Năng lượng như tài nguyên quý hiếm và mục tiêu tranh chấp

Vietsciences-  Nguyễn Trường                          1/10/2014

 


Nhìn quanh thế giới, ngọn lửa chiến tranh hiện đang hừng hực khắp nơi: Iraq, Syria, South Sudan, Ukraine, Vùng Biển Hoa Đông và Hoa Nam. Thoạt nhìn, những xung đột có vẻ như những biến cố độc lập, khởi động bởi những hoàn cảnh đặc thù. Nhưng khi nhìn kỷ, những biến cố nầy cũng cùng chia sẻ một nét đặc trưng cơ bản: các xung đột, dù mang tính sắc tộc, tôn giáo, chính tri, kinh tế…, đều bị khuấy động đến độ sôi sục bởi định kiến năng lượng.
Trong mỗi xung đột, tranh chấp phần lớn bắt nguồn từ sự bùng nổ những đối kháng lịch sử lâu đời giữa các quốc gia láng giềng, các bộ lạc, các tộc dân, và các giáo phái.
Ở Iraq và Syria, đó là sự va chạm giữa các giáo phái Sunnis, Shiites, Kurds, Turkmen, và vài tộc khác; ở Nigeria, giữa tín đồ Hồi Giáo, Cơ Đốc Giáo, và nhiều bộ lạc; ở South Sudan, giữa Dinka và Nuer; ở Ukraine, giữa tộc dân Ukraine trung thành với Kiev và tộc dân nói tiếng Nga theo Moscow; ở Hoa Đông và Hoa Nam, giữa người Hoa, người Nhật, người Việt Nam, người Filipinos, và nhiều xứ khác.
Nhiều phân tích gia dễ dàng truy nguyên tình trạng xung đột cho những hận thù lâu đời; nhưng trong khi hiềm khích thường đưa đến xung đột, các va chạm cũng còn được nhen nhúm bởi một động lực hiện đại nhất: ý muốn kiểm soát các tài nguyên dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên quý hiếm.
Trong thực tế, đây chính là các cuộc chiến năng lượng vào đầu thế kỷ XXI.
Không ai phải ngạc nhiên khi năng lượng đang giữ vai trò đầy ý nghĩa trong các cuộc xung đột nói trên. Xét cho cùng, dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên luôn là những tài nguyên quan trọng và quý hiếm và là nguồn lợi quan trọng đối với các chính quyền và các đại công ty đang kiểm soát hệ thống sản xuất và phân phối.
Trong thực tế, phần lớn số thu nhập của chính quyền trong các xứ Iraq, Nigeria, Nga, South Sudan, và Syria đều đến từ các hoạt động sản xuất và bán dầu trong khi các đại công ty năng lượng (đa số trong tay các chính quyền) cũng đang nắm giữ nhiều ảnh hưởng và quyền lực lớn lao trong nhiều quốc gia.
Nói một cách khác, bất cứ ai kiểm soát quá trình sản xuất dầu lửa và hơi đốt đồng thời cũng kiểm soát luôn nguồn thu nhập và hệ thống phân phối các lợi tức từ khu vực năng lượng. Mặc dù các lớp sơn đối nghịch lịch sử đủ mầu sắc bên ngoài, phần lớn các xung đột quả thực chỉ là sự tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên quốc gia.
Hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới hết sức quan tâm đến năng lượng, nơi quyền kiểm soát dầu và hơi đốt cùng hệ thống phân phối luôn chuyển biến thành nhiều tác động địa-kinh tế-chính-trị thuận lợi hay tai hoạ trong nhiều xứ. Vì lẽ quá nhiều quốc gia đang lệ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, các quốc gia giàu năng lượng để xuất khẩu — như Iraq, Nigeria, Nga, và South Sudan — cũng thường chiếm giữ địa vị với ảnh hưởng bất cân xứng trên sân khấu thế giới. Những gì đang xẩy ra trong các xứ nầy đôi lúc có ảnh hưởng quan trọng không những đến người dân sở tại mà còn đến dân chúng trong nhiều xứ. Vì vậy, nguy cơ can thiệp từ bên ngoài vào các tranh chấp nội bộ các xứ nầy dưới nhiều hình thức trực tiếp hay gián tiếp như chuyển giao vũ khí, cố vấn quân sự, viện trợ kinh tế … luôn tiếp diễn.
Tranh giành năng lượng đã là yếu tố hiển nhiên trong nhiều vụ xung đột gần đây, kể cả cuộc chiến Iran-Iraq 1980-1988, cuộc chiến Vùng Vịnh 1990-1991, và cuộc nội chiến Sudan 1983-2005. Thoạt nhìn, yếu tố nhiên liệu hoá thạch hình như có thể ít rõ ràng hơn trong các quan hệ căng thẳng, khủng hoảng, hay ngay cả xung đột gần đây. Nhưng sau khi nhìn kỷ, chúng ta vẫn có thể nhận thấy các xung đột nầy trong bản chất vẫn là những cuộc chiến năng lượng.
IRAQ, SYRIA, VÀ ISIS
The Islamic State of Iraq and Syria — ISIS, hay “Lãnh Địa Hồi Giáo Tự Trị Iraq và Syria” — nhóm Sunni cực đoan đang kiểm soát những mãng lớn ở Tây Syria và Bắc Iraq — là nhóm chiến binh trang bị vũ khí đầy đủ theo đuổi mục tiêu thiết lập một lãnh địa Hồi Giáo tự trị (an Islamic caliphate) trong các khu vực dưới quyền kiểm soát. Trên nhiều phương diện, đó là tổ chức giáo phái cực đoan tìm cách tái thiết kế tín ngưỡng thuần khiết, không biến thể, của kỷ nguyên Hồi Giáo xa xưa. Cùng lúc, giáo phái nầy cũng luôn theo đuổi đề án “xây-dựng-quốc-gia” quy ước (a conventional “nation-building” project) nhằm thiết kế một Nhà Nước đầy đủ các chức năng và thuộc tính.
Như Hoa Kỳ đã trải nghiệm nhiều bài học chua cay ở Iraq và Afghanistan, xây-dựng -quốc-gia là đề án vô cùng tốn kém: các định chế cần được tạo lập và tài trợ, quân đội cần tuyển mộ và trả lương, vũ khí và nhiên liệu cần trang bị và mua sắm, và hạ tầng cơ sở cần được duy trì. Không có dầu lửa (hay một nguồn lợi tức dồi dào khác) ISIS sẽ khó lòng hy vọng thành đạt các mục tiêu đầy tham vọng. Tuy nhiên, trong hiện tình với quyền kiểm soát các khu vực sản xuất dầu ở Syria và các cơ sở lọc dầu ở Iraq, ISIS đang giữ một vị trí duy nhất để thể hiện các mục tiêu vừa nói. Thực vậy, dầu lửa là thành tố tuyệt đối thiết yếu trong chiến lược vĩ đại của tổ chức.
Syria chưa bao giờ là một xứ sản xuất dầu quan trọng, nhưng khả năng sản xuất tiền chiến khoảng 400.000 thùng (barrels) mỗi ngày đã đem lại cho chế độ Bashar al-Assad một nguồn thu nhập quan trọng. Ngày nay, hầu hết các khu vực sản xuất dầu của Syria đang toạ lạc trong vùng do các lực lượng trỗi dậy kiểm soát, kể cả ISIS, Mặt Trận Nusra liên kết với al-Qaeda, và các du kích quân Kurdish bản địa. Mặc dù ngạch số sản xuất từ các khu vực liên hệ đã sụt giảm khá nhiều, số lượng sản xuất và bán được qua các kênh lén lút khác nhau cũng đang đem lại cho phe chống đối đủ phương tiện tài chánh để trang trải các chi phí hoạt động. Theo Abu Nizar, thuộc phe chống chính quyền, “Syria là một xứ có dầu lửa và nhiều tài nguyên, nhưng trong quá khứ đã bị các quan chức của chế độ biển thũ. Ngày nay, tài nguyên cũng đang bị rút tỉa bởi phe đang thủ lợi từ cách mạng.”[1]
Lúc đầu, nhiều nhóm chống đối đã tham gia các hoạt động khai quật, nhưng kể từ tháng 1-2014, sau khi đã kiểm soát được Raqqa, thủ đô của tỉnh cùng tên, ISIS đã là tay chơi áp đảo trong ngành dầu khí. Vả chăng, ISIS cũng đã chiếm đóng các khu dầu trong Tỉnh Deir al-Zour kế cận, dọc biên giới Iraq. Thực vậy, nhiều loại vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp, chiếm được từ quân đội Iraq rút chạy sau đợt tấn công vào Mosul và các thành phố phía Bắc Iraq khác gần đây, đã được chuyển tải đến Deir al-Zour để giúp ISIS trong chiến dịch kiểm soát toàn bộ khu vực. Bên trong Iraq, ISIS đang tiến chiếm quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn nhất trong vùng Baiji thuộc trung bộ Iraq.
ISIS bán dầu khai thác từ các giếng dầu dưới quyền kiểm soát cho các trung gian “ngoại đạo” tự sắp xếp phương tiện chuyển vận, phần lớn bằng xe tải, đến giới tiêu thụ ở Iraq, Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ. Tiền bán dầu đem lại cho tổ chức phương tiện tài chánh cần thiết để trả lương cho quân đội, và tậu mãi các kho vũ khí đạn dược lớn lao. Nhiều nhà quan sát cho biết ISIS còn bán dầu cho chế độ Assad để đổi lấy sự an toàn khỏi bị không tạc như đối với các nhóm dấy loạn khác. Theo nhà báo Kurdish, Sirwan Kajjo, trong đầu tháng 6, “nhiều người địa phương trong vùng Raqqa đã lên án ISIS cộng tác với chính quyền Syria. Họ cho biết trong khi nhiều nhóm chống đối khác ở Raqqa đã luôn bị phi cơ chính quyền oanh kích, tổng hành dinh ISIS không một lần bị tấn công.”[2]
Tuy nhiên, trong các cuộc giao tranh đang diễn ra ở Bắc Iraq, dầu lửa cũng rõ ràng là yếu tố trung tâm. ISIS đang tìm cách vừa cắt đứt nguồn tiếp liệu dầu lửa và số thu nhập từ dầu cho chính quyền Baghdad, vừa để tăng cường ngân khố, cải thiện khả năng xây dựng quốc gia, và gia tăng các cuộc tiến quân của chính mình. Trong cùng lúc, người Kurds và các bộ tộc Sunni — một số đồng minh với ISIS — cũng muốn kiểm soát các khu dầu trong vùng do mỗi bên kiểm soát và một phần lớn hơn, trong số dự trữ dầu lửa của quốc gia.
UKRAINE, CRIMEA, và NGA
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine đã bắt đầu từ tháng 11-2013 khi Tổng Thống Viktor Yanukovych khước từ một thoả ước thắt chặt các quan hệ kinh tế và chính trị với Liên Hiệp Âu Châu (EU). Thay vào đó, Yanukovych đã quyết định thắt chặt quan hệ với Liên Bang Nga. Hành động nầy đã khởi động các cuộc xuống đường chống chính quyền ở Kiev và sau đó, Yanukovych đã buộc lòng phải rời khỏi thủ đô.
Với đồng minh chính ở Moscow thúc đẩy ở ngay hiện trường và các lực lượng thân EU đang kiểm soát thủ đô, Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã hành động để nắm quyền kiểm soát Crimea và bảo trợ phong trào ly khai ở Đông Ukraine. Đối với cả hai bên, cuộc đối đầu phát xuất từ đó đều liên quan đến tính chính đáng chính trị và bản sắc quốc gia — nhưng tương tự với các cuộc xung đột gần đây, cuộc đối đầu cũng liên quan đến năng lượng.
Ukraine tự thân không phải là một xứ giàu năng lượng. Tuy nhiên, đây là con đường quá cảnh quan trọng chuyển tải hơi đốt thiên nhiên của Nga đến Âu Châu. Theo Cơ Quan Quản Trị Thông Tin Năng Lượng Hoa Kỳ (U.S. Energy Information Administration — EIA), trong năm 2013, Âu Châu nhập khẩu 30% hơi đốt từ Nga — phần lớn từ công ty hơi đốt khổng lồ Gazprom do nhà nước kiểm soát — và khoảng phân nửa số nầy qua tuyến ống dẫn xuyên qua Ukraine. Vì vậy, Ukraine giữ một vai trò thiết yếu trong quan hệ năng lượng phức tạp giữa Âu châu và Nga, một quan hệ vô cùng hữu lợi đối với số thượng lưu và độc quyền đa phương kiểm soát dòng chảy hơi đốt, cùng lúc đã gây nhiều tranh cãi mạnh mẽ. Nhưng tranh chấp về giá cả Ukraine phải trả cho số hơi đốt nhập khẩu từ Nga đã hai lần gây ra quyết định ngưng cung cấp bởi Gazprom, đưa đến số cung năng lượng giảm thiểu ở Âu Châu.
Trong bối cảnh đó, không có gì đáng ngạc nhiên mục tiêu nòng cốt của “thoả ước liên kết” giữa EU và Ukraine — trước đây Yanukovych đã từ chối và giờ đây đã được chính quyền mới ở Ukraine ký kết — đòi hỏi các quy chế năng lượng của EU phải được nới rộng để chi phối cả hệ thống năng lượng của Ukraine — cốt ý loại bỏ những thoả ước thân thiện giữa giới thượng lưu Ukraine và Gazprom trước đây. Qua quyết định gia nhập thoả ước, các quan chức EU cho rằng, Ukraine sẽ bắt đầu “quá trình mô phỏng pháp chế năng lượng của mình theo các tiêu chuẩn và mẫu mực của EU, do đó, làm dễ dàng các cải cách thị trường nội bộ.”[3]
Giới lãnh đạo Nga có nhiều lý do để từ chối thoả ước liên kết. Trước hết, thoả ước sẽ buộc chặt Ukraine, một xứ ngay trên biên giới của Nga, vào quỹ đạo kinh tế chính trị Tây Phương. Tuy nhiên, điều đáng đặc biệt quan tâm hơn chính là những quy luật về năng lượng, trong khi trong thực tế kinh tế của Nga lệ thuộc khá nhiều vào việc xuất khẩu hơi đốt qua Âu châu — chưa nói đến nguy cơ đe doạ quyền lợi cá nhân của giới thượng lưu Nga liên quan mật thiết với kỹ nghệ năng lượng.
Vào cuối năm 2013, Yanukovych đã phải đối mặt với áp lực nặng nề từ phía Vladimir Putin đòi hỏi Ukraine phải rời bỏ Liên Hiệp Âu Châu, và thay vào đó, gia nhập liên hiệp kinh tế với Liên Bang Nga và Belarus, một sắp xếp có thể giúp bảo vệ quy chế giới thượng lưu trong cả hai xứ. Tuy nhiên, qua quyết định quay theo chiều hướng nầy, Yanukovych đã rõ rệt đi theo chính trị lệ thuộc Liên Bang Nga từ lâu đã chi phối hệ thống năng lượng của Ukraine, vì vậy, đã khởi động các chống đối Từ Quảng Trường Độc Lập Kiev (the Maidan) — đưa đến sự sụp đổ của chính Yanukovych.
Một khi làn sóng chống đối bắt đầu, các biến cố dồn dập đã đưa đến tình trạng căng thẳng hiện nay, với Crimea trong quỹ đạo ảnh hưởng của Liên Bang Nga, phần lớn Đông Ukraine thuộc quyền kiểm soát của phe ly khai thân Nga, và phần Tây Ukraine xích lại gần hơn với EU. Trong tình trạng tranh chấp tiếp diễn, chính trị sắc tộc đã giữ một vai trò trọng yếu, với giới lãnh đạo cả hai phía cùng kêu gọi lòng trung thành và tinh thần quốc gia sắc tộc.
Tuy vậy, năng lượng vẫn là yếu tố quyết định trong phương trình. Gazprom đã luôn nâng cao giá hơi đốt nhập khẩu vào Ukraine, và ngày 16-6-2014 đã hoàn toàn ngưng cung cấp năng lượng, với lý do số nợ hơi đốt đã cung cấp chưa được thanh toán. Ngay hôm sau, một vụ nổ đã gây thiệt hại cho một trong số ống dẫn hơi đốt chính chuyển vận hơi đốt của Nga đến Ukraine — một biến cố đang trong vòng điều tra.
Các cuộc thương thảo về giá hơi đốt vẫn là đề tài gay cấn trong quá trình thương nghị giữa tân tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko, và Vladimir Putin.
Năng lượng cũng đã giữ vai trò then chốt trong quyết định của Nga chiếm đóng Crimea bằng biện pháp quân sự. Qua hành động sát nhập Crimea, Liên Bang Nga đã gia tăng gấp đôi phần lãnh hải dưới quyền kiểm soát trong vùng Biển Hắc Hải, với trữ lượng ước khoảng hàng tỉ thùng dầu và các dự trữ hơi đốt lớn lao. Trước cuộc khủng hoảng, vài xí nghiệp dầu Tây Phương, kể cả ExxonMobil, đang trong quá trình thương nghị với Ukraine quyền tiếp cận các trữ lượng nầy. Hiện nay, họ sẽ phải thương nghị trực tiếp với Moscow. Theo Carol Saivetz, một chuyên gia Âu-Á thuộc Viện MIT, đây là một nguồn lợi lớn. Giờ đây, Ukraine đã đánh mất khả năng khai thác các tài nguyên nầy và đã phải chuyển giao lại cho Liên Bang Nga.
NIGERIA và SOUTH SUDAN
Trên nhiều phương diện, các xung đột ở South Sudan và Nigeria xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau. Tuy vậy, cả hai xứ cùng chia sẻ một yếu tố chung: bức xúc, giận dữ và thiếu tin tưởng vào các quan chức chính quyền, những thành phần đã trở nên giàu có, tham nhũng, và độc tài, nhờ quyền tiếp cận các nguồn thu nhập dồi dào từ dầu khí.
Ở Nigeria, nhóm dấy loạn Boko Haram đang chiến đấu nhằm lật đổ hệ thống chính trị hiện hữu và thiết lập một nhà nước Hồi Giáo thuần khiết. Mặc dù đa số dân Nigeria than phiền các phương pháp bạo lực của nhóm (kể cả bắt cóc hàng trăm thiếu nữ từ các trường công lập), nhóm đã gầy dựng sức mạnh nhờ ở phần Bắc nghèo nàn đến kinh tởm của xứ sở với một chính quyền trung ương thối nát ở thủ đô Abuja xa xôi.
Nigeria là quốc gia sản xuất nhiều dầu nhất Phi Châu, với sản ngạch khoảng 2,5 triệu barrels mỗi ngày. Với giá dầu khoảng 100 USD mỗi barrel, dầu tượng trưng cho nguồn tài phú khổng lồ của quốc gia, ngay cả sau khi các công ty tư đã nhận phần riêng của mình. Nếu số thu nhập đó — ước tính khoảng hàng chục tỉ USD mỗi năm — được sử dụng để tài trợ các chương trình phát triển và cải thiện đời sống của người dân, Nigeria có thể trở thành ngọn hải đăng hy vọng của Phi Châu. Trong thực tế, hầu hết số tài phú đó đã lọt vào túi và các trương mục ngân hàng của tầng lớp sang giàu quyền lực của Nigeria.
Trong tháng 2-2014, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nigeria, Lamido Sanusi, đã cho uỷ ban điều tra nghị viện biết: Công Ty Dầu Lửa Quốc Gia Nigeria đã không chuyển nộp vào ngân khố quốc gia 20 tỉ USD tiền xuất khẩu dầu như luật định. Ngân khoản nầy rõ ràng đã được chuyển vào các trương mục tư nhân. Sanusi đã nói với báo The New York Times: “Một số tiền lớn đã thất thoát. Tôi không chỉ nói về các con số. Tôi đã nói rõ đây là một vụ biển thủ.”[4]
Đối với người dân Nigeria — đa số chỉ sống lây lất với chưa đến 2 USD mỗi ngày — nạn tham nhũng ở Abuja, cùng với sự tàn bạo vô lương tâm của các lực lượng an ninh của chính quyền, là nguyên do giận dữ và bức xúc lâu dài, giúp tăng cường hàng ngũ các nhóm dấy loạn như Boko Haram và đem lại cho các nhóm nầy chút ít ngợi khen không mấy chính đáng. Như phóng viên National Geographic, James Verini, đã nói về những người anh ta đã phỏng vấn trong những khu vực rối loạn ở Bắc Nigeria: “Họ hiểu rất rõ nổi bức xúc có thể khiến một ai đó phải sử dụng vũ khí chống lại nhà nước.” Vào lúc nầy, chính quyền đã chứng tỏ không chút khả năng thắng phe dấy loạn, trong khi sự thiếu khả năng và các chiến thuật quân sự nặng tay chỉ có thể khiến người dân bình thường càng thêm xa lánh chính quyền.
Cuộc xung đột ở South Sudan bắt nguồn từ những cội rễ khác nhau, nhưng cũng cùng chia sẻ lý do năng lượng. Thực vậy, sự hình thành của South Sudan là sản phẩm của chính trị dầu lửa. Cuộc nội chiến ở Sudan từ năm 1955 đến 1972, chỉ chấm dứt khi chính quyền North Sudan, do phe Hồi Giáo áp đảo, ban thêm quyền tự trị cho các tộc dân ở miền Nam, những người theo các tôn giáo Phi châu truyền thống hay Cơ Đốc Giáo.
Tuy nhiên, khi dầu lửa được khám phá ở miền Nam, nhà cầm quyền North Sudan đã rút lại lời hứa hẹn trước đó và đã tìm cách kiểm soát các khu vực có dầu, khởi động cuộc nội chiến thứ hai, kéo dài từ 1983 đến 2005.
Khoảng 2 triệu dân đã phải thiệt mạng trong cuộc chiến nầy. Nhưng cuối cùng, miền Nam cũng đã được tự trị và được quyền bỏ phiếu ly khai. Tiếp theo sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 1-2011, trong đó 98,8% dân South Sudan đã bỏ phiếu ly khai, và đã trở thành quốc gia độc lập kể từ ngày 9 tháng 7 cùng năm.
Tuy nhiên, ngay sau khi quốc gia mới vừa ra đời, cuộc chiến với miền Bắc về dầu lửa lại tái diễn. Trong khi South Sudan có nhiều dầu, tuyến ống dẫn dầu duy nhất để xuất khẩu lại chạy xuyên qua North Sudan đến Hồng Hải hay Red Sea. Nói một cách khác, chính quyền miền Nam lại phải lệ thuộc miền Bắc để có được nguồn thu nhập.
Giận dữ vì đã đánh mất các khu có nhiều trữ lượng dầu, người miền Bắc đã áp đặt một thuế suất quá cảnh quá đáng, đưa đến quyết định ngưng cung cấp dầu bởi miền Nam và thỉnh thoảng vài đụng độ vũ lực dọc biên giới còn tranh chấp giữa North Sudan và South Sudan. Cuối cùng vào tháng 8-2012, hai bên đã thoả thuận một phương thức chia sẻ tài nguyên, và dòng chảy dầu xuất khẩu lại được tái tục. Tuy vậy, xung đột vẫn tiếp tục trong vài khu vực dọc biên giới do miền Bắc kiểm soát nhưng với vài nhóm dân vẫn còn liên kết với miền Nam.
Với dòng chảy lợi tức từ dầu lửa được đảm bảo, lãnh đạo South Sudan, Tổng Thống Salva Kiir, đã tìm cách củng cố quyền kiểm soát xứ sở và số thu nhập từ dầu lửa. Nại cớ một nổ lực đảo chánh ngấm ngầm bởi các đối thủ cạnh tranh dưới quyền lãnh đạo của Phó Tổng Thống Riek Machar, Salva Kiir đã giải tán chính phủ đa sắc tộc vào ngày 24-7-2013, và bắt giam các đồng minh của Machar.
Cuộc tranh giành quyền lực đã nhanh chóng trở thành một cuộc nội chiến vì sắc tộc, với dòng dõi của T T Kiir, người Dinka, xung đột với người Nuer, cùng dòng dõi với Machar. Mặc dù có vài nổ lực thương nghị một cuộc ngưng bắn, chiến tranh vẫn tiếp diễn từ tháng 12, với hàng nghìn tử vong và hàng trăm nghìn buộc phải rời bỏ nhà cữa.
Cũng như ở Syria và Iraq, phần lớn cuộc xung đột ở South Sudan đã tập trung chung quanh các khu dầu, với hai bên cương quyết kiểm soát các giếng dầu và nguồn thu nhập. Tính đến tháng 3-2014, mặc dù vẫn còn dưới quyền kiểm soát của chính quyền, khu Paloch trong Upper Nile State đang sản xuất khoảng 150.000 barrels mỗi ngày, trị giá khoảng 15 triệu USD đối với chính quyền và các công ty năng lượng tham dự.
Các lực lượng chống đối, do nguyên Phó Tổng Thống Riek Machar lãnh đạo, đang cố gắng chiếm các khu dầu và ngăn chặn dòng thu nhập đối với chính quyền. Trong tháng 4, Riek Machar đã tuyên bố: “Sự hiện diện của các lực lượng trung thành với Salva Kiir ở Paloch, mua thêm vũ khí để giết dân chúng ta …là không thể chấp nhận đối với chúng ta. Chúng ta muốn kiểm soát khu vực dầu. Đó là dầu của chúng ta.”[5]
Cho đến nay, khu vực các giếng dầu vẫn còn do chính quyền kiểm soát, với các lực lượng chống đối được biết đang thắng thế trong vùng phụ cận.
BIỂN NAM HẢI
Trong hai vùng biển Hoa Đông và Hoa Nam, Trung Quốc và các quốc gia láng giềng đều đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo san hô bên trên vùng biển có nhiều trữ lượng dầu và hơi đốt thiên nhiên. Đây là nơi đã xẩy ra nhiều vụ va chạm giữa hải quân các quốc gia tranh chấp trong mấy năm vừa qua, như đã được báo chí quốc tế quan tâm khá nhiều.
Thực vậy, khu vực giàu năng lượng Tây Thái Bình Dương từ lâu đã là tiêu điểm tranh chấp bởi Trung Quốc, Việt Nam, đảo quốc Borneo, và Philippines. Tình hình căng thẳng đã lên đỉnh điểm khi Trung Quốc đưa giàn khoan biển sâu khổng lồ HD-981 vào phần biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau khi vào khu vực thăm dò cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, giàn khoan đã được một hạm đội hải quân Trung Quốc bảo vệ. Khi hải quân Việt Nam xâm nhập vòng phòng vệ tìm cách xua đuổi HD-981, các tàu tuần dương Việt Nam đã bị các tàu hộ tống Trung Quốc đâm thủng và tấn công với các vòi nước cực mạnh. Không có thương vong bởi các va chạm, nhưng các cuộc biểu tình chống đối hành động xâm lấn của Trung Quốc đã gây vài thương vong, và các va chạm đã tiếp tục trong vài tháng cho đến khi Trung Quốc di chuyển giàn khoa đến một địa điểm khác, cũng rất có thể đang trong vòng tranh chấp chủ quyền.
Các hình thức chống đối và xung đột, hậu quả của hành động triển khai giàn khoan HD-981, phần lớn bắt nguồn từ tinh thần quốc gia, bức xúc, và tủi nhục lịch sử.
Người Trung Quốc nhấn mạnh, nhiều hải đảo nhỏ bé trong vùng biển Nam Hải đã một thời thuộc quyền kiểm soát của chính họ, và nay họ đang tìm cách phục hồi mọi mất mát lãnh thổ và tủi nhục đã phải trải nghiệm trong tay các cường quốc Tây Phương và đế quốc Nhật.

Người Việt Nam, trước đây đã từng bị Trung Quốc xâm lăng, nay đang tìm cách bảo vệ những gì họ tin là sự toàn vẹn lãnh thổ của chính mình.
Đối với thường dân trong cả hai quốc gia, tỏ rõ quyết tâm trong cuộc xung đột chỉ là một vấn đề tự hào dân tộc.
Tuy nhiên, nhìn các hành động của Trung Quốc trong vùng Nam Hải như chỉ do các động lực tinh thần quốc gia có lẽ là một sai lầm. Sở hữu chủ giàn khoan HD-981, China National Offshore Oil Company — CNOOC, đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm địa chấn rộng khắp trong khu vực đang tranh chấp chủ quyền và rõ ràng tin chắc sự hiện diện của một trữ lượng dầu và hơi đốt lớn lao trong khu vực. Thông Tấn Xã Xinhua của Trung Quốc cũng đã ghi nhận: “Khu vực Biển Nam Hải được ước tính chứa đựng từ 23 đến 30 tỉ tấn dầu lửa và 16.000 tỉ thước khối hơi đốt thiên nhiên. Hơn nữa, trong tháng 6-2014, Trung Quốc cũng đã loan báo đang bố trí một giàn khoan thứ hai trong vùng Biển Nam Hải đang tranh chấp chủ quyền, lần nầy ngay trong Vịnh Bắc Bộ.
Như một quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang thèm khát các nguồn cung cấp nhiên liệu hoá thạch mới bất cứ ở đâu có thể. Mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc luôn sẵn sàng tậu mãi một phần lớn và ngày một gia tăng dầu và hơi đốt của Phi Châu, Nga, và Trung Đông để thoả mãn nhu cầu năng lượng ngày một gia tăng, nhưng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ luôn mong muốn triển khai và lợi dụng mọi nguồn cung năng lượng quốc nội. Đối với họ, Biển Nam Hải không phải là nguồn cung năng lượng “ngoại quốc hay của nước ngoài,” mà là nguồn cung của chính Trung Quốc, và họ tỏ rõ ý chí sử dụng mọi phương tiện cần thiết để đạt ý muốn.
Vì lẽ các nước khác, kể cả Việt Nam và Philippines, cũng đang tìm cách khai thác các trữ lượng dầu và hơi đốt trong vùng , xung đột với mức độ bạo lực ngày một gia tăng gần như rất khó tránh.
CHIẾN TRANH KHÔNG NGỪNG
Như các vụ xung đột trên đây và nhiều vụ xung đột tương tự đã gợi ý: chiến tranh giành quyền kiểm soát các tài nguyên năng lượng hay phân phối các số thu nhập từ dầu và hơi đốt là một yếu tố quan trọng trong hầu hết các xung đột hay chiến tranh đương đại.
Trong khi chia rẽ sắc tộc và tôn giáo có thể cung cấp mồi lửa chính trị và ý thức hệ cho các cuộc chiến nói trên, chính tiềm năng doanh lợi khổng lồ từ dầu và hơi đốt đang và sẽ duy trì khả năng tranh chấp. Không có những tài nguyên lớn lao như thế, các cuộc chiến có thể rồi ra cũng sẽ tự kết liễu vì thiếu phương tiện tài chánh để mua vũ khí và trả lương cho các lực lượng quân sự. Chừng nào dòng năng lượng còn tiếp tục chảy, các phe tranh chấp vẫn còn có đủ phương tiện và động lực để tiếp tục đối đầu.
Trong một thế giới nhiên liệu hoá thạch, quyền kiểm soát dầu và hơi đốt là thành tố chính yếu của quyền lực quốc gia. Robert Ebel, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược, đã nói với cử toạ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong năm 2002: “Dầu lửa không những cung cấp nhiên liệu cho xe hơi và phi cơ. Dầu lửa còn cung cấp nhiên liệu cho lực lượng quân sự, cho ngân khố quốc gia, và cho chính trị quốc tế. Không chỉ là một món hàng mậu dịch bình thường, dầu lửa còn là một tài nguyên quyết định phúc lợi, an ninh quốc gia, và quyền lực quốc tế, đối với những ai chấp hữu tài nguyên sinh tử nầy, và mọi điều trái ngược đối với những ai thiếu nó.”[6]
Một điều chắc chắn: sự thật đó càng đúng hơn nữa trong thế giới ngày nay, và trong khi các cuộc chiến năng lượng lan tràn, sự thật nầy sẽ còn trở nên hiển nhiên hơn nữa. Một ngày nào đó, sự xuất hiện và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo rất có thể sẽ làm châm ngôn nầy mất dần giá trị. Nhưng trong thế giới của chúng ta hiện nay, nếu bạn thấy có một xung đột mới lộ diện, bạn có thể tìm nguyên do ngay từ năng lượng. Nó phải ở một nơi nào đó trên hành tinh nhiên liệu hoá thạch của chúng ta.


Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
16-9-2014


[1] “Syria is an oil country and has resources, but in the past they were all stolen by the regime,” said Abu Nizar, an anti-government activist. “Now they are being stolen by those who are profiting from the revolution.”
[2] “Many locals in Raqqa accuse ISIS of collaborating with the Syrian regime,” a Kurdish journalist, Sirwan Kajjo, reported in early June. “Locals say that while other rebel groups in Raqqa have been under attack by regime air strikes on a regular basis, ISIS headquarters have not once been attacked.”
[3] By entering into the agreement, EU officials claim, Ukraine will begin “a process of approximating its energy legislation to the EU norms and standards, thus facilitating internal market reforms.”
[4] Sanusi told the New York Times: “A substantial amount of money has gone. I wasn’t just talking about numbers. I showed it was a scam.”
[5] Riek Machar said: “The presence of forces loyal to Salva Kiir in Paloch, to buy more arms to kill our people… is not acceptable to us. We want to take control of the oil field. It’s our oil.”
[6] Robert Ebel of the Center for Strategic and International Studies told a State Department audience in 2002: “Oil fuels more than automobiles and airplanes. Oil fuels military power, national treasuries, and international politics.” Far more than an ordinary trade commodity, “it is a determinant of well being, of national security, and international power for those who possess this vital resource, and the converse for those who do not.”
PreferencesEnglish

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường