Nguy cơ Đại Khủng Hoảng

Vietsciences- Nguyễn Trường            14/07/2010
 

Những bài cùng tác giả

LỐI SỐNG TÂY PHƯƠNG: CHI TIÊU TRƯỚC TRẢ NỢ SAU

Sức lôi cuốn của "lối sống hoang phí trên khả năng" cũng mạnh mẽ không kém rượu và "nicotine". Khi kinh tế đang lên, giới tiêu thụ trong các xứ Tây phương thường vay nợ để chạy theo lối sống vật chất (đua đòi và tiêu xài hoang phí), các công ty để bành trướng hoạt động, giới đầu tư để kiếm nhiều lợi nhuận. Chừng nào kinh tế còn thịnh vượng,  lời nhận xét của Micawber còn nổi tiếng, mặc dù có vẽ nghịch lý: "khi số chi tiêu hàng năm vượt quá lợi tức, kết quả là hạnh phúc, không phải là khổ đau"[1].

Đã từ lâu, nợ trong thế giới giàu đã gia tăng nhanh hơn lợi tức. Không phải chỉ khiếm hụt ngân sách của nhà nước đã gia tăng. Ở Hoa Kỳ, nợ trong khu vực tư cũng đã tăng mạnh, từ khoảng 50% GDP năm 1950 lên gần 300% gần đây.

Nguồn gốc của thói quen vay mượn cũng đã bắt đầu từ xa xưa, phản ảnh những đổi thay trong xã hội và nhân sinh quan. Trong thế kỷ 19, các con nợ phá sản phải vào tù. Thế hệ trải nghiệm Đại Khủng Hoảng 1929-33 học được bài học sống đạm bạc và tiết kiệm. Nhưng sự phổ biến các thẻ tín dụng trong thập kỷ 1960s đã đưa đến một xã hội "mua ngay bây giờ sau nầy sẽ trả"[2]. Vỡ nợ đã trở thành một  cách sống lựa chọn. Người cho vay tham lam và thiếu thận trọng bị lên án và gánh chịu trách nhiệm nhiều hơn là người vay bất cẩn và sống hoang phí.

Khi người tiêu thụ sử dụng nguyên tắc đòn bẫy, các công ty cũng hùa theo. Giá trị trung bình các loại trái phiếu đã sụt giảm từ A năm 1981 xuống BBB- hiện nay, chỉ một nấc trên mức vô giá trị. Các xí nghiệp giữ tiền mặt trong đối chiếu biểu bị khinh thường như thiếu sáng kiến kinh doanh, trong khi luật phá sản, như Chapter 11 ở Mỹ, không cho phép các trái chủ tịch biên các công ty không trả được nợ. Chế độ khoan dung nầy đã khuyến khích các doanh nhân cũng như quá nhiều công ty dở sống dở chết. Không có ngành kỹ nghệ nào ghiền tác dụng đòn bẫy hơn kỹ nghệ tài chánh. Các ngân hàng có đối chiếu biểu với vốn sở hữu ngày một thấp, các công ty tích sản tư hữu (private equity firms) và hedge funds, cho vay và vay nợ liều lĩnh, đã sản xuất ra nhiều tỉ phú. Con đường làm giàu khá đơn giản: mua các tích sản với tiền vay mượn, rồi cứ ngồi đợi giá gia tăng.

Tất cả những xảo thuật đó đã được nhà cầm quyền khuyến khích. Mỗi khi khủng hoảng và nợ nần đe dọa kinh tế, các ngân hàng trung ương sẵn sàng cắt giảm lãi suất. Viễn tượng được cứu nguy đã giúp giảm thiểu bất trắc và làm yên lòng  giới vay nợ. Bong bóng xuất hiện, trước hết dưới hình thức tích sản tư hữu, rồi đến nhà ở  và bất động sản. Tình trạng leo thang tín dụng, theo đó mỗi chu kỳ kết thúc với số nợ cao hơn và lãi suất thấp hơn, ngày một dồn dập. Trò chơi cuối đã diễn ra trong các năm 2007-08 khi giới đầu tư hiểu ra phần lớn số nợ  khó thể thu hồi. Khi tín dụng co rút và thắt chặt gây khan hiếm thanh khoản, ngân hàng trung ương đã phải cắt lãi suất ngắn hạn xuống 1% hay thấp hơn.

GIỜ TÍNH Sổ ĐÃ ĐIỂM

Các xứ trong thế giới giàu nay đối diện với hai loại vấn đề. Vấn đề cấp thiết nhất là làm sao trả nợ. Nhiều người đã cắt giảm các khoản chi tiêu dùng thẻ tín dụng, và nhiều xí nghiệp đã thấy số tín dụng dành cho mình bị cắt xén, bắt đầu hoảng sợ khi nhìn  chung thấy gánh nặng của thế giới giàu đã không mấy suy giảm. Phần lớn số nợ chỉ di chuyển từ khu vực tư qua khu vực công, khi chính quyền can thiệp để hỗ trợ các ngân hàng và ngăn ngừa kinh tế rơi vào khủng hoảng. Và trong tương lai, vấn đề là sẽ phải gầy vốn nhiều hơn, bởi lẽ chính quyền đã cam kết hoặc hứa hẹn quá nhiều về tiền hưu và bảo hiểm y tế cho thế hệ baby-boom sắp hưu trí.

Tất cả số nợ nầy sẽ phải liên tục tái tài trợ và tái tục. Khủng hoảng lòng tin rất dễ xẩy ra vì đà tăng trưởng quá chậm của thế giới giàu ; do đó, khả năng trả lãi của các con nợ cũng phải giảm theo. Tệ hơn nữa, phần lớn nợ tư nhân đều dựa trên tích sản thế chấp; trong khi giá trị các trái khoản luôn cố định , giá trị các tích sản lại có thể sụt giảm. Điều nầy đưa đến vòng lẩn quẩn: khi con nợ bị buộc phải bán tích sản, giá tích sản càng bị đẩy xuống thấp hơn.

Vay thêm nợ không còn là giải pháp có thể lựa chọn. Viễn ảnh thêm tồi tệ đối với cả con nợ lẫn chủ nợ. Hầu hết chính quyền các nước đều đối diện với lối đi dây nguy hiểm: ổn định thị trường và duy trì tỉ suất phát triển. Chính phủ mới ở Anh quốc đã nhận chức vào đầu tháng 6-2010 với một ngân sách kiệm ước khẩn cấp: cắt giảm chi tiêu công từ 47% GDP trong tài khóa 2009-10 xuống dưới 41%, và nợ công từ 11% GDP xuống 2%. Nhưng sống với ít nợ, chính quyền mới cũng sẽ phải đối đầu với một loại thử thách dài hạn khác: duy trì một tỉ suất phát triển có thể chấp nhận được.

CON ĐƯỜNG CHUỘC TỘI

Một thế giới giàu với ít nợ sẽ rất khác. Các ngân hàng đang phải đối diện với nhu cầu cần có một tỉ lệ tư bản dự trữ cao hơn và đối chiếu biểu an toàn hơn. Giới tiêu thụ Tây phương, đối diện với thuế cao và tiện ích cắt giảm, sẽ không còn tự do chi tiêu, vì họ sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn khi đang đối diện với tuổi sống hưu trí dài lâu. Một lần nữa, nhà là nơi để ở, không còn là phương tiện để đầu cơ. Một vài mô hình kinh doanh, nhất là tích sản tư hữu, khó lòng phát triển. Đời sống sẽ khó khăn hơn đối với giới doanh nhân: hơn phân nữa các xí nghiệp mới đều lệ thuộc vào tín dụng hay vay mượn để tài trợ đầu tư.

Đối với các nhà làm chính sách, thứ tự ưu tiên thật rõ ràng.

Trước hết, họ phải chú tâm vào mục tiêu tăng trưởng. Hoa Kỳ, với dân số tương đối trẻ và gia tăng, mục tiêu nầy tương đối dễ theo đuổi. Lục địa Âu châu, ngược lại, có nguy cơ gặp phải nhiều khó khăn, không mấy khác Nhật Bản trước đây đã phải mất hai thập kỷ vật lộn với mục tiêu tăng trưởng trong khi đối diện với gánh nặng nợ nần và một dân số già cỗi. Thế hệ trẻ Âu châu, nhiều khả năng và thông minh, có thể tìm tới những xứ  ít gánh nặng tài chánh; và nếu kinh tế trì trệ, những thành phần không muốn ra nước ngoài rất có thể phải quyết định hoặc chịu vỡ nợ, hoặc cắt giảm các dịch vụ an sinh cho người già. Đối diện với các nguy cơ vừa nói, Âu châu cần chấp nhận các cải cách mang tính cơ cấu, cần thiết để tăng tính mềm dẻo và tăng trưởng kinh tế càng nhanh càng tốt.

Thứ đến, các nhà làm chính sách cần phải đương đầu với trách nhiệm lâu dài: tái quân bình kinh tế thế giới.

Trong các xứ Tây phương, các thành phần lao động trong lứa tuổi 50 có lý do cần phải tiết kiệm để chuẩn bị hưu trí, thay vì vay thêm nợ tín dụng để chi tiêu. Nhưng nếu nhiều người tiết kiệm, nhiều người khác lại phải vay mượn. Trong hiện tình, thế giới đang phát triển không muốn có quá nhiều khuy khiếm trong chương mục vãng lai; ngay cả thuyết phục TQ bớt tiết kiệm cũng đã là một việc vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, quyền lợi lâu dài của mọi người đòi hỏi phải thay đổi lối sống - và thế hệ trẻ trên thế giới cũng cần giữ vai trò vay mượn. Giúp các xứ giàu thoát khỏi bệnh ghiền vay mượn sẽ gây ra bệnh trầm cảm. Kiệm ước, khắc khổ không bao giờ quyến rũ cử tri, họ luôn có khuynh hướng đổ lỗi cho các chính trị gia và người ngoại quốc. Nhận xét của Micawber có thể đã cần được sửa đổi: khi lợi tức hàng năm lên cao hơn chi tiêu hàng năm, kết quả có thể sẽ khổ đau.

NGUY CƠ ĐẠI KHỦNG HOẢNG

Suy thoái thường thấy; khủng hoảng hiếm khi xảy ra. Theo Paul Krugman, trong lịch sử kinh tế chỉ có hai thời kỳ được nhiều kinh tế gia mô tả như khủng hoảng: những năm giảm phát và bất ổn tiếp theo sau Hoảng Loạn (Panic) năm 1873 và những năm thất nghiệp hàng loạt tiếp theo sau khủng hoảng tài chánh 1929-31.

Trong cuộc khủng hoảng dài lâu vào thế kỷ 19 cũng như cuộc đại khủng hoảng trong thế kỷ 20, kinh tế không phải luôn suy sụp. Thực vậy, cả hai đã diễn tiến liên tục  qua nhiều năm tháng khi suy sụp khi tăng trưởng. Nhưng tăng trưởng dương đã không đủ mạnh để hoàn toàn ra khỏi suy thoái ban đầu nên rồi lại phải rơi vào suy thoái.

Hiện nay, e rằng chúng ta đang ở trong những chặng đầu của  cuộc khủng hoảng thứ ba và hy vọng là cuộc khủng hoảng duy nhất trong thế kỷ 21. Cuộc khủng hoảng đang diễn tiến có nhiều nét tương đồng với cuộc khủng hoảng dài lâu trong thế kỷ 19 hơn là với cuộc đại khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, cái giá phải trả đối với kinh tế thế giới và, nhất là đối với hàng triệu người phải mất việc, vẫn vô cùng lớn lao đau đớn.

Lý do chính yếu đưa đến cuộc khủng hoảng thứ ba hiện nay là sự thất bại trong chính sách. Khắp nơi trên thế giới, nhất là tại hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 6 vừa qua ở Toronto, Canada, cấp lãnh đạo các nước - đang bị ám ảnh bởi viễn ảnh lạm phát, trong khi giảm phát mới là đe dọa thực sự - luôn thuyết giảng sự cần thiết phải thắt lưng buộc bụng, quên rằng vấn đề thực sự chính là suy giảm trong tổng chi tiêu hay giảm chi.

Trong hai năm 2008 và 2009, nhiều dấu hiệu cho thấy cấp lãnh đạo các quốc gia trên thế giới hình như đã học được bài học lịch sử. Khác với các thế hệ tiền nhiệm thường nâng lãi suất khi đối diện với khủng hoảng tài chánh, các cấp lãnh đạo hiện nay của Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã cắt giảm lãi suất và có nhiều biện pháp h trợ các thị trường tín dụng. Khác với nhà cầm quyền trong quá khứ luôn tìm cách thăng bằng ngân sách khi kinh tế suy thoái, các chính quyền ngày nay đã chấp nhận gia tăng khuy khiếm ngân sách để tài trợ phát triển (deficit financing). Các chính sách thích ứng vừa kể đã giúp kinh tế thế giới tránh được sụp đổ hoàn toàn: cuộc suy thoái do khủng hoảng tài chánh gây ra  lẽ ra đã phải chấm dứt vào mùa hè vừa qua.

Tuy nhiên, các sử gia tương lai sẽ cho chúng ta biết cuộc khủng hoảng thứ ba chưa chấm dứt, cũng như một vài dấu hiệu kinh tế đang đi lên bắt đầu từ năm 1933 đã không có nghĩa cuộc Đại Khủng Hoảng đã chấm dứt. Xét cho cùng, thất nghiệp - nhất là thất nghiệp dài hạn - vẫn ở mức đã được xem như tai họa trước đây không lâu, vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm đáng kể. Và cả Hoa Kỳ lẫn Âu châu đang trên đường rơi vào giảm phát kiểu Nhật.

Trước viễn ảnh đen tối đó, nhiều người đã có thể chờ đợi các nhà làm chính sách phải hiểu rõ họ chưa làm đủ để đem lại hồi phục. Ngược lại, trong nhiều tháng vừa  qua,  nhiều dấu hiệu tín dụng đã bị thắt chặt, và lý thuyết cổ điển - ngân sách phải luôn cân bằng - đã trỗi dậy một cách đáng ngại.

Về mặt lý thuyết, sự hồi sinh của  chủ thuyết xa xưa đã biểu thị rõ nét ở Âu châu, nơi các cấp lãnh đạo hình như đang lặp lại các diễn văn của Herbert Hoover, kể cả chủ trương tăng thuế và giảm chi, vì tin các biện pháp nầy thực ra có thể giúp kinh tế bành trướng, qua tác động tâm lý làm tăng lòng tin của giới doanh thương.

Trong thực tế, Hoa Kỳ cũng chẳng mấy khá hơn. Cục Dự Trữ Liên Bang hình như đã ý thức được hiểm họa giảm phát - nhưng chẳng có hành động gì để ngăn ngừa. Chính quyền Obama hiểu rõ những tai hại của chính sách kiệm ước quá sớm sủa. Thêm vào đó, phe Cộng Hòa và một số dân biểu nghị sĩ Dân Chủ có khuynh hướng bảo thủ trong Quốc Hội không cho phép viện trợ thêm cho chính quyền các tiểu bang; vì vậy, chính sách thắt lưng buộc bụng đang thắng thế, dưới hình thức cắt xén một số chương trình hay giảm chi ở cấp tiểu bang và địa phương.

Tại sao có sự thay đổi chính sách theo chiều hướng vừa nói?  Các phần tử bảo thủ thiển cận thường đơn cử những khó khăn đang đối diện Hy Lạp và một số quốc gia Âu châu để biện minh cho hành động của mình. Quả thực, giới đầu tư vào trái khoán (bond investors) đã chỉ trích chính quyền đã để ngân sách khuy khiếm dai dẳng. Nhưng không có bằng chứng các biện pháp kiệm ước ngắn hạn trước một nền kinh tế đang suy thoái có thể trấn an giới đầu tư. Ngược lại: Hy Lạp đã chịu thắt lưng buộc bụng, chỉ để thấy khó khăn gia tăng và ngày một tràn lan; Ireland đã cắt xén công chi khá nhiều, nhưng thị trường đã phản ứng xem Ireland như một xứ còn tệ hại hơn cả Spain, một nước vẫn đề kháng các biện pháp kiệm ước bảo thủ cổ điển.

Cuối cùng, hình như thị trường tài chánh hiểu rõ những gì các nhà làm chính sách không chịu hiểu: đã hẳn, trong trường kỳ quân bình ngân sách và trách nhiệm tài chánh là quan trọng, giảm chi - khi kinh tế đang suy thoái nặng nề, chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng và dọn đường cho giảm phát - trong thực tế, tự nó sẽ đưa đến thất bại.

Đây  không phải chỉ đối với Hy Lạp, hay với bất cứ sự trao đổi thực tiển nào giữa khuy khiếm ngân sách và công ăn việc làm. Thực vậy, đây chỉ là sự đắc thắng của phái chính thống và bảo thủ, không dính dáng gì đến phân tích duy lý: nguyên tắc của phe nầy là áp đặt kiệm ước và đau khổ lên người khác là cách họ chứng tỏ khả năng lãnh đạo trong thời buổi khó khăn.

Nhưng ai sẽ phải trả giá cho sự chiến thắng của phái chính thống? Câu trả lời đã khá rõ ràng: hàng chục triệu công nhân thất nghiệp, đa số sẽ không có công ăn việc làm trong nhiều năm, và một số khác sẽ không bao giờ có cơ hội làm việc trở lại.

CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG HOA KỲ: ĐIỀU CẦN LÀM

Năm 2002, khi nhận trách nhiệm Chủ Tịch Cục Dự Trữ Liên Bang, giáo sư Ben Benanke, đã nói chuyện về đề tài: "Giảm Phát: 'Điều' Phải Cầm Chắc Sẽ Không Xảy Ra Ở Đây"[3]. Cũng như nhiều kinh tế gia khác, Benanke rất lấy làm bực tức trước nạn giảm phát dai dẳng, như vô phương cứu chữa ở Nhật, "kèm theo nhiều năm tăng trưởng chậm chạp, thất nghiệp gia tăng, và nhiều khó khăn tài chánh khó giải quyết"[4]. Tình trạng nầy lẽ ra không thể để xẩy ra trong một quốc gia tiền tiến với nhiều nhà làm chính sách uyên thâm và đầy kinh nghiệm.

Vậy liệu giảm phát có sẽ xẩy ra cho Hoa Kỳ?

Không phải lo xa, Bernanke trả lời: Cục Dự Trữ Liên Bang có đủ dụng cụ cần thiết giúp nước Mỹ tránh né "hội chứng Nhật", và sẽ sử dụng các dụng cụ nầy, khi cần.

Ngày nay, Bernanke là chủ tịch Cục Dự Trữ - và bài nói chuyện năm 2002 còn vang vọng như những "danh ngôn" cuối cùng của chính ông. Trong thực tế, Hoa kỳ chưa hẳn đã rơi vào giảm phát. Tuy nhiên, lạm phát thấp hơn mức Cục Dự Trữ ước muốn, 1,7 đến 2%, rất nhiều, và có khuynh hướng giảm liên tục. Trong một chừng mức nào đó, chúng ta có thể dự đoán giảm phát sẽ xẩy ra bất cứ  lúc nào trong năm 2011. Trong giao thời, tỉ suất tăng trưởng quá chậm, thất nghiệp quá cao, và nhiều vấn đề rất khó giải quyết. Và phản ứng của Cục Dự Trữ ra sao? Cục Dự Trữ đang thong dong thảo luận,  xem xét đến lúc nào mới cần làm một cái gì đó để đối phó.

Thực ra, Cục Dự Trữ không phải là cơ quan duy nhất chểnh mảng. Từ lâu, nhiều người đã ngạc nhiên và tức giận khi thấy, trong khi khủng hoảng đang diễn tiến, giới chính trị vẫn không động tĩnh gì. Hai năm trước đây, bất cứ ai tiên đoán tình hình suy thoái hiện giờ (không những thất nghiệp đã ở mức cao tai họa mà hầu hết các dự báo đều kết luận sẽ kéo dài nhiều năm), đều bị gạt bỏ như một người báo động điên cuồng. Ngày nay khi ác mộng đã thành sự thật, ít ra đối với hàng triệu người Mỹ, Hoa Thịnh Đốn hình như vẫn tuyệt đối chẳng bận tâm. Dù cho nhiều hy vọng đã tiêu tan, nhiều xí nghiệp tiểu thương bị vỡ nợ, đời sống của nhiều người từ lâu đã vất vưỡng, giới chính trị vẫn bình thản và chỉ âu lo hậu quả tai hại của khiếm hụt ngân sách.

Người ta có thể còn nuôi hy vọng Cục Dự Trữ sẽ nghĩ khác. Một mặt, không giống chính quyền Obama, Cục Dự Trữ còn nhiều tự do hành động, không cần đến 60 phiếu trong Thượng Viện, các giới hạn ngoại vi trong chính sách của Cục Dự Trữ không do quan điểm của các nghị sĩ từ Nebraska và Maine áp đặt. Ngoài ra, Cục Dự Trữ, trên bình diện trí thức, cũng được quan niệm luôn sẵn sàng đối phó với khủng hoảng. Bernanke trong nhiều năm đã đủ thời gian suy nghĩ phương cách tránh né khủng hoảng kinh tế  kiểu Nhật, và các bộ óc nghiên cứu của Cục Dự Trữ  trong nhiều năm cũng luôn ám ảnh bởi cùng một vấn đề.

Nhưng giờ đây, kinh tế rõ ràng đang trên đường rơi vào giảm phát, và Cục Dự Trữ vẫn đứng yên bất động.

Liệu Cục Dự Trữ phải làm gì? Chính sách tiền tệ quy ước - theo đó Cục Dự Trữ có thể giảm lãi suất ngắn hạn bằng cách mua vào các công khố phiếu ngắn hạn (hay nợ ngắn hạn của chính phủ Hoa Kỳ) - đã đi đến giới hạn cuối cùng: lãi suất ngắn hạn đã xuống thấp gần số không, và không còn có thể thấp hơn nữa. Giới đầu tư không bao giờ mua trái phiếu với lãi suất âm vì họ luôn có thể giữ tiền mặt.

Nhưng thông điệp 2002 của Bernanke còn nói đến nhiều biện pháp khác Cục Dự Trữ có thể sử dụng. Cục có thể mua công khố phiếu dài hạn, cũng như trái phiếu của khu vực tư. Cục còn có thể gieo hy vọng bằng cách loan báo sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức thấp nhất trong một thời gian dài. Cục cũng có thể nâng cao mức trần lạm phát dài hạn, giúp thuyết phục khu vực tư vay mượn vẫn có lợi và giữ tiền mặt là một sai lầm.

Không ai biết chắc hành động nào trong số vừa kể sẽ hữu hiệu. Tuy nhiên, điều quan trọng là có nhiều điều Cục có thể và cần làm, nhưng không làm. Tại sao không?

Nói cho cùng, các quan chức Cục Dự Trữ, cũng như hầu hết các nhà quan sát, đều không mấy lạc quan đối với triển vọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, có lẽ họ đã không đủ bi quan: các vị chủ tịch Cục Dự Trữ - những người chịu trách nhiệm dự phóng tương lai kinh tế mỗi lần họp của ủy ban ấn định lãi suất - đã không dự phóng đủ đúng đắn nguy cơ rơi vào giảm phát. Tuy nhiên, ngay cả dự phóng của họ cũng đã cho thấy thất nghiệp cao và lạm phát thấp hơn mức trần, ít ra cho đến cuối năm 2012.

Như vậy, tại sao không tìm cách làm một cái gì đó để đối phó? Người ta có thấy một cố gắng mang tính giải thích trong bài nói chuyện gần đây của Kevin Warsh, thành viên Hội Đồng Các Thống Đốc, theo đó ông cho biết: "điều" năm 2002  Bernanke nhắc đến có thể phương hại đến "uy tín định chế" của Cục Dự Trữ (the Fed's institutional credibility). Tuy nhiên, làm cách nào củng cố uy tín của Cục Dự Trữ khi Cục đã không hề đối phó với thất nghiệp cao, trong khi Cục luôn không đạt được các mục tiêu lạm phát của chính mình? Uy tín của Ngân Hàng Trung Ương Nhật còn được bao nhiêu sau hơn 15 năm giảm phát?

Dù tình hình hiện nay ra sao, Cục cũng cần gấp rút tái tư duy các thứ tự ưu tiên của mình. "Điều" (giảm phát) năm 2002  Bernanke cảnh cáo phải chận đứng không còn là một giả thiết khả dĩ, mà hiện có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Và Cục Dự Trữ phải làm tất cả những gì có thể để chận đứng.

 

© GS NguyễnTrường                                       

Irvine, California, USA

14-7-2010

 

[1] When annual expenditure exceeded  income, the result was happiness, not misery.

[2] Buy now, pay later.

[3] Deflation: Making Sure It Does't Happen Here.

[4] ..associated with years of painfully slow growth, rising joblessness, and apparently intractable financial problems.

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường