Khủng hoảng toàn cầu: Âu châu, Hoa kỳ, Trung quốc

Vietsciences-Nguyễn Trường              02/09/2011

 

Những bài cùng tác giả 

            

 

Kinh tế thế giới giàu đang trong tình trạng tồi tệ. Từ đầu tháng 8-2011, nhiều tín hiệu báo động đã được ghi nhận. Ở Âu châu, tỉ suất lợi nhuận của trái phiếu thời hạn 10 năm ở Ý và Tây Ban Nha đã lên trên 6%. Hoa Kỳ trong khi đó đã tỏ ra âu lo khi tầm cỡ an toàn tín dụng đã bị xuống cấp bởi một trong những cơ quan thẩm định lớn - S&P's. Trên khắp thế giới, các thị trường chứng khoán chao đảo,  một vài thị trường đã ghi nhận mức độ sụt giảm lớn nhất trong một ngày kể từ 2008. Chứng khoán các ngân hàng cũng sụt giảm mạnh, một chỉ dấu bất ổn trầm trọng trong hệ thống tài chánh.

Các ngân hàng trung ương đã phải can thiệp. Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) cho biết có thể  ứng cứu Tây Ban Nha và Ý qua việc mở rộng chương trình mua trái phiếu của hai xứ nầy. Cùng lúc, Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ cũng đã thông báo sẽ giữ mức lãi suất thấp gần số không ít ra cho đến năm 2013, và ám chỉ có thể có nhiều biện pháp khác h trợ nền kinh tế. Tỉ suất lợi nhuận các trái phiếu Ý và Tây Ban Nha đã sụt giảm phần nào. Đà suy sụp trên thị trường chứng khoán đã tạm thời dừng lại, dù chỉ ngắn ngủi, khi sự âu lo lan tràn tới Pháp.

Mặc dù các nền kinh tế đang lên vẫn tăng trưởng đủ mạnh để duy trì tăng trưởng toàn cầu, làn sóng bi quan ở Âu châu và Hoa  Kỳ đang đè nặng  lên toàn thế giới.

ÂU CHÂU VÀ HOA KỲ

Tâm trạng bi quan rõ ràng có gốc rễ từ các dữ kiện kinh tế, nhất là từ Hoa Kỳ, cho thấy đà hồi phục hết sức chậm chạp. Tuy nhiên, cũng cần nhắc đến nổi ám ảnh với các nguy cơ chính trị. Sau hơn ba năm trông chờ các chính trị gia giải quyết các vấn đề, các nhà đầu tư đã mất hết tin tưởng. Một thỏa hiệp tồi tệ  nâng mức trần công trái với Quốc Hội Mỹ và sự  bất lực của khu vực euro trong nỗ lực giải quyết các vấn đề khó khăn không những chẳng tốt lành, mà còn cho thấy các chính trị gia hoặc đang thất bại hay đang làm tình hình ngày một tệ hại hơn.

Làn sóng thất vọng cũng đã ảnh hưởng đến lòng tin của giới doanh nhân. The Economist/FT  global business barometer mới nhất, một cuộc thăm dò các nhà quản lý trên khắp thế giới, tiết lộ những kẻ tin điều kiện sẽ tồi tệ hơn trong vòng sáu tháng tới vượt quá số người đang chờ đợi một sự cải thiện đến 10,5 %, một sự đổi chiều lớn so với cuộc thăm dò trong tháng 5. Các xí nghiệp Hoa Kỳ giờ đây có thái độ cẩn trọng hơn nhiều trong việc bỏ thêm vốn đầu tư. Chừng nào tình trạng nầy còn kéo dài, các ngân hàng trung ương, ngay cả khi quyết định đúng, may mắn lắm cũng chỉ có thể đem lại một liều thuốc giảm đau.

Chuỗi sụt giảm trên thị trường chứng khoán trong mấy tuần qua đã gây thêm mất tin tưởng, nhưng cũng chưa  phải lý do để phải quá hoảng sợ. Một sự điều chỉnh trong giá trị các tích sản Hoa Kỳ lẽ ra đã phải thể hiện sớm hơn: chỉ số S&P 500 đã tăng gấp đôi kể từ mức thấp nhất trong tháng 3-2009, và tỉ số giá cả thị trường điều chỉnh theo chu kỳ/lợi tức[1] - 20,7, vào ngày 4-8-2011, mức cao hơn rất nhiều so với tỉ số trung bình 16,4. Đà phục hồi sau suy thoái tài chánh yếu ớt, trong khi khu vực tư đang trả bớt nợ nần. Từ lâu thị trường trái phiếu đã ghi nhận thực tế vừa nói, và cuối cùng có thể đã phải cùng chung số phận với các thị trường chứng khoán. Tuy vậy, kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn dấu hiệu sinh động: tháng 7-2011 đã ghi nhận 117,000 việc làm mới, tuy chưa đáng kể, nhưng không phải là bằng chứng của suy thoái.

Tuy nhiên, nguy cơ Hoa Kỳ và các xứ giàu đang rơi trở lại suy thoái là thực sự. Gốc rễ của vấn đề ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương khá giản dị: quá nhiều nợ nần, thiếu vắng ý chí chính trị để đối phó với hậu quả. Điều đó cho thấy vấn đề thực sự đang ở đâu.

Trong khu vực đồng euro, gánh nặng  nợ nần, bắt đầu với các quốc gia ngoại vi, đã lan tràn đến các xứ lớn Tây Ban Nha, Ý và có lẽ cả Pháp. Như thường lệ, cuộc khủng hoảng đã dừng lại trong vài ngày tiếp theo sau phiên họp thượng đỉnh khẩn cấp trong tháng 7, để rồi tiếp tục trở lại với đe dọa mới khi các chính trị gia rõ ràng đã chưa làm đủ, và hệ thống ngân hàng vẫn đang lâm nguy.

Trong lúc đó, ở Hoa Thịnh Đốn, các chính trị gia đang tiếp tục cãi vã mặc dù đã thoát nguy cơ vỡ nợ với thỏa hiệp nâng mức trần công trái, một thỏa hiệp sai quấy vì hai lý do: (1) Thắt chặt tín dụng ngắn hạn trong khi nền kinh tế đòi hỏi tăng chi và kích cầu; (2) Chưa có biện pháp xử lý vấn đề giảm thiểu khiếm hụt trong trung hạn. Vì vậy, tín dụng bị S&P xuống cấp là điều dễ hiểu.

Câu hỏi cần được đặt ra là Ngân hàng trung ương có thể làm được gì?

Ở Âu châu, sự can thiệp của ECB đã đem lại hiệu quả cần thiết: lợi nhuận các trái phiếu Ý và Tây Ban Nha đã sụt xuống 5%. Jean-Claude Trichet, chủ tịch ECB, có thể có đủ khôn ngoan để đảo ngược quyết định nâng cao lãi suất  hồi đầu năm: lạm phát trong khu vực đồng euro đã sụt giảm và cần sụt giảm hơn nữa khi giá các mặt hàng xuống thấp. Nhưng lãi suất đang ở mức khá thấp, và ECB đang ngần ngại can thiệp vào địa hạt tài chánh qua hành động mua vào nhiều hơn các công trái phiếu.

Ở Hoa Kỳ, chủ tịch Cục Dự Trữ,  Ben Bernenke, cần xét đến khả năng nới lỏng tín dụng đợt ba (in thêm tiền để mua trái phiếu). Tuy nhiên, tác động của biện pháp nầy có lẽ sẽ rất hạn chế , và có thể gây rắc rối thêm cho các nền kinh tế đang lên khi các xứ nầy có thể đối diện một đợt gia tăng tư bản nhập khẩu mới.

GIỚI LÃNH ĐẠO  BARACK OBAMA & ANGELA MERKEL...

Khuynh hướng hiếu động của ngân hàng trung ương thường mang theo những bất trắc tinh thần. Nói rõ hơn,  đó là nguy cơ khuyến khích các chính quyền giữ một vai trò thụ động,  phó mặc cho người khác làm những việc chính quyền cảm thấy khó đảm đương. Thái độ nầy là một hành động chối từ trách nhiệm nguy hiểm và bỏ phí cơ hội.

Ở Hoa Kỳ, Quốc Hội cần ủng hộ các biện pháp tài chánh đoản kỳ - gia hạn tín dụng giảm thuế căn cứ trên bảng lương nhân công, gia hạn bảo hiểm thất nghiệp, và đầu tư vào hạ tầng cơ sở - và một kế hoạch khả tín cắt giảm khiếm hụt trung hạn qua cải cách thuế vụ và các chương trình an sinh xã hội. Hiện đang có những kế hoạch lưỡng đảng để làm những việc nầy. Obama và những đối thủ Cộng Hòa trước đây đã mở cữa thương nghị những chương trình lớn lao như thế. Một ủy ban mới,  phụ trách giảm thiểu thiếu hụt,  là một cơ hội khác.

Các lãnh đạo Âu châu sẽ phải đối diện với sự lựa chọn khó khăn hơn nhiều - giữa nguy cơ tan rã của khu vực euro và liên hiệp tài chánh khắng khít hơn. Cứu vớt đồng euro sẽ đòi hỏi một quỹ cứu trợ lớn lao hơn là khu vực euro  hiện sẵn sàng chấp nhận. Trên bình diện viễn kiến kinh tế, một ý tưởng mạnh dạn hơn có thể là khả năng phát hành những trái phiếu Euro được bảo đảm bởi cộng đồng các quốc gia thành viên trong khu vực. Đây là một quyết định chính trị can đảm, không phải một điều các cử tri Âu châu chỉ có thể thấy được đưa vào cửa hậu, mà là một cam kết thực hiện một công trình vĩ đại. Đã hẳn, đây là một quyết định chính trị vô cùng khó khăn. Nhưng Angela Merkel và Nicolas Sarkosy không còn nhiều lựa chọn.

Các ngân hàng trung ương có thể đem lại cho các chính trị gia hai bên bờ Đại Tây Dương thêm chút ít thời gian. Và đã đến lúc các chính trị gia phải quyết định.

TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ

Suốt mùa đông 2010, các quan chức Trung Quốc và Hoa Kỳ đã cố gắng lật qua một trang mới trong quan hệ hai nước. Tháng 1-2011, trong cuộc công du đến Hoa Thịnh Đốn của chủ tịch Hồ Cẩm Đào(Hu Chin Tao) lãnh đạo hai nước đã nỗ lực cải thiện quan hệ  giữa hai quốc gia. Sau đó, Phó Tổng Thống Joseph R. Biden đã quyết định sẽ viếng thăm Trung Quốc, vào mùa hè 2011, để gặp đối tác Xi Jinping (Tập Cận Bình), người được chờ đợi thay thế Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào vào năm tới. 

Trong khi Biden đang chuẩn bị lên đường vào hôm thứ ba 12-8, một diễn biến mới lại bao phủ quan hệ Mỹ-Hoa.

Các lãnh đạo TQ đặt nhiều câu hỏi quan trọng về nền kinh tế và giới lãnh đạo Hoa Kỳ. Chính quyền Mỹ đang phải đối đầu với các khó khăn thanh toán nợ nần và phân hóa đảng phái. Và tê liệt chính trị đã biến tình trạng nầy thành một cuộc khủng hoảng.

Mặc dù Biden đã quyết định hoản ngày lên đường trong tháng 7 ngõ hầu giúp đem lại thỏa hiệp nâng cao mức trần công trái, phương cách duy nhất thanh toán số nợ đáo hạn trong tháng 8, tuy vậy, vẫn không tránh được sự kiện Standard & Poor's hạ thấp an toàn tín dụng của Hoa Kỳ từ AAA xuống AA+. Thông Tấn Xã Xinhua công bố lời bình luận đòi hỏi Hoa Kỳ phải"chữa trị bịnh ghiền vay mượnsống trong giới hạn khả năng của chính mình."[2]

Những khó khăn kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ đã có những hệ lụy trực tiếp đến tài chánh TQ. Thực vậy, TQ đang chấp hữu hơn 1,1 nghìn tỉ công khố phiếu của Mỹ, và đã trở thành trái chủ lớn nhất của Hoa Kỳ. Không ít người TQ công khai chỉ trích cấp lãnh đạo đã đầu tư quá nhiều vào công khố phiếu Mỹ.

Các nguy cơ dai dẳng không trả được nợ nước ngoài sắp đáo hạn của Âu châu, bóng ma chập chờn đại suy thoái kép của Mỹ, và những xáo trộn trên các thị trường toàn cầu, càng làm tăng thêm nỗi lo ngại của TQ, một xứ có tỉ suất tăng trưởng kinh tế tùy thuộc phần lớn vào khu vực xuất khẩu rộng lớn của mình.

Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại Học Bắc Kinh , cho biết: trong lần tham dự buổi họp ở Bộ Tài Chánh gần đây, ông nhận thấy các tham luận viên đều ái ngại âu lo. Theo ông, "mọi người đều cảm nhận kinh tế thế giới đột nhiên trở nên rất khó tiên liệu. Chẳng ai muốn thấy kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tuột dốc và một cuộc khủng hoảng kinh tế mới. TQ và Hoa Kỳ đang giữ một vai trò rất quan trọng - tìm cách duy trì sự ổn định trong kinh tế toàn cầu."[3]

Trong bước đầu làm quen, Biden và Xi cũng sẽ thảo luận một số vấn đề an ninh đang chia rẽ hai nước - Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, tình hình căng thẳng trên Biển Đông hay Nam Hải... Nhưng các vấn đề kinh tế đã là những vấn đề nổi trội hàng đầu.

Theo Jeffrey A. Bader, Giám đốc kỳ cựu Đông Á Sự Vụ trước tháng 4-2011 trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, "mục tiêu của chuyến công du, được hoạch định trước  các khó khăn kinh tế mới đây, là để làm quen với Xi Jinping. Đã hẳn những biến cố gần đây trong địa hạt kinh tế đã là lý do các vấn đề kinh tế Hoa Kỳ và đồng USD được ưu tiên ghi vào nghị trình."[4]

Theo Da Wei, Phó Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Hoa Kỳ thuộc Liên Viện Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại Trung Quốc ở Bắc Kinh[5], đối với TQ, "nợ công khố phiếu Hoa Kỳ là mối lo ngại lớn nhất vì liên quan đến tính an toàn số đầu tư tài chánh lớn lao của TQ."[6]

Trong khi đó, theo Hoa Kỳ, những khó khăn quốc nội của TQ đã lấn át các quan hệ đối ngoại. Các nỗ lực duy trì ổn định xã hội của các lãnh đạo TQ trong mùa hè đã bị thách thức bởi bạo động sắc tộc trong khu vực phía tây Xinjiang và các chỉ trích của công chúng về cách xử lý tai nạn xe lửa cao tốc trong tỉnh Zhejiang của chính quyền.

Có lẽ vấn đề nhức nhối nhất đối với cấp lãnh đạo TQ là lạm phát gia tăng. Chỉ số giá tiêu thụ của TQ đã tăng 6,4% trong tháng 6-2011, cao nhất trong vòng ba năm qua. Các nhà phân tích cho biết lạm phát trung bình cho cả năm chắc chắn sẽ quá 4%, mức ấn định bởi cấp lãnh đạo.

Lạm phát sẽ đặt TQ trước các khó khăn về chính sách nếu các xứ Tây phương lại rơi vào một suy thoái mới. Trong năm 2008, cao điểm của suy thoái tài chánh toàn cầu, TQ đã trông cậy vào chi tiêu công để kích cầu và nới lỏng tín dụng bởi các ngân hàng nhà nước, để bơm tiền vào các chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở và các dự án đòi hỏi những khoản đầu tư lớn lao nhằm duy trì tỉ suất tăng trưởng kinh tế. Ngày nay, các quan chức TQ đang lo ngại về sự chi tiêu phung phí và đang cố gắng thắt chặt tín dụng.

Một vấn đề gay cấn giữa Hoa Kỳ và TQ trước đây nay ngày một bớt căng thẳng và lùi vào hậu trường: định giá đồng nhân dân tệ - Yuan hay Renminbi RMB. Chính quyền Obama trong một thời gian lâu dài trước đây đã thúc đẩy TQ tái định giá đồng RMB để điều chỉnh những bất quân bình trong cân thương mãi và giúp tái cơ cấu kinh tế thế giới. Chính quyền TQ đã dè dặt từ chối, e ngại khu vực xuất khẩu sẽ bị tổn thương.

Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ, nếu được định giá quá thấp một cách giả tạo, sẽ đưa đến lạm phát.  Do đó, gần đây TQ đã để đơn vị tiền tệ, đồng RMB, từ từ tăng giá đối với đồng USD.

Đề tài nầy có thể đang mất dần tầm quan trọng trong chính trị Mỹ. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), trong phúc trình tháng 7-2011, đã nói rõ: một đồng nhân dân tệ mạnh hơn không nhất thiết đã có thể giúp đem lại công ăn việc làm mới cho Hoa Kỳ.

Chính vì vậy, thay vì Biden gây áp lực đối với TQ về tiền tệ, các quan chức TQ  rất có thể sẽ gây áp lực với Biden, đòi hỏi Hoa Kỳ phải ổn định giá trị đồng USD. Trong lúc đó, TQ sẽ tìm cách đánh giá uy lực của T T Obama, trước những khó khăn đang đối diện trong nỗ lực thuyết phục phe Cộng Hòa trong Quốc Hội nâng cao mức trần công trái.

Kenneth G. Lieberthal, một học giả về TQ tại Brookings Institution đã từng phục vụ trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia dưới thời Clinton, đã cho biết, "khi họ tin đang làm việc với một tổng thống Hoa Kỳ mạnh, người TQ luôn ứng xử tử tế. Thật khó lòng bằng cách nào những biến cố gần đây có thể đem lại một ấn tượng tổng thống Hoa Kỳ là một lãnh đạo mạnh."[7]

Thứ năm (18-8-2011), Phái đoàn Hoa Kỳ đã đến Bắc Kinh với e ngại người TQ có thể bày tỏ lo âu về sự an toàn của số nợ khổng lồ của Mỹ.

Trong thực tế, Phó T T Joseph R. Biden và các lãnh đạo TQ đã nhấn mạnh nhu cầu hợp tác kinh tế vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang đương đầu với các khủng hoảng mới. Và các quan chức tháp tùng hiện diện trong buổi họp cho biết các lãnh đạo TQ đã nói với Biden họ vẫn có lòng tin ở hệ thống tài chánh Hoa Kỳ và đã không tỏ ra quá lo ngại đối với số đầu tư khổng lồ vào trái phiếu ngân khố.

Tuy nhiên,  vì các quan chức TQ đã không tiết lộ gì với các phóng viên ngoại quốc,  không ai có thể đoan chắc những gì đã thực sự được trao đổi. Những bình luận gần đây của các cơ quan truyền thông chính thức TQ đã phản ảnh tâm trạng hoảng sợ về số đầu tư vào trái phiếu ngân khố Hoa Kỳ tiếp theo sau cuộc khủng hoảng về trần quốc trái ở Mỹ.

Biden trong lúc đó vẫn trở lại một đề tài cũ: TQ cần xây dựng một nền kinh tế vững bền hơn, ý muốn nói một nền kinh tế cơ sở trên tiêu thụ quốc nội hơn là xuất khẩu. Ông nhấn mạnh một sự tái quân bình như thế là phương cách TQ có thể giúp kích thích tăng trưởng kinh tế ở Hoa Kỳ và các xứ khác, và điều chỉnh cơ cấu kinh tế  của chính TQ. Thực vậy, trong cuộc họp chiều 18-8 với Wu Bangguo, chủ tịch Quốc Hội Nhân Dân và là lãnh đạo số hai ở TQ, Biden đã tuyên bố: "Đó là lý do chính tôi đã đến đây: để thảo luận về việc làm [nhân dụng] và tăng trưởng, và như đã được phát biểu sáng nay, tái cơ cấu kinh tế - của quý quốc và của chính chúng tôi."[8]

Phó T T Biden nói tiếp: Trên cương vị hai nền kinh tế lớn nhất trong thời buổi khó khăn, cả hai quốc gia "đang cùng nhau giữ vai trò nòng cốt không những trong sự thịnh vượng của chính chúng ta, mà còn là nguồn lực đem lại tăng trưởng và nhân dụng cho toàn thế giới."[9]

Các quan chức Mỹ cũng đã nhấn mạnh:  khía cạnh quyết định chủ chốt của tái quân bình hai nền kinh tế là cho phép đơn vị tiền tệ TQ, đồng nhân dân tệ , tăng giá. Và theo các quan chức Mỹ, kể từ tháng 6-2010, đồng RMB đã tăng giá 7%, nhưng vẫn chưa đủ.

Đây là chuyến viếng thăm TQ lần đầu của Phó T T Biden kể từ ngày nhận chức. Mục tiêu chính của chuyên công du, gồm  ba ngày họp ở Bắc Kinh và thị trấn miền Tây Chengdu, là để Biden và các quan chức tháp tùng làm quen và  xây dựng quan hệ với Phó Chủ Tịch Xi Jinping, người được chờ đợi sẽ trở thành lãnh đạo của TQ năm tới.

Trong ngày Thứ Năm, Biden đã có hai cuộc họp với Phó Chủ Tịch Xi ở Nhân Dân Đại Sảnh và dự tiệc tối do Xi khoản đãi.

Biden và Xi đến Đại Sảnh lúc 10:30 sáng. Bên trong Đại Sảnh, cả hai duyệt qua hàng quân danh dự cử hành quốc ca Hoa Kỳ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.

Chủ và khách đã trao đổi lời mở đầu tại bàn hội nghị. PCT Xi nói trước, nhấn mạnh đề tài chính của cuộc thăm viếng của PTT Biden: quyền lợi đan xen chồng chéo ngày một gia tăng, nhất là quyền lợi kinh tế, giữa hai nước. Ông nói, "Tôi cũng vậy, tôi tin trong hiện tình, TQ và Hoa Kỳ có nhiều quyền lợi chung ngày một rộng lớn, và chúng ta cùng gánh vác nhiều trách nhiệm chung ngày một nhiều và quan trọng hơn."[10]

Về phía Mỹ, PTT Biden nhắc lại chuyến thăm TQ đầu tiên năm 1979, khi ông còn là một nghị sĩ. Trước khi ông có thể hoàn tất lời mở đầu, được soạn thảo dành riêng cho các quan chức và báo chí, các nhân viên an ninh TQ đã buộc một số phóng viên ngoại quốc và vài nhân viên Tòa Bạch Ốc ra khỏi phòng họp. Người ta không rõ đã có sự hiểu lầm gì gây ra sự lộn xộn, thường hiếm hoi trong các cuộc họp cấp cao như thế, nhưng các quan chức Mỹ đã từ chối bình luận về sự kiện nầy.

DOLLAR BẢN VỊ HAY ĐƠN VỊ TIỀN DỰ TRỮ QUỐC TẾ

Ngay sau khi Standard & Poor's xuống cấp trình độ an toàn của tín dụng Hoa Kỳ, Alan Greenspan, nguyên chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang, đã nói: "Hoa Kỳ có thể trả bất cứ món nợ nào của mình vì lẽ chúng tôi luôn có thể in thêm tiền để làm việc đó."[11] Để trả lời, người ta thường nhắc lại trường hợp Zimbabwe. Như Cộng Hòa Phi châu thiếu may mắn nầy đã chứng tỏ, chính quyền luôn gặp một giới hạn nào đó đối với số tiền giấy có thể in, trước khi kinh tế phải đối đầu với siêu lạm phát.

Tuy nhiên, Zimbabwe không còn bị siêu lạm phát. Theo The Economist Intelligence Unit, một công ty chị em của The Economist, lạm phát trung bình chỉ ở mức 5,5% năm nay. Làm thế nào Zimbabwe đã thành đạt phép lạ đó? Bí quyết là chấp nhận đồng USD như đơn vị tiền tệ chính thức của mình. Như John Chambers thuộc Standard & Poor's đã nói: người Mỹ có thể đã đánh mất mức an toàn tín dụng AAA, nhưng đồng USD sẽ "duy trì cương vị đồng tiền dự trữ quốc tế then chốt dưới bất cứ kịch bản khả dĩ nào."[12]

Theo con số mới nhất của IMF, Zimbabwe là một trong 66 quốc gia, ngoài nước Mỹ, hoặc chấp nhận đồng USD như đơn vị tiền tệ chính thức, ràng buộc đơn vị tiền tệ của mình với đồng USD, hay thả nổi hối suất theo đồng USD. Đơn vị tiền tệ cạnh tranh duy nhất hiện nay, đồng euro, chỉ có một phạm vi ảnh hưởng nhỏ bé hơn, gồm 25 xứ, bên ngoài 17 quốc gia thành viên của khu vực euro.

Nhóm 66 thành viên trong khu vực USD chiếm một GDP gộp lên tới 9,000 tỉ USD, hay khoảng 14% kinh tế toàn cầu. Danh sách gồm những xứ nhỏ bé như St Kitts và Nevis, vài xứ đông dân như Bangladesh, và vài cường quốc kinh tế bậc trung như Saudi Arabia. Nhóm nầy còn bao gồm các đồng minh như Qatar, và xứ kình địch như Venezuela, luôn coi thường chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ ngay cả khi đã phải hy sinh chủ quyền tiền tệ của chính mình cho Cục Dự Trữ Liên Bang hay ngân hàng trung ương của Mỹ.

Trong mọi trường hợp, tất cả không phải đều tốt đẹp bên trong khối USD. Năm 2010, lạm phát trung bình lên tới 5,6% trong mọi xứ thành viên không tính theo kích cỡ GDP. Năm nay, tỉ suất lên đến 8%.

Thành viên lớn nhất trong khối là Trung Quốc, xứ kiểm soát chặt chẽ các giao động của đồng RMB đối với đồng USD. TQ nuôi mộng tạo dựng một thứ tiền dự trữ riêng. Nhiều xứ đang theo dõi đồng RMB vì lẽ các xứ nầy không thể để mất khả năng cạnh tranh đối với một xứ xuất khẩu lớn lao như TQ. Một phân tích bởi ba kinh tế gia trong Viện Chính Sách và Tài Chánh Công Quốc Gia ở Delhi cho thấy: đồng RMB đã có ảnh hưởng đáng kể trên tiền tệ 33 xứ.

Một nền kinh tế nằm giữa khối USD và khối RMB tiềm năng  là Hong Kong. Đồng dollar Hong Kong được định nghĩa theo đồng USD là một điều dễ hiểu, vì đồng RMB cũng đang được buộc chặt với đồng USD. Một khi đồng RMB tách khỏi đồng USD, Hong Kong sẽ bị lôi kéo theo hai chiều hướng khác nhau. Vài người chủ trương chấp nhận đồng RMB làm đơn vị tiền tệ chính thức của Hong Kong song song với đồng dollar Hong Kong. Nhưng các quan chức Hong Kong cho đến nay vẫn luôn giữ thái độ im lặng về đề tài nầy. Họ e ngại thảo luận vấn đề tiền dự trữ thay thế sẽ làm suy giảm lòng tin vào đồng dollar Hong Kong. Sau ngày S&P hạ cấp tín dụng Hoa Kỳ, Norman Chan, chủ nhiệm Hong Kong Monetary Authority đã cho biết: "sự kết nối với đồng USD đã có tác dụng rất tốt đối với sự ổn định tiền tệ và tài chánh của Hong Kong từ năm 1983 đến nay."[13] 

Tuy nhiên, sự trung thành với đồng USD không thể xem như thái độ tự nhiên, ngay cả  trong những xứ đồng USD giữ một vị thế quan trọng nhất. Newsday số ngày 10-8-2011, một nhật báo ở Zimbabwe, đã tự hỏi:  liệu đã đến lúc Zimbabwe nên rời bỏ đồng USD, e ngại Zimbabwe rồi sẽ phải nhập khẩu tính khinh suất hay liều lĩnh  kinh tế vĩ mô của Mỹ. Vài người nghĩ đồng rand của Nam Phi có thể là một thứ tiền dự trữ thay thế tốt hơn. Mặc dù đồng USD vẫn còn là tiền dự trữ của thế giới, nhưng ngay cả vài người Zimbabwe nay cũng đang tìm đơn vị tiền dự trữ thay thế, đó không thể  là một dấu hiệu tốt đối với người Mỹ.

Trong bài nói chuyện ngày thứ sáu, 26-8-2011, đương kim chủ tịch Cục Dự Trữ, Ben S. Bernanke, quy  lỗi cho các chính trị gia đã gây ra nhiều xáo trộn tài chánh nguy hiểm. Theo Bernanke, thỏa hiệp hồi đầu tháng 8-2011 nâng cao mức trần tối đa chính phủ có thể vay mượn, để đổi lấy cắt giảm thiếu hụt ít nhất 2,1 nghìn tỉ USD, chưa giảm thiểu số nợ xuống mức hầu hết các kinh tế gia tin có thể chịu đựng, và những tranh cãi chính trị hỗn loạn là các lý do Standard & Poor's đã loại các trái phiếu ngân khố dài hạn khỏi danh sách các cơ hội đầu tư an toàn.

Bài nói chuyện đã được nhiều quan chức nóng lòng chờ đợi vì lẽ Bernanke cũng như các vị chủ tịch tiền nhiệm thường có thói quen đến dự hội nghị do Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Kansas City chủ trì, để làm sáng tỏ quan điểm của mình về tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ.

Thay vì mô tả với đầy đủ chi tiết các giải pháp có thể lựa chọn, Bernanke lại chỉ chú tâm vào chính sách tiền tệ và tài chánh. Bernanke đã lặp lại lời kêu gọi cải cách tài chánh quen thuộc nhằm giảm thiểu nợ liên bang trong dài hạn, cùng lúc tránh các cắt xén chi tiêu hay tăng thuế trong đoản kỳ có thể gây khó khăn cho phục hồi kinh tế. Ông cũng nói chính quyền có thể giúp tăng tốc đà phục hồi qua một số biện pháp kể cả "chính sách gia cư tốt và hiếu động."[14]

Trong khi đó một số kinh tế gia ngày một đông lập luận: Cục Dự Trữ cần chấp nhận một tỉ suất lạm phát cao hơn. Vài người nói ngân hàng trung ương cần cho phép lạm phát cao hơn để giảm thiều thất nghiệp. Vài người khác còn nói lạm phát có thể hữu ích qua việc giảm thiểu gánh nặng nợ nần của các hộ gia đình khi họ có thể trả nợ với một đồng USD ít giá trị hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, các lãnh đạo Cục Dự Trữ chưa có dấu hiệu chịu thuyết phục.

 

 ©Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

30-8-2011

 


[1] ...market's cyclically adjusted price/earnings ratio.

[2] ...demanding the United States cure its addiction to debts and live within its means.

[3] The feeling of everyone was that the world economy has just suddenly become very unpredictable. No one wants to see the U.S. economy keep going downhil and a new financial crisis. China and the U.S. are very important in keeping the global economy stable.

[4] The primary purpose of the trip was to build the relationship with Xi Jinping. Recent events in the ecomic sphere have  undoubtedly put the U.S. economy and U.S. currency on the agenda.

[5] Institute of American Studies at the China Institutes of Contemporary International Ralations in Beijing.

[6] U.S. Treasury debt is the biggest concern since it's about the safety of China's financial investment.

[7] It always encourages good behavior in China when they think they're dealing with a strong U.S. president. It's hard to see how recent events would have created an impression that he's a strong leader.

[8] That's the overwhelming reason I've come: to talk about jobs and growth, and as was phrased this morning, the reordering of our economies - yours and ours.

[9] ...both nations "hold the key together to not only our own prosperity, but to generating growth and jobs worldwide."

[10]   I, too, believe that under the new situation, China and the United States have ever more extensive common interests, and we shoulder ever more important common responsibilities.

 

[11] The United States can pay any debt it has because we can always print money to do that.

[12] America may have lost its triple-A rating, but the dollars it issues will remain the key international reserve currency under any plausible scenario.

[13] The ink to the dollar has served Hong Kong very well asthe anchor for monetary and financial stability since 1983.

[14] ...good, proactive housing policy.

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Trường