Giá năng lượng chao đảo: Tác động kinh tế và xã hội

Vietsciences- Nguyễn Trường            02/11/2009
 

Những bài cùng tác giả

Tháng giêng 2009, ngay trong lòng khủng hoảng tài chánh toàn cầu, giá dầu sụt giảm xuống mức thấp nhất 33 USD một thùng (barrel). Nhiều người trong giới tiêu thụ được hưởng lợi, một số khác lại phải chịu thiệt.

Hiện nay, tháng 10-2009, giá dầu lại nhích lên trên 70 USD một thùng. Nhìn chung, tác động cũng không mấy khác.

Đó là lẽ thường, bởi lẽ văn minh nhân loại đang cơ sở trên năng lượng dầu khí. Giá dầu thấp đã hẳn được nhiều người Mỹ xem như một quà tặng trời cho trong khi đang gây nhiều khó khăn cho các xứ xuất khẩu dầu - bạn có, thù có, của Mỹ - như Iran, Iraq, Kuwait, Nigeria, Russia, Saudi Arabia, Venezuela, những nước với phần lớn GDP lệ thuộc vào xuất khẩu năng lượng.

Trong mọi trường hợp, một thực tế quan trọng cần được ghi nhớ:  dù giá dầu cao hay thấp, năng lượng luôn tác động sâu sắc đến thế giới chúng ta đang sống; và thực tế nầy không hề thay đổi vào thời điểm 10-2009 hay 12-2008.

Lý do? Dù giá cao hay thấp, dầu vẫn sẽ tiếp tục là nguồn cung lớn nhất đáp ứng nhu cầu năng lượng thế giới. Bất cứ kết quả của việc tranh luận về các nguồn năng lượng thay thế ra sao, dầu khí vẫn là nguồn năng lượng số một, chí ít cũng trong nhiều thập kỷ sắp tới.

Theo dự phóng tháng 12-2008 của Bộ Năng Lượng Mỹ, các sản phẩm dầu lửa sẽ chiếm 38% tổng số cung năng lượng năm 2015; hơi đốt thiên nhiên và than đá mỗi thứ 23%. Bách phân năng lượng hóa thạch nói chung sẽ giảm dần khi các nhiên liệu sinh học và bách phân các nguồn năng lượng thay thế khác tăng dần. Theo dự phóng xa nhất của Bộ Năng Lượng, cho đến năm 2030, năng lượng hóa thạch vẫn còn là nguồn nhiên liệu lấn át.

Khuôn mẩu nầy cũng phản ảnh trung thực tương lai năng lượng dự phóng trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.

Theo dỏi chính trị năng lượng toàn cầu, chúng ta có thể hiểu được nhiều điều đang thực sự diễn tiến trên hành tinh. Trong hiện tại, giá dầu tương đối thấp dĩ nhiên bất lợi cho các nhà sản xuất, vì vậy, phương hại cho một số quốc gia chính quyền Mỹ xem là đối nghịch như Iran, Russia và Venezuela. Tất cả các xứ nầy, trong những năm gần đây, đã sử dụng số thu nhập gia tăng từ dầu xuất khẩu để tài trợ những nỗ lực chính trị bất lợi cho Hoa Kỳ.  

Tuy nhiên, giá dầu hạ cũng có thể gây nhiều khó khăn cho các đồng minh của Hoa Kỳ như  Mexico, Nigeria, và Saudi Arabia, những xứ có thể phải trải nghiệm nhiều xáo trộn xã hội và kinh tế  khi số thu nhập và các chi phí công bị sụt giảm.

Ngoài ra, giá dầu thấp còn có tác động bất thuận lợi khác - làm nản lòng giới đầu tư vào các dự án năng lượng,  như khai thác dầu ngoài biển sâu, cũng như các dự án khai triển các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng sinh học cao cấp ngoài thực phẩm.  

Có lẽ tai hại hơn cả là trong thời kỳ giá dầu sụt giảm, số đầu tư vào các nguồn năng lượng có thể tái tạo, không gây ô nhiễm, không gây biến đổi khí hậu, như năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, cũng bị ảnh hưởng và giảm thiểu.

