Thất nghiệp dài lâu, việc làm tạm bợ và chủ nghĩa tư bản

Vietsciences-  Nguyễn Trường                          21/04/2012

 

 
Gần đây, hội đồng thành phố Ventura, California, đã biểu quyết chấp thuận một quy lệ[1] cho phép các người thất nghiệp và vô gia cư được quyền ngủ  trong xe. Vào cao điểm của Đại Suy Thoái 2008, một phần ba các tích sản trang thiết bị trong nền kinh tế Mỹ phải ngưng hoạt động. Trong số nam nữ bị thất nghiệp cùng với các trang thiết bị vừa nói, chỉ 37% nhận được chi phiếu phụ cấp thất nghiệp của chính quyền, tương đương với khoảng 35% lương hàng tuần của họ.

Hiện nay, khoảng hai triệu người trong khối 99% là những người đã tận dụng phụ cấp thất nghiệp vì đã mất việc hơn 99 tuần lễ. Chúng ta có thể xem họ như một “đoàn quân lao động trừ bị.”[2] Đoàn quân nầy chiếm khoảng 17% lực lượng lao động Hoa Kỳ, nếu kể cả những nhân công bán thời gian cần và muốn kiếm việc toàn thời gian, và hàng triệu người Mỹ thất nghiệp đã quá nãn lòng và đã từ bỏ đi kiếm việc, do đó, không còn được xếp vào hàng ngũ thất nghiệp chính thức. Trong vai trò lịch sử của mình, lực lượng lao động không việc làm một lần nữa đã làm công xá  sụt giảm, kéo dài số giờ làm việc mỗi ngày, điều kiện làm việc tồi tệ hơn, và tăng thêm nổi âu lo một tương lai bấp bênh đối với những ai may mắn còn có việc làm.

Không một ai tự nguyện gia nhập đoàn quân nầy. Nhưng bất cứ ai, từ các kỷ sư ở Silicon Valley cho đến các nhân công thu gặt cà chua ở Florida, cũng đủ điều kiện để gia nhập lực lượng hoàn-toàn-không-tự-nguyện vừa nói. Sứ mệnh của đoàn quân là bảo đảm an ninh toàn cầu cho chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, với thế giới đang vận hành theo hình xoắn trôn ốc đến đáy thứ hai của Đại Suy Thoái Kép (dù chỉ một tối thiểu số, ngoài các ngân hàng, ghi nhận Đại Suy Thoái thứ nhất đã chấm dứt), hàng ngũ của họ cũng ngày một đông đảo thêm.

ĐOÀN QUÂN HOÀN TOÀN KHÔNG TỰ NGUYỆN

Như một sự thật phũ phàng, sự cộng tồn giữa các trang thiết bị không hoạt động và các nhân công thất nghiệp luôn là lời kết án nghiêm khắc nhất đối với chủ nghĩa tư bản như một hệ thống đang ngự trị xã hội con người. Sự xuất hiện của tầng lớp xã hội mới — “những thành phần 99%” —  là dấu ấn tàn nhẫn của thế giới ngày nay.

Xét cho cùng, những gì tạo nên kích cỡ lớn lao của Đại Suy Thoái không những là mức thất nghiệp nghiêm trọng (không kém tình trạng thực tế trong nhiều giai đoạn sụp đổ kinh tế khác trong lịch sử trước đây) mà còn là thời gian kéo dài của nó. Nhiều năm không việc làm đã trôi qua trong đau buồn và vô vọng. Khi suy thoái cứ kéo dài, người dân bắt đầu tự hỏi: chủ nghĩa tư bản, như một hệ thống, phải chăng đã lỗi thời và không còn gì hữu ích?

Tuy nhiên, ngày nay, ngoài giới 99%, người ta vẫn chưa sẵn sàng ghi nhận một kết luận như thế. Cùng với các chu kỳ kinh tế, kể cả các bong bóng và sụp đổ của thị trường chứng khoán và các xáo trộn kinh tế khác, thất nghiệp cũng chỉ được bình thường hóa.  Đã hẳn, không ai nghĩ đó là điều tốt, nhưng cũng chưa phải một cái gì có thể khiến mọi người phải nghi ngờ phương cách kinh tế thế giới đang được tổ chức và vận hành.

