Đế quốc suy tàn và thế giới đa cực mỗi ngày một rõ nét

Vietsciences-Nguyễn Trường              11/11/2010

 

Những bài cùng tác giả    

"Nghèo đói phải lùi vào lịch sử"[1], một khẩu hiệu hấp dẫn, một mục đích đáng ca ngợi, đã được các lãnh đạo thế giới chấp nhận tại phiên họp thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc ở New York ngay trước ngày đầu của Thiên Niên Kỷ Mới. Một thập kỷ sau, chính Hoa Kỳ đã làm nên lịch sử - nhưng lịch sử ngược dòng. Thống kê mới nhất của Văn phòng Điều Tra Dân Số cho thấy, năm 2009, cứ một trong chín người Mỹ đã sống dưới mức nghèo khó, con số cao nhất trong hơn nửa thế kỷ. Trên 95.000 vụ tịch biên bất động sản riêng trong tháng 8-2010: một kỷ lục mới.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều dấu hiệu suy giảm quyền lực của siêu cường duy nhất, nay đang nợ nần Trung Quốc (TQ) quá nhiều. Các chỉ dấu khác gần đây gồm có sự thất bại trong nỗ lực thuyết phục TQ tái định giá trị đồng nhân dân tệ đối với đồng USD, và áp lực buộc Nga, TQ, Ấn, hay ngay cả Pakistan phải theo chân Hoa Kỳ kìm hãm mua bán dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên với Iran. Qua sự thất bại của Hoa Thịnh Đốn áp đặt chính sách tiền tệ và năng lượng lên phần còn lại của thế giới, chúng ta đã bước vào kỷ nguyên mới trong lịch sử.

KINH TẾ HOA KỲ VẪN TRÌ TRỆ

Công ăn việc làm và kinh tế rõ ràng là những ưu tư hàng đầu của cử tri Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ 2-11-2010.

Tiến trình phục hồi tỏ ra khập khiễng, ngập ngừng, thiếu máu. Tỉ suất tăng trưởng 2% GDP của Hoa Kỳ trong quí III vốn đã thấp, và Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OECD, với 30 quốc gia thành viên giàu nhất thế giới, đã dự phóng khoảng 1,2% trong quí IV.

Donald Kohn, nguyên Phó Chủ Tịch Dự Trữ Liên Bang, đã tóm lược tình trạng khốc liệt như sau: "Kinh tế Hoa Kỳ đang ì ạch thoát ra khỏi hố sâu thăm thẳm "[2].

Hãy thử thăm dò độ sâu của hố thẳm: từ tháng 12-2007 - khởi điểm chính thức Đại Suy Thoái - cho đến tháng 12-2009, kinh tế Hoa Kỳ đã đánh mất tám triệu việc làm . Ngay cả khi thị trường nhân dụng được cải thiện đến mức các năm phát triển nhanh của thập kỷ 1990s, người ta cũng phải đợi đến tháng 3-2014 chỉ để cắt giảm phân nửa tỉ suất thất nghiệp 9,6% hiện nay và trở lại mức tiền suy thoái 4,7%. Chẳng trách James Bullard, chủ tịch Dự Trữ Liên Bang St. Louis, cảnh báo kinh tế Hoa Kỳ đang từng bước tiến tới "lỗ đen" giảm phát Nhật Bản đã trải nghiệm trong thập kỷ 1990s.

Đến nay, chương trình kích cầu 787 tỉ USD của chính quyền Obama đã hoàn tất lộ trình qua hệ thống với rất ít tác động tạo thêm công ăn việc làm trên thị trường nhân dụng. Cũng không nên quên tỉ suất thất nghiệp chính thức cao 9,6% còn thấp hơn nhiều so với con số thực tế, vì đã bỏ sót ở bên ngoài những người chỉ làm vệc bán thời gian trong khi muốn có việc toàn thời gian, những người bỏ cuộc không còn tích cực kiếm việc sau nhiều tháng năm thất bại, và những thanh niên đến tuổi đi làm nhưng chẳng tìm được việc làm. Cuối cùng, các nhà làm chính sách trong chính quyền hình như chưa hiểu được suy thoái do khủng hoảng ngân hàng luôn tệ hại hơn suy thoái không vì khủng hoảng ngân hàng.

TRUNG QUỐC VỮNG TIẾN

Trong khi chính quyền Obama đã tái duyệt tỉ suất tăng trưởng thiếu máu GDP xuống thấp hơn, kinh tế TQ đã vượt qua kinh tế Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn số 2 thế giới. Tỉ suất tăng trưởng ở TQ vẫn ở mức 10% mỗi năm; cùng lúc, kinh tế Nhật vẫn như rùa lẹt đẹt theo sau xa hút với 0,4%.

Trước đà suy giảm trong ngạch số xuất khẩu như hệ quả của suy thoái 2008-2009 từ phương Tây, cấp lãnh đạo TQ đã đáp ứng bằng cách nhanh chóng thay đổi các ưu tiên của mô hình. Họ nhanh chóng quyết định hành động nhằm tăng cường và phát triển số cầu quốc nội và mạnh dạn rót tiền đầu tư vào hạ tầng cơ sở và cải thiện các dịch vụ công.

Trong khi chính quyền các quốc gia Tây phương tìm cách khống chế khủng hoảng đầu tư nhằm vào gốc rễ Đại Suy Thoái qua biện pháp lạm chi - tài trợ với khuy khiếm ngân sách[3], các ngân hàng TQ, do nhà nước kiểm soát, đã gia tăng công chi  và cung cấp tín dụng dễ dàng nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm các tiêu thụ phẩm bền lâu như xe hơi và nhà cửa. Ngoài ra, chính quyền còn đầu tư vào các dịch vụ công cộng như y tế, đã suy đồi tiếp theo sau quyết định tự do hóa kinh tế trong ba thập kỷ qua.

Rút cuộc, các biện pháp vừa kể đã giúp GDP tăng trưởng 9% trong năm 2009, trong khi kinh tế Hoa Kỳ sụt giảm 2,6%. Cấp lãnh đạo trong nhiều quốc gia đang phát triển rất ấn tượng trước thành tích của TQ. Họ kết luận mô hình phát triển do chính quyền chỉ đạo của TQ thích hợp với dân tộc họ hơn mô hình phát triển do giới tư doanh của Tây phương rất nhiều.

Trên bình diện ý thức hệ, đối với các nhà làm chính sách ở TQ, sự thất bại phủ phàng của hệ thống ngân hàng, cơ sở của khu vực tư ở Tây phương, đã đem lại lòng tin và sinh khí cho hệ thống xã hội chủ nghĩa từ lâu đang trên đà suy yếu. Để đáp lại, họ quyết định tăng cường các doanh nghiệp công do nhà nước kiểm soát, chứng minh cho cả thế giới thấy sai lầm của các nhà phân tích Tây phương khi  quyết đoán các định chế doanh thương trong khu vực công luôn kém hiệu quả hơn các đối tác trong khu vực tư.

Vai trò công chi và chính sách bột phát mở rộng tín dụng ngân hàng đã đưa đến gia tăng đầu tư bởi các công ty quốc doanh. Dù trong ngành khai thác khoáng sản, dầu khí, than đá, hay sản xuất sắt thép, chuyên chở hành khách và hàng hóa , các công ty quốc doanh đã được tài trợ đầy đủ để canh tân các cơ sở kỹ nghệ và dịch vụ, một quá trình tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Thêm vào đó, họ cũng đã bắt đầu mở rộng hoạt động vào những ngành nghề mới như bất động sản.

Nói chung, Đại Suy Thoái ở phương Tây, bắt nguồn từ các lạm dụng, tham lam của Wall Street, đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh nhấn mạnh, ở TQ xã hội chủ nghĩa, vốn tư nhân chỉ giữ một vai trò thứ yếu. Như Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã nói trước phiên họp hàng năm của Quốc Hội Nhân Dân trong tháng 3-2010: "Những lợi điểm của hệ thống xã hội chủ nghĩa đang giúp chúng ta lấy quyết định kịp thời, tổ chức hiệu quả, và tập trung tài nguyên để thành đạt những công trình lớn"[4].

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ  VÀ NGOẠI GIAO TÀU CHIẾN

Trong hai tháng 3 & 4-2010, Tòa Bạch Ốc rất huyên náo với vấn đề đồng nhân dân tệ TQ được định giá quá thấp, do đó, đã đem lại cho các nhà xuất khẩu TQ những lợi thế bất công đối với các đối tác Hoa Kỳ. Thẩm định nầy dĩ nhiên đã được giới truyền thông dòng chính tích cực phổ biến. Các nhà bình luận tai mắt tiên đoán phúc trình định kỳ của Bộ Ngân Khố Mỹ vào giữa tháng 4-2010 sẽ lên án TQ đã nhào nặn giá trị đơn vị tiền tệ của mình, bước đầu để nâng mức thuế quan đánh vào các hàng hóa nhập khẩu từ TQ. Nhưng rồi cũng chẳng có gì xẩy ra.

Thay vào đó, Bộ Ngân Khố đã hoãn phúc trình thêm ba tháng. Đến kỳ hạn công bố, phúc trình chỉ nói, trong khi đồng nhân dân tệ vẫn còn được định giá thấp, TQ cũng đã có một "động thái có ý nghĩa"[5] qua việc chấm dứt buộc chặt đơn vị tiền tệ của mình vào đồng USD. Các sự kiện thực tế đã chứng minh ngược lại, nêu rõ sự bất lực của siêu cường duy nhất trong tương quan giao tiếp với Bắc Kinh đang đi lên nhanh chóng. Từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 9-2010, tỉ suất hối đoái đồng nhân dân tệ chỉ ghi nhận một gia tăng "có ý nghĩa" vỏn vẹn 1%.

Điều các nhà làm chính sách ở Bạch Ốc âu lo hơn là phương cách TQ chuyển đổi sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự và ngoại giao. Sự tranh luận chung quanh vụ đánh chìm tàu tuần tiểu Nam Hàn Cheonan trong tháng 3 là một trường hợp điển hình. Tiếp theo sau  phúc trình vào tháng 5 của đoàn chuyên viên Hoa Kỳ, Anh quốc, và Thụy Điển nói rõ một ngư lôi Bắc Hàn đã phá hủy tàu tuần tiểu, Hoa Kỳ và Nam Hàn đã loan báo những cuộc tập trận chung trong vùng Hoàng Hải ngoài bờ Tây bán đảo Cao ly. TQ phản kháng, đưa ra luận cứ: cuộc tập trận, được hoạch định diễn ra rất gần lãnh hải Bắc Hàn, đã đe dọa an ninh của xứ nầy. Vào cuối tháng 5, tại cuộc họp thượng đỉnh Nam Hàn-Nhật Bản-TQ, thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo từ chối nêu đích danh Bắc Hàn như thủ phạm, và thay vào đó, đã nhấn mạnh nhu cầu giảm thiểu tình hình căng thẳng trên bán đảo Cao Ly.

Hoa Thịnh Đốn tảng lờ  khuyến cáo của Bắc Kinh, và cuộc tập trận chung đã diễn ra trong tháng 7. Sáu tuần lễ sau, Hoa Kỳ lại loan báo một cuộc diễn tập tương tự tại Hoàng Hải vào đầu tháng 9. Tức giận, Bắc Kinh đã đáp lại với một cuộc tập trận hải quân trong ba ngày trong cùng địa bàn. Phá vỡ mọi nghi thức thường lệ, TQ đã quảng bá rộng rãi các cuộc diễn tập trên các kênh truyền thông đại chúng. Bất ngờ, thời tiết đã can thiệp. Một trận bão nhiệt đới kéo đến gần Hoàng Hải đã buộc Ngũ Giác Đài hoãn lại các cuộc tập trận chung.

Đến thời điểm đó, Bắc Kinh đã thực sự đối đầu với Hoa Thịnh Đốn, thách thức tuyên bố của Hoa Kỳ Hoàng Hải là hải tuyến thuộc hải phận quốc tế rộng mở cho tàu bè qua lại, kể cả các tàu chiến. Đây là chỉ dấu không thể lầm lẫn là hải quân TQ đang chuẩn bị mở rộng tầm với ra khỏi hải phận của mình. Thực vậy, kế hoạch rõ ràng đã sẵn sàng để nới rộng địa bàn hoạt động đến nhiều vùng trong Thái Bình Dương trước đây do Hải quân Hoa Kỳ khống chế.

Bộ Tư Lệnh Hải Quân TQ  nay  công khai bàn thảo việc gửi các tàu chiến đến vùng  Eo Biển Malacca và Vịnh Ba Tư, với mục tiêu bảo vệ các tuyến đường vận chuyển dầu lửa đến Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.

CHÍNH SÁCH IRAN CỦA HOA THỊNH ĐỐN ĐANG BỊ THỬ THÁCH

Như một quốc gia cung cấp dầu khí đứng thứ ba cho TQ sau Saudi Arabia và Angola, Iran luôn hiện diện rõ nét trên màn ảnh radar của Bắc Kinh. Cho đến nay, các công ty năng lượng TQ, đều do nhà nước sở hữu, đã đầu tư 40 tỉ trong địa hạt dầu khí của Cộng Hòa Hồi Giáo. Các công ty nầy cũng sẵn sàng tham dự vào việc xây cất bảy nhà máy lọc dầu ở Iran. Hồi đầu năm, khi các công ty của Liên Hiệp Âu Châu ngưng cung cấp dầu lửa cho Iran, phải nhập khẩu đến 40% nhu cầu, các công ty dầu TQ đã nhảy vào thay thế. Nhờ vậy, trong năm 2009 , với 21,2 tỉ USD thương mãi hai chiều, TQ đã qua mặt EU như đối tác thương mãi số 1 của Iran. Mậu dịch TQ-Iran được ước tính sẽ gia tăng khoảng 50% trong năm 2010.

Cũng như Nga, TQ chỉ ủng hộ một gói chế tài kinh tế thứ tư của LHQ sau khi Hoa Thịnh Đốn đồng ý nghị quyết của Hội Đồng Bảo An sẽ không dự liệu những gì có thể phương hại đến nhân dân Iran. Vì vậy, nghị quyết sau đó đã không cấm đoán đầu tư hay tham gia trong kỹ nghệ dầu và hơi đốt của Iran.

Điều đáng buồn đối với Mạc Tư Khoa, ngày 1-7-2010, T T Obama đã ký ban hành luật Chế Tài Phổ Thông, Trách Nhiệm, và Giải Tư năm 2010 -CISADA[6]. Luật cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu lửa đến Iran và triệt để hạn chế đầu tư vào kỹ nghệ dầu. Luật cũng gồm một điều khoản dự liệu cho phép Tòa Bạch Ốc trừng phạt bất cứ chủ thể nào trên thế giới vi phạm, qua biện pháp hạn chế mọi giao dịch thương mãi với các ngân hàng hay chính quyền Hoa Kỳ.

Hai tuần lễ sau, bộ trưởng dầu khí Nga Sergey Shmatko công khai chống đối. Shmatko loan báo Nga sẽ khai triễn và nới rộng các hình thức hợp tác hiện hữu trong khu vực dầu khí của Cộng Hòa Hồi Giáo. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi là láng giềng"[7], và còn tuyên bố: các công ty dầu Nga sẽ tự do bán xăng dầu cho Iran và vận chuyển dầu xuyên qua Biển Caspian cả hai quốc gia cùng chia sẻ. Điện Cẩm Linh cũng cảnh cáo, nếu Hoa Thịnh Đốn trừng phạt các công ty Nga vì các hoạt động ở Iran, Liên Bang Nga sẽ trả đũa. Đại sứ Nga bên cạnh LHQ, Vitaly Cherkin, ra tuyên bố khẳng định:  Liên Bang Nga đóng cửa mọi thắt chặt hơn nữa các chế tài đối với Iran.

Như đã công khai hứa hẹn nhiều lần, người Nga cuối cùng cũng đã khai trương nhà máy điện hạt nhân dân sự gần Bushehr trong tháng 8 - hợp đồng xây cất đã được ký từ năm 1994. Nhà máy đáp ứng mọi điều kiện của Cơ Quan Năng Lượng Hạt Nhân Quốc Tế - IAEA[8]. Nga sẽ cung cấp cho nhà máy các que hạt nhân và sẽ di dời các nhiên liệu phó sản có thể dùng làm vũ khí hạt nhân.

Chính vì vậy,  Nga và TQ đã có tên trên danh sách 22 quốc gia giao dịch đáng kể với Iran. Điều làm các nhà phân tích Mỹ ngạc nhiên là sự hiện diện của Ấn Độ trên danh sách, chứng tỏ họ chưa ý thức được một sự kiện nổi bật: "an ninh năng lượng trên hết"[9] luôn là nguyên tắc điều hướng chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia đang lên.

Chẳng bao lâu sau khi luật CISADA được ban hành, Bộ trưởng Ngoại Giao Ấn Độ Nirupama Rao đã tuyên bố "chính phủ của bà rất lo ngại các biện pháp chế tài đơn phương do một số quốc gia riêng rẽ áp đặt có thể có tác động trực tiếp và bất lợi  đối với các công ty Ấn Độ và, quan trọng hơn nữa, đối với an ninh năng lượng của chúng tôi"[10]. Lời tuyên bố của bà đã được khen ngợi rộng rãi trong giới báo chí Ấn, phẫn uất trước sự can thiệp của nước ngoài vào thánh địa an ninh năng lượng. Delhi đã đáp ứng CISADA bằng cách vực dậy ý tưởng xây một tuyến dẫn dầu dài 680 hải lý từ Iran đến Ấn Độ, với phí tổn 4 tỉ USD.

Đáng để ý hơn cả, chính sách của Hoa Thịnh Đốn còn bị các chủ thể chính trị phụ thuộc vào thiện chí và hào phóng của chính Hoa Kỳ phá hoại. Trong các giao dịch chợ đen với tầm cỡ  lớn lao , trên 1.000 xe chở dầu chứa đầy các sản phẩm dầu lửa từ Kurdistan thuộc Iraq vào Iran mỗi ngày. Về phía Kurdistan, số lợi nhuận từ mậu dịch năng lượng phi pháp đã lọt vào túi các đảng phái chính trị Kurdish liên kết chặt chẽ với Hoa Thịnh Đốn kể từ sau Cuộc Chiến vùng Vịnh I năm 1991.

Một ví dụ coi thường Hoa Thịnh Đốn trắng trợn hơn chỉ vì lý do năng lượng đã đến từ Pakistan, một xứ khó thể đứng vững nếu không có đôi nạng kinh tế do Mỹ cung cấp. Trong tháng 1-2010, Hoa Thịnh Đốn đã gây sức ép với Islamabad buộc phải từ bỏ dự án xây tuyến dẫn dầu Iran-Pakistan dài 690 dặm được hoạch định từ mấy năm nay. Islamabad từ chối. Vào tháng 3-2010, đại diện Islamabad đã ký một thỏa  ước với Iran. Và một tháng sau, Iran loan báo đã hoàn tất công tác xây 630 dặm tuyến dẫn dầu trên phần lãnh thổ của mình, và dầu Iran sẽ khởi sự chảy vào Pakistan trong năm 2014.

UY QUYỀN SUY SỤP KHÔNG THỂ HỒI PHỤC

Trong nhiều vùng trên thế giới, uy lực của Hoa Kỳ đang thay đổi, nói chung đang suy sụp. Hoa Kỳ vẫn còn là quốc gia hùng mạnh với một quân lực vô song, với trọng lượng không thể phủ nhận trên sân khấu toàn cầu. Nhưng quyền lực tuột dốc vẫn là một sự thật, và trên nhiều phương diện, không thể đảo ngược. Thế kỷ 21, dù có thế nào, chắc cũng không thể là thế kỷ của Hoa Kỳ.

Những ai quen thuộc với thị trường chứng khoán đều biết giá cổ phiếu của một công ty đang trên đà suy yếu cũng sẽ không rơi tự do xuống vực thẳm. Công ty suy sụp thu hút người mua mới, phục hồi phần lớn những gì đã mất, chỉ để  suy sập hơn nữa lần sau. Đó chính là trường hợp cổ phiếu của chính Hoa Kỳ trên thế giới. Đỉnh điểm như siêu cường duy nhất đã trôi qua và không có viễn tượng hồi phục hoàn toàn, chỉ một cơ may thành công mong manh trong địa hạt xung đột Do Thái-Palestine, nơi Hoa Kỳ vẫn còn là cường quốc duy nhất với quyền lực đáng kể.

Gần một thập kỷ, Hoa Thịnh Đốn đã rót những tài nguyên khổng lồ, máu, sức mạnh quân sự, và vốn liếng ngoại giao, vào những cuộc chiến tai họa tự tạo ở Afghanistan và Iraq, cùng lúc đã đánh mất ảnh hưởng ở Nam Mỹ và toàn bộ Phi châu, ngay cả ở Ai Cập. Hai cuộc chiến tranh kéo dài cũng chỉ làm nổi bật những giới hạn quyền lực của các loại vũ khí quy ước, và lý thuyết quân sự áp dụng sức mạnh vũ bão đối với kẻ thù.

Trong khi bộ tư lệnh ở Ngũ Giác Đài huấn luyện một thế hệ quân nhân và sĩ quan mới về chiến tranh chống khởi nghĩa, đòi hỏi những công tác dài lâu tìm hiểu văn hóa nước ngoài và học ngoại ngữ, kẻ thù của Mỹ, rất thành thạo trong việc sử dụng mạng  lưới internet, đang rèn luyện những chiến thuật mới. Trước sức mạnh kinh tế ngày một lên cao của TQ, Brazil, và Ấn Độ , ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong nhiều cường quốc đang lên, sẽ tiếp tục tàn lụi. Đà tuột dốc của Hoa Kỳ trong mọi tình huống thật khó lòng đảo ngược.

THẾ GIỚI HẬU CHIẾN TRANH IRAQ

Âu châu đã điều chỉnh từ lâu, dù phải trải nghiệm nhiều đau đớn, với địa vị nhỏ bé hơn trên chính trường quốc tế. Sau kênh đào Suez đối với người Anh, sau Algeria đối với người Pháp, ngay cả những ảo tưởng dai dẳng nhất hậu thế chiến II rồi cũng thành mây khói. Chiếc gậy chỉ huy đã được trao qua tay người Mỹ. Các quốc gia Âu châu chỉ còn tập trung tư duy về một Liên Hiệp loại trừ chiến tranh.

Hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan đối với Mỹ, không như những biến cố Suez và Algeria đối với Anh và Pháp: những điểm chuyển biến hay biến tố không thể thay đổi. Tuy nhiên, không ngã ngũ và do điều hành sai quấy, hai cuộc chiến đã đặt giới hạn mới cho quyền lực Hoa Kỳ. T T Obama đang tập trung giảm thiểu những cuồng vọng cuả người Mỹ trong "kỷ nguyên không một lễ đầu hàng được cử hành ".

Obama đã định nghĩa thời đại chúng ta như thế trong bài nói chuyện chấm dứt bảy năm chiến tranh Iraq của Mỹ. Đó là bài diễn văn cốt lỏi của Obama - thông minh nhưng không gây xúc động, vững chắc, ôn hòa và trang nghiêm, tất cả trong hình ảnh một Tòa Bạch Ốc sơn phết lại với  sắc màu trung tính, bình lặng và không ưa thích  bất trắc. Văn phòng và bài nói chuyện được phối trí hài hòa: chúng ta có thể ngợi khen giọng điệu gọn gàng sạch sẽ nhưng nhịp tim không hề xao động.

Đề tài chính không gợi cảm phải hoan hô. Ở Iraq, một thắng lợi ngắn ngủi đã nguội lạnh trong chuổi dài bất lực dẫn đến đổ vỡ với hàng trăm nghìn thường dân thương vong, một tình trạng bất định đầy biến động, bạo lực và bế tắc dân chủ. Không một vũ điệu tinh thần, ngay cả những xáo động 'cho và nhận chính trị', có thể ghi lại trong lịch sử một thắng lợi của Hoa Kỳ trong "Chiến Dịch Tự Do Cho Iraq"[11].

Một thời đại không có lễ đầu hàng chỉ là thế: một thời đại không kẻ thắng người thua rõ ràng, một thời kỳ mù mờ tranh sáng tranh tối.

Obama đã mô tả tình trạng như sau: "Một trong những bài học từ nỗ lực của chúng ta ở Iraq là ảnh hưởng của người Mỹ  trên thế giới không chỉ là một hàm số của chỉ lực lượng quân sự. Chúng ta phải sử dụng mọi yếu tố trong quyền lực của chúng ta - kể cả ngoại giao, sức mạnh kinh tế, và uy lực 'làm gương của Mỹ' - để bảo vệ quyền lợi của chúng ta và giúp đỡ đồng minh của chúng ta"[12].

Quyền lực, trong chủ thuyết Obama, không phải để chiến thắng hay đánh bại kẻ thù. Mục tiêu khiêm tốn hơn nhiều: chỉ để theo đuổi quyền lợi của Hoa Kỳ hay quyền lợi của các quốc gia bạn.

Obama là người thực tế trong hình ảnh một chính khách thế kỷ 19 của Anh Quốc, Lord Palmerston, người đã từng nói: Chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn và chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn. Quyền lợi của chúng ta là vĩnh viễn và trường tồn , và những quyền lợi đó chúng ta có bổn phận phải theo đuổi"[13].

Theo Jonathan Eyal, một nhà phân tích chính sách người Anh, điều kiềm chế Obama là lòng tin Hoa Kỳ "vẫn còn là cường quốc lớn nhất nhưng không phải là cường quốc quyết định. Và người Mỹ sẽ chỉ chấp nhận điều đó với thời gian và nhiều nhồi xóc qua các giảm sốc"[14].

Đây không phải là loại tự truyện anh hùng của Mỹ, những thành phố tỏa sáng trên đỉnh đồi, hay hải đăng hướng dẫn nhân loại. Một cách tế nhị nhưng kiên trì, Obama muốn tiết giảm cường độ chủ thuyết Biệt lệ Hoa Kỳ và thay vào đó quyền lợi hổ tương và tương kính, hai cụm từ ưa chuộng. Obama cũng tìm cách giảm thiểu tham vọng của Hoa Kỳ - lối ra khả dĩ khỏi Afghanistan đang được chuẩn bị theo chiều hướng không thắng không bại kiểu Iraq - với mục đích tái xây dựng Hoa Kỳ.

Đây chính là chỗ đảng Cộng Hòa sẽ tấn công Obama từ nay cho đến 2012. Đảng viên Cộng Hòa sẵn sàng gọi Obama một lãnh tụ nước đôi hay thiếu lập trường rõ rệt. Họ sẽ rêu rao Obama luôn thỏa hiệp với các thành phần quá khích Hồi Giáo thay vì đánh bại những thành phần nầy như nước Mỹ đã từng đánh bại Quốc Xã hay Cộng Sản. Họ lên án Obama đang bán đứng uy quyền Hoa Kỳ. Họ quảng bá Obama như một lãnh tụ chủ hòa thiếu lòng ái quốc. Họ sẽ gọi ông một người truyền giáo thuyết giảng chủ nghĩa xã hội thế quyền, muốn lèo lái Hoa Kỳ vào tình trạng xơ cứng của Âu châu. Trong thực tế, họ đã bắt đầu. Chỉ cần lắng nghe những ứng cử viên Cộng Hòa tiềm năng như Newt Gingrich, ám ảnh bởi Hồi Giáo và luôn thấy luật Hồi Giáo Shariah đang ngoi đầu lên ở New Jersey, hay Mitt Romney luôn rêu rao Obama đang bán đứng cho gấu già Liên Bang  Nga, hay Sarah Palin hay ngay cả Tim Pawlenty vô danh miền Trung Tây luôn than phiền những tín hiệu nhu nhược lập lờ.

Cuộc bầu cử Tổng Thống 2012 sắp tới sẽ không được quyết định trên những chủ đề vừa nói. Vấn đề cốt lõi sẽ là kinh tế Hoa Kỳ có thể hồi phục đủ nhanh và bền vững. Nhưng Obama cũng dễ bị tổn thương vì lập trường thiếu vững chắc - một hình ảnh ăn sâu vào đầu óc người Âu từ quyết  định leo thang  ở Afghanistan. Ông cũng dễ bị tấn công vì luận điệu ông đã từ bỏ tự truyện anh hùng gắn liền với ý thức của người Mỹ về chính nước Mỹ.

Đã hẳn, lô-gic đứng về phía Obama. Như Obama đã ghi nhận, hơn 1.000 tỉ USD đã phung phí từ sự kiện 11-9. Đó là lý do kinh tế Mỹ, nợ nần quá nhiều, đã mất quân bình đến độ phải cần nhiều năm để khống chế. Cắt xén, tái củng cố và tái cơ cấu là những điều kiện tiên quyết để tự vực dậy - những việc  Hoa Kỳ vẫn còn có đủ khả năng thành đạt.

Nhưng lô-gic không giúp thắng cử. Sự thắng cử vẻ vang của Obama năm 2008 là bằng chứng rõ ràng nhất. Nhưng tình hình đã đổi khác. Hoa Kỳ hiện nay không giống Anh quốc ngày trước trong giai đoạn chuyển tiếp từ đế quốc thực dân đến  liên hiệp các xứ độc lập Commonwealth. Nhưng những khó khăn của Mỹ đang đặt Obama trong tình trạng tương tự phải cắt xén, giảm thiểu và bắc cầu.

Vấn nạn chính trị của Obama có thể tóm tắt: làm cách nào để lấy lại tự tin và lạc quan trong khi lôi kéo Hoa Kỳ ra khỏi hai cuộc chiến ngông cuồng tốn kém, thay vì nhảy vào một cuộc chiến mới và tai họa, chẳng hạn ở Iran.

MỘT HOA KỲ SUY NHƯỢC TRƯỚC VẬN HỘI MỚI Ở Á CHÂU

Các chính sách bành trướng quân lực và mậu dịch khẳng định của TQ đang gieo rắc âu  lo kinh sợ khắp Á châu, thúc đẩy các xứ láng giềng phải nhen nhúm lại các liên minh cũ và vun quén các đồng minh mới khả dĩ bảo vệ quyền lợi của chính mình hữu hiệu hơn - trước một siêu cường đang lên.

Những vận động ngoại giao và mậu dịch cuồng nhiệt , từ Tokyo đến New Delhi, đã đem lại cho Hoa Kỳ cơ hội tái khẳng định sự hiện diện khó tránh bị lu mờ bởi một TQ lên nhanh trong khu vực.

Cuộc công du của Obama trong tuần nầy, rộng lớn và quan trọng nhất kể từ ngày nhận chức, đến những quốc gia dân chủ lớn mạnh, Ấn Độ, Indonesia, Nam Hàn và Nhật Bản, trong vòng rìa TQ. Các xứ nầy và một số quốc gia láng giềng khác đã có nhiều động thái, với trình độ bộc trực ít nhiều khác nhau, để kiềm chế các hoạt động khẳng định của TQ trong khu vực.

Các nhà quan sát chờ đợi T T Obama và Thủ Tướng Ấn Manmohan Singh sẵn sàng ký kết  thỏa ước mua bán các phi cơ vận tải quân sự Mỹ và ngay cả các chiến đấu cơ phản lực , những động thái có thể nâng quan hệ đối tác quốc phòng giữa Ngũ Giác Đài và Ấn độ lên một bậc cao mới. Nhật và Ấn cũng đang ve vãn các quốc gia Đông Nam Á về các thương ước và thảo luận về một "vòng đai dân chủ"[15]. Việt Nam cũng đang khai triển một quan hệ ngày một ấm dần với cựu thù Hoa Kỳ, phần lớn vì đồng minh cũ TQ đang đòi hỏi chủ quyền nhiều hải đảo ở Biển Đông hay Nam Hải theo TQ.

Các thỏa ước và liên minh không hẳn hoàn toàn để ngăn bờ TQ, nhưng cũng đã gợi ý một chuyển dịch cụ thể trong bối cảnh ngoại giao, đã phơi bày sống động khi lãnh đạo 18 quốc gia gặp nhau hồi cuối tuần ở Trung tâm Hội nghị Hà Nội với mái lượn sóng tân thời, không mấy xa lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một hội nghị trong không khí tràn ngập căng thẳng giữa TQ và các xứ láng giềng.

Xung đột Nhật-Trung, đang leo thang về một nhóm hải đảo đang tranh chấp khác trong vùng biển phía Đông TQ, đã chiếm các tít lớn vào ngày thứ bảy vừa qua. Và ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton đã đề nghị các cuộc thương thảo tay ba để giải quyết.

Hầu hết các quốc gia Á châu, ngay cả khi tin chắc TQ sẽ thay thế Hoa Kỳ trong vai trò cường quốc hàng đầu trong khu vực, đã ngày một âu lo trước sự chuyển dịch quyền lực nhanh chóng và lối hành xử vẫn còn là một ẩn số của siêu cường TQ.

Các đối tác thương mãi của TQ đã lớn tiếng phàn nàn TQ đang can thiệp quá hung hăng và khẳng định với lập trường duy trì tỉ suất hối đoái ở mức thấp. Quyết định - hạn chế xuất khẩu các khoáng sản đất quí hiếm thiết yếu đến Nhật rồi đến Hoa Kỳ và các nước Âu châu - đã cho thấy viễn tượng TQ có thể sử dụng vị trí áp đảo của mình trong một số kỹ nghệ then chốt như một loại vũ khí chính trị và ngoại giao.

Và sự bành trướng hải quân nhanh chóng, cùng với lập trường lớn tiếng bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền trong các vùng lãnh thổ đang tranh chấp xa biên giới TQ, đã thuyết phục Nhật Bản, Nam Hàn, Việt Nam, và Singapore tái xác nhận nhiệt tình đối với dù an ninh che chở của người Mỹ.

Ngoại trưởng Clinton đã tuyên bố khi đến Hawaii, mở đầu chuyến công du bảy nước  Á châu kể cả trạm dừng chân chỉ lên lịch phút chót ở TQ,  "Điều các lãnh đạo Á châu đã thường nói với tôi nhất trong các chuyến công du trong 20 tháng vừa qua: Cám ơn quý vị, chúng tôi rất vui mừng khi Hoa Kỳ một lần nữa đang giữ một vai trò tích cực ở Á châu"[16].

Rất ít láng giềng của TQ đã nói lên những quan ngại của họ đối với TQ một cách công khai, nhưng các nhà phân tích và ngoại giao cho biết, trong giao tiếp riêng tư, họ đã bày tỏ quan ngại trước tốc độ bành trướng quân sự và tính khẳng định chát tai trong chính sách mậu dịch của TQ.

Kenneth G. Lieberthal, nguyên cố vấn về các vấn đề  TQ bên cạnh T T Clinton và hiện công tác ở Brookings Institution, cũng đã phát biểu, "Hầu hết các quốc gia nầy đã nói với chúng tôi, 'Chúng tôi thật sự rất quan ngại TQ' "[17].

Chính quyền Obama đã nhanh chóng lợi dụng các bước sai lầm của TQ. Các quan chức Hoa Thịnh Đốn trước đây thường nói tới TQ như cường quốc kinh tế khổng lồ Á châu, giờ đây họ đã nói đến Ấn Độ và TQ như cặp khổng lồ song sinh. Và họ nói rõ xứ nào họ tin đồng cảm với Hoa Kỳ nhiều hơn.

"Ấn Độ và Hoa Kỳ chưa bao giờ thiết yếu cho nhau hơn", bà Clinton phát biểu. "Như hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, chúng tôi đoàn kết nhất trí vì quyền lợi và hệ giá trị chung"[18].

Trong khi Obama viếng thăm Ấn Độ trong chặng dừng đầu trong chuyến công du đến các quốc gia dân chủ Á châu, thủ tướng Ấn Manmahan Singh cũng vừa trở về sau chuyến công du lớn của mình - cả hai, ít nhiều rõ ràng hay ít ra cũng tình cờ, đã đi vòng quanh TQ.

Những chi tiết đó hình như không có vẻ đưa đến một thế quân bình kiểu chiến tranh lạnh. TQ đã hội nhập đầy đủ vào kinh tế toàn cầu, và tất cả các nước láng giềng rất hăm hỡ kết thân với TQ. Ngoài cuộc chiến dạy Việt Nam một bài học cách đây ba thập kỷ, TQ đã không gây chiến với ai sau đó, và luôn nhấn mạnh không có ý định dùng vũ lực để biểu dương quyền lực.

Cùng lúc, nỗi âu lo - TQ đã ngày một giàu mạnh và khẳng định hơn - tự nó, cũng đang đem lại nhiều hệ quả thực sự.

Ấn Độ đang tự tiến cử như một đối trọng của TQ trong khu vực; Nhật đang giải quyết tranh chấp với Hoa Kỳ về căn cứ không lực của thủy quân lục chiến; Việt Nam đang thương thảo một hiệp ước về kỹ thuật hạt nhân dân sự với Hoa Kỳ; và người Mỹ, trước đây đã bỏ quên Á châu vì quá bận rộn với hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan, đang thấy một cơ hội để hiên ngang trở lại.

Một ví dụ, trong tháng 7, ngoại trưởng Clinton đã trấn an Việt Nam và Phi Luật Tân khi loan báo Hoa Kỳ rất muốn giúp giải quyết các tranh chấp giữa TQ và các quốc gia láng giềng về một chuổi các hải đảo có tầm quan trọng chiến lược ở Biển Đông.

Bộ trưởng ngoại giao TQ, Yang Jiechi, đã phản ứng giận dữ, lên án Mỹ đang có âm mưu chống lại TQ. Yang còn nhìn thẳng vào mặt bộ trưởng ngoại giao của Singapore nhỏ bé và nhấn mạnh: TQ là một nước lớn. Không do dự, ngoại trưởng Clinton, thứ bảy tuần rồi từ Hà Nội, không những đã lặp lại cam kết của Hoa Kỳ đối với tranh chấp ở Biển Đông, mà còn mở rộng cam kết để bao gồm cả tranh chấp Nhật-Trung. Tuy nhiên, trong hiện tình đối nội-đối ngoại của Hoa Kỳ, cam kết cũng có thể chỉ là cam kết. Đó là điều không nên quên.

Sự trỗi dậy của TQ như một cường quốc chuyên chế cũng đã làm sống lại ý thức:  các quốc gia dân chủ cần phải thực sự đoàn kết . K. Subrahmanyam, một nhà phân tích chiến lược uy tín ở Ấn Độ, đã ghi nhận:  một nửa dân số thế giới hiện sống trong các quốc gia dân chủ; và trong số sáu cường quốc lớn nhất trên thế giới, chỉ có TQ là chưa hay không chấp nhận dân chủ. Ông nói thêm, "Vấn đề ngày nay là một TQ không dân chủ và đang thách thức giữ địa vị số 1 thế giới"[19].

Thực vậy, phương thức ứng xử thích hợp với một TQ đang lên nhanh luôn là ưu tư ám ảnh các lãnh đạo Á châu.

Ở Nhật, Thủ Tướng Naoto Kan và Thủ Tướng Ấn Singh đã thảo luận các vấn đề kinh tế tăng trưởng nhanh, bành trướng quân sự, và khẳng định gia tăng lãnh thổ của TQ.

Bộ trưởng ngoại giao Ấn, Nirupama Rao, đã tuyên bố với các phóng viên báo chí, "Thủ Tướng Kan rất quan tâm tìm hiểu cách ứng xử của Ấn Độ đối với TQ. Thủ Tướng của chúng tôi đã nói cần phải khai triển lòng tin ở nhau, giao tiếp chặt chẽ, và rất nhiều kiên nhẫn"[20].

Nam Hàn đã rất bức xúc hồi đầu năm khi TQ chận đứng một nghị quyết  minh thị lên án Bắc Hàn đã đánh đắm tàu tuần tiểu Nam Hàn, chiếc Cheonan. Nam Hàn tố cáo Bắc Hàn là thủ phạm, nhưng TQ, một đồng minh lịch sử của Bắc Hàn, đã không muốn buộc Bắc Hàn phải chịu trách nhiệm.

Ấn Độ đang theo dõi với đầy âu lo TQ đã bắt đầu xây các hải cảng ở Sri Lanka và Pakistan, nối dài đường hỏa xa đến biên giới Nepal, và tìm cách bành trướng sự hiện diện ở Nam Á.

Bộ Quốc Phòng Ấn đã tìm kiếm những quan hệ quân sự với nhiều quốc gia Á châu trong khi liên tục mở rộng quan hệ và tạo mãi vũ khí từ Hoa Kỳ. Theo các quan chức Mỹ, Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập chung trong những năm gần đây với Ấn Độ, nhiều hơn bất cứ với quốc gia nào khác.

Chuyến công du vừa qua của thủ tướng Singh là một phần trong "chính sách Nhìn  Phía Đông - Look East policy", nhằm mở rộng mậu dịch với phần còn lại của Á châu. Thủ tướng nói, điều nầy không liên hệ gì đến bất cứ xung đột nào với TQ, nhưng TQ vẫn quan ngại. Thứ năm tuần trước, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản TQ, trong bài xã luận, đã đặt câu hỏi: "Chính Sách 'Nhìn Phía Đông' có nghĩa 'Nhìn Nhằm Bao Vây Trung Quốc?' "[21].

Cách nhìn cảnh giác đó rất có thể chính là phản ứng của TQ đối với toàn bộ các động thái trong các xứ láng giềng.

Theo Charles Freeman, một chuyên gia chính trị và kinh tế TQ, tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Thế Giới[22], "Người TQ nhận thức cuộc họp ở Hà Nội như một tấn công tập thể đối với họ. Rõ ràng họ đã tính toán sai lầm về chỗ đứng của họ trong khu vực"[23].

 

GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

07-11-2010

 

[1] Make poverty history!

[2] The U.S. economy is in a slog out of a very deep hole.

[3] Deficit financing.

[4] The socialist system's advantages enable us to make decisions efficiently, organize effectively, and concentrate resources to accomplish large undertakings.

[5] ...a significant move...

[6] CISADA: Comprehensive Sanctions, Accountability, and Divestment Act .

[7] We are neighbors.

[8] IAEA: International Atomic Energy Agency.

[9] Energy trumps all.

[10] Her [India's Foreign Secretary Nirupama Rao] was worried unilateral sanctions recently imposed by individual countries [could] have a direct and adverse impact on Indian companies and, more importantly, on our energy security.

[11] Operation Iraqi Freedom.

[12] One of the lessons of our effort in Iraq is that American influence around the world is not a function of military force alone. We must use all elements of our power - including our diplomacy, our economic strength, and the power of American's example - to secure our interests and stand by our allies.

[13] We have no eternal allies and we have no eternal enemies. Our interests are eternal and perpetual, and those interests it is our duty to follow.

[14] The United States 'is still the biggest power but not the decisive power. And Americans will only accept that with time and with bumping against buffers.

[15] A circle of democracy.

[16] The most common thing that Asian leaders have said to me in my travels over the last 20 monhsis, 'Thank you,we're so glad that pou're playing an active rol in Asia again'.

[17] Most of these countries have come to us and said,'We're really worried about China'.

[18] Hillary R. Clinton: "India and the United States have never mattered more to each other. As the world's two largest democracies , we are united by common interests and common values".

[19] Today the oroblem is a rising China that is not democratic and is challenging for No. 1 position in the world.

[20] Prime Minister Kan was keen to understand how India engages China. Our prime minister said it requires developing trust, close engagement and a lot of patience.

[21] Does India's 'Look East' Mean ''Look to Circle China?

22 Center for Strategic and Internatioal Studies.

23 The Chinese perceived the Hanoi meeting as a gang attack on them. There's no question that they have miscalculated their own standing in the region.

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Trường