Nguy cơ suy thoái kép: Trách nhiệm và Giải pháp

Vietsciences-Nguyễn Trường              08/09/2011

 

Những bài cùng tác giả 

            

Tuần lễ đầu tháng 8-2011 lẽ ra phải là tuần lễ tốt đẹp cho kinh tế Hoa Kỳ. Cuối cùng cấp lãnh đạo cũng đã chấm dứt cuộc đọ sức vô trách nhiệm bên bờ vực thẳm, tránh được cuộc chiến tài chánh quyết liệt toàn cầu, qua việc nâng cao trần công trái liên bang.

Tuy vậy, thay vì thở phào nhẹ nhỏm, giới đầu tư vẫn rất e ngại âu lo. Thị trường chứng khoán khắp thế giới chao đảo. Ngày đạt được thỏa thuận, 2-8-2011, chỉ số S&P 500 đã sụt giảm lớn nhất trong một năm, và lợi nhuận trái phiếu ngân khố  kỳ hạn 10 năm sụt giảm 2,6%, mức thấp nhất trong 9 tháng, vì các nhà đầu tư lo tìm nơi trú ẩn an toàn cho tư bản.

Không phải chỉ riêng Hoa Kỳ. Khu vực euro cũng hỗn độn không kém, và kỹ nghệ biến chế khắp nơi đều chậm lại. Viễn ảnh kinh tế Hoa Kỳ đã đột nhiên đen tối. Các con số thống kê tái duyệt và một số thống kê mới, khá u ám, đã cho thấy đà hồi phục èo ọp hơn chờ đợi và đã chững lại. Nói rõ hơn, kinh tế dễ dàng rơi trở lại suy thoái, nhất là nếu bị thêm một cú sốc mới  - như Hoa kỳ hiện nay đang đối đầu với liều lượng thắt chặt tài chánh, còn nghiêm trọng hơn với thỏa hiệp giữa Bạch Ốc và Quốc Hội mới đây về trần công trái. Nguy cơ đại suy thoái kép trong năm tới sẽ ở mức rất đáng âu lo, có lẽ trên dưới 50%.

Tiến trình ra khỏi suy thoái bắt nguồn từ đối chiếu biểu của Hoa Kỳ luôn chậm chạp và mong manh. Đã hẳn, nhờ ở sức mạnh của các nền kinh tế đang lên, tai họa của Mỹ không nhất thiết  phải quật ngã kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thái độ thiếu cẩn trọng của thỏa hiệp trần công trái , nhất là không xử lý bất cứ căn nguyên thực sự nào của các vấn đề tài chánh, đặc biệt là các chi phí chiến tranh và duy trì các căn cứ quân sự ở hải ngoại, đã gây rất nhiều âu lo.

Câu hỏi cần đặt ra là liệu các chính trị gia Hoa Kỳ, luôn phân hóa đảng phái và sẵn sàng đùa giỡn với kinh tế quốc gia, có thể được tin cậy để không biến một giai đoạn luôn khó khăn không thể tránh thành một đại khủng hoảng dài lâu?

LÃNH ĐẠO KINH TẾ MẤT PHƯƠNG HƯỚNG

Thử bắt đầu với tình trạng hồi phục.

Ngày 29-7-2011, các cơ quan thống kê Hoa Kỳ công bố các con số thống kê GDP đã được tái duyệt trong mấy năm qua. Tất cả đều chứng tỏ suy thoái 2008 trong thực tế đã nghiêm trọng hơn nhận thức ban đầu, và tiến trình phục hồi sau đó rất yếu ớt. Sản lượng chưa trở lại mức tiền suy thoái và đà phục hồi èo ọp đã tan biến dần.

Sản lượng trong năm rồi chỉ tăng 1,6%, thấp hơn tỉ suất tăng trưởng các kinh tế gia chờ đợi rất nhiều, một tỉ suất trong quá khứ luôn dẫn đến suy thoái. Trong 6 tháng vừa qua, Hoa Kỳ chỉ đạt được một tỉ suất phát triển 0,8% cho cả năm. Ngay cả những nhà quan sát bi quan, trước đây chỉ chờ đợi đà phục hồi của Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu sẽ ở mức thấp sát đáy, cũng đã ngạc nhiên trước một tỉ suất thấp như vậy.

Vài yếu tố ngắn hạn đã giữ một vai trò nào đó. Giá năng lượng tăng vọt đã giảm thiểu ngạch số tiêu thụ. Tai họa động đất, sóng thần, và hạt nhân ở Nhật đã gây xáo trộn trong dây chuyền cung cấp các cơ phận và sản phẩm. Vài kỹ nghệ, nhất là ngành sản xuất xe hơi, đang có dấu hiệu hồi phục. Nhưng kinh tế nói chung hiện quá èo ọp, đến độ đòi hỏi nhiều n lực để có thể vực dậy một tỉ suất tăng trưởng phải chăng.

Nhiều dấu hiệu cho thấy các cú sốc ban đầu có thể đã để lại nhiều dấu ấn bất lợi dài lâu trong tâm lý các xí nghiệp và giới tiêu thụ. Chính vì vậy, các con số mới nhất rất đi bi quan. Chi tiêu của giới tiêu thụ đã sụt giảm trong tháng 6; lòng tin của giới tiêu thụ cũng như đơn đặt hàng của kỹ nghệ biến chế sụt giảm trong tháng 7.

Đã hẳn, trên đây chỉ là những hình ảnh sớm sủa, không đầy đủ, nhưng nguy cơ một suy thoái kép trong năm tới tương đối nhỏ cách đây một tháng hiện đã tăng lên mức đáng lo ngại. Với số tín-dụng-giảm-thuế cơ sở trên lương nhân công (pay-roll-tax credit) và phụ cấp thất nghiệp gia hạn sẽ chấm dứt vào tháng 12 sắp tới, GDP Hoa Kỳ năm tới chắc sẽ sụt giảm khoảng 2%, lớn nhất trong các quốc gia giàu mạnh, đủ để lôi kéo một nền kinh tế suy yếu vào suy thoái.

Thỏa hiệp về công trái, chỉ liên hệ các cắt giảm ngắn hạn mới và khiêm tốn, không trực tiếp ảnh hưởng đến tình trạng nầy. Tuy nhiên, Quốc Hội lẽ ra đã có thể, và cần chặn đứng quỹ đạo có tiềm năng tai họa . Cần duy trì các khoản chi hay đầu tư ngắn hạn, đặc biệt đầu tư vào hạ tầng cơ sở, để đổi lấy các cắt giảm trung hạn số khuy khiếm qua cải cách thuế vụ.

Trong thực tế, Quốc Hội đã hành động hoàn toàn trái ngược, không h trợ kinh tế trong hiện tại và không tìm cách cắt xén đủ trong thập kỷ sắp tới để ổn định công trái hay nợ nần. Mọi quyết định khó khăn đều được trao lại cho một ủy ban - một lối trốn tránh trách nhiệm gây hoang mang tê liệt trong hàng ngũ công nhân và xí nghiệp. Không ai có thể hiểu tình trạng hỗn loạn tài chánh sẽ được giải quyết như thế nào. Thực vậy, hiện nay, các nhà đầu tư khó thể quyết định xây một cơ xưởng mới khi biết trước thuế lâm thời sẽ phải tăng cao, nhưng không có mảy may ý niệm loại thuế nào.

Tệ hại hơn nữa, chính trị độc hại trong mấy tuần qua đã tạo ra nhiều thứ bất trắc. Hiện nay, các thành viên Tea Party đã thành công trong việc sử dụng chiến thuật tránh mặt như một vũ khí chính trị, chiến thuật nầy chắc chắn sẽ được sử dụng khi cần trong tương lai. Từ chối thỏa hiệp tương nhượng, nay đã nhanh chóng trở thành một điều danh dự đối với cả hai đảng, đã làm tê liệt một phần Cơ Quan Quản Trị Hàng Không Liên Bang (Federal Aviation Administration), và trì hoãn nhiều pháp chế mậu dịch. May lắm, các chính trị gia cũng sẽ làm giảm tiến độ tăng trưởng vốn đã ngập ngừng; tệ ra, họ còn có thể sẽ bóp chết đà phục hồi và gây tai hại dài lâu cho guồng máy đem lại thịnh vượng cho thế giới.

CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG KHÔNG ĐỦ CAN ĐẢM CHÍNH TRỊ

Có thể nào tình hình lại phải như thế? Đã hẳn, không nhất thiết. Trong quá trình bầu cử tổng thống năm tới, Barack Obama hay một trong những đối thủ Cộng Hòa có thể  có đủ can đảm nói rõ sự thật về kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng với các chính khách thiếu trách nhiệm hiện nay, định chế duy nhất có đủ thẩm quyền và khả năng lèo lái thoát nguy là Cục Dự Trữ Liên Bang. Với lãi suất cực thấp, điều đó có nghĩa tín dụng sẽ lỏng lẻo hơn. Trong trạng huống đó, in thêm tiền giấy có thể biện minh, nhưng vẫn chỉ là một công cụ với hiệu quả tiệm giảm. Các biện pháp tài chánh - tín dụng và thuế khóa - có thể  hữu hiệu hơn nhiều.

Nếu Hoa Kỳ thành công tránh được suy thoái và dần dà khởi sự thoát khỏi vũng lầy, đó chính là bằng chứng sức mạnh tiềm tàng của nền kinh tế. Hoa Kỳ vẫn còn nhiều lợi thế lớn lao so với các xứ giàu khác: dân số trẻ trung,  gánh nặng thuế khóa tương đối còn nhẹ, kinh tế đầy sáng tạo, và ít ra hiện nay đồng USD vẫn còn giữ vai trò ngoại tệ dự trữ toàn cầu chính yếu. Nếu cấp lãnh đạo có viễn kiến, sáng suốt, lành mạnh, và có đủ can đảm chính trị,  cơ may tránh khỏi đại khủng hoảng vẫn còn hiện hữu.

CÁC QUỐC GIA ĐANG LÊN

Ngày 29-7-2011, các chuyên viên thống kê Hoa Kỳ đã tái duyệt các con số GDP thực số trong mấy năm qua. Kết quả cho thấy sản lượng quốc gia trong quý hai vẫn thấp hơn con số vào cuối năm 2007. Đây cũng là trường hợp của nhiều quốc gia giàu khác.

Ngược lại, tổng sản lượng các quốc gia đang lên đã gia tăng gần 20% trong cùng giai đoạn. Những khó khăn của thế giới giàu rõ ràng đã tăng tốc khuynh hướng chuyển dịch quyền lực kinh tế toàn cầu qua các nền kinh tế đang lên.

Câu hỏi cần được đặt ra là hiện nay tầm vóc thế giới đang lên so với thế giới phát triển ra sao?  

Đường phân ranh giữa hai thế giới thay đổi tùy theo các tổ chức khác nhau. IMF, chẳng hạn, hiện đang xếp 11 xứ đang lên trước đây vào danh sách những nền kinh tế phát triển, trong số nầy có Hong Kong, Nam Hàn, Cộng hòa Czech và Estonia. Những xếp hạng như thế đã hẳn mang tính khá độc đoán: GDP tính theo đầu người  của Estonia chỉ ở mức 15,000 USD, trong khi các nền kinh tế đang lên như United Arab Emirates và Qatar có lợi tức trung bình theo đầu người khoảng trên dưới 60,000 USD.

Và nếu các nền kinh tế đang lên được đẩy lên hàng ngũ các quốc gia phát triển, vai trò hay ảnh hưởng kinh tế của thế giới đang phát triển sẽ ngày một bị bào mòn, do đó, tầm quan trọng tiệm tăng của thế giới đang phát triển đã bị đánh giá quá thấp.

Muốn thẩm định đứng đắn tầm chuyển dịch quyền lực kinh tế toàn cầu thực sự, các kinh tế gia đã sử dụng bảng xếp hạng của IMF trước năm 1997. Thế giới phát triển gồm các thành viên nguyên thủy của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ[1]. Tất cả các quốc gia khác, kể cả các nền kinh tế tân kỹ nghệ hóa Á châu như Nam Hàn đều được xếp vào hàng các nước "đang lên".

SO SÁNH TỈ LỆ TĂNG TRƯỞNG

Sản lượng gộp tính theo hối suất thị trường của thế giới đang phát triển đã lên tới 38% GDP toàn cầu trong năm 2010, gấp đôi con số năm 1990. Với đà nầy, tổng sản lượng gộp của thế giới đang phát triển có thể vượt quá thế giới phát triển trong vòng 7 năm.

Nếu GDP được tính theo mãi lực tương đồng (purchasing-power parity), vì giá cả thấp hơn trong các xứ nghèo đẩy mãi lực thực sự lên cao hơn, các  nền kinh tế đang lên đã vượt qua thế giới phát triển kể từ năm 2008 và sẽ có thể lên đến 54% GDP toàn cầu trong năm 2011. Ấn tượng hơn nữa, thế giới đang phát triển đã chiếm 3/4 tăng trưởng GDP thực sự trong thập kỷ vừa qua.

Các con số phân tích của tạp chí The Economist cho thấy các nước đang phát triển cũng đã đạt nhiều thành quả rất ấn tượng trong nhiều địa hạt khác. Một bước ngoặc lớn đã đạt được năm rồi (2010) khi số xuất khẩu của các nền kinh tế đang lên đã vượt quá ranh giới 50% của toàn thế giới, so với 27% năm 1990. Lợi tức lúc một gia tăng của các xứ nầy cũng đã đẩy số nhập khẩu lên 47% của toàn thế giới trong năm 2010. Tỉ suất nhập khẩu của thế giới đang phát triển cũng đã chiếm hơn 50% số xuất khẩu của Hoa Kỳ trong cùng năm.

Các quốc gia đang lên cũng đã ghi nhận một kỷ lục khác trong năm 2010 qua việc thu hút hơn 50% số đầu tư trực tiếp từ các nước ngoài (FDI). Nhiều doanh nghiệp ngoại quốc cũng đã bị cám dỗ bởi những xứ có thị trường tăng trưởng nhanh và công xá thấp. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chỉ ở mức khiêm tốn 29% nhưng gia tăng nhanh chóng , một phần do tài nguyên tài chánh dồi dào và nhu cầu nguyên liệu của TQ. Các nền kinh tế đang lên thực sự đã giữ vai trò áp đảo trên thế giới về số tiêu thụ các mặt hàng: các xứ nầy tiêu thụ khoảng 60% năng lượng thế giới, 65% đồng, và 75% thép. Và tiềm năng tiêu thụ vẫn còn khá lớn. Các thị trường đang lên sử dụng 55% dầu khí thế giới, nhưng tiêu thụ trung bình tính theo đầu người vẫn còn dưới 1/5 so với thế giới giàu.

Năm nay, các nền kinh tế đang lên rất có thể chiếm khoảng trên 50% số tư bản đầu tư, so với 26% trong năm 2000. Trái với các nước giàu, TQ và Ấn đã đầu tư một phần GDP ngày một gia tăng trong vòng thập kỷ vừa qua. Năm 2010, Hoa Kỳ đã đầu tư 16% GDP, so với TQ: 49%. Phần chi tiêu trong tiêu thụ toàn cầu của các nền kinh tế đang lên chỉ ở mức 34% (so với 24% năm 2000), nhưng một phần vì  giá nhà và các dịch vụ rẻ hơn so với các xứ giàu . Quan trọng hơn rất nhiều đối với các doanh nghiệp Tây phương là thị phần bán lẻ thế giới - 46% , 52% thị phần xe hơi (tăng từ 22% năm 2000), và 82% thị trường điện thoại di động.

Các nền kinh tế đang lên còn yếu kém về thương mãi và tài chánh, nhưng vẫn trên đà bắt kịp khá nhanh. Gần 1/4 trong số 500 xí nghiệp Fortune Global, với thu nhập lớn nhất thế giới, đến từ các thị trường đang lên; năm 1995, con số chỉ vỏn vẹn 4%.Thị phần vốn trên thị trường chứng khoán thế giới của các xứ đang lên đã tăng lên 35%, gấp ba lần con số năm 2000. Các xứ nầy đã tích lũy một bách phân đầy ấn tượng 81% số ngoại tệ dự trữ của chính quyền. Tuy nhiên, phần lớn tài sản trong khu vực tư vẫn còn trong tay các xứ phát triển. Jonathan Anderson, kinh tế gia thuộc UBS, ước tính các thị trường đang lên nắm giữ khoảng 1/4 các tích sản tài chánh toàn cầu (tiền mặt, chứng khoán, trái phiếu), gấp đôi thị phần của chính họ chỉ 10 năm trước đây.

Các xứ đang lên hiện nợ rất ít: chỉ 17% tổng công trái. Trong những năm sắp tới, những món nợ  kếch sù sẽ là một gánh nặng kiềm hãm tỉ suất tăng trưởng của các xứ giàu. Viễn ảnh dài hạn rất tươi sáng đối với các nền kinh tế đang lên, với rất ít  nợ, dân số thuận lợi, và tiềm năng nâng cao năng suất khổng lồ.

Hai thập kỷ trước đây, các mô hình kinh tế xem thường thế giới đang phát triển,  như hoàn toàn chịu mọi chi phối của thế giới giàu. Ngày nay, các thị trường đang lên đang là đầu tàu chi phối tăng trưởng toàn cầu, giá cả các mặt hàng, và lạm phát.

THƯỢNG LƯU LÃNH ĐẠO VÀ TRÁCH NHIỆM

Ba năm qua là một tai họa đối với hầu hết các nền kinh tế Tây Phương. Lần đầu tiên sau Kinh Tế Đại Khủng Hoảng 1929-33, Hoa Kỳ đang đối diện với nạn thất nghiệp trầm trọng dài lâu, và khu vực euro ở Âu châu đang trên bờ tan rã.

Trước hết, trường hợp của Hoa Kỳ. Trong những ngày gần đây, người ta được nghe rất nhiều về nợ nần và khiếm hụt. Câu hỏi cần được đặt ra là điều gì đã xẩy ra cho số thặng dư trong ngân sách chính phủ liên bang trong năm 2000?

Câu trả lời: có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, các đợt giảm thuế cho giới nhà giàu dưới thời George W. Bush đã gây thêm khoảng 2,000 tỉ công trái trong thập kỷ vừa qua. Thứ hai, Hoa Kỳ đang sa vào vũng lầy hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan-Pakistan, cũng đã phải vay thêm khoảng 1,100 tỉ nợ công. Thứ ba, đại suy thoái 2008 đã đưa đến sự sụp đổ trong số thu nhập và bùng nổ chi tiêu về  bảo hiểm thất nghiệp và các chương trình cứu trợ của chính phủ liên bang.

Tổng Thống George W. Bush đã giảm thuế, không phải để đáp lại bất cứ  đòi hỏi nào của người dân, mà vì lý do ý thức hệ đảng phái. Và chỉ một thiểu số giàu có được thụ hưởng số thuế cắt giảm.

Cũng chính Bush đã chọn tấn công xâm lăng Iraq chỉ vì những gì Bush và các cố vấn cận thần muốn theo đuổi, không dính dáng gì đến sự kiện 11-9. Trong thực tế, chính quyền Bush đã phải phát động một chiến dịch tuyên truyền thiếu trung thực, nói rõ hơn, đã phải lừa dối, để động viên người Mỹ ủng hộ cuộc xâm lăng. Mặc dù vậy, đa số cử tri Mỹ chưa bao giờ thật sự ủng hộ cuộc chiến như giới chính trị thượng lưu Hoa Kỳ.

Cuối cùng, Đại Suy Thoái 2008 là hậu quả của lòng tham thái quá của Wall Street, được tăng cường bởi quá trình g bỏ pháp chế giám sát tài chánh một cách vô trách nhiệm. Chính những nhân vật thế lực ở Hoa Thịnh Đốn, có liên hệ mật thiết với kỹ nghệ tài chánh,  phải chịu trách nhiệm về việc hủy bỏ mọi pháp chế quy định và giám sát.

Tóm lại, chính giới nầy đã giữ vai trò thiết yếu trong việc cởi bỏ mọi quy định, giám sát cũng như đứng đằng sau luật giảm thuế cho giới nhà giàu.

Như vậy, chính những tính toán sai lầm của giới lãnh đạo chính trị thượng lưu, không phải lòng tham của người dân bình thường, đã gây ra tình trạng công trái nợ nần của Mỹ.

Phần lớn những điều trên đây cũng đúng với cuộc khủng hoảng ở Âu châu. Khỏi phải nói, đó không phải những gì bạn có thể nghe từ ca miệng các nhà làm chính sách Âu châu. Câu chuyện chính thức hiện nay là chính quyền các nước gặp khó khăn đã nuông chiều quá đáng quần chúng, hứa hẹn quá nhiều với cử tri trong khi thu thuế quá ít. Công bằng mà nói, điều đó khá đúng với trường hợp Hy Lạp. Nhưng đó không phải những gì đã xẩy ra ở Ireland và Tây Ban Nha - cả hai đều rất ít nợ và có ngân sách thặng dư trước khủng hoảng.

Câu chuyện thực về khủng hoảng Âu châu là cấp lãnh đạo đã nhất trí phát hành một đơn vị tiền tệ duy nhất, đồng euro, mà chẳng chuẩn bị những định chế cần thiết để đối phó với thịnh vượng và suy thoái bên trong khu vực euro. Và n lực thành đạt đơn vị tiền tệ duy nhất ở Âu châu là một dự án áp đặt từ trên xuống, một viễn kiến của giới thượng lưu, và giới cử tri chưa sẵn sàng chấp nhận.

Chính vì vậy, tại sao chúng ta lại trút  lỗi các chính sách sai lầm lên đầu quần chúng. Câu trả lời đầu tiên là trách nhiệm đơn thuần.

Những ai chủ trương các chính sách ngân sách bất thăng bằng trong những năm dưới thời George W. Bush không thể được phép đội lốt diều hâu lớn tiếng chỉ trích thiếu hụt ngân sách. Những kẻ ca ngợi Ireland như một mô hình kiểu mẫu không được quyền rao giảng một chính quyền trách nhiệm.

Ngược lại, chúng ta sẽ tự đánh mất cơ may học hỏi bài học kinh nghiệm từ khủng hoảng. Chúng ta cần quy trách đúng người, phải trừng phạt những lãnh đạo thượng lưu làm chính sách. Nếu không, lớp người nầy sẽ tiếp tục gây hại trong tương lai.

KHỦNG HOẢNG VÀ GIẢI PHÁP

Những xáo trộn trên thị trường trong suốt tuần qua chứng tỏ đại suy thoái kinh tế bắt đầu từ năm 2008 rõ ràng vẫn chưa chấm dứt. Và những gì chúng ta đang thấy là những gì đang xảy ra khi giới thượng lưu đầy thế lực đang khai thác thay vì tìm các giải quyết.

Đã hơn 18 tháng trôi qua kể từ khi T T Obama , trong diễn văn về Tình Trạng Liên Bang, đã lựa chọn chú tâm vào vấn đề thiếu hụt ngân sách thay vì tạo công ăn việc làm, các cuộc tranh biện trên các diễn đàn công luận luôn bị lấn át bởi những âu lo về ngân sách và bỏ quên tình trạng thất nghiệp. Nhu cầu giảm thiểu ngạch số khuy khiếm trong ngân sách, được xem là cấp thiết, đã lấn át mọi thảo luận đến độ ngày thứ hai, 8-8-2011, trong khung cảnh hỗn loạn của thị trường, Obama đã dành hầu hết bài nói chuyện cho vấn đề thiếu hụt ngân sách thay vì nguy cơ hiện hữu và rõ ràng suy thoái đang tái diễn.

Thật là một điều kỳ lạ trong khi thị trường có nhiều tín hiệu rõ ràng - thất nghiệp thay vì công trái nợ nần là vấn đề quan trọng bậc nhất đối với Mỹ -, phe diều hâu nay đang lớn tiếng chỉ trích thiếu hụt ngân sách, trong nhiều năm đã luôn cảnh cáo lãi suất trên số nợ của chính quyền có thể tăng cao bất cứ lúc nào; và nguy cơ từ thị trường trái phiếu được xem như lý do người Mỹ phải cắt giảm khiếm hụt ngay tức khắc.

Tuy nhiên, cho đến nay, nguy cơ nầy, trong thực tế, vẫn chưa hề trở thành hiện thực. Và trong tuần, tiếp theo sau sự xuống cấp tín dụng lẽ ra đã làm nn lòng giới đầu tư  tung tiền vào trái phiếu, lãi suất thay vì lên cao lại sụt giảm xuống mức cực thấp.

Thực tế trên đây cho thấy điều đáng lo ngại hiện nay không phải là ngân sách khuy khiếm, mà chính là kinh tế yếu kém. Và kinh tế yếu kém có nghĩa lãi suất thấp và thiếu cơ hội kinh doanh, và vì vậy, trái phiếu ngân khố trở thành hấp dẫn thu hút đầu tư ngay cả khi lợi nhuận (yield) rất thấp. Nếu sự xuống cấp của trái phiếu ngân khố có một hệ lụy, hệ lụy đó là tăng cường ni lo các chính sách kiệm ước hay thắt lưng buộc bụng, những chính sách sẽ làm trầm trọng các khó khăn kinh tế hơn nữa.

Nói một cách khác, những tranh luận ở Hoa Thịnh Đốn chỉ xoay quanh một đề tài sai lầm. Thực vậy, nguyên nhân là phe Cộng Hòa cực hữu đã giữ một vai trò quan trọng. Mặc dù phe nầy hình như không mấy quan tâm đến vấn đề khiếm hụt - bằng chứng là họ luôn chống đối mọi gợi ý tăng thuế đánh lên giới nhà giàu - họ chỉ lợi dụng tình trạng khiếm hụt ngân sách như một phương cách hữu ích để tấn công các chương trình của chính phủ.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi nhiều quan chức  thế lực cũng hăng say thay đổi đề tài - tránh xa đề tài tạo công ăn việc làm, ngay cả khi tỉ suất thất nghiệp vẫn trên 9%, và đang theo đuổi các nghị trình riêng tư sẵn có từ trước.

Chẳng hạn, nhiều quan chức tự xem thuộc phe trung hữu hoặc trung tả lên tiếng chủ trương không thể có giải pháp đoản kỳ cho các khó khăn kinh tế, và việc làm trách nhiệm là tập trung vào các giải pháp dài hạn, đặc biệt là cải cách các chương trình an sinh (entitlement reform) - có nghĩa cắt xén an sinh xã hội và y tế (Social Security và Medicare). Những quan chức nầy mới là nguyên nhân chính đã đẩy Hoa Kỳ vào tình cảnh khó khăn hiện nay.

Thực vậy, nền kinh tế hiện nay đang cần đến các giải pháp ngắn hạn. Khi hàng triệu nhân công cần và có thể làm việc bị thất nghiệp, và tiềm năng kinh tế đang phí phạm theo nhịp 1,000 tỉ USD mỗi năm, điều thiết yếu là các nhà làm chính sách phải chú tâm đem lại phục hồi nhanh chóng, thay vì thuyết giảng về nhu cầu khả năng tài chánh trong trường kỳ.

Không may, thuyết giảng những đức tính cần thiết trong trường kỳ là một thời trang thịnh hành ở Hoa Thịnh Đốn. Đó là thái độ hay những gì các quan chức luôn muốn tỏ ra nghiêm túc thường khoác, thường làm, để chứng tỏ mình nghiêm túc. Vì vậy, khi khủng hoảng xẩy ra và dẫn đến khuy khiếm ngân sách lớn lao - vì đó là điều dĩ nhiên phải xẩy ra khi kinh tế co rút và thu nhập của nhà nước sụp đổ - những quan chức nầy luôn sốt sắng chộp lấy cơ hội để thể hiện những nghị trình riêng tư có sẵn trong khi kinh tế tiếp tục mất máu.

Vậy giải pháp là gì? Trước hết, chính quyền trong hiện tình, thay vì giảm chi, phải chi tiêu nhiều hơn.  Với thất nghiệp tràn lan, lãi suất thấp, chính quyền nên xây trường học, đường sá, hệ thống nước, các hạ tầng cơ sở... Chính quyền cũng có thể giúp làm  nhẹ bớt gánh nặng nợ nần của giới nghèo qua những chương trình giảm nợ và tái tài trợ bất động sản. Thậm chí, cục Dự Tr Liên Bang cũng có thể kích động nền kinh tế, với biện pháp mở rộng tín dụng r tiền, cố tình gây lạm phát để giúp giảm thiểu các gánh nặng nợ nần.

Đã hẳn những kẻ nghi ngờ sẽ lên tiếng tố cáo những biện pháp vừa nói là vô trách nhiệm. Nhưng vô trách nhiệm chính là thúc đẩy tiếp tục những việc làm trước khủng hoảng và để mặc kinh tế tiếp tục mất máu.

©Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

26-8-2011

 


[1] Để có thêm dữ kiện và danh sách các quốc gia phát triển: Xin xem economist.com/powershift0811.

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Trường