Năng lượng và địa kinh tế chính trị

Vietsciences- Nguyễn Trường                    15/10/2009

 

Những bài cùng tác giả

Tháng 9- 2008, giá dầu lên trên 110 USD một barrel, xăng trên 3,50 đô la một gallon, Diesel trên 4 USD một gallon... Các nhà vận tải độc lập bị loại khỏi ngành vận tải; giá dầu sưởi ấm vọt cao; giá nhiên liệu phản lực gia tăng đến độ ba hãng hàng không giá thấp phải ngưng hoạt động. Những tin tức về năng lượng lúc đó báo hiệu một thay đổi sâu rộng trong đời sống người dân trên khắp thế giới.

Xu hướng nầy chắc chắn sẽ ngày một rõ nét hơn khi số cung năng lượng ngày một sụt giảm và sự cạnh tranh toàn cầu để kiểm soát nguồn cung cấp và mạng lưới phân phối ngày một gay gắt hơn. Trước kia, năng lượng các loại đã có lúc hết sức dồi dào, nhờ đó, đã giúp kinh tế thế giới liên tục phát triển trong hơn sáu thập kỷ. Hoa Kỳ và các đồng minh thuộc thế giới phát triển ở Âu châu và Á châu đã hưởng lợi nhiều nhất.

Tuy nhiên, gần đây, một nhóm quốc gia thuộc thế giới thứ ba - đặc biệt là Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ - đã nhập cuộc và cùng cạnh tranh tiếp cận kho tàng năng lượng dồi dào vừa nói qua nỗ lực công nghiệp hóa kinh tế và bán sản phẩm các loại trên thị trường quốc tế. Quá trình nầy, vì vậy, đã đưa đến một sự gia tăng vô tiền khoáng hậu trong số dầu tiêu thụ - 47% chỉ trong vòng 20 năm vừa qua theo Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ. Tỉ suất cao tự nó không có gì đáng ngại nếu các xứ sản xuất năng lượng nòng cốt trên thế giới có thể sản xuất đủ để thỏa mãn số cầu nhiên liệu gia tăng.

Trong thực tế, chúng ta đang đối diện với một trạng huống đáng âu lo: tỉ suất gia tăng trong số cung toàn cầu chậm hẳn lại trong khi số cầu toàn cầu gia tăng ngày một nhanh hơn. Tác động cộng hưởng của các yếu tố - cầu gia tăng, sự trỗi dậy của các quốc gia tân kỹ nghệ hóa với nhu cầu năng lượng lớn lao, và đà suy giảm ngày một rõ rệt trong tỉ suất gia tăng trong số cung năng lượng toàn cầu - đã đẩy thế giới dồi dào năng lượng vào quá khứ và thay vào đó một trật tự thế giới mới. Nét đặc trưng của trật tự thế giới mới nầy là số cung năng lượng hóa thạch đang tiến dần đến đỉnh điểm để rồi tiệm giảm, cũng như một sự chuyển dịch quyền lực và phú cường từ các quốc gia thiếu tài nguyên năng lượng như Hoa Kỳ, Nhật, và TQ đền các xứ giàu năng lượng như Nga, Saudi Arabia, Venezuela. Trong quá trình chuyển dịch, đời sống của mọi người sẽ bị ảnh hưởng - với giới tiêu thụ nghèo và trung lưu trong các xứ thiếu năng lượng chịu nhiều hậu quả tai hại nhất.

CẠNH TRANH GAY GẮT GIỮA CÁC CƯỜNG QUỐC KỸ NGHỆ CŨ VÀ MỚI

Cho đến một ngày gần đây, các cường quốc kỹ nghệ trưởng thành ở Âu châu, Á châu, và Bắc Mỹ tiêu thụ phần lớn năng lượng và chỉ dành phần thặng dư cho thế giới đang phát triển. Năm 1990, các thành viên Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (Organization of Economic Cooperation and Development - OECD) - câu lạc bộ các quốc gia phú cường nhất thế giới - tiêu thụ khoảng 57% năng lượng thế giới; Khối Xô Viết-Warsaw 14%; và thế giới đang phát triển phần còn lại - 29%.

Nhưng tỉ lệ nầy đang thay đổi. Với tỉ suất phát triển kinh tế nhanh gần đây, các xứ đang phát triển ngày nay tiêu thụ một bách phân ngày một lớn hơn trong số cung năng lượng toàn cầu. Năm 2010, con số nầy được dự phóng lên tới 40%, và có thể tới 47% năm 2030.

TQ giữ vai trò hết sức quan trọng. Chỉ riêng TQ được dự phóng tiêu thụ 17% tổng số cung năng lượng thế giới vào năm 2015, và 20% năm 2025. Nếu đà nầy tiếp tục, vào thời điểm 2025, TQ sẽ vượt qua Hoa Kỳ như quốc gia tiêu thụ năng lượng số một thế giới.

Năm 2004, Ấn Độ sử dụng 3,4% năng lượng toàn cầu, và tỉ suất dự phóng sẽ lên đến 4,4% vào năm 2025, trong khi số tiêu thụ trong các xứ kỹ nghệ hóa nhanh chóng khác như Brazil, Indonesia, Malaysia, Thailand, và Turkey cũng tiếp tục gia tăng. Các xứ kỹ nghệ hóa đang lên nầy sẽ phải cạnh tranh với các cường quốc kinh tế để tiếp cận những nguồn năng lượng hiện chưa được khai thác - phần lớn đã nằm trong tay các công ty năng lượng Tây phương như Exxon Mobil, Chevron, BP, Total của Pháp, và Royal Dutch Shell.

Trong thế kẹt, các xứ nầy đã tìm được chiến lược hữu hiệu để cạnh tranh với các đại công ty Tây phương: thành lập các công ty quốc doanh và quan hệ đồng minh chiến lược với các công ty dầu quốc gia hiện đang giữ quyền kiểm soát các trữ lượng dầu và hơi đốt thiên nhiên trong các quốc gia giàu năng lượng.

Chẳng hạn, công ty Sinopec của TQ đã thiết lập quan hệ đồng minh chiến lược với công ty khổng lồ Saudi Aramco - trước đây thuộc quyền sở hữu của Chevron và Exxon Mobil - đã được quốc hữu hóa, để tìm kiếm hơi đốt thiên nhiên ở Saudi Arabia và phân phối dầu thô Saudi Arabia ở TQ. Trong cùng chiều hướng, Công Ty Dầu Khí Quốc Gia TQ (China National Petroleum Corporation - CNPC) đã cộng tác với Gazprom, công ty quốc doanh độc quyền về hơi đốt thiên nhiên Liên Bang Nga, trong việc xây tuyến ống dẫn và phân phối hơi đốt Nga ở TQ. Một số các công ty quốc doanh, kể cả CNPC và Công Ty Dầu Khí Ấn Độ, hiện đang hợp tác với công ty Petroleos de Venezuela S.A. trong việc triển khai dầu nặng trong vùng Orinoco trước đây do Chevron kiểm soát.

Trong thời kỳ cạnh tranh năng lượng hiện nay, lợi thế trước đây của các đại công ty Tây phương đang bị xói mòn bởi nhiều công ty quốc doanh đang lên từ phần thế giới đang phát triển.

SỐ CUNG NĂNG LƯỢNG CƠ BẢN BẤT CẬP

Trong khi số cầu thế giới ngày một gia tăng nhanh, tỉ suất tăng trưởng của kỹ nghệ năng lượng toàn cầu ngày một suy giảm.

Theo nhiều dự phóng, số cung dầu lửa toàn cầu sẽ còn gia tăng ít ra trong 5 năm tới trước khi đạt đỉnh điểm; hơi đốt thiên nhiên, và uranium có lẽ còn gia tăng trong một hay hai thập kỷ trước khi lên mức tối đa và bắt đầu tiệm giảm. Về lâu về dài, tổng số cung nhiên liệu toàn cầu sẽ khó bắt kịp số cầu gia tăng. Riêng đối với dầu lửa, theo Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, số cầu toàn cầu dự phóng sẽ lên tới 117,6 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2030, so với số cung may lắm cũng chỉ lên tới 117,7 triệu thùng, kể cả số dầu chắt lọc từ hơi đốt thiên nhiên và từ cát sạn Canada.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia năng lượng, con số cung dự phóng quá xa thực tế. Christophe de Margerie, CEO của Total, đã tuyên bố trước hội nghị dầu khí ở Luân Đôn tháng 10-2007: "Theo tôi, một trăm triệu thùng là con số hết sức lạc quan. Đây không phải ý kiến của riêng tôi; đây chính là ý kiến của kỹ nghệ dầu, hay của những người thích nói rõ ràng, thực lòng, và không phải chỉ nói để làm vừa lòng mọi người"[1] .

Thực vậy, Phúc Trình Thị Trường Dầu lửa Trung Hạn của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế ( International Energy Agency), trực thuộc OECD, xuất bản 7-2007, đã kết luận: sản lượng dầu lửa toàn cầu rất có thể đạt 96 triệu thùng/ngày năm 2012, nhưng khó thể vượt quá con số nầy vì lẽ những khám phá mới rất hiếm hoi, sự phát triển trong tương lai, do đó, khó thể được hiện thực.

Các tin báo chí hàng đầu trong các trang thương mãi hàng ngày cho thấy một tập hợp các xu hướng xung đột: số cầu toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng khi hàng trăm triệu người tiêu thụ giàu có đang lên ở TQ và Ấn Độ tranh đua mua xe hơi; những khu dầu lớn như Ghawar ở Saudi Arabia và Canterell ở Mexico nay đang sắp cạn kiệt dần; và nhịp khám phá các khu dầu mới mỗi năm một ít đi. Vì vậy, thiếu hụt năng lượng toàn cầu và giá cao sẽ là một viễn tượng không thể tránh.

NĂNG LƯỢNG THAY THẾ PHÁT TRIỂN CHẬM

Từ lâu các nhà làm chính sách đã nhận thức rõ các nguồn năng lượng thay thế là tối cần thiết để bù vào chỗ năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt cũng như để giảm thiểu tác động của hiện tượng khí nhà kiến và biến đổi khí hậu.

Trong thực tế, năng lượng mặt trời và gió đã bám trụ đáng kể trong vài nơi trên thế giới. Một số các giải pháp năng lượng mang tính sáng tạo cũng đã được khai triển và thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm các đại học và các công ty. Nhưng những năng lượng thay thế nầy hiện chỉ đóng góp một bách phân rất nhỏ bé trong số cung toàn cầu, và được khai triển không đủ nhanh để giúp tránh tai họa năng lượng toàn cầu đang rình rập.

Theo Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, những năng lượng có thể tái tạo, như gió, mặt trời , nước ...chỉ đóng góp 7,4% tổng số cung toàn cầu năm 2004; năng lượng sinh học 0,3%. Trong lúc đó, năng lượng hóa thạch chiếm 86%, năng lượng nguyên tử 6%. Căn cứ trên tỉ suất phát triển và đầu tư hiện nay, Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ đã đưa ra dự phóng không mấy lạc quan: Năm 2030, bách phân năng lượng hóa thạch vẫn ở mức 86% như năm 2004; các năng lượng có thể tái tạo cũng chỉ gia tăng không đáng kể - lên 8,1%.

Về hiện tượng hâm nóng toàn cầu, tác động của năng lượng hóa thạch thật sự mang tính tai họa: Tình trạng lệ thuộc ngày một lớn vào than đá (nhất là TQ, Ấn Độ, và Hoa Kỳ) có nghĩa: lượng carbon dioxide dự phóng sẽ tăng 59% trong vòng 25 năm tới, từ 26,9 tỉ tấn lên tới 42,9 tỉ tấn. Điều nầy có nghĩa nếu các con số dự phóng chính xác, nhân loại chẳng còn mấy hy vọng tránh được những tác động tai hại nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Về số cung năng lượng toàn cầu, tác động cũng không kém phần trầm trọng. Muốn đáp ứng số cầu năng lượng, chúng ta sẽ cần đến rất nhiều năng lượng thay thế, nghĩa là những số đầu tư kếch sù - hàng ngàn ngàn tỉ đô la - để bảo đảm sự khả dĩ chuyển dịch các năng lượng thay thế mới nhất từ phòng thí nghiệm đến sản xuất thương mãi đại trà.

Nhưng đó không phải những gì đang xẩy ra. Trong thực tế, các đại công ty dầu, được chính quyền Hoa Kỳ dành nhiều trợ cấp và đặc lợi thuế khóa, đã dồn số lợi nhuận khổng lồ kiếm được do giá năng lượng tăng vọt vào các chương trình phương hại cho môi trường, nhằm khai thác dầu và hơi đốt từ Alaska và vùng cực Bắc, hay vùng biển sâu trong Vịnh Mexico và Đại Tây Dương. Kết quả là chỉ tìm được rất ít dầu và hơi đốt trong khi các nguồn năng lượng thay thế bị bỏ quên.

TÀI NGUYÊN NĂNG LƯỢNG, QUYỀN LỰC, VÀ PHÚ CƯỜNG

Chỉ một số ít - chừng 12 quốc gia - dồi dào năng lượng hóa thạch, không những đủ thỏa mãn nhu cầu quốc nội mà còn thặng dư để xuất khẩu. Các quốc gia nầy đã tích lũy được một số petrodollars khổng lồ cũng như giành được nhiều nhượng bộ quân sự, chính trị từ các xứ lệ thuộc vào nguồn cung dầu khí.

Trong địa hạt dầu và hơi đốt, số quốc gia với tài nguyên thặng dư có thể đếm trên đầu ngón tay. Sau đây là mười quốc gia hàng đầu - kiểm soát 82,2% trữ lượng đã được xác định toàn cầu - theo thứ tự quan trọng: Saudi Arabia, Iran, Iraq, Kuwait, United Arab Emirates, Venezuela, Nga, Libya, Kazakhstan, và Nigeria. Số quốc gia nhiều hơi đốt thiên nhiên còn ít hơn. Riêng ba xứ - Nga, Iran, và Qatar - đã chiếm 55,8%.

Tất cả các xứ nầy đã giữ một vị trí ưu đãi , khả dĩ thủ lợi khi giá năng lượng toàn cầu tăng cao, và đạt được nhiều nhượng bộ chính trị quan trọng từ các xứ khách hàng.

Riêng sự kiện chuyển dịch tài sản cũng đã đáng kinh ngạc. Các xứ xuất khẩu năng lượng đã thu được 970 tỉ USD từ các xứ nhập khẩu trong năm 2006, và còn cao hơn nhiều trong năm 2007.

Phần lớn số đô la, yen, và euros nầy đã được ký thác trong các quỹ tài sản tối thượng (sovereign-wealth funds - SWFs), những tài khoản đầu tư khổng lồ sẵn sàng tạo mãi các tích sản giá trị trên khắp thế giới. Trong những tháng gần đây, các Quỹ SWFs vùng Vịnh Ba Tư đã lợi dụng suy thoái tài chánh ở Hoa Kỳ để thủ đắc nhiều khu vực kinh tế chiến lược ở Mỹ. Chẳng hạn, tháng 11-2007, Quỹ Abu Dhabi Investment Authority (ADIA) đã mua 7,5 tỉ tích sản của Citigroup, tâp đoàn ngân hàng lớn nhất của Mỹ; tháng 1-2008, Citigroup đã bán một phần tích sản còn lớn hơn nhiều -12,5 tỉ - cho Kuwait Investment Authority (KIA) và một số nhà đầu tư Trung Đông khác, kể cả Prince Walid bin Talal của Saudi Arabia.

Các nhà quản lý ADIA và KIA nhấn mạnh, họ không có ý định sử dụng phần tích sản vừa tạo mãi trong Citigroup, các ngân hàng, và các công ty Mỹ khác, để gây ảnh hưởng đối với chính sách kinh tế và ngoại giao của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không ai có thể tưởng tượng một sự chuyển dịch tài chánh cỡ đó, và còn có thể lớn dần trong những thập kỷ sắp tới, sẽ không đem lại cho các quốc gia sở hữu chủ một hình thức đòn bẫy chính trị lớn lao.

Chẳng hạn, Liên Bang Nga, trỗi dậy từ đống tro tàn Liên Bang Xô Viết, đã trở thành siêu cường năng lượng đầu tiên của thế giới, thế đòn bẩy do sự kiện chuyển dịch tài sản đã quá rõ ràng. Hiện nay, Liên Bang Nga hiển nhiên là xứ cung cấp hơi đốt thiên nhiên số một trên toàn hành tinh, số hai về dầu hỏa , và một nguồn cung cấp than đá và uranium khổng lồ. Mặc dù phần lớn đã được tư hữu hóa trong một giai đoạn ngắn dưới thời Boris Yeltsin, ngày nay các tích sản nầy cũng đã được tái quốc hữu hóa dưới thời Vladimir Putin giữ chức vụ Tổng Thống.

Putin cũng đã sử dụng những tích sản vừa nói trong các cuộc vận động chính trị - mua chuộc, cưỡng ép các Cộng Hòa Xô Viết trước đây hiện đang lệ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga. Liên Hiệp Âu Châu, đôi khi tỏ vẻ bất bình trước cách ứng xử của Putin, nhưng vì lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, cũng đã học tự kiềm chế, thay vì phản đối, đã điều chỉnh chính sách để thích ứng với ảnh hưởng đang lên của Liên Bang Nga trong khu vực Eurasia. Chúng ta có thể nói đây là mô hình trật tự thế giới mới dựa trên năng lượng của Nga.

NGUY CƠ XUNG ĐỘT

Lịch sử cho thấy bạo quyền thường theo sau phú cường và quyền lực. Trong khi các quốc gia quyền lực hàng đầu luôn đấu tranh để duy trì địa vị đặc quyền, các xứ đang lên cũng thách thức và tìm cách lật đổ những nước đang làm bá chủ. Liệu tình huống nầy có tái diễn ngày nay?

Liệu các cường quốc thiếu tài nguyên năng lượng sẽ hành động để giành quyền kiểm soát các nguồn cung năng lượng khỏi tay các xứ giàu tài nguyên - cuộc chiến Iraq do George W. Bush phát động có thể được xem như một toan tính như thế - hay để loại sự cạnh tranh của các nước khác trong hàng ngũ các quốc gia thiếu tài nguyên năng lượng?

Đã hẳn, tầm cở tai họa chiến tranh hiện đại đã được nhân loại hiểu rõ, và mọi người đều nhận thức các vấn đề năng lượng tốt nhất nên được giải quyết qua các thỏa hiệp kinh tế hơn là quân sự. Tuy nhiên, các cường quốc thường sử dụng các biện pháp quân sự trong ý đồ giành phần lợi về mình trong cuộc tranh giành năng lượng toàn cầu. Những toan tính nầy là đầu mối mọi leo thang và xung đột.

Phương cách thường gặp là các nước lớn lệ thuộc vào năng lượng nhập khẩu chuyển giao vũ khí và hỗ trợ quân sự cho các nước cung cấp năng lượng chính của mình.

Chẳng hạn, Hoa Kỳ và TQ hiện đang thi đua cung cấp vũ khí và trang bị cho các nước xuất khẩu năng lượng như Angola, Nigeria, và Sudan ở Phi châu, Azerbaijan, Kazakhstan, và Kyrgyzstan ở vùng biển Caspian.

Hoa kỳ đang đặc biệt lưu tâm đến việc đối phó với bạo loạn trong vùng đồng bằng Niger, nơi sản xuất dầu chính yếu của Nigeria. Bắc Kinh viện trợ vũ khí cho Sudan đang bị đe dọa bởi phiến quân - nơi TQ đang khai thác dầu ở miền Nam Sudan và Dafur.

Liên Bang Nga sử dụng việc chuyển giao vũ khí như phương tiện gây ảnh hưởng ở các vùng sản xuất dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên quan trọng trong vùng biển Caspian và Vịnh Ba Tư. Mục tiêu không phải giành dầu, mà nhằm kiểm soát hệ thống phân phối năng lượng đến các xứ khác. Moscow đặc biệt muốn nắm độc quyền vận chuyển hơi đốt từ Trung Á đến Âu châu, sử dụng mạng lưới ống dẫn dầu của Gazprom, cũng như kiểm soát các vùng sản xuất hơi đốt khổng lồ của Iran, để củng cố quyền kiểm soát việc phân phối thương mãi hơi đốt thiên nhiên.

Điều nguy hiểm đã hẳn là những nỗ lực ngày một nhiều nầy sẽ đưa đến các cuộc chạy đua võ trang trong vùng , làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong khu vực cũng như sự can thiệp của các đại cường vào các xung đột địa phương khả dĩ xẩy ra.

Lịch sử cho thấy nhiều trường hợp tính toán sai lầm đã đưa đến chiến tranh vượt khỏi tầm kiểm soát như những năm trước Đệ Nhất Thế Chiến. Trong thực tế, Trung Á và vùng Caspian ngày nay, với những xáo trộn chủng tộc và các tranh chấp giữa các đại cường, không mấy khác với vùng Balkans trong những năm trước Đệ Nhất Thế Chiến.

Ngày nay, thế giới đang bị chi phối ngày một nhiều hơn bởi năng lượng, giá năng lượng tác động đến đời sống của mọi người, và quyền lực nằm trong tay những ai kiểm soát hệ thống năng lượng. Trong trật tự thế giới mới, năng lượng sẽ chi phối mọi phương diện đời sống hàng ngày của nhân loại. Năng lượng sẽ quyết định việc di chuyển, sưởi ấm, điều hòa không khí, du lịch, thực phẩm chúng ta ăn, nơi chúng ta ở , chiến tranh và ḥòa bình...

Tóm lại, nhiệm vụ cấp bách nhất của giới lãnh đạo các quốc gia, đặc biệt là các siêu cường và đại cường, là tìm cách tốt nhất để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ hệ thống năng lượng hóa thạch phương hại đến môi trường qua hệ thống cơ sở trên các năng lượng thay thế và tái tạo ít gây thay đổi khí hậu.

© GS Nguyễn Trường

Irvine, California, USA

12-10-2009

 

===

[1] One hundred million barrels is now in my view an optomistic case. It is not my view; it is the industry view, or the view of those who like to speak clearly, honestly, and [are] not just trying to please people.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Trường