Hoa Kỳ và viễn ảnh của chủ nghĩa Đế quốc

Vietsciences-  Nguyễn Trường        06/04/2011

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Địa vị siêu cường toàn cầu của Hoa Kỳ ngày một lung lay. Thế Kỷ của Hoa Kỳ đang kinh qua thời kỳ sóng gió trước khi cáo chung. Nếu Hoa Thịnh Đốn đang mơ ước kéo dài giấc mộng đế quốc thêm vài thập kỷ, ít ra cho đến năm 2050, một thẩm định thực tế các xu thế quốc nội và quốc tế hình như đã đi tới kết luận: Thế Kỷ của Hoa Kỳ may ra chỉ có thể tồn tại đến năm 2025.

BÁ QUYỀN TRÊN ĐÀ BỊ XÓI MÒN

Lịch sử luôn nhắc nhở: các đế quốc, mặc dù có nhiều quyền lực, cũng chỉ là những định chế mong manh. Nền tảng đế quốc luôn khập khiểng đến độ, khi gặp biến động, các đế quốc thường chóng vánh tan vỡ: chỉ 1 năm đối với Bồ Đào Nha, 2 năm với Liên Bang Xô Viết, 8  năm với Pháp, 11 năm với Ottomans, 17 năm với Anh Quốc, và rất có thể vào khoảng 22 năm với Hoa Kỳ kể từ năm quyết định 2003.

Các nhà sử học tương lai có lẽ sẽ giúp xác định năm khởi động xâm chiếm Iraq như khởi điểm của sự suy sụp của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thay vì chinh chiến đánh dấu chung cuộc của các đế quốc trong quá khứ, sự sụp đổ của đế quốc trong thế kỷ 21 có thể diễn tiến tương đối lặng lẽ qua chuổi suy thoái kinh tế và quân sự đan xen.

Tuy vậy, một điều khá chắc chắn: khi bá quyền toàn cầu của Hoa Thịnh Đốn sụp đổ, người ta rất có thể phải chứng kiến nhiều biểu hiện nhức nhối, hậu quả của diễn tiến suy sụp uy quyền của người Mỹ trên khắp thế giới. Như nhiều quốc gia Âu châu đã trải nghiệm, tác động của sự suy tàn của một đế quốc thường có khuynh hướng đem lại khủng hoảng tinh thần, chính trị, và kinh tế cho cả một thế hệ , lôi kéo theo xáo trộn và bất an trong cộng đồng các quốc gia.

Các dữ kiện kinh tế, giáo dục, quân sự hiện hữu cho thấy đối với quyền lực toàn cầu của Hoa Kỳ, các xu hướng tiêu cực sẽ hội tụ nhanh chóng vào năm 2020 và có thể đạt đến trình độ nghiêm trọng trước năm 2030. Thế Kỷ của Hoa Kỳ, được hân hoan công bố  vào đầu Thế Chiến II, sẽ tơi tả và lu mờ, sau 8 thập kỷ, vào năm 2025, và có thể hoàn toàn lùi vào lịch sử năm 2030.

Điều đáng ghi nhận: năm 2008, Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ lần đầu tiên đã xác nhận bá quyền toàn cầu của Hoa Kỳ đang trên quá trình tuột dốc. Trong một phúc trình định kỳ về tương lai, Xu Hướng Toàn Cầu 2025, Hội Đồng đã phải công nhận "thịnh vượng và sức mạnh kinh tế toàn cầu nay đang chuyển dịch, trên tổng thể, từ phương Tây qua phương Đông " "lần đầu tiên trong lịch sử cận đại", như yếu tố căn bản của hiện tượng tuột dốc trong "sức mạnh tương đối của Hoa Kỳ - ngay cả trong địa hạt quân sự"[1]. Tuy nhiên, cũng như nhiều quan chức ở Hoa Thịnh Đốn, các nhà phân tích của Hội Đồng đã tiên liệu một hạ cánh an toàn của một đế quốc, và nuôi hy vọng một cách nào đó Hoa Kỳ có thể duy trì lâu dài "khả năng quân sự vô song  ... đủ để biểu dương quyền lực quân sự trên toàn cầu"[2] trong nhiều thập kỷ sắp tới.

Điều nầy khó thể xẩy ra. Theo dự phóng hiện nay, Hoa Kỳ  sẽ tụt xuống vị trí thứ hai sau Trung Quốc (hiện là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới) về GDP vào năm 2026, và sau Ấn Độ vào năm 2050. Trong cùng chiều hướng, khả năng canh tân của TQ cũng đang trên đà tiến lên hàng đầu thế giới về khoa học ứng dụng và công nghệ quân sự trong khoảng 2020 và 2030, căn cứ trên dự phóng: số cung khoa học gia và kỹ sư ưu tú hiện nay của Hoa Kỳ khi hưu trí sẽ không được thay thế đầy đủ bởi một thế hệ trẻ không được đào tạo thích đáng  .

Vào khoảng 2020, theo kế hoạch hiện nay, Ngũ Giác Đài sẽ phát động ba loại phi hành gia không gian tự động, tượng trưng cho hy vọng cao nhất của Hoa Thịnh Đốn duy trì bá quyền toàn cầu, mặc dù ảnh hưởng kinh tế ngày một suy giảm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hệ thống vệ tinh truyền thông toàn cầu của TQ, hổ trợ bởi những máy vi tính siêu đẳng mạnh nhất thế giới, cũng đã đi vào hoạt động, đem lại cho Bắc Kinh một kho trang thiết bị quân sự và hệ thống truyền thông hùng mạnh có thể tiếp cận mọi nơi trên thế giới, thiết yếu cho nhu cầu điều khiển tên lửa và các vũ khí tấn công trên không gian.

Với thái độ một đế quốc kiêu căng, tòa Bạch Ốc hình như vẫn tưởng sự tuột dốc của Hoa Kỳ sẽ mang tính tuần tự, nhẹ nhàng, và phân bộ. Trong diễn văn về Tình Trạng  Liên Bang trong tháng 1-2011, TT Obama  đã long trọng trấn an "Tôi không chấp nhận vị trí thứ hai cho Hoa Kỳ"[3]. Vài ngày sau, Phó TT Biden cũng đã gièm pha nhận xét "chúng ta khó thể tránh né lời tiên đoán của [sử gia Paul] Kennedy là "chúng ta sẽ là một đại cường đã thất bại, bởi lẽ chúng ta đã đánh mất khả năng kiểm soát nền kinh tế và đã giàn trải quá mỏng"[4].

Trong cùng quan điểm, viết trong tạp chí Foreign Affairs số tháng 11-2010, Joseph Nye, một tên tuổi về chính sách đối ngoại tân tự do, đã bác bỏ mọi luận cứ liên quan sự trổi dậy về kinh tế và quân sự của TQ , "những ẩn dụ sai lạc về một sự tuột dốc hữu cơ"[5], và  mọi suy yếu đang diễn tiến trong quyền lực toàn cầu của Mỹ.

Người Mỹ bình thường, đang chứng kiến nạn thất thoát công ăn việc làm ra nước ngoài, lại có cái nhìn thực tế hơn các lãnh đạo chính trị. Theo kết quả cuộc thăm dò trong tháng 8-2010, 65% dân Mỹ tin: Hoa Kỳ hiện đang trải nghiệm "tình trạng tuột dốc". Trong thực tế, Úc và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh quân sự lâu đời của Mỹ, hiện đang sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ chế tạo trong các cuộc thao diễn quân sự chung với TQ. Các đối tác kinh tế thân cận nhất của Mỹ cũng dần dà lánh xa lập trường của Hoa Thịnh Đốn chống đối chính sách ngoại hối của TQ. Khi TT Obama đang trên đường trở về sau chuyến công du Á châu trong tháng 11-2010, một hàng tít lớn bi quan trên báo The New York Times đã tóm lược tình hình: "Nhãn Quan Kinh Tế Của Obama Bị Bác Bỏ Trên Sân Khấu Thế Giới; TQ, Anh, và Đức Thách Thức Hoa Kỳ; Thương Thảo Mậu Dịch với Seoul Cũng Thất Bại".[6]

Từ góc nhìn lịch sử, vấn đề không phải liệu Hoa Kỳ có thể sẽ đánh mất bá quyền  toàn cầu của mình, mà là sự tuột dốc dồn dập và nhức nhối của Mỹ. Thay vì đi theo tư duy đầy cảm tính của Hoa Thịnh Đốn, chúng ta thử dùng phương pháp tương lai học của chính Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia, đưa ra ba kịch bản thực tiển, xét xem bá quyền toàn cầu của Hoa Kỳ sẽ diễn tiến như thế nào cho đến thập kỷ 2020 . Các kịch bản tương lai bao gồm: tuột dốc kinh tế, khủng hoảng dầu khí, và phiêu lưu quân sự.

TUỘT DỐC KINH TẾ

Ngày nay, vị trí áp đảo của Hoa Kỳ trong kinh tế toàn cầu đang đối diện ba đe dọa chính: thị phần trong mậu dịch quốc tế ngày một thu hẹp, khả năng canh tân kỹ thuật suy giảm, vị thế đặc quyền của đồng USD trong vai trò một ngoại tệ dự trữ toàn cầu ngày môt lung lay.

Kể từ 2008, Hoa Kỳ đã tụt xuống vị trí thứ ba trong ngạch số xuất khẩu, với 11% so với 12% của TQ, và 16% của Liên Hiệp Âu Châu (EU). Hiện không có lý do để tin xu thế nầy có thể đảo ngược.

Trong cùng chiều hướng, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong canh tân kỹ thuật ngày một suy yếu. Năm 2008, Hoa Kỳ đứng thứ hai sau Nhật với 232.000 đơn xin patent; nhưng TQ đã thu hẹp khoảng cách nhanh chóng với 195.000 đơn xin, nhờ ở tỉ suất gia tăng nóng bỏng 400% kể từ năm 2000.

Một dấu hiệu suy yếu khác: năm 2009, Hoa Kỳ tụt xuống vị trí thấp nhất trong số 40 quốc gia thăm dò bởi tổ chức Information Technology & Innovation Foundation về 'thay đổi' trong 'khả năng cạnh tranh căn cứ trên canh tân toàn cầu'[7] suốt trong thập kỷ trước. Nếu tính thêm chất lượng vào thống kê, trong tháng 10-2010, Bộ Quốc Phòng TQ đã tiết lộ một máy siêu vi tính nhanh nhất thế giới, Tianhe-1A, theo một chuyên gia Hoa Kỳ, mạnh đến nổi có thể 'thổi bay máy vi tính số 1 hiện hữu'[8] của Mỹ.

Ngoài ra, chúng ta còn phải nhắc đến một bằng chứng rõ ràng khác: hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, lò sản xuất các khoa học gia và các nhà canh tân tương lai, đã không còn theo kịp các xứ cạnh tranh. Sau khi dẫn đầu thế giới trong nhiều thập kỷ về số thanh niên từ 25 đến 34 tuổi với cấp bằng đại học, Hoa Kỳ  trong năm 2010 đã tụt xuống vị trí thứ 12. Cũng trong năm 2010, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (The World Economic Forum) đã xếp Hoa Kỳ vào thứ hạng 52 trong số 139 quốc gia về chất lượng giáo dục trong các môn toán và khoa học cấp đại học. Gần 50% số sinh viên ban thạc sĩ-tiến sĩ trong các ngành khoa học hiện nay là sinh viên nước ngoài; hầu hết sẽ hồi hương sau khi tốt nghiệp, thay vì ở lại Mỹ như trước đây.  Nói một cách khác, vào khoảng năm 2025, Hoa Kỳ có thể phải đối diện với nạn khuy khiếm trầm trọng các khoa học gia tài ba.

Các xu hướng vừa nói cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò đồng USD như ngoại tệ dự trữ của thế giới. Kenneth S. Rogoff, nguyên kinh tế trưởng  Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đã nhận xét, "các quốc gia khác nay không còn tin Hoa Kỳ là quốc gia  có chính sách kinh tế xuất sắc nhất"[9].Vào giữa năm 2009, với các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ 4.000 tỉ trái phiếu ngân khố Hoa Kỳ, TT Nga Dimitri Medvedev nhấn mạnh: đã đến lúc phải chấm dứt "hệ thống đơn cực được duy trì một cách giả tạo" căn cứ trên "một đơn vị tiền dự trữ trước đây hùng mạnh"[10].

Đồng thời, thống đốc ngân hàng trung ương TQ cũng đã gợi ý: trong một tương lai rất gần có thể sẽ phải chấp nhận một đơn vị tiền dự trữ toàn cầu "không dính dáng với các quốc gia riêng rẽ"[11] (có nghĩa, đồng USD).

Như kinh tế gia Michael Hudson lập luận, tất cả những tín hiệu vừa kể đã "thúc đẩy đà phá sản nhanh chóng của trật tự tài chánh-quân sự thế giới của Hoa Kỳ "[12].

KHỦNG HOẢNG DẦU KHÍ

Song song với quyền lực kinh tế suy giảm của Hoa Kỳ, quyền kiểm soát số cung dầu khí toàn cầu cũng chịu cùng số phận. Cạnh tranh với nền kinh tế đang khát dầu của Mỹ, TQ đã nhanh chóng trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng số một vào mùa hè 2010, một vị trí do Hoa Kỳ độc chiếm trong hơn một thế kỷ. Chuyên gia năng lượng Michael Klare đã đưa ra nhận xét: sự thay đổi ngôi thứ vừa nói  có nghĩa từ nay TQ sẽ giữ vai trò "dẫn đầu trong việc định hình tương lai thế giới"[13].

Vào khoảng năm 2025, Iran và Nga sẽ kiểm soát gần phân nửa số cung hơi đốt thiên nhiên trên thế giới, đem lại cho hai xứ nầy sức mạnh đòn bẩy đối với một Âu châu đang đói năng lượng. Nếu tính thêm trữ lượng dầu lửa, như Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia đã dự báo, "trong vòng 15 năm sắp tới, hai quốc gia, Nga và Iran, có thể trổi dậy như hai  cường quốc năng lượng then chốt".[14]

Mặc dù tiền tiến về kỹ thuật, các nước giàu tài nguyên năng lượng hiện đang bơm dầu từ những vịnh có trữ lượng lớn lao và dễ khai thác với phí tổn thấp. Bài học thực sự rút tỉa từ tai họa tràn dầu Deepwater Horizon ở Vịnh Mễ Tây Cơ: ngoài lý do sơ suất trong chuẩn mực an ninh, còn có một lý do đơn giản khác: theo Michael Klare, để duy trì doanh lợi, BP, một trong những đại công ty năng lượng, có rất ít chọn lựa ngoài việc tìm kiếm "tough oil", hay dầu khó khai thác, hàng dặm dưới mặt đại dương.

Vấn đề càng phức tạp khi TQ và Ấn bất thần đã trở thành hai xứ tiêu thụ dầu lớn lao. Ngay cả trong giả thiết xa vời thực tế - số cung dầu lửa bất biến, sức cầu, do đó giá cả, chắc chắn sẽ gia tăng nhanh chóng. Một số các xứ phát triển khác đã mạnh dạn đối đầu với đe dọa qua các chương trình thực nghiệm nhằm khai triển những nguồn năng lượng thay thế. Hoa Kỳ, trái lại, đã dõi theo một hướng đi trái ngược, và suốt trong ba thập kỷ vừa qua, đã tăng gấp đôi sự lệ thuộc vào dầu nhập khẩu. Từ 1973 đến 2007, dầu nhập khẩu đã gia tăng từ 36% lên đến 66% số năng lượng tiêu thụ trong nước.

PHIÊU LƯU QUÂN SỰ

Khi quyền lực suy giảm, các đế quốc thường rất dễ bị thu hút vào những phiêu lưu quân sự thiếu tỉnh táo. Hiện tượng nầy được các sử gia nhắc đến dưới tên gọi "chính sách quân sự vi tiểu"[15] như một nổ lực mang tính tự trấn an qua chiến lược xâm lăng các lãnh thổ hải ngoại. Họ muốn nói đến những cuộc hành quân, thiếu duy lý ngay đối với một đế quốc, thường gây thêm tổn phí tiêu hao và thất bại tủi hổ, làm tăng tốc quá trình suy sụp.

Trong thời mạt vận, các đế quốc, sau nhiều năm tháng mắc phải chứng bệnh tự kiêu, luôn tìm cách bám víu vào chủ nghĩa đế quốc qua các phiêu lưu quân sự, thường kết thúc với thất bại và tan rã. Năm 413 trước công nguyên, một Athens suy yếu đã gửi 200 tàu chiến vào lò sát sinh ở Sicily. Năm 1921, Ðế quốc Tây Ban Nha đã gửi 20.000 binh sĩ để bị tàn sát bởi du kích quân Berber ở Morocco. Năm 1956,  Đế quốc Anh đã hủy hoại uy tín qua chiến dịch tấn công kênh đào Suez. Năm 2001 và 2003, Hoa Kỳ xâm chiếm Afghanistan và Iraq. Với sự kiêu căng đặc trưng của chủ nghĩa đế quốc qua nhiều thiên niên kỷ, Hoa Kỳ đã tăng quân ở Afghanistan lên 100.000, mở rộng chiến tranh qua Pakistan, và gia hạn cam kết đến năm 2014 và xa hơn nữa, tự chuốc lấy tai họa trong "nghĩa trang, dành cho các đế quốc, đầy dẫy du kích, và trang bị nguyên tử ".

Trong lúc tình hình lúc một căng thẳng, phúc trình của Ngũ Giác Đài đã tiết lộ Bắc Kinh hiện đã có đủ "khả năng tấn công ...các hàng không mẫu hạm [Hoa Kỳ] trong vùng Tây Thái Bình Dương" và ngay cả các "lực lượng nguyên tử trong khắp...lục địa Hoa Kỳ". Qua sự triển khai "khả năng tấn công hạt nhân, không gian, và chiến tranh truyền thông và kiểm soát tự động", TQ hình như đang quyết chí tranh giành thế lực áp đảo trong lãnh vực Ngũ Giác Đài mệnh danh "quang phổ thông tin đủ kích cỡ của chiến tranh không gian hiện đại"[16]. Với sư khai triển đang tiếp diễn các hỏa tiễn tăng thế Long March V, cũng như phóng các vệ tinh trong tháng 1-2010 (2) và tháng 7-2010 (1), Bắc Kinh đã gửi tín hiệu: TQ đang tiến rất nhanh trong chương trình thiết kế một mạng lưới độc lập với 35 vệ tinh trong các địa hạt định vị, truyền thông, và khả năng tình báo vào năm 2020.

Nhằm kiềm chế TQ và tăng cường vị thế quân sự toàn cầu của chính mình, Hoa Thịnh Đốn quyết định thiết kế một "mạng lưới kỹ thuật số" gồm các người máy không gian và ngoại không gian tự động - những khả năng chiến tranh truyền thông và kiểm soát tối tân, và giám sát điện tử. Các nhà hoạch định quân sự chờ đợi hệ thống hội nhập hay hợp nhất nầy sẽ có khả năng bao phủ địa cầu trong một mạng lưới truyền thông và giám sát có khả năng che kín tầm quan sát của các đội quân thù nghịch hay ngay cả loại trừ một tên khủng bố riêng lẻ. Vào năm 2020, nếu diễn biến đúng theo kế hoạch, Ngũ Giác Đài sẽ phát động một lá chắn ba lớp các phi cơ không người lái - với tầm với từ stratosphere (thượng tầng không gian) đến exosphere (ngoại biên bầu khí quyển), được trang bị các hỏa tiễn cực nhanh, nối liền với một hệ thống vệ tinh linh động qua sự giám sát của viễn vọng kính.

Tháng 4-2010, Ngũ Giác Đài đã làm nên lịch sử: thí nghiệm thành công khả năng nới rộng tầm hoạt động của các phi cơ không người lái vào exosphere qua việc phóng phi thuyền không gian không người lái X-37B lên quỹ đạo thấp 255 dặm trên mặt địa cầu. Phi thuyền X-37B là phi thuyền đầu tiên trong thế hệ phi thuyền không người lái mới, đánh dấu chiến lược vũ trang hóa không gian, tạo lập một chiến trường tương lai chưa từng có.

Mùa hè năm 2010, căng thẳng quân sự giữa Mỹ và TQ bắt đầu lên cao trong vùng Tây Thái Bình Dương, trước đây được xem như "hồ nước khổng lồ" riêng của Hoa Kỳ. Một năm trước đó, không ai đã có thể tiên đoán một bối cảnh như vậy. Cũng như trước đây, trong vai trò đồng minh với Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn đã từng thành công giành lấy phần lớn uy quyền toàn cầu của Anh quốc, TQ ngày nay cũng đã sử dụng số thu nhập từ hàng xuất khẩu qua Hoa Kỳ để tài trợ những gì rất có thể trở thành một thách thức quân sự đối với bá quyền Hoa Kỳ trên các tuyến hàng hải ở Á châu và Thái Bình Dương.

Với tài nguyên ngày một gia tăng, Bắc Kinh đang đòi hỏi một vòng cung hải phận từ Triều Tiên xuống tận Indonesia từ lâu do hải quân Hoa Kỳ khống chế. Tháng 8-2010, sau khi Hoa Thịnh Đốn tuyên bố "quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ" ở Nam Hải và thao diễn hải quân trong vùng để hậu thuẩn lập trường của mình, tờ báo chính thức Global Times của Bắc Kinh đã giận dữ trả lời: "trận đấu vật giữa Hoa Kỳ-TQ về vấn đề Nam Hải đã nâng thách thức lên mức nghiêm trọng -  ai sẽ là kẻ thực sự ngự trị hành tinh trong tương lai"[17].

TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI

Trong mọi trường hợp, nhiều xu thế có ý nghĩa đã phơi bày một sự tuột dốc đáng ngạc nhiên trong bá quyền  toàn cầu của Hoa Kỳ.

Trong khi các đồng minh trên khắp thế giới đang bắt đầu điều chỉnh chính sách để ghi nhận sự trổi dậy của các cường quốc Á châu, chi phí duy trì trên dưới 800 căn cứ quân sự của Mỹ ở hải ngoại ngày một trĩu nặng cuối cùng cũng sẽ buộc Hoa Thịnh Đốn phải triệt thoái theo từng giai đoạn. Trước nỗ lực thi đua vũ trang không gian và thượng tầng không gian của  Hoa Kỳ và TQ, tình trạng căng thẳng giữa hai đại cường rất có thể sẽ đưa đến một xung đột quân sự với hậu quả khó lường.

Tình trạng càng phức tạp vì  các xu thế kỹ thuật, quân sự, và kinh tế không phải chỉ tác động biệt lập. Như đã từng xẩy ra cho các đế quốc Âu châu sau Đệ Nhị Thế Chiến, các lực vừa nói chắc chắn còn tương tác, đan xen, và có tác động lớn lao hơn nhiều. Phối hợp lại, hậu quả có thể đưa đến những cuộc khủng hoảng người Mỹ chưa bao giờ được chuẩn bị để đối phó, do đó, sẽ đe dọa xoay chuyển nền kinh tế trong một vòng xoáy trôn ốc gây cơ hàn cho một hay nhiều thế hệ .

Sự suy giảm quyền lực của Hoa Kỳ sẽ đem lại nhiều cơ hội cho một trật tự thế giới mới. Trong nhiều giả thuyết, sự trổi dậy của một siêu cường toàn cầu mới, mặc dù không mấy chắc chắn, cũng không thể gạt bỏ. Tuy vậy, cả TQ lẫn Liên Bang Nga, với văn hóa tự tôn, văn tự phi La Mã khó hiểu, chiến lược quốc phòng cấp khu vực, và những hệ thống pháp lý lỗi thời, đều chưa đủ điều kiện chủ quan và khách quan cần thiết cho vai trò lãnh đạo toàn cầu. Vì vậy, hiện không một siêu cường duy nhất nào có đủ điều kiện thay thế Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo.

Một cơ chế lãnh đạo toàn cầu đen tối và đáng buồn của thế giới tương lai - một liên minh các đại công ty đa quốc gia, những lực lượng đa phương như NATO, và những nhà tài phiệt quốc tế..., có thể phối hợp thành một định chế duy nhất, bất ổn, siêu quốc gia, không mang tính đế quốc. Đã hẳn một định chế liên minh các đại công ty đa quốc gia và các tập đoàn tài chánh đa phương vẫn có thể giữ vai trò lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, quyền lợi của tuyệt đại đa số nhân dân thế giới sẽ không được đại diện và bị bỏ quên một cách dễ dàng và bất công.

Trong quang phổ các dạng thức lãnh đạo thế giới tương lai khả dĩ, một hình thức độc quyền đa phương toàn cầu nào đó cũng có thể xuất hiện trong khoảng 2020 và 2040, với những đại cường đang lên TQ, Nga, Ấn Độ, và Brazil hợp tác với một số đại cường ngày một suy nhược, như Anh, Đức, Nhật, và Hoa Kỳ trong một dạng lãnh đạo toàn cầu, tương tự như một liên minh lỏng lẻo các đế quốc Âu châu đã ngự trị một nửa nhân loại vào những năm 1900.

Một khả dĩ khác: sự trổi dậy của các bá chủ cấp khu vực tương tự như hệ thống trật tự thế giới trước ngày các đế quốc cận đại xuất hiện.Trong trật tự thế giới nầy, mỗi đại cường thống lĩnh một khu vực -- Brazil ở Nam Mỹ, Hoa Thịnh Đốn ở Bắc Mỹ, Pretoria ở Nam Phi...Không gian, thượng tầng không gian, đại dương, không còn thuộc bá quyền Hoa Kỳ, có thể thuộc thẩm quyền của Hội Đồng Bảo An LHQ hay một định chế quốc tế đặc biệt nào đó.

Tất cả  những kịch bản dự phóng tương lai căn cứ trên những xu thế hiện hữu đều dựa trên giả thiết người Mỹ, có thói quen kiêu căng trong nhiều thập kỷ bá quyền, không thể hay sẽ không có biện pháp quản lý hay đảo ngược tiến trình bào mòn bá quyền toàn cầu của mình.

Nếu quá trình suy sụp của Hoa Kỳ trong thực tế sẽ diễn tiến trong 22 năm, thập kỷ đầu đã bị phung phí vì các cuôc chiến phiêu lưu, xao lãng nhiều vấn đề dài hạn cấp thiết, và phung phí nhiều nghìn tỉ USD cần thiết cho nhu cầu đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

Khả năng đánh mất mười lăm năm còn lại cũng rất cao. Quốc Hội và Tổng Thống luôn bị tê liệt. Hệ thống chính trị Hoa Kỳ tràn ngập tiền bạc của các tập đoàn tài chánh và đại công ty luôn sẵn sàng  gây trở ngại cho việc thực thi những nghị trình của đảng cầm quyền. Các vấn đề cấp thiết kể cả chiến tranh, an ninh quốc gia, giáo dục, năng lượng, luôn bị xao lãng, khó lòng bảo đảm một hạ cánh an toàn cần thiết để có thể tối đa hóa vai trò và sự thịnh vượng của Hoa Kỳ trong một  thế giới đang đổi thay nhanh chóng.

Các đế quốc Âu châu đã tàn lụi, và đế quốc Mỹ cũng trên đường suy sụp. Thậm chí người ta ngày một nghi ngờ Hoa Kỳ, theo chân Anh quốc trước đây, có thể còn đủ khả năng áp đặt một trật tự thế giới mới để bảo vệ quyền lợi của chính mình, duy trì thịnh vượng, và mang dấu ấn những giá trị tốt nhất của Mỹ.

THAY LỜI KẾT LUẬN

Trong nổ lực giảm thiểu những tai hại sau khi Wikileaks phổ biến hơn 250.000 tài liệu mật của Bộ Ngoại Giao, mới đây Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates đã đưa ra nhận xét: "Trong thực tế, chính quyền [các nước ngoài] giao dịch với Mỹ vì quyền lợi của họ đòi hỏi, không vì họ ưa  thích chúng ta, không vì họ tin tưởng chúng ta, không vì họ tin chúng ta có thể giữ bí mật... Một vài chính quyền giao dịch với chúng ta chỉ vì họ sợ chúng ta, một vài chính quyền khác vì kính trọng chúng ta, phần lớn vì cần chúng ta. Như đã nói trước đây, chúng ta, trong cốt lõi, vẫn còn là một quốc gia không thể thiếu".[18]

Đã hẳn tư duy trên đây của Gates rõ ràng khá ôn hòa, và phản ảnh đầu óc địa chính trị thực tiễn của một quan chức Hoa Thịnh Đốn. Đã hẳn, Gates cũng không phải quan chức cao cấp  đầu tiên của Mỹ tin tưởng Hoa Kỳ là quốc gia tối cần thiết. Nhiều tay chơi ở Hoa Thịnh Đốn cũng cùng chung ý tưởng. Vấn đề là tin tức gần như hàng tuần đã làm suy yếu dạng thức thực tiển của Gates. Khả năng của Wikileaks, một tổ chức nhỏ bé của vài nhân vật chính trị, đã gây nhức nhối cho siêu cường toàn cầu, nhiều lần đã rọi ánh sáng chói chang vào bóng tối bí mật bao trùm hành động mờ ám của giới lãnh đạo chính trị quân sự, cũng chẳng giúp được gì nhiều cho Gates. Nếu tính thiết yếu của Hoa Kỳ không mấy ai nghi ngờ ở Hoa Thịnh Đốn, nó vẫn là một vấn đề hoàn toàn khác đối với thế giới bên ngoài.

Lời bình luận thông minh nhất của Simon Jenkins trong báo The Guardian ở Anh, khi đọc những tin tức do Wikileaks phổ biến gần đây, đã tóm tắt vấn đề: "Phung phí tiền bạc rất choáng ngợp. Tiền viện trợ [của Mỹ] không hề được theo dõi, kiểm toán, hay thẩm định hiệu quả. Người ta có ấn tượng một siêu cường thế giới đang lang thang ngơ ngác trong một thế giới không ai ứng xử như đã cam kết. Iran, Nga, Pakistan, Afghanistan, Yemen, LHQ, tất cả đều luôn ứng xử ngoài kịch bản. Hoa Thịnh Đốn đã phản ứng như một con gấu bị thương, theo bản năng đế quốc, nhưng quyền lực chẳng mang lại chút hiệu quả."[19]

Đôi khi, để hiểu rõ hiện tại, chúng ta cũng nên nhìn về quá khứ. Trong trường hợp nầy, nhìn xem những gì đã thực sự xẩy ra cho các đế quốc trong lịch sử cận đại cũng hữu ích không kém như khi nhìn thẳng vào tương lai.

 

© Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

24-3-2011


 

[1] ...the transfer of global wealth and economic power now under way, roughly from West to East" and without precedent in modern history," as the primary factor in the decline of the United States' relative strength -- even in the military realm".

[2] ...retain unique military capabilities...to project military power globally...

[3] I do not accept second place for the United States of America.

[4] We are destined to fulfill [historian Paul] Kennedy's prophecy that we are going to be a great nation that has failed because we lost control of our economy and overextended.

[5] misleading metaphors of organic decline.

[6] Obama's Economic View Is Rejected on World Stage, China, Britain and Germany Challenge U.S., Trade Talks With Seoul Fail, Too.

[7] ...global innovation-based competitiveness.

[8] The Tianhe-1A, so poerful, it 'blows away the existing No. 1 machine' in America.

[9] Other countries are no longer willing to buy into the idea that the U.S. knows best on economic policy.

[10] ...it was time to end 'the artificially maintained unipolar system' based on 'one formerly strong reserve currency'.

[11] ...disconnected from individual nations.

[12] ...to hasten the bankruptcy of the U.S. financial-military world order.

[13] China will "set the pace in shaping our global future".

[14] ...in just 15 years two countries, Russia and Iran, could "emerge as energy kingpins".

[15] micro-militarism.

[16] Beijing now holds "the capacities to attack...[U.S.] aircraft carriers in the western Pacific Ocean" and targets "nuclear forces throughout ...the continental United States." By developing "offensive nuclear, space, and cyber warfare capacities", China seems determined to vie for dominance of what the Pentagon calls "the information spectrum in all dimensions of the modern battlespace".

[17] The U.S.-China wrestling match over the South China Sea issue has raised the stakes in deciding who the real future ruler of the planet will be.

[18] The fact is, governments deal with the United States because it's in their interest , not because they like us, not because they trust us, and not because they believe we can keep secrets...Sòm governments deal with us because they fear us, sòm because they respect us,most because they need us. We are still essentially, as has been said before, the indispensable nation.

[19] The money-wastingis staggering. [U.S.] Aid payments are never followed, never audited, never evaluated. The impression is of the world's superpower roaming helpless in a world in which nobody behaves as bidden. Iran, Russia, Pakistan,Afghanistan, Yemen, The United Nations, are all perpetually off script. Washington reacts like a wounded bear, its instincts imperial but its power projection unproductive.

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org  Nguyễn Trường