giá 30 tỉ USD, để nâng cấp các lực lượng hải quân, và có thể một thỏa ước khác hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng thủ. Những giao dịch nầy, theo Lobe, cũng đã vượt quá giá trị các thỏa ước chuyển giao vũ khí quy ước ký kết với toàn thể các quốc gia phát triển và đang phát triển khác trên thế giới trong năm 2009, trị giá khoảng 57,5 tỉ USD.

Mặc dù đối tượng của số vũ khí nầy, trên lý thuyết, là Iran, quân đội Saudi Arabia, với toàn bộ vũ khí tạo mãi, vẫn chẳng mấy ưa thích chiến tranh, hay có thể chiến đấu hữu hiệu. Tuy nhiên, điều nầy chắc chắn  có nghĩa hàng tỉ mỹ kim vũ khí sẽ được dành cho Do Thái, với mục đích bảo đảm thăng bằng lực lượng trong khu vực.

Tóm lại, người ta có thể xem những giao dịch vừa kể như một gói cứu trợ của các quốc gia khách hàng góp phần giúp Hoa Kỳ duy trì một số công ăn việc làm trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, nếu muốn biết năng lượng gió, mặt trời, than đá... đang được triển khai trên thế giới theo chiều hướng nào, chúng ta nên quan sát Trung Quốc (TQ). Đó mới là gốc các thông tin về tương lai năng lượng, và tương lai chính trị siêu cường trên địa cầu. Hoa Thịnh Đốn hiện đang quan sát với rất nhiều lo ngại.

Hiếm khi một cuộc phỏng vấn đơn thuần đã nói lên khá nhiều về khuynh hướng chuyển dịch quyền lực trên toàn cầu. Ngày 20 tháng 7, Fatih Birol, kinh tế trưởng của Cơ Quan Năng Lượng Thế Giới- IEA[1], đã nói với báo Wall Street Journal: TQ đã qua mặt Hoa Kỳ để trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng số một thế giới. Người ta có thể hiểu sự kiện nầy nhiều cách, như bằng chứng sức mạnh kỹ nghệ liên tục của TQ, suy thoái còn lây lất ở Hoa Kỳ, xe hơi ngày một phổ thông ở TQ, ngay cả như hiệu quả sử dụng năng lượng ở Hoa Kỳ cao hơn ở TQ.

Tất cả những nhận xét đó đều có giá trị, nhưng vẫn không phải điều đáng quan tâm. Thực vậy, qua việc trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu, TQ cũng sẽ trở thành tay chơi ngày một áp đảo trên thế giới và sẽ có ảnh hưởng quyết định đến việc định hình tương lai toàn cầu.

Vì năng lượng liên hệ chặt chẻ với rất nhiều khía cạnh kinh tế toàn cầu, và vì tính bất ổn định trong số cung tương lai của dầu khí và các nhiên liệu quan trọng khác, những quyết định của TQ liên quan đến số đầu tư vào năng lượng sẽ có những hậu quả sâu rộng. 

Như một tay chơi hàng đầu trên thị trường năng lượng toàn cầu, TQ sẽ giữ vai trò quyết định không những giá cả các loại nhiên liệu mà cả hệ thống năng lượng lựa chọn cho tương lai. Quan trọng hơn nữa, sự lựa chọn loại năng lượng ưa thích của TQ sẽ mang tính quyết định sự khả dĩ TQ và Hoa Kỳ có thể hay không thể rơi vào một sự tranh giành toàn cầu đối với số dầu khí khả dụng, và thế giới có thể hay không thể thoát khỏi tai họa biến đổi khí hậu.

DẦU KHÍ VÀ HOA KỲ

Không ai có thể thẩm định được ý nghĩa của địa vị nổi trội gần đây của TQ trong địa hạt năng lượng nếu không hiểu rõ vai trò của năng lượng trong quá trình trổi dậy của Hoa Kỳ như siêu cường duy nhất toàn cầu.

Đã hẳn, tài nguyên dồi dào ở vùng Đông Bắc Hiệp Chủng Quốc non trẻ, như trữ lượng nước và than đá, đã giữ vai trò quyết định trong quá trình kỹ nghệ hóa trước đây cũng như sự chiến thắng của miền Bắc trong cuộc nội chiến của Mỹ. Tuy nhiên, chính việc khám phá trữ lượng dầu ở phía Tây Pennsylvania năm 1859 đã giúp Hoa Kỳ trở thành tay chơi quyết định trên trường quốc tế. Khai thác và xuất khẩu dầu đã là đầu tàu kéo theo thịnh vượng của nước Mỹ vào đầu thế kỷ 20 - thời điểm Hoa Kỳ trở thành xứ sản xuất hàng đầu hành tinh cùng lúc lôi kéo theo sự trổi dậy của các đại công ty.

Tưởng cũng không nên quên đại công ty xuyên quốc gia đầu tiên trên thế giới - Standard Oil Company của John D. Rockfeller - đã được thành lập để khai thác và xuất khẩu dầu lửa Hoa Kỳ. Pháp chế chống tổ hợp và liên minh đã giải thể Standard Oil năm 1911, nhưng hai hậu duệ lớn nhất, Standard Oil of New York và Standard Oil of New Jersey, về sau đã sáp nhập để trở thành ExxonMobil, doanh nghiệp giàu nhất thế giới trên thị trường chứng khoán. Một công ty con khác, Standard Oil of California, đã trở thành Chevron, nay là công ty giàu thứ ba của Mỹ.

Dầu lửa cũng đã giữ vai trò nòng cốt trong quá trình Hoa Kỳ trổi dậy như cường quốc quân sự. Hoa Kỳ đã cung cấp phần lớn số dầu các đồng minh sử dụng trong hai cuộc thế chiến I và II. Trong hàng ngũ các đại cường thời đó, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất tự túc về dầu. Điều nầy có nghĩa Hoa Kỳ đã có thể gửi đại quân đến Âu châu và Á châu đè bẹp quân Đức và Nhật được trang bị hùng hậu nhưng đói dầu. Ngày nay, ít người hiểu được điều nầy, nhưng theo các vị lãnh đạo đem lại chiến thắng của Mỹ trong Thế Chiến thứ hai, kể cả Tổng Thống Roosevelt, chính sự trù phú về dầu lửa, không phải bom hạt nhân, đã giữ vai trò quyết định.

Với nền kinh tế và guồng máy quân sự cơ sở trên dầu lửa, các nhà lãnh đạo Mỹ buộc lòng phải sử dụng những biện pháp ngày một tốn kém và liều lĩnh, để bảo đảm nguồn cung năng lượng đầy đủ cho cả hai. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, với nguồn cung quốc nội ngày một cạn kiệt, các vị tổng thống kế tiếp đã soạn thảo một chiến lược toàn cầu nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận dầu lửa ở hải ngoại.

Để bắt đầu, Saudi Arabia và một số vương quốc vùng Vịnh Ba Tư đã được lựa chọn như những trạm xăng hải ngoại cho các nhà máy lọc dầu và quân lực Hoa Kỳ. Các công ty dầu của Mỹ, đặc biệt là các công ty hậu duệ của Standard Oil, đã được giúp đỡ và khuyến khích thiết lập sự hiện diện vững chắc trong các xứ nầy. Trong thực tế, phần lớn các chiến lược thời hậu chiến - Chủ Thuyết Truman, Chủ Thuyết Eisenhower, Chủ Thuyết Nixon, và đặc biệt Chủ Thuyết Carter - tất cả đều dính liền và lệ thuộc vào các trạm xăng vừa nói.

Ngày nay, dầu lửa cũng giữ vai trò thiết yếu trong các kế hoạch và hành động của Hoa Thịnh Đốn. Chẳng hạn, hai Bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng vẫn duy trì một khả năng quân sự phức tạp và tốn kém  ở vùng Vịnh Ba Tư để bảo đảm sự an toàn và an ninh của nguồn dầu xuất khẩu từ vùng Vịnh. Tầm với của sự hiện diện quân sự còn nới rộng đến những vùng sản xuất dầu khí quan trọng như vùng Biển Caspian và Tây Phi châu. Nhu cầu duy trì những liên hệ kinh tế, chính trị, và quân sự với các xứ xuất khẩu dầu quan trọng như Kuwait, Nigeria, Saudi Arabia, tiếp tục giữ địa vị ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trong cùng chiều hướng, trong một thế giới dưới tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, quyền lợi của Hoa Kỳ đối với vùng Bắc cực - ngày một ấm dần và tan băng - đang được thúc đẩy bởi nhu cầu khai thác các dự trữ dầu khí nhiều tiềm năng.

TRUNG QUỐC VÀ NĂNG LƯỢNG 

Sự kiện TQ nay đã vượt qua Hoa Kỳ như xứ tiêu thụ năng lượng hàng đầu trên thế giới chắc chắn sẽ đưa đến những chính sách toàn cầu hoàn toàn thay đổi của xứ nầy,  không mấy khác với những gì đã xẩy ra với Hoa Kỳ trước đây. Đã hẳn, quan hệ TQ-Hoa Kỳ cũng thay đổi theo, chưa nói đến các quan hệ quốc tế.

Câu hỏi được đặt ra: với kinh nghiệm riêng của chính mình, Hoa Kỳ có thể chờ đợi những gì từ TQ?

Để bắt đầu, những ai theo dõi tình hình kinh tế tài chánh đều hiểu rõ cấp lãnh đạo TQ xem năng lượng như mối quan tâm hàng đầu và đã dành nhiều tài nguyên và hoạch định cho việc bảo đảm những nguồn cung thích ứng trong tương lai.

Theo đuổi mục tiêu nầy, TQ đang phải đối diện với hai thách thức căn bản: (1) bảo đảm đầy đủ năng lượng để thỏa mãn nhu cầu ngày một gia tăng; (2) và quyết định loại nhiên liệu có thể tin cậy để thỏa mãn những đòi hỏi nầy. Phương cách TQ đáp ứng những thách thức vừa nói sẽ có nhiều tác động quan trọng đến chính trường toàn cầu.

Theo các dự phóng gần đây của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ (DoE), tiêu thụ năng lượng của TQ sẽ gia tăng 133% giữa 2007 và 2035, từ 78 đến 182 triệu tỉ BTU (British thermal units). Nói một cách khác, một cách nào đó TQ phải kiếm thêm 104 triệu tỉ BTU trong 25 năm sắp tới, tương đương với tổng số tiêu thụ của Âu châu và Trung Đông trong năm 2007.

Tìm kiếm, tậu mãi, và chuyển tải đến TQ một số lượng dầu lớn lao, khí đốt thiên nhiên, và các nhiên liệu khác, đã hẳn là thách thức kinh tế kỹ nghệ lớn nhất, một thách thức chứa đựng nhiều khả dĩ cọ xát và xung đột thực sự.

Mặc dù phần lớn ngân sách dành cho năng lượng là những chi tiêu quốc nội, ngạch số cần thiết để nhập khẩu nhiên liệu (dầu, than, hơi đốt thiên nhiên, và uranium) cùng những trang thiết bị biến chế và tinh lọc năng lượng (nhà máy lọc dầu, nhà máy phát điện, và các lò phản ứng hạt nhân) sẽ ảnh hưởng lớn lao đến thị giá toàn cầu của các tài hóa nầy - một vai trò cho đến nay phần lớn do Hoa Kỳ đảm nhiệm. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa, sẽ là những quyết định của TQ về loại năng lượng chính yếu lựa chọn để sử dụng trong tương lai.

Nếu các lãnh đạo TQ theo xu hướng tự nhiên của họ, có lẽ họ sẽ tránh lệ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, hiểu rõ sự lệ thuộc rất dễ vấp phải những đổ vỡ, gián đoạn trong nguồn tiếp liệu, hoặc trong trường hợp TQ, một phong tỏa hàng hãi khả dĩ của Mỹ (chẳng hạn, trường hợp xung đột kéo dài về Đài Loan). Li Junfeng, một quan chức năng lượng cao cấp TQ, mới đây, đã phát biểu: "số cung năng lượng cần phải đến từ những nơi bạn có thể đặt chân lui tới"[2] - có nghĩa các nguồn cung quốc nội.

TQ khá dồi dào về than đá. Theo dự phóng gần đây của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, than chiếm khoảng 62% số cung nhiên liệu của TQ vào năm 2035, ít hơn hiện nay đôi chút. Tuy nhiên, một sự lệ thuộc sâu xa vào than đá sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, vì phí tổn y tế sẽ gia tăng.

Thêm vào đó, chính vì than đá, TQ hiện là quốc gia gây khí thải carbon dioxide hàng đầu thế giới. Theo Bộ Năng Lượng, phần khí thải carbon-dioxide sẽ tăng vọt từ 19,6% so với 21,1% của Mỹ vào năm 2005, sẽ lên tới 31,4% năm 2035, khi mức khí thải của TQ vượt xa các quốc gia khác.

Chừng nào Bắc Kinh còn từ chối hay chưa thể giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào than đá, chúng ta cũng phải quên đi bất cứ lập luận hùng biện nào của TQ trong các hội nghị về hiện tượng biến đổi khí hậu. TQ sẽ đơn thuần không thể có những bước tiến thật sự đáng kể trong nỗ lực đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Riêng trong trạng huống nầy, TQ cũng sẽ làm thay đổi bộ mặt của hành tinh.

Mới đây, cấp lãnh đạo TQ hình như đã trở nên nhạy cảm hơn đối với những bất trắc của sự lệ thuộc quá đáng vào than đá. Hiện nay, TQ đặt nặng vấn đề khai triển các hệ thống năng lượng tái tạo, đặc biệt gió và năng lượng mặt trời. Thực vậy, TQ đã trở thành xứ sản xuất hàng đầu các máy tuốc-bin năng lượng gió và các pa-nô năng lượng mặt trời, và đã bắt đầu xuất khẩu kỷ thuật nầy đến Hoa Kỳ.

Trong thực tế, vài kinh tế gia và nghiệp đoàn lao động cho rằng TQ đã trợ cấp xuất khẩu các kỷ thuật năng lượng sạch hay tái tạo, vi phạm quy chế Tổ Chức Thương Mãi Thế Giới.

Việc TQ xem nặng năng lượng tái tạo là một tin lành, nếu đưa đến giảm thiểu đáng kể số than đá sử dụng. Đồng thời, nỗ lực cải tiến hoàn hảo các kỷ thuật liên hệ có thể giúp TQ bước lên hàng tiền đạo trong cách mạng kỷ thuật, tương đương với địa vị áp đảo của Hoa Kỳ về kỷ thuật dầu khí đã đẩy Hoa Kỳ lên cường quốc hàng đầu trên thế giới trong thế kỷ 20.

Nếu Hoa Kỳ không theo kịp, Hoa Kỳ sẽ lâm vào cảnh một đại cường trên đà tuột dốc ngày một nhanh hơn.

AI CÓ ẢNH HƯỞNG QUYẾT ĐỊNH Ở SAUDI ARABIA?

Nạn khát năng lượng của TQ có thể đưa đến cọ xát và xung đột với Hoa Kỳ, nhất là trong sự cạnh tranh toàn cầu giành giựt số dầu nhập khẩu ngày một khan hiếm. Trong khi số dầu tiêu thụ trên thế giới không ngừng gia tăng, cũng là lúc TQ đang sử dụng lúc một nhiều dầu. Điều nầy chỉ có thể đưa đến những va chạm kinh tế, chính trị, và đến một lúc nào đó, có thể cả quân sự, trong những vùng sản xuất dầu khí - những khu vực từ lâu Hoa Thịnh Đốn luôn xem thuộc khu vực năng lượng hải ngoại dành riêng cho Hoa Kỳ.

Năm 1995, TQ chỉ tiêu thụ khoảng 3,4 triệu thùng (barrels) mỗi ngày - 1/5 số lượng Hoa Kỳ sử dụng (số 1 thế giới), 2/3 số tiêu thụ của Nhật (số 2). Vào thời điểm đó, TQ sản xuất 2,9 triệu thùng mỗi ngày từ các khu dầu quốc nội, nhập khẩu 500,000 thùng mỗi ngày, so với 9,4 triệu thùng nhập khẩu của Mỹ và 5,3 triệu thùng của Nhật.

Vào năm 2009, TQ tiêu thụ 8,6 triệu thùng mỗi ngày, đứng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ với 18,7 triệu thùng. Sản xuất quốc nội, 3,8 triệu thùng mỗi ngày, đã không tăng cùng nhịp, đó cũng chính là vấn đề Hoa Kỳ đã phải đối đầu trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh. TQ đã phải nhập khẩu 4,8 triệu thùng mỗi ngày, vượt xa Nhật (trong thực tế, Nhật đã bớt tùy thuộc vào dầu), và gần 50% của Mỹ. Trong những thập kỷ sắp tới, những con số nầy chắc chắn sẽ ngày một tồi tệ hơn.

Theo Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, TQ sẽ qua mặt Hoa Kỳ như quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, khoảng 10,6 triệu thùng mỗi ngày, vào năm 2030. Vài chuyên gia nghĩ, điều nầy sẽ xẩy ra sớm hơn. Dù sớm hay muộn, các lãnh đạo TQ cũng đã vướng víu trong tình trạng khó xử như đối tác Hoa Kỳ đã phải đương đầu từ nhiều năm nay: tùy thuộc vào dầu,  nhiên liệu chính yếu lựa chọn, chỉ có thể nhập khẩu từ các xứ giàu tài nguyên năng lượng luôn sống trong tình trạng xung đột và khủng hoảng.

Hiện nay, TQ nhập khẩu phần lớn số dầu cần thiết từ Saudi Arabia, Iran, Angola, Oman, Sudan, Kuwait, Nga, Kazakhstan, Libya, và Venezuela. Nhằm mục đích bảo đảm nguồn cung cấp khả tín từ các xứ vừa kể, Bắc Kinh đã phải duy trì quan hệ chặt chẽ với cấp lãnh đạo, và trong vài trường hợp, đã cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho các xứ nầy. Đó cũng chính là con đường Hoa Thịnh Đốn đã từng lựa chọn, với một số trong các xứ vừa kể.

Các xí nghiệp dầu khí quốc doanh TQ cũng đã thiết lập và vun quén các "đối tác chiến lược" với các xí nghiệp đối tác trong những xứ nầy và đôi khi còn tậu mãi ngay cả quyền khai thác các khu có trữ lượng quan trọng. Đặc biệt hơn nữa là phương thức Bắc Kinh đã tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Saudi Arabia và các xứ giàu năng lượng trong vùng Vịnh Ba Tư.

Năm 2009, TQ lần đầu tiên nhập khẩu dầu Saudi Arabia nhiều hơn cả Hoa Kỳ, một chuyển dịch địa chính trị có ý nghĩa lớn lao, nếu chúng ta lưu ý đến lịch sử quan hệ Hoa Kỳ-Saudi Arabia. Mặc dù không cạnh tranh với Hoa Thịnh Đốn về viện trợ quân sự, Bắc Kinh đã gửi các lãnh đạo cao cấp đến ve vản Riyadh, hứa hậu thuẩn các nguyện vọng của Saudi Arabia mà không nhắc đến nhân quyền hay dân chủ, những yếu tố thường hiện diện trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.

Hầu hết những điều vừa nói có tiếng vang quá quen thuộc. Xét cho cùng, Hoa Kỳ cũng đã có lần ve vản người Saudis như vậy khi Hoa Thịnh Đốn xem vương quốc Á Rập như một trạm xăng và muốn chuyển hóa thành một xứ bảo hộ quân sự không chính thức. Năm 1945, trong khi Đệ Nhị Thế Chiến đang tiếp diễn, Tổng Thống Roosevelt đã đặc biệt viếng thăm để gặp quốc vương Abdul Aziz của Saudi Arabia và thiết lập  phương thức đổi-bảo-vệ-lấy-dầu, kéo dài cho đến ngày nay.

Điều đáng ngạc nhiên là các lãnh đạo Mỹ không thấy hay không muốn công nhận sự tương đồng; thay vào đó, chỉ nhìn với đôi mắt nghi ngờ TQ đang xâm nhập các xứ trong vòng ảnh hưởng của mình như Saudi Arabia, và nhiều xứ giàu năng lượng trong vùng, mô tả những động thái đó như đối nghịch.

Cùng với đà lệ thuộc lúc một gia tăng vào các nhà cung cấp hải ngoại, TQ rất có thể sẽ tăng cường dây liên hệ với các cấp lãnh đạo, gây thêm căng thẳng trong chính trị thế giới. Thực vậy, sự ngần ngại hiện nay của Bắc Kinh, không muốn gây rắc rối cho các quan hệ năng lượng sinh tử với Iran, đã gây khó khăn cho các nỗ lực của Mỹ áp đặt các chế tài kinh tế mới và khắt khe hơn đối với Iran, để buộc xứ nầy phải từ bỏ các hoạt động tinh chế uranium.

Trong cùng một chiều hướng, mới đây, TQ đã cho kỹ nghệ dầu Venezuela vay 20 tỉ USD. Động thái nầy đã giúp tăng cường vị thế của Tổng Thống Hugo Chavez vào đúng lúc  uy tín Chavez trong quốc nội, và do đó, khả năng chống đối các chính sách của Mỹ, đang suy giảm.

Người TQ cũng đang duy trì quan hệ thân hữu với Tổng Thống Omar Hassan Ahmad al-Bashir của Sudan, mặc dù các nỗ lực của Mỹ mô tả al-Bashir như một thành phần cặn bả, ngoài vòng pháp luật, vì bị nghi ngờ dính líu đến các vụ tàn sát ở Dafur.

NGOẠI GIAO VŨ-KHÍ-ĐỔI-LẤY-DẦU

Hiện nay, nỗ lực của TQ tăng cường quan hệ với các xứ cung cấp dầu khí đã đưa đến các va chạm địa chính trị với Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có một nguy cơ xung đột nghiêm trọng hơn nhiều giữaTrung Quốc và Hoa Kỳ khi thế giới bước vào kỷ nguyên dầu-khó-khai-thác và số trữ lượng dễ khai thác trên thế giới ngày một cạn kiệt nhanh chóng.

Theo DoE, số cung dầu toàn cầu năm 2035 sẽ vào khoảng 110,6 triệu thùng mỗi ngày - chỉ vừa đủ để thỏa mãn số cầu vào cùng thời điểm. Tuy nhiên, nhiều nhà địa chất học tin số dầu sản xuất toàn cầu sẽ lên đỉnh điểm khoảng gần 100 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2015, và sau đó sẽ bắt đầu tiệm giảm. Vả chăng, số dầu còn lại chỉ tìm thấy ở những khu vực khó tiếp cận hay bất ổn. Nếu đây là những dự phóng chính xác, Hoa Kỳ và TQ - hai quốc gia nhập khẩu hàng đầu trên thế giới - có thể bị buộc chặt trong trò chơi zero-sum giữa hai đại cường cùng lúc tìm hết cách tiếp cận một số cung dầu xuất khẩu tiệm giảm.

Điều gì sẽ xẩy ra trong trạng huống đó, đã hẳn, khó lòng tiên đoán, nhất là vì tiềm năng xung đột sẽ không thiếu. Nếu cả hai tiếp tục con đường hiện nay - vũ trang các xứ nhiều dầu lựa chọn trong nỗ lực bảo đảm lợi thế trong trường kỳ - các xứ giàu năng lượng được vũ trang đầy đủ cũng trở thành một quan ngại hay cám dỗ đối với các xứ láng giềng. Với các cố vấn  và huấn luyện viên quân sự do Hoa Kỳ và TQ gửi tới ngày một đông, sân khấu đã được chuẩn bị cho các va chạm xô xát trong các cuộc chiến cục bộ và xung đột biên giới. TQ cũng như Hoa Kỳ có thể không muốn dính líu, nhưng lô-gic ngoại giao vũ-khí-lấy-dầu rất dễ gây ra những nguy cơ khó tránh.

Nguy cơ Hoa Kỳ và TQ bị vướng mắc trong một cuộc tranh chấp toàn cầu để thủ đắc số cung dầu còn lại trong một tương lai xa gần nào đó rất dễ xẩy ra. Thực vậy, nhiều viên chức ở Hoa Thịnh Đốn tin một cọ xát như vậy gần như không thể tránh. Trong phúc trình hàng năm 2008, Sức Mạnh Quân Sự Của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc[3], DoD đã ghi nhận: "Sự kiện TQ tập trung trong một tương lai gần vào việc chuẩn bị cho những bất trắc có thể xảy ra trong Eo Biển Đài Loan...là một động lực quan trọng thúc đẩy việc canh tân [quân lực]. Tuy nhiên, phân tích các tậu mãi quân sự và tư duy chiến lược của TQ cho thấy Bắc Kinh cũng đang khai triển các khả năng lâm thời sử dụng trong những trạng huống bất ngờ khác, chẳng hạn một xung đột vì  tài nguyên..."[4].

Tuy nhiên, xung đột vì tranh giành trữ lượng dầu trên địa cầu không phải là con đường duy nhất vai trò  năng lượng mới của TQ có thể khai mào. Người ta có thể tưởng tượng một tương lai trong đó Hoa Kỳ và TQ hợp tác khai triển những nguồn năng lượng thay thế cho dầu, giúp tránh việc phải dồn các tài nguyên tài chánh khổng lồ vào thi đua võ trang. Tổng Thống Obama và Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, trong tháng 11-2009,  hình như đã chợt phát hiện một khả dĩ như thế trong cuộc họp mặt thượng đỉnh ở Bắc Kinh, và đã đồng ý hợp tác trong các chương trình triển khai các nhiên liệu thay thế và các hệ thống giao thông vận tải.

Vào thời điểm nầy, người ta chỉ có thể nhận thấy rõ ràng: (1) TQ lệ thuộc ngày một nhiều vào dầu khí nhập khẩu, nguy cơ cọ xát và xung đột với Hoa Kỳ - một quốc gia cũng đang trông cậy vào những nguồn cung cấp dầu nhiều bất trắc - ngày càng gia tăng; (2) TQ lệ thuộc vào than đá càng nhiều, nguy cơ ô nhiểm của địa cầu càng lớn; (3) Nếu đặt vấn đề phát huy năng lượng thay thế lên ưu tiên hàng đầu, rất có thể thế kỷ 21 sẽ trở thành "Thế Kỷ của Trung Quốc".

Cho đến nay, thứ tự ưu tiên TQ dành cho các nguồn nhiên liệu khác nhau như thế nào vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, với bất cứ lựa chọn nào, các quyết định về năng lượng của TQ cũng  sẽ làm thế giới rung chuyển.

TRUNG QUỐC XANH

Năm 2004, Elizabeth Economy, Giám đốc Nghiên Cứu Á Châu thuộc Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại[5], đã lên án chính sách môi trường của TQ trong tác phẩm Dòng Sông Đen: Thách Thức Môi Trường Đối Với Tương Lai Trung Quốc[6]. Bà mô tả, một thế kỷ gây ô nhiễm địa cầu - còn trầm trọng hơn với sự bành trướng kinh tế bừa bải của TQ kể từ cuối thập kỷ 1970s - đã đưa đến các tai họa: xói mòn, lũ lụt, sa mạc hóa, khủng hoảng nước sạch và thực phẩm, rừng núi bị tàn phá, không khí, và nguồn nước ô nhiễm. Bà viết: "các lãnh đạo TQ hiểu rõ họ đang đánh đổi sự lành mạnh môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế"[7].

Từ đó, nhiều điều đã xẩy ra. Chẳng bao lâu sau ngày tác phẩm của Elizabeth Economy được xuất bản, TQ đã qua mặt Hoa Kỳ như xứ gây khí thải CO2 hàng đầu thế giới. Và sự kiện nầy đã là một báo-động-thà-muộn-còn-hơn-không-bao-giờ đối với cấp lãnh đạo TQ và các nhà hoạt động môi trường trên khắp thế giới: hiện tượng biến đổi khí hậu có thể gây lũ lụt ở các vùng duyên hải và tàn phá các ngành sản xuất thực phẩm.

Hàng chục nghìn cuộc xuống đường phản đối tình trạng ô nhiễm và khủng hoảng môi trường đã diễn ra khắp TQ, đe dọa ổn định chính trị. Dần dà cấp lãnh đạo TQ hiểu được họ không có lựa chọn nào khác hơn là phải đổi hướng và đi theo con đường thân thiện bền lâu với hành tinh địa cầu.

Ngày nay, Elizabeth Economy cho biết, TQ đã có nhiều bước tiến quan trọng nhằm đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Bà nói: "Đây là điều thật sự có ý nghĩa, hiện đã có một thay đổi thực sự trong chính sách 'thay đổi khí hậu'. Khi họ [TQ] đã trở thành nước có mức khí thải cao nhất thế giới vào năm 2007, điều ấy giống như họ đang mang một dấu X mầu đỏ trên trán. Lúc đó họ không còn ai phía trước để dấu mặt"[8].

Cốt lõi của tình trạng nghịch lý về môi trường của TQ là quốc gia khổng lồ nầy phải cùng lúc làm hai việc: tiếp tục kỹ nghệ hóa đồng thời hạn chế mức khí thải. Theo David Yarnold, giám đốc điều hành Quỹ Bảo Vệ Môi Trường, "họ phải nâng hàng trăm triệu dân ra khỏi cảnh đói nghèo và cùng lúc ngưng gây ô nhiểm. Đây là những thách thức lớn lao, và vấn đề là làm sao đối phó với cả hai?"[9].

Như các viên chức TQ thường nói, tính theo đầu người, TQ chỉ gây không đến 1/4 số khí thải mỗi đầu người so với Mỹ. Trước ngày đến dự Hội Nghị Thượng Đỉnh về thay đổi khí hậu ở Copenhagen tháng 12-2009, TQ đã cam kết tự nguyện cắt giảm tỉ suất sử dụng năng lượng tính trên căn bản đơn-vị-GDP vào năm 2020 hết sức lớn lao.

Tuy vậy, cùng với tăng trưởng kinh tế, mức khí thải tính theo đầu người của TQ chắc chắn gia tăng, và phần trách nhiệm của TQ trong lượng khí thải toàn cầu sẽ gia tăng. Và mặc dù TQ đặc biệt lưu tâm đến năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, hạt nhân, và các kỷ thuật không gây khí thải carbon khác, dầu khí và than đá tiêu thụ vẫn đang gia tăng nhanh chóng.

Theo Mark Hertsgaard, nhà báo và tác giã cuốn "Nóng: Sinh Sống Năm Mươi Năm Sắp Đến Trên Địa Cầu[10]. Trong thực tế, than đá vẫn thiết yếu trong hệ thống năng lượng của họ [TQ]. 3/4 điện lực của họ đến từ than đá"[11].

Tuy nhiên, đại diện ở TQ của các Cơ Quan Thiện Nguyện có trụ sở chính tại Mỹ, nhận định: Bắc Kinh cuối cùng đã bắt đầu ý thức các thách thức môi trường một cách nghiêm chỉnh.

Ailun Yang, đặc trách biến đổi khí hậu, Hòa Bình Xanh Trung Quốc,  Bắc Kinh, ghi nhận: trong vài năm qua, đe dọa ô nhiễm không khí và nước, cũng như các vấn đề an toàn thực phẩm, cuối cùng đã bắt đầu được lưu tâm. Ailun Yang nói: "Tôi nghĩ các quan chức cao cấp trong chính quyền đã bắt đầu có ý niệm nếu phát triển kinh tế mà không lưu tâm đến môi trường, quý vị sẽ sớm thấy các giới hạn của phát triển kinh tế, bởi lẽ mô hình sẽ không thể bền vững. Cách đây khoảng 5 năm, quý vị đã bắt đầu thấy giọng điệu của các quan chức TQ về môi trường đã hoàn toàn đổi khác cũng như đối với phương cách duy trì một thế cân bằng trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường"[12].

Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động môi trường, thực thi vẫn là một vấn đề lớn, bởi lẽ TQ chưa có một khả năng thực hiện kế hoạch trên bình diện quốc gia, và vài quan chức cấp tỉnh và địa phương không mấy thích thú khi phải hy sinh tăng trưởng kinh tế để giảm thiểu ô nhiễm.

Dù vậy, Barbara Finamore, giám đốc Dự Án Năng Lượng Sạch TQ, thuộc Hội Đồng Bảo Vệ Tài Nguyên Thiên Nhiên, đồng ý là mọi việc đang thay đổi - một phần do áp lực mạnh mẽ của quần chúng, từ sự chống đối của người dân nông thôn cho đến ý thức ngày một lên cao của tầng lớp trung lưu ở thành thị đòi hỏi phải thay đổi. Finamore nói: "Tôi nghĩ, quyết tâm bảo đảm ổn định xã hội là lý do bên sau các hành động của TQ hiện nay"[13].

Trong những năm gần đây, TQ đã tích cực theo đuổi các chương trình nghiên cứu, khai triển, và biến chế nhiều kỷ thuật năng lượng tái tạo khác nhau, kể cả các pa-nô năng lượng mặt trời, các tuốc-bin  năng lượng gió; đã thúc đẩy sản xuất nhanh chóng loại xe hơi chạy bằng điện; và đóng cữa rất nhiều nhà máy sắt thép hiệu suất thấp và các nhà máy điện chạy bằng than.

Bắc Kinh cũng đã thử, mặc dù không mấy thành công, thực thi một loạt các pháp chế và khuôn khổ giám sát, những thử nghiệm gặp sự đề kháng mãnh liệt từ các cấp lãnh đạo cấp tỉnh và địa phương. Yarnold cũng đã đưa ra nhận xét: "Đây là một xứ áp dụng pháp trị rộng lớn trong phương cách chưa bao giờ thấy cách đây 5 năm"[14]. Ông nói tiếp, các lãnh đạo TQ thấy đây là cơ hội lớn lao để trở thành lãnh đạo thế giới trong kỷ thuật năng lượng sạch. "Chính quyền hiểu kỷ thuật năng lượng xanh là Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ Mới. Họ nói, chúng tôi đã bỏ lỡ cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ nhất, và chúng tôi sẽ không để bỏ lỡ cuộc cách mạng nầy"[15].

Đã hẳn, đây cũng là một điều trớ trêu. Các nhà phê bình mô hình tăng trưởng kinh tế dùng xuất khẩu làm đầu tàu của TQ đã từng nói: một phần lớn lợi điểm của TQ đã đến từ sự thiếu vắng mang tính lịch sử các pháp chế môi sinh, đã giúp TQ sản xuất các sản phẩm với giá thành thấp. Trừ phi Hoa Kỳ nhanh chóng hành động nhằm triển khai các việc làm với kỹ thuật xanh được chính quyền hậu thuẩn, TQ sớm có thể sản xuất và xuất khẩu đại trà các pa-nô năng lượng mặt trời và các tuốc-bin gió trị giá hàng tỉ mỹ kim qua Hoa Kỳ. Finamore nói: "Chúng ta cần một chính sách quốc gia mạnh mẽ. TQ đã làm như vậy. Hoa Kỳ thì chưa"[16].

 

GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

30-10-2010


 

[1] International Energy Agency - IAE.

[2] Energy supply should be where you can plant your foot on it.

[3] The Military Power of the People's Republic of China.

[4] China's near-term focus on preparing for contingencies in the Taiwan Strait...is an important driver of its [military] modernization. However, analysis of China's military acquisitions and strategic thinking suggests Beijing is also developing capacities for use in other contingencies, such as a conflict over resources...

[5] Asia Studies, Council on Foreign Relations.

[6] The River Runs Black: The Environmental Challenge to China's Future.

[7] China's leaders were well aware that they were trading environmental health for economic growth.

[8] It is significant , it represents a real change in China's climate change policy. When they became the world's biggest emitter in 2007, that was like putting a big red X on their forhead. They had nobody to hide behind at that point.

[9] They have to lift hundreds of millions of people out of poverty and stop polluting at the same time. These are huge challenges, and the question is, How do they confront both?

[10] Hot: Living Through the Next Fifty Years on Earth.

[11] The fact remains that coal is the backbone  of their energy system. They get three-fourths of their electricity from   coal.

[12] I think the top-level government officials have started to get the idea that you only develop the economy while neglecting the environment, you will start to see the limits of economic development , because the model is not sustainable. About five years ago you started to see a wholesale change in rhetoric  about the environment from Chinese officials, about how we have to balance economic development with environment protection.

[13] I think the desire to ensure social stability is behind a lot of the actions that China is taking.

[14] This is a country that is applying the rule of law across the board in a way that it didn't five years ago.

[15] The government realizes that green energy technology is the new Industrial Revolution. They say, We missed the first one, and we're not going to miss this one.

[16] We need a strong national policy. China has done that. The United Srares has not.

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org