Đã từ lâu, khi thất nghiệp không còn được nhận diện như những biến cố gây sốc và  thương tổn, xô đẩy mọi người quay trở về với các âu lo cơ bản. Chẳng hạn, người ta không còn dùng ngay cả câu “đoàn quân lao động trừ bị.” Cấp lãnh đạo thượng lưu luôn nghĩ cụm từ nầy, cũng như các cụm từ “đấu tranh giai cấp” và “giới lao động,”[3] luôn gây bối rối ngượng nghịu cho mọi người. Những cụm từ đó quá Marxist  hay quá lỗi thời trong thời đại chủ nghĩa tư bản mềm dẻo hậu kỹ nghệ[4], khi xã hội đã ngày một quen dần với “tính tự nhiên” và “nhất thời”[5] của việc làm, hay ngay cả như một hình thức “môi giới tự do.”[6]

Tuy nhiên, đã từ lâu, trước khi phe tả bắt đầu nói đến người thất nghiệp như một đoàn quân trừ bị, một ẩn dụ gợi cảm thường được sử dụng bởi các nhà báo âu lo hay giận dữ trong thế kỷ 19, các viên chức chính quyền, các giáo sĩ, và các công dân quan tâm. Họ tin một trạng thái xã hội mới đang xuất hiện, nhưng vẫn chưa hiểu rõ cần được nhận định và phản ứng như thế nào.

Thất nghiệp như một nét đặc trưng thường xảy ra trong cấu trúc xã hội cũng chỉ được người Mỹ lưu ý với sự trổi dậy của chủ nghĩa tư bản trong kỷ nguyên Tiền-Nội- chiến. Trước đó, ngay nếu nếp sống ruộng đồng thôn làng, kể cả các giao động theo mùa khi cực lực lao động lúc thiếu việc làm, nông dân và thợ thủ công thường  phải tìm cách duy trì khả năng để xoay xở, kiếm sống, và thượng tồn.

Những lúc gặp khó khăn, trừ phi quá đáng,  đa số dân chúng vẫn thường trông mong vào mảnh đất và dụng cụ, sử dụng núi rừng, ruộng đồng, và khả năng săn bắn, chài lưới, để sống qua ngày. Họ thường phải tự mình kiếm sống. Chỉ đến lúc các phương tiện tự lực cánh sinh đã lọt vào tay các thương nhân-tư bản, các kỹ nghệ gia, và các đại địa chủ , tình hình mới hoàn toàn thay đổi. Tầng lớp vô sản – những thành phần tay trắng không chút tài sản ngoài sức lao động của chính mình – xuất hiện, và phải lệ thuộc vào giới có tiền của thuê mướn mới có việc làm. Nếu, vì một lý do nào đó, sức cầu trên thị trường lao động khô cạn, lúc đó họ mới bị trôi dạt rày đây mai đó.

Quá trình bị tước đoạt tài sản đã kéo dài trong hơn một thế kỷ. Cho đến các thập kỷ đầu của thế kỷ 19, tác động tương đối còn giới hạn. Nông dân, thợ thủ công, ngư dân, và thương nhân các loại mới bị thu hút vào các xưởng dệt hay làm giày dép mới, hay các nữ lao động phải đi đến các vùng quê kéo sợi và dệt vải cho các thương-gia-tư-bản, thường vẫn bám víu vào lối sống ít nhiều quen thuộc. Họ duy trì các vườn rau cải, tiếp tục săn bắn và chài lưới, và có lẽ cả chăn nuôi một ít gia súc.

Khi những hoang mang sợ hãi trước các các chu kỳ thương mãi trong các thập kỷ 1830 và 1850 và việc buôn bán ngưng trệ, nhiều người đã phải trở về thôn quê kiếm sống qua ngày theo những phương cách tiền-tư-bản. Với các biến động đó, đoàn quân thất nghiệp trừ bị mới bắt đầu xuất hiện. Các nhân công nam giới đã  lang thang khắp nơi trên đường phố, một cảnh tượng hãi hùng vô tiền khoáng hậu đối với giới thị dân chưa quen với những gì đang xẩy ra trước mắt.

LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG RỜI RẠC VÀ PHÂN TÁN – MỘT CHUẨN MỰC MỚI

Khi chủ nghĩa tư bản kỹ nghệ bùng nổ sau Nội Chiến, thất nghiệp đã bất thần trở thành một khía cạnh kinh niên đáng sợ của cuộc sống hiện đại, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Hãi hùng và ngã lòng ngày nay thường diễn ra với nhịp độ gây sốc.

Tính đột khởi, nghiêm trọng, và kéo dài đôi khi hàng nửa thập kỷ hay lâu hơn, chỉ có thể gia tăng hàng ngũ đội quân thất nghiệp. Tình trạng bơ vơ tan nát trước nguy cơ thất nghiệp đã trở thành một kinh nghiệm tàn nhẫn mới, đối với làn sóng nhập cư đến bến bờ Hiệp Chủng Quốc, số đông là dân quê đến từ Nam và Đông Âu quen sống với số tài nguyên nhỏ nhoi từ đồng ruộng, núi rừng khi gặp khó khăn.

Chính sự hiện diện của đội quân nhân công, khỏe mạnh nhưng cơ cực, hình như đã phản ảnh tính tàn bạo tự thân của nền kinh tế mới và đã gây kinh ngạc sng sốt cho khách bàng quan. Những người sống lang thang đã trở thành những hình ảnh quen thuộc khắp nơi, dọc đường lộ, bến xe, bến tàu, đôi khi mang theo các dụng cụ làm ăn và kiếm việc làm trong tuyệt vọng. Họ đã xuất hiện như những bóng ma đe họa thôn dân cũng như thị dân.

Một nhận thức gây choáng váng không kém, không thể phủ nhận với mỗi chu kỳ kinh tế buồn thảm tái diễn, là nền kinh tế kỹ nghệ mới không những  khai sinh đoàn quân thất nghiệp trừ bị, mà còn trông cậy vào sự huy động và sa thải mang tính định kỳ để tiếp tục quá trình tích lũy tư bản. Đây không phải là một hiện tượng chóng qua, một thiên tai có dứt điểm. Đây là một thực tế mới lâu dài.

Những phản ứng ban đầu mang nhiều hình thức kịch tính. Các chính quyền địa phương vội vã ban hành các luật  trừng phạt những kẻ sống lang thang vất vưỡng, bỏ tù từ 6 tháng cho đến 2 năm khổ sai. Trong lúc đó, tư duy chính thống cùng lúc đã dựng lên những rào cản khắt khe đối với sự trợ giúp của chính quyền. Chẳng hạn trong cuộc khủng hoảng tai hại trong thập kỷ 1870, Bộ Trưởng Ngân Khố của Tổng Thống Ulysses Grant đã tuyên bố ngắn gọn: “Chính quyền không có nhiệm vụ tìm việc làm cho dân chúng.”[7]

Tuy nhiên, trừng phạt và thờ ơ vô trách nhiệm không phải là những giải pháp duy nhất khi các nổ lực cứu trợ khẩn cấp, cá nhân cũng như cộng đồng, đã trở nên lúc một phổ thông. Các tác ðộng tàn phá của thất nghiệp, lan tràn như dịch bệnh, và tái diễn kinh niên, cũng đã đưa đến những biện pháp cực đoan hơn trong nghị trình, những đề nghị đặt thành vấn đề tính khả tồn và đạo đức của hệ thống công xá hay  lương bổng.

Nhiều lời kêu gọi chính quyền khai thác đất bỏ hoang và thiết lập những xưởng máy và nông trường để tái thu dụng các nhân công đang kiếm việc vào guồng máy sản xuất. Dân thất nghiệp giận dữ xâm chiếm các công sở đòi hỏi việc làm. Các thành phần lao động và quần chúng chủ trương thành lập các hợp tác xã  nông nghiệp và biến chế như phương cách tránh né tính tàn nhẫn của thị trường tự do. Công luận ta thán các tổ hợp và liên minh doanh thương hay độc quyền thường xô đẩy các xí nghiệp khác vào tình trạng phá sản, và vì vậy, làm trầm trọng thêm tình trạng tiến thối lưỡng nan của thất nghiệp. Trong vài trường hợp, đòi hỏi quốc hữu hóa các tổ hợp và liên minh cũng đã xẩy ra. Nhiều thành phần tranh đấu cũng đã bắt đầu đòi hỏi việc làm không như một sự an ủi, dỗ dành, mà như một quyền công dân, cũng quí giá và bất khả xâm phạm như bất cứ quyền gì khác trong Luật Nhân Quyền.

Sự vận động quần chúng kéo dài và lớn lao nhất vào giữa thập kỷ 1880 là phong trào toàn quốc đòi hỏi hạn chế số giờ làm việc mỗi ngày. “Phong trào 8 giờ mỗi ngày” được nhiệt liệt hưởng ứng bởi ước muốn có thêm thời gian rảnh rỗi, nhưng cũng bởi hy vọng hảo huyền khi được Quốc Hội chấp thuận và ban hành, công xá sẽ thực sự được gia tăng. Tuy nhiên, các kỹ nghệ gia không hề có ý định trả cùng số lương như chế độ làm việc 12 giờ mỗi ngày trước đó. Mặc dù động lực chính là lòng tin quyết định bớt giờ làm việc từ 12 giờ xuống còn 8 giờ mỗi ngày có thể tạo thêm   công ăn việc làm, và nhờ đó, sẽ giảm thiểu hàng ngũ đoàn quân thất nghiệp trừ bị.

Một vài người tin: chủ nghĩa tư bản luôn khao khát khai thác  lao động nên không khi nào chịu chấp nhận những giới hạn như thế. Chừng nào chu kỳ kinh tế còn luôn dồn dập, động lực khai thác lao động khó thể hoàn toàn thỏa mãn. Khi thị trường suy thoái, số lao động thặng dư phải tự lo lấy mình. Tuy nhiên một số người vẫn  tin tưởng phong trào ngày làm việc tám giờ có thể phơi bày tính man rợ của hệ thống kinh tế cho mọi người đều thấy, lúc đó, cánh cửa sẽ được  rộng mở để đón nhận những cải cách hợp nhân tính và nhân đạo hơn.

Nói một cách khác, một quang phổ rộng lớn các cách đáp ứng với nạn thất nghiệp luôn được hàm chứa trong một văn hóa chống tư bản chủ nghĩa đang rộng lớn dần  và ngày một gia tăng. Chẳng hạn các phong trào lao động có tổ chức, đặc biệt là nghiệp đoàn nguyên sinh the Knights of Labor, là những định chế cực lực chống đối tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, hầu hết các nghiệp đoàn thời đó đều đã chấp nhận thực tế “hệ thống công xá” sẽ trường tồn, và chỉ chuyên tâm đấu tranh nhằm cải thiện an ninh việc làm, phụ cấp thất nghiệp, chế độ thâm niên, cấm làm giờ phụ trội, và hạn chế số giờ làm việc mỗi ngày…

Ngay cả các cuộc vận động bài trừ lao động trẻ con, giới hạn tuyển dụng phụ nữ, một phần cũng bị chi phối bởi ước muốn làm dịu bớt khuynh hướng lan tràn của nạn thất nghiệp qua việc giảm thiểu lực lượng lao động khả dụng. Các mục tiêu và đề nghị khác của nghiệp đoàn đều có tầm vóc nhỏ bé và lắm khi thấp hèn, kể cả nổ lực ngăn cản nhập cư hay loại trừ người Mỹ gốc Phi châu và các sắc dân thiểu số, hay các lao động thiếu kỷ năng chuyên môn, khỏi hàng ngũ các thành viên của phong trào. Tính kỳ thị đó đã làm hoen ố phong trào nghiệp đoàn cho đến ngày nay.

Như một phần của thời kỳ thăng trầm ồn ào vừa nói, kéo dài từ thập kỷ 1870 xuyên qua Đại Khủng Hoảng, giới thất nghiệp tự mình cũng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình. Một cuộc tập họp hàng nghìn người thất nghiệp tuyệt vọng trong cuộc khủng hoảng 1873, ở Tomkins Square Park , New York, đã bị cảnh sát giải tán hết sức tàn bạo.

Mặc dù cuộc mít-tinh Tomkins Square, chính yếu chỉ là một thỉnh cầu cứu trợ và việc làm, người biểu tình cũng đã bàn đến khả năng xuống đường phản đối Wall Street. Những biện luận cực đoan như thế , chưa nói đến bạo động thực sự, không có gì bất thường trong các cuộc chạm trán lúc đó, một mực thước đo lường mức độ nghiêm trọng của các quan hệ giai cấp và trình độ dân chúng bị khuấy động sâu xa và ám ảnh bởi tình trạng thất nghiệp ngày một lan tràn.

Cũng đáng lưu ý, các thành phần thất nghiệp và những công nhân đang có việc làm nhưng đối kháng với giới chủ nhân, thường công khai phơi bày tính tương trợ. Trong cuộc  Nổi Dậy khá lớn năm 1877, khi các công nhân hỏa xa từ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương đình công, đối đầu với các dân quân, quân đội liên bang, và các đội quân tư nhân của các bá tước hỏa xa, họ đã được tăng cường bởi  đội quân thất nghiệp trừ bị.  Họ luôn là những người láng giềng và anh em trong gia đình, nhưng cũng có các thành phần xa lạ , những người có thiện cảm với các người anh em đang bị vây bũa, ưa phóng hỏa các kho chứa đầu máy xe lửa hơn là đến đó để làm việc như những thành phần chống lại biểu tình hay đình công.  Giữa cuộc khủng hoảng đáng sợ trong thập kỷ 1890, một công nhân nhà máy sản xuất thuốc cigar đã nắm bắt và diễn tả tâm trạng một cách ngắn gọn: “Tôi tin chính các công nhân đang làm việc sẽ phải hành động. Tôi tin những kẻ đang có việc làm sẽ phải lo cho số phận của người thất nghiệp trong cùng ngành.”[8]

ĐOÀN QUÂN THẤT NGHIỆP XUỐNG ĐƯỜNG

Các cuộc biểu tình của đoàn quân thất nghiệp luôn tái xuất hiện mỗi lần kinh tế thoái trào. Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng 1893-1894, biểu tình đã diễn ra ở 40 địa điểm khác nhau trong khắp Hoa Kỳ. Cuộc xuống đường lớn nhất với chuyến tàu hướng về Washington, D.C., đã bị quân đội liên bang đuổi theo suốt trên 300 dặm xuyên qua Montana.

Cuộc biểu tình nổi tiếng nhất  do Jacob Coxey, một thương gia Ohio, điều khiển. Đội quân thất nghiệp “Coxey’s Army”, còn được biết dưới tên “the Commonwealers” hay “Commonwealth of Christ Army,” đã đến Hoa Thịnh Đốn như một thỉnh nguyện sống trước Quốc Hội. Coxey’s Army được dẫn đầu bởi con gái 17 tuổi của chính Coxey như “the Goddess of Peace” hay Nữ Thần Hòa Bình” cỡi ngựa trắng.

Đến thủ đô, Coxey’s Army đã đệ trình thỉnh nguyện cứu trợ, việc làm, và gia tăng khối tiền tệ lưu hành. Tổng Thống Grover Cleveland không xét bất cứ thỉnh nguyện nào, vì năm 1889 Cleveland đã làm rõ quan điểm của mình ngay trong nhiệm kỳ đầu: “Những bài học của chủ nghĩa gia trưởng phải được cỡi bỏ và bài học tốt hơn đã  dạy trong khi nhân dân phải vui vẻ ủng hộ chính quyền với tinh thần ái quốc, nhiệm vụ của chính quyền không bao gồm ủng hộ nhân dân.”[9]  

Đại Khủng Hoảng Kinh Tế đã đẩy giai đoạn xáo trộn lao động lên đỉnh điểm và chung cuộc. Trong những năm đầu, những nét đặc thù của “thuyết hỗ sinh”mutualism, và tình liên đới giữa những người có việc làm và những người thất nghiệp đã được tăng cường. Trong những năm đó, hỏa xa đã bắt đầu báo cáo những đợt  gia tăng nhanh chóng trong số người Mỹ nhảy lên tàu đi ké (không mua vé) – hoppers,  giống như đón xe đi nhờ. Trên một tuyến đường, số hoppers đã gia tăng từ 14.000 năm 1929 lên 186.000 năm 1931.

Năm 1930, khi tỉ suất thất nghiệp lên cao, trong các thành phố khắp Hoa Kỳ những cuộc xuống đường đầu tiên của giới thất nghiệp đã bắt đầu với các yêu sách việc làm và cứu trợ. Về sau, còn có nạn cướp thực phẩm và các xe vận tải và các xưởng đóng hàng vào thùng, cũng như chiếm đóng các mỏ than đóng cửa và các công ty điện nước phá sản, bởi những thành phần tuyệt vọng.

Các liên minh những người thất nghiệp, đôi khi được tổ chức bởi Đảng Cộng Sản, đôi khi bởi Đảng Xã Hội, và đôi khi bởi một nhóm dẫn đầu bởi A.J. Muste, một nhân vật hòa bình cực đoan, đã tập hợp lực lượng để chống đối nạn đuổi nhà, ủng hộ các cuộc đình công, và đưa ra nhiều đề nghị quan trọng như  thiết lập các hệ thống công trường trong khu vực công và bảo hiểm thất nghiệp. Những nhóm Muste, khá mạnh trong vùng Trung Tây, thiết lập những cơ sở đổi hàng lấy hàng, và trao đổi lao động giữa những người thất nghiệp.

Để hổ trợ các công nhân đình công, các người biểu tình đã đóng cửa nhà máy Briggs ở Highland Park, Michigan – sản xuất vỏ xe cho hảng Ford – cam  kết sẽ không làm việc ngày nào còn có công nhân đình công. Một cuộc xuống đường của các cựu công nhân và các công nhân hiện hữu thuộc những cơ sở ở Dearborn, Michigan, đã đưa ra một đòi hỏi khác thường là hãng Ford, không phải chính quyền, phải cung cấp việc làm cho người thất nghiêp. Trong biến cố nầy, các công nhân biểu tình đã xung đột với lũ côn đồ do hãng Ford mướn và 5 công nhân biểu tình đã phải thiệt mạng.

T T Herbert Hoover cũng đã có hành động tương tự. Trong một cử chỉ gây sốc trên toàn quốc, Hoover đã ra lệnh cho Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội, tướng Douglas MacArthur,  sử dụng quân lực giải tán Đội Quân Bonus Expeditionary Army, các cựu chiến binh Thế Chiến I đang thất nghiệp, tập hợp trong các lều trại trên Anacostia Flats ở Hoa Thịnh Đốn, đòi hỏi nhanh chóng  trả lương hưu thời chiến cho họ. Họ đã phải tháo chạy tán loạn trước rừng lưỡi lê, và quân đội của tướng MacArthur đã thiêu rụi thành phố lều trại của họ.

GIẢI PHÁP NEW DEAL

Đại Khủng Hoảng Kinh Tế, tuy nhiên, đã gây xáo trộn đến trình độ: giới thất nghiệp cuối cùng đã trở thành một khối chính trị tầm cỡ quốc gia. Phong trào gây áp lực đối với các chính trị gia dòng chính phải làm một điều gì đó đã trở nên ngày một cực lực. Hội Nghị các Thị Trưởng, còn hoạt động cho đến ngày nay, đã được thành lập để vận động hành lang Hoa Thịnh Đốn về chương trình cứu trợ liên bang cho giới thất nghiệp. Ngay cả một số trong cộng đồng doanh thương cũng đã phải lên tiếng phàn nàn về cái giá phải trả cho nạn thất nghiệp đối với hiệu quả doanh thương.

Bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ, an sinh, và các công tác công cộng, tất cả các đề tài đó đã trở nên ngày một phổ thông trong công luận kể từ đầu thế kỷ 20 và đã được thu gom thành một gói các giải pháp cơ bản trong chương trình New Deal của  T T Franklin Roosevelt, để đối phó với tình trạng bất ổn định nội tại trong đời sống hàng ngày của giai cấp vô sản. Không một đáp ứng riêng lẻ nào đủ rộng lớn; tuy vậy, tất cả các biện pháp đều luôn bị tấn công chỉ trích ngay từ khi mới được khai sinh.

Văn kiện lập pháp táo bạo nhất được xem xét , luật Lundeen do sáng kiến của dân biểu Minnesota, lẽ ra đã có thể thiết kế một chương trình bảo hiểm thất nghiệp với mức trợ cấp bằng với tiền lương hiện hữu cho bất cứ ai trên 18 tuổi đang làm việc bán hay toàn thời gian. Mặc dù dự luật chưa bao giờ thành luật, chương trình cũng đã được tài trợ bởi sắc thuế đánh vào số  lợi tức trên mức 5.000 đô la, và được quản trị bởi các đại diện do công nhân bầu chọn. Điều đó khá phổ thông trong giả thiết căn bản nhất có lần đã được xem như không thể chấp nhận: thất nghiệp ở mức khá cao và có thể kéo dài trong một thời gian bất định.

Các biện pháp cứu trợ thất nghiệp ngày nay phải được cải thiện, và cũng đã được chấp nhận. Harry Hopkins, người cấm đầu nổ lực cứu trợ  New Deal, đã là trường hợp điển hình khi tiên đoán một mức tối thiểu từ bốn đến năm triệu người Mỹ có lẽ phải chịu thất nghiệp “ngay cả trong những thời kỳ kinh tế thịnh vượng trong tương lai.” Vì vậy, những cải cách cứu trợ mới phải được xem như những cơ chế tự vệ được thiết kế để giúp phục hồi kinh tế đang ngưng trệ và tối thiểu hóa các hậu quả chính trị của tình trạng thất nghiệp quá nghiêm trọng. Bảng liệt kê các giải pháp nầy đã tạo thành phần cốt lõi của cách tiếp cận thất nghiệp của phong trào lao động tiến bộ ngay từ lúc khởi thủy.

 

TỈ SUẤT THẤT NGHIỆP TỰ NHIÊN

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, thất nghiệp phần lớn đã trở thành một đề tài về con số và chính sách, thay vì một hiện tượng xã hội. Trong thập kỷ 1960, điều trước đây đã gây ấn tượng đối với đa số người Mỹ như bất thường và ghê rợn, đã hoàn toàn biến thái,  bởi các kinh tế gia và giới thượng lưu chính trị, thành một tỉ suất thất nghiệp tự nhiên[10] – một mức độ thiếu việc làm không nên can thiệp bởi lẽ chỉ phí thì giờ, và nếu cố gắng, cũng chỉ đem lại lạm phát.

Gần đây hơn nữa, vấn đề đã trở thành thực sự đồi trụy. Phe tân tự do – những người trong kỷ nguyên Reagan của thập kỷ 1980 đã làm lu mờ vai trò các đồ đệ của Keynes như những nhà tư tưởng áp đảo trong phạm vi chính sách kinh tế – lại âu lo thất nghiệp có thể chưa đủ cao. Họ ngày một e ngại nếu hàng ngũ những người thất nghiệp thực sự đã không đủ lớn, cả phí tổn lao động lẫn lạm phát sẽ lên cao, đe dọa giá trị tương lai của các số đầu tư tư bản[11]. Nói một cách khác, thế giới đã hoàn toàn đảo lộn.

Trong khi xã hội đã chính thức thích ứng với tính thường trực của thất nghiệp, chính những người không có việc làm đã phải cam chịu chìm đắm trong tình cảnh im lặng chính trị. Tuy nhiên, vẫn còn các ngoại lệ.  

Có lẽ cuộc biểu tình đông đảo nhất của các người thất nghiệp trong lịch sử Hoa Kỳ đã diễn ra trong năm 1963 khi 100.000 người xuống đường hướng về Hoa Thịnh Đốn đòi “Việc Làm và Tự Do.” Đó là một kết luận rõ rệt về các đề tài chính trị nhạy cảm trong suốt nửa thế kỷ đã qua, khi cuộc Diễn Hành đến Hoa Thịnh Đốn, đã luôn được nhắc  nhở  nhờ bài diễn văn nổi tiếng của Martin Luther King “Tôi Có một Giấc Mơ”, rất ít khi được nhắc tới như một bộc lộ lòng căm hờn chính đáng đối với một hệ thống chính trị xã hội đã xô đẩy hầu hết một chủng tộc vào trạng huống bị ruồng bỏ và vô gia cư,  lần đầu tiên đã phải trải nghiêm bởi các phụ nữ trẻ tuổi trong các nhà máy tơ sợi vùng New England ngay trong lòng Hiệp-Chủng-Quốc-Tiền-Nội-Chiến.

Ngày nay, vấn đề cần được đặt ra: Khi chuẩn mực thất nghiệp mới ngày một rõ nét, liệu tập thể 99% vẫn tiếp tục chỉ là một con số, hay liệu sự giận dữ và chức-năng-bất-thích-ứng của hệ-thống[12] sẽ đưa các phong trào của giới thất nghiệp một lần nữa trổi dậy và liên kết, như trong quá khứ, với các nạn nhân khác của đà suy thoái kinh tế?

Đã hẳn, chúng ta không nên phóng đại quá đáng tác động của phong trào chống đối của giới thất nghiệp trong quá khứ. Ngay cả Đại Khủng Hoảng Kinh Tế cũng đã không mong đợi nhiều ở khả năng động viên quần chúng bền lâu từ giới thất nghiệp.

Điều nầy không có gì đáng ngạc nhiên. Thực vậy, do bản chất,  thất nghiệp thường khiến nạn nhân mất tinh thần và trở nên cô lập. Thất nghiệp có khuynh hướng biến đổi quần chúng thành đám đông luôn chao đảo và hay thay đổi, với không một kẻ thù chung dễ nhận diện, và không một nơi thích hợp để kết hợp và thống nhất.

Một vấn đề khác cũng nên quan tâm: Trong những năm sắp tới, chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến một sự trở lại của nổi kinh hoàng trước hiện tượng không có việc làm; và người Mỹ có thể được thúc đẩy để bắt đầu đặt lại những vấn đề cơ bản về một hệ thống đã và đang sống nhờ ở tình trạng buồn thảm đó.

Xét cho cùng, chúng ta hiện đang sống trong một nền kinh tế thiếu phát triển. Những việc làm mới được tạo dựng luôn có thù đáp thấp, không đòi hỏi kỷ năng cao, và thường mang tính tạm bợ, và cũng không đủ để giảm bớt số người thất nghiệp một cách đáng kể.

Tập thể 99% là bằng chứng hiển nhiên: chúng ta rất có thể đang chứng kiến sự ra đời của một giai cấp mới và thường trực gồm những phần tử bị đẩy dần ra ngoài lề xã hội. Tỉ suất thất nghiệp không có việc làm trên sáu tháng đã gia tăng từ 8,6% năm 1979 lên đến 19,6% hiện nay.  Hơn nữa, chủ nghĩa tư bản mềm dẻo đã  có khuynh hướng biến thái việc làm ngày một trở nên tạm bợ và bấp bênh.

Cho đến nay, các nhà ý thức hệ trật tự mới đã khá thành công tái phục trang hệ thống tư bản mềm dẽo như một hình thức mới của tự do.

Các thế hệ người Mỹ đi trước, những người đã từng trải nghiệm những gián đoạn và đứt quảng trong đời sống và việc làm, và đã di thực hàng nghìn dặm để kiếm việc làm, có thể duy trì hay đánh mất tùy theo thị hiếu của giới chủ, và họ cũng chưa bao giờ bị tuyệt vọng đến thế.

Xét cho cùng, người Mỹ có một lựa chọn: họ có thể tiếp tục chấp nhận tình trạng thất nghiệp lan tràn như một sự kiện tự nhiên và thường trực, hay như một sắc thái căn bản trên lộ trình lưỡng đảng tìm kiếm phục hồi kinh tế qua các biện pháp kiệm ước.

Họ cũng có thể dõi theo lối mòn của những thanh niên không có việc làm trong Mùa Xuân Á Rập hay những người dân xuống đường phản kháng hàng loạt như ở Âu châu.

Ngay cả những người vô sản tân thời ở Ventura, California, ngủ trong xe bên vệ đường,  cũng có thể quyết định họ đã chán ngấy một trật tự chính trị và kinh tế phá sản đến độ đã trở nên vô bổ đối với họ với bất cứ giá nào.

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

17-4-2012


[1] …ordinance…
[2] …the reserved army of labor…
[3] …class struggle and working class…
[4] …post-industrial flexible capitalism…
[5] …casualness and transience
[6] …free agency.
[7] It is not part of the business of government to find employment for people.
[8] I believe the working men themselves will have to take action. I believe those men that are employed will have to look out for for the unemployed that work at the same business they do.
[9] The lessons of paternalism ought to be unlearned and the better lesson taught that while the people should patriotically and cheerfully support their government, its functions do not include support of the people.
[10] ..the natural rate of unemployment…
[11] ..if the ranks of the jobless were not large indeed, both labor costs and inflation would rise, threatening the future value of capital investments.
[12] …systemic disfunction…

 

 Xin giới thiệu  trang nhà của tác giả   http://nguyentruong92606.wordpress.com/

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường