Lãi suất: con dao hai lưỡi

Vietsciences-Hồng Lê Thọ     02/03/2008        

 

Những bài cùng tác giả
 

Khi lạm phát cao hơn lãi suất
 

Từ tháng 11/2007 giá tiêu dùng tăng vọt, báo động dấu hiệu của nạn lạm phát sẽ ập tới trong những ngày cuối năm khi chỉ số giá cả của “r hàng hoá” tăng trên 12% , vượt mức tăng trưởng GDP là 8-8.5%. Sự thật đã diễn ra đúng như dự đoán của các nhà kinh tế, nhìn lại chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2007 đã tăng 12,6% , qua tháng 1/2008 tăng 2,38% và chưa có dấu hiệu giảm tốc trong tháng 2 trong khi GDP là 8,43%(năm 2007). Giá xăng dầu nhấp nhỏm tăng theo thị trường quốc tế, lôi cuốn vật giá leo thang trở lại* sẽ đẩy mức độ lạm phát vượt mức 14% một cách dễ dàng.

Nguyên nhân gây ra lạm phát có nhiều, được phân tích khá kỹ trên các báo; các yếu tố khách quan (giá dầu thô, vàng trên thị trường thế giới, khủng hoảng tiền tệ tại Mỹ, suy thoái kinh tế xảy ra khắp nơi cùng với những cuộc tranh chấp chính trị, dầu mỏ tạo ra một sự bất ổn…) và chủ quan (cách điều hành kinh tế vi mô chậm chạp, không bắt kip chuyển động của nền kinh tế, lượng ngoại tệ thu vào để dự trữ hơn 9 tỷ đô la, tốc độ thực hiện dự án đầu tư nước ngoài chậm, chỉ 6 tỷ trong 20,3 tỷ đăng kí, nhập siêu hơn 12 tỷ đô la trong năm 2007…đã làm giảm ý nghĩa tích cực và nội dung tăng trưởng kinh tế…) mà Thủ tướng chính phủ cũng như các bộ liên quan đã nêu trong những phiên họp tổng kết cuối năm. Trước nguy cơ đe doạ nghiêm trọng nầy, bước vào tháng 2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện “cấp tốc” một chính sách khống chế lạm phát khá mạnh tay gồm 4 biện pháp(xem bảng tóm tắt) trong đó ưu tiên tìm cách thu hồi lượng tiền đồng tương đương 20,300 tỷ đồng qua việc bắt buộc các Ngân hàng Thương mại(NHTM), mua tín phiếu của NHNN với lãi suất rất thấp 7,8%/năm so với thị trường đang ở mức 11-14%/năm), liệu ai sẽ là người bù lỗ ? Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải tăng tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc, từ 10 lên 11% điều nầy có nghĩa là các NHTM phải thu hồi --từ các nơi đã cho vay-- thêm 20,000 tỷ đồng về tủ sắt của mình theo lệnh của NHNN. Với 2 biện pháp nầy trên thị trường tiền tệ đã xảy ra nạn khan hiếm tiền mặt, ít nhất là 40,300 tỷ đồng trong một thời gian cực ngắn đe doạ đến hoạt động tín dụng, cho vay, thanh toán…bình thường của khối NHTM, mở ra một cuộc chạy đua nâng cao lãi suất để hút lượng tiền trong nhân dân nhằm duy trì hoạt động “chịu lỗ”. Hiệu ứng nầy không dừng lại ở đây, thể hiện qua chỉ số VN-Index trên thị trường chứng khoán đỏ rực từ khi năm mới bắt đầu, liên tục hạ mức sàn còn 650-700 điểm, giảm giá trị thực tế 30-35%, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà đầu tư ngắn hạn và tạo ra một cơ hội bằng “vàng” cho các nhà đầu cơ trường vốn trong và ngoài nước.

Vòng xoáy lốc nguy hiểm

Song song với diễn tiến nầy, giá nhà đất đô thị (đặc biệt là các chung cư cao tầng…) nhảy vọt đến mức khủng khiếp, chỉ trong vòng 8 tháng qua, có nơi đã tăng 200-300 lần hơn như các cuộc điều tra mới đây, trong đó giá vàng đã tác động không nhỏ vì vậy nhiều nhà đầu tư chứng khoán vội vàng chuyển hướng, nhảy sang lĩnh vực đầu cơ địa ốc vì siêu lợi nhuận còn tiếp tục trong khung cảnh đầu tư nước ngoài đang có khuynh hướng ngày càng tăng, nạn khan hiếm văn phòng, nhà ở… dự đoán vẫn còn tiếp diễn trong 5-7 năm tới. Khó khăn nhất là các công trình xây dựng nửa chừng bị hụt vốn, không thể vay thêm cũng như những cá nhân đã cầm cố tài sản đê vay trong cuộc chơi chứng khoán. Chắc chắn sẽ có cảnh bán chạy nợ, xiết của cải nhà đất, gây xáo trộn lớn trong xã hội. Mặt khác những người gửi tiết kiệm cũng không để yên khi đồng tiền trong ngân hàng của mình ngày càng giảm giá trị, mất khoảng 4-5% trong ba tháng qua vì lãi suất tiết kiệm không bắt kịp tốc độ lạm phát trên 14 % hiện nay**. Một cơn lốc xoáy đang cuốn hút những thành quả mà sự phát triển kinh tế trong những năm qua mang lại, hai nói khác đi những ảo ảnh hay ảo tưởng về nền kinh tế thị trường đang làm vỡ tan những cuộc chơi về tiền tệ (money game) thông qua sàn giao dịch chứng khoán, mua bán nhà đất tự do, không phải đóng thuế lợi tức trong hệ thống “mở” hiện nay.
Việc cho vay để đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng đã bị siết chặt bởi quyết định sửa đổi số 03/2008 của NHNN đã hạn chế hoạt động cho vay của NHTM, là một trong những nguyên nhân vay” nóng” với lãi suất đột biến. Cuộc chạy đua về lãi suất, trong đó lãi xuất qua đêm có thể lên đến 30-35%/năm như đã thấy trong ngày 18/2 vừa qua. Hành động chạy đua nầy có thể đưa đến khủng hoảng tài chính, gây hiệu ứng dây chuyền về một nạn lạm phát mới rất nguy hiểm nếu không có biện pháp tháo ngòi nổ. Ngày 22/2/2008, trước sức ép quá nóng nêu trên, NHNN đã phải bơm vào thị trường 39,000 tỷ đồng trong vòng một tuần lễ, một biện pháp chữa cháy một mức hổ trợ thanh khoản chưa từng có nhưng các NHTM cổ phần cũng đành bó tay vì không có khả năng “vay” lại của nhà nước và đành phải chấp nhận lãi suất qua đêm 30-43%/năm của thị trường vốn liên ngân hàng. Ba tuần trước đây NHNH đã “bức dây động rừng” bằng sáng kiến “giảm lạm phát” thô bạo, không thể cứu vãn dù đã phải “trả lại” bằng cách “nhả” tiền ra thị trường như đã nói, kết quả vẫn “trở tay không kịp” khi những tác động về tâm lí của người dân đã rơi vào trạng thái hoang mang, mất tin tưởng vào biện pháp “lợi bất cập hại”. Chưa ai biết diễn tiến của thị trường tiền tệ sẽ bi đát, nghiêm trọng hơn đến mức nào, nhưng rõ ràng là những dấu hiệu khả quan hi vọng khôi phục lại sự năng động của nhà đầu tư cũng như hoạt động cho vay tín dụng-thế chấp vẫn ảm đạm , trong khi phát triển kinh tế mà tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2008 sẽ phải là 8,5-9 % như mục tiêu đã đề ra đang bị đe doạ sụt giảm như lời cảnh báo của ông Kuroda Haruhiko , Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á ngày 21/2/2008 vừa qua tại Hà nội.

Đừng tạo thêm gánh nặng cho sản xuất-đời sống

VN đã được nhiều nước công nhận là một nước có nền kinh tế thị trường sau khi gia nhập WTO nhưng hình như quên đi điều tối kỵ là nền kinh tế nầy vận động theo qui luật cân đối cung cầu của bản thân nó, không thể cưỡng bức theo mệnh lệnh hay ý muốn chủ quan, chịu sự chi phối bằng tư duy bao cấp xưa kia mà những biện pháp khống chế lạm phát đã phơi bày trong 3 tuần qua. Đành rằng biện pháp dùng lãi suất để điều tiết thu hồi lượng tiền lưu thông, hạn chế cho vay tín dụng hay tăng lượng quĩ dự phòng của các NHTM..nhằm ngăn chận lạm phát là những biện pháp kinh điển nhất nhưng trên cơ sở là lãi suất phải cao hơn tỷ lệ lạm phát đồng thời tất cả những điều nầy phải thực hiện để củng cố và phát triển sản xuất, cân bằng cán cân thương mại, hạn chế chi tiêu của chính phủ, hạn chế đầu tư quá sức gây mất cân đối…mới khắc phục được như chúng ta thấy TQ vẫn giữ vững phát triển với mức tăng trưởng cao, trên 11% GDP trong khi mức độ lạm phát là 7,1% và liên tục xuất siêu mặc dù những lời chỉ trích về chất lương hàng hoá, an toàn thực phẩm xuất khẩu vẫn chưa nguôi. Bài học nầy rất đáng tham khảo, nhất là đừng vì biện pháp tiền tệ mà gây cản trở, tạo thêm gánh nặng cho người đầu tư vào các ngành sản xuất-xuất khẩu và đời sống của người dân. Việt nam vẫn là một nước có GDP còn thấp, sản xuất bấp bênh vì vậy những đại gia cố tình “thổi” giá, làm giá trong thị trường nhà đât, chứng khoán tạo chênh lệch lợi nhuận lớn, kiếm lời nhanh hơn là đầu tư vào công nghệ để tăng năng suất, giảm giá thành tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường như đã thấy trong năm qua là điều không mấy khó hiểu vì vậy chủ trương hạn chế cho vay vào những lĩnh vực nầy là đúng mặc dù tiếng than vãn của họ không nhỏ. Bước vào năm mới, nhu cầu về vốn để đẩy mạnh sản xuất rất lớn nhưng nếu bị đối sử hạn chế cho vay như lĩnh vực địa ốc sẽ tác động rất lớn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội.Cần tiếp tục kích thích sản xuất kể cả biện pháp cho vay với lãi suất ưu đãi không thể không tính đến vì điều nầy không hề là nhân tố tạo ra hay thúc đẩy lạm phát.
 

Để phát triển bền vững: trở về với giá trị thật

Thiết nghĩ điều cần nhất hiện nay là tạo một tâm lý ổn định, không gây hoảng loạn(panique) thêm bằng những thông tin chính xác ,nhanh nhạy và kịp thời từ phía NHNN hay của người đứng đầu bộ máy điều hành vĩ mô. Nêu lên những biện pháp đề xuất, tạo ra dịp hiến kế để chia sẻ khó khăn và sự đồng thuận xã hội, đồng thời để cho thị trường nhà đất và chứng khoán trở về với giá thật của chúng, không cần nuôi dưỡng một thị trường bong bóng, tạo cơ hội cho những nhà đầu cơ trục lợi trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”. Việc sớm hoàn chỉnh luật thuế sát sao hơn, phù hợp với lợi tức siêu ngạch từ mua bán nhà đất và chứng khoán cần phải được tính đến, xem đây là một trong những biện pháp chống lạm phát tích cực.
Dòng chảy đầu tư nước ngoài vào Việt nam sẽ còn tăng nhanh trong vài năm tới, nhưng tình hình bất ổn hiện nay sẽ là cản trở lớn, có nguy cơ đánh mất cơ hội đang ở trong tầm tay. Tuần qua, tổ chức phát triển mậu dịch JETRO của Nhật bản vừa công bố kết quả thăm dò các giới công nghiệp sản xuất, chế tạo ở Nhật bản, 96% trả lời rằng sẽ chuyển qua Việt nam để đầu tư phát triển thay vì TQ như từ trước đến nay, cho thấy nước ta không còn là thị trường đầu tư tiềm năng mà đang trở thành điểm đến đầy hi vọng của các nhà đầu tư nước ngoài..
Mong rằng sự bình ổn sẽ sớm được xác lập trong trật tự để chào đón những nhà đầu tư mới từ các nước trong đó việc “bình thường hoá” các hoạt động kinh tế cạnh tranh lành mạnh kể cả hoạt động kinh doanh tiền tệ, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán là điều tất yếu...những biện pháp dồn khó về người dân, nhất là người nghèo chiếm đa số trong xã hội, trong đó biện pháp “đổi tiền” tối hậu để giảm lạm phát (deflation) sẽ gây tai hoạ khôn lường mà chúng ta nên tránh.

Hồng Lê Thọ
3/2008


Box 1.


Tin mới nhất
*Liên bộ Tài chính- Công thương đã có quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu lúc 11 giờ sáng nay. Theo đó, giá xăng bán lẻ thêm 1.500 đồng/lít (giá dầu tăng theo quyết định của Liên bộ). Như vậy, xăng A92 có giá 14.500 đồng/lít. Mức tăng 1.500 đồng/lít cũng áp dụng cho xăng A90 và A83.(ngày 25/2/2008). Ngày 27/2/2008 Tổng cuc thống kê công bố mức tăng giá cả trong 2 tháng đầu năm 2008 là 6,04%, mức cao nhất trong vòng 12 năm nay.
**NHNN ra lệnh các ngân hàng phải giữ mức lãi suất 12%/năm, không chạy đua cạnh tranh về lãi suất để thu hút vốn bên ngoài(ngày 27/2/2008).
 


(Box 2)


4 biện pháp thắt chặt tiền tệ


1. Quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10% lên 11%. Theo đó từ đầu tháng 2/2008 tổng cộng có gần 20.000 tỷ đồng các NHTM phải nộp dự trữ bắt buộc tăng thêm cho NHNN.

2. Ngày 15/2/2008 NHNN quyết định phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN bắt buộc. tỷ đồng/ngân hàng. Các NH phải mua 20.300 tỷ đồng trái phiếu cùng một lúc, gấp từ 20 đến 40 lần so với mức 500 tỷ - 1.000 tỷ đồng tín phiếu trong các phiên đấu thầu thường kỳ.

3. Từ tháng 2/2008, các loại lãi suất chủ đạo của NHNN tăng cao hơn trước. Theo đó, lãi suất cơ bản tăng từ 8,25%/năm lên 8,75%/năm; lãi suất tái cấp vốn tăng từ 6,5%/năm lên 7,5%/năm và lãi suất chiết khấu tăng từ 4,5%/năm lên 6,0%/năm.

4. NHNN ban hành Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN, ngày 1/2/2008 về sửa đổi Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán. Trái với mong đợi của các NHTM, Quyết định 03 còn thắt chặt cho vay chứng khoán hơn so với Chỉ thị 03 trước đây.

Box 3.
 

Chuyên gia Bùi kiến Thành:
TTCK có thể còn xuống nữa, mà xuống nữa chưa chắc đã không hợp lý. Giá cả của chứng khoán VN trong thời gian qua quá cao, không có một tiêu chuẩn nào thực sự để nó có giá cao như vậy. TTCK điều chỉnh trong những tháng vừa rồi, theo tôi là hợp lý, không có gì để Nhà nước phải quan tâm, để biện pháp cứu thị trường này.



----chú: có thể bỏ bớt box 2 nếu các bài trước cũng đã có đề cập chi tiết---
 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