Trong trường kỳ, giá dầu thấp còn có nghĩa một khi kinh tế ra khỏi suy thoái, giá dầu sẽ tăng vọt vì khả năng lựa chọn các nguồn cung năng lượng trong tương lai sẽ cực kỳ hạn chế.

Rõ ràng, tác động của dầu khí là không thể tránh. Tuy vậy, khó thể biết được hình thái của ảnh hưởng nầy sẽ ra sao.  Lâm thời, chúng ta có thể đưa ra ba nhận xét về tương lai của dầu hỏa và ảnh hưởng đối với thế giới.

1. KHI GIÁ DẦU SỤT GIẢM

Đã hẳn, giá dầu xuống thấp nhất rồi sẽ lại gia tăng. Trong mấy tháng đầu của năm 2009, khi suy thoái kinh tế toàn cầu đang hết sức nghiêm trọng, số cầu suy giảm mạnh đã lôi kéo theo giá dầu sụt  giảm xuống mức thấp nhất. Có lẽ cho đến khi số cầu gia tăng trở lại và số cung toàn cầu  giảm thiểu đáng kể, giá dầu khó thể đạt mức kỷ lục như trong mùa xuân và mùa hè 2008 - 147 USD một thùng. Trong hiện tình, không ai có thể tiên đoán phải chờ đợi bao lâu hay cho đến lúc nào.

Quả thật, sự suy giảm trong số cầu đã xuống đến mức đáng kinh ngạc. Sau khi gia tăng trong suốt mùa hè năm 2008, số cầu sụt giảm vào đầu mùa thu khoảng vài trăm nghìn thùng mỗi ngày, đưa đến con số sụt giảm trung bình cho toàn năm 2008 ở mức 50.000 thùng mỗi ngày. Qua năm 2009, Bộ Năng Lượng dự phóng số cầu toàn thế giới sẽ giảm đến 450.000 thùng mỗi ngày - lần đầu tiên trong ba thập kỷ, số dầu tiêu thụ toàn cầu đã sụt giảm hai năm liên tiếp.

Khỏi phải nói, những  sụt giảm trên đây chẳng có gì bất ngờ. Trong niềm tin số cầu dầu khí trên thế giới sẽ tiếp tục gia tăng - như đã xẩy ra hàng năm từ sau lần kinh tế suy thoái 1980 - kỹ nghệ dầu toàn cầu liên tục gia tăng khả năng sản xuất, ngay cả trong năm 2009, và không có dấu hiệu thay đổi. Thực vậy, dưới áp lực mạnh mẽ của chính quyền Bush, Saudi Arabia hứa hẹn, ngay từ tháng 6-2008, sẽ gia tăng số sản xuất phụ trội cho đến khi đạt được thêm 2,5 triệu thùng mỗi ngày.

Ngày nay, kỹ nghệ dầu khí hiện đang đối mặt với tình trạng sản xuất thặng dư trong khi số cầu còn rất yếu kém vì suy thoái kinh tế. Kết quả: giá dầu sụt giảm. Ngay cả quyết định ngày 17-12-2008 của các xứ thành viên OPEC cắt giảm ngạch số sản xuất - 2,2 triệu thùng mỗi ngày - vẫn không thể nâng cao giá dầu trên thị trường quốc tế. Theo quốc vương Saudi Arabia, Abdullah, 75 USD một thùng là giá dầu phải chăng.

Câu hỏi được đặt ra là sự mất quân bình giữa cung và cầu sẽ kéo dài bao lâu? Các nhà phân tích tin có lẽ cho đến cuối năm 2009. Vài người khác nghĩ sự phục hồi toàn cầu thực sự chỉ có thể đến trong năm 2010 hay lâu hơn nữa. Tất cả đều lệ thuộc cuộc suy thoái hiện nay trầm trọng và kéo dài bao lâu.

Yếu tố quyết định là khả năng tiêu thụ dầu của Trung Quốc (TQ). Xét cho cùng, từ 2002 đến 2007, riêng TQ đã chiếm đến 35% số cầu dầu lửa gia tăng trên thế giới. Và theo Bộ Năng Lượng Mỹ, TQ sẽ chiếm ít ra 24% tổng số gia tăng toàn cầu trong thập kỷ tới. Sự gia tăng trong số tiêu thụ dầu của TQ, phối hợp với số cầu không ngừng gia tăng của các xứ kỹ nghệ hóa từ lâu và sự kiện đầu cơ giá dầu tương lai, đã là lý do khiến giá dầu tăng vọt cho đến mùa hè 2008. Tuy nhiên, với kinh tế TQ rõ ràng chao đảo, dự phóng trên đây hình như không còn đứng vững. Nhiều nhà phân tích nay tiên đoán sự sụt giảm nhanh chóng trong số cầu dầu hỏa của TQ sẽ khiến khuynh hướng sụt giảm trong giá năng lượng toàn cầu tăng tốc. Trong những điều kiện đó, một sự phục hồi trong giá dầu sẽ khó lòng xẩy ra.

2. KHI GIÁ DẦU GIA TĂNG

Hiện nay, thế giới đang thụ hưởng một viễn ảnh tương đối mới lạ - số cung dầu hỏa toàn cầu thặng dư. Tình trạng nầy, tuy vậy, hết sức mong manh. Chừng nào giá dầu còn thấp, các công ty dầu sẽ không có lợi để đầu tư vào các dự án sản xuất mới, do đó, không tạo được trang thiết bị hay khả năng sản xuất mới trong khi hạ tầng cơ sở hiện hữu tiếp tục xuống cấp. Điều nầy có nghĩa khi số cầu năng lượng bắt đầu gia tăng trở lại, ngạch số sản xuất sẽ không thể gia tăng tương ứng. Như Ed Crooks, báo Financial Times, đã gợi ý, "giá dầu sụt giảm cũng giống như một thứ thuốc trị đau nhức nguy hiểm, rất dễ bị ghiền: cảm giác dễ chịu ngắn hạn thường khi phải trả với một giá tai hại về lâu về dài"[1].

Dấu hiệu suy giảm đầu tư trong kỹ nghệ dầu đã gia tăng nhanh chóng. Saudi Arabia, chẳng hạn, đã loan báo trì hoãn bốn dự án năng lượng lớn, tín hiệu một bước giật lùi quan trọng trong nỗ lực gia tăng sản lượng tương lai. Trong những dự án bị trì hoãn, người ta đặc biệt chú ý tới dự án 1,2 tỉ tái khởi động khu dầu lịch sử Damman, dự án phát triển khu dầu Manifa với khả năng sản xuất 900.000 thùng mỗi ngày, và dự án xây dựng các nhà máy lọc dầu ở Yanbu và Jubail. Nguyên do trì hoãn là do số cầu quốc tế suy giảm. Kaled al-Buraik, một viên chức công ty Saudi Aramco, giải thích: "Chúng tôi sẽ gặp các đối tác và thảo luận với họ về những trạng huống kinh tế mới"[2].

Vã chăng, phần lớn những trữ lượng dầu dễ khai thác ngày nay đã cạn kiệt; và hầu hết những trữ lượng còn lại trên thế giới thuộc loại khó khai thác. Những khu nầy đòi hỏi những kỹ thuật khai thác tốn kém hơn nhiều, do đó, ít lợi nhuận trong khi giá dầu còn thấp dưới 70 USD một thùng. Phần chính yếu trong số nầy là khai thác dầu từ cát sạn - tarsands - ở Canada, dầu ngoài biển sâu trong Vịnh Mexico, Vịnh Guinea, và ngoài khơi Brazil. Mặc dù tiềm năng trữ lượng dầu trong các khu vực nầy rất quan trọng, việc khai thác chỉ đem lại lợi nhuận khi giá dầu ở trên mức 80 USD một thùng. Trong những điều kiện đó, không ai ngạc nhiên khi các đại công ty dầu khí hủy bỏ hay trì hoãn các kế hoạch khai thác đối với những dự án mới ở Canada và các khu vực ngoài khơi vừa kể.

Mohamed Bin Dhaen Al Hamli, bộ trưởng năng lượng United Arab Emirates, đã đưa ra lời bình luận tại hội nghị kỹ nghệ dầu hỏa ở London tháng 10-2008: "Giá dầu thấp rất có hại cho kinh tế thế giới; nhiều dự án chờ khai thác sẽ được tái thẩm định"[3].

Với sự cắt giảm đầu tư trong kỹ nghệ dầu khí, khả năng đáp ứng số cầu gia tăng sau khi kinh tế toàn cầu ra khỏi suy thoái dĩ nhiên sẽ giảm bớt. Lúc đó, tình trạng hiện nay sẽ thay đổi nhanh chóng đáng ngạc nhiên khi số cầu gia tăng đuổi theo số cung bất cập trong một thế giới thiếu hụt năng lượng.

Khi tình trạng nầy xẩy ra, giá dầu sẽ lên cao bao nhiêu sẽ là điều rất khó tiên đoán, nhưng chắc sẽ gây sốc ở  các trạm xăng. Rất có thể cú sốc năng lượng sắp đến sẽ không kém cường độ suy thoái kinh tế toàn cầu và giá năng lượng suy sụp hiện nay. Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, trong dự báo gần đây, tiên đoán giá dầu sẽ lên mức trung bình 78 USD một thùng năm 2010, 110 USD năm 2015, và 116 USD năm 2020. Một số các nhà phân tích khác còn đi xa hơn. Họ tin mức giá có thể lên cao hơn và nhanh hơn, nhất là khi số cầu tăng nhanh và các công ty dầu không nhanh chóng tái khởi động các dự án hiện đang nằm chờ.

3. TÁC ĐỘNG CHÍNH TRỊ TRÊN THẾ GIỚI

Sự kiện giá dầu liên tục gia tăng trong khoảng từ 2003 đến 2008 là hậu quả của sự gia tăng trong số cầu toàn cầu, cũng như nhận thức kỹ nghệ năng lượng quốc tế đang gặp khó khăn trong việc khai thác các nguồn cung mới. Nhiều nhà phân tích đã nói đến số cung toàn cầu sắp đạt đỉnh điểm trước khi bắt đầu quá trình tiệm giảm. Tình trạng nầy đã thúc đẩy các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu tìm cách tiếp cận và kiểm soát càng nhiều nguồn năng lượng nước ngoài càng tốt, kể cả sự tranh giành gay gắt các hợp đồng năng lượng ở Phi châu và vùng Vịnh Caspian giữa các công ty dầu Hoa Kỳ, Âu châu, và Trung Quốc - như Michael Klare đã đề cập trong tác phẩm Rising Powers, Shrinking Planet.

Với sự sụt giảm trong giá dầu và cảm tưởng số cung thặng dư đang gia tăng, tuy tạm thời,  sự cạnh tranh vừa nói có thể sẽ dịu bớt. Tuy nhiên, sự thiếu vắng cạnh tranh gay gắt hiện nay không có nghĩa giá dầu không còn tác động đến chính trị thế giới. Sự thật khác xa. Trong thực tế, trên nhiều phương diện, giá dầu thấp vẫn có thể gây xáo trộn quốc tế. Trong khi sự cạnh tranh giữa các quốc gia tiêu thụ giảm bớt, các điều kiện chính trị tiêu cực bên trong các xứ sản xuất càng gia tăng.

Số đông các xứ nầy, như  Angola, Iran, Iraq, Mexico, Nigeria, Russia, Saudi Arabia, Venezuela, lệ thuộc vào số thu nhập từ dầu xuất khẩu để tài trợ các chi tiêu công -  y tế giáo dục, nâng cấp hạ tầng cơ sở, trợ cấp thực phẩm và nhiên liệu, và các chương trình an sinh xã hội. Chẳng hạn, giá năng lượng tăng cao cho phép nhiều xứ sản xuất giảm bớt số thất nghiệp trong giới trẻ, do đó, giảm bớt những tiềm năng bất ổn. Khi giá dầu sụt giảm, chính quyền buộc lòng phải cắt xén các chương trình giúp đỡ người nghèo, giới trung lưu, và giới thất nghiệp - đưa đến các làn sóng bất mãn và bất ổn trong nhiều vùng trên thế giới.

Chẳng hạn, ngân sách Liên Bang Nga luôn cân bằng khi giá dầu trên70 USD một thùng. Với thu nhập quốc gia từ dầu xuất khẩu giảm sút, Điện Cẩm Linh buộc lòng phải sử dụng số ngoại tệ dự trữ tích lũy để đáp ứng công chi, để cứu trợ các công ty gặp khó khăn, cũng như để củng cố đồng ruble. Nga - luôn được xem như một khổng lồ năng lượng - đã nhanh chóng lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản. Thất nghiệp lên cao, nhiều xí nghiệp phải cắt giảm giờ làm việc để tiết kiệm ngân sách. Mặc dù thủ tướng Vladimir Putin vẫn còn được ủng hộ rộng rãi, những dấu hiệu bất mãn đầu tiên trong công chúng bắt đầu xuất hiện, kể cả một số phản đối đó đây chống lại thuế quan đánh trên thực phẩm nhập khẩu, chi phí vận tải công cộng gia tăng, và nhiều biện pháp tương tự.

Sự sụt giảm trong giá dầu đã đặc biệt tai hại đối với công ty hơi đốt thiên nhiên khổng lồ Gazprom, công ty lớn nhất Liên Bang Nga và là nguồn cung cấp một phần tư số thuế thu nhập của nhà nước. Vì giá hơi đốt được ấn định căn cứ trên giá dầu,  sự sụt giảm trong giá dầu đã ảnh hưởng nặng nề đến Gazprom: mùa hè 2008, CEO Alexei Miller ước tính giá trị thị trường của Gazprom là 360 tỉ USD; đầu năm 2009, xuống còn 85 tỉ.

Trong quá khứ, Nga thường sử dụng biện pháp ngưng cung cấp hơi đốt cho các xứ láng giềng để nâng cao thế lực chính trị. Tuy nhiên, với giá hơi đốt sụp đổ, quyết định cắt dòng tiếp liệu hơi đốt thiên nhiên cho Ukraine  ngày 1-1-2009 của Gazprom (vì Ukraine không trả được 1,5 tỉ tiền nợ mua hơi đốt trước đó) một phần cũng vì lý do tài chánh. Mặc dù quyết định nầy đã đưa đến nạn thiếu năng lượng ở Âu châu - 25% hơi đốt thiên nhiên của Âu châu phải dùng tuyến dẫn hơi đốt của Gazprom đi ngang Ukraine chuyển tải - Điện Cẩm Linh vẫn có vẻ không lùi bước trong vụ tranh chấp giá cả. Theo nhận xét của Chris Weafer thuộc Ngân Hàng UralSib ở Moscow, "người Nga đang cần tiền. Đó là lý do thực tế"[4].

Giá dầu sụp đổ cũng đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền các nước Iran, Saudi Arabia, và Venezuela, những nước trước đây đã hưởng lợi khi giá dầu gia tăng kỷ lục trong nhiều năm. Thời đó, vấn đề tài trợ các chương trình công ích, trợ giá các hàng tiêu dùng thiết yếu, và đem lại công ăn việc làm rất dễ giải quyết. Cũng như Nga, ngân sách lớn lao của các xứ nầy đã được duy trì dựa trên giả thuyết giá dầu 70 USD một thùng sẽ tiếp tục mãi mãi. Ngày nay, cũng như nhiều xứ xuất khẩu dầu khác, họ phải sử dụng số ngoại tệ sở hữu tích lũy, vay mượn với lãi suất cao, và cắt xén các chi tiêu xã hội - những việc làm dễ gây bất ổn chính trị và xã hội trong quốc nội.

Chẳng hạn, chính quyền Iran đã loan báo kế hoạch bải bỏ các trợ cấp giá năng lượng (giá dầu trước đây chỉ 36 xu một gallon) - một việc làm dễ đưa đến sự chống đối rộng rãi trong nước với tỉ suất thất nghiệp và giá sinh hoạt hiện gia tăng nhanh chóng. Chính quyền Saudi Arabia đã hứa không cắt giảm ngân sách bằng cách dùng ngoại tệ dự trữ tích lũy nhưng tỉ suất thất nghiệp ở Saudi Arabia cũng tăng cao.

Việc cắt giảm chi tiêu công trong các xứ xuất khẩu dầu như Kuwait, Saudi Arabia, và United Arab Emirates cũng sẽ ảnh hưởng đến các xứ thiếu tài nguyên năng lượng như Egypt, Jordan, và Yemen, bởi lẽ nhiều nhân công trẻ tuổi ở các xứ nầy thường đến kiếm việc làm với lương cao trong các xứ xuất khẩu dầu, nhất là trong thời gian giá dầu cao. Khi giá dầu sụp đổ, số nhân công nầy thường là nạn nhân đầu tiên bị sa thải và trả về nguyên quán, nơi rất ít việc làm chờ đón họ.

Tình trạng đó đang xẩy ra trong bối cảnh Hồi Giáo - kể cả những hình thức cực đoan ngày một phổ cập hơn và lên uy tín - chống đối khuynh hướng chính trị thỏa hiệp và cộng tác của các chế độ thân Mỹ như Hosni Mubarak ở Ai Cập, và Quốc Vương Abdullah II ở Jordan. Cùng với các cuộc không tạc và tấn công vô nhân đạo của Israel cũng như phản ứng lấy lệ  của các chế độ Á Rập ôn hòa trước tình cảnh đau thương của 1,5 người Palestine trên dải Gaza bé nhỏ và cô lập , tình trạng  vừa nói  là môi trường thuận lợi cho bạo lực và bất ổn và trào lưu chống đối chính quyền. Mặc dù không mấy ai xem trạng huống nầy trực tiếp liên hệ với dầu khí, nhưng chắc chắn sự chao đảo trong giá dầu cũng giữ một vai trò không nhỏ.

Trong khung cảnh suy thoái toàn cầu, những xáo trộn, do sự chao đảo trong giá năng lượng trong các xứ xuất khẩu dầu lửa nòng cốt, tương đối dễ hiểu. Nhưng thời điểm và địa bàn các biến động khả dĩ xẩy ra là điều chưa thể tiên liệu. Tuy nhiên, những biến động nầy, một khi bùng nổ, chắc chắn sẽ làm bất cứ đợt tăng giá năng lượng nào trong tương lai thêm thập phần khó khăn.

Đã hẳn, giá năng lượng rồi sẽ tăng cao trở lại, có lẽ trong một tương lai không xa, và sẽ lên một mức cao kỷ lục mới. Lúc đó, chúng ta sẽ đối diện với những vấn đề tương tự như trong nửa năm đầu 2008 khi số cầu gia tăng và số cung không  theo kịp đã đẩy giá năng lượng lên 147 USD một thùng.

Trong mọi trường hợp, trong hiện tình kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia trên thế giới, dù thặng dư hay thiếu hụt tài nguyên năng lượng, đều không thể thoát khỏi hậu quả của căn bệnh ghiền dầu khí, khi giá dầu lên cũng như khi xuống thấp.

 

© GS Nguyễn Trường

Irvine, California, USA

12-10-2009


[1] The plunging oil price is like a dangerously addictive painkiller: short term relief is being provided at a cost of serious long-term harm.

[2] We are going back to our partners and dicussing with them the new economic circumstances.

[3] Low oil prices are very dangerous for the world economy; a lot of projects that are in the pipeline are going to be reassessed.

[4] They do need money. That is the bottom line.

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường