Một ngày hai sự kiện

Vietsciences- Ngô Vĩnh Long         06/09/2007

 

Những bài cùng tác giả

Hàng ngày trên thế giới có rất nhiều sự kiện xảy ra. Có sự kiện xảy ra rất im lìm và gây rất ít chú ý nhưng ảnh hưởng về xa về dài rất rộng lớn và có thể thay đổi quan hệ của toàn thể một khu vực hay của cả thế giới. Ngược lại, có một số sự kiện nổ ra rất ầm ĩ và gây chấn động trên toàn thế giới trong một thời gian ngắn hạn, nhưng ảnh hưởng của nó về xa về dài thì chẳng sâu xa gì lắm.

Thế thì một người nghiên cứu hay một nhà làm chính sách làm sao có thể đánh giá những sự kiện nầy cho đúng mức để có thể đưa ra những biện pháp hay những chính sách đối phó kịp thời và hữu hiệu? Khác với các nhà nghiên cứu khoa khọc tự nhiên có thể thử nghiệm lại các sự kiện tự nhiên trong các phòng thí nghiệm, một người làm khoa học xã hội, trước hết, chỉ có thể dò lại lịch sử của mỗi sự kiện để tìm hiểu tại sao nó xảy ra. Sau đó, để có thể đánh giá sự kiện ấy người ta phải so sánh nó với những sự kiện tương tự trong lịch sử để xem giống chỗ nào và khác chỗ nào và, do đó, có thể phỏng đoán hay phân tích xem ảnh hưởng của nó sẽ ra sao.

Ta có thể lấy hai sự kiện xảy ra trong ngày 9 tháng 8 năm 2007 để làm ví dụ. Sự kiện thứ nhất ít được người ta chú ý. Sự kiện thứ hai đã gây chấn động trên thị trường chứng khoán của hầu hết các nước lớn từ đó đến nay và đã được các phương tiện truyền thông trên thế giới nói đến hằng ngày, tuy vẫn còn rất hời hợt và chưa có phân tích xem hai sự kiện nầy có quan hệ gì với nhau không. Và, nếu có, thì ảnh hưởng chung của nó sẽ ra sao.

Sự kiện thứ nhất được tường thuật trong bài của phóng viên Ambrose Evans-Pritchard đăng trên báo London Telegraph ngày 9 tháng 8 với tựa đề: “China threatens ‘nuclear option’ of dollar sales.” (Trung Quốc dọa sẽ sử dụng ‘giải pháp hạt nhân’ về việc bán đô la) Trong lĩnh vực kinh tế tài chính, cũng như trong lĩnh vực quân sự, “giải pháp hạt nhân” là giải pháp triệt để và cuối cùng.

Bài trên trích tuyên bố ngày 8 tháng 8 năm 2007 của hai phát ngôn viên cao cấp của chính phủ Trung Quốc là nếu Mỹ tiếp tục gây những áp lực hay có những biện pháp làm cho đồng tiền của Trung Quốc tăng giá thì “Ngân Hàng Trung Ương của Trung Quốc sẽ bắt buộc phải bán Mỹ kim và việc nầy sẽ có thể dẫn đến việc đồng đô la mất giá một cách ồ ạt (mass depreciation).” Họ nói là số tiền đáng kể của Trung Quốc bằng đô la và bằng trái phiếu của Bộ Tài Chính Mỹ “giúp một cách rất lớn lao trong việc giữ vị trí của đô la như la một đồng tiền dự trữ.”

Trong bài với tựa đề “Another Shot in the Currency Fight: Chinese Threatens Divestment” (Một tiếng súng nữa trong cuộc tranh chấp tiền tệ: Trung Quốc dọa rút tiền đầu tư) đăng trong tờ Washington Post ngày 9 tháng 8 năm 2007 tác giả cho biết là Trung Quốc có tất cả là 1.330 tỷ Mỹ kim ngoại tệ dự trữ. Trong đó có 407 tỷ Mỹ kim bằng trái phiếu của Bộ Tài Chính Mỹ, tức là Trung Quốc có trái phiếu Mỹ nhiều nhất sau Nhật, và gần 500 tỷ Mỹ kim bằng những tài sản đô la khác. Nếu Trung Quốc bán phần lớn số Mỹ kim dự trữ nầy thì kinh tế Mỹ có thể bị thoái hóa, đặc biệt là vì nền kinh tế Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi sự xuống dốc trong khu vực địa ốc.

Cũng trong ngày 9 tháng 8 thị trường chứng khoán Dow Jones Mỹ tụt xuống gần 400 điểm, tức khoảng 3%, vì lo sợ rằng sự khó khăn trong thị trường địa ốc của Mỹ sẽ lây qua các khu vực kinh tế khác. Cùng ngày các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đồng loạt giảm giá với tỷ lệ tương tự. Tính chung thì trong 12 ngày sau đó thị trường chứng khoán trên thế giới đã mất khoảng 4500 tỷ Mỹ kim giá trị của nó, tức là gần 3 lần tổng giá trị dự trữ của Trung Quốc và gần 2 lần Tổng Thu Nhập Quốc Nội (GDP) của Trung Quốc năm 2006 (khoảng 2700 tỷ Mỹ kim). Đó là các ngân hàng trung ương quan trọng trên thế giới đã phải lập tức xuất ra gần 400 tỷ Mỹ kim để cho các ngân hàng và các tập đoàn tài chính môi giới chứng khoán địa ốc mượn nhằm ngăn chặn tâm lý tháo chạy trong giới đầu tư thị trường chứng khoán. Sự kiện thị trường chứng khoán mất giá nầy được gọi là “subprime crisis” (khủng hoảng dưới chuẩn.)

Khủng hoảng dưới chuẩn nầy là do các ngân hàng và các tập đoàn tài chính môi giới chứng khoán địa ốc cho mượn tiền dưới chuẩn 80/20. Chuẩn 80/20 có nghĩa là người mượn tiền mua nhà phải đóng cọc 20% giá trị cái nhà muốn mua để có thể mượn (chủ yếu là từ các ngân hàng) 80% giá trị còn lại của cái nhà đó bằng cách trả góp mỗi tháng trong 15 năm đến 30 năm tùy theo khả năng tài chính của người mượn (như lương tháng bao nhiêu, có tài sản gì khác không, việc làm có ổn định không, v.v.)  

Khủng hoảng dưới chuẩn nầy có lịch sử rất lâu dài, nhưng có thể nói là ít nhất cũng bắt nguồn từ cái gọi là “khủng hoảng tài chính” ở Châu Á năm 1997-1998. Khủng hoảng đó làm các nhà đầu tư Mỹ (và nhiều nước khác) rút tiền ra khỏi Châu Á và bỏ vào thị trường chứng khoán của Mỹ, đặc biệt là vào khu vực “công nghệ cao”, tức khu vực công nghệ thông tin là phần lớn. Lúc đó, và nhiều năm về sau, các nhà kinh tế trên thế giới, đặc biệt là trong Ngân hàng Thế giới, đẩy quan niệm “kinh tế trí thức” để giải thích tại sao kinh tế Mỹ đã phát triển rất mạnh trong thập kỷ 90. Họ cho rằng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã giúp tăng năng suất rất nhanh và rất cao và do đó phát triển kinh tế tại Mỹ đã tăng nhanh và cao.

Việc trên đã thúc đẩy đầu tư vào công nghệ thông tin của Mỹ càng ngày càng lớn. Do đó, thị trường chứng khoán Nasdaq đã tăng lên đến hơn 5000 vào đầu năm 2000 và thị trường chứng khoán Dow Jones đã lên đến hơn 11000 điểm. Nhưng bắt đầu từ tháng 3 năm 2000 thị trường chứng Nasdaq bắt đầu suy sụp, dẫn theo sự suy sụp của thị thường chứng khoán Dow Jones sau đó. Đến tháng 10 năm 2002 là khủng hoảng toàn diện. Nasdaq chỉ còn 1800 điểm và Dow Jones chỉ còn khoảng 7500 điểm.

Để đối phó, Ngân hàng Dự trữ Liên Bang Mỹ (Federal Reserve Bank, gọi tắt là Fed) giảm lãi xuất từ trên 6% năm 2000 xuống dưới 2% năm 2001 và chạm 1% suốt những năm 2002 đến gần cuối 2004. Và để cứu nền kinh tế Mỹ từ tình trạng mà các nhà kinh tế gọi là “giảm phát”—tức là giá cả thường ngày thấp—năm 2002-2003 Fed cho in thêm rất nhiều tiền. Kết quả là giá cả đều tăng, đặc biệt là khu vực địa ốc. Giá nhà cửa ở Mỹ đã tăng từ đầu năm 1990 vì những người làm giàu trong thị trường chứng khoán đã rút tiền ra mua nhà để cho chắc ăn. Nhưng khi lãi suất xuống thấp từ năm 2001 trở đi thì người ta đổ xô nhau mượn tiền để mua nhà đất. Kết quả là giá nhà ở Mỹ trung bình tăng lên gấp 3 lần; trong đó, có những vùng như đông bắc Mỹ (New England) và bang California tăng lên gấp 5 lần.

Như đã đề cập ở trên, lối làm cổ điển là các ngân hàng cho người mua nhà vay tiền theo chuẩn 80/20. Và các món nợ vay mua nhà đất nầy, gọi là mortgages, được coi như là những đầu tư lâu dài của các ngân hàng hay các công ty chuyên cho vay tiền mua nhà đất (mortgage companies). Nhưng khi thấy người ta mua nhà càng ngày càng nhiều, các công ty tài chính chuyển vào hoạt động môi giới cho vay mua nhà để lấy tiền hoa hồng và tiền mà Mỹ gọi là “chi phí hợp đồng” (closing costs). Tiền hoa hồng thường là 6% giá bán nhà và người bán nhà phải trả. Nhưng người mua nhà thường cũng phải gánh chịu hết các khoản chi phí hợp đồng với ngân hàng như trả tiền luật sư để làm các thủ tục hợp đồng.

Vì làm nghề môi giới, càng có nhiều khách hàng càng thu được nhiều dịch vụ phí, các công ty môi giới vay của các ngân hàng để cho các khách hàng vay bằng cách dụ dỗ họ với tiền lãi suất trong 5 năm đầu rất thấp (khoảng 2% trên lãi suất chính thức, tức lãi suất hàng ngày mà các ngân hàng cho nhau vay). Hơn thế nữa, vì giá nhà đất càng ngày càng tăng, các công ty môi giới thường chỉ đòi người mua đóng cọc thấp hơn chuẩn 80/20 rất nhiều, khoảng 0-5%, để dụ dỗ người mua. Họ nghĩ là nếu người mua không trả nổi tiền góp hàng tháng thì họ có lấy nhà rồi đem ra phát mại thì vẫn còn lãi. Hơn thế nữa, họ chia những khoản/gói giấy nợ địa ốc (bundled mortgages) ra thành các chứng khoán nhỏ (financial securities) để bán cho các bọn mua sỉ (aggregators) và bọn nầy bán ngay lại cho các nhóm hay các người đầu tư. Tức là họ chuyển rủi ro qua cho người khác.

Những người/nhóm mua những khoản giấy nợ cuối cùng càng ngày là những “hedge funds” (quỹ tiền phòng hờ). Hedge funds là tiền gom lại của những người hay những nhóm tư nhân có tiền được gọi chung là “những nhà đầu tư có đủ điều kiện” (qualified investors). Vì tiền lãi của các ngân hàng thấp và thì trường chứng khoán có quá nhiều rủi ro, các tư nhân có tiền bỏ tiền vào các hedge funds mua bán các khoản giấy nợ địa ốc dưới chuẩn (subprime mortgages) để có thể thu lợi nhuận lớn. Và vì giá nhà càng ngày càng tăng cao họ tưởng như thế là họ có những thế chấp an toàn. Và các hedge funds càng ngày lại càng đem những khoản giấy nợ địa ốc làm thế chấp để mượn tiền ngân hàng đầu cơ thêm vào khu vực địa ốc. Và đây là khởi đầu của sự kiện mà hiện nay người ta gọi là “khủng hoảng dưới chuẩn.”

Năm  2006-07 lãi suất chính thức tăng trên mức 5% và lãi suất cho vay mua nhà tăng đến 8-13%, tủy theo món nợ. Năm 2001 là năm người ta bắt đầu vay các món nợ mua nhà dưới chuẩn và bắt đầu năm 2006, tức 5 năm sau, nhiều người có nợ mua nhà dưới chuẩn không trả được tiền góp hàng tháng nên các ngân hàng cho vay phải kiểm chứng lại giá trị của các món nợ. Những người không đủ tiêu chuẩn hay điều kiện thì không được cho vay thêm nữa để có thể trả tiền nhà hay không được gia hạn món nợ với lãi suất cao hơn. Kết quả là nhà của những người vay 5 năm trước, nhưng nay không vay được món nợ mới với lãi suất cao hơn rất nhiều, bị đem ra phát mại. Theo Realtytrac, một công ty chuyên về thống kê nhà cửa, năm 2006 có 1 triệu 200 ngàn các nhà bị phát mại và trong năm 2007 sẽ có khoảng 2 triệu cái nhà bị phát mại. Tháng 6 năm 2007 có 164.644 cái nhà bị phát mại; nhưng trong tháng 7 năm 2007 thì có 179.599 cái nhà bị phát mại.

Giá trị của những món nợ mua nhà xấu, tức là những món nợ khó có thể trả được, là vào khoảng 500-600 tỷ Mỹ kim trong tổng số vay nợ mua địa ốc khoảng 100 ngàn tỷ Mỹ kim. Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Mỹ hiện nay là 140 ngàn tỷ Mỹ kim. Nghĩa là khủng hoảng hiện nay tương đương 3,5% đến 4% GDP nếu các món nợ xấu bị mất hoàn toàn.

Để có thể đánh giá ảnh hưởng của khủng hoảng subprime hiện nay ta có thể so sánh nó với trường hợp tương tự tại Mỹ trong thời kỳ 1986-1989 mà người Mỹ gọi là “khủng hoảng S&L” (S&L Crisis). Lúc đó các ngân hàng loại gọi là “Tiết kiệm và Vay lãi” (Savings and Loans, viết tắt là S&L) cho vay nợ địa ốc bị nợ xấu tổng cộng là 519 tỷ Mỹ kim vì địa ốc xuống giá. GDP năm 1986-89 là 45 ngàn tỷ đến 55 ngàn tỷ nên nợ xấu vào khoảng 8-10% GDP. Cuối cùng nợ xấu bị mất hoàn toàn là khoảng 3% GDP và không có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Mỹ hay của thế giới gì mấy.

Tính theo tỷ lệ trên GDP thì khủng hoảng subprime hiện nay và khủng hoảng S&L không khác nhau lắm. Nhưng các món nợ xấu S&L phần lớn là trong khu vực địa ốc thương mãi (commercial real estates), tức là khu vực địa ốc văn phòng cho các xí nghiệp thuê hay mua. Khủng hoảng subprime hiện nay là trong khu vực gia cư. Địa ốc thương mãi thì có thể bán gấp và nợ được thanh toán rất nhanh. Nhưng nhà ở thì bán rồi đi đâu? Các hedge funds có thể bán đổ bán tháo những món nợ của họ và vì thế sẽ làm cho giá địa ốc tụt xuống. Và người ta sẽ không cất nhà thêm để bán nữa vì cung sẽ nhiều hơn cầu. Nhưng khủng hoảng subprime sẽ kéo dài ít nhất là đến năm 2010 vì đến cuối năm 2005 phần lớn các khoản nợ mua nhà vẫn còn là subprime.

Hiện nay các chính sách của chính phủ Mỹ và chính phủ các nước lớn như là tung tiền cho các ngân hàng vay nhẹ lãi và hạ lãi suất chính thức khoảng 0,5% là tìm cách cứu vãn các thị trường chứng khoán và kìm hãm tác động của khủng hoảng subprime đến phát triển kinh tế nói chung chứ không phải là để giúp những người có thể bị đem ra phát mại. Tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay của Mỹ tính cho cả năm 2007 là 3,4%; và của Âu Châu là 1,4%, tức là thấp nhất từ cuối năm 2004. Nếu tốc độ tăng trưởng trên bị ảnh hưởng của khủng hoảng subprime lây sang thì nền kinh tế cả thế giới sẽ bị khó khăn.

Nhưng dẫu cho tăng trưởng GDP của Mỹ và Âu Châu không bị ảnh hưởng gì lắm thì mãi lực của các tầng lớp có thu nhập trung bình và thấp sẽ tụt xuống nhiều vì chi tiêu vào nhà ở của họ sẽ tăng cao, đặc biệt là giá dầu dùng để sưởi nhà và giá điện đã tăng gấp hơn 3 lần trong vài năm qua. Việc nầy có nghĩa là các nước Châu Á sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất vì thị trường chính của các nước nầy là thị trường Mỹ và Âu Châu. Mãi lực tiêu dùng của Trung Quốc hay của Ấn Độ chỉ bằng 10% mãi lực của Mỹ. Nếu mãi lực của Mỹ mất đi khoảng 5% thì ảnh hưởng đối với Trung Quốc chẳn hạn sẽ rất lớn vì khoảng 40% tổng số giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc là sang thị trường Mỹ.

Thế thì tại sao Trung Quốc lại dọa sử dụng “giải pháp hạt nhân” nếu Mỹ gây áp lực làm cho giá trị đồng nhân dân tệ tăng lên? Nó có nghĩa gì trong giai đoạn nầy? Nếu Trung Quốc rút toàn bộ đô la ra khỏi Mỹ thì việc gì sẽ xảy ra?

Đối với Mỹ, nếu Trung Quốc làm việc nầy thì lập tức lãi suất ở Mỹ sẽ tăng lên và sẽ gây khó khăn thêm cho người tiêu dùng và cho khu vực địa ốc ở Mỹ. Ngược lại, vì mãi lực của người tiêu dùng Mỹ bị tụt xuống thì Trung Quốc sẽ khó có thể tiếp tục xuất hàng sang Mỹ với số lượng và tốc độ như hiện nay nữa. Điều này có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc sản xuất sẽ bị ứ động vì Trung Quốc không kìm hãm được tăng tốc của GDP trong nhiều năm qua. Kinh tế Trung Quốc đã bị hâm nóng một cách quá đáng vì Trung Quốc tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế để tăng trưởng: Trong hai qúy đầu năm 2007 GDP Trung Quốc tăng 11,5%; và trong qúy 2 GDP Trung Quốc tăng 11,9%. Trong 6 tháng đầu năm 2007 Trung Quốc đã đầu tư 716,5 tỷ Mỹ kim chỉ riêng cho khu vực tài sản cố định, tức tăng 25,9% so với cùng thời kỳ năm 2006. Để giải quyết vấn đề hàng hóa ứ đọng Trung Quốc sẽ phải hạ giá hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng xuất khẩu. Ảnh hưởng là nhiều mặt hàng chế biến và hàng xuất của nhiều nước Đông Nam Á sẽ càng khó khăn trong việc cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhưng nếu Trung Quốc rút đô la ra khỏi Mỹ thì Trung Quốc sẽ đem tiền đó đi đâu? Trong những năm qua đồng Euro và đồng Yên đã tăng giá trị đối với Mỹ kim nên nếu Trung Quốc đổi Mỹ kim ra Euro và đồng Yên thì Trung Quốc sẽ bị lỗ. Và lãi suất ngân hàng của Nhật gần như âm trong khi lãi suất Âu Châu trung bình không cao bằng Mỹ. Trung Quốc lại càng không có thể đem tiền về nước vì lãi suất ngân hàng thấp và thị trường chứng khoán của Trung Quốc là cái bong bóng có thể nổ bất kỳ lúc nào.

Trong nhiều năm mãi cho đến đầu năm 2006 lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng Trung Quốc gần như âm nếu tính theo tỷ lệ lạm phát. Lý do là chính quyền Trung Quốc muốn lấy tiền tiết kiệm với lãi suất rẻ mạt nầy để cho các xí nghiệp, phần lớn là cho các xí nghiệp quốc doanh, mượn để sản xuất. Mặc dầu trong 12 tháng vừa qua lãi suất chính thức tại Trung Quốc đã có 4 lần tăng, lãi suất tháng 7 năm 2007 là 6,5% trong khi lạm phát là 5,1% và đang tăng với tốc độ khá nhanh. Do đó, người Trung Quốc có tiền thay vì bỏ vào các quỷ tiết kiệm trong các ngân hàng họ đem tiền đó đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Năm 2006 thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng 144% và trong 7 tháng đầu năm 2007 thị trường nầy đã tăng 134%. Tháng giêng năm 2007 có 1.300.000 người mở tài khoản mua bán chứng khoán tại đây. Từ tháng 4 cho đến tháng 6 trung bình mỗi tháng có thêm 300,000 người. Hơn 60% của tất cả các cổ đông trong thị trường chứng khoán của Trung Quốc là của các cá nhân chứ không phải của các công ty chuyên nghiệp. Ở Mỹ chỉ có khoảng 5% cổ đông trong thị trường chứng khoán là của cá nhân. Do đó, rủi ro cho các cá nhân đầu tư trong thị trường chứng khoán Trung Quốc rất lớn vì họ không chuyên nghiệp. Và khi cái bong bóng thị trường khổng lồ của Trung Quốc nổ thì nguy cơ rối loạn trong xã hội Trung Quốc sẽ khó có thể lường được.

Để đối phó với tâm lý tháo chạy của các nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán và nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, Trung Quốc đã tập trung một số ngoại tệ dự trữ dự trữ khổng lồ bằng Mỹ kim để đắp vào khi cần. Thế thì tại sao Trung Quốc lại dọa Mỹ ngay trong lúc nầy? Đánh một đòn tâm lý đối với Mỹ chăng, đặc biệt là cho Mỹ biết nếu Trung Quốc rút tiền thì Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì chiến tranh tại Irak? Hay chính quyền Trung Quốc muốn phô trương để cho nhân dân họ yên tâm hòng có thể mua thời gian để chỉnh đốn nền kinh tế và thị trường chứng khoán của họ? Hay Trung Quốc muốn thọt gậy vào bánh xe chính trị của Mỹ trong cuộc tranh cử tổng thống kỳ nầy?

Khó mà biết Trung Quốc muốn gì. Nhưng nếu ta so sánh hành động nầy của Trung Quốc với biết bao nhiêu hành động thách thức và gây rối khác hiện nay của Trung Quốc đối với nhiều nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương thì ta sẽ thấy khá rõ là Trung Quốc đang có những trò chơi có thể gây ra nhiều nguy cơ cho khu vực.

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Ngô Vĩnh Long