Khủng hoảng tài chánh, kích cầu và kiệm ước

Vietsciences-Nguyễn Trường               05/09/2010

 

Những bài cùng tác giả

KHAN HIẾM THANH KHOẢN VÀ KHUY KHIẾM NGÂN SÁCH

Trước các dấu hiệu khập khiểng trong phục hồi kinh tế Hoa Kỳ, thị trường tích sản suy sụp, giá công khố phiếu gia tăng, lợi nhuận[1] sụt giảm, và đồng USD lên giá so với đồng euro.

Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Wall Street đã sụt giảm tiếp theo sau quyết định của Cục Dự Trữ Liên Bang mua vào các công khố phiếu. Thống kê cập nhật về ngoại thương xác nhận tỉ suất tăng trưởng của Hoa Kỳ rất  yếu ớt.

Chỉ số tích sản đã sụt giảm ít ra 2,5% khi thị trường chứng khoán đóng cửa, vừa đúng một ngày sau khi Cục Dự Trữ công bố đà phục hồi kinh tế đã chậm lại, và đã có quyết định tái luân chuyển qua Ngân Khố ngân khoản mới thu hồi trong gói trái phiếu có thế chấp bất động sản.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đã biết rõ cân thương mãi hữu hình ảm đạm đã đưa đến việc tái thẩm định tỉ suất tăng trưởng trong quí II.

Khuy khiếm trong chương mục vãng lai của Mỹ đã gia tăng bất thần lên 18,8% trong tháng 6, do xuất khẩu sụt giảm.

Khi thị trường chứng khoán đóng cửa vào ngày 10-8, chỉ số kỹ nghệ trung bình  Dow Jones đã sụt giảm 265,42 điểm hay 2,49%, xuống mức 10.378,83, trong khi chỉ số Standard & Poor sụt 31,59 điểm, hay 2,82%, xuống còn 1.089,47. Chỉ số Nasdaq đã sụt giảm 68,54 điểm, hay 3%, xuống còn 2.208,63.

Suy giảm xẩy ra trong nhiều địa hạt, dẫn đầu bởi nguyên liệu và cổ phiếu. Nhiều  khu vực S&P sụt giảm ít nhất cũng 2%. Đối diện với bất trắc, nhiều nhà đầu tư đã bất động, lẫn tránh thị trường.

Cổ phiếu trên ba thị trường chứng khoán Hoa Kỳ nay đã xuống thấp nhất trong năm, với Nasdaq sụt 2,5%.

Ở Luân Đôn, chỉ số FTSE 100 sụt 131,20 điểm, hay 2,45%; chỉ số DAX ở Frankfurt sụt 132,18 điểm, hay 2,1%; chỉ số CAC 40 ở Paris sụt 102,29 điểm, hay 2,7%. Chứng khoán Á châu phần lớn cũng mất giá.

Tốc độ  tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc (TQ) cũng đã có dấu hiệu nguội dần.

Trong khi giá chứng khoán sụt giảm, giá các trái phiếu Ngân Khố lại tiếp tục gia tăng. Tỉ suất lợi nhuận xuống mức thấp chưa từng thấy  trong hơn một năm qua. Trái phiếu Ngân Khố thời hạn 10 năm đã sụt từ 2,76  xuống còn 2,68 % hôm thứ ba 10-8-2010.

Dầu thô cũng sụt giá, giảm 2,27 USD, hay 2,8%, xuống còn 77,98 USD một barrel, trước tin kinh tế TQ đã có dấu hiệu bớt nóng và tăng trưởng ở Hoa Kỳ đã chậm lại.

Khuy khiếm trong cân thương mãi hữu hình của Hoa Kỳ gia tăng nhanh vì nhập khẩu tiếp tục gia tăng, nhất là xe hơi và các tiêu thụ phẩm. Nigel Gault, kinh tế trưởng Hoa Kỳ,  thuộc IHS Global Insight, cho biết: khuy khiếm cùng với các tín hiệu suy yếu khác chứng tỏ tỉ suất tăng trưởng trong quí II chỉ ở mức 1,2 %, so với dự phóng nguyên thủy của chính quyền 2,4%. Kinh tế Hoa Kỳ, vì vậy, mong manh hơn nhiều, và Cục Dự Trữ đã phải nới lỏng tín dụng.

Nhưng Gault cũng tiên đoán khuy khiếm thương mãi có thể sẽ cải thiện trong những tháng tới - nhập khẩu có thể chậm lại vì số cầu của giới tiêu thụ suy giảm.

Stuart A. Schweitzer, chiến lược gia thị trường toàn cầu của Ngân Hàng J.P. Morgan, cũng cho biết: các số liệu về  mậu dịch và tăng trưởng đã báo hiệu tình trạng trì trệ lúc một nghiêm trọng hơn. Schweitzer nói: " Bất trắc sẽ rất cao. Tôi luôn có quan điểm, với giai đoạn tăng trưởng đã lùi vào quá khứ, các nhà đầu tư sẽ hành động tùy theo các dữ kiện kinh tế vĩ mô, và cho tới nay các dữ kiện nầy không mấy thuận lợi. Quả thật, tình hình đã không như tất cả chúng ta mong muốn. Tất cả chúng ta phải công nhận bất trắc đối với tăng trưởng lúc một gia tăng"[2].

Các nhà đầu tư cũng đang đối diện với các tin tức kinh tế đáng thất vọng trong hai châu lục khác.

Ở Á châu, tin tức mới nhất từ TQ cho thấy kinh tế tăng trưởng nhanh trong  nửa năm đầu nay đang dần dà giảm tốc. Thống kê trong tháng 7 về sản lượng kỹ nghệ, ngạch số bán lẻ, đầu tư vào tích sản cố định, và  tín dụng ngân hàng, tất cả đều cho thấy hình ảnh một xứ có tăng trưởng kinh tế mạnh mẻ nhất thế giới. Tuy nhiên, tổng chi tiêu trong những tháng cuối đang bắt đầu suy yếu. Theo Schweitzer, tất cả họp lại hình như đang báo hiệu  một viễn ảnh suy thoái trái với sự mong đợi của nhiều người.

Ở Âu châu, Ngân Hàng Anh Quốc đã tái thẩm định tỉ suất tăng trưởng trước tin tức các ngân hàng đã quá  dè dặt trong  nghiệp vụ cho vay, và nhịp phục hồi kinh tế ở Âu châu và Hoa Kỳ đã giảm thiểu. Ngân hàng trung ương Anh Quốc giờ đây dự phóng tăng trưởng tối đa chỉ ở khoảng 3%, thấp hơn 3,6% dự phóng trong tháng 5-2010. Tỉ suất lạm phát cũng đã được tái định ở mức cao và kéo dài hơn mục tiêu 2% của ngân hàng cho đến cuối năm 2011.

Đồng USD tăng giá so với đồng euro - 1,2889 USD/1 euro ngày 11-8 so với 1,3196 USD/1euro ngày 10-8.

Tuy nhiên, đồng USD đã mất giá đối với đồng yen,  xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua,  khi kết quả tái thẩm định bi quan của Cục Dự Trữ Liên Bang về kinh tế Hoa Kỳ đã thúc đẩy giới đầu tư bán Mỹ kim và mua vào đồng yen.

Đồng USD đã mất giá hơn 10% đối với đồng yen trong ba tháng gần đây, và theo Electronic Brokering Services, lại sụt xuống 84,72 yen/1USD ngày 11-8-2010, mức thấp nhất kể từ 4-1995.

Chỉ số Nikkei ở Nhật cũng sụt giảm 2,7%.

Theo Tom di Galoma, một nhân viên cao cấp Mỹ ở Guggenheim Securities, khi hối suất đồng yen ở mức 85 yen/1USD, người ta chờ đợi giới đầu tư Nhật sẽ tìm mua các trái phiếu Ngân Khố Hoa Kỳ. Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người đã không tiên liệu Cục Dự Trữ Liên Bang đã quyết định mua vào các tích sản và hiện  đang chú tâm đến các tích sản đang mất giá.

Quyết định của Cục Dự Trữ hôm 10-8,  bắt đầu mua ít nhất 10 tỉ trái phiếu Ngân Khố mỗi tháng, đã làm ngạc nhiên giới trung gian trên các thị trường chứng khoán.

Trước các tín hiệu phục hồi kinh tế đã chững lại, Cục Dự Trữ đã có kế hoạch sử dụng số tiền thu hồi khổng lồ trong gói trái phiếu có thế chấp bất động sản để mua vào các trái phiếu Ngân Khố dài hạn.

Theo Galoma, quyết định của Cục Dự Trữ trong tháng 8-2010 cho thấy các nhà làm chính sách đã lo lắng nhiều hơn trước. Mọi người cảm thấy bất an trước tiến trình hồi phục thiếu ổn định.

Theo Joe Battipaglia, chiến lược gia của Stifel Nicolaus, hành động của Cục Dự Trữ đã không gây thêm tin tưởng ở thị trường tích sản toàn cầu, mà chỉ làm lung lay lòng tin và đặt ra nhiều vấn đề đối với tương lai.

Battipaglia nói: nền kinh tế của chúng ta ra sao mà lại đòi hỏi gia tăng lượng tín dụng.

NHÂN DỤNG VÀ THẤT NGHIỆP

Ở Hoa Kỳ, tình trạng nhân dụng còn tệ hại hơn nhiều so với phúc trình về số người thất nghiệp tuần rồi. Nước Mỹ đang đối diện với một cuộc khủng hoảng nhân dụng trầm trọng, và các nhà làm chính sách vẫn chưa ý thức để cấp tốc đối phó.

Con số thất nghiệp trong tháng 7, công bố ngày 6 tháng 8 vừa qua, cho thấy: mặc dù khu vực tư đã đem lại 71.000 việc làm mới trong tháng, tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 9,5%.

Tuy tỉ lệ thất nghiệp  tự nó đã đáng lo ngại, tình trạng nhân dụng trong thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Số công nhân viên nhà nước bị mất việc trong toàn quốc không phải ít. Khoảng 143.000 nhân viên tạm tuyển trong chương trình kiểm tra dân số vừa phải nghỉ việc, và 48.000 công nhân viên trong khu vực công cũng đã bị sa thải vì ngân sách khiếm hụt ở cấp tiểu bang và địa phương.

Nhưng quan trọng hơn hết, trong dài hạn, tỉ lệ thất nghiệp đã không cao hơn chỉ vì 181.000 nhân công đã rời  hàng ngũ lao động. Phần lớn trong số nầy đã mất việc và không có hy vọng kiếm được việc làm khác trước tình hình nhân dụng tệ hại nhất kể từ thời Đại Khủng Hoảng. Bất đắc dĩ, họ đã phải rời hàng ngũ các người lao động đang kiếm việc làm. Với phương pháp thống kê  hiện nay, họ không được tính vào số người thất nghiệp.

Chuyên gia nhân dụng Charles McMillion, chủ tịch và kinh tế trưởng của MBG Information Services ở Hoa Thịnh Đốn, đã nghiên cứu thị trường lao động trong nhiều năm. McMillion nói: "Trong ba tháng vừa qua, 1.155.000 người thất nghiệp đã rời hàng ngũ lao động tích cực và đã không được xem như thất nghiệp. Ngay cả khi không kể đến gia tăng dân số, nếu số người nầy không rời bỏ hàng ngũ lao động, một phép tính đơn giản cũng đủ cho thấy tỉ lệ thất nghiệp chính thức lẽ ra đã tăng từ 9,9% trong tháng 4 lên 10,2% trong tháng 7, thay vì sụt xuống mức 9,5%"[3].

Với tăng trưởng bình thường trong dân số vào độ tuổi kiếm việc làm, lực lượng lao động sẽ gia tăng khoảng từ 150.000 đến 200.000 người mỗi tháng. Nếu tính thêm con số nầy, theo McMillion,  thất nghiệp hiện nay cũng sẽ ở trên mức 10,2 phần trăm.

Người Mỹ hiện vẫn chưa có dấu hiệu bắt đầu đối phó với khủng hoảng nhân dụng, khác với trong thập kỷ 1930s, họ đã bắt đầu ngay cả trước nhật kỳ Đại Khủng Hoảng xẩy ra.

Theo McMillion, người Mỹ đang chứng kiến một số lớn nhân công đã hết hy vọng kiếm được việc làm. Nhưng McMillion cũng nói rõ: hiện đang có một số kỹ lục những người thất nghiệp lâu dài vẫn còn đi tìm việc. Trong số 14,6 triệu chính thức được tính như thất nghiệp, gần 45% đã thất nghiệp sáu tháng hay lâu hơn.

Vào đầu tháng 8, Michael Luo đã viết một bài trên báo New York Times về những người tự gọi là những "người  99" (the 99ers), có nghĩa họ đã thất nghiệp hơn 99 tuần lễ, và vì vậy, đã tận dụng phụ cấp thất nghiệp đến tối đa. Gần một triệu rưởi người đã thất nghiệp trên 99 tuần lễ - và không phải tất cả đều được hưởng phụ cấp thất nghiệp.

McMillion nói: "Khi các bạn tính chung số người thất nghiệp dài lâu với những người rời bỏ hàng ngũ lao động, và những người chỉ làm việc bán thời gian vì không có việc gì tốt hơn, kết quả sẽ vượt xa những gì các bạn đã thấy trên thị trường việc làm kể từ thập kỷ 1930s"[4].

Rất có thể Hoa Thịnh Đốn đang nghĩ đến điều nầy, nhưng chắc chắn họ chưa làm gì nhiều để đối phó. Cách tiếp cận khủng hoảng nhân dụng của các chính trị gia không khác gì phân phát các dù che mưa trong bảo tố. Hàng triệu người đang đau khổ chịu đựng và toàn bộ nền kinh tế đang lâm nguy trong khi họ chỉ bận tâm với kinh phí cho chiến cuộc ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, và bàn luận suông về phương cách quân bình ngân sách.

Đến một lúc nào đó họ sẽ không còn có thể bám víu vào thái độ chối bỏ. Với 14,6 triệu người chính thức thất nghiệp,  5,9 triệu bỏ cuộc không còn tìm kiếm nhưng nói rõ họ muốn có việc làm, và 8,5 triệu đang làm việc bán thời gian nhưng muốn có công việc toàn thời gian, tóm lại, gần 30 triệu người Mỹ không thể kiếm được việc và đang cần có  việc làm.

Ngày một đông người trong lứa tuổi làm việc và ngày một ít việc làm dành cho họ. McMillion cho biết hiện việc làm trong khu vực tư ở Hoa Kỳ đã mất bớt  3,4 triệu so với cách đây một thập kỷ. Trong mười năm qua, chúng ta đã chứng kiến số công ăn việc làm ngày một sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ 1928-1938.

Không phải người Mỹ đang tiến dần đến bờ vưc thẳm. Họ hiện đang ở ngay trong khu vực nguy khốn. Nước Mỹ sẽ không còn là một xã hội ổn định nếu cuộc khủng hoảng nhân dụng lớn lao hiện nay không sớm được giải quyết. Không ai có thể cho phép tình trạng thất nghiệp ở tầm cỡ nầy ngày một trầm trọng hơn. Đó là một lỗi lầm tai họa không thể tha thứ, dù là một điều khó tránh.

KINH TẾ ĐỨC VÀ LIÊN HIỆP ÂU CHÂU

Chính quyền Liên Bang Đức đã tranh luận với các đối tác Âu châu trong quá trình tìm phương thức đối phó với khủng hoảng tài chánh, với Hoa Kỳ về lợi ích kích cầu hay kiệm ước, và quyết tâm theo đuổi viễn kiến của chính mình nhằm duy trì một nền kinh tế lành mạnh.

Thống kê công bố ngày 13-8 đã tăng cường quan điểm của người Đức là họ đã tìm được  phương thức đúng. Theo đó, tỉ suất tăng trưởng trong hai quí đầu 2010 là 2,2 %, cao nhất kể từ ngày thống nhất Đông và Tây Đức cách đây 2 thập kỷ, tương đương với gần 9% cho toàn năm 2010, nếu tỉ suất được duy trì cho đến cuối năm.

Các con số tăng trưởng mạnh mẽ dĩ nhiên đã củng cố niềm tin: khác với các đối tác Âu châu, giới lao động và quản lý các công ty Đức trong những năm gần đây đã chấp nhận những hy sinh cần thiết trong đoản kỳ để bảo đảm thành công trong trường kỳ. So với Hoa Kỳ,  họ đã giải quyết khủng hoảng tài chánh và suy thoái đi kèm hiệu quả hơn nhiều. Và người Đức cũng không bao giờ ngần ngại nhắc nhở: chính Hoa Kỳ đã đưa thế giới vào cuộc khủng hoảng hiện nay.

Mở rộng chương trình - trả tiền để giúp công nhân tiếp tục làm việc, thay vì đợi họ mất việc rồi mới tìm cách cứu trợ - là biện pháp trực tiếp nhất được áp dụng ngay khi  khủng hoảng đang trong  thời kỳ cao điểm  . Nhưng gốc rễ của sự thành công dựa trên xuất khẩu làm đầu tàu của Đức đã bắt nguồn từ kế hoạch tái cấu trúc kinh tế đầy gian nan dưới thời Thủ Tướng Gerhard Schröder.

Với các biện pháp cắt giảm phụ cấp thất nghiệp, thủ tục tuyển dụng và sa thải dễ dàng, đồng thuận giữa giới quản lý và công nhân trong việc ấn định mức  lương, người Đức một lần nữa đã thành công dùng xuất khẩu làm đầu tàu cho tăng trưởng, với  hậu thuẩn của các công ty nhạy bén, có đủ khả năng cạnh tranh, biết lựa chọn sản xuất các loại xe và máy móc dụng cụ, cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của các nền kinh tế dù mới trỗi dậy hay đã phát triển.

Người Đức đã tránh đi theo con đường kích cầu qua việc khuyến khích vay nợ để chi tiêu, theo họ, đã là nguyên nhân đưa đến khủng hoảng. Suốt trong chiều dài suy thoái, thủ tướng Angela Merkel luôn đề kháng phương thuốc kích cầu hay tăng công chi - những biện pháp Hoa Kỳ và một số đối tác Âu châu xem như thiết yếu cho  phục hồi kinh tế.

Cuộc tranh luận về phương cách xử lý khủng hoảng đã giúp làm sáng tỏ hình ảnh một nước Đức hậu chiến tranh lạnh, đang tự khẳng định như một quốc gia không chấp nhận những áp lực và thuyết giảng từ bên ngoài - một thái độ gây căng thẳng trong quan hệ với các đối tác Âu châu. Mặc dù còn nhiều vấn đề nội bộ phải giải quyết, nước Đức cũng đã không còn quá bận tâm với các tội phạm lịch sử của chính mình và luôn tự hào với mô hình kinh tế đặc thù, bản sắc văn hóa riêng, và vị trí được cải thiện trên trường quốc tế.

Jenny Wiblishauser, một bà mẹ độc thân 33 tuổi, ở Memmingen, cho biết: bà rất hãnh diện trước thái độ thận trọng tài chánh, và không bị lay chuyển bởi làn sóng phê bình từ các lãnh đạo nước ngoài, của chính quyền Đức. Bà nói: "Trước đây, người Hy Lạp có thể gọi chúng tôi là Quốc Xã, và chúng tôi cũng đã tỏ ra dễ tổn thương. Ngày nay, người ta không ngần ngại trả lời: 'Vâng, tôi sẽ không đến đó để nghỉ dưỡng' "[5].

Vài nhà phê bình Âu châu đánh giá thái độ tự tin đó như mang tính tự tôn trong cuộc tranh luận hiện nay về vấn đề cứu trợ Hy Lạp và giúp phục hồi lòng tin vào đồng euro đang gặp khó khăn. Theo Thomas Klau, một chuyên gia về hội nhập, thuộc Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Âu Châu, thái độ khinh khi kẻ cả của các hảng thông tấn Đức đối với Hy Lạp đã gây quan ngại giữa các đồng minh về một nước Đức tự khẳng định đang trỗi dậy.

Klau nói: "Điều nầy, giống như  tiếng chuông cảnh tỉnh đối với phần còn lại của Âu châu, là một cái gì đó đã thay đổi ở Đức Quốc"[6].

Trong giao thời, quan hệ giữa Pháp và Đức đã trở nên gắt gỏng và đầy bức xúc, ảnh hưởng tai hại đến tương lai của dự án hội nhập Âu châu.

Như  thống kê mới nhất cho thấy, sản lượng của Đức ngày một vượt xa các xứ láng  giềng, gây e ngại một Âu châu với hai tỉ suất tăng trưởng chênh lệch sẽ khó lòng duy trì sự ổn định của đơn vị tiền tệ chung - đồng euro.

Tỉ suất tăng trưởng của kinh tế Pháp, 0,6% trong quí II, chỉ bằng một phần nhỏ của Đức. Kinh tế của Tây Ban Nha chỉ tăng trưởng òi ọp  0,2%, trong khi kinh tế Hy Lạp tiếp tục suy thoái với tỉ suất âm -1,5%.

Nếu các nhà làm chính sách ở Berlin đúng và kinh tế Đức đã thực sự phục hồi, trước mắt mọi người, họ sẽ được xem như khôn ngoan sáng suốt. Nếu tiến trình phục hồi mong manh và sụp đổ, như các dấu hiệu đáng lo - đà hồi phục ở Hoa Kỳ đã chậm lại và kinh tế Trung Quốc bắt đầu mất trớn, người Đức có thể bị chỉ trích là đã làm quá ít để giúp kinh tế Âu châu và toàn cầu.

Các quan chức Đức tin chắc: họ đã chọn cách tiếp cận đúng, kể cả một giải pháp tốt hơn cho vấn đề thất nghiệp. Họ đã triển khai "Kurzarbeit" - chương trình khuyến khích các công ty cho công nhân nghỉ phép và cắt giảm giờ làm việc hàng tuần  thay vì sa thải, và sử dụng quỹ bù trừ, do công nhân và công ty cùng đóng góp lúc bình thường, để bù vào số lương bị sụt giảm.

Vào thời điểm cao nhất, tháng 5-2009, khoảng 1,5 triệu công nhân ghi tên tham gia chương trình. Tổ chức OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) gần đây đã ước tính, vào quí  III năm 2009, giải pháp nầy đã giúp hơn 200.000 công nhân khỏi mất việc.

Kinh tế Đức đã phục hồi rất rõ rệt trong những thành phố nhỏ như Memmingen, trong vùng Swabia lịch sử. Khu thị tứ, sơn phết sáng sủa, trong thành phố thịnh vượng nầy,  hiện diện như  một câu chuyện thần thoại ở Đức, bên ngoài những thành quách Trung Cổ của thành phố cổ Memmingen. Memmingen, tuy nhỏ bé, là một phần trong bức tranh nhân dụng toàn quốc tái khởi sắc, và đã được chính thủ tướng Merkel xem như một phép lạ.

Sau một năm 2008 đạt kỹ lục, đơn đặt hàng các sản phẩm điện từ của xí nghiệp Magnet-Schultz đã  sụt giảm nhanh chóng. Gần 1/3 trong số hơn 1.500 công nhân được xếp vào "chương trình làm việc ít giờ" . Kết quả: chỉ có 57 công nhân bị mất việc.

Wolfgang  E. Schultz  là chủ tịch, và con trai - Albert,  giữ chức phó chủ tịch từ tháng 1-2010.  Đây là một xí nghiệp gia đình do ông nội của Wolfgang E. Schultz thành lập cách đây gần 100 năm. Chủ tịch Schultz tuyên bố: mục tiêu là duy trì xí nghiệp về lâu về dài, công ty chỉ để mất càng ít thợ chuyên môn càng tốt. Ông hứa sẽ thuê lại những người đã cho nghỉ việc khi tình hình được cải thiện. Cho đến nay, 40 trong số nầy đã được tái tuyển.

Xuất khẩu của Đức trong tháng 6 đã gia tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước, tỉ suất cao nhất kể từ khủng hoảng tài chánh tháng 10-2008. Với đà phục hồi, các công ty như Magnet-Schultz   đã thành công giúp giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp xuống mức 3,4% ở Memmingen, 50% thấp hơn tỉ lệ thất nghiệp trung bình toàn quốc - 7,6%.

Trả lời phỏng vấn, chủ tịch Schultz tuyên bố: "Chính quyền đã hành động đúng đắn khi quyết định mở rộng chương trình làm việc ít giờ,  bởi lẽ chương trình nầy đã giúp bắc cầu qua thời buổi khó khăn"[7].

Kể từ khi khủng hoảng tài chánh bắt đầu, thủ tướng Merkel đã là nhà lãnh đạo luôn chọn chính sách khắc khổ và kiệm ước, một tầm nhìn đã được nhóm G20, tại hội nghị thượng đỉnh Toronto vào cuối tháng 6-2010,  noi theo,  khi  lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới hứa hẹn sẽ giảm thiểu số thâm thủng ngân sách.

Mặc dù uy tín của thủ tướng Merkel đã lên cao trên chính trường quốc tế, chính quyền của bà cũng đã  phải đấu tranh để lật ngược kết quả thăm dò công luận trong nước hết sức bất lợi. Mặc dù lập trường của bà đã phản ảnh đúng ý dân và tin tức kinh tế thuận lợi, công luận vẫn tiếp tục âu lo về tương lai kinh tế. Mặc dù  chính sách kiệm ước đã giúp nước Đức cải thiện khả năng cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu, vượt qua các đối tác Âu châu ít kỹ luật, và yếu đuối hơn, chính các biện pháp kiểm soát lương bổng chặt chẽ, tăng tuổi hưu trí từ 65 lên 67, giảm mức trợ cấp xã hội, cho phép tuyển dụng và sa thải dễ dàng, cũng đã đưa đến cảm giác bất an sâu sắc.

Bà Wiblishauser, người mẹ độc thân ở Memmingen, đã sống nhờ chương trình trợ cấp xã hội một tháng trong năm 2006, dưới tên Hartz IV. Mặc dù ngày nay làm việc như một trợ lý tư vấn về thuế vụ, bà nói trở lại sống nhờ trợ cấp xã hội là nguồn lo âu  hãi hùng nhất. "Nó đem lại cho người thụ hưởng một cảm giác 'sợ hãi hiện sinh' "[8].

Các đối tác của Đức đã khuyến dụ, van nài, và đòi hỏi chính quyền Berlin phải khuyến khích giới tiêu thụ chi tiêu nhiều hơn, để giúp đem lại quân bình giữa các thành viên trong khu vực  Euro. Nhưng Wiblishauser vẫn cảm thấy viễn tượng phải chi tiêu để giúp các xứ Âu châu khác là điều đáng ghê tởm.

Giống như nhiều người Đức khác, Wiblishauser cho biết bà không thấy lợi ích gì khi làm thành viên Liên Hiệp Âu châu. Bà nói "Tôi thực sự sẽ thích thú hơn nếu chúng tôi tự túc , giống như người Thụy sĩ"[9].

Theo các số liệu công bố ngày 13-8-2010, kinh tế khu vực euro đã tăng trưởng 1% trong quí II năm 2010, một tỉ suất cao hơn chờ đợi, vì tỉ suất tăng trưởng cao nhất của kinh tế Đức kể từ ngày thống nhất đã bù đắp vào tỉ suất  thấp của Tây Ban Nha, Ý,  và tỉ suất âm của Hy Lạp.

Sở thống kê Eurostat của Liên Hiệp Âu châu đã báo cáo:  Tăng trưởng trong GDP của khu vực Euro đã nhanh nhất trong bốn năm, so với 0,2% trong qúi I.

Các kinh tế gia đã cảnh báo Âu châu có thể sẽ không duy trì được tỉ suất nầy trong suốt năm. Và các số liệu cũng làm nổi bật sự khác biệt trong tỉ suất tăng trưởng giữa Đức và các quốc gia Nam Âu, trung tâm của cuộc khủng hoảng công trái.

Theo Chris Williamson, kinh tế trưởng của Markit, tỉ suất tăng trưởng 2,2 % ở Đức tương phản với tỉ suất âm -1,5% ở Hy Lạp (đang chìm đắm trong suy thoái), tỉ suất  khiêm tốn 0,2 % của Tây Ban Nha, và 0,4% của Ý. Tuy nhiên, đà tăng trưởng mạnh mẻ ở Đức đã đem lại hy vọng: sự thành công của Đức có thể có "ảnh hưởng vệt dầu loang" qua các xứ Âu châu khác.

Các kinh tế gia Ngân hàng Credit Suisse, trong phúc trình ngày 13-8-2010, đã viết:" Trong thời gian nhiều người đang âu lo về tiến độ hồi phục của Mỹ, điều thật đáng chú ý là hồi phục ở Đức đang khởi đầu khá mạnh mẽ và bền vững. Khuynh hướng gia tăng trong chi tiêu và nhập khẩu của giới tiêu thụ Đức có thể có tác động tích cực đến phần còn lại của khu vực euro, kể cả các xứ ngoại vi đang gặp khó khăn"[10].

Các nhà phân tích đã chờ đợi khu vực euro nói chung sẽ tăng trưởng ít hơn 1% trong quí II, với vài người tiên đoán tỉ suất sẽ gần với số không. Đức, với xuất khẩu đang gia tăng, đã tăng trưởng 2,2% so với quí I, một tỉ suất cao nhất kể từ ngày thống nhất Đông và Tây Đức cách đây hai thập kỷ. Kết quả thăm dò của 34 kinh tế gia hãng Reuters tiên đoán: tăng trưởng 1,3%.

Sau khi các số liệu được công bố, người ta thấy có dấu hiệu các nhà đầu tư không còn muốn nắm giữ các tích sản nhiều bất trắc. Họ e ngại tỉ suất tăng trưởng tương phản trong khu vực rất có thể gây trở ngại cho hồi phục kinh tế trong tương lai.

Các tỉ suất lợi nhuận (yield) - các nhà đầu tư đòi hỏi để giữ các trái phiếu chuẩn mực của Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý, và Ái Nhĩ Lan - đều gia tăng, trong khi mức lợi nhuận các trái phiếu Đức lại sụt giảm.

Chứng khoán ở Âu châu sụt giảm vì những lo ngại tương tự. Chứng khoán Euro Stoxx 50 sụt giảm 0.4%. Hối suất đồng euro sụt xuống mức 1,2755 USD ngày 13-8, so với 1,32 vào đầu tuần.

Thống kê về mậu dịch do Eurostat công bố ngày 13-8 phản ảnh sự khác biệt lớn lao giữa Bắc và Nam Âu châu. Cân thương mãi Đức thặng dư 60,2 tỉ euros, hay 76,9 tỉ USD, trong thời gian từ tháng giêng đến cuối tháng 5, vượt xa phần còn lại của Âu châu.

Như Rolf Schneider, kinh tế gia công ty bảo hiểm Đức Allianz,  đã viết: "Nhờ tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, kinh tế Đức đã hưởng lợi nhiều hơn hầu hết các xứ khác từ sự tái khởi sắc nhanh chóng trong mậu dịch quốc tế"[11].

Thực vậy, các công ty Đức có vẻ đã hưởng lợi từ sự kiện: nỗi âu lo của các nhà đầu tư về khả  năng hoàn trái của Hy Lạp và Tây Ban Nha đã đẩy giá trị đồng euro xuống thấp so với đồng USD. Do đó, giá hàng xuất khẩu của Đức đã thấp hơn trên các thị trường  nước ngoài. Chẳng hạn, ngày 13-8,  hảng xe Volkswagen cho biết đã bán hơn bốn triệu xe hơi từ tháng giêng đến tháng 7, cao hơn số xe bán được cùng kỳ trong các năm trước. Tuy nhiên, VW cũng cảnh cáo thị trường xe hơi đã trở nên ngày một khó khăn hơn.

Với một vài ngoại lệ, như Hà Lan và Ái Nhĩ Lan, phần lớn cân thương mãi của các quốc gia Âu châu năm nay đều khuy khiếm lớn. Anh quốc, khuy khiếm lớn nhất, với 42,8 tỉ euros trong năm tháng đầu của 2010, trong khi Tây Ban Nha và Pháp cả hai đều khuy khiếm hơn 20 tỉ euros.

Ở Pháp, GDP đã tăng 0,6% trong quí II, từ 0,2 % trong quí I. Tăng trưởng trong quí II hơi cao hơn con số dự phóng 0,5% theo kết quả thăm dò của Reuters.

Kinh tế trưởng Commerzbank, Jorg Krämer, cảnh báo: vài con số  gia tăng ở Đức chỉ là kết quả của các dự án xây cất bị trì hoãn bởi mùa đông giá buốt một cách bất thường. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, tỉ suất tăng trưởng 1,5% vẫn còn rất lành mạnh. Krämer cũng nêu rõ tăng trưởng 2,2% mỗi quí tương đương với tỉ suất cao trọn năm - gần 9%, rất khó duy trì dài lâu. Ông nói: "Chúng ta có tín hiệu báo động từ TQ. Không có động lực nào đến từ phần còn lại của Âu châu. Hình như chỉ ở mức ôn hòa trong tương lai"[12]. Tuy nhiên, Ngân hàng đã nâng dự phóng tăng trưởng ở Đức lên 3,25% cho toàn năm 2010.

Ngay cả với tăng trưởng gần đây, Âu châu cũng chỉ có thể bù đắp khoảng 1/4 ngạch số sản lượng đã mất trong suy thoái. Điều nầy, cùng với sức ép lên giá cả,   dù chỉ nhẹ nhàng,  có nghĩa:  Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu sẽ giữ lãi suất căn bản ở mức thấp kỹ lục cho đến 2011.

Theo Sở Thống Kê Liên Bang, chi tiêu của giới tiêu thụ Đức, thường rất yếu ớt ngay cả khi kinh tế phồn thịnh, cũng đã góp phần nâng cao mức tăng trưởng, trong khi số người lao động đã gia tăng 0,2% so với năm trước, đạt con số 40,3 triệu. Số chi tiêu ở Đức cũng đã giúp ít nhiều phần còn lại của Âu châu. Tuy nhiên, giới lãnh đạo của vài xứ đã phàn nàn Liên Bang Đức đã không làm nhiều hơn để chuyển biến số thặng dư xuất khẩu thành số cầu hàng hóa và dịch vụ trong các xứ đối tác Âu châu.

Bằng chứng tăng trưởng mạnh ở Đức sẽ khuyến khích Thủ Tướng Angela Merkel đẩy mạnh kế hoạch giảm chi và cắt giảm khuy khiếm trong ngân sách nhà nước, một việc làm đã được Jean-Claude Trichet, Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương Âu châu, ủng hộ mạnh mẻ. Các nhà chỉ trích lại nghĩ,  biện pháp kiệm ước có thể chờ đợi cho đến khi tăng trưởng Âu châu bền vững hơn.

Gần đây, Trichet đã tỏ vẻ lạc quan về kinh tế khu vực euro, đồng thời cũng cảnh cáo tình trạng kinh tế toàn cầu còn thiếu ổn định và nguy cơ hay bất trắc vẫn còn nhiều.

Theo tài liệu ngân hàng trung ương, tín dụng ngân hàng còn yếu ớt, và hệ thống tài chánh còn quá mong manh. Trong khi Hy Lạp, dù đã có nhiều tiến bộ cắt giảm khuy khiếm ngân sách, vẫn còn phải đối diện với nguy cơ các nhà đầu tư , vì âu lo khả năng hoàn trái,  có thể buộc phải rời khỏi  khu vực euro.

Theo Insee, cơ quan thống kê quốc gia Pháp, chi tiêu của các hộ gia đình  Pháp cũng đã gia tăng 0,4% sau khi ngưng trệ trong quí I, đầu tư gia tăng 0,8% trong quí II , và hàng tồn kho cũng gia tăng, những yếu tố đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngoại thương đã gây trở ngại cho tăng trưởng,  vì nhập khẩu tăng 4,2% trong khi xuất khẩu chỉ tăng 2,7%.

Oscar Bernal, chuyên gia phân tích của ING, cho biết: "Chúng tôi chờ đợi kinh tế  Pháp sẽ chậm lại ít nhiều trong nửa năm sắp tới,  vì kỹ nghệ - nhất là kỹ nghệ xe hơi - giảm tăng trưởng và không thể hưởng được gì nhiều từ sự phục hồi trong mậu dịch quốc tế"[13].

Bernal nói, một sự chững lại như thế là tin chẳng lành đối với chính quyền, vào đúng thời điểm cần củng cố hệ thống tài chánh. Pháp hiện đang bị thâm thủng ngân sách lớn nhất trong khu vực euro và có kế hoạch cắt giảm phần lớn số khiếm hụt trước năm 2013.

Christine Lagarde, bộ trưởng tài chánh Pháp, cho biết: một vòng tăng trưởng tích cực (virtuous circle of growth) có  sẵn  trong khi các công ty đang trên đường tăng đầu tư  và vun đắp hàng tồn kho trở lại. Bà còn nói, điều nầy sẽ giúp đem lại công ăn việc làm một cách tiệm tiến, và nâng cao khuynh hướng tiêu thụ, và bà cũng vững tin nước Pháp có thể thành đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm lối 1,4% trong năm nay.

KÍCH CẦU VÀ KIỆM ƯỚC

Thông thường, trước áp lực lạm phát, chính quyền phải thắt chặt chính sách tiền tệ và tín dụng. Lãi suất lên cao đưa đến suy thoái.

Lần nầy khủng hoảng tài chánh lại bắt đầu từ các khó khăn trong cân chi phó: các thiệt hại về tài chánh của các hộ gia đình và ngân hàng tiếp theo sau sự sụp đổ của thị trường tín dụng và bất động sản.

Ở Hoa Kỳ, các hộ gia đình đã đánh mất hơn 20% tích sản ròng trong vòng 18 tháng suy thoái, từ 64.400 tỉ USD giữa tháng 7-2007 xuống còn 51.500 tỉ vào cuối 2008 - 2/3 tài sản các loại và 1/3 bất động sản. Hiện nay, lợi tức trung bình mỗi hộ gia đình còn khoảng 50.000 USD mỗi năm, số nợ khoảng 130% số thu nhập năm 2008. Chính quyền Mỹ đã phải tung ra gói kích cầu 700 tỉ hay 5% GDP, và 19 tháng trước đây, đã phải chi ra 13.000 tỉ bảo lãnh các trái phiếu và các khoản đầu tư cho hệ thống tài chánh và ngân hàng. Tổng số công trái (trái phiếu ngân khố kể cả tiền lãi) đã lên đến trên dưới 14.000 tỉ. Trong thực tế, theo Keiser Report, các kinh tế gia  ước tính tổng số nợ chính thức và không chính thức (cả công lẫn tư) đã lên đến 202.000 tỉ (nếu tính cả các chương trình y tế, an sinh xã hội, hưu bổng cho thế hệ baby-boomers sắp hưu trí...).

Nhật còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. GDP trong năm 2009 đã giảm 6,6% và còn tiếp tục sụt giảm trong năm 2010, nhất là trong khu vực xuất khẩu; khuy khiếm ngân sách trên 130% GDP.

Trong các quốc gia đang phát triển, xuất khẩu, kể cả xuất khẩu lao động, sụt giảm; đầu tư ngoại quốc giảm xuống còn 165 tỉ năm 2009 so với 461 tỉ năm 2008.

Theo  chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang Ben Bernanke, không có gì khó hiểu khi các doanh nghiệp Hoa kỳ rất do dự thuê mướn nhân công trong tình huống mất ổn định bất thường hiện nay.

Ngoài lý do khủng hoảng tài chánh bắt nguồn từ các chương trình cho vay đầu cơ bất động sản cuồng loạn, nước Mỹ còn phải đối đầu với ba vấn đề lớn mang tính cơ cấu, kéo dài trong nhiều thập kỷ nay cũng đã đến  lúc nghiêm trọng.

Như Mohamed El-Erian, CEO của Pimco, đã nhiều lần nhấn mạnh: Các vấn đề cơ cấu đòi hỏi những giải pháp cơ cấu. Không thể có giải pháp dễ dàng. Hoa Kỳ và Âu châu, do đó, cần một số biện pháp tái cơ cấu để xây dựng lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững - những đổi thay đòi hỏi một trình độ đồng thuận và hy sinh cao cho đến nay vẫn còn thiếu vắng trong nhiều xứ.

Vấn đề cơ cấu lớn thứ nhất là vấn đề của Mỹ. Người Mỹ vừa trải nghiệm một thập kỷ tăng trưởng qua việc vay mượn TQ để tài trợ các chương trình giảm thuế, an sinh xã hội, y tế, và hai cuộc chiến mang tính đế quốc ở Iraq và Afghanistan, mà chẳng làm gì để giảm chi hay đầu tư dài hạn trong những ngành mũi nhọn làm đầu tàu tăng trưởng. Ngày nay  chính quyền Mỹ nợ nần ngày một nhiều, và tăng trưởng thực sự có thể đem lại khả năng hoàn trái ngày một ít.

Nhiều người ở Hoa Kỳ nghĩ có lẽ còn cần thêm kích cầu để kích hoạt chương trình tạo công ăn việc làm, và đầu tư thực sự, nhằm đẩy nhanh tăng trưởng; ngược lại, khuyến khích tiêu thụ chỉ làm gia tăng gánh nặng nợ nần. Điều nầy có nghĩa đầu tư để bồi đắp kỹ năng và hạ tầng cơ sở, cùng với động lực thuế khóa nhằm khuyến khích thiết lập doanh nghiệp mới và phát huy xuất khẩu. Để thuyết phục Quốc Hội thông qua, chương trình phải đính kèm những biện pháp cắt giảm chi tiêu, và tăng thuế theo tiến độ phục hồi kinh tế.

Vấn đề cơ cấu thứ hai: khả năng hoàn trái của Hoa Kỳ trùng hợp với vấn đề công nghệ cao hay kỹ thuật. Với sự phổ biến của internet và máy vi tính, mạng lưới xã hội, và sự khả dĩ chuyển dịch từ máy vi tính xách tay ( laptops) và máy vi tính để bàn (desktops) đến iPads và iPhones, tiến bộ kỹ thuật đã bóp chết các việc làm đòi hỏi ít kỹ năng chuyên môn với mức thù lao vừa phải, cùng lúc tạo ra những việc làm đòi hỏi kỹ năng mới với mức thù đáp phải chăng nhưng đòi hỏi thời gian huấn nghệ dài lâu.

Cách duy nhất để đáp ứng thách đố nầy là các cải cách nhằm kích thích và khuyến khích những kỹ nghệ  và việc làm mới, với mức thù đáp 40 USD một giờ, song hành với việc đào tạo công nhân Mỹ có đủ kỹ năng cạnh tranh với nhân công toàn cầu trong những ngành nghề mới.

Tuy vậy, kinh tế toàn cầu cũng cần một Âu châu với kinh tế hùng mạnh. Vì lẽ đó, vấn đề cơ cấu thứ ba Hoa Kỳ phải đối diện là Liên Hiệp Âu châu - một thị trường khổng lồ đang đối diện với tình trạng John Kornblum, nguyên đại sứ Hoa Kỳ ở Đức, gọi là cuộc "khủng hoảng hiện sinh đầu tiên của EU"[14]. Korkblum ghi nhận EU đang đối diện với nguy cơ tan rã. Đức Quốc đã nói rõ nếu eurozone muốn trường tồn, nó sẽ phải đi theo hệ giá trị lao động chỉ đạo của Đức (German work ethic), không phải của Hy Lạp. Liệu các đối tác của Đức trong khu vực euro có chấp nhận hệ giá trị mới? Không ai dám chắc.

Trước hết, các nước nầy không dễ gì theo kịp người Đức. Cách đây một thập kỷ, Đức quốc chỉ là "con bệnh của Âu châu". Nhưng thời đó đã qua. Người Đức ngày nay đã thống nhất và đoàn kết. Giới lao động chịu nhượng bộ về công xá và chấp thuận để các doanh nghiệp cải tiến kỹ năng cạnh tranh và chế độ lao động mềm dẽo, trong khi nhà nước trợ cấp cho các xí nghiệp để giữ lại các nhân công kỹ năng cao ngay cả khi kinh tế đang suy thoái.

Nước Đức đang đi lên, nhưng không phải hoàn toàn tránh khỏi các thách thức cơ cấu. Tỉ suất tăng trưởng tùy thuộc ở khả năng xuất khẩu qua Trung Quốc. Đức đồng thời cũng là nguồn cung cấp tài chánh lớn nhất cho Hy Lạp. Vã chăng, theo Kornblum, nước Đức cũng không còn là một xứ với sinh viên già nhất và giới hưu trí trẻ nhất.

Ngược lại, hai đảng lớn của Hoa Kỳ vẫn bám chặt các đức tin cơ đốc căn bản giống như đã không có gì thay đổi dưới ánh sáng mặt trời. Đảng viên Cộng Hòa luôn tìm cách cản trở, nếu không muốn nói phá hoại, mọi chính sách, chương trình của tổng thống, và luôn bám chặt ý niệm vạn ứng linh đơn "cắt-giảm-thuế-sẽ-giải-quyết-mọi-vấn-đề",  mà chẳng chịu từ bỏ bất cứ dịch vụ hay quyền lợi cụ thể nào để dành tiền tài trợ giảm thuế. Tổng thống Obama đã thành công phần nào đem lại một hệ thống y tế và xã hội mở rộng cho người Mỹ trước khi tìm được phương sách bành trướng kích cỡ chiếc bánh kinh tế để trang trải các dịch vụ an sinh luật định.

Nếu tổng thống, lãnh đạo nghiệp đoàn, doanh nghiệp, Quốc Hội không thể ngồi lại với nhau tìm cho bằng được một đồng thuận về thuế khóa, phát huy mậu dịch, về năng lượng, kích cầu, cân bằng ngân sách..., tóm lại, về vấn đề xây dựng một nền kinh tế cho thế kỹ 21, phía trước mặt chắc chỉ còn thất nghiệp dài lâu và một nền kinh tế òi ọp, thiếu máu.

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VÀ KHỦNG HOẢNG

Trên phương diện lý thuyết, chủ nghĩa tư bản tin tưởng ở thị trường cạnh tranh tự do,  như cơ chế phân phối tài nguyên ưu việt, và bàn tay vô hình giải quyết mọi vấn đề để đem lại quân bình kinh tế. Chủ nghĩa tư bản, vì vậy, chủ trương tư nhân hóa tối đa mọi sinh hoạt kinh tế, và chống đối mọi biện pháp giám sát và can thiệp của chính quyền.

Năm 1989, bức tường Bá Linh sụp đổ. Năm 1991, Liên Bang Xô Viết tan rã. Trong tác phẩm The End of History and the Last Man, xuất bản năm 1992, Francis Fukuyama đã chính thức tuyên bố "Điểm Chung Cuộc của Lịch Sử".

Theo nhóm Washington Consensus - giới lãnh đạo trong Bộ Ngân Khố, Cục Dự Trử Liên Bang, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế giới, và một số trường đại học nổi tiếng Hoa Kỳ - sau chiến tranh lạnh, chủ nghiã tư bản tự do là hệ thống duy nhất đã vượt qua thử thách và thích hợp với thế giới ngày mai. Theo họ, toàn cầu hóa - tiến trình hội nhập các nền kinh tế và các đại công ty đa quốc gia qua mậu dịch và đầu tư quốc tế - là nguyên tắc chỉ đạo, là phương châm hành động. Họ chủ trương: quân bình ngân sách, giảm thuế, thị trường tự do, tư hữu hóa, bảo vệ quyền tư hữu, giảm thiểu vai trò của chính quyền... Họ tin tưởng mô hình nầy sẽ mang lại thịnh vượng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đưa đến dân chủ, hòa bình và ổn định.

Trong thực tế, với tình trạng chiến tranh khắp nơi, với hiện tượng ô nhiễm môi trường, thay đổi khí hậu, tình trạng nghèo đói dai dẳng trong nhiều vùng trên thế giới, và nhất là với chính sách đối ngoại của chính siêu cường Hoa kỳ, trật tự thế giới mới không còn đứng vững.

Nếu toàn cầu hóa kinh tế là trào lưu bất khả kháng, nó cũng che giấu nhiều đợt sóng ngầm dẫn tới các cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng như cuộc khủng hoảng năm 1997 ở Á châu, và cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

Qua thời gian, chủ nghĩa tư bản cũng đã ít nhiều biến thái, biểu hiện qua vai trò của chính quyền, các tài hóa công, các pháp chế xã hội, nhất là sau cách mạng tháng 10-1917 ở Nga, và mỗi lần suy thoái và khủng hoảng.

Với khủng hoảng 2008 đang kéo dài,  với nguy cơ giảm phát và đại khủng hoảng, mô hình Anglo-Saxon và toàn cầu hóa đã sụp đổ hay ít ra không còn được nhiều người ưa chuộng. Vị thế của siêu cường Hoa Kỳ trên đà tuột dốc. Thế giới đơn cực đã cáo chung. Thế giới đa cực hay lưỡng cực ngày một rõ nét, mặc dù chưa một quốc gia nào đủ điều kiện thay thế Hoa Kỳ, kể cả Trung Quốc.

Ấn Độ và Trung Quốc với hệ thống tài chánh nằm trong tay của chính quyền ít bị tổn hại, thậm chí vẫn tiếp tục gia tăng số ngoại tệ sở hữu và tăng trưởng kinh tế  nhanh.

Nói một cách ngắn gọn, các cuộc tranh luận giữa kích cầu và kiệm ước, giữa kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường ít nhiều theo hướng xã hội ... đều mang tính lý thuyết. Những chính sách hay biện pháp thành công ở Đức không nhất thiết sẽ mang lại hiệu quả mong muốn ở Hy Lạp hay một quốc gia nào khác. Mỗi quốc gia sinh hoạt trong những điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, và những cung bậc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau,  đòi hỏi những chính sách, những biện pháp thích ứng ít nhiều khác nhau. Không một quốc gia, một định chế nào có thể buộc bất cứ một quốc gia nào khác phải rập khuôn theo mô hình của chính mình. Cho đến bao giờ, sự thật đơn giản đó mới được lãnh đạo các đại cường, nhất là các siêu cường, tôn trọng!

Có lẽ người Pháp đã có đủ lý do chính đáng để đòi hỏi người Đức phải ứng xử như người Âu châu nhiều hơn. Có lẽ người Đức cũng không phải vô cớ khi đòì hỏi người Âu châu phải ứng xử theo gương người Swabians của họ. Có lẽ người Mỹ và người Hoa có đủ lý do để tranh giành ảnh hưởng ở Á, Phi, và châu Mỹ La Tinh. Có lẽ người dân trong thế giới thứ ba cũng có đầy đủ kinh nghiệm để nghi ngờ lòng vị tha, tinh thần yêu chuộng tự do, dân chủ, công lý, và hòa bình, của các cường quốc trong mọi châu lục.

Trong mọi trường hợp, về lâu về dài không ai có thể sống trên khả năng và phương tiện của chính mình, dù đó là người Hy Lạp, người Pháp, người Đức, người Hoa, người Mỹ hay người nước nào khác.

 

©  GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

23-8-2010.


 

[1] Yield

[2] Uncertainty is very high. My view has been that with earnings season behind us, investors are depending on the macroeconomic data to point the way, and so far the data is not cooperating. Certainly not in the way we would all like to see. We all have to acknowledge that the risks to growth are rising.

[3] Over the past three months, 1,155,000 unemployed people dropped out of the active labor force and were not counted as unemployed. Even ignoring population growth, if these unemployed had not dropped out of the labor force,  simple arithmetic shows that the official unemployment rate would have risen from 9.9 percent  in April to 10.2 percent  in July, rather than - as it has - fallen to 9.5 percent.

[4] When you combine the long-term unemployed with those who are dropping out and those who are working part-time because they can't find anything else, it is just far beyond anything we've seen in the job market since the 1930s.

[5] Before, the Greeks  would call us Nazis, and we would act vulnerable. Now one says, 'Well, I'm not driving there for vacation'.

[6] That was like a wake-up call to the rest of Europe that something had changed in Germany.

[7] Mr. Schultz said in an interview: The government took the right steps in extending the short-work program because it bridged a difficult situation.

[8] It gives you an existential fear.

[9] Ms Wiblishauser said: "I would really like it if we were self-sufficient, like the Swiss.

[10] At a time when many are concerned about the vigor of the U.S. recovery, it is worth remarking on how strong and self-sustaining the German recovery is starting to look. German consumer spending and imports should rise which would be positive for the rest of the euro area, including the troubled periphery countries.

[11] Thanks to its high international competitiveness, the German economy is benefiting more than most from the sharp rebound in world trade.

[12] We have warning signals from China. There is no impulse from the rest of Europe. Some moderation is in the pipelines.

[13] We expect economic activity in France to decelerate somewhat in the second half of the year as industry - and in particular the car industry - loses steam and is unable to benefit much from the recovery of international trade.

[14] EU's first existential crisis.


 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường