Cần Có Kỷ Cương Trong Việc Thẩm Định Và Thực Thi Các Dự Án Phát Triển Kinh Tế Xã Hội

Vietsciences-  Võ Ngọc Phước    22/09/2013

 

Tình trạng kinh tế hỗn độn và suy thoái đang tiếp diễn ở Việt Nam hiện nay có thể đưa tới một cuộc phá sản toàn diện, phải nói là do hậu quả của việc thẩm định và thực thi các dự án phát triển kinh tế xã hội, nhất là các dự án có tầm vóc lớn với vốn đầu tư trên hàng nghìn tỷ đồng, đã không được thực hiện nghiêm chỉnh, nếu không muốn nói là rất cẩu thả và mang tính cách “liều lĩnh và trục lợi” trong hệ thống hành chính hiện nay.

Như đã được đề cập từ lâu, việc một nhóm người vốn rất thiếu kiến thức chuyên môn nhưng lại có trọn quyền quyết định cho đầu tư vốn nhà nước trên hàng nghìn tỷ đng cho mỗi dự án hay chương trình phát triển kinh tế xã hội qua việc làm thẩm định cứu xét nội dung dự án một cách rất rất sơ sài là một việc làm rất nguy hiểm và thiếu trách nhiệm trước tiền đồ của đất nước và dân tộc.

Trong khi tại các nước tiến bộ phát triển, nhà nước hay cơ quan chủ quản dư án hay chương trình phát triển có một tầm vóc lớn như vậy thì phải cho tiến hành công việc này một cách thận trọng nghiêm chỉnh và kỹ càng vì phải còn chịu “trách nhiệm giải thích”.(accountability) trước công chúng một cách minh bạch và tường tận, thì ở Việt Nam, trên căn bản, việc làm này hầu như bị thờ ơ hay bị bỏ qua một cách rất đáng tiếc.

Do qui định nhà nước, chỉ riêng những dự án hay chương trình đòi hòi một vốn đầu tư nhà nước trên một mực độ kim ngạch quá lớn nào đó thì mới cần phải giải trình trước quốc hội để có cứu xét thỏa thuận, người ta, vì vậy, có thể “băm nhỏ vốn đầu tư” bằng cách cắt xén cho xuống dưới mức độ đó rồi chắp nối sau đó bằng nhiều phương cách để “thoát khỏi vòng kiềm tỏa phiền phức” này

Trong một bối cảnh như vậy, đã có biết bao nhiêu dựa án hay chương trình với vốn đầu tư công hàng nghìn tỷ đồng lần lượt ra đời trên khắp mọi miềm đất nước, tạo ra được một khung cảnh phát triển kinh tế xã hội “đi lên”, dù đó có thể chỉ là ở “mặt bên ngoài”. Bởi vì, sau khi thực hiện dự án, nếu dự án hay chương trình đó không có đưa đến hiệu quả hay lợi ích như hoạch định ban đầu thì “sự việc đã rồi”, không ai phải quá cố chấp.

Từ thập niên trước, đã bắt đầu cho thấy có rất nhiều dự án hạ tầng cơ sở xã hội với vốn đầu tư ít nhất là hàng nghìn tỷ đồng như đường sá, cầu cống, thiết bị cơ sở, đê điều, đập thuỷ điện …lần lượt bị hư hại trầm trọng một cách nhanh chóng hay bị cuốn trôi chỉ vì lũ lụt.thông thường. Nhưng không thấy có sự đề cập đến trách nhiệm thẩm dịnh các dự án này trước khi cho thực hiện,

Rối đến các tập đoán kinh tế “quả đấm thép” ra đời dưới sự “ chỉ đạo và bảo kê” của thủ tướng chính phủ với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đôla Mỹ nhưng cũng đã lần lượt đi vào suy thoái lụn bại chỉ vì đã không được thẩm định tính khả thi một cách nghiêm chnh đàng hoàng trước khi cho đem thực hiện. Chỉ riêng ở mặt đầu tư công mà thôi, con số nợ công phát sinh từ khía cạnh này đã là một “bể khổ” cho cả đất nước và dân tộc.

Thật ra việc thẩm định dự án (project evaluation) được chính thức đưa vào qui trình trong khâu cứu xét dự án đầu tư có vốn nước ngoài ở khoảng đầu thập niên 90 khi nhà nước Việt Nam bắt đầu cho thực hiện chính sách “Đởi Mới” mà các “chuyên viên thẩm định” của Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước vào thời kỳ này có thể nói chỉ là những “chuyên viên tài tử” cho công việc này. Vì vậy việc làm này chỉ có tính cách hình thức nên rất là sơ sàì, vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, chỉ chính yếu nhằm để cho phù hợp với qui trình mà thôi. Tình trạng này vẫn đang tiếp diễn ở Bộ Kế Hoạch Đầu Tư.

Trước đó, do bối cảnh không có thường xuyên những dự án đầu tư vốn nhà nước mức cao như vậy, cho nên đã không có sự chuyên ngành thẩm định như vậy và cấp lãnh đạo phải cứu xét một cách vô cùng thận trọng kỹ càng vì ngân sách eo hẹp của nhà nước.

Có thể cũng từ “mầm móng căn bản” này, cho nên các lãnh đạo hiện nay ở Việt Nam vẫn còn mang “căn bản xem thường” ý nghĩa công việc này ở cấp “chuyên viên thẩm định” và có lối suy nghĩ là việc thẩm định dự án chỉ là “một việc làm hình thức cho có” để hợp thức hóa (justification) cho việc thực thi dự án, dù rằng đây là một lối suy nghĩ rất sai lầm từ căn bản, nhất là ở cấp lãnh đạo nhà nước hay chủ quản dự án.

Chính vì vậy, và với tính cách của thể chế hiện nay, trong đó “căn bản xin cho” và “đặc quyền cho cấp lãnh đạo” vẫn còn được trọng đãi, thì việc sử dụng quyền uy để lấn át việc làm nghiêm chĩnh cần đến tính cách vô tư và chuyên môn như “thẩm định tính khả thi hay hiệu quả thật sự của dự án” càng trở nên lu mờ. Gần đây cũng có sự “đóng góp ý kiến” của một số “chuyên gia” cho khâu thẩm định này nhưng cũng chỉ để nhằm mục đích hợp thức hóa việc thực hiện dự án mà thôi.

Chính tình trạng này đã làm cho mất đi kỷ cương trong việc điều hành ngân sách nhà nước và đưa đến tình trạng hỗn độn và suy thoái kinh tế xã hội hiện nay, nhất là liên tục làm phát sinh nợ công, ngày càng chồng chất, vì mỗi cơ quan, địa phương cứ muốn có thêm nhiều ngân sách để thực thi nhiều dự án hay chương trình mà không cần nghĩ đến những tai hại đầu tư một khi dự án hay chương trình không cho hiệu quả hay lợi ích dự án như hoạt định ban đầu, trừ những lợi ích chỉ có thể đem đến cho môt số người tham gia dự án.

Trên căn bản, về riêng mặt thẩm định lợi hại kinh tế, hai yếu tố LợI Ích (Benefits) và Chi Phí (Costs) mà hệ số B/C phải lớn hơn 1 là điều căn bản. Nhưng, trên thực tế, việc kê khai lợi ích và chi phí cũng như việc huy động vốn để thực hiện dự án không phải là đơn thuần, nhất là những số liệu này phải dàn trải trên một khoảng thời gian dài đến vài mưoi năm đặt định cho Dòng Đời Dự Án (Project Life).

Do đó, trước hết, theo từng loại huy động vốn (Capital Formulation) có thể có được mà hệ số IRR (Internal Return Rate) của các Dòng Tiền (Cash Flows) diễn tiến ra sẽ cho thấy có kết quả cao thấp tương ứng của từng trường hợp.

Việc thẩm định nghiêm chỉnh, vì vậy, cần phải đưa ra đầy đủ các trường hợp giả thiết cho công việc căn bản này. Hiện nay thường có sự “khai khống” từ phía chủ quản dự án về các con số ở phần lợi ích và chi phí trong toàn phần thời gian thực hiện dự án để nhằm đưa hệ số EIRR (Economic Internal Return Rate) lên trên 10 nhằm cho dự án dễ được Trung Ương chấp thuận cho thực thi.

Cùng lúc, cần phải có trình bày đầy đủ các Nguy Cơ (Risks) có thể xãy ra, trừ các Bất Khả Kháng ( Force Majeurs) như thiên tai, chiến tranh…,để cho việc thẩm Định Độ Nhạy Cảm (Sensitivity Analysis) của dự án có thể biểu lộ được tính cách trung thực

Ở dự án công, đặc biệt những dự án phát triển hạ tầng cơ sở xã hội, việc đặt định Giá Xã Hội (Social Price) là rất cần thiết để có thể thẩm định được hệ số SIRR (Social Internal Return Rate) cho dự án. Tác động môi trường (EIA) cũng phải được thực thi đứng đắn và phê chuẩn nghiêm chĩnh để tránh những tác hại đến môi trường sinh sống của dân cư quanh vùng khi thực hiện dự án, nhất là những tác hai đến sức khoẻ và hoạt động kinh tế của dân cư.

Sau cùng là việc thẩm định chính xác những phương diện kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành và tổ chức quản trị cho hoạt động dự án có thật sự khả thi và hợp lý một cách chắc chắn hay không. Chính sự thẩm định sơ sài ở phương diện này đã làm sụp đổ các tập đoàn kinh tế “quả đấm thép” Vinashin, Vinalines…khi đem vốn hang tỷ đôla Mỹ đi mua tàu thuyền, nhà máy, thiết bị phế thải về để sửa sang cho những hoạt động kinh doanh với những “lợi nhuận khủng” được “khai khống trên giấy” mà trách nhiệm then chốt  cho những thực thi vô cùng tai hại này đến nay vẫn chưa qui kết được. 

Như trình bày trên, để lấy lại kỹ cương cho đất nước phát triển được vững chắc trong tương lai, người ta thấy trước hết cần phải dẹp bỏ những thói hư tật xấu hiện nay, chỉ chú trọng đến việc sử dụng uy quyền của một nhóm người trong thẩm dịnh và thực thi các dự án phát triển kinh tế xã hội và cần phải qui kết trách nhiệm một cách rõ ràng một khi dự án thực thi không cho kết quả như hoạch dịnh.hay gây ra tai hại cho đất nước.

Để làm được như vậy, với một loạt những công việc chuyên môn quan trọng và qui mô như trên đã trình bày, người ta thấy cần phải có sự thành lập một ủy ban chuyên môn có quyền hạn hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách rõ ràng.

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  Võ Ngọc Phước