Siêu cường Trung Quốc: Triển vọng và thách thức

Vietsciences- Nguyễn Trường             19/05/2009

Những bài cùng tác giả

 

Ngay giữa lúc kinh tế đang suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau cuộc kinh tế đại khủng hoảng 1929-33, một trật tự thế giới mới bắt đầu lộ diện với tâm điểm dịch về phía Trung Quốc (TQ). Chỉ cần lướt qua các con số thống kê cũng đủ rõ. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) dự báo tỉ suất tăng trưởng GDP của thế giới sẽ sụt giảm xuống mức đáng ngại, 1,3% trong năm 2009. Tuy nhiên, trái với xu hướng toàn cầu, tỉ suất tăng trưởng của TQ được ước tính ở khoảng từ 6,5% đến 8,5% năm nay. Trong quý đầu của năm 2009, các thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới sụt giảm 4,5%. Ngược lại, chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải đã gia tăng với tỉ suất choáng ngợp 38%. Trong tháng 3-2009, số xe hơi bán ra ở TQ đã đạt mức kỷ lục 1,1 triệu, vượt qua Hoa kỳ trong 3 tháng liên tiếp.

Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào cho biết, mặc dù tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay cũng tạo cơ hội cho TQ 1 . Thực vậy, người ta có thể nói tai nạn sóng thần tài chánh đã đem lại cho TQ cơ may gỡ bỏ các nguyên tắc điều hướng của các lãnh đạo cải cách tiên phong. "Che giấu khả năng và chờ thời"2 , như lời dạy của nguyên lãnh tụ Đảng Cộng Sản Đặng Tiểu Bình. Thời đó đã trôi qua.

Nay cờ đã đến tay, Bắc Kinh quyết định sẽ giữ vai trò can thiệp tích cực trên diễn đàn tài chánh quốc tế. Với 2.000 tỉ ngoại tệ dự trữ trong tay, các doanh nhân TQ đã tung tiền đi tậu mãi khắp hoàn cầu, từ Phi châu, châu Mỹ La Tinh, đến Liên Bang Nga và Kazakhstan, để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế đói dầu của chính mình. Trong quốc nội, chính quyền đã đầu tư ồ ạt không những vào những công trình hạ tầng cơ sở lớn, mà cả vào mạng lưới an sinh xã hội trước đây bị bỏ quên, hệ thống bảo hiểm y tế, và các dự án phát triển nông thôn từ lâu không được chú ý - một phần để giảm bớt hố cách biệt ngày một sâu rộng trong mực sống giữa thành thị và thôn quê.

Trong giới quan sát ấn tượng với những bước tiến lớn lao của Bắc Kinh từ khi TQ tung ra gói kích cầu 585 tỉ trong tháng 9-2008, người ta đặc biệt quan tâm đến chính quyền Obama. Hoa Thịnh Đốn xem đà gia tăng liên tục trong GDP của TQ như biện pháp cứu chữa hữu hiệu đối với sự sụt giảm trong GDP của hầu hết các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, ngoại trừ Ấn Độ. Do đó, Hoa Kỳ đã quyết định từ bỏ luận cứ: khi đánh giá thấp đơn vị tiền tệ của mình - đồng yuan, TQ đang duy trì giá hàng xuất khẩu ở mức quá thấp, do đó, đặt hàng xuất khẩu của Mỹ vào vị trí bất lợi trên các thị trường quốc tế.

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA TRUNG QUỐC

Câu hỏi được đặt ra là bí quyết nào đã giúp TQ tiếp tục thành công trong khi kinh tế toàn cầu đang gặp suy thoái nghiêm trọng hiện nay?

Trước hết, hệ thống ngân hàng TQ - do Nhà Nước kiểm soát và đầy ắp tiền mặt - đã tung tiền ra cho vay, trong khi tín dụng ngân hàng ở Mỹ và Liên Hiệp Âu châu vẫn còn cạn kiệt và tắc nghẽn. Vì vậy, chi tiêu của giới tiêu thụ và đầu tư ở TQ vẫn tăng nhanh.

Dưới sự lãnh đạo của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, ngay từ khi bắt đầu chính sách cởi trói kinh tế năm 1978, TQ đã trải nghiệm nhiều thăng trầm, kể cả lạm phát, giảm phát, thoái trào, phát triển không đồng đều giữa các địa phương, và hố cách biệt giàu nghèo cũng như giữa thành thị và nông thôn ngày một sâu rộng - những nét đặc trưng dính liền với chủ nghĩa tư bản.

Khi các lãnh tụ Cộng Sản TQ, để đối phó với suy thoái, đã sử dụng cùng một số lợi khí tiền tệ, thuế khóa, tài chánh quen thuộc, như điều chỉnh lãi suất và khối tiền tệ lưu hành, họ đã gặt hái được kết quả mong muốn nhanh hơn các đối tác tư bản. Lý do chính là nhờ ở hệ thống ngân hàng, do Nhà Nước kiểm soát, đã ứng xử như những định chế nhận tiền ký thác từ số tiết kiệm cưỡng bách của mọi công nhân viên.

Thêm vào đó, luật mỗi cặp vợ chồng, một đứa con (one couple, one child), ban hành năm 1980, để kiểm soát nạn dân số bùng nổ ở TQ, cùng với sự sụt giảm nhanh chóng trong mạng lưới trợ cấp xã hội cho các công nhân viên các xí nghiệp quốc doanh, đã buộc các bậc cha mẹ phải tiết kiệm. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự sụp đổ của chương trình bảo hiểm y tế hợp tác xã nông thôn và các công xã trước đó, cũng như nhiều phụ huynh TQ không còn được bảo đảm săn sóc y tế trong tuổi già. Tất cả những bất trắc đó đã cấu thành những động lực mới thúc đẩy nhu cầu tiết kiệm. Kết quả chung cuộc là các ngân hàng đầy ngập tiền ký thác nhờ ở số tiết kiệm gia tăng.

Quan trọng không kém là sự kiện TQ gia nhập Tổ Chức Thương Mãi Quốc Tế (WTO) năm 2001, đưa đến xuất khẩu tăng vọt. Và tỉ suất tăng trưởng trung bình 12%/năm đã trở thành chuẩn mực.

Khi sự sụp đổ tín dụng ở Bắc Mỹ và Liên Hiệp Âu châu đưa đến sự sụt giảm nghiêm trọng trong ngạch số xuất khẩu của TQ, gây thất nghiệp cho hàng triệu nhân công du cư trong các đô thị kỹ nghệ duyên hải, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tập trung vào việc kiểm soát tỉ lệ thất nghiệp và duy trì mức lương cho các công nhân viên đang có việc làm. TQ ước tính tỉ suất thất nghiệp trong khu vực đô thị chỉ ở mức 4,2%, bởi lẽ số đông công nhân viên trong các công xưởng bị sa thải đã quay về các làng quê. Số còn ở lại thành phố đã được khuyến khích ghi danh vào các chương trình tái huấn luyện do chính quyền bảo trợ, khả dĩ thu thập các kỷ năng cao chuẩn bị cho những việc làm tốt hơn trong tương lai.

Trong khi đa số các lãnh đạo Tây phương chẳng thể làm được gì khác hơn là khiển trách giới quản trị ngân hàng tiếp tục bỏ túi những số tiền thưởng kếch sù mặc dù đối chiếu biểu các công ty do họ quản lý bị thâm thủng nặng nề, nhà cầm quyền TQ đã bắt buộc các cấp lãnh đạo cao cấp trong các xí nghiệp quốc doanh nòng cốt phải chấp nhận một mức lương thấp hơn, khoảng từ 15% đến 40%, trước khi được phép đụng đến mức thù đáp của công nhân.

Để duy trì tỉ suất tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, thường trực tiếp lệ thuộc vào mức tiêu thụ năng lượng của toàn quốc, giới lãnh đạo TQ đã ký nhiều hợp đồng bảo đảm các nguồn cung dầu khí và hơi đốt thiên nhiên với các công ty ngoại quốc.

AN NINH NĂNG LƯỢNG

Từ khi bắt đầu nhập khẩu dầu khí năm 1993, TQ luôn tỏ ra rất đói dầu. Cứ mỗi ba năm, số dầu nhập khẩu lại tăng gấp đôi. Vì vậy, TQ rất dễ bị thương tổn bởi các chao đảo trên thị trường dầu khí quốc tế. Dầu khí, do đó, đã được xem như sản phẩm chiến lược thuộc chính sách ngoại giao. TQ quyết định tích cực tham gia vào việc thăm dò tìm kiếm hydrocarbon và các dự án sản xuất năng lượng hải ngoại cũng như xây dựng những tuyến dẫn dầu xuyên quốc gia. Ngày nay, việc tiếp cận nhiều nguồn cung cấp và vận chuyển năng lượng khác nhau đã trở thành một chính sách thiết yếu thuộc Bộ Ngoại Giao.

Ý thức được tình trạng bất ổn ở Trung Đông, nguồn cung cấp dầu khí chính yếu, TQ đã thăm dò, tìm kiếm trữ lượng dầu và hơi đốt thiên nhiên, cùng với nhiều khoáng sản cần thiết cho các ngành công kỹ nghệ và xây cất, khắp Phi châu, Úc châu, và châu Mỹ La Tinh. Ở Phi châu, TQ tập trung vào Angola, Congo, Nigeria, và Sudan. Năm 2004, dầu nhập khẩu từ các xứ nầy chiếm khoảng 3/5 số lượng nhập khẩu từ vùng Vịnh Ba Tư.

Trong các vùng lân cận, TQ đã bắt đầu ký hợp đồng mua năng lượng với Nga, và Cộng hòa Trung Á Kazakhstan, ngay từ trước khi giá dầu sụt giảm và khủng hoảng tín dụng toàn cầu bùng nổ. Ngày nay, bị kẹt giữa giá năng lượng sụt giảm và khủng hoảng tín dụng, các công ty dầu hàng đầu và sở hữu chủ các tuyến dẫn dầu của Liên Bang Nga, mới đây, đã phải thỏa thuận cung cấp thêm cho TQ 300.000 thùng dầu mỗi ngày trong 25 năm để vay 25 tỉ từ Ngân hàng Phát triển TQ. Cũng cùng mục đích, một công ty con của Công Ty Dầu Khí Quốc Gia TQ (China National Petroleum Corp) thỏa thuận cho Kazarkhstan vay 10 tỉ USD như một phần trong công ty hợp doanh khai thác trữ lượng hydrocarbon.

TQ cũng tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình trong các khu vực nhiều dầu khí và hơi đốt ở Nam Mỹ. Trong suốt thời gian quan hệ giữa T T Venezuela Hugo Chavez và chính quyền George W. Bush ngày một xấu đi, quan hệ giữa Venezuela và TQ, ngược lại, ngày một được tăng cường. Năm 2006, trong cuộc viếng thăm Bắc Kinh lần thứ tư kể từ khi đắc cử Tổng Thống năm 1999, T T Hugo Chavez đã tiết lộ số dầu Venezuela xuất khẩu qua TQ sẽ gia tăng gấp ba sau ba năm, để đạt mức 500.000 thùng mỗi ngày. Song song với dự án nhà máy lọc dầu hợp doanh để lọc dầu Venezuela ở TQ, các công ty TQ còn ký hợp đồng xây cất hàng tá giàn khoan, cung cấp 18 tàu chở dầu, và hợp tác với PdVSA, công ty dầu quốc doanh Venezuela, để thăm dò các khu dầu mới.

Trong cuộc viếng thăm Nam Mỹ vào tháng 1- 2009 của Phó Chủ Tịch Xi Jinping, Ngân Hàng Phát Triển TQ đã thỏa thuận cho công ty PdVSA vay 6 tỉ USD để cung cấp dầu cho TQ trong vòng 20 năm tới. Sau đó, TQ đã đồng ý tăng gấp đôi qũy tín dụng phát triển lên 12 tỉ, và để đổi lại, Venezuela sẽ gia tăng số dầu cung cấp hàng ngày từ 380.000 lên một triệu thùng.

Mới đây, Ngân Hàng Phát Triển TQ cũng quyết định cho công ty dầu khí Brazil vay 10 tỉ trả bằng dầu trong những năm sắp tới. Con số nầy gần bằng số 11,2 tỉ Ngân Hàng Phát Triển Liên Mỹ (Inter-American Development Bank) cho nhiều xứ Nam Mỹ vay trong năm rồi. TQ cũng đã mở rộng sự hiện diện thương mãi tới Brazil qua việc sẵn sàng trả một mức giá hữu lợi cho quặng sắt và đậu nành, những sản phẩm xuất khẩu giúp tài trợ tăng trưởng kinh tế gần đây của Brazil.

Trong chiều hướng đó, Bắc Kinh cũng mới tăng cường sự hiện diện của mình ở Nam Mỹ qua việc dành cho Buenos Aires vay 10 tỉ đồng yuan. Argentina là một trong ba đối tác thương mãi quan trọng của TQ được dành đặc lợi nầy, bên cạnh Indonesia và Nam Hàn.

LIỆU ĐỒNG YUAN CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT THỨ TIỀN QUỐC TẾ?

Chẳng trống chẳng kèn, TQ khởi sự quốc tế hóa vai trò đơn vị tiền tệ của chính mình , bắt đầu với diễn tiến tăng cường địa vị đồng yuan ở Hồng Kông. Mặc dù chỉ là một phần lãnh thổ của TQ, Hồng Kông có một đơn vị tiền tệ riêng - đồng đô la Hồng Kông. Vì Hồng Kông là một trong số các thị trường tài chánh tự do hàng đầu của thế giới, việc giàn dựng sắp xếp của TQ sẽ làm dễ dàng quá trình quốc tế hóa đồng yuan.

Bây giờ nhìn lại, một khía cạnh quan trọng của Hội Nghị Thượng Đỉnh G-20 ở Luân Đôn vào đầu tháng 4-2009 đã xoay quanh những gì TQ đã và đang làm. TQ đã công khai phổ biến lối phân tích rốt ráo của mình về cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay và đưa ra một giải pháp táo bạo.

Trong một bài viết đặc sắc đăng trên mạng internet, Zhou Xiaochuan, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương TQ, đã nói đến các cuộc khủng hoảng tài chánh, ảnh hưởng đến toàn cầu, ngày một thường xẩy ra hơn. Vấn đề có thể truy nguyên trở lại ngày 3-3-1971, khi Tổng Thống Richard Nixon đơn phương quyết định tách đồng Mỹ kim khỏi kim bản vị. Cho đến thời điểm đó, đồng Mỹ kim có thể chuyển hoán thành vàng, tồn trữ tại Fort Knox ở Kentucky, theo một tỉ suất nhất định - 35 USD một ounce. Tỉ suất nầy đã được ấn định năm 1944, thời Đệ Nhị Thế Chiến, bởi các quốc gia đồng minh tại hội nghị Bretton Woods, New Hampshire. Cùng lúc, đồng Mỹ kim cũng được công nhận dùng làm ngoại tệ dự trữ cho toàn thế giới hay phương tiện chi phó quốc tế. Tuy nhiên, kể từ 1971, đồng Mỹ kim không còn được bảo đảm bởi bất cứ thứ gì bền vững khác hơn là uy tín của chính Hoa Kỳ 3.

Chỉ từ năm 1994 đến năm 2000, khủng hoảng kinh tế đã xẩy ra trong chín quốc gia lớn, tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu: Mexico (1994), Thái Lan-Indonesia- Malaysia- South Korea- Philippines (1997-98), Liên Bang Nga và Brazil (1998), và Argentina (2000).

Theo Zhou, khủng hoảng tài chánh đã xẩy ra khi những nhu cầu đối nội của nước có đơn vị tiền tệ được dùng làm phương tiện chi phó quốc tế xung đột với những nhu cầu tài chánh của thế giới. Chẳng hạn, trong số các biện pháp đối phó với sự mất tin tưởng sau biến cố 11/9, Cục Dự trữ Liên Bang đã cắt lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1% để khuyến khích tiêu thụ trong nước, vào đúng lúc kinh tế nhiều xứ, ngoài Hoa Kỳ, đang tăng trưởng nhanh và cần tăng lãi suất để giúp kinh tế giảm nhiệt và hạ thấp tỉ suất phát triển.

Họ Zhou viết tiếp, cuộc khủng hoảng, một lần nữa, đòi hỏi các cải cách mang tính sáng tạo trong hệ thống ngoại tệ dự trữ hiện hữu. Một đơn vị tiền dự trữ siêu quốc gia do một định chế toàn cầu quản lý có thể được sử dụng, nhằm tạo dựng và kiểm soát thanh khoản toàn cầu. Điều nầy sẽ đồng thời giúp tiết giảm đáng kể những bất trắc một cuộc khủng hoảng tương lai, và cải thiện khả năng xử lý khủng hoảng 4.

Kế đó, Zhou Xiaochuan gián tiếp nhắc đến Special Drawing Rights (SDR) của IMF. SDR mặc nhiên đã là đơn vị tiền tệ có giá trị cơ sở trên một gói bản vị gồm USD, đồng euro của Liên Hiệp Âu châu, đồng pound của vương quốc Anh, và đồng yen của Nhật, tất cả đều được xem như ngoại tệ dự trữ hay phương tiện chi phó quốc tế, với đồng USD dẫn đầu. Kể từ khi đồng SDR được sáng lập vào năm 1969, IMF đã duy trì các chương mục hay tài khoản của Quỹ căn cứ trên đồng SDR.

Họ Zhou ghi nhận, trong thực tế, đồng SDR vẫn chưa được phép làm tròn vai trò một đơn vị tiền quốc tế. Ông lập luận, nếu được cải thiện, SDR một sáng đẹp trời nào đó có thể trở thành đơn vị tiền dự trữ toàn cầu.

Ý kiến của Zhou đã được điện Cẩm Linh hỗ trợ. Liên Bang Nga còn đề nghị dùng thêm vàng như một yếu tố gia tăng tính ổn định cho gói bản vị bảo đảm giá trị của đồng SDR. Đồng ruble của Nga cũng đã được định nghĩa theo gói bản vị với 55% euro và 45% USD. Trong vòng một thập kỷ sau ngày được sáng lập, đồng euro đã trở thành đơn vị tiền dự trữ lớn thứ hai trên thế giới, chiếm gần 30% tổng số so với 67% của đồng USD.

Phản ứng đầu tiên của Bộ trưởng Ngân khố Timothy Geithner đối với bài viết của Zhou: "Gợi ý của TQ xứng đáng được cứu xét"5. Các thị trường tài chánh Mỹ, đang âu lo, đã xem phản ứng của Bộ Trưởng Ngân Khố Geithner như dấu hiệu suy yếu của đồng USD. Geithner vội vã tháo lui. Và Tổng Thống Obama nhanh chóng bồi thêm: "Tôi không nghĩ thế giới cần một đơn vị tiền tệ toàn cầu. Đồng USD hiện nay vô cùng sung sức" 6.

Trong thực tế, luôn duy trì một thái độ thận trọng quen thuộc, Zhou chưa hề nhắc đến tình trạng sức khỏe của đồng USD trong bài viết của mình, cũng chưa hề gợi ý đồng yuan cần được thêm vào gói bản vị của đơn vị tiền siêu quốc gia SDR do chính ông đề nghị. Tuy nhiên, mọi người đều thấy rõ vào một thời điểm quyết định - với các lãnh đạo thế giới gặp nhau ở Luân Đôn để tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng nhất kể sau từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-33, TQ - cho đến nay vẫn kiên nhẫn chờ đợi bên lề, mặc dù với một nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới - đã sẵn sàng cho mọi người thấy tay bài hùng hậu của mình.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Thịnh Đốn sẽ không thể vãn hồi địa vị trước đây ngay cả sau khi ra khỏi cuộc đại suy thoái hiện nay. Trong những năm sắp tới, giới lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ phải đối diện với thực tế và phải chấp nhận, dù vạn bất đắc dĩ, các địa tầng kinh tế đang chuyển dịch và Hoa Kỳ đang mất dần uy lực tài chánh bên cạnh các khu vực ngày một thịnh vượng hơn trên địa cầu, nhất là Trung Quốc.

BÀI HỌC QUÁ KHỨ

Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái với TQ. Như trong một bài viết gần đây, nhan đề "No Reform or Relief in China" (Không Có Cải Cách hay Nương Tay ở Trung Quốc), Peter Kwong đã đưa ra một quan điểm rất bi quan về thực trạng TQ. Một bài bình luận rất hấp dẫn người đọc của James Fallows trong tạp chí Atlantic gần đây cũng đã mô tả TQ có thể lợi dụng thời vận kinh tế khó khăn hiện nay để phát động chương trình Một Bước Nhảy Vọt Lớn Mới, đồng thời cũng cảnh báo nhiều vấn nạn đang chờ đợi TQ. Chúng ta còn nhớ vào thập kỷ 1980s, Nhật Bản đã được ca tụng như siêu cường kinh tế mới của hành tinh. Một tác giả còn viết cả sách: "Japan as Number One: Lessons for America" (Nhật Bản Số Một: Những Bài Học cho Hoa Kỳ).

Rất có thể TQ sẽ trở thành cường quốc số một trong tương lai với nhiều bài học cho nước Mỹ. Tuy nhiên, với nền kinh tế quá nặng về xuất khẩu, TQ hiện nay lệ thuộc sâu xa vào số phận của nền kinh tế khập khiễng của Hoa Kỳ và sức mạnh của đồng dollar. Trong khi đảng Cộng Sản TQ, với hệ ý thức cách mạng từ lâu đã biến thái, ngày nay đang duy trì vai trò lãnh đạo dựa trên nền tảng hậu-Maoist khá xa xưa: "Làm Giàu là Vinh Quang" (to get rich is glorious) - và cố nhiên, trên quyền lực cưỡng chế của Nhà Nước. Chính quyền độc đảng TQ đang được buộc chặt vào thành tích "thành công". Nhưng ai dám đoan chắc tác động của cuộc đại suy thoái toàn cầu hay khủng hoảng dài lâu của chính Hoa Kỳ!

Đã hẳn, văn minh TQ quả thực độc nhất vô nhị và rất ấn tượng. Tuy nhiên, khác với tất cả các quốc gia khác, lịch sử TQ cũng đầy dẫy những biến động dấy loạn khắp nơi của người dân nông thôn, đe dọa nhiều vương triều.

Từ giặc Khăn Vàng do lãnh tụ một phái Taoist (Lão Giáo) năm 184 A.D., đến cuộc Cách Mạng do Mao Trạch Đông lãnh đạo trong hai thập kỷ 1930s và 1940s, lịch sử cũng đã chứng kiến rất nhiều cuộc dấy loạn như thế. Chẳng hạn, cuộc dấy loạn của dân quê làm sụp đổ nhà Minh vào giữa thế kỷ 17; cuộc nổi loạn Taiping (Thái Bình Thiên Quốc: 1850-1864), do lãnh tụ một nhánh Cơ Đốc - Hong Xiuquan - cầm đầu, xuýt khuynh đảo nhà Thanh trong hai thập kỷ 1850s và 1860s (với khoảng 20 triệu thương vong). Trên một kích cỡ tương đối nhỏ hơn, còn phải kể đến cuộc dấy loạn Boxer (1898-1901, bài ngoại và bài Cơ Đốc) vào cuối thế kỷ 19, và hơn nửa thế kỷ sau, cuộc cách mạng Mao Trạch Đông.

Giới lãnh đạo TQ ngày nay hiểu rất rõ lịch sử đất nước họ. Vì vậy, không ai mấy ngạc nhiên trước các biện pháp trấn áp phái Xa Luân Công gần đây. Giới lãnh đạo cũng hiểu rõ "Làm Giàu là Vinh Quang" và "Tỉ Suất Tăng Trưởng Cao" hiện nay cũng là một thứ tôn giáo thiêng liêng của Nhà Nước. Do đó, với hơn 20 triệu nhân công du cư thất nghiệp hiện nay do đại suy thoái kinh tế toàn cầu, và trong bối cảnh lịch sử luôn xáo động bởi dân quân các vùng nông thôn hẻo lánh trong hai thiên niên kỷ vừa qua, không ai có thể hoàn toàn loại bỏ mầm móng xáo trộn xã hội tình trạng nầy có thể đem lại trong tương lai.

Đó là chưa nói đến một vài vấn nạn khác đang làm giới lãnh đạo TQ phải luôn trăn trở.

Trước hết, chính sách một con cho mỗi cặp vợ chồng không sớm thì muộn sẽ đưa đến một dân tộc già cỗi (population vieille), với hậu quả tất yếu tăng gánh nặng cho các thế hệ mai sau, và một xã hội thiếu óc sáng tạo và thiếu tin tưởng ở tương lai.

Ngoài ra, mực sống quá chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, hố cách biệt sâu rộng giữa các tỉnh duyên hải kỹ nghệ hóa và công nghệ tân tiến và các tỉnh nằm sâu trong lục địa với kinh tế kém phát triển và lạc hậu, cũng là những vấn đề nhức nhối không dễ giải quyết.

Trong mọi trường hợp, siêu cường TQ, với dân số 1.400 triệu, thịnh vượng hay khủng hoảng, vẫn luôn là cội nguồn của nhiều âu lo và trăn trở cho thế giới nói chung và các quốc gia láng giềng châu Á nói riêng.

Địa-kinhtế-chínhtrị thật trớ trêu và nghịch lý!

© GS Nguyễn Trường

Irvine, CA, USA

Ngày 14-5-2009


[1] Despite its severe impact on China's economy, the current financial crisis also creates opportunity for the country.

[2]  Hide your capability and bide your time.

[3] Xin xem thêm bài Thế Giới Đơn Cực, Luật Quốc Tế và Toàn Cầu Hóa, Nguyễn Trường, tháng 5-2006, Vietsciences.free.fr.

[4] The (present) crisis called again for creative reform of the existing international reserve currency. A super-sovereign reserve currency managed by a global institution could be used to both create and control global liquidity. This will significantly reduce the risks of a future crisis and enhance crisis management capability.

[5] China's suggestion deserves some consideration.

[6] I don't think there is need for a global currency. The dollar is extraordinarily strong right now.

 

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường