hay IRAN: CÔ LẬP VÀ THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ

Trong thời gian gần đây, với không khí khủng hoảng trong vùng Vịnh Ba Tư ngày một căng thẳng, ôn lại bài học lịch sử quan hệ Mỹ-Iran, vì vậy, là một điều cần thiết.

NGUYÊN TỬ VÌ HÒA BÌNH

Mùa hè 1953: CIA và tình báo Anh Quốc đã toa rập tổ chức đảo chánh lật đổ chính quyền dân cử  ở Iran đang trên đà quốc hữu hóa kỹ nghệ dầu khí. Để thay thế, Hoa Kỳ và Anh Quốc đã đưa lên ngôi một quốc vương chuyên quyền trẻ tuổi — Shah of Iran — cùng với tổ chức cảnh sát bí mật đáng ghê sợ của ông.

Shah of Iran đã ngự trị vương quốc trong một phần tư thế kỷ, như một tiền đồn của Hoa Thịnh Đốn trong vùng Vịnh Ba Tư, cho đến khi bị lật đổ bởi cuộc cách mạng 1979.  Một chế độ thần quyền với lãnh tụ Ayatollah Khomeni và các mullah hay giáo sĩ Hồi giáo lên thay thế. Tuy không phải tay chân của Hoa Thịnh Đốn, chính quyền Khomeni, trong thực tế, vẫn là kế thừa cuộc đảo chính 1953.

Nói một cách khác, quyết định tai họa lật đổ một chính quyên thế tục, do chính dân Iran bầu lên và hậu thuẩn, đã định hình chế độ Iran ngày nay, một chế độ Hoa Thịnh Đốn đang quyết tâm thay đổi. Và xét cho cùng, dầu khí vẫn luôn là động lực.

Năm 1967: Trong khuôn khổ chương trình “Nguyên Tử vì Hòa Bình”[1], do T T Dwight D. Eisenhower khởi động trong thập kỷ 1950, Shah of Iran đã được phép mua một máy phản lực 5-megawatt, dùng vào việc nghiên cứu, loại sử dụng “nước-nhẹ,”[2]cho Tehran . Các viên chức bộ Quốc Phòng hồi đó cũng đã âu lo Shah có thể sử dụng “nguyên tử hòa bình” như nền tảng của chương trình vũ khí mai hậu, hoặc vật liệu hạt nhân cũng có thể lọt vào tay những kẻ thù nghịch.

Một văn bản ghi nhớ nội bộ của Ngũ Giác Đài năm 1974 đã ghi nhận, “một người kế vị năng động của Shah có thể xem vũ khí nguyên tử như  yếu tố cuối cùng cần thiết cho việc áp đặt địa vị quân sự áp đảo của Iran trong khu vực.”[3] Tuy vậy, viễn tượng đó vẫn không đủ để thuyết phục họ ngừng khuyến dụ và giúp đỡ Iran xây dựng chương trình nghiên cứu hạt nhân.

Quốc Vương Shah, cũng như các giáo sĩ kế thừa, lập luận, một chương trình nghiên cứu hạt nhân nằm trong phạm vi thẩm quyền quốc gia, và trong ước mơ phần lớn điện lực ở Iran sẽ do hệ thống các nhà máy hạt nhân cung cấp.

Một quảng cáo năm 1970 của nhóm công ty điện lực Mỹ đã tóm tắt: “Shah of Iran đang ngồi trên đỉnh một trong những trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Tuy vậy, ngài vẫn đang xây dựng hai nhà máy hạt nhân và có kế hoạch xây thêm hai nhà máy khác để cung cấp điện cho Iran. Quốc Vương hiểu rõ dầu lửa ngày một cạn kiệt — cùng với thời gian.”[4]

Nói một cách khác, chương trình nguyên tử của Hoa Kỳ là cội nguồn của chương trình hạt nhân Iran hiện nay, một chương trình người Mỹ đang hết sức căm ghét và tìm cách ngăn chặn.

Tháng 9-1980: T T Saddam Hussein của Iraq đã phát động cuộc chiến xâm lăng  Iran của Ayatollah Khomeini. Vào đầu thập kỷ 1980, Saddam Hussein đã là cánh tay nối dài của Hoa Thịnh Đốn, và Iraq một tiền đồn của Mỹ trong vùng Vịnh Ba Tư.  Người Mỹ luôn cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến việc phối trí, hoạch định chiến thuật  của Iran, giúp Saddam Hussein sử dụng vũ khí hóa học hữu hiệu hơn  trong cuộc chiến.

Một mặt khác, Chính quyền Reagan cũng đã quyết định kín đáo bán tên lửa và các loại vũ khí khác cho Iran của Ayatollah Khomeini, một phần trong cái được biết như Vụ Iran-Contra[5], suýt nữa gây họa cho Reagan và phe nhóm.

Tháng 3-2003: Saddam Hussein, giờ đây, không còn là tay chân của Hoa Thịnh Đốn ở Baghdad, mà theo các quan chức hàng đầu Hoa Thịnh Đốn lúc đó, đã là một Hitler, với chương trình vũ khí nguyên tử một ngày nào đó có thể để lại mây mù hình nấm trên không phận các thành phố của Mỹ.

Vì vậy, chính quyền Bush đã phát động cuộc chiến xâm lăng Iraq, một xứ, theo lời của Thứ Trưởng Quốc Phòng Paul Wolfowitz, tương tự như Iran, đang “nổi lềnh bềnh trên biển dầu.”[6] Các quan chức trong chính quyền Bush hy vọng, sau cuộc chiến chớp nhoáng, Iraq sẽ được giúp  phục hồi và tư hữu hóa kỹ nghệ dầu, có thể sử dụng để tàn phá OPEC và hạ giá dầu trên thị trường quốc tế. Chín năm sau, một chính quyền Shiite ở Baghdad, đồng minh với Tehran, nay cũng đã có nhiều ảnh hưởng trong khu vực, nhờ chính sự chiếm đóng tai họa của Hoa Kỳ.

Gọi đó là thành tích vẻ vang không dễ thành đạt! Trong hơn 50 năm, các cấp lãnh đạo Hoa Kỳ với các hành động trong vùng Vịnh và ngay bên trong Iran, đã luôn đem lại những hậu quả trái ngược, bất ngờ, và thãm hại.

Ngày nay, sau nhiều năm chiến tranh ngụy trang chống lại Iran, Hoa Thịnh Đốn một lần nữa đang chuẩn bị một loạt các thao tác mới – những chế tài chống lại Ngân Hàng Trung Ương Iran nhằm phá hoại kỹ nghệ dầu khí, mở cửa nền kinh tế tiếp nối bởi… những gì chưa ai biết!

BÍ ẨN MỘT IRAN BỊ CÔ LẬP

Hãy bắt đầu với những lằn ranh đỏ. Và đây là lằn ranh đỏ sau cùng của Hoa Thịnh Đốn. Vào trung tuần tháng 1-2012, Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đã bàn về Iran: “Có phải họ đang khai triển ‘vũ khí hạt nhân’? Không. Nhưng chúng tôi biết họ đang tìm cách khai triển một ‘khả năng hạt nhân’. Và đó là điều làm chúng tôi lo ngại. Và lằn ranh đỏ đối với Iran là không được khai triển vũ khí hạt nhân. Đó là lằn ranh đỏ đối với chúng tôi.”[7]

Thật kỳ lạ, hãy nhìn xem phương cách các lằn ranh đỏ cứ tiếp tục đi lùi. Có một thời, lằn ranh đỏ đối với Hoa Thịnh Đốn là “làm giàu uranium”. Ngày nay, rõ ràng là một vũ khí nguyên tử đích thực và có thể được sử dụng.

Tưởng cần phải nhớ, từ năm 2005, lãnh tụ tối cao Ayatolla Khamenei đã nhấn mạnh xứ ông không tìm cách khai triển vũ khí hạt nhân. Ước Tính Tình Báo Quốc Gia[8] gần đây nhất về Iran của Cộng Đồng Tình Báo Hoa Kỳ[9] cũng nhấn mạnh tương tự. Trong thực tế, Iran không khai triển vũ khí hạt nhân (khác với khả năng có thể xây dựng một vũ khí hạt nhân một ngày nào đó).

Tuy nhiên, điều gì sẽ xẩy đến nếu không có một lằn ranh đỏ, nhưng một cái gì đó hoàn toàn khác? Chẳng hạn, lằn ranh petrodollar.

CÁC CHẾ TÀI MỚI

Vào tháng 12-2011, không mảy may quan tâm đến các hậu quả khốc liệt đối với kinh tế toàn cầu, Quốc Hội Hoa Kỳ — dưới áp lực thường lệ của giới vận động hành lang Do Thái — đã áp đặt một gói các chế tài luật định lên chính quyền Obama (100 phiếu thuận, 0 phiếu chống ở Thượng Viện, và chỉ với 12 phiếu chống ở Hạ Viện). Theo đó, kể từ tháng 6-2012, Hoa Kỳ sẽ phải chế tài bất cứ ngân hàng và công ty của một quốc gia thứ ba nào giao dịch với Ngân Hàng Trung Ương Iran. Có nghĩa:  ngăn chặn mọi xuất khẩu dầu của Iran. (Quốc Hội cũng có dự liệu một vài “ngoại lệ.”)

Mục tiêu cuối cùng? Không gì khác hơn thay đổi chế độ ở Iran. Một quan chức Hoa Kỳ dấu tên đã thú nhận chính danh mục tiêu với báo Washington Post, và tờ báo cũng đã đăng lời bình luận (“Mục tiêu của Hoa Kỳ và các chế tài đối với Iran là sự sụp đổ của chế độ, một tín hiệu  rõ ràng nhất chính quyền Obama ít ra cũng có quyết định ‘lật đổ’, đồng thời cũng ‘can dự’, với chính quyền Iran.” Liền sau đó, tờ báo cũng đã rút lại đoạn trích dẫn về mục tiêu gây bối rối trên đây. Đã hẳn, lằn ranh đỏ đã quá gần với sự thật để có thể thoải mái.

Theo đề đốc Mike Mullen, nguyên Tư Lệnh Bộ Tham mưu Liên quân, chỉ một biến cố gây sốc và kinh hoàng tàn bạo, hạ nhục tối đa giới lãnh đạo Tehran, may ra mới có thể đưa đến một thay đổi chế độ. Và đề đốc không phải là người duy nhất. Phe chủ trương hành động — từ  không tạc đến xâm lăng (bởi Hoa Kỳ hoặc bởi Do Thái, hoặc bởi cả hai trong một hình thức đối tác nào đó) — không phải là ít ở Hoa Thịnh Đốn, nơi đầy dẫy phe tân bảo thủ.

Tuy nhiên, bất cứ ai ít nhiều hiểu biết về Iran đều rõ: một cuộc tấn công như thế chỉ có thể củng cố sức hậu thuẩn của quần chúng dành cho Khamenei và lực lượng Vệ Binh Cách Mạng. Trong tình huống đó, thái độ thù ghét của một số người Iran đối với phe độc tài quân phiệt của hàng giáo phẩm Hồi Giáo chẳng còn mấy quan trọng.

Vả chăng, ngay cả phe đối lập cũng ủng hộ một chương trình nguyên tử hòa bình — vì đó là một vấn đề kiêu hãnh quốc gia!

Giới trí thức Iran, tinh thông về văn hóa Ba Tư, dĩ nhiên hơn xa các chuyên gia ý thức hệ Hoa Thinh Đốn, cũng hoàn toàn chối bỏ mọi kịch bản chiến tranh. Họ nhấn mạnh: giới lãnh đạo Tehran, vốn rất tường tận về nghệ thuật chơi trò tưởng tượng của người Ba Tư, không có ý định thách thức một cuộc tấn công có thể đưa đến tận diệt.

Về phần mình, dù đúng hay sai, các chiến lược gia Tehran cũng vững tin Hoa Thịnh Đốn sẽ không đủ khả năng phát động một cuộc chiến mới trong vùng Trung Đông Nới Rộng, nhất là một cuộc chiến có thể đưa đến nhiều đổ vỡ trong kinh tế thế giới vô can.

Trong giao thời, những mong ước của Hoa Thịnh Đốn —  một chế độ chế tài khe khắt có thể buộc Iran nhượng bộ, nếu không sụp đổ — rất có thể là một chuyện hão huyền. Guồng máy tuyên truyền Hoa Thịnh Đốn đã chú tâm vào một đại phá giá  tai họa đơn vị tiền tệ Iran, đồng rial, đối diện với các chế tài mới. Không may cho những ai tin ở sự khả dĩ sụp đổ của kinh tế Iran, giáo sư Djavad  Salehi-Isfahani đã phân tích, cặn kẽ và với đầy đủ chi tiết, bản chất trong trường kỳ của tiến trình nầy — một phân tích đã được các kinh tế gia Iran rất hoan nghênh. Xét cho cùng, phá giá đồng rial sẽ kích thích xuất khẩu các sản phẩm ngoài dầu khí và giúp kỹ nghệ bản xứ cạnh tranh hữu hiệu với các hàng nhập khẩu rẻ tiền từ TQ. Tóm lại, một đồng rial phá giá sẽ có nhiều khả năng giúp Iran giảm thiểu nạn thất nghiệp.

MỘT IRAN CÔ LẬP VÀ THIẾU NỐI KẾT!

Mặc dù rất ít người Hoa Kỳ lưu ý, trong thực tế Iran không hoàn toàn bị cô lập như Hoa Thịnh Đốn có thể đã mong muốn. Thủ Tướng Pakistan Yusuf Gilani đã là người thường bay tới Tehran. Mới đây, Nikolai Patrushev, người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Liên Bang Nga, đã lên tiếng cảnh cáo Do Thái chớ nên thúc đẩy Hoa Kỳ tấn công Iran. Ngoài ra, cũng cần kể thêm Hamid Karzai, một đồng minh của Hoa Kỳ đồng thời cũng là Tổng Thống của Afghanistan. Tại đại hội đồng Loya Jirga vào cuối năm 2011, T T Karzai đã nhấn mạnh trước 2.000 lãnh đạo các bộ lạc: Kabul có kế hoạch xích lại gần hơn với Tehran.

Trên bàn cờ  Âu-Á hay Pipelineistan, trái với mong muốn của Hoa Thịnh Đốn, tuyến ống dẫn hơi đốt thiên nhiên Iran-Pakistan (IP) nay đang được xúc tiến. Pakistan rất cần năng lượng và cấp lãnh đạo nước nầy rõ ràng đã quyết định không muốn chờ đợi quá lâu dự án ‘cưng’ của Hoa Thịnh Đốn — tuyến đường ống Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-India (TAPI) đi ngang qua Talibanistan.

Ngay cả ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu mới đây cũng đã viếng thăm Tehran, mặc dù quan hệ giữa hai nước ngày một căng thẳng. Xét cho cùng, đối với các quốc gia trong khu vực, năng lượng thay vì  đe dọa đã đắc thắng. Turkey, thành viên NATO, đã can dự trong các cuộc hành quân che đậy ở Syria, đồng minh với phe Sunni chính thống ở Iraq, và — trong một động thái đảo ngược lập trường đáng lưu ý tiếp theo sau Mùa Xuân Á Rập — đã đổi trục Ankara-Tehran-Damascus để gia nhập trục Ankara-Riyadh-Doha. Turkey còn có ngay cả kế hoạch cho phép Hoa Thịnh Đốn đặt các tên lửa thuộc hệ thống tên lửa phòng không của Hoa Thịnh Đốn nhằm mục tiêu Iran.

Tất cả những điều kể trên từ một xứ với “chính sách đối ngoại zero hay không vấn đề với các lân bang”[10]do Davutoglu thiết kế. Tuy vậy, nhu cầu của Pipelineistan  cũng đem lại nhiều âu lo. Turkey đang rất cần tiếp cận tài nguyên năng lượng của Iran, và nếu một ngày nào đó hơi đốt thiên nhiên của Iran tới được Tây Âu — một điều người Âu cũng thiết tha mong muốn — Turkey sẽ là xứ quá cảnh ưu tiên. Các lãnh đạo Turkey đã gửi tín hiệu họ sẽ bác bỏ các chế tài mới của Hoa Kỳ chống lại dầu Iran.

Trên bình diện “nối kết”, vào trung tuần tháng 1-2012, thế giới đã chứng kiến một màn trình diễn ngoại giao ngoạn mục — T T Iran Mamoud Ahmadinejad đã viếng thăm Mỹ La Tinh. Người Mỹ cánh hữu có thể lải nhải về trục ma quỷ Tehran-Caracas — cổ súy khủng bố khắp châu Mỹ La Tinh như tấm ván nhún cho các cuộc tấn công siêu cường phía Bắc trong tương lai — nhưng trở lại với thực tế đời thường, một loại sự thật khác cũng đang lảng vảng. Sau bấy nhiêu năm, Hoa Thịnh Đốn vẫn chưa thể tiêu hóa ý tưởng đã đánh mất quyền kiểm soát, hay ngay cả ảnh hưởng, trong hai cường quốc cấp khu vực — nơi trước đây Hoa Kỳ đã hành xử quyền bá chủ không suy giảm của một đế quốc.

Thêm vào đó là bức tường ngờ vực được tăng cường bởi cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran. Trộn lẫn trong một châu Mỹ La Tinh mới, hầu như có trọn chủ quyền, đang cổ súy hội nhập không những qua trung gian các chính quyền tả phái ở Venezuela, Bolivia, và Ecuador, mà còn qua các cường quốc cấp khu vực Brazil và Argentina. Quậy lên và chúng ta sẽ có dịp chứng kiến những cơ hội chụp ảnh chung hay photo ops, như T T Iran Ahmadinejad và T T Venezuela Hugo Chavez đang cùng chào đón T T Nicaragua Daniel Ortega.

Hoa Thịnh Đốn tiếp tục thúc đẩy viễn kiến một thế giới trong đó Iran hoàn toàn thiếu nối kết. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Victoria Nuland là một điển hình khi gần đây đã nói: “Iran có thể duy trì vị thế cô lập trên thế giới.”[11] Nhưng, trong thực tế, bà phát ngôn viên hình như đang cần các thông tin cập nhật để phản ảnh đứng đắn thực tế  địa-kinh tế-chính trị toàn cầu.

Iran “bị cô lập”hiện có những dự án hợp doanh trị giá 4 tỉ USD với Venezuela kể cả một ngân hàng, cũng như hàng tá các dự án đã được hoạch định với Ecuador từ xây dựng các nhà máy phát điện đến ngân hàng. Thực tế đó đã thúc đẩy phe chủ trương Do-Thái-trên-hết[12]ở Hoa Thịnh Đốn lớn tiếng đòi hỏi phải áp đặt các biện pháp chế tài đối với Venezuela. Chỉ còn một vấn đề: bằng cách nào Hoa Kỳ có thể thanh toán các hóa đơn dầu nhập khẩu không thể thiếu từ Venezuela?

Các cơ quan truyền thông dòng chính ở Hoa Kỳ đã lớn tiếng rêu rao Ahmadinejad đã không ghé Brazil trong chuyến công du Mỹ La Tinh. Nhưng trên bình diện ngoại giao, Tehran và Brasilia luôn đồng điệu. Khi đặc biệt bàn đến hồ sơ hạt nhân, lịch sử Brazil chứng tỏ cấp lãnh đạo xứ nầy luôn có thiện cảm. Xét cho cùng, Brazil đã khai triển –và rồi hủy bỏ –chương trình vũ khí hạt nhân. Vào tháng 5-2010, Brazil và Turkey đã trung gian môi giới một thỏa ước trao đổi uranium giúp Iran, một thỏa ước lẽ ra đã có thể trót lọt mặc dù tình trạng rối reng nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Iran. Tuy nhiên, ngay sau đó Hoa Thịnh Đốn đã lập tức phá hoại. Một thành viên nòng cốt trong khối BRICS, câu lạc bộ các nền kinh tế hàng đầu đang lên, Brasilia đã hoàn toàn chống đối chiến lược chế  tài/cấm vận của Hoa Kỳ.

Như vậy, Iran có thể đã bị cô lập đối với Hoa Kỳ và Tây Âu, nhưng đối với khối BRICS và NAM (120 xứ hội viên trong phong trào phi liên kết), Iran luôn được đa số các quốc gia thuộc tập thể Nam Toàn Cầu (Global South) đứng về phía mình.

Ngoài ra, các đồng minh then chốt của Hoa Thịnh Đốn, Nhật và Nam Hàn, hiện cũng đang vận động đòi được hưởng ngoại lệ đối với các biện pháp tẩy chay/cấm vận mới, áp đặt lên Ngân Hàng Trung Ương Iran sau tháng 6-2012.

Không có gì đáng ngạc nhiên, vì các biện pháp chế tài đơn phương của Hoa Kỳ cũng nhằm vào Á châu. Xét cho cùng, TQ, Ấn Độ, Nhật, và Nam Hàn, nói chung, đang mua khoảng 62% số dầu xuất khẩu của Iran.

Với lễ độ thường tình của người Á châu, Bộ Trưởng Tài Chánh Nhật, Jun Azumi, đã thông báo cho Bộ Trưởng Ngân Khố Timothy Geithner những khó khăn Hoa Thịnh Đốn đang gây ra cho Tokyo, hiện đang lệ thuộc vào Iran khoảng 10% số dầu nhập khẩu. Nhật cam kết ít ra sẽ giảm thiểu chút ít bách phân nầy càng sớm càng tốt, với hy vọng được Hoa Thịnh Đốn cho hưởng ‘ngoại lệ’ đối với các biện pháp chế tài mới. Riêng Nam Hàn cũng đã loan báo sẽ mua 10% số dầu cần thiết từ Iran trong năm 2012.

LẠI CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Nhưng trên hết, Iran “bị cô lập” còn là vấn đề an ninh quốc gia cực kỳ quan trọng đối với TQ, quốc gia đã thẳng thắn và dứt khoát bác bỏ các biện pháp chế tài mới nhất của Hoa Thịnh Đốn. Người Tây phương hình như đã quên Trung Quốc và Ba Tư đã từng giao thương trong gần hai thiên niên kỷ. “Con Đường Tơ Lụa”[13] là bằng chứng.

Người TQ đã ký một hợp đồng béo b nhằm khai triển khu dự trữ dầu lớn nhất Iran — Yadavaran. Ngoài ra còn vấn đề chuyển tải dầu từ Vịnh Caspian qua Iran và tuyến ống dẫn dầu trải dài từ Kazakhstan đến Tây Trung Quốc. Trong thực tế, Iran đã cung cấp khoảng 15% số dầu và hơi đốt thiên nhiên cho TQ. Trên bình diện năng lượng, Iran đối với TQ còn quan trọng hơn Saudi Arabia đối với Hoa Kỳ, quốc gia hàng năm nhập khẩu lối 11% dầu từ Saudi Arabia.

Trong thực tế, TQ có thể đã được hưởng lợi từ các biện pháp chế tài mới của Hoa Thịnh Đốn, bởi lẽ có thể mua năng lượng với giá rẻ hơn khi Iran ngày một lệ thuộc nhiều hơn vào thị trường TQ. Hiện nay,  cả hai xứ đang thương thảo về giá dầu, và TQ trong thực tế đang tăng gia áp lực qua việc giảm thiểu chút ít số năng lượng nhập khẩu từ Iran. Nhưng mọi thương thảo, theo các chuyên viên Bắc Kinh,  cần được hoàn tất trước tháng 3-2012, ít ra hai tháng trước ngày các chế tài mới của Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Cuối cùng, người TQ chắc chắn sẽ mua năng lượng Iran nhiều hơn, nhưng Iran vẫn còn là xứ cung cấp lớn thứ ba, sau Saudi Arabia và Angola.

Riêng đối với các tác động khác của các chế tài mới đối với TQ, tưởng cũng chẳng cần quan tâm nhiều. Hoạt động doanh thương của TQ ở Iran tập trung trong các địa hạt sản xuất xe hơi, các mạng lưới fiber optics, và mở rộng hệ thống đường ngầm ở Tehran. Mậu dịch hai chiều hiện ở mức 30 tỉ USD và được dự kiến sẽ tăng lên 50 tỉ vào năm 2015. Giới doanh thương TQ sẽ tìm cách tránh né các vấn đề ngân hàng do các biện pháp chế tài mới áp đặt bởi Hoa Kỳ.

Đã hẳn, Liên Bang Nga cũng là quốc gia yểm trợ nòng cốt khác đối với Iran bị phong tỏa. Nga đã chống đối các chế tài khe khắt hoặc qua Liên Hiệp Quốc hoặc gói biện pháp đã được Hoa Thịnh Đốn chấp thuận nhằm Ngân Hàng Trung Ương Iran. Trong thực tế, Nga đang ủng hộ lập trường thu hồi các chế tài hiện hữu của LHQ và đang vận động một kế hoạch thay thế, ít ra trên lý thuyết, có thể đưa đến một thỏa hiệp nguyên tử vớt vát thể diện cho đôi bên.

Trên mặt trận nguyên tử, Tehran đã tỏ ý thỏa hiệp với Hoa Thịnh Đốn theo hướng kế hoạch do Brazil và Turkey đề xướng và Hoa Thịnh Đốn đã bác bỏ trong năm 2010. Tuy nhiên, vấn đề  nay đã rõ ràng hơn nhiều: đối với Hoa Thịnh Đốn — cố nhiên đối với cả Quốc Hội Mỹ — đề tài ‘hạt nhân’ đã trở thành thứ yếu và đã nhường chỗ cho đề tài ‘thay đổi chế độ’. Vì vậy,  mọi thương thảo mới chắc chắn sẽ gay cấn và đớn đau hơn nhiều.

Điều nầy đặc biệt chính xác hiện nay khi các lãnh đạo của Liên Hiệp Âu Châu đã tìm cách tự lánh xa bàn thương nghị tương lai, bằng cách tự bắn vào chân. Nói một cách điển hình, họ đã chỉ đi theo hướng dẫn của Hoa Thịnh Đốn —  thực thi cấm vận dầu Iran. Như một viên chức cao cấp Liên Hiệp Âu châu đã nói với Trita Parsi, Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia Hoa Kỳ-Iran[14], và theo các nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu, họ sợ điều nầy có thể trở thành bước cuối trước khi chiến tranh bùng nổ.

Trong lúc đó, một toán các thanh tra thuộc Cơ Quan Năng Lượng Hạt Nhân Quốc Tế – IAEA – cũng vừa viếng thăm Iran. IAEA giám sát mọi việc liên quan đến nguyên tử ở Iran, kể cả nhà máy làm giàu uranium mới ở Fordow, gần thị trấn Qom, khởi sự hoạt động kể từ tháng 6-2011. IAEA quả quyết: không có dấu hiệu làm bom. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn và người Do Thái vẫn tiếp tục ứng xử như đây chỉ là một vấn đề thời gian — mặc dù chẳng có bằng chứng gì khác.

DÕI THEO PHƯƠNG TIỆN CHI PHÓ

Đề tài cô lập Iran ngày một mất tính thuyết phục khi mọi người đều biết Iran không còn dùng đồng USD trong giao thương với Nga, thay thế bằng đồng rial và đồng ruble — môt động thái tương tự như trong giao thương với TQ và Nhật trước đó.

Riêng đối với Ấn Độ, một đại cường kinh tế láng giềng, các lãnh đạo cũng từ chối ngưng mua dầu Iran, một giao dịch trong trường kỳ có lẽ sẽ không sử dụng đồng USD làm phương tiện chi phó. Ấn Độ đã dùng đồng yuan với TQ, trong khi Nga và TQ cũng đã dùng đồng ruble và Yuan trong giao thương giữa hai nước từ hơn một năm nay. Nhật và TQ cũng đang phát huy giao dịch thương mãi trực tiếp qua đồng yen và đồng yuan. Riêng giữa Iran và TQ, tất cả các giao dịch thương mãi và đầu tư mới sẽ được thanh toán bằng đồng yuan và đồng rial.

Tóm lại, trong một tương lai gần, ngoại trừ  Âu châu, hầu hết mọi giao dịch về năng lượng Iran đều không thực hiện qua trung gian đồng USD.

Thêm vào đó, ba thành viên trong khối BRICS — Nga, Ấn và TQ – đồng minh của Iran, cũng là những xứ sản xuất vàng quan trọng. Các quan hệ mậu dịch phức tạp giữa các xứ nầy sẽ không chịu ảnh hưởng bởi những sở thích hay thay đổi bất thường của Quốc Hội Hoa Kỳ.

Trong thực tế, khi thế giới đang phát triển nhìn vùng Tây Đại Tây Dương đang bị khủng hoảng sâu xa, những gì họ thấy là nợ nần chồng chất của Mỹ, Cục Dự Trữ Liên Bang thoải mái in thêm tiền giấy làm  gia tăng khối tiền giấy lưu hành, và khu vực Eurozone đang bị lung lay tận gốc rễ.

Thử theo dõi dòng tiền tệ hay các phương tiện chi phó. Tạm thời, gạt ra ngoài những chế tài mới áp đặt lên Ngân Hàng Trung Ương Iran, sẽ bắt đầu có hiệu lực sau vài tháng, và làm ngơ trước các đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz (chắc khó xẩy ra vì đó là tuyến đường vận chuyển dầu xuất khẩu của chính Iran đến các thị trường), có lẽ lý do căn bản của cuộc khủng hoảng trong vùng Vịnh Ba Tư đã liên hệ đến hành động đánh chìm đồng petrodollar như  phương tiện trao đổi đa năng.

Chiến dịch đã do Iran phát động và sẽ chuyển biến thành mối âu lo của Hoa Thịnh Đốn, đang đối mặt không những với một cường quốc cấp khu vực, mà cả các cường quốc cạnh tranh quan trọng — TQ và Liên Bang Nga. Chẳng trách những động thái dồn dập của  các hàng không mẫu hạm hướng tới vùng Vịnh Ba Tư hiện nay, mặc dù đây là một cuộc đối đầu hay thử thách kỳ lạ nhất — một siêu cường quân sự đang giàn trận chống lại một cường quốc kinh tế.

Trong bối cảnh đó, tưởng cũng cần nhắc lại, vào tháng 9-2000, Saddam Hussein đã chọn đồng euro thay thế đồng petrodollar như  đơn vị chi phó đối với dầu xuất khẩu của Iraq. Tháng 3-2003, Iraq đã bị xâm lăng và thay đổi chế độ đã xẩy ra. Sau khi Muammar Gaddafi của Libya đề nghị dùng đồng dinar bằng vàng như đơn vị tiền tệ chung của Phi châu và  đơn vị chi phó cho tài nguyên năng lượng xuất khẩu của Libya, hành động can thiệp của NATO/ Hoa Kỳ và thay đổi chế độ cũng đã tái diễn.

Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn-NATO-Tel Aviv đã viết một tự truyện khác. Các “đe dọa” của Iran là trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay, ngay cả khi, trong thực tế, đó chỉ là phản ứng của Iran trước cuộc chiến che dấu không ngơi nghỉ và hiện nay, đã hẳn, cũng là cuộc chiến kinh tế.

Tự truyện của ‘Bộ Tam’ luôn là: chính các đe dọa của Iran đã khiến giá dầu tăng vọt, và vì vậy, đưa đến suy thoái kinh tế hiện nay, thay vì tư bản sòng bài của Wall Street hay các món nợ kếch sù của Hoa Kỳ và Âu châu. Tầng lớp thượng lưu 1% không dính dáng gì đến giá dầu tăng vọt, ít ra chừng nào còn có Iran đứng sẵn chịu đòn hay búa rìu dư luận, trước cơn thịnh nộ của quần chúng 99%.

Như chuyên gia năng lượng Michael Klare đã nêu rõ gần đây, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên địa-năng-lượng mới, chắc hẳn sẽ vô cùng hỗn loạn trong vùng Vịnh Ba Tư và nhiều nơi khác. Thực vậy, năm 2012  có lẽ là năm khởi đầu khi hàng loạt các quốc gia đang lần lượt từ bỏ đồng USD như phương tiện chi phó và dự trữ toàn cầu lựa chọn.

Vì nhận thức cũng là thực tại, thử tưởng tượng một thế giới thực tại – phần lớn là thế giới phương Nam toàn cầu — đang toan tính từng bước giao dịch thương mãi với đơn vị tiền tệ riêng và đầu tư ngày một ít bất cứ số thặng dư nào vào trái phiếu ngân khố Hoa Kỳ…

Đã hẳn, Hoa Kỳ luôn có thể trông cậy vào “Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh” (GCC)[15] — Saudi Arabia, Qatar, Oman, Bahrain, Kuwait và United Arab Emirates — hay theo gợi ý của Pepe Escobar, phóng viên của báo Asia Times, “Hội Đồng Phản Cách Mạng Vùng Vịnh”[16] (chỉ cần nhìn phong cách của họ trong Mùa Xuân Á Rập). Trên bình diện địa-kinh-tế-chính-trị thực tế, các Quốc Vương Vùng Vịnh chỉ là những Thống Đốc hay Tỉnh Trưởng của Mỹ. Lời hứa từ nhiều thập kỷ chỉ sử dụng đồng petrodollar đã biến họ thành một bộ phận phụ thuộc trong guồng máy quyền lực phóng chiếu của Ngũ Giác Đài trong khắp vùng Trung Đông.

Xét cho cùng, Centcom đặt cơ sở ở Qatar; Hạm Đội Thứ Năm đồn trú ở Bahrain. Trong thực tế, trong những vùng đất cực giàu về năng lượng  —  chúng ta có thể đặt tên Greater Pipelineistan và Ngũ Giác Đài đã từng gọi “vòng cung bất ổn” —  GCC vẫn còn là chìa khóa của ‘ý niệm quyền bá chủ co rút’ của Hoa Kỳ.  

Iran chỉ có thể là ‘cái răng’ trong cổ máy khổng lồ nghiền nát đồng USD như ngoại tệ dự trữ toàn cầu. Tuy vậy,  đó là ‘cái răng’ Hoa Thịnh Đốn hiện đang  chăm chú. Họ đang mang ý tưởng thay đổi chế độ trong đầu. Tất cả những gì cần thiết chỉ là một tia lửa để khởi động một hỏa hoạn.

Chúng ta hẳn còn nhớ Chiến Dịch Northwoods[17], một kế hoạch hành quân khủng bố ở Hoa Kỳ năm 1962 do Bộ Tham Mưu Liên Quân giàn dựng để đổ tội cho Cuba của Fidel Castro (nhưng T T Kennedy đã bác bỏ). Chúng ta cũng chưa quên biến cố Vịnh Bắc Việt năm 1964, được T T Lyndon Johnson sử dụng như một biện minh cho quyết định mở rộng chiến tranh Việt nam. Hoa Kỳ đã lên án tàu phóng ngư lôi Bắc Việt đã tấn công gây hấn các tàu chiến Mỹ trong hải phận quốc tế. Về sau, chúng ta được biết cuộc tấn công chưa bao giờ xẩy ra và tổng thống Johnson đã nói dối.

Cũng không quá xa thực tế khi tưởng tượng những thành phần diều hâu chủ trương ‘Thống Trị Rộng Khắp’[18]trong Ngũ Giác Đài sáng tạo một biến cố trong Vịnh Ba Tư để khai chiến hoặc dồn Iran vào tình thế có thể tính toán sai lầm tai họa.

Cũng có thể xem chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ như T T Obama vừa tiết lộ, theo đó trọng tâm chiến lược quân sự của Hoa Thịnh Đốn đã chuyển dịch từ hai cuộc chiến thất bại trong vùng Trung Đông Nới Rộng đến Thái Bình Dương (và do đó Trung Quốc). Iran nằm ngay phía giữa, trong vùng Tây Nam Á, với khối lượng dầu khổng lồ hướng đến một TQ đang đói dầu, qua tuyến đường biển do Hải quân Hoa Kỳ tuần tiểu.

Vì vậy, Iran rất có thể trở thành một sân khấu bi hài đầy kịch tính đối với TQ và đồng USD, cũng như đối với “chính trị hiểm họa vũ khí hạt nhân không hiện hữu” trong vùng Vịnh Ba Tư.

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

02-02-2012

Chú Thích: Phần lớn bài viết đã dựa trên tư liệu của Pepe Escobar, phóng viên của báo Asia Times, tác giả cuốn: Obama Does Globalistan, Nimble Books, 2009.

 


[1] …Atoms for Peace…
[2] .. a 5-megawatt, light-water type research reactor….
[3] …An aggressive successor to the Shah might consider nuclear weapons the final item needed to establis Iran’s complete military dominance of the region.
[4] The Shah of Iran is sitting on top of one of the largest reservoirs of oil in the world. Yet he’s building two nuclear plants and planning two more to provide electricity for his country. He knows the oil is running out — and time with it.
[5] Iran-Contra Affair.
[6]  …”float on a sea of oil.”
[7] Are they trying to develop a nuclear weapon? No. But we know that they’re trying to develop a nuclear capacity. And that’s what concerns us. And our red line to Iran is do not develop a nuclear weapon. That’s a red line for us.
[8] National Intelligence Estimate…
[9] U.S. Intelligence Community…
[10] …a Davutoglu-coined foreign policy of “zero problems with our neighbors.”
[11] Iran can remain in international isolation.
[12] ..the Israel-first crowd in Washington…
[13] Silk Road.
[14] National Iranian-American Council…
[15] Gulf Cooperation Council
[16] Gulf Counterrevolution Council
[17] Operation Northwood
[18] …Full Spectrum Dominance…