Thập kỷ 2000s: Vài vấn đề thời sự

Vietsciences- Nguyễn Trường     11/07/2009
  

Những bài cùng tác giả

Khuynh hướng ngày một độc lập hơn của Á châu, Âu châu và châu Mỹ La Tinh đã là mối âu lo của giới hoạch định chính sách Hoa Kỳ kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Viễn ảnh  một trật tự thế giới tam cực - Á châu, Âu châu, Bắc Mỹ - ngày một rõ nét hình như đang đe dọa "Thế kỷ và Biệt lệ của Hoa Kỳ", nhất là hiện nay siêu cường duy nhất đang lún sâu vào vũng lầy Trung Đông và khủng hoảng tài chánh.

Á CHÂU NGÀY MỘT ĐỘC LẬP 

Đối với Hoa Thịnh Đốn, sự kiện hội nhập khu vực ở Á châu và Âu châu và quan hệ ngày một thắt chặt giữa hai khối là bằng chứng một thế giới đang dần dà thoát khỏi tầm kiểm soát của Hoa Kỳ. Ngoài ra, năng lượng vẫn luôn là một thách thức khắp thế giới.

Không như Âu châu, Trung Quốc (TQ) ngày một ít nể nang Hoa Thịnh Đốn, và là lý do đưa đến một tình trạng lưỡng nan cho người Mỹ. Sau vài bước đối kháng, Hoa Kỳ lại vấp phải trở ngại từ phía tập đoàn các đại công ty lệ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu cũng như số ngoại tệ dự trữ khổng lồ và ngày một gia tăng của TQ.

 Quốc vương Saudi Arabia, Abdullah

Theo báo Wall Street Journal, cuộc viếng thăm Bắc Kinh của quốc vương Saudi Arabia, Abdullah, tháng 1-2006, đã mở đầu thời kỳ hợp tác ngày một chặt chẽ giữa hai xứ trong địa hạt dầu khí, hơi đốt và đầu tư.

Từ lâu, Iran đã bán dầu khí cho TQ, và TQ đã cung cấp cho Iran vũ khí cần thiết để phòng ngừa ý đồ của Hoa Kỳ.

Ấn Độ cũng có nhiều lựa chọn. Ấn có thể trở thành một khách hàng của Mỹ , hoặc gia nhập khối Á châu đang hình thành, độc lập hơn, và có nhiều quan hệ với các xứ giàu năng lượng Trung Đông.

Siddarth Varadarjan, phó biên tập báo Hindu, nhận xét: nếu thế kỷ 21 là thế kỷ của Á châu, thế thụ động của Á Châu trong địa hạt năng lượng phải chấm dứt[1].

Hợp tác Trung-Ấn giữ vai trò then chốt. Theo Varadarjan, thỏa ước tháng 1-2006, ký ở Bắc Kinh, đã mở đường cho Ấn Độ và TQ hợp tác không những về kỹ thuật mà cả trong việc thăm dò và sản xuất dầu khí, một diễn biến rất có thể làm thay đổi thế quân bình căn bản về dầu khí và hơi đốt thiên nhiên trên thế giới.

Một sáng kiến đang manh nha khác của khối BRIC - gồm Brazil, Russia, India và China - là khả năng thiết lập một thị trường dầu khí Á châu, dựa trên đồng Euro như  ngọai tệ dự trữ, với tác động đáng kể lên hệ thống tài chánh và cán cân quyền lực toàn cầu.

Vì vậy, không ai ngạc nhiên, trong bối cảnh đó, T T George W. Bush đã quyết định viếng thăm Ấn Độ, cố giữ Ấn trong quỹ đạo ảnh hưởng, qua thỏa ước hợp tác nguyên tử và nhiều hứa hẹn cám dỗ khác.

HỢP TÁC NGUYÊN TỬ ẤN-MỸ

Ngày 18-12-2006, sau khi được đa số trong Quốc Hội ủng hộ, T T Bush đã ký ban hành Luật Hợp Tác Năng Lượng Nguyên Tử Hòa Bình Ấn-Mỹ[2].

 Điểm then chốt của đạo luật là cho phép Ấn Độ khai triển vũ khí hạt nhân bên ngoài giới hạn Thỏa Ước Cấm Phổ Biến Nguyên Tử (Nuclear Non-Proliferation Treaty - NPT). Luật mới cũng dành cho Ấn Độ sự hỗ trợ trong các chương trình nguyên tử và nhiều tưởng thưởng khác.

Theo phúc trình của chuyên gia vũ khí hạt nhân Gary Milhollin, như thường lệ, sáng kiến của Bush mang tính đơn phương, chẳng cần bận tâm tới các đòi hỏi thông báo và phối hợp với các định chế quốc tế được thiết lập nhằm chận đứng sự lan tràn vũ khí nguyên tử và các hệ thống phóng tải: Nhóm Cung Cấp Nguyên Tử (Nuclear Suppliers Group), và Chế Độ Kiểm Soát Kỹ Thuật Tên Lửa (Missile Technology Control Regime).

Thỏa Ước Mỹ-Ấn vi phạm nguyên tắc chính yếu của cả hai định chế: tính trung lập của thành viên (country neutral). Như vậy, theo Milhollin, Hoa thịnh Đốn đã gián tiếp mời mọc các thành viên khác hành động tương tự, có lẽ bằng cách đơn phương thỏa hiệp với Iran hay Pakistan hay một xứ nào khác tùy ý. Sáng kiến mới của Hoa Thịnh Đốn, trong thực tế, đã làm suy yếu các biện pháp ngăn ngừa chiến tranh nguyên tử, và do đó, rất có thể  khiến một vụ nổ hạt nhân sớm xẩy ra làm tiêu hủy một thành phố của Mỹ[3].

Như nguyên ngoại trưởng Rice đã thú nhận, lý do là làm dễ dàng việc xuất khẩu của các công ty Mỹ. Sản phẩm chính là phi cơ quân sự. Thông điệp là đối với Hoa Kỳ, kiếm tiền - hay nói rõ hơn,  lợi nhuận của các đại công ty Hoa Kỳ - còn quan trọng hơn cả nhu cầu kiểm soát xuất khẩu.

Sau đó ít lâu, theo tin tức báo chí, TQ và Ấn Độ cũng đã ký kết nhiều thỏa ước tương tự, cho phép Ấn tiếp cận các kỹ thuật cao về hạt nhân, trước đây bị từ chối. Một viên chức Ấn tiết lộ, thỏa ước giúp Ấn Độ giữ được khoảng cách đồng đều giữa Mỹ và TQ. Ngược lại, dưới mắt người TQ, thỏa ước giúp phát triển sự hợp tác Nga-Trung-Ấn như một đối trọng với thế bá quyền toàn cầu của Hoa Kỳ.

Thủ Tướng Ấn Manmohan Singh, Michael Krepon

Cùng lúc, Thủ Tướng Ấn Manmohan Singh tuyên bố trước Nghị Viện "không có việc cho phép các thanh tra Mỹ lục soát các cơ sở nguyên tử của chúng ta"[4], và Bộ Trưởng Ngoại Giao Pranab Mukerjee còn nói thêm "chúng ta không cho phép bất cứ sự dòm ngó hoặc can thiệp nào từ bên ngoài vào chương trình chiến lược"[5], ý muốn nói, khai triển và thử nghiệm các vũ khí hạt nhân.

Tính nghiêm trọng của các động thái vừa nói còn được nhấn mạnh bởi Michael Krepon, đồng sáng lập viên Trung Tâm Henry J. Stimson, và chuyên gia hàng đầu   giảm thiểu tai họa hạt nhân. Krepon viết, ngày nay Hoa Kỳ đã cho phép Ấn Độ tự do hành động ngoài vòng kiểm soát hạt nhân, nhiều xứ khác cũng sẽ sẵn sàng lợi dụng quyền nầy[6].

Hành động đơn phương của Hoa Kỳ trong việc không áp dụng các quy luật toàn cầu trong địa hạt mua bán nguyên tử là một việc làm chưa có tiền lệ. Nếu các xứ có tiềm năng thủ lợi trong Nhóm Các Nhà Cung Cấp Hạt Nhân - năm xứ hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ - noi gương Hoa Kỳ và đặt lợi nhuận trên cả nhu cầu cấm phổ biến hạt nhân, NPT một lần nữa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Krepon kết luận, nói một cách ngắn gọn, khi kiểm soát xuất khẩu không còn hữu hiệu, NPT cũng cùng số phận. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Bush xem thỏa ước Mỹ-Ấn như một phân bộ quan trọng trong di sản của họ. Thật không may, rất có thể họ đúng"[7].

 

Bắc Hàn và Thỏa Ước Cấm Phổ Biến Nguyên Tử (Nuclear Non-Proliferation Treaty - NPT)

Trong khi Hoa Kỳ đang tìm cách áp đặt một trật tự và chính quyền mới ở Iraq phù hợp với quyền lợi của mình, một cuộc khủng hoảng khác bùng nổ ở Bắc Triều Tiên.

Trong "trục ma quỷ" của Bush, Bắc Hàn là thành viên nguy hiểm nhất. Lý do: Bắc Hàn có đủ phương tiện tự vệ, vì vậy, không đáp ứng tiêu chí đầu tiên để trở thành mục tiêu chính đáng của Mỹ. Bắc Hàn đã thí nghiệm bom nguyên tử và hỏa tiễn tầm trung thành công, và có thể cả hỏa tiễn tầm xa trong một tương lai rất gần.

Bắc Hàn, do đó, đã gây nhiều âu lo cho các nhà hoạch định chiến lược Mỹ.

Tháng 10-2002, Hoa Kỳ lên án Bắc Triều Tiên đã bí mật khởi đầu chương trình làm giàu uranium, vi phạm thỏa ước 1994. Từ đó, chiến lược nguyên tử đã khiến nhiều nhà quan sát nhớ lại kinh nghiệm Khủng Hoảng Tên Lữa Cuba năm 1962. Hoa Thịnh Đốn đã dạy cho thế giới một bài học ghê tởm: muốn tự vệ đối với Mỹ, phương cách tốt nhất cho một quốc gia là bắt chước Bắc Hàn và phải có đủ sức đưa ra một đe dọa quân sự khả tín.

Bắc Hàn cũng không đáp ứng tiêu chí thứ hai để trở thành mục tiêu của Mỹ: Bắc Hàn là nước nghèo khổ nhất thế giới.

Nhưng Bắc Hàn, với vị trí chiến lược quan trọng, có thể bị Hoa Kỳ tấn công nếu các răn đe quân sự của Bắc Hàn có thể bị khống chế. Bắc Hàn nằm trong vùng Đông Bắc Á, một vùng đang thách thức mộng bá chủ toàn cầu của Hoa Thịnh Đốn.

Suốt trong hơn 30 năm qua,  ba trung tâm kinh tế toàn cầu đang dần dà trỗi dậy: Âu châu, Bắc Á, và Hoa Kỳ, trong hình thức một thế giới tam cực mới.

Trên bình diện quân sự, Hoa Kỳ giữ một vị trí riêng biệt duy nhất. Nhưng trên nhiều phương diện khác, cả ba trung tâm đang cạnh tranh quyền lực mặc dù vẫn duy trì nhiều quan hệ chồng chéo, đan xen phức tạp, và cùng chia sẻ nhiều quyền lợi của giới nhà giàu.

Một nghiên cứu của Nhóm Đặc Nhiệm Chính Sách Triều Tiên của Hoa Kỳ, dưới sự hướng dẫn của  Selig S. Harrison trong những năm đầu thập kỷ 2000s và do Trung Tâm Chính Sách Quốc Tế ở Hoa Thịnh Đốn và Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Á ở Chicago tài trợ, đã phân tích các vấn đề vùng Đông Bắc Á và thế giới đang phải đối diện.

Tính đến 2007,  Đông Bắc Á là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, chiếm trên 30% GDP toàn cầu so với 19% của Mỹ, và trên 50% số ngoại tệ dự trữ toàn cầu. Quan hệ thương mãi giữa Âu châu và Hoa Kỳ với vùng Ðông Bắc Á nhiều hơn là giữa hai châu lục với nhau.

Đông Bắc Á bao trùm ba cường quốc kỹ nghệ: Nhật Bản, Nam Hàn, và TQ - hiện đã là siêu cường số hai trên thế giới. Siberia giàu tài nguyên thiên nhiên, kể cả dầu khí. Mậu dịch trong vùng ngày một gia tăng, cũng như quan hệ thương mãi với các quốc gia Đông Nam Á - khối ASEAN+3: Nam Hàn, Nhật Bản và TQ.

Các tuyến dẫn dầu nối liền các trung tâm tài nguyên, như Siberia, đến các trung tâm kỹ nghệ. Một số tuyến dẫn dầu chạy xuyên qua Bắc Hàn đến Nam Hàn, và tuyến Đường Sắt Xuyên-Siberian có thể nối dài theo trục tuyến dẫn dầu.

Phản ứng của Hoa Thịnh Đốn trước sự kiện hội nhập Đông Bắc Á còn mập mờ. Hoa Kỳ e ngại các khu vực hội nhập như Âu châu hay Đông Bắc Á có thể theo đuổi một đường lối độc lập hơn, và trở thành -  như thường được gọi trong thời chiến tranh lạnh - "lực lượng thứ ba".

Nhóm Đặc Nhiệm Chính Sách Triều Tiên của Hoa Kỳ khuyến cáo Hoa Thịnh Đốn nên tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Bắc Hàn - một tiến trình bắt đầu một cách ngập ngừng từ thời Clinton - bảo đảm an ninh cho một Bắc Hàn phi nguyên tử, cổ súy hòa giải giữa Nam-Bắc Hàn, và thu hút Bắc Hàn vào một liên minh kinh tế với các xứ láng giềng. Những tác động hỗ tương như vậy có thể đẩy nhanh các cải cách kinh tế ở Bắc Hàn, sớm đưa đến tản quyền kinh tế, mở màn cho quá trình cởi mở chính trị và giảm thiểu các vi phạm nhân quyền.

Những chính sách trên dễ thích ứng với sự đồng thuận trong khu vực. Nhóm đặc nhiệm lập luận, chính sách thay thế đối nghịch, theo chiến lược chiến tranh phòng ngừa Bush-Rumsfeld, rất dễ dẫn đến một cuộc chiến không ai mong muốn giữa khu vực Đông Bắc Á và Hoa Kỳ.

Một chính sách ôn hòa hơn có thể khuyến khích Đông Bắc Á, cũng như Âu châu, theo đuổi một đường lối độc lập hơn, một đường lối, tuy vậy,  khiến Hoa Kỳ khó lòng duy trì một trật tự thế giới trong đó các nước khác phải tôn trọng chỗ đứng của riêng mình.

Lệ thuộc năng lượng là yếu tố giữ vị trí trung tâm trong các tác động hỗ tương vừa nói. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, các nhà hoạch định Mỹ luôn tìm cách kiểm soát tài nguyên dầu khí Trung Đông như một đòn bẩy để kiểm soát thế giới. Ý thức được cùng những sự kiện thực tế, Âu châu và các cường quốc Á châu đang lên cũng tìm kiếm tài nguyên riêng cho mình - theo lối nói của George Kennan - độc lập với quyền phủ quyết của Mỹ đang kiểm soát các nguồn cung cấp năng lượng và các đường vận chuyển hàng hải. Phần lớn các xung đột về Trung Đông và Trung Á đã phản ảnh các ưu tư vừa nói.

Từ lâu, Hoa Kỳ luôn phản ứng mạnh mẽ đối với các thách thức tương đối thành công của vài quốc gia trong thế giới thứ ba. Cuba là một thí dụ điển hình. Thực vậy, Cuba luôn tìm kiếm một đường lối phát triển độc lập, dành ưu tiên cho nhu cầu quốc nội, hơn là giới đầu tư nước ngoài và các nhà hoạch định Mỹ.

Hơn bao giờ hết, đối với Hoa Thịnh Đốn, âu lo chính ngày nay còn luôn liên quan đến trung tâm công kỹ nghệ của các đại cường, khi thế tam cực của trật tự kinh tế thế giới đang lộ diện dưới nhiều hình thức mới.

Cuộc xâm lăng Iraq là một hành động điển hình, chứng minh cho thế giới chính quyền Bush đang quyết tâm theo đuổi chủ thuyết tùy tiện dùng vũ lực để khẳng định bá quyền của mình và không chấp nhận bất cứ thách thức tiềm tàng nào và từ đâu đến.

Bạo lực là khí cụ kiểm soát hữu hiệu,  như lịch sử đã nhiều lần minh chứng. Nhưng bá quyền cũng luôn đưa đến những vấn nạn tiến thối lưỡng nan.

Quyết định của T T Obama về Bắc Hàn bắt nguồn từ sự tái thẩm định mục tiêu thầm kín của Bắc Hàn, hoàn toàn khác với các tổng thống trước đây. Tiến trình thương thảo không mấy nghiêm chỉnh trong suốt 16 năm qua - đánh dấu bởi hai lần khủng hoảng 1994 và 2003 - đều cơ sở trên giả thuyết: Bắc Hàn rồi ra cũng từ bỏ chương trình nguyên tử của họ.

Sự tái thẩm định của chính quyền Obama đã đi đến kết luận trái ngược: Bắc Hàn không có ý định từ bỏ chương trình nguyên tử phòng ngừa để đổi lấy thực phẩm, nhiên liệu, và các bảo đảm an ninh. Các phụ tá của Obama cho biết, trong khi sẵn sàng cùng các quốc gia láng giềng trong khu vực thảo luận với Bắc Hàn hoặc trực tiếp thương thuyết tay đôi, tân tổng thống sẽ không chấp nhận giải pháp tháo gỡ từng bước các cơ sở hạt nhân của Bắc Hàn. Họ tiết lộ: có nhiều cách bất khả phản hồi để đạt mục tiêu, nhưng không cho biết chi tiết.

Trong thực tế, Bắc Hàn đã rút lại lời hứa tháo gỡ các cơ sở hạt nhân như đã thỏa thuận trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Bush.

Trong những tuần lể trước và sau cuộc thí nghiệm nguyên tử lần thứ hai 25-5-2009, Bắc Hàn đã nhiều lần phủ nhận là đã cam kết từ bỏ vũ khí nguyên tử, và tuyên bố sẽ không bao giờ khuất phục trước các đòi hỏi của Hoa Kỳ và đồng minh, hay LHQ. Bắc Hàn còn cho biết, cùng với số plutonium hiện hữu, sẽ tái biến chế số nhiên liêu hạt nhân phế thải tồn kho thành plutonium, đủ để sản xuất từ 6 đến 8 bom hạt nhân.

Việc loan báo mới đã làm gia tăng lo ngại bước kế tiếp của Bắc hàn - bán các kỹ thuật hạt nhân và tên lữa, một trong số ít xuất khẩu đem lại nhiều lợi nhuận.

Kết quả: ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ, Obama đã chuẩn bị một số biện pháp  chống lại Bắc Hàn theo chiều hướng của Bush, Cheney, và phái Tân bảo thủ trước đây.

Theo lời các phụ tá,  đường lối mới sẽ khai thác các quyết nghị của Hội Đồng Bảo An LHQ nhằm đóng cửa các công ty con của Bắc Hàn sản xuất tên lữa ở TQ, Nam Á, và Trung Đông, những khách hàng lớn của Bắc Triều Tiên.

Theo Thomas Graham, nguyên đặc phái viên Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề kiểm soát và tài giảm vũ khí cũng như cấm phổ biến hạt nhân, NPT chưa bao giờ suy yếu hơn hoặc đối diện với một tương lai bất định hơn. Graham cảnh cáo: nếu NPT thất bại, "một thế giới sống trong ác mộng nguyên tử"[8] rất có thể trở thành sự thật.

Cũng như nhiều nhà phân tích khác, Graham công nhận đe dọa chính đối với NPT là chính sách của Mỹ, mặc dù các cường quốc nguyên tử khác cũng có phần trách nhiệm.

Điều VI của Thỏa Ước quy định, các cường quốc nguyên tử cam kết sẽ tích cực tìm cách loại bỏ vũ khí nguyên tử. Trong thực tế, chẳng có quốc gia nào làm tròn trọng trách. Chính quyền Bush còn trắng trợn hơn, tuyên bố Hoa Kỳ không chấp nhận điều VI - nòng cốt của NPT, và hiện đang tìm cách khai triển các vũ khí nguyên tử mới.

Điều nầy phù hợp với lập trường xấc láo của Bolton: "Khi Hoa Kỳ lãnh đạo, LHQ sẽ phải nghe theo. Khi quyền lợi của chúng tôi đòi hỏi, chúng tôi sẽ làm như thế. Khi không phù hợp với quyền lợi của chúng tôi, chúng tôi sẽ không làm"[9].

John Bolton đã một lần được bổ nhiệm làm đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh LHQ, một sự nhục mạ có tính toán đối với Âu châu và thế giới.

Viết trên International Affairs, tạp chí của Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Quốc Tế Hoàng Gia Anh, số tháng 1-2005, Michael McGuire, một  chuyên gia của NATO, đã cảnh báo: trong các chính sách hiện nay, "một cuộc chiến nguyên tử là một điều không thể tránh. So với hiện tượng hâm nóng toàn cầu, phí tổn loại bỏ các vũ khí nguyên tử rất bé nhỏ. Nhưng kết quả tai họa của chiến tranh nguyên tử toàn cầu vượt xa hậu quả của hiện tượng thay đổi khí hậu tiệm tiến, bởi lẽ tác động tức thì và không thể tiết giảm của nó. Điều éo le là chúng ta có khả năng loại bỏ hiểm họa chiến tranh nguyên tử toàn cầu, nhưng không thể tránh khỏi hiện tượng hâm nóng toàn cầu[10]".

Nhà nước khủng bố và các hình thức đe dọa và sử dụng bạo lực đã đưa thế giới đến  bờ thảm họa nguyên tử. Liệu LHQ có đủ khôn ngoan đáp ứng lời kêu gọi của Bertrand Russell và Albert Einstein 50 năm trước đây: "Đây là vấn đề chúng tôi  trình bày với quý vị, trần trụi, đáng gờm và không thể tránh:  Liệu chúng ta sẽ đưa nhân loại đến diệt vong, hoặc liệu nhân loại sẽ từ bỏ chiến tranh?"[11].

 

QUỐC GIA NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT

Ngày 25-5-2009, Bắc Hàn thử nghiệm bom nguyên tử lần thứ hai dưới lòng đất, hai năm rưởi sau lần đầu. Obama nhanh chóng tố cáo cuộc thử nghiệm "như một đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của thế giới"[12]. Ông còn nói thêm "hành động của Bắc Hàn đã diễn ra ngay trước mặt các quyết nghị của LHQ và cần được quốc tế cô lập hóa sâu xa hơn"[13].

Gần bốn tháng trước, Obama chẳng có gì để nói khi vào ngày 2 hoặc 3-02-2009,  một tai nạn giữa hai tiềm thủy đỉnh nguyên tử - một của Anh, một của Pháp - có trang bị tên lữa hạt nhân, đã xẩy ra giữa Đại Tây Dương. Khác với Bắc Hàn đã  thông báo cuộc thử nghiệm ngay sau đó với thế giới, Anh và Pháp chẳng nước nào hé môi. Hoa kỳ cũng thế. Ngày 16-02-2009,  báo Sun ở Anh, do Murdoch sở hữu, tiết lộ tai nạn đụng tàu. Lúc đó, và chỉ lúc đó, một quan chức Anh quốc dấu tên mới cho biết "khả năng ngăn ngừa của tiềm thủy đỉnh Vanguard vẫn nguyên vẹn, và an toàn nguyên tử cũng không bị hề hấn"[14]. Sứ mạng của cả hai tiềm thủy đỉnh - ngăn ngừa ai và ngăn ngừa những gì - chẳng được tiết lộ..

Bộ Quốc phòng Pháp, trong một tuyên bố vắn tắt ngày 6-02-2009, chỉ tiết lộ tiềm thủy đỉnh Le Triomphant đã chạm phải "một vật chìm (có lẽ một container)" trên đường tuần tiểu trở về, gây hư hại cho phía mũi của vòm chứa sonar dò vật cản. Người Pháp không xác nhận ngày xẩy ra tai nạn và cũng chẳng nhắc gì đến tiềm thủy đỉnh của Anh. Tàu Vanguard cũng chạy được về bến cảng xuất phát , hư hại khá nhiều. Tàu Le Triomphant cũng được một tàu chiến hộ tống về căn cứ ở bờ biễn phía Tây nước Pháp. Không ai có thể tin bất cứ điều gì do chính phủ Anh hoặc Pháp tường trình.

Sau khi trở thành tổng thống, Sarkozy đã đọc bài diễn văn đầu tiên về quốc phòng nhân dịp  hạ thủy tiềm thủy đỉnh mới Le Terrible với lời đe dọa đối với Iran. Kỷ niệm 10 năm làm thủ tướng, Blair cũng đã thông báo một số tiềm thủy đỉnh mới trang bị tên lữa Trident, đặc biệt nhắc đích danh Bắc Hàn.

Tại Cairo, Obama nhiệt thành tuyên bố: "Không một quốc gia nào có thể chọn lựa xứ nào có quyền sở hữu vũ khí nguyên tử" cùng lúc cảnh cáo Iran "khi nói đến vũ khí nguyên tử , chúng tôi đã đi đến điểm quyết định"[15]. Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng úp mở khi lên kênh truyền hình ABC mập mờ thảo luận về "hậu quả và cái giá phải trả"[16] nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân, và giả thuyết  một cuộc tấn công của Mỹ, ngay cả "một cuộc tấn công phủ đầu" (a first strike).

Trong khi đó, họ vẫn gọi Bắc Hàn là một "quốc gia ngoài vòng pháp luật" (a rogue nation)!

ĐẢO CHÁNH QUÂN SỰ Ở HONDURAS

Ngay từ thời T T Ronald Reagan, Hoa Kỳ đã duy trì ở Honduras một phái bộ ngoại giao lớn thứ hai ở châu Mỹ La Tinh và một cơ sở CIA lớn nhất toàn cầu - mặc dù Honduras không phải là trung tâm quyền lực thế giới. Lý do rất dễ hiểu: Tòa Đại Sứ và CIA không những có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người Mỹ ở Honduras, mà còn duy trì và bành trướng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong toàn khu vực Trung và Nam Mỹ.

Trách nhiệm nầy giờ đây vô cùng quan trọng với cuộc đảo chánh quân sự ở Honduras hôm 28-6-2009.

Ngày 29-6-2009, phóng viên Elisabeth Malkin tường thuật trên báo The New York Times, T T Honduras, Manuel Zelaya, cánh tả và liên minh với T T Venezuela, Hugo Chavez, đã bị quân đội lật đổ hôm chủ nhật (28-6-2009), sau nhiều tháng căng thẳng do  vận động chuẩn bị trưng cầu dân ý về việc bải bỏ hạn chế nhiệm kỳ tổng thống duy nhất  4 năm.

Chiều chủ nhật, Quốc Hội Honduras bỏ phiếu chọn chủ tịch quốc hội, Roberto Micheletti, thay thế Zelaya trong chức vụ tổng thống.

Jose Miguel Insulza,  Bertrand Russell (nhà toán học kiêm triết gia)

Jose Miguel Insulza, tổng thư ký Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ - (Organization of American States OAS) - ra tuyên bố kêu gọi phục hồi chức vụ T T Zelaya và nhấn mạnh sẽ không thừa nhận bất cứ chính quyền nào khác.

Manuel Zelaya

T T Obama cho biết ông rất lo ngại và kêu gọi các quan chức Honduras tôn trọng các chuẩn mực dân chủ, luật pháp và các nguyên tắc trong Hiến Chương Dân Chủ Liên Mỹ (Inter-American Democratic Charter).

Ngày 30-6-2009, trong khi chính phủ mới của Honduras bác bỏ lời kêu gọi của thế giới phục hồi T T Zelaya và đụng độ với hàng nghìn người biểu tình phản đối, T T Obama cực lực lên án việc truất phế tổng thống Honduras như một cuộc đảo chánh phi pháp. Obama tuyên bố: "Chúng tôi không muốn trở lại một quá khứ đen tối. Chúng tôi luôn hậu thuẫn dân chủ"[17].

Thế giới đều biết Hoa Kỳ đã từng ủng hộ các phe nhóm chính trị cạnh tranh và đạo diễn nhiều cuộc đảo chánh trong khu vực.

Hoa kỳ cũng đang duy trì những liên hệ mật thiết với giới quân sự Honduras và giúp huấn luyện lực lượng quân sự của xứ nầy. Các quan chức trong chính phủ Obama thú nhận,  trước ngày đảo chánh người Mỹ đã biết giới quân sự đang thảo luận phương cách truất phế tổng thống, bắt giữ ông ta, và dựa vào thế lực nào để làm việc đó, nhưng không nghe nói đến đảo chánh.

Trong khi đó, OAS lên án nặng nề hành động truất phế T T Zelaya, và ra tối hậu thư cho chính phủ mới: Trừ phi Zelaya được phục hồi chức vụ trong vòng 72 tiếng đồng hồ, tư cách thành viên của Honduras sẽ bị OAS đình chỉ[18].

Ngày 2-7-2009, các quan chức trong chính quyền Obama cho biết, mặc dù có những quan hệ rộng rãi với quân đội và chính quyền Honduras, Hoa Kỳ ủng hộ OAS tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Theo họ, trong thế kỷ 21 những cuộc đảo chánh kiểu nầy không thể kéo dài. Đối với một xứ như Honduras, thật là một điều khó khăn giữ vững lập trường trước sự bác bỏ mạnh mẽ của  thế giới, nhất là của toàn khu vực và các đối tác thương mãi quan trọng[19].

 

 

Ngân Hàng Thế Giới tuyên bố sẽ ngưng số 270 triệu mỹ kim đã được chấp thuận cho Honduras, một trong những xứ nghèo khó trong vùng, và hoãn thi hành bất cứ dự án mới nào cho đến khi cuộc khủng hoảng được giải quyết. Ngân Hàng Phát Triển Liên Mỹ cũng đã đình chỉ mọi chương trình ở Honduras.

Gọi sự lật đổ Zelaya là một cuộc đảo chánh lỗi thời, Insulza, Tổng Thư Ký OAS cho biết: "Chúng ta cần nói rõ những cuộc đảo chánh quân sự sẽ không được chấp nhận. Chúng tôi nghĩ chúng ta đang sống trong kỹ nguyên khi các cuộc đảo chánh quân sự không thể xẩy ra ở bán cầu nầy". OAS xem đây là "một sự sửa đổi bất hợp hiến trật tự dân chủ"[20].

Tuy nhiên, một quan chức chính quyền Hoa Kỳ cho biết, trưng cầu dân ý là một ý tưởng xấu. Nước Mỹ, hiện cung cấp hàng triệu USD viện trợ cho Honduras, là quốc gia châu Mỹ duy nhất không rút đại sứ khỏi Honduras và tỏ ra ngần ngại áp dụng các biện pháp chế tài.

Lập trường bất nhất của Hoa Kỳ trong vụ đảo chánh xem ra không mấy hợp lý. Thái độ lúng túng phản ảnh tình huống trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Trong nội bộ chính quyền Mỹ,  hình như tay trái - T T Obama - không hay biết tay phải - guồng máy quân-sự-kỹ-nghệ - đang làm gì.

Cũng như trong vụ biến động hậu bầu cử hồi đầu tháng ở Iran, vụ đảo chánh ở Honduras chắc sẽ đem lại cho các quốc gia Á, Phi,Trung Đông, và Tây Bán Cầu nhiều bài học quý giá trong những tháng năm sắp tới. 

TRÍ THỨC VÀ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI

Hai vấn đề cần được phân tích trong phạm trù nầy: trách nhiệm của giới trí thức và văn hóa của đế quốc.

Cụm từ trách nhiệm của trí thức xóa mờ ranh giới giữa hai từ: "phải""là"[21].

Từ "phải" hàm chứa, trách nhiệm của trí thức cũng giống trách nhiệm của bất cứ một người phải chăng nào khác, mặc dù nặng nề và thanh cao hơn: đặc quyền đem lại cơ hội, cơ hội đem lại trách nhiệm tinh thần. Theo Hans Morgenthau (1970 - thời kỳ tư tưởng đã có khuynh hướng chỉ trích), người sáng lập ra lý thuyết quan hệ quốc tế, chúng ta thường lên án trí thức trong các chế độ độc tài luôn "ngoan ngoản phục tùng nhà cầm quyền"[22].

Ở đây, Morgenthau không ám chỉ các chính ủy trong các chế độ thù nghịch. Ông muốn nói đến các vị trí thức tồi tệ phương Tây, vì lẽ họ không thể tự bào chữa với lý do sợ hải, mà vì thái độ hèn nhát, qụy lụy trước quyền lực. Morgenthau  đang mô tả cái "gì" (what "is"), và không mô tả cái "phải là" (what "ought" to be).

Khi lịch sử trí thức được viết bởi trí thức, cố nhiên trí thức được phác họa như những kẻ chính trực luôn can trường bảo vệ lẽ phải và công lý, bảo  vệ những giá trị cao cả, và đối đầu với quyền lực và ác quỷ. Thực tế thường đem lại một hình ảnh rất khác.

Những tín điều nền tảng của quyền lực nhà nước luôn mang tính cao quí, khả tín, mặc dù đôi khi sai lầm hay thất bại đáng được lên án. Sự thật thông thường nầy đã được T T John Adams nhắc lại cách đây hai thế kỷ: "Người cầm quyền luôn nghĩ mình có một tâm hồn vĩ đại và tầm nhìn rộng lớn những kẻ yếu hèn không thể hiểu"[23]. Đó chính là gốc rễ sâu xa của sự tàn bạo và tự tôn thẩm thấu tinh thần đế quốc, và một chừng mức nào đó, mọi cơ cấu quyền lực và trấn áp.

Sự sùng kính "tâm hồn thanh cao của Nhà Nước" là lập trường bình thường của giới thượng lưu trí thức, luôn tin tưởng chỉ có họ mới là người xứng đáng cầm cân nẩy mực, hay ít ra gần gũi quyền lực.

Theo một nghiên cứu của Ủy Hội Tay Ba (Trilateral Commission) gồm các học giả quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Âu châu và Nhật Bản, cách nhìn nầy phân biệt hai hạng trí thức: "trí-thức-kỹ thuật- và-chính- sách"[24] có tinh thần trách nhiệm, ôn hòa và xây dựng, và "các trí- thức- giá- trị"[25] có khuynh hướng nghi ngờ dân chủ vì họ luôn coi thường lãnh đạo, thách thức nhà cầm quyền, và vạch mặt trái các định chế truyền thống. Họ nghiên cứu cuộc khủng hoảng dân chủ trong thập kỷ 1960s khi nhiều thành phần dân chúng thường khá thụ động và thờ ơ - các nhóm quyền lợi đặc biệt (special interests) -  đang tìm cách tham gia chính trị để tranh đấu cho những gì mình quan tâm.

Những sáng kiến chệch hướng đó đã tạo ra điều mà nhóm nghiên cứu gọi là "khủng hoảng dân chủ". Để vượt qua khủng hoảng, các nhóm quyền lợi đặc biệt phải trở về chức năng những nhà quan sát thụ động, ngõ hầu các trí- thức- kỷ- thuật- và-chính- sách có thể giữ đúng vai trò xây dựng của họ.

Các nhóm quyền lợi đặc biệt chính là phụ nữ, thanh niên, phụ lão, công nhân, nông dân, các sắc dân thiểu số hoặc đa số - nói chung là quần chúng. Nhóm quyền lợi đặc biệt duy nhất không được nhắc tới trong nghiên cứu là nhóm đại công ty. Nhưng đây là điều dễ hiểu. Nhóm nầy đại diện cho "quyền lợi quốc gia", và dĩ nhiên người cầm quyền nhà nước phải bảo vệ quyền lợi quốc gia!

Phản ứng trước trào lưu đem lại hình thức dân chủ và văn minh nguy hiểm nầy đã định hình kỷ nguyên đương đại.

Muốn hiểu rõ những gì sẽ xẩy ra trong tương lai, chúng ta cần phải quán triệt những nguyên tắc từ lâu làm nền tảng cho các quyết định và hành động của giới lãnh đạo quốc gia hùng mạnh nhất thế giới hiện nay - Hoa Kỳ.

Mặc dù chỉ là một trong ba trung tâm quyền lực lớn nhất trong phạm vi kinh tế và trong nhiều lãnh vực khác, nước Mỹ vượt hẵn bất cứ đại cường nào trong lịch sử với sức mạnh quân sự áp đảo và gia tăng nhanh chóng. Hoa Kỳ còn có thể dựa vào hậu thuẫn của Âu châu và Nhật, hai nền kinh tế kỹ nghệ lớn thứ hai.

Hoa Kỳ đã xây dựng một chủ thuyết rõ ràng - cơ sở của chính sách đối ngoại đang ngự trị báo chí Tây phương và hầu hết các cơ quan nghiên cứu, ngay cả các giới phê bình chính sách. Nguyên tắc căn bản là thuyết biệt lệ Hoa Kỳ, theo đó, khác với các đại cường xưa và nay, Hoa Kỳ theo đuổi "một mục tiêu hướng thượng: "phát huy bình đẳng trong tự do ở Mỹ" và khắp thế giới, vì "diễn đàn trong đó Hoa Kỳ phải bảo vệ và phát huy lý tưởng đã trở thành toàn cầu"[26].

Trên đây là tư tưởng của Hans Morgenthau dưới thời Kennedy trước khi chiến tranh Việt Nam trở nên tàn khốc.

Nhiều phần tử rất thông minh và chính trực đã hậu thuẫn cho lập trường "biệt lệ". Chẳng hạn,  John Stuart Mill, trong một bài bình luận cổ điển: "A Few Words on Non-Intervention" (Vài Lời về Bất Can Thiệp), đã nêu câu hỏi: liệu nước Anh nên can thiệp vào thế giới xấu xa hay chỉ nên tập trung vào việc nội bộ để mặc bọn "man rợ" tự do hoành hành. Kết luận tế nhị và phức tạp của Mill là Anh Quốc nên can thiệp, mặc dù khi hành động như vậy, Anh quốc sẽ bị lên án và nguyền rủa bởi người Âu luôn "tìm kiếm những động lực thấp hèn", vì lẽ người Âu không thể hiểu Anh quốc là quốc gia"tân tiến khác thường trên thế giới", một cường quốc kỳ diệu không tìm tư lợi mà luôn hành động vì lợi ích của kẻ khác. Mặc dù phải gánh chịu mọi phí tổn can thiệp một cách bất vụ lợi, nước Anh luôn san sẻ lợi ích việc làm của mình đồng đều cho mọi người.

Chủ nghĩa biệt lệ gần như phổ quát. Nguyên tắc hành động đã được biểu lộ đầy đủ trong lịch sử: chính sách chỉ phù hợp với lý tưởng diễn đạt nếu đồng thời cũng phù hợp với quyền lợi. Từ "quyền lợi" ở đây không có nghĩa là quyền lợi của người dân, của quần chúng, mà là "quyền lợi quốc gia" hay quyền lợi của các tập thể nắm quyền đang ngự trị xã hội.

Trong bài viết "Ai Ảnh Hưởng Đến Chính Sách Ngoại Giao Hoa Kỳ?" (Who Influences U.S. Foreign Policy?), đăng trong tạp chí American Political Science Review, năm 2005, hai tác giã Lawrence JacobBenjamin Page nhận định, ảnh hưởng chính là các tập đoàn doanh nghiệp có phạm vi hoạt động bao trùm thế giới (internationally oriented business corporations), và giới chuyên viên với chút ít ảnh hưởng, dĩ nhiên chỉ thứ yếu, vì chuyên viên  cũng chịu sự chi phối của giới doanh nghiệp. Ngược lại, công luận tác động không đáng kể đến các quan chức chính quyền.

Các thành phần ảnh hưởng nhiều đến chính sách không nhất thiết là những thành phần hiểu biết  hay có khả năng hơn người, ngoại trừ bảo vệ quyền lợi của chính họ."Tâm hồn hướng thượng" của nhà nước trải rộng ra khỏi biên giới quốc gia, tác động lên mọi lãnh vực của đời sống, từ gia đình đến quốc tế. Tuy nhiên, mọi tác nhân nắm quyền thống trị đều phải có khả năng dễ kiểm tra, và không thể tự chính đáng hóa. Nếu không vượt qua thử thách, guồng máy quyền lực phải được g bỏ. Đó là nguyên tắc hướng đạo của các phong trào vô chính phủ tân thời , những phong trào dựa nhiều trên các nguyên tắc của thuyết tự do cổ điển (classical liberalism).

Một trong những hướng phát triển lành mạnh nhất ở Âu châu -  dưới hình thức liên bang và tính lưu động cao của Liên Hiệp Âu Châu - là khuynh hướng tản quyền của nhà nước, với sự tái sinh của  văn hóa cổ truyền  và ngôn ngữ cũng như trình độ tự trị cấp vùng. Những chuyển biến nầy đã là nguồn cảm hứng đằng sau viễn kiến một  Âu châu tương lai với nhà nước tản quyền chung cho toàn vùng.

Đem lại một xã hội cân bằng thích hợp - giữa một bên là quyền công dân và mục tiêu chung và bên kia là sự tự trị cộng đồng với sắc thái văn hóa đa nguyên -  không phải là vấn đề đơn giản, và vấn đề kiểm soát dân chủ các định chế cũng trải rộng đến các lãnh vực khác của đời sống. Những vấn đề đó phải có ưu tiên cao trong nghị trình của các nhóm không cùng tin tưởng ở "tâm hồn hướng thượng của nhà nước", những người tìm cách cứu thế giới khỏi các lực lượng phá hoại đang đe dọa sự sống còn và cũng là những người tin ở sự khả dĩ hiện thực hóa một xã hội văn minh hơn.

THAY LỜI KẾT LUẬN

 

Robert S. McNamara, Lyndon Baines Johnson

Robert S. McNamara, nguyên bộ trưởng quốc phòng đầy quyền lực của Mỹ, đã từ trần ngày 6-7-2009, ở tuổi 93. McNamara là một trí thức đặc biệt thông minh và quyết đoán, là người đã đưa Hoa Kỳ vào vũng lầy Việt Nam. Quốc Hội Mỹ cho phép tiến hành cuộc chiến sau khi T T Johnson lấy cớ tàu chiến của Mỹ đã bị thuyền tuần tiểu Bắc Việt tấn công ở Vịnh Bắc Việt tháng 8-1964. Thực ra, cuộc tấn công không hề xẩy ra. Phóng viên Tim Weiner báo The New York Times nêu rõ "Tàu chiến của Mỹ đã bắn vào  bóng dáng của chính tàu dò vật cản của mình trong đêm tối"[27].

Dựa vào phúc trình tình báo, McNamara xác quyết với Johnson bằng cớ cuộc tấn công.  Điều nầy khiến chúng ta nhớ lại sự xác quyết bằng chứng Saddam Hussein có vũ khí tiêu diệt hàng loạt sau biến cố 11-9 của chính quyền George W. Bush.

Ngay từ tháng 4-1964, Nghị Sĩ  Dân Chủ Thượng Viện Wayne Morse, bang Oregon, đã gọi chiến tranh Việt Nam là Cuộc Chiến McNamara (McNamara's War). McNamara không phản đối. Ông nói: "Tôi rất vui khi được đồng hóa với cuộc chiến và sẽ làm mọi điều có thể để chiến thắng"[28].

Nửa triệu lính Mỹ đã được McNamara gửi đến Việt Nam. Cuộc chiến trở thành một ác mộng đối với McNamara. Mọi điều ông làm, mọi phương tiện sử dụng - vũ khí, quân đội ..., đã không thể chận đứng bước tiến của quân Bắc Việt và đồng minh - Việt Cộng ở miền Nam.

Trước khi rời Ngũ Giác Đài, McNamara đã hiểu rõ cuộc chiến hoàn toàn thiếu chính nghĩa và vô vọng, nhưng ông đã không chia sẻ sự thật với công chúng trong nhiều năm sau.  Mãi đến năm 1995, trong hồi ký, McNamara mới công khai thú nhận cuộc chiến là sai lầm và sai lầm ghê gớm (wrong, terribly wrong). Và ông đã sống những năm tháng cuối đời ám ảnh bởi hậu quả phi luân của cuộc chiến. Người ta thường bắt gặp ông thơ thẩn trên đường lui tới văn phòng gần Tòa Bạch Ốc, đầu cúi thấp, mắt đăm chiêu như đang nhìn một nơi xa thẳm.

Thực vậy, McNamara đã dành nhiều thập kỷ ngẫm nghĩ về những bài học của cuộc chiến. Trong phim tài liệu của Errol Morris năm 2003, The Fog of War: Eleven Lessons from the Life of Robert S. McNamara (Sương Mù Chiến Tranh: Mười Một Bài Học từ Đời Sống của Robert S. McNamara), ông giải thích, bài học quan trọng nhất là phải hiểu rõ đối thủ và "phải đồng cảm với họ. Chúng ta phải gắng tự đặt mình vào địa vị của họ và nhìn lại chính mình qua mắt của họ"[29].

Theo McNamara, thất bại của người Mỹ ở Việt Nam là đã nhìn địch thủ qua lăng kính chiến tranh lạnh - một domino nếu sụp đổ sẽ lôi kéo theo sự sụp đổ của nhiều quốc gia Á châu khác.

Trong phim, McNamara đã mô tả các đợt dội bom của Mỹ xuống các thành phố Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế Chiến. Vào thời điểm đó, McNamara chỉ giữ vai trò phân tích thống kê cho Tướng Curtis E. LeMay trong Không Lực của Lục Quân. McNamara nhớ lại, "Chúng ta thiêu cháy 100.000 thường dân Nhật ở Tokyo - đàn ông, đàn bà, trẻ con; tính chung, khoảng 900.000 thường dân thương vong. LeMay nói: Nếu chúng ta thất trận, tất cả chúng ta chắc đã bị truy tố như những tội phạm chiến tranh. Ông ta - và tôi nghĩ cả tôi- đã ứng xử như những tên tội phạm chiến tranh"[30].

TT Kennedy, các tướng Curtis LeMay, Thomas Power

 

McNamara tự hỏi: Điều gì làm chiến tranh vô luân nếu ta thua và không vô luân nếu ta thắng?[31] Ông đã không thể tìm được câu trả lời.

Hơn 58.000 quân Mỹ tử trận và khoảng bốn triệu người Việt thương vong trong cuộc chiến Việt Nam. Trên 4000 quân Mỹ đã bỏ mình ở Iraq cùng với nhiều trăm nghìn người Iraq. Và chưa biết chính quyền Mỹ còn tiếp tục gây thương vong cho bao nhiêu binh sĩ và thường dân của nhiều phía trong cuộc chiến ở Afghanistan và Pakistan đang tiếp diễn và ngày một khốc liệt, một cuộc chiến hiện nay cũng chẳng còn mấy ý nghĩa .

McNamara cũng là tác giả của chủ thuyết chiến lược bảo đảm tiêu diệt lẫn nhau (strategic doctrine of mutually assured destruction), tin tưởng "ni sợ bị tiêu diệt có thể giúp ngăn ngừa chiến tranh nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Liên Bang Xô Viết"[32] - chủ thuyết đã đưa đến một sự gia tăng các kho vũ khí nguyên tử của cả hai.

Tuy nhiên, về già, McNamara đã thay đổi lập trường và chống đối vũ khí nguyên tử. Trong một bài viết đăng trong tạp chí Foreign Affairs số tháng 5 và 6 năm 2005, ông đã cảnh cáo: chính sách nguyên tử của Hoa Kỳ là "phi luân, bất hợp pháp, không cần thiết về quân sự, và tuyệt đối nguy hiểm. Chúng ta phải hành động nhanh chóng nhằm hoàn toàn loại bỏ, hay gần như loại bỏ, tất cả các vũ khí nguyên tử"[33].

Nhà Nước Hoa kỳ hướng thượng diệu kỳ đang do các trí thức kiểu McNamara lãnh đạo, trí-thức-k-thuật-chính-sách hay trí-thức-giá trị?

 

 

© GS Nguyễn Trường

Irvine, California, USA

09-7-2009


[1] If the 21st century is to be an 'Asian century', Asia's passivity in the energy sector has to end.

[2] The United States-India Peaceful Atomic Energy Cooperation Act.

[3] ...may hasten the day when a nuclear explosion destroys a U.S. city.

[4] There is no question of allowing American inspectors to roam around our nuclear facilities.

[5] We will not allow external scrutiny of or interference with the strategic program.

[6] Now that the United States has given India a free pass around nuclear controls, other states will be lining up to profit from proliferation.

[7] "Simply put, as export controls go, so does the NPT. Senior Bush administration's officials view the U.S.-India deal as a significant part of the administration's legacy, unfortunately, they may be right". Krepon,"The Nuclear Flock", Bulletin of the Atomic Scientists, March/April 2007.

[8] ...a nuclear nightmare world.

[9] When the United States leads, the United Nations will follow. When it suits our interests to do so, we will do so. When does not suit our interests, we will not.

[10] ...a nuclear exchange is ultimately inevitable. By comparison with global warming, the cost of eliminating nuclear weapons would be small. But the catastrophic results of global nuclear war would greatly exceed those of progressive climate change, because the effects would be instantaneous and could not be mitigated. The irony of the situation is that it is in our power to eliminate the threat of global nuclear war, but climate change cannot be evaded.

[11] Here, then, is the problem which we present to you, stark and dreadful and inescapable: Shall we put an end to the human race, or shall mankind renounce war?

[12] ...as a grave threat to the peace and stability of the world.

[13] North Korea's actions had "flown in the face of UN resolutions and were inviting deeper international isolation".

[14] ...the sub Vanguard's "deterrent capability has remained unaffected and there has been no compromise to nuclear safety".

[15] "No single nation should pick and choose which nations hold nuclear weapons" - even as he told Iran that "when it comes to nuclear weapons, we have reached a decisive point"

[16] ...consequences and costs...

[17] We do not want to go back to a dark past. We always want to stand with democracy.

[18] Unless Mr. Zelaya is returned to power within 72 hours, the nation will be suspended from the group.

[19] In the 21st century, these kinds of coups don't last long. It's very hard for a countrylik2 Honduras to maintain this kind of position in the face of overwhelming rejection by te world, and especially by the region and its major trading partners.

[20] We need to show clearly that military coups will not be accepted. We thought we were in a era when military coups were no longer possible in this hemisphere.

[21] "ought" and "is".

[22] conformist subservience to those in power.

[23] Power always thinks it has a great soul and vast views beyond the comprehension of the weak.

[24] Technocratic and policy-oriented intellectuals.

[25] Value-oriented intellectuals.

[26] The United States has a transcendent purpose: the establishment of equality in freedom in America, and indeed throughout the world , since the arena within which the United States must defend and promote its purpose has become worldwide.

[27] The American ships had been firing at their own sonar shaddows on a dark night.

[28] I am pleased to be identified with it, and do whatever I can to win it.

[29] The greatest of these was to know one's enemy - and to empathize with him.We must try to put ourselves inside their skin and look at ua through their eyes.

[30] We burned to death 100,000 Japanese civilians in Tokyo - men, women and children; some 900,000 Japanese civilians died in all. LeMay said, if we'd lost the war, we'd all have been prosecuted as war criminals. And I think he's right. He - I'd say I - were behaving as war crimials.

[31] What makes it immoral if you lose and not immoral if you win?

[32] ...a fear of annihilation could prevent nuclear war by the US or the Soviet Union on each other.

[33]  McNamara called US nuclear policy "immoral, illegal, militarily unnecessary, and dreadfully dangerous. We must move promptly toward the elimination - or near elimination - of all nuclear weapons".

 

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường