Khủng hoảng tài chánh công: giải pháp và thử thách

Vietsciences-Nguyễn Trường               04/04/2010

 

Những bài cùng tác giả

Những lúc kinh tế khủng hoảng, người phương Tây thường trông cậy vào thẻ tín dụng, ít ra trong đoản kỳ. Trong suy thoái, chính quyền cũng sẵn sàng chấp nhận khuy khiếm ngân sách để duy trì hay tăng công chi và kích cầu.

Tuy nhiên, trong 18 tháng suy thoái kinh tế vừa qua, số khiếm hụt trong ngân sách nhiều quốc gia đã gia tăng quá nhiều và quá nhanh. Vì vậy, nhiều kinh tế gia nghĩ chính quyền cần phải có những biện pháp cứu chữa trung hạn. Ngạch số khuy khiếm 10% GDP hay cao hơn không thể kéo dài , nhất là khi các thị trường tài chánh âu lo tình trạng bất ổn sẽ đẩy bảo phí các trái khoản ngày một cao hơn và tốn kém.

Áp lực của thị trường giải thích lý do tại sao thị trường công trái đã lúc một nóng bỏng ở Nam Âu châu. Bảo phí các trái khoản ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha đặc biệt lên cao và các nhà đầu tư e ngại khả năng hoàn trái của cả hai xứ. Ngân sách khuy khiếm cũng là  đề tài trung tâm trong quá trình vận động bầu cử ở Anh. Riêng ở Hoa Kỳ, phong trào tea party của cánh hữu cực đoan đã phát động chiến dịch chống đối các chương trình tăng công chi (kích cầu và cải tổ y tế) của chính quyền Dân Chủ.

Không có một quy luật tuyệt đối xác định ngạch số khuy khiếm hay công trái đến mức nào là quá cao tương đối với kích cở của nền kinh tế. Trước cuộc đại suy thoái, khuynh hướng đồng thuận là các xứ giàu có thể còn ở trong vòng an toàn khi số công trái ở dưới mức 60% GDP. Tuy nhiên, ngạch số công trái ở Nhật đã vượt quá GDP trong nhiều năm, nhưng chính phủ Nhật vẫn chưa phải đối phó với khủng hoảng tài chánh, vì lẽ một số lớn công dân Nhật sẵn lòng mua công trái. Nhưng một khi thị trường mất lòng tin ở trình độ minh bạch về tài chánh của chính quyền, khủng hoảng có thể xẩy ra rất nhanh, buộc chính quyền phải lấy những quyết định chính trị khó khăn.

Đã hẳn, khi kinh tế tăng trưởng, đời sống của các nhà làm chính sách sẽ dễ dàng hơn. Kinh tế tăng trưởng sẽ tự động giúp giảm bớt khuy khiếm vì số thuế thu nhập gia tăng, chi tiêu về trợ cấp thất nghiệp giảm bớt, khả năng hoàn trái được cải thiện, và các trái chủ hay nhà đầu tư an tâm hơn.

Trong quá khứ, nhiều quốc gia đã ra khỏi tình trạng khiếm hụt ngân sách nghiêm trọng, thường khi sau chiến tranh, khi quân nhân được giải ngũ và tài nguyên cần thiết cho chiến tranh được chuyển qua các ngành sản xuất tiêu thụ phẩm. Khi đối mặt với khuy khiếm, điều thiết yếu là các chính trị gia ngày nay phải chọn các chính sách nhằm cải thiện viễn ảnh tăng trưởng trong trường kỳ. Họ sẽ không thiếu cơ hội. Trong vài xứ, chính quyền có thể tăng tuổi hưu trí, hay phát động các cải cách giúp thị trường lao động mềm dẻo hơn, hoặc cả hai, dù thường cũng đã khá muộn màng.

Tuy nhiên, tin tưởng ở một sự bộc phát tăng trưởng nhanh chóng và kéo dài sẽ đến bất cứ lúc nào trong các nền kinh tế trù phú là một điều thiếu khôn ngoan. Một dân số già cỗi hay sụt giảm thường đưa đến một tỉ suất tăng trưởng yếu ớt. Sự tăng trưởng cũng thường èo ọp tiếp theo sau các cuộc khủng hoảng tài chánh.Trong một tác phẩm gần đây nhan đề "This Time is Different" (Lần Nầy sẽ Khác), Carmen Reinhart thuộc Đại Học Maryland và Kenneth Rogoff thuộc Harvard kết luận "bằng chứng không hề chứng tỏ các quốc gia sẽ tự nhiên ra khỏi nợ nần"[1].

Như vậy, trừ phi vỡ nợ, hay mặc nhiên vỡ nợ qua lạm phát, chỉ còn hai giải pháp khác: cắt giảm công chi hay tăng thuế. Trong nhiều năm sắp tới, xung đột chính trị sẽ xẩy ra theo hai cách đó, giữa một bên các người chịu thuế và bên kia là các người thụ hưởng các loại công chi - một xô xát khó tránh giữa dân chịu thuế và các công nhân viên trong khu vực công. Trong vài xứ, một đảng được xem như đại diện dân chịu thuế (đảng Bảo Thủ ở Anh và đảng Cộng Hòa ở Hoa Kỳ) và đảng kia đại diện cho công nhân viên (đảng Lao Động ở Anh và đảng Dân chủ ở Mỹ).

Một xung đột khác sẽ diễn ra giữa hai thế hệ. Ở Hoa Kỳ, trả tiền hưu trí và chi phí y tế cho người già là gánh nặng trung hạn lớn nhất cho ngân sách. Một ngạch số khuy khiếm lớn có thể làm nhẹ bớt những khó khăn kinh tế trong đoản kỳ  nhưng để lại cho thế hệ kế tiếp gánh nặng thuế suất cao cùng với tiền lãi và nợ nần phải trả, phương hại đến tiềm năng tăng trưởng. Các xung đột thường đan xen: người chịu thuế phải tài trợ hưu trí cho các công nhân viên nhà nước, những khoản chi ít nhiều lớn hơn và dễ tiên liệu hơn trong khu vực tư.

Hậu quả của xung đột thay đổi từ xứ nầy qua xứ khác. Cả hai phía đều có những vũ khí hùng mạnh. Những người trả nhiều thuế nhất cũng là những người đóng góp nhiều cho giới làm chính trị và dễ tiếp cận giới cầm quyền. Nếu không được chiếu cố như mong muốn, họ sẽ quay qua ủng hộ các chính trị gia thân cận trong các đơn vị  láng giềng.

Đặc biệt ở Âu châu, công nhân viên và các thành phần thụ hưởng những dịch vụ của chính quyền thường chiếm đa số. Họ được tổ chức chặt chẻ qua các nghiệp đoàn, đồng thời cũng là những người bỏ tiền ủng hộ những chính trị gia ra tranh cử. Như giới lao động Pháp thường chứng tỏ, các công đoàn trong khu vực công có thể đe dọa chính quyền với đình công và biểu tình. Các đồng nghiệp của họ ở Hy Lạp hiện đang bắt chước hay theo gương họ.

CẮT XÉN CÔNG CHI

Theo các nhà phân tích cánh hữu, chính quyền nên chú tâm nhiều hơn vào cắt xén công chi  thay vì tăng thuế. Họ đưa ra nhiều luận cứ.

Một cuộc nghiên cứu của NBER năm 1996 đã kết luận: "điều chỉnh ngân sách qua biện pháp cắt giảm các khoản chi và lương công nhân viên có nhiều cơ may thành

công hơn và có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, các điều chỉnh ngân sách dựa trên tăng thuế và cắt giảm đầu tư công có khuynh hướng khó dài lâu và đưa đến suy thoái"[2].

Một bài nghiên cứu của Antonio Afonso thuộc Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu và Davide Furceri thuộc OECD cho thấy: những gia tăng chi tiêu công như một tỉ số GDP có khuynh hướng dính liền với một nhịp tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Và một bài do Policy Exchange, một think-tank trung hữu Anh quốc, đăng tải, đã kết luận: những nỗ lực giảm nợ thành công đã cơ sở trên cắt xén các khoản chi đến 80% (xem bảng đính kèm).

    Các Trường Hợp Cắt Giảm Khuy Khiếm Ngân Sách Trong Quá Khứ
                                                              Thay Đổi Trong:
  Thuế Thu Nhập Chi Tiêu

Công

Thăng Bằng Ngân Sách
Xứ Giai Đoạn % GDP
Britain 1931-34 -0,1 -3,7 3,6
Britain 1975-79 -2,2 -5,1 2,9
Britain 1982-88 -4,9 -9,2 4,3
                                            Canada            1992-99 3,7 -5,8 9,5
Finland 1994-2000 5,3 -6,7 12,0
Germany     1996-2000                       0,7 -3,9 4,6
Ireland 1885-96 -3,7 -14,3 10,6
Netherlands      1993-97                           -2,5 -3,9 1,4
Sweden 1993-2000 7,0 -7,8 14,8
 
Nguồn: Policy Exchange

Một vài chương trình cắt giảm khuy khiếm thành công hơn thường đi đôi với sự sụt giảm trong tỉ suất lạm phát và lãi suất, nhờ đó, kinh tế dễ phục hồi và giúp đem lại sự ủng hộ của cử tri đối với chính quyền. Tuy nhiên, ngày nay lạm phát cũng như lợi nhuận trái phiếu trong nhiều quốc gia đang ở mức thấp. Vì vậy, kết quả của biện pháp cắt giảm công chi có thể sẽ không đem lại mức lãi suất thấp hơn. Nhưng lòng tin công chi sẽ không được cắt xén có thể sẽ khiến lãi suất lên cao.

Tuy nhiên, cắt xén công chi là một việc làm cực kỳ khó khăn. Chi tiêu an sinh xã hội thường tự động gia tăng trong suy thoái; tiền hưu bổng tiếp tục gia tăng khi người già ngày một chiếm đa số trong dân số. Các xứ Tây phương cắt giảm ngân sách quốc phòng sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt trong thập kỷ 1990s, nhưng với việc leo thang chiến tranh ở Afghanistan và đe dọa khủng bố, cắt giảm các chi tiêu quân sự là điều khó thể xảy ra trong một tương lai gần. Và cũng chẳng ai trông mong những số thu nhập dễ dàng đời một lần qua việc tư hữu hóa các kỹ nghệ lớn trong thập kỷ 1980s dưới thời Margaret Thatcher sẽ có thể tái diễn.

Lời hứa đóng băng các khoản chi chuyên quyết ngoài quốc phòng và an ninh quốc nội của Barack Obama sẽ tiết kiệm được khoảng 250 tỉ trong vòng 10 năm, cũng chẳng là bao khi ngạch số khuy khiếm lên trên 1.000 tỉ USD.Vì vậy, chính quyền khó lòng tránh được cắt giảm các chương trình rất nhạy cảm trên phương diện chính trị. Những thay đổi trong an sinh xã hội và hưu bổng, không thuộc loại chi tiêu thuộc quyền chuyên quyết của tổng thống, rất có thể sẽ là một phân bộ trong cải cách tài chánh ở Hoa Kỳ. Ở Anh quốc, nếu phe Bảo Thủ thắng thế trong vòng bầu cử sắp tới, họ có thể sửa đổi các điều kiện để thụ hưởng theo chiều hướng khó khăn hơn để giảm bớt chi tiêu an sinh xã hội.

Nhiều chính quyền đã tự trói mình bằng cách  tưởng thưởng những người ủng hộ với việc làm hay trợ cấp. Ở Hy Lạp, đảng Tân Dân Chủ hữu phái lên nắm quyền năm 2004 đã hứa tự do hóa kinh tế. Khi rời chính quyền năm 2009, đảng Tân Dân Chủ đã gia tăng hàng ngũ công chức lên nhiều so với lúc bắt đầu. Chính sách tưởng thưởng các thuộc cấp có khuynh hướng đưa đến sư hiện diện và vai trò ngày một lan rộng của nhà nước trong nền kinh tế, với ngày càng nhiều công dân tùy thuộc ở chính quyền để có việc làm và lợi tức. Những người nầy rồi sẽ bỏ phiếu giữ nguyên trạng. Và phải cần một cuộc khủng hoảng mới có thể buộc chính quyền hành động  chấm dứt sự bành trướng hàng ngũ các ủng hộ viên dưới quyền.

Khi khủng hoảng thực sự xẩy ra, thị trường có khuynh hướng đòi hỏi cắt xén chi tiêu công như một trắc nghiệm tính cương quyết và can đảm của chính phủ. Trong bài nghiên cứu gần đây,  Reinhart và Rogoff đã nói:"Ngay cả những xứ đã cam kết trả nợ đầy đủ đều bị bắt buộc phải xiết chặt chính sách tài chánh ngân sách nhằm chứng tỏ tình trạng khả tín đối với các trái chủ và nhờ đó giảm bớt bảo phí các bất trắc" Chính quyền, vì vậy, có thể thấy các quyết định chính trị của mình tùy thuộc ở nhu cầu duy trì các thị trường trong tầm kiểm soát. Cũng vì vậy, sự lựa chọn sẽ rất khó khăn đối với các xứ Nam Âu Châu, những xứ đang bị trói buộc trong khu vực đồng euro duy nhất. Họ không có sự lựa chọn phá giá đơn vị tiền tệ như họ đã nhiều lần sử dụng trong quá khứ. Họ cũng không thể kết hợp chính sách tài chánh kiệm ước với chính sách tiền tệ lỏng lẻo, bởi lẽ chính sách tiền tệ (đồng euro) không do họ kiểm soát mà thuộc thẩm quyền của Liên Hiệp Âu châu.

CỬ TRI HAY TRÁI CHỦ

Nếu sự cắt giảm đòi hỏi quá khắt khe, chính quyền các nước rất có thể không đủ ý chí gánh chịu cái giá chính trị phải trả để thực thi. Một ví dụ điển hình đã xẩy ra năm 1931 khi Anh quốc tìm cách duy trì kim bản vị. Chính quyền Lao Động lúc đó hiểu rõ sự cần thiết phải cắt giảm khuy khiếm ngân sách, nhất là phụ cấp thất nghiệp, để xoa dịu thị trường; ngược lại, số trử kim bằng vàng của Ngân Hàng Anh Quốc sẽ cạn kiệt trong vòng hai tuần lễ. Nội các không thể  thống nhất lập trường. Ramsay MacDonald, trong tư cách Thủ Tướng, đã phải đảm nhận trách nhiệm của liên minh, đa số thuộc phe Bảo Thủ, và đã bị phe tả nặng lời chỉ trích mãi cho đến ngày nay. Sau các nỗ lực vừa nói, kế hoạch kiệm ước đã thất bại; và trong vòng vài tháng, Anh Quốc đã phải bải bỏ kim bản vị.

Giai đoạn 1931, trong lịch sử Đảng Lao Động, đã được xem như "giai đoạn tuột dốc của các ngân hàng" (bankers' ramp). Trong thời gian đó các ngân hàng thúc đẩy chính quyền phải có những hành động bất lợi cho giới nhà nghèo. Những chính quyền ngày nay cũng có thể bị cám dỗ đổ lỗi cho giới đầu cơ - từ các ngân hàng gia cho đến các nhà quản lý các quỹ đầu cơ (hedge-fund managers) -  là nguyên nhân của các thất bại của chính mình. Ý tưởng các trái chủ rất có thể lo lắng khả năng hoàn trái của chính quyền, và do đó, đòi hỏi một lãi suất cao, hình như khó lòng được các chính trị gia chấp nhận. Tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos trong tháng 1-2010, George Papandreou, thủ tướng Hy Lạp, đã tuyên bố:" Đây là một sự tấn công khu vực đồng Euro bởi các nhóm đặc quyền , chính trị hoặc tài chánh, và các quốc gia thường được sử dụng như mắt xích yếu đuối, nếu quý vị muốn, của khu vực euro"[4].

Tuy vậy, chính quyền Hy Lạp đã phải chấp nhận cắt giảm khuy khiếm. Trong địa hạt nầy, Papandreou có vài lợi điểm quyết định: công luận Hy Lạp chấp nhận các biện pháp kiệm ước; Papandreou đã thắng cử vẻ vang năm rồi; phe đối lập ủng hộ ông; và đảng Pasok của ông có quan hệ tốt với các nghiệp đoàn. Các đề xuất cắt giảm ngân sách của đảng tả phái có thể sẽ được thông qua dễ dàng.

Sự đoàn kết và ủng hộ trong xã hội có thể giải thích chính sách thắt lưng buộc bụng thành công của Thụy Điển sau cuộc khủng hoảng ngân hàng vào đầu thập kỷ 1990s. Chính quyền Dân Chủ Xã Hội đã thành công chuyển một khuy khiếm ngân sách 9,3% GDP năm 1994 thành một thặng dư 1,2% năm 1998. Công chi sụt giảm khoảng hơn 5% GDP và thuế thu nhập cũng gia tăng tương đương. Tỉ suất tăng trưởng trung bình 3,2 trong các năm 1994-98 và thất nghiệp năm 1998 thấp hơn năm 1994 - một tình trạng kinh tế chính trị tốt đẹp.

Chính trị nội bộ bên trong chính quyền có thể giúp hoặc gây trở ngại cho việc cắt giảm khuy khiếm. Canada đã ba lần thất bại trong chính sách cải cách tài chánh trước khi một chương trình kiệm ước thành công được công bố trong ngân sách của đảng Liberal Party năm 1995. Các nỗ lực trước đó đã bị các bộ ngành chận đứng. Lần thứ tư, các bộ ngành được khuyến khích tự đề xuất các khoản chi phải hy sinh - và được thông báo trước ngân sách có thể sẽ bị cắt xén đồng đều khoảng 10% nếu các bộ ngành không đồng ý. Sự cắt giảm đã được thực hiện trong vài địa hạt, kể cả quốc phòng, trợ cấp các nông trại, và phụ cấp thất nghiệp. Ngân sách sau đó đã được cải thiện từ khuy khiếm 6,7% GDP  năm 1994 đến một thặng dư khiêm tốn năm 1997.

Rất có thể tăng thuế, nhất là đối với người giàu, là cần thiết để bảo đảm dân chúng chấp nhận chia sẻ nỗi đau chung. Nhưng tăng thuế nhiều có thể phương hại đến kinh tế. Trong thập kỷ 1990s, một vài câu chuyện thành công đáng lưu ý liên hệ đến những xứ đã giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp và tư bản. Ireland, đã được biết như con hổ Celtic vì tỉ suất tăng trưởng cao, chỉ áp dụng một thuế suất 12,5% cho các công ty và quyết định không tăng thêm khi thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng trong năm 2009.

Khuynh hướng thuế công ty trong 30 năm qua liên tục sụt giảm. Một cuộc điều tra của Robert Carroll thuộc American University ở Washington, DC, cho thấy thuế suất cao nhất trong các xứ OECD (trừ Hoa Kỳ) đã sụt giảm từ 51% vào đầu thập kỷ 1980s xuống còn 32% năm 2009. Nếu giới kinh doanh bị thu hút bởi thuế thấp thì họ cũng ra đi khi thuế suất gia tăng.

Các chính quyền Âu châu với thuế suất cao trong quá khứ thường phàn nàn về sự cạnh tranh của các quốc gia như Ireland. Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể đưa đến nhiều lời kêu gọi phối trí các chính sách thuế khóa . Thực vậy, nhiều quốc gia sẽ đồng thời tăng thuế nhằm làm nản lòng các doanh nghiệp di chuyển từ nước nầy qua nước khác. Mọi chuyện tùy thuộc xứ nào sẽ bắt đầu trước; có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu các xứ có thuế suất thấp khởi đầu việc tăng thuế.

Những người có thu nhập cao thường cũng dễ dàng di chuyển. Thực vậy, nhiều chuyên viên cao cấp Pháp đã di chuyển qua London trong thập kỷ vừa qua đến độ tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phải tìm cách thuyết phục họ trở về , thường khi với ít nhiều nhượng bộ về thuế. Anh quốc dần dà cũng mất sức quyến rủ đối với người nước ngoài có lợi tức cao. Theo sự tính toán của PricewaterhouseCoopers, một công ty kế toán, nhà cầm quyền Anh quốc sẽ đánh thuế các viên chức có gia đình với lợi tức 250.000 bảng Anh (US$370,000) cao hơn bất cứ xứ nào trong Nhóm G20 trừ Italy.

Nhu cầu của các quốc gia tối đa hóa số thuế thu nhập từ công dân của mình đã đưa đến nhu cầu phải quan tâm nhiều hơn đến việc ngăn ngừa trốn thuế. Các quốc gia trong Nhóm G20 đã thúc đẩy các xứ đánh thuế thấp như Thụy Sĩ cung cấp thông tin về các khách hàng ngoại quốc có tiền ký thác. Tuy nhiên, có nhiều cách chính đáng để các doanh nghiệp và cá nhân di chuyển đến những xứ có chế độ thuế khóa thuận lợi hơn.

Vì vậy, điều cám dổ  sẽ là áp đặt những sắc thuế khó lẩn tránh, như thuế trên hàng bán ra và thuế giá trị gia tăng. Điều bất lợi chính trị của các sắc thuế nầy là gánh nặng thuế sẽ đè lên vai người nghèo nhiều hơn là giới giàu có. Đây là điều ít được ai ưa thích, nhất là vì nhiều người xem cuộc khủng hoảng hiện nay là do lỗi của các ngân hàng giàu có tham lam. Hơn nữa, nếu thuế cao làm giảm số cầu, kinh tế có thể rơi trở lại suy thoái. Một sự gia tăng sắc thuế đánh trên các tiêu thụ phẩm năm 1997 ở Nhật vẫn còn bị lên án đã làm trở ngại cho đà phục hồi kinh tế.

Chính vì vậy, chính quyền các nước Âu châu đã đưa ra một hổn hợp nhiều biện pháp trong các chương trình kiệm ước. Hy Lạp, Ireland, Portugal và Spain, tất cả đều hứa sẽ điều chỉnh luật lương bổng trong khu vực công bằng cách cắt xén hay đóng băng lương bổng hay giảm bớt công nhân viên. Hy Lạp đã loan báo một đợt cắt giảm mới ngày 3-3-2010.  Nhưng những gói kiệm ước cũng đã chứa đựng nhiều biện pháp tăng thuế (thuế xa lộ ở Portugal và thuế nhiên liệu ở Hy Lạp) và tấn công nạn trốn thuế.

Ở Hy Lạp, nạn trốn thuế  lan tràn trong giới chuyên nghiệp với rất ít công dân khai lợi tức cao. Phản ứng của chính quyền là tìm cách khuyến khích việc sử dụng các biên nhận. Những người lương cao khai khấu trừ thuế cá nhân 12,000 euros (US$16,270) sẽ phải xuất tŕnh biên nhận ít ra bằng với mức khấu trừ.

Mặc dù cố gắng san sẻ nỗi đau, chính quyền Hy Lạp đã phải đối diện với một loạt  đình công của công nhân viên nhà nước. Chính quyền có thể dùng áp lực tài chánh từ bên ngoài như một lý do để ban hành các cải cách, nếu không, sẽ không thể được chấp nhận về phương diện chính trị. Nhưng đây là một thế cân bằng rất tinh tế. Cử tri có thế chống đối nhiều  hơn nếu các biện pháp kiệm ước được coi như áp đặt bởi các nước ngoài như Liên Hiệp Âu Châu hay IMF.

NGƯỜI DÂN KHÔNG NỔI LOẠN

Lord Salisbury, thủ tướng Anh, và giới bảo thủ trong thế kỷ 19 e ngại chế độ dân chủ có thể dẫn đến việc hủy bỏ quyền tư hữu. Số con nợ  ngày một đông hơn chủ nợ, và có thể chiếm đa số cử tri.

Khuynh hướng bi quan nầy còn cần phải được chứng minh là đúng. Đôi khi, sức mạnh không thể cưỡng chế lại gặp phải sức cản bất khả di dịch. Ở California, chẳng hạn, cử tri có quyền bỏ phiếu về những chính sách tài chánh thuế khóa đặc biệt qua các cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả là mức trần thuế không có giới hạn rõ ràng trên công chi. Iceland sắp đem lại một thử thách đặc biệt đối với chính sách nầy với cuộc trưng cầu dân ý, trong đó cử tri được hỏi chấp nhận hay bác bỏ các điều kiện bồi thường cho  các người ngoại quốc có tiền ký thác trong các ngân hàng Icelandic đã bị phá sản.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Canada và Sweden cho thấy có thể có tiến bộ nếu cuộc khủng hoảng đủ nghiêm trọng. Và các chế độ toàn trị hình như chẳng hữu hiệu gì hơn các thể chế dân chủ. Các chế độ quân phiệt ở châu Mỹ La Tinh (ngoại trừ Chile) có thành tích kinh tế tồi tệ. Những chế độ nầy xem nhà nước như nguồn cung cấp công ăn việc làm đệm cho các sĩ quan và trợ cấp cho các xí nghiệp sản xuất vũ khí. Thêm vào đó, chính tính thiếu chính đáng của chế độ có thể cám dỗ các nhà độc tài mua chuộc nhiều thành phần cử tri.

Tuy nhiên, các thể chế dân chủ đang đối diện với các quyết định khó khăn trong những năm sắp đến. Một trong những vấn đề gai góc nhất là hưu trí, với cái giá vượt xa những gói cứu trợ các ngân hàng gần đây. Khi chế độ hưu bổng được thủ tướng Đức, Otto von Bismarck, du nhập năm 1889,  tuổi thọ trung bình là 45 tuổi; và ý tưởng là cung cấp một số lợi tức cho những ai đơn thuần không thể tiếp tục làm việc. Những phụ nữ đương thời với tuổi thọ 65 có thể hưởng 20 năm hưu trí.

Ngay cả lối tính toán giản dị đó trước hết cũng đã dựa trên giả thiết người ta làm việc đến 65 tuổi. Nhiều người chủ, nhất là trong khu vực công, có thói quen cho nhân công nghỉ hưu vào tuổi trên dưới 60. Người Đức, chẳng bao lâu nữa sẽ phải đối diện với tuổi hưu trí trong khu vực nhà nước vào tuổi 67, sẽ cảm thấy hết sức khó chịu khi được yêu cầu cứu trợ người Hy Lạp, những người được quyền hưu trí ở tuổi 63.

Ở Anh, các công nhân viên nhà nước vẫn còn là thành viên của chế độ hưu trí dựa trên mức lương cuối cùng hay chế độ lương hưu được ấn định trước (final-salary,or defined-benefit, schemes), trong khi các nhân công mới trong các công ty tư lại thường có chế độ hưu trí dựa trên phần lương đóng góp với số tiền hưu bất định (defined-contribution schemes with uncertain benefits). Sự sai biệt có thể lên đến 30% bảng lương.

Luật nâng tuổi hưu trí, có lẽ lên 70, và cắt xén tiền hưu trong khu vực công sẽ đem lại một số tiết kiệm khiêm tốn trong đoản kỳ, nhưng sẽ vô cùng lớn lao trong trường kỳ. Tuy nhiên, biện pháp nầy sẽ không được nhiều người ủng hộ và gây bất mãn trong giới công nhân và nghiệp đoàn.Tỉ lệ công nhân trong hay gần tuổi nghỉ hưu ngày một gia tăng; và những người càng già càng có khuynh hướng đi bỏ phiếu nhiều hơn các cử tri trẻ tuổi. Tuy nhiên, nếu không cải cách, các cử tri trẻ tuổi, không mấy quan tâm đến quyền bầu cử, sẽ phải gánh chịu gánh nặng thuế khóa ngày một gia tăng.

Nói một cách ngắn gọn, cùng thời gian chúng ta sẽ chứng kiến ngày một nhiều hơn các xung đột liên quan đến ngân sách khiếm hụt trong những năm tháng phía trước : người chịu thuế chống lại các công nhân viên trong khu vực công; người già chống lại người trẻ. Các chính sách được lựa chọn một cách khôn ngoan nhằm đem lại tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn có thể tiết giảm phần nào tính nghiêm trọng của sự cọ xát. Dù sao các xung đột tương lai cũng sẽ vô cùng gay go.

 HY LẠP VÀ KHỦNG HOẢNG TÀI CHÁNH

George Papaconstantinou, bộ trưởng tài chánh Hy Lạp, ví nỗ lực lèo lái Hy Lạp qua tai họa kinh tế như "thay đổi hướng đi của tàu Titanic". Cho đến tuần rồi, hình như Hy Lạp đang trôi dạt đến tình trạng vỡ nợ. Hai gói kiệm ước đã không thành công trong việc thuyết phục các đối tác trong Liên Hiệp Âu châu - hay các thị trường tài chánh  - là các biện pháp cắt xén khiếm hụt ngân sách năm nay từ 12,7% GDP xuống còn 8,7% có thể đạt mục tiêu.

Các nhà phê bình ở Brussels cho biết chính quyền Xã Hội ở Hy Lạp đã trông cậy quá nhiều vào cam kết cắt giảm nạn trốn thuế và thu nhập từ giới giàu có, hơn là cắt giảm chi tiêu, nhất là lương bổng và hưu trí trong khu vực công. Thị trường đã đẩy mạnh bảo phí các trái phiếu của Hy Lạp lên trên mức kỷ lục của Đức. Các trái phiếu với thời hạn 10 năm của Hy Lạp đã phải chịu một tỉ suất lợi nhuận 6% (yields), gấp đôi tỉ suất lợi nhuận ở Đức.

Tuy nhiên, vào ngày 3-3-2010, tâm lý đã thay đổi. Cuối cùng, thủ tướng George Papandreou đã đích thân đem hết uy tín bảo đảm các chương trình kiệm ước. Chính phủ của ông đã loan báo vài biện pháp khắc khổ: tăng thuế suất cao nhất đối với thuế giá trị gia tăng, từ 19% lên 21%, trên nhiên liệu, thuốc lá, và rượu; đóng băng tiền hưu trí, và cắt giảm 30% tiền thưởng Giáng Sinh, Easter, và mùa hè cho công chức. Biện pháp cuối tương đương với cắt một tháng lương đối lối 700.000 công nhân viên nhà nước. Ngày 4-3-2010, Hy Lạp lại tiếp tục bán vài loại trái phiếu.

Papandreou trước đó đã bác bỏ các lời cảnh cáo của Brussels và Berlin là phải làm nhiều hơn nữa. Ông đã thay đổi thái độ sau một nhận định thẳng thắn của Olli Rehn, ủy viên kinh tế mới của Âu châu nhân chuyến viếng thăm Athens tuần rồi: các biện pháp kiệm ước mới rất cần thiết để đạt mục tiêu cắt giảm khuy khiếm năm nay. Giờ đây, Papandreou cho rằng Hy Lạp đã áp dụng tất cả những biện pháp, đau đớn nhưng cần thiết,  để xứng đáng được các đối tác Âu châu ủng hộ, nhưng không cho biết  dưới hình thức nào.

Hy Lạp cần tới 27 tỉ euros trong hai tháng tới để tái tục số nợ đáo hạn. Theo các ngân hàng gia, nếu đạt được con số nầy, hơn nửa số 53 tỉ euros cần vay sẽ được bảo đảm và áp lực của thị trường sẽ giảm bớt. Một phương cách có thể là phải thuyết phục các quốc gia trong khu vực euro mua trái phiếu của Hy Lạp, có lẽ bằng cách cung cấp bảo đảm đối với giới đầu tư. "Chúng tôi muốn có thể vay với cùng lãi suất như các nước thành viên khu vực euro khác"[5], Papandreou nói, có lẽ quá lạc quan vì thành tích khuy khiếm khổng lồ và lề lối kế toán thiếu trung thực của Hy Lạp. Một mặt khác, như ông ta đã nêu rõ, Hy Lạp không thể đủ điều kiện để tiếp tục vay mượn vô hạn định với bảo phí 350 điểm cao hơn Đức. Những thành quả của các biện pháp kiệm ước có thể tan biến bởi bảo phí cao như vậy.

Các cuộc viếng thăm sắp tới của Papandreou đến Berlin, Paris và Hoa Thịnh Đốn  có thể giúp giải quyết vấn đề nợ nần của Hy Lạp. Thủ Tướng Đức, Angela Merkel, đã xem xét sự  khả dĩ giúp song phương cho Hy Lạp, mặc dù nhấn mạnh bà chưa sẵn sàng để thảo luận vấn đề viện trợ với Papandreou. Người Đức vẫn còn e ngại một bất trắc tinh thần: cứu trợ có thể có nghĩa Hy Lạp không phải chịu thiệt hại gì sau nhiều năm theo đuổi chính sách tài chánh vô trách nhiệm và có thể trở thành một tiền lệ xấu cho những thành viên không trả được nợ khác trong khu vực euro. Tòa Án Hiến Pháp Đức hai thập kỷ trước đây đã phán quyết thỏa ước Maastricht chỉ có thể chấp nhận được nếu "các điều khoản dự liệu không cứu trợ" được tôn trọng - vì vậy, mọi cứu trợ phải được trá hình để tránh các thách thức luật pháp. Tuy nhiên các ngân hàng Đức  đang ở trong tình trạng lưỡng nan vì nhiều món nợ của Hy Lạp và các xứ Địa Trung Hải lớn đến nỗi khó tránh một hình thức trưng cầu ý kiến nào đó của các cử tri.

Nicolas Sarkozy hình như sẵn sàng giúp hơn, mặc dù Hy Lạp có thể chịu áp lực mua nhiều chiến thuyền (frigates) đắt tiền của Pháp cho hải quân. Đây không phải một thỏa ước Papandreou ưa thích vì Recep Tayyip Erdogan, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, vừa mới đề nghị hai xứ láng giềng thù nghịch trước đây nên thỏa hiệp cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

Để củng cố thế mạnh đối với các đối tác trong khu vực euro, Papandreou đe dọa sự khả dĩ thương thảo một khoản vay phòng hờ với IMF. Theo các viên chức Hy Lạp, điều kiện cũng chẳng khắt khe gì hơn các biện pháp kiệm ước mới đây. Có lẽ Papandreou cũng đã quá lạc quan. IMF có lẽ sẽ yêu cầu Hy Lạp sa thải hàng nghìn công nhân viên nhà nước và cắt xén hưu bổng khá quan trọng.Tuy vậy, như một quan chức Hy Lạp ghi nhận: "Ít ra với  IMF, quý vị có thể khỏi lo lắng phải vay tiền từ đâu để tài trợ các công trái"[6].

Các công đoàn Hy Lạp rất giận dữ về sự cắt giảm tiền thưởng, trên số cắt giảm 4% lương họ đã gánh chịu. Đình công lan tràn. Ngày 4-3-2010,các thành phần chống đối đã chiếm bộ tài chánh trong một thời gian ngắn. Vài người đình công như giới tài xế taxi không được nhiều người ủng hộ. Nhiều người thông cảm hơn với giới hưu trí phải gánh chịu vừa tiền hưu bị đóng băng vừa tác động của thuế gia tăng. Họ sẽ xuống đường. Một thợ ống nước hưu trí ta thán: Bạn không thể sống với 400 euro mỗi tháng. Cho đến nay, Papandreou còn được ủng hộ. 60% dân Hy Lạp chấp nhận các biện pháp khắc khổ cần thiết.

Lo sợ đang bao trùm Brussels về lịch thực thi các kế hoạch mới. Hy Lạp sẽ hoàn tất tái thẩm định luật thuế vụ nay mai và sẽ đưa ra các đề nghị cải cách chế độ hưu trí nhà nước  hiện chiếm trên 11% GDP. Nạn thiếu nhân viên đủ năng lực sẽ gây khó khăn cho việc bảo đảm thành đạt các mục tiêu mới. Nếu Hy Lạp muốn đi đúng hướng, Papaconstantinou và cán bộ của ông sẽ phải bỏ ra nhiều thời gian cực lực làm việc.

TRƯNG CẦU DÂN Ý Ở ICELAND

Tổng thống Iceland thường chỉ là một nhân vật tượng trưng phi chính trị ít được biết đến. Nhưng Olafur Ragnar Grimsson đã trở thành một anh hùng dân tộc khi từ chối ký duyệt dự luật đã được Althingi - quốc hội Iceland - khít khao thông qua, để trả nợ cho  Anh quốc và Hà Lan. Hai chính phủ Anh và Hà Lan đã cảm thấy bị bắt buộc phải cứu trợ các khách hàng ký thác tiền ở Icesave, một dịch vụ internet thuộc quyền sở hữu của ngân hàng Landsbanki đã bị phá sản, và giờ đây chờ đợi Iceland hoàn trái. Tổng thống Iceland từ chối, và quyết định đạo luật phải được đưa ra trưng cầu dân ý ngày 6-3-2010,  một việc hầu như chắc chắn sẽ bị một đa số cử tri lớn lao bác bỏ.

Đã hẳn cử tri và tổng thống sẽ rất hồ hởi, nhưng kết quả trưng cầu dân ý tiêu cực  rất có thể bất lợi cho Iceland. Thủ tướng, Johanna Sigurdardottir,  cầm đầu một liên minh khập khểnh trước cuộc trưng cầu dân ý, rất có thể sẽ sụp đổ. Và điều đáng lo ngại hơn là các tác động đối với số phận chương trình trị giá 4,6 tỉ USD của IMF dành cho Iceland. IMF cho biết chương trình nầy không nên tùy thuộc vào vụ tranh chấp Icesave. Nhưng các quốc gia Bắc Âu, chấp thuận các khoản cho vay song phương để hổ trợ gói cứu trợ IMF, lại từ chối xúc tiến thỏa hiệp. Không có hậu thuẩn của các xứ nầy, chương trình đang bị đóng băng. Áp lực  tài chánh đang gia tăng. Để đáp ứng đòi hỏi của các chủ nợ, Iceland cần phải tìm mọi cách vay khoảng 2 tỉ trong năm 2011 và 500 triệu trong năm 2012. Cơ quan Moody's đã cảnh cáo là viễn ảnh ngày một ít sáng sủa của thỏa ước Icesave có thể khiến Moody's phải đi theo các cơ quan thẩm định tín dụng khác hạ thấp trái khoản của Iceland xuống mức vô giá trị.

Vụ tranh chấp cũng đang làm lu mờ hy vọng của bà Sigurdardottir gia nhập Liên Hiệp Âu châu (EU). Ngày 24-2-2010, Ủy Hội Âu Châu khuyến cáo các cuộc thảo luận về thành viên mới của EU nên bắt đầu và ám chỉ Iceland có thể sớm được gia nhập. Nhưng vì vụ Icesave, dư luận quần chúng Iceland đang thay đổi. Các cuộc thăm dò công luận cho thấy một nửa số cử tri chống và chỉ 1/3 ủng hộ việc gia nhập EU.

Hai chính phủ Anh và Hà Lan cải chính tin cho rằng họ đang gây trở ngại cho thỏa ước IMF-Iceland, hay việc Iceland đang xin gia nhập EU. Tuy nhiên, rõ ràng họ đang dùng ảnh hưởng của mình để áp đặt những điều kiện khắt khe hơn đối với việc thanh toán các khoản nợ Icesave. Trong những cuộc thương thảo gần đây nhằm tránh trưng cầu dân ý, chính quyền Iceland đã giành được vài nhượng bộ từ phía chính quyền Anh và Hà Lan. Nhưng cử tri Iceland không mấy hài lòng . Họ tin hai quốc gia đầy nhẫn tâm nầy đang lợi dụng hoàn cảnh một nước bé nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Lòng tin nầy sẽ kéo dài trừ phi Anh quốc và Hà Lan đột nhiên hào phóng hơn.

AI CHỊU GÁNH NẶNG

Giải pháp giảm bớt ngạch số khuy khiếm hay công trái là vấn đề đang tranh cải trong nhiều xứ hiện nay. Các cuộc tranh luận sẽ gay gắt hơn vì ngạch số khuy khiếm ngân sách hiện nay quá lớn và kéo dài trong nhiều năm. Với các nền kinh tế phát triển hiện còn quá yếu, chính quyền còn cần vay mượn nhiều trong một thời gian khá dài. Nhưng thị trường các trái phiếu ngày một âu lo , nhất là khi các nền kinh tế Âu châu ngày một yếu kém. Hy Lạp bị buộc phải loan báo một gói các biện pháp kiệm ước thứ ba trong tuần rồi, sau khi các nỗ lực ban đầu đã không thành công trong việc xoa dịu âu lo của thị trường và các xứ lân bang. Mặc dù Anh quốc chỉ có một tỉ suất nợ thấp so với Hy Lạp và thời gian đáo hạn trung bình 14 năm, đồng sterling cũng đã mất giá trong tuần qua, với các trái chủ hoảng sợ trước viễn ảnh một quốc hội không đạt được đồng thuận. Đã hẳn, đối với ba nền kinh tế lớn nhất thế giới - Hoa Kỳ, Đức và Nhật, áp lực ít nặng nề hơn. Tuy nhiên, Nhật đang nợ nhiều và Hoa Kỳ với một chính quyền phá sản và thế hệ baby-boomers ngày một già.

Nếu thế giới do các kinh tế gia lèo lái, việc giảm bớt khuy khiếm có thể là một hành vi tái lập quân bình vô cùng phức tạp. Đối với các chính trị gia, một câu hỏi rất có thể lấn át tất cả: Ai sẽ phải trả nợ?  Câu trả lời thay đổi tùy xứ. Nhưng danh sách luôn bao gồm: người chịu thuế, công nhân viên nhà nước, các người hưu trí, các người sử dụng các dịch vụ y tế công cọng, các nhà đầu tư ngoại quốc, và các thế hệ tương lai. Trận tuyến cũng đã bắt đầu rõ ràng: các cuôc đình công của các công đoàn trong khu vực công ở Hy Lạp, và "phong trào tea parties" với các người phản đối tăng thuế ở Hoa Kỳ.

Theo các nhà phân tích hữu khuynh, hai câu trả lời dễ được các chính trị gia vồ vập hơn tất cả những cắt xén chi tiêu và tăng thuế.

Trước hết là phải chân thật về kích cở của vấn đề. Kế toán của khu vực công thường mang tính xảo thuật. Các trái chủ sẽ trừng phạt các chính quyền với các con số lẩn tránh, như người Hy Lạp đã khám phá. Và các cử tri khó lòng có thể phán đoán phải giảm bớt cái gì nếu họ không biết rõ những gì đã được hứa hẹn. Những đồn đãi ở lục địa Âu châu về các âm mưu Anglo-Saxon của bọn đầu cơ tham lam cũng thiếu chân thành. Các nhà đầu cơ không sáng chế ra khuy khiếm hay khiếm hụt. Như một nhà phân tích ngân hàng đã nhận định:"Anh không thể chỉ trích gương soi vì diện mạo của mình xấu xí".

Kế đến là phải chú tâm vào tăng trưởng kinh tế. Tỉ suất tăng trưởng cao sẽ làm thị trường yên lòng, gia tăng thuế thu nhập, giảm bớt trợ cấp thất nghiệp và an sinh xã hội. Vì vậy, các chính trị gia phải tránh các chính sách làm giảm tỉ suất tăng trưởng trong trường kỳ, như bảo vệ mậu dịch và tăng thuế, và phải tập trung vào các biện pháp tăng cường tiềm năng tăng trưởng, như thị trường lao động mềm dẻo hơn và các cải cách làm gia tăng năng suất. Dù tăng bất cứ loại thuế nào, Nhật sẽ không thể giải quyết được các khó khăn tài chánh nếu kinh tế không tăng trưởng nhanh. Nhiều chính quyền Âu châu cũng đã đi vào con đường sai lầm đó.

Theo các chuyên gia và chính trị gia hữu phái, ngay cả khi giả thiết đa số chính quyền các nước sẽ trung thực hơn và kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn, người ta vẫn đứng trước nhiều sự lựa chọn khó khăn. Vấn đề chính là giữa các thế hệ. Một vài hứa hẹn, nhất là hưu bổng trong khu vực công và dịch vụ y tế, có thể áp đặt một gánh nặng quá đáng lên các thế hệ tương lai. Các người Mỹ trung niên đã viết chi phiếu tiêu xài dùng các trương mục của con cái. Giảm thiểu những hứa hẹn đó , chẳng hạn, bằng cách nâng cao tuổi hưu trí, là điều kiện tiên quyết  để cải thiện tài chánh công khắp nơi, ngay cả khi không giúp giảm bớt được nhiều khiếm hụt trong đoản kỳ.

Trận tuyến trước mặt , như đã khởi đầu trong nhiều quốc gia Âu châu, là giữa người chịu thuế và các công nhân viên nhà nước, và giữa tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công. Trên phương diện chính trị, cuộc so tài đang ngang ngửa, giữa các công đoàn hùng mạnh và các người đóng thuế nhiều - các công ty và các người có lợi tức cao - những thành phần thường được các chính trị gia lắng nghe và ủng hộ. Trên bình diện kinh tế, phần lớn sự điều chỉnh phải đến từ hình thức cắt giảm công chi.

KHÔNG CÓ GIẢI PHÁP THAY THẾ

Theo các tác giã hữu khuynh, nhà nước nếu phải can thiệp trong thời gian thiếu thanh khoản và trước tầm vóc của cuộc khủng hoảng ngân hàng, vai trò nới rộng của khu vực công cũng chỉ nên tạm thời. Họ đưa ra luận cứ: Điều nầy không chỉ mang tính thiên lệch ý thức hệ hữu phái, các cuộc nghiên cứu kinh tế cũng đều cho thấy các biện pháp điều chỉnh tài chánh thuế khóa dựa trên cắt giảm công chi  thường đem lại kết quả khả quan hơn dựa trên tăng thuế. Đã hẳn, vài thứ gia tăng thuế có thể cần thiết về phương diện chính trị để thuyết phục cử tri gánh nặng đang được sẻ chia; nhưng tăng thuế, như Nhật đã áp dụng năm 1997, có thể giết chết đà hồi phục.

Trong quá khứ, vài chính quyền đối phó với nợ bằng cách tự xóa nợ hay làm ngơ. Iceland đã bỏ phiếu lựa chọn một hình thức nhẹ nhàng của một giải pháp như thế trong tuần qua. Sự đe dọa trầm trọng hơn hiện thời là các quốc gia bị cám dổ giảm nợ bằng giải pháp tăng lạm phát. Nhưng đây là một lựa chọn nguy hiểm và còn có thể bất khả thi vì thị trường có thể thấy trước sự khả dĩ nầy và tăng bảo phí đối với trái phiếu.

Mọi giải pháp các chính quyền lựa chọn đều khó khăn. Trong khi thời điểm tín dụng quá lỏng lẻo dễ dàng đã nhường chỗ cho một kỷ nguyên kiệm ước, tính nhất trí trong xã hội trong nhiều quốc gia đang được thử thách. Không phải tất cả đều sẽ thành công. Trong vòng vài năm tới, sự nghiệp của nhiều chính trị gia sẽ được quyết định trên thị trường trái phiếu.

GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.


[1] Evidence offers little support for the view that countries simply grow out of their debts.

[2] Fiscal adjustments which rely primarily on spending cuts and the government wage bill have a better chance of being successful and are expansionary. On the contrary, fiscal adjustments which rely primarily on tax increases and cuts in public investment tend not to last and are contractionary.

[3] Even countries that are committed to fully repaying their debts are forced to dramatically tighten fiscal policy in order to appear credible to investors and thereby reduce risk prima"

[4] This is an attack on the euro zone by certain other interests, political or financial, and often countries are being used as the weak link, if you like, of the euro zone.

[5] We want to be able to borrow at the same rates as other euro-zone countries.

[6] At least with the fund you can stop worrying about where to get the money to finance the debt. 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